Thành Phố Hoang Vắng
Chương 21
Cô mấp máy môi như muốn nói, nhưng không nên lời. Một lúc sau, anh hỏi: “Em có thích không?”
“Thích.”
“Ý anh là hoa hồng.”
“Vâng… hoa hồng.”
“Phía trước là nhà em rồi đấy!”
“Ơ, thật sao?” Cô hồi hộp quá rồi, thật là xấu hổ khi nhìn anh, nhưng không nhìn anh lại càng ngượng ngùng hơn, bèn đưa mắt nhìn ngó quanh quất.
“Không phải cánh cổng sắt đó ư?”
“Phải.”
Anh đưa cô đến tận cổng.
“Ngày mai nhớ đến coi thi giúp tôi nhé”, anh nói. “Cô Hà.”
“Được thôi, thầy Quý.”
“Chúc ngủ ngon!”
“Đi đường cẩn thận…Khuya lắm rồi, anh gọi taxi đi.” Cô dặn dò.
“Không sao, anh thích đi bộ.”
Đêm khuya thanh vắng. Thái Hồng chưa vội lên nhà, đứng mãi ở dưới, dõi mắt theo bóng lưng đang dần khuất của Quý Hoàng. Những đóa hoa hồng trước ngực cô tỏa hương thơm ngào ngạt, say đắm lòng người. Cô tựa người vào lan can, ngẩn ngơ một lúc lâu, sắp xếp lại những cảm xúc trong lòng, định cất bước lên lầu, bỗng từ trong bóng tối có tiếng người gọi cô: “Thái Hồng!”
Cô giật bắn người, tay run lẩy bẩy, hoa hồng rơi vãi khắp mặt đất.
“Mẹ!” Cô vội vàng nhặt lại những đóa hồng rơi trên mặt đất, vừa khẽ lau mồ hôi rịn trên trán.
“Trời mưa to thế kia, sao về muộn thế? Gọi điện thoại cho con cũng chẳng thèm bắt máy?” Giọng của Lý Minh Châu vang lên trên cầu thang, hình như bà đã đợi cô rất lâu nên hơi nổi giận.
Thái Hồng lấy di động ra, nhấn nhấn vào bàn phím, thè lưỡi: “Xin lỗi mẹ, di động của con bị hết pin. Mà không phải con đã nói hôm nay đi xem bóng đá với Đông Lâm rồi sao? Sau đó còn đi ăn tối nữa, nên về hơi muộn một chút.”
“Mẹ đã gọi điện cho Đông Lâm rồi, cậu ấy nói đồng nghiệp của con đưa con về.” Lý Minh Châu đáp, ánh mắt có chút kỳ lạ.
“Dạ đúng.” Thái Hồng vồn vã đến dìu bà bước lên lầu. “Thế mẹ còn có chuyện gì không yên tâm nữa nào?”
“Người ban nãy… chính là đồng nghiệp của con?”
Đã bị trông thấy rồi sao?!
Thái Hồng giật thót, sợ đến mức hồn vía bay lên mây, sợ mẹ nhìn thấu nỗi lòng mình, cô tỏ vẻ điềm tĩnh: “Vâng.”
Theo thói quen thường ngày, những lúc thế này Lý Minh Châu chắc chắn sẽ truy hỏi đến tận cùng, không ngờ bà không hỏi tiếp, mà đột nhiên rơi vào trầm ngâm.
Thái Hồng cũng không dám tiếp lời, chỉ im lặng dìu mẹ bước vào nhà.
Trong nhà thoang thoảng mùi thơm của thức ăn. Mọi thứ đều cũ kỹ, khung cửa cũ kỹ, rèm cửa cũ kỹ, nước sơn ở góc tường đã tróc ra, rơi xuống lả tả, chiếc sofa già da rách một mảng, để lộ miếng xốp màu vàng bên trong, và được dán lại bằng một lớp keo bẩn đến không nhận ra được màu sắc. Ngoài những thứ đó ra thì tất cả những chỗ khác trong ngôi nhà này đều rất sạch sẽ, ngăn nắp. Sàn nhà không một hạt bụi, mặt bàn sáng loáng như gương, tựa như muốn dùng sự sạch sẽ, bóng bẩy hòng cứu vãn nét cũ kỹ, già cỗi của ngôi nhà. Kỳ lạ là, một không gian nhỏ hẹp thế này lại không có vẻ chật chội, bởi trong nhà Thái Hồng có lắp rất nhiều gương. Thái Hồng đã từng vì chuyện này mà kháng nghị kịch liệt với Lý Minh Châu, những tấm gương khiến cô cảm thấy như mất đi sự riêng tư, và mất đi cảm giác chân thật. Minh Châu cười khẩy: “Cảm giác chân thật có ích gì? Cái mà ngôi nhà này thiếu là không gian.”
Mỗi lần bước vào nhà, một cảm giác áy náy không tên lại trỗi dậy trong lòng Thái Hồng. Suốt bao năm nay, cha mẹ cô dùng đồng lương ít ỏi của mình để chèo chống cho cái nhà này. Còn cô, tuy đã trưởng thành, nhưng tiền lương giáo viên chỉ như hạt muối bỏ biển, và vẫn phải tiếp tục đối diện với ngôi nhà cũ kỹ, già cỗi này.
“Cha về chưa mẹ?” Cô vừa hỏi vừa đi vào phòng ngủ, mang hoa hồng cắm vào lọ rồi đi lấy nước. Vừa ngoảnh đầu, chợt phát hiện Minh Châu đã bước vào phòng từ lúc nào, đang ngồi trên chiếc ghế cạnh đầu giường.
Chiếc ghế đó là đồ nội thất đắt tiền nhất trong nhà cô, bằng gỗ lim, nghe nói là đồ dùng trong các vương phủ từ cuối đời Thanh, cũng là của hồi môn của Minh Châu. Bà không dám đặt nó ở phòng khách, vì sợ khách khứa đến ngồi làm hư mất, nên trước giờ đều đặt trong phòng ngủ của Thái Hồng.
Hằng năm, đến ngày sinh của ông ngoại Thái Hồng, Lý Minh Châu lại tỉ mẩn dùng sơn dầu quét lại chiếc ghế một lượt với thái độ thành kính, miệng lầm rầm thủ thỉ, như đang trò chuyện với linh hồn ông ngoại cô.
“Con không biết ông ngoại con thương mẹ thế nào đâu. Nếu ông còn sống, cũng không biết ông sẽ cưng chiều con đến nhường nào”, Minh Châu nói. “Thời đó, hơn nửa phố Huệ Tây là của Lý gia ấy chứ.”
Đây là câu nói mà Hà Đại Lộ cảm thấy chướng tai nhất: “Con xem mẹ con kìa! Người ta là hồi tưởng quá khứ cay đắng để nhớ đến sự ngọt ngào hôm nay, còn bà ấy thì ngược lại, cứ hồi tưởng quá khứ ngọt ngào để chống chọi với nỗi đắng cay hiện tại. Kết quả thì sao? Kẻ ngọt ngào thì càng thấy ngọt ngào hơn, người đắng cay thì lại càng đắng cay hơn. Công nhân quê mùa thì sao nào? Năm xưa cha là cá nhân tiên tiến trong xưởng, các cô gái theo đuổi cha xếp cả hàng dài. Mẹ con ấy hả? Suốt ngày chỉ nhớ cái thân phận đại tiểu thư của gia cấp tư sản.”
Chiếc ghế đó được Lý Minh Chây tôn thờ như thánh thần, Thái Hồng cũng chẳng mấy khi dám ngồi vào, tựa như ngồi xuống đó không phải là ngồi trên ghế, mà là ngồi trên đầu gối của ông ngoại, nên ngày thường cũng chỉ dùng nó để vắt quần áo.
“Chưa, cha con nói là ban ngày ít mối quá, vừa nãy nhân lúc trời mưa to lại lái taxi đi rồi. Mẹ mới hầm canh đậu đỏ cho con đấy, uống một bát cho ấm người rồi hãy ngủ.” Minh Châu chỉ tay về phía chiếc bàn học của cô.
Thái Hồng đưa mắt nhìn, bát canh đậu đỏ đặt trên bàn đang bốc khói nghi ngút. “Con cảm ơn mẹ!” Thái Hồng cười ngọt, bưng bát canh lên uống một ngụm lớn.
Hàn huyên vài câu, Minh Châu bâng quơ hỏi: “Thái Hồng, ai tặng con hoa hồng vậy?”
“Còn ai nữa, Đông Lâm chứ ai.”
“Đông Lâm sao lại có thể tặng con hoa lụa? Chẳng lẽ cậu ta bủn xỉn đến thế cơ à?”
“Ơ, có hoa lụa sao? Sao con không phát hiện ra? Trời, đúng là có thật này! Cái gã Đông Lâm đúng thật là… Đúng là keo kiệt quá đi mất! Mẹ xem, chỉ có mười một đóa, còn chẳng đủ một tá nữa chứ!”
“Con ngốc biết gì hả? Đây là mười một, một cộng một, một lòng một dạ, trọn đời trọn kiếp, nó mang ý nghĩa còn tốt đẹp hơn cả số mười hai nữa kia.”
Thái Hồng tròn mắt kinh ngạc: “Mẹ! Không ngờ mẹ cũng rành những thứ này ghê!”
“Xì! Con nghĩ mẹ con là ai hả? Mẹ trải đời nhiều rồi. Hồi nhỏ, mấy ông anh họ của mẹ có ai lại không vắt óc nghĩ cách tặng hoa cho bạn gái họ? Ai giống cha con, chỉ biết tặng Hồng Bảo thư?”
“Mẹ à, cha tặng mẹ Hồng Bảo thư, thế mẹ tặng cha thứ gì?” Thái Hồng cười, nhích qua chỗ mẹ, ngồi xuống.
“Tặng? Cùng lắm là nở một nụ cười với ông ấy, mà phải xem tâm trạng mẹ có tốt hay không đã. Mấy chuyện này ấy à? Làm con gái phải ý tứ một chút, đâu thể để người ta lấy lòng dễ dàng như thế được? Chỉ có mấy đóa hoa cỏn con này, lại còn dùng hoa giả đắp vào cho đủ, làm như xua đuổi con hầu không bằng.”
Ẩn ý bóng gió đây mà, Thái Hồng giả vờ sắp xếp mấy quyển sách trên bàn, thầm thở dài ngao ngán, lại phải nghe giáo huấn nữa rồi!
“Nói đi, cậu đó là ai? Hả? Rõ ràng là Đông Lâm đi với con, sao cuối cùng lại là cậu ta đưa con về? Trên tay còn ôm một bó hoa? Cãi nhau với Đông Lâm à? Thái Hồng, giận dỗi với bạn trai là chuyện bình thường, có gì thì ngồi lại nói chuyện với nhau. Đừng có hơi tí giận dỗi là lại nhào vào lòng kẻ khác, đó là chuyện rất ngớ ngẩn. Con học hành bao nhiêu năm rồi, không thể không biết đạo lý này”, Minh Châu nghiêm túc nói.
“Mẹ ơi, con đã nói bao nhiêu lần rồi, Đông Lâm không phải bạn trai con.”
“Thế thì… hoa là do cậu kia tặng con đúng không?”
“Không phải.”
“Con nhỏ này, mới có tí tuổi đầu mà đã muốn qua mặt mẹ sao?”
“Không phải thật mà. Là con tự mua đấy. Con thích hoa hồng, lại cuối ngày rồi nên chủ tiệm nói bán cho con chỉ với giá hai mươi đồng thôi.”
“Sau đó con chê chưa đủ, lại mua thêm một đóa hoa lụa kia?”
“Ông chủ thấy con thích nên tặng thêm một bông hoa vải.”
“Thế sao con lại nói hoa này là do Đông Lâm tặng?”
“Con sợ mẹ suy nghĩ vẩn vơ.”
“Con còn chưa trả lời mẹ cậu kia rốt cuộc là ai? Là đồng nghiệp của con thật sao?:
“Vâng, là đồng nghiệp. Chúng con làm cùng khoa Văn, vô tình gặp nhau nên cùng đi về nhà. Con là trợ giảng của anh ấy, anh ấy là thầy hướng dẫn của con, ngày thường con giúp anh ấy coi thi, chấm bài. Sau này con có học tiếp lên tiến sĩ chắc chắn sẽ chọn học môn của anh ấy, vậy nên, phải cố thắt chặt quan hệ ngay từ bây giờ…”
“Theo học môn của cậu ta?” Minh Châu tỏ vẻ nghi ngờ. “Anh chàng đó trẻ như thế, đâu có lớn hơn con đâu.”
“Con không biết anh ấy bao nhiêu tuổi nhưng là sinh viên xuất sắc của trường danh tiếng, học vấn rất uyên thâm đấy mẹ.”
“Sinh viên xuất sắc tên gì nào?”
“Họ Quý. Ôi, mẹ hỏi nhiều thế làm gì?”
“Nếu con đã nói phải thắt chặt quan hệ, có thời gian rỗi thì mời cậu ta đến nhà mình ăn bữa cơm. Con nhỏ này đúng là không hiểu chuyện, thầy hướng dẫn đưa con về tận nhà, đáng lẽ con phải mời cậu ra lên nhà chơi, uống chén nước rồi hãy về chứ!”
“Hôm nay khuya quá rồi, để lần sau đi mẹ.” Giọng điệu của mẹ có vẻ như đã thay đổi một trăm tám mươi độ, Thái Hồng không biết nên vui hay nên buồn, trống ngực đập thình thịch mãi không thôi.
Vẻ mặt Minh Châu bỗng lạnh tanh, cầm một tờ giấy bạc mười tệ từ trên bàn lên, phẩy phẩy trước mặt Thái Hồng: “Thái Hồng, cái này là gì?”
“Một tờ giấy.”
“Nhớ kỹ, tiền không phải một tờ giấy, nó tượng trưng cho quyền lực, sự lựa chọn và sự khống chế. Đợi đến khi nào con ở độ tuổi như mẹ sẽ nhận thức được tầm quan trọng của nó.”
“Mẹ à, mẹ không thấy phiền sao? Sao giọng điệu mẹ cứ như nhà tư bản ấy?”
“Cái cậu sinh viên xuất sắc đó, con có thể yêu thích, ngưỡng mộ, nhưng…” Minh Châu khẽ véo mũi cô, nửa đùa nửa thật nói. “Nếu con muốn lấy cậu ta, tốt hơn là hãy từ bỏ ý nghĩ đó càng sớm càng tốt. Mẹ nói cho con biết, người đó không thích hợp với con, mẹ và cha con tuyệt đối không đồng ý. Cuộc đời của con có hạn, đừng lãng phí tinh thần vào những chuyện không có kết quả này.”
“Mẹ! Con mới quen anh ấy mấy tháng thôi, trò chuyện cũng chỉ được dăm ba câu, chuyện này rốt cuộc là gì đây, mẹ cũng quá đa nghi rồi đấy.”
“Con nhỏ này, có người mẹ nào mà không hiểu con gái chứ? Tật xấu của con là học quá nhiều làm đầu óc mụ mị, hay suy nghĩ viển vông, hão huyền. Mà cũng không trách con được, mẹ ở tuổi con cũng thế thôi. Con tưởng tìm chồng là phải tìm người có chung sở thích với con sao? Kết hôn nghĩa là hai người cùng hát khúc tình ca tâm đầu ý hợp sao? Sai! Niềm hạnh phúc và sự hòa thuận trong một gia định không được quyết định bởi những chuyện đó, mà bởi mấy chuyện vụn vặt thường ngày, chẳng hạn như con thức dậy sớm hay muộn? Con thích ăn cay hay ngọt? Con chi tiêu hoang phí hay tiết kiệm? Con thích nấu cơm hay rửa bát? Con thích xem phim truyền hình hay thời sự? Con thích ở chung với người già hay ở riêng? Cuối tuần con thích làm gì? Thích ra ngoài tụ tập với bạn bè hay ở nhà với chồng con?... Trước khi kết hôn, con tưởng rằng đã tìm được người bạn đời như ý, kết hôn rồi mới phát hiện ra hai đứa con suốt ngày đấu khẩu, gây gổ chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt. Thái Hồng, mẹ phải nói cho con biết, trong gia đình chẳng có chuyện gì to tát đâu, có chăng chỉ là những chuyện vụn vặt mà thôi, chuyện nhỏ không giải quyết xong, chuyện lớn chưa đến thì cái nhà đó đã tiêu tan rồi…”
“Cùng chung chí hướng thì có gì không tốt sao? Càng nhiều điểm giống nhau càng ít xung đột. Như cái anh chàng Tần Tiểu Đồng lần trước mẹ bắt con đi xem mắt đấy, điều kiện nào cũng phù hợp, nhưng hắn mà mở miệng nói là con chịu không nổi, nào là cổ phiếu, nào là trái phiếu, nào là ngân hàng…Thực sự là chẳng có tiếng nói chung nào cả, ở trước mặt hắn, con chẳng thể ngồi yên được mười phút…”
“Con nhóc này, vấn đề của con là ở đấy.” Minh Châu nhấp một ngụm trà, từ tốn phản bác lại. “Vì sao mọi người lại thích cùng chung chí hướng? Chỉ vì hai chữ: tiện lợi. Con không cần phải tốn sức tìm hiểu một con người, hiểu về bản thân là được rồi, dù sao hắn cũng giống hệt con rồi còn gì! Con cũng chẳng cần nói chuyện với hắn, tự mình nói chuyện với mình là được rồi. Bọn thanh niên các con cứ thích lười biếng, không biết rằng để hiểu cặn kẽ một người phải tốn biết bao nhiêu thời gian, nhưng các con cũng chẳng muốn biết con người thực sự của họ là như thế nào. Chẳng qua chỉ xem người ta như một tấm gương để xem hình ảnh của mình phản chiếu trong đó. Con xem Hàn Thanh và Hạ Phong ấy, có chung chí hướng không? Bây giờ thì sao nào?”
“Người ta là vợ chồng son, vẫn đang trong giai đoạn thích ứng nhau mà!”
“Loại người như thằng đó nhà ta không thích ứng nổi, chưa kịp mài để nó thích ứng mình thì mình đã bị mài thành lỗ to rồi! Cái thằng Hạ Phong đó, giờ mẹ chỉ cần gặp nó thôi là đã thấy tức. Chỉ tiếc cho Hàn Thanh, một cô gái tốt như thế, có học thức, có giáo dục, đoan trang, hiền thục, có người lớn nào gặp mà không thương nó đâu? Con nói xem, lúc đầu sao nó lại say Hạ Phong như điếu đổ thế chứ? Chỉ dựa vào bốn chữ… cùng chung chí hướng… thế là nó nhắm mắt đưa chân nhảy xuống vực thẳm luôn. Mẹ con mua có bó hành cũng phải lựa chọn cả nửa buổi trời, sao nó lại dễ dàng chấp nhận thế cơ chứ? Thôi được rồi, không nói chuyện của nó nữa. Bây giờ con nói cho mẹ biết, cậu sinh viên xuất sắc đó là người ở đâu? Bố mẹ làm nghề gì? Xem cách ăn mặc của cậu ta, chắc gia đình cũng chỉ bình thường, mẹ nói có đúng không?”
Mẹ không hổ danh là mẹ, con mắt nhìn người quá là sắc sảo. Thái Hồng bỗng giật mình: “Mẹ, sao mẹ biết? Mẹ còn chưa nói chuyện với anh ấy nữa mà.”
“Mẹ đứng trên cầu thang nhìn thấy hai đứa. Mọi thứ trên người cậu ta như quần áo, thắt lưng, đồng hồ,… cái nào cũng như nhau, đều không quá ba mươi đồng. Một người như thế lại tặng con mười một bông hoa, đúng là cũng chịu chơi ghê nhỉ?”
“Mẹ ơi, con thực sự không quen thân anh chàng đó đâu. À… Ngày mai con phải đến trường, tối nay còn rất nhiều bài phải chấm, vài ba hôm nữa mẹ lại tiếp tục giảng bài cho con nghe, được không mẹ?”
Lý Minh Châu nhìn cô, thở dài: “Mẹ sợ con chịu thiệt, chẳng may lại gặp phải một Hạ Phong khác. Haizz! Mẹ có phải liều cái mạng già này cũng phải trông thấy con lấy được một tấm chồng tốt. Bao nhiêu khổ cực mẹ phải chịu những năm qua mẹ nhất định không để con phải chịu… Được rồi, làm việc của con đi, nhớ lời mẹ… Cứ nhìn Hàn Thanh xem mẹ cô nói sai không? Đừng có đến lúc bị người ta đánh đập rồi lại chạy về than khóc với mẹ, lúc đó cha mẹ già rồi không giúp gì được cho con nữa đâu.”
Nói rồi bà đóng cửa đi ra ngoài.
Bị mẹ đánh một đòn phủ đầu, Thái Hồng còn lòng dạ nào mà chấm bài được nữa? Cô tức giận, lấy chăn trùm kín đầu, ngã vật ra giường lăn qua lăn lại, thở dài thườn thượt. Nhớ đến những lời của Quý Hoàng, mắt cô đau đáu nhìn lọ hoa hồng đặt ngay trước bệ cửa sổ, nửa ngọt ngào nửa đau buồn, trằn trọc đến tận gần sáng mới thiếp đi. Ngủ chưa được bao lâu thì chuông đồng hồ reo, cô lồm cồm bò dậy, mang cặp mắt thâm quầng đến trường.