Trúc quán đúng thật là trúc quán, là một địa phương nhỏ nằm giữa một rừng trúc bạt ngàn, lưng giáp vào Nguyệt Mộng hồ, phối hợp giữa cái xanh của mặt nước và cái xanh của trúc, tạo thành một phong vị đặc biệt ưu nhã.
Trúc quán rất tĩnh lặng, không phải vì nó vắng khách, mà do thực khách khi vào đây dường như cũng bị cảm nhiễm bởi sự u tịch vốn có của quán, nên đều trở nên khẽ khàng hơn, lặng lẽ hơn, chừng như ai cũng đang chìm sâu vào một khoảng bình yên của riêng mình.
Đường Kiệt Tuấn chừng như là khách quen của Trúc quán, bước giữa rừng trúc bạt ngàn mà không hề dừng chân, chỉ lát sau đã dẫn cả nhóm 4 người tới một cái lán nhỏ được lợp bằng trúc, nằm tĩnh lặng kề bên Nguyệt Mộng hồ.
- Đây là một trong những nơi tốt nhất thuộc Trúc quán, cách xa hoàn toàn với những lán khác, nếu không phải khách quen, thậm chí sẽ không biết được nó nằm ở đâu giữa U Nhã Trúc Lâm này.
Đường Kiệt Tuấn chừng như đối với nơi này rất tâm đắc, vừa đưa tay mời mọi người ngồi xuống, vừa tự kiếm cho mình một chỗ càng xa càng tốt so với hai vị cô nương.
- Đường tiên sinh, không ngờ ngài lại trở lại sớm như vậy. Các vị khách quan, xin mời gọi món.
Khi câu nói ấy vang lên, Lệ Sa Nhã Trân và Thi Cầm mới biết hóa ra Đường Kiệt Tuấn không phải cùng đường với họ, chỉ vì tình cờ gặp gỡ mới phải quay trở lại Lạc Bình thành.
Người nói là một tiểu cô nương tuổi chừng mười một, mười hai, thân vận một bộ y phục màu xanh, xuất hiện từ phía rừng trúc. Chỉ thấy cô bé mắt cười khả ái, khuôn mặt bầu bĩnh, dáng vẻ hoạt bát, tuy chưa lớn đã tiến đoán về một mĩ nhân trong tương lai không xa, hẳn nhiên là người của Trúc quán. Chờ cho cô bé đưa ra mười mấy tấm thẻ trúc, mỗi tấm thẻ đều khắc tên một món ăn và vài lí giải cơ bản về mỗi món, Đường Kiệt Tuấn mới nói: