Thâm Cung

Chương 57: Ngoại truyện: Lạp cự thành hôi lệ thuỷ can


Chương trước

Khi Lê Khiết nhận ra mình đã yếu như thế nào thì cũng là lúc trời vừa chuyển sang đông.

Nàng khi ấy đang ngồi ở hiên nhà nhìn những thân hoa mới ngày nào còn khoe sắc giờ đã chết đi mấy phần. Nhưng cây cối có mệnh riêng, có chết đi thì sang xuân cũng sẽ đâm chồi. Còn sinh mệnh con người thì mỏng manh, hệt như bông tuyết đầu mùa vừa chạm tay, gặp phải hơi người thì tan biến.

Tuyết bắt đầu rơi xuống ngày một đều hơn, gió theo đó cũng ùa vào mái hiên. Lúc ấy thánh giá cũng vừa đến. Hoàng Đế nhìn thấy nàng ngồi đó, sức lực chẳng còn mà tay lại nâng lấy bông tuyết, gió lạnh thổi bay mấy sợi tóc nàng. Cái dáng vẻ gầy mòn chẳng còn sinh khí làm Hoàng Đế thấy nhói lên. Hắn bước vội đến, đắp lên vai nàng chiếc ao choàng trắng. Nhưng vừa khoác xong, hắn lại thấy màu trắng quá đỗi tang thương, khiến nàng như thể sắp biến mất, vội quát cung tỳ mang đến chiếc áo màu hồng nhạt.

Nhận ra bên cạnh mình có người, Lê Khiết giật mình quay lại, nhìn thấy ánh mắt đượm màu xót xa thì vội vã quỳ xuống, nói:

– Thần thiếp không kịp nghênh đón thánh giá, tội đáng muôn ch…

Không để nàng nói hết câu, hắn vội vã ngồi xuống đỡ lấy nàng.

– Có gì mà đáng chết! – Giọng hắn nghe có mấy phần tức giận. – Nàng đang bệnh, trẫm miễn hết. – Lại quay sang trách đám cung tỳ. – Sao dám để Hiền Phi ngồi ở nơi lạnh như vầy?

– Bệ Hạ. – Lê Khiết nhẹ nhàng gọi. Dường như thanh âm ấy khó khăn lắm mới thoát ra khỏi môi nàng làm hắn giật mình. Hoàng Đế vội vã chăm chú lắng nghe. – Là thần thiếp muốn ngắm tuyết rơi. Đừng trách bọn họ.

Hoàng Đế lập tức đồng ý, nhưng lại sai cung tỳ lấy lò sưởi đến cho nàng.

Mái hiên vốn dĩ chẳng có chỗ ngồi, bây giờ thánh thượng đến liền bày lò sưởi, bày cả ghế ra. Không khi ấm áp lên mấy phần nhưng cũng vì vậy mà chẳng còn bông tuyết nào bay đến bên cạnh nàng. Lê Khiết ngẩn ngơ đưa tay ra như chẳng hề nhớ đến chuyện bên mình còn có đấng uy nghiêm đứng cạnh, nhưng đâu có bông tuyết nào chạm được đến tay nàng nữa.

Ngày hôm đó là ngày đầu tiên tuyết rơi.

Qua ba hôm sau, tuyết rơi dày hơn.

Bây giờ có muốn thì Lê Khiết cũng chẳng thể nào bước chân ra ngoài để ngắm nhìn nữa. Cửa sổ phòng nàng cũng chỉ hé mở vì thái y nói nàng không thể để nhiễm lạnh nữa. Lê Khiết nằm trên giường, dường như chẳng nghe tiếng Thái Y dập đầu với Hoàng Đế:

– Thần…chúng thần quả thật không biết Hiền Phi bị bệnh gì? Mạch tượng tuy có yếu nhưng không loạn, chỉ e… chỉ e là do nương nương bẩm sinh yếu ớt.

– Hoang đường! – Tiếng Hoàng Đế quát lớn. – Hiền Phi bẩm sinh khỏe mạnh hoạt bát, làm sao mà có thể chết yếu ớt hả? – Hắn chuyển sang giọng nghi ngờ hỏi. – Hay là nàng ấy trúng phải độc?

– Bẩm bệ hạ, mạch của Hiền Phi không phải là mạch độc!

– Vậy thì nàng bị làm sao hả?

Lúc này ngoài điện đã im lặng, chỉ nghe tiếng thái y lại dập đầu xin tội. Lê Khiết mới hé môi nói với nô tỳ ra mời Hoàng Đế vào trong.

– Người đừng làm khó họ nữa. Là thần thiếp mệnh yểu.

– Trẫm không cho nàng nói như vậy! Nàng vốn khỏe mạnh hơn cả trẫm, sao lại nói như vậy? Bệnh một chút đã làm nàng mụ mị rồi hay sao?

Thấy hắn kích động như vậy, Lê Khiết dịu giọng nói:

– Là thần thiếp hồ đồ.

Nhìn dáng vẻ cam chịu của nàng, hắn thấy không quen.

Lê Khiết trong kí ức của hắn là một khuê nữ tinh nghịch và ương bướng chứ không phải một người sắc mặt nhợt nhạt đang nằm im, khó khăn lắm mới nói được mấy lời.

Hoàng Đế nhoài người đến ôm chầm lấy nàng, khẽ nói.

– Khi nào nàng khỏe lại ta sẽ dẫn nàng đi xem thao binh, ta sẽ dạy nàng cưỡi ngựa.

– Có phải là ngựa Xích Thố nổi tiếng hung hãn không? – Lê Khiết hỏi lại. Giọng nàng nghe nhỏ lắm rồi.

– Đúng, đúng, là ngựa Xích Thố, có cả ngựa Ô Trung nữa.

Lê Khiết bật cười.

– Ô Trung là tên người gọi chứ có phải giống ngựa đâu.

– Phải… Phải… Khi nào nàng khỏe lại ta sẽ dẫn nàng đi.

Vậy mà Lê Khiết mãi chẳng khỏe lại.

Khi hắn đến Cẩm Tước cung thì tuyết vẫn đang rơi, còn Hiền Phi đang ở giữa sân. Nàng đứng chẳng vững, chỉ có thể tựa vào cây mà hứng lấy những bông tuyết. Nếu là ngày thường Hoàng Đế bệ hạ đã quát tháo đòi chặt đầu mấy kẻ dám để nàng ra ngoài trời. Nhưng lúc này đầu hắn chỉ nghĩ phải làm sao để bảo vệ nàng.

Hắn chạy nhanh đến đỡ lấy Lê Khiết, chỉ thấy nàng mỉm cười mơ hồ:

– Là thần thiếp tự mình ra đây, người đừng phạt họ.

– Không phạt… ta sẽ không phạt họ.

– Bệ hạ?

– Chuyện gì?

– Người đừng đến gặp thần thiếp nữa.

Hoàng Đế nghe như sấm động bên tai, hắn nhìn nàng đầy hoài nghi.

– Sau này thần thiếp sẽ còn tiều tụy hơn rất nhiều, thần thiếp không muốn làm người sợ.

Hắn ôm chầm lấy thân hình yếu ớt của nàng, khẽ lay:

– Nàng thế nào ta cũng chẳng sợ.

– Thần thiếp xin…

Lời còn chưa nói hết, máu đã phun ra ướt đẫm tuyết trắng.

– Khiết nhi!

– Bệ hạ… từ nay về sau, thiếp sẽ không gặp người nữa. Thiếp chỉ mong… chỉ mong ngưới nhớ mãi dáng vẻ hoạt bát cưỡi trên lưng ngựa… trên lưng ngựa của… của thần thiếp… mà thôi. – Nói đến đây, nàng từ từ ngất đi.

Lê Khiết là kẻ cứng đầu. Hoàng Đế sau hôm đó vẫn đến gặp nàng nhưng nàng dùng mạng che kín mặt, lại quay mặt vào tường. Gọi thế nào nàng cũng chẳng nhìn hắn, mà hắn thì lại sợ làm nàng đau.

Hoàng Đế tức giận đến hộc máu, hắn nói:

– Lê Khiết ỷ sủng sinh kiêu, lệnh cho thái y không được sắc thuốc cho nàng nữa.

Nghe đâu ngay sau đó, gia tộc Lê thị hiển hách đột ngột suy tàn, để lại trong cung một Hiền Phi bệnh tật buồn đau.

Rồi ba ngày sau thì Lê Khiết vong mạng.

Và đó là một trong những bí mật mà chẳng một ai dám nhắc lại, còn Cẩm Tước cung cứ thế vắng bóng người.

Thế mới biết, thánh ý thật khó lường.


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...