Thâm Cung

Chương 53


Chương trước Chương tiếp

Mối hôn sự này không chỉ là sự sắp xếp của bậc tiền bối mà đôi bên cũng lưỡng tình tương duyệt. Đây vốn đã có thể là một mối lương duyên đẹp đẽ. Nào ngờ Tiên đế đột ngột băng hà, tân đế lên ngôi, hậu vị bỏ trống. Trưởng nữ họ Hà một bước hóa phượng hoàng, cẩm tú lương duyên năm xưa chớp mắt đã không còn.

Mùa đông lặng lẽ trải xuống hoàng thành Bách Phượng một màu trắng tinh khôi. Thời tiết ở đây không giống với Tùy Khâu, vừa mới lập đông tuyết đã rơi khá dày. Đàn phiến vỹ tước ở Cẩm Tước cung đã bay đi tránh rét từ lâu, không gian thiếu vắng đi tiếng chim chóc ríu rít chuyền cành càng thêm phần tịch mịch. Trời mùa đông âm u, thậm chí cả vào buổi trưa cũng chẳng thấy nổi mặt trời.

Ta vốn rất sợ lạnh. Nhớ ngày còn bé, ở cùng mẫu thân tại Viên Linh các rách nát, cứ mỗi khi đông đến là mẫu tử ta lại co ro ngồi ôm nhau cả ngày trong góc giường ọp ẹp. Bọn ta không có áo ấm, càng không có than sưởi, cứ phải trân mình chịu đựng cái lạnh thấu xương ấy. Những ngày tuyết lớn, cơm thừa canh cặn cũng không ai đưa đến cho ăn. Mỗi ngày, mẫu thân luôn đợi đến giờ ngọ, khi trời ít lạnh nhất để đi nhặt cành khô về sưởi tạm. Mùa đông cây cối đều trơ trọi, cành khô nhặt về chẳng được bao nhiêu, phải để dành đến đêm khuya khi cái rét trở nên dữ dội nhất mới dám lấy ra đốt mà chống chọi. Ta không nhớ nổi mình đã trải qua bao nhiêu ngày đông chỉ ngậm tuyết trắng cầm hơi. Như thế mà vẫn không chết, ta cứ nghĩ mình sẽ sống dai lắm. Ta đã luôn tin như vậy, chí ít là cho đến khi ta gặp Phong Thể Minh.

Ta ủ rũ ngước nhìn bầu trời ảm đạm trên cao rồi nhìn xuống nữ tử đang quỳ ngay ngắn trước thềm nhà, không khỏi thở dài.

Những ngày này, ân sủng của Hoàng Đế dành cho Phong Thể Minh có thể nói là vô hạn. Kéo theo đó cũng là phiền phức vô hạn rơi xuống đầu ta.

Hoàng Đế biết tính Phong Thể Minh cứng rắn không chịu nhún nhường bao giờ nên mỗi lần triệu kiến nàng, hắn luôn phái Lý Thọ đi theo. Có Lý Thọ hộ tống, Phong Thể Minh yên ổn đi lại trong Hậu cung được một thời gian, đến hôm nay chẳng hiểu sao lại đụng trúng Liễu Yến Yến.

Phải rồi, thực sự “đụng trúng”, ta chẳng hề nói năng hoa mĩ gì. Nghe đâu kiệu của hai người tình cờ đi chung một đường, mà con đường này lại hẹp, thế là kiệu của Phong Thể Minh tình cờ đụng phải kiệu của Liễu Yến Yến. Liễu Yến Yến tình cờ ngã ra khỏi kiệu, sau đó lại tình cờ trật một cái chân.

Sự việc “hoàn toàn tình cờ” này diễn ra quá mức chóng vánh, chỉ nghe ầm một tiếng lớn đã thấy Liễu Yến Yến từ trong kiệu văng xuống đất, ôm chân kêu la thảm thiết. Phong Thể Minh một mực nói là do Liễu Yến Yến từ trong ngõ nhỏ xông ra, tự đụng phải nàng. Còn Liễu Yến Yến lại phủ nhận, cho rằng Phong Thể Minh cố tình đụng ngã mình. Hai vị sủng phi này đều không phải dạng vừa. Liễu thị quyền khuynh thiên hạ, nhưng Phong tộc cũng không thể khi dễ được. Lý Thọ tái mặt, chẳng biết giải quyết thế nào bèn đưa ra quyết định khiêng hết cả hai vị này đến Triêu Lan cung gần đó, ngoài mặt là để trị thương cho Liễu Yến Yến nhưng thực chất không ngoài mục đích ném củ khoai nóng bỏng này sang cho Hoàng Hậu.

Nói về Hoàng Hậu, sau vụ việc Phong Thể Minh đụng độ Quỳnh Quý tần, nàng đã bị Thái Hậu gọi đến trách phạt một trận nên thân. Không chỉ vậy, Thái Hậu còn nói bóng gió với Hoàng Đế rằng Hoàng Hậu không quản nổi Hậu cung, muốn hắn lập thêm Quý phi để san sẻ cùng Hoàng Hậu. Hoàng Đế chỉ cười cười cho qua chuyện, nhưng Hoàng Hậu lại luôn để trong lòng. Nàng không ngừng căn dặn ta phải quản Phong Thể Minh thật chặt. Nghĩ lại, từ sau lần đó, ta trông coi Phong Thể Minh sát sao đến độ chỉ còn thiếu mỗi việc dọn đến ngủ cùng với nàng ta thôi, còn muốn chặt như thế nào nữa? Phong Thể Minh chỉ ra ngoài khi được Hoàng Đế triệu kiến, chẳng lẽ những lúc đó ta cũng phải đi theo? Gặp phải Phong Thể Minh coi như là vận hạn của ta và Hoàng Hậu vậy.

Trở lại chuyện ban nãy, Lý Thọ là người khôn ngoan, tất sẽ không dính líu đến việc đấu đá hậu cung này. Hắn vờ nói mình mắt kém không nhìn rõ sự tình rồi viện cớ Vạn tuế gia còn đợi hắn về hầu hạ rồi nhanh chóng chạy biến khỏi Triêu Lan cung, để lại một đống rắc rối cho Hoàng Hậu. Phong Thể Minh và Liễu Yến Yến ai cũng nằng nặc cho là mình đúng. Liễu Yến Yến dựa vào cái chân bị thương, không ngừng khóc lóc ăn vạ, đòi phạt trượng Phong Thể Minh. Hoàng Hậu đau đầu hòa giải một hồi không thành, đành phải phạt Phong Thể Minh quỳ hai canh giờ cho có lệ. Liễu Yến Yến vì gây chuyện với Phong Thể Minh mà không ngại tự làm mình bị thương, đương nhiên sẽ không dễ dàng cho qua. Nàng ta kiên quyết đòi Phong Thể Minh phải quỳ ở hiên nhà, có cung chủ là ta ngồi giám sát, lại còn phải cho người của nàng ta canh chừng nữa thì mới chịu.

Liễu Yến Yến như trẻ con khóc quấy, ầm ĩ cả Triêu Lan cung. Hoàng Hậu e dè thế lực nhà nàng ta, không dám mạnh tay trấn áp, nhưng lại sợ đánh động tới Thái Hậu nên đành phải chấp thuận.

Liễu Yến Yến đạt được mục đích, đắc ý đến mức quên mất Hoàng Hậu là ai. Bỗng nhiên gây phiền phức như thế cho Hoàng Hậu mà còn vọng tưởng được yên ổn trở về hay sao? Hoàng Hậu thuận nước đẩy thuyền, dựa vào việc Liễu Yến Yến bị trật cổ chân, liền tỏ vẻ đau lòng bảo nàng ta phải ở yên trong cung tĩnh dưỡng, không được đi ra ngoài kẻo ảnh hưởng đến vết thương, cũng không cần lo việc hầu hạ Hoàng Đế. Liễu Yến Yến tự nhiên bị giam lỏng, ngay cả thẻ bài cũng bị rút mất, chẳng biết là được nhiều hay mất nhiều hơn.

Nói tóm lại, đó chính là nguyên nhân khiến ta phải ngồi bên cửa phòng ngắm tuyết rơi vào lúc trời rét buốt thế này. Bất giác ta nghĩ, có lẽ gặp Phong Thể Minh rồi, ta sẽ chẳng còn sống dai nổi nữa đâu.

Phong Thể Minh quỳ ở hiên nhà được nửa canh giờ, thân thể đã bắt đầu phát run. Dù cho nàng võ công cao cường đến đâu, thân thể khỏe mạnh như thế nào thì cũng vẫn chỉ là một nữ nhân, làm sao chống chọi nổi với loại thời tiết này. Lương Sa và Lương Vũ không bị phạt nhưng vẫn tình nguyện quỳ cạnh Phong Thể Minh, cố gắng dùng thân thể che bớt cho nàng những cơn gió lạnh liên tục thổi tới từ bốn phía. Thềm nhà đã phủ một lớp băng mỏng. Ta ngồi trên ghế nệm, người trùm hai tấm chăn bông dày, còn có Tiểu Phúc Tử anh dũng đứng trước mặt chắn gió, thế mà vẫn cảm thấy lạnh điếng người. Thử hỏi ba người kia phải quỳ thế này hai canh giờ thì làm sao chịu nổi? Liễu Yến Yến quả là muốn ép chết người.

Ta không muốn đối đầu với Liễu Yến Yến nhưng càng không thể để mở mắt nhìn Phong Thể Minh rét chết.

Cân nhắc một chút, ta nghiêng đầu bảo với Ngọc Nga đang đứng co ro bên cạnh:

“Ngươi đi vào trong bảo bọn Tiểu Minh Tử khiêng mấy tấm bình phong lớn trong phòng ta ra đây.”

Ngọc Nga hiểu ngay ý ta, lập tức chạy vào trong. Chỉ lát sau đã thấy bốn tấm bình phong thêu hình mai lan cúc trúc được khệ nệ khiêng ra.

Ta hài lòng gật đầu:

“Tốt lắm. Tiểu Minh Tử, các ngươi đem mấy cái này ra chắn chung quanh Phong Tiệp dư.”

Những người ở chỗ ta làm việc lúc nào cũng nhanh nhẹn, thoáng chốc Phong Thể Minh và Lương Sa, Lương Vũ đã được bốn tấm bình phong che kín. Ngọc Nga còn chu đáo mang đến một tấm màn lớn phủ lên phía trên. Như thế này tuy vẫn không thể che hết gió nhưng cũng phải cản được tám chín phần.

Cung nữ của Liễu Yến Yến phái đến trông chừng đang ngồi cuộn tròn trong góc tránh gió, nhìn thấy cảnh này vội chạy ra la lớn:

“Nương nương, như vậy là sao? Hoàng Hậu nương nương đã nói Phong tiểu chủ phải chịu phạt ở ngoài hiên…”

Ta nhướn mày liếc nàng ta:

“Bản cung có khiêng Phong Tiệp dư vào trong nhà sao?”

Cung nữ kia vẫn hùng hổ cãi:

“Nhưng nương nương làm như thế này…”

Trời lạnh làm tâm tình ta không được tốt. Ta chẳng muốn nghe nàng ta lắm lời, bèn cao giọng đe dọa:

“Đây là tẩm cung của ta, mấy tấm bình phong này cũng là đồ của ta. Chẳng lẽ bản cung bày biện đồ đạc trong nhà thế nào, cô nương cũng muốn quản à? Hoàng Hậu lệnh cho Phong Tiệp dư quỳ ở ngoài hiên, bây giờ chẳng phải Phong Tiệp dư vẫn đang quỳ ngoài hiên đó sao?”

Cũng đâu có ai nói ta không được mang đồ đạc đến bày chung quanh Phong Thể Minh đâu?

Tiểu Phúc Tử đứng bên cạnh cũng cố chen vào một câu chua ngoa:

“Muốn quản cả chủ nhân nhà ta à? To gan!”

Cung nữ nọ nghẹn lời:

“Người như thế này là muốn chống đối Thục phi nương nương sao?…”

Ta làm bộ giật mình, thảng thốt:

“Bản cung đối với Thục phi nương nương xưa nay một lòng kính trọng, có trời cao minh chứng. Ngươi như thế này là muốn vu oan cho bản cung, làm vấy bẩn tấm lòng của bản cung đối với Thục phi nương nương sao?”

Đến nước này thì cung nữ nọ chẳng nói gì được nữa. Nàng ta dù sao cũng chỉ là một cung nữ bình thường, nếu lỡ xui xẻo bị khép tội linh tinh gì đó thì cũng chẳng có ai đứng ra giúp đỡ đâu. Đã biết như vậy, tốt nhất là ngậm miệng cho qua chuyện.

Bầu không khí đã yên tĩnh trở lại, rất vừa ý ta.

Qua khe hở giữa những tấm bình phong, ánh mắt Phong Thể Minh và ta bất chợt chạm phải nhau. Dù nàng mau chóng quay đi, nhưng ta vẫn kịp nhìn thấy trong đó sự kinh ngạc cùng bối rối.

Ta thở dài trong lòng. Có cái gì mà phải ngạc nhiên? Ta cũng không tốt đến mức đó. Nếu là kẻ khác, ta đã chẳng thừa hơi nhúng tay vào. Chính bởi vì nàng là Quận chúa Phong tộc, lại còn là người ở trong cung của ta, mối liên hệ này ta tránh không được.

Người ta đồn đại Hoàng Đế say mê nhan sắc của Phong Thể Minh, nào là “nhất kiến chung tình”, nào là “yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu”, còn vô số thứ văn thơ mĩ miều gì đó mà ta nghe không hiểu. Nhưng có một điều ta hiểu rất rõ, Phong Thể Minh tuy rất xinh đẹp nhưng bản thân nàng ta lại là một mối phiền phức vô cùng lớn. Hậu cung yên ổn là điều cực kì quan trọng đối với bất cứ vị đế vương nào. Thiên hạ có rất nhiều nữ nhân xinh đẹp, Hoàng Đế mạo hiểm đem một con ngựa hoang bất kham như Phong Thể Minh vào Hậu cung, khiến cho nơi này loạn hết cả lên, e rằng không phải chỉ vì nàng ta có một gương mặt khả ái. Cái gọi là “nhất kiến chung tình” kia, nói cho cùng cũng chỉ là một cuộc hôn nhân chính trị khác mà thôi.

***

Tuyết rơi càng lúc càng dày. Những phi tần được Hoàng Đế triệu kiến đều phải chống chọi với gió tuyết mà đến điện Cát Tường. Đường đi lối lại đều bị đóng băng trơn trợt, dù vẫn có người thường xuyên cào băng thì vẫn có không ít phi tần bị ngã kiệu. Thời tiết như vậy, không được triệu kiến cũng là một loại may mắn.

Liễu Yến Yến phải đóng cửa dưỡng bệnh, Triệu Lam Kiều thì im hơi lặng tiếng, ngay đến Phong Thể Minh cũng bị sưng đầu gối không nhảy nhót phá phách được, thiên hạ đúng là không thể thái bình hơn.

Mỗi dịp tết đến, Hoàng Hậu đều theo lệ tổ tiên để lại xuất cung đi Hoàng Lương tự lễ Phật. Nơi này nằm ở trong địa phận kinh thành, đi về thong thả cũng chỉ hết một ngày. Hoàng Hậu thương Trịnh Vân Anh còn nhỏ mà đã phải xa phụ mẫu nên năm nào cũng dẫn muội ấy theo, cho muội ấy tranh thủ về thăm nhà ngoại. Trịnh Vân Anh lại thấy ta mới gả đến đây, chưa được nhìn thấy cuộc sống bên ngoài bao giờ, bèn xin Hoàng Hậu dẫn cả ta theo. Cứ trời lạnh là ta sinh tật lười vận động, chỉ muốn trùm chăn ngủ cả ngày nhưng thấy Trịnh Vân Anh nhiệt tình như thế mà Hoàng Hậu cũng mở lời rồi, đành phải bấm bụng đi theo.

Sớm tinh mơ một ngày đại cát đầu tháng chạp, ta ngáp ngắn ngáp dài đi theo Trịnh Vân Anh và Hoàng Hậu đến Hoàng Lương tự bái tế. Để tránh gây sự chú ý, mọi người theo lệnh Hoàng Hậu đều mặc y phục bình thường, thị vệ đi theo cũng ăn vận như thường dân lẩn vào đám đông. Nhìn vào chúng ta cũng không khác những phu nhân nhà trung lưu cùng lên chùa lễ Phật là bao.

Chuyện bái tế, cầu phúc đã có Hoàng Hậu lo. Ta và Trịnh Vân Anh lạy Phật xong thì chỉ đi dạo quanh quẩn trong sân chùa, nói chuyện phiếm giết thời gian.

Hoàng Lương tự có từ trước thời Tiên đế. Chuyện kể rằng, khi xưa Tiên đế mặc thường phục di hành từng có lần bị phản tặc truy sát, may mà kịp chạy đến cửa Hoàng Lương tự, được trụ trì Hoàng Lương tự cứu mạng. Tiên đế nhớ ơn này, sau khi hồi cung liền ban chiếu chỉ phong Hoàng Lương tự thành quốc tự, đồng thời cũng đặt ra lệ hoàng tộc mỗi năm phải đến Hoàng Lương tự cúng dường cầu phúc. Thể theo nguyện vọng của trụ trì đại sư, Hoàng Lương tự vẫn mở cửa tiếp đón chúng sinh tứ phương, không có quy định chỉ tiếp hoàng tộc như quốc tự bình thường cho nên nơi này lúc nào cũng đông đúc người đến cúng bái. Đa phần những thị vệ đi theo đều tập trung ở khu chính điện bảo vệ Hoàng Hậu, chỗ ta và Trịnh Vân Anh chỉ còn lại đôi ba người. Nhưng ta cũng không quá lo lắng vì dáng vẻ của ta và muội ấy đều rất bình thường, chẳng có ai thực sự chú ý đến bọn ta.

Trong sân Hoàng Lương tự có một vị cao nhân tháng chạp năm nào cũng đến ngồi xem tướng, bói quẻ cho khách hành hương. Trịnh Vân Anh rất muốn đến xem nhưng ta thấy chỗ này quá đông người chen lấn, sợ có chuyện xảy ra nên không đồng ý. Vừa hay, phía đối diện cũng có một vị treo bảng xem tướng mà lại vắng khách, ta liền kéo Trịnh Vân Anh đi sang phía đó. Dù sao ta cũng không tin chuyện bói toán, xem chỗ nào cũng vậy, miễn Trịnh Vân Anh vui vẻ là được rồi.

Cùng là xem tướng số, thế mà một bên khách đông nườm nượp, một bên lại chẳng có lấy một bóng người. Vị thầy tướng số kia vốn đang chống cằm ngáp lên ngáp xuống, nhìn thấy ta và Trịnh Vân Anh bước đến bèn ngồi thẳng lưng lên, còn vuốt vuốt chòm râu dài bạc trắng một cách thần bí. Ta nhìn dáng vẻ cố tỏ ra đạo mạo của ông ta mà suýt chút bật cười. Trịnh Vân Anh lại rất nghiêm túc, muội ấy kéo ta ngồi xuống trước mặt vị thầy tướng số kia, lễ phép nói:

“Tiên sinh, xin người xem giúp tỷ muội ta một quẻ.”

Thầy tướng số kia hắng giọng, lại vuốt râu thêm mấy cái:

“Nhị vị cô nương muốn xem điều chi?”

Trịnh Vân Anh hào hứng đáp ngay:

“Chúng ta muốn xem hậu vận.”

Thầy tướng số nghe xong, nhìn ta và Trịnh Vân Anh một lượt từ đầu đến chân rồi bí hiểm cúi đầu bấm bấm đốt ngón tay. Mãi một lúc lâu sau, ông ta mới ngước nhìn ta, nói:

“Vị cô nương này tuổi nhỏ không được may mắn, lớn lên lại phải lưu lạc nơi đất khách quê người, số phận có thể nói là rất truân chuyên. Cuộc đời cô nương sẽ còn phải trải qua nhiều sóng gió, chung quy là phúc hay là họa cũng còn tùy thuộc vào bản thân cô nương nữa.”

Tùy Khâu và Bách Phượng tuy dùng chung một thứ tiếng nhưng ngữ điệu vẫn có điểm khác biệt. Khi đi về phía vị thầy tướng số này, ta và Trịnh Vân Anh vẫn luôn miệng trò chuyện, chỉ cần để ý một chút sẽ nhận ra giọng ta không phải người Bách Phượng. Một nữ nhân có tuổi thơ may mắn, tất không phải lưu lạc xa xôi như thế này, mà đã sống nơi đất khách số phận sao có thể không truân chuyên? Tương lai ai cũng vậy, không là phúc thì là họa thôi. Xem tướng như thế, ta cũng xem được.

Trịnh Vân Anh nghe thầy tướng số phán xong, liền lo lắng hỏi:

“Vậy phải làm sao mới tốt?”

Thầy tướng số gãi cằm, cười thần bí:

“Chậc chậc, cô nương không cần lo lắng, tỷ tỷ của cô nhân trung sâu dài, trán cao bằng phẳng, hoa dung tròn đầy, bảy phần là có phúc về sau. Cô nương nên tự lo cho bản thân thì hơn. Cô nương sinh ra dưới chòm sao xấu, bẩm sinh số mệnh đã gắn với hai chữ ly biệt…”

Ta vốn dĩ chỉ coi đây là chuyện đùa, nhưng Trịnh Vân Anh ngây thơ lại rất tin tưởng. Ta thấy sắc mặt muội ấy xấu đi rõ rệt, vừa định lên tiếng thì đã có một giọng nói cắt ngang:

“Tiên sinh chắc hẳn có chút nhầm lẫn rồi.”

Nhìn lại, thì ra là Hoàng Hậu cúng bái xong đi tìm bọn ta, vừa khéo nghe được lời phán của lão thầy tướng số. Nàng thong thả bước đến, đặt tay lên vai Trịnh Vân Anh, ung dung mỉm cười:

“Tiểu muội nhà ta sinh ra trong nhung lụa, là viên ngọc trong tay phụ mẫu, lớn lên gả cho nhà quyền quý, cuộc sống trước nay đều an nhàn. Nếu nói muội ấy sinh ra dưới chòm sao xấu thì e rằng trên đời này ai cũng sẽ mong được sinh dưới một chòm sao xấu như vậy.”

Thầy tướng số nọ bỗng nhiên bị mỉa mai nhưng mặt vẫn không đổi sắc. Ông ta cười lớn một tiếng, bàn tay nhăn nheo lướt qua mấy tấm thẻ gỗ cũ kĩ trước mặt:

“Bản tọa nói đúng hay không, vị cô nương đây tự mình biết rõ.”

Nói đoạn, ông ta bất ngờ lật một thẻ gỗ lên rồi nhìn trời thở dài.

Ta tò mò không biết ông ta còn có chiêu trò gì, bèn hỏi:

“Tiên sinh chẳng hay còn có lời gì dạy bảo?”

Thầy tướng số lắc lắc mái đầu bạc trắng, ánh mắt thất thần lướt qua cả ba người bọn ta:

“Trong ba vị, có một người có mệnh phượng hoàng.”

Bấy giờ, cả ta và Hoàng Hậu đều giật mình.

Là vì mùa xuân năm sau sẽ có đợt tuyển tú cho nên mới nhắc đến việc này, muốn kiếm chút lợi ích từ các cô nương ôm mộng trèo cao… Hay là còn lí do gì khác?

Ta và Hoàng Hậu khẽ trao đổi một ánh mắt. Nàng cười khẩy:

“Tiên sinh lại nhầm lẫn rồi. Đừng nói ta và nhị muội đã quá tuổi dự tuyển tú, cả tiểu muội đây tuy chưa quá tuổi nhưng cũng đã gả đi rồi, ba người chúng ta ai có thể mang mệnh phượng hoàng được chứ?”

“Thiên cơ bất khả lộ.” Thầy tướng số nọ thản nhiên nhún vai. “Bản tọa chỉ có thể khuyên các vị một câu: Cái gì thuộc về mình, không cần tranh giành vẫn sẽ thuộc về mình. Cái gì không thuộc về mình, uổng phí cả đời cũng tranh không được, cố cưỡng cầu chỉ khiến bản thân sa vào địa ngục mà thôi…”

“Đa tạ tiên sinh chỉ dạy.”

Thầy tướng số chưa nói hết câu, ta và Hoàng Hậu đã đồng loại lôi Trịnh Vân Anh đứng dậy. Hoàng Hậu lạnh lùng đặt lên bàn một nén bạc. Chúng ta nhanh chóng rời đi trong sự ngỡ ngàng của Trịnh Vân Anh và tiếng cười khàn văng vẳng của lão thầy tướng số nọ.

“Đại tỷ, sao vậy…”

Đến lúc ngồi vào kiệu rời khỏi Hoàng Lương tự rồi, Trịnh Vân Anh vẫn còn ngơ ngác.

Ta vỗ vai muội ấy, khẽ giải thích:

“Lần này chúng ta ra ngoài chỉ có người trong cung và trụ trì Hoàng Lương tự biết. Thầy tướng số lúc nãy hành vi rất kì quái, lời ông ta nói không đáng tin. Nhắc đến chuyện mệnh phượng hoàng gì đó, chỉ e rằng đã biết trước thân phận của tỷ tỷ, không biết có mục đích gì.”

Bây giờ, Trịnh Vân Anh mới giật mình:

“Ông ta rốt cuộc là ai? Muốn làm cái gì?”

Hoàng Hậu bấy giờ mới thở dài:

“Ta đã cho người theo dõi ông ta rồi. Các muội không cần lo lắng nữa. Chúng ta về Trịnh phủ nghỉ chân một lát rồi hồi cung.”

Dẫn theo Trịnh Vân Anh, mục đích cũng chỉ có vậy. Trịnh Vân Anh nghe đến chuyện về nhà, vui đến mức cười tít cả mắt, nhất thời quên hết mọi chuyện.

Bản thân ta cứ đinh ninh thầy tướng số kia là kẻ gian, những lời ông ta nói ta chẳng hề để trong lòng. Phải trải qua rất nhiều năm nữa, khi tịnh tâm nghĩ lại, ta mới bàng hoàng nhận ra tất cả những lời tiên đoán mập mờ năm nào đều ứng nghiệm lên ba người chúng ta, không hề sai lệch.

Phủ đệ Trịnh gia nằm trong một con ngõ nhỏ gần phía đông Hoàng cung. Nơi này cũng từng là một tướng phủ oai phong lẫm liệt, sớm tối đều có người xếp hàng cầu kiến. Đáng tiếc nhân tâm là thứ dễ đổi thay. Trưởng tử Trịnh thị gặp nạn qua đời khiến cho Trịnh lão tướng quân thương tâm ngã bệnh liệt giường, Trịnh thị cứ thế ngày một suy yếu. Đến bây giờ thì chẳng còn mấy ai lui tới nữa.

Trịnh Vân Anh và mẫu thân cả năm mới được gặp gỡ một lần, ta và Hoàng Hậu đều muốn để hai người trò chuyện riêng tư cho nên chỉ chào hỏi một chút rồi thôi. Hoàng Hậu nói có việc cần làm, ta cũng không phiền nàng, bèn mượn con mèo lông xù của Trịnh Vân Anh ôm ra sân chơi. Con mèo này đúng là rất hư, đùa giỡn với ta được một chút liền cào ta một cái rõ đau rồi phóng đi đâu không biết. Ta bực mình lắm, nhưng nghĩ lại đây là con mèo Trịnh Vân Anh rất yêu quý, Trịnh phủ lại không có nhiều thị vệ, lỡ để nó xổng ra ngoài rồi bị người khác đem đi nấu cao tiểu hổ thì ta còn mặt mũi nào gặp Trịnh Vân Anh. Ta đành bấm bụng đuổi theo nó vậy.

Ta cứ đi theo tiếng kêu meo meo của con mèo hư hỏng kia, cũng chẳng để ý đã đi bao xa, đến lúc bắt được nó nhìn lại đã thấy mình đang đứng ở một dãy hành lang xa lạ. Phòng ốc nơi này đều đóng cửa im ỉm, chỉ có một gian là đang mở cửa, còn thấy thấp thoáng bóng người.

Ta định đến chỗ người đó hỏi đường trở ra, nào ngờ bước đến gần mới phát hiện gian phòng này thực chất là từ đường nhà họ Trịnh, mà người đang quỳ lặng ở đó lại là Hoàng Hậu nương nương.

Ta giật mình kinh ngạc, lòng hiếu kì trỗi dậy, nhưng cuối cùng vẫn quyết định bỏ đi. Chuyện riêng của Hoàng Hậu, ta không nên quan tâm. Chỉ là, vừa mới quay lưng đã thấy Trịnh Vân Anh đang yên lặng đứng ở ngã rẽ hành lang từ bao giờ.

Ta bối rối nhìn muội ấy, chỉ sợ muội ấy lên tiếng thì Hoàng Hậu sẽ biết ta đang ở gần đây. Nếu để nàng nghĩ ta rình rập nàng thì phiền phức to. May là Trịnh Vân Anh chỉ khẽ vẫy gọi ta, đợi đến khi ta ôm con mèo đi đến chỗ mình rồi, muội ấy mới đón lấy con mèo, mỉm cười buồn bã:

“Bao nhiêu năm rồi, đại tỷ vẫn không quên đại ca. Muội không biết nên vui hay nên buồn nữa.”

Ta ngập ngừng không biết nói gì:

“Tiểu Anh à…”

Trịnh Vân Anh vuốt ve con mèo trong lòng, ánh mắt nhìn về phía Từ đường chợt trở nên xa xăm:

“Tỷ biết không, đáng lẽ ra muội sẽ được gọi tỷ ấy là đại tẩu đấy…”

Mối liên hệ giữa Trịnh thị và Hà thị ta cũng từng nghe nói loáng thoáng. Trưởng tử và trưởng nữ hai nhà vốn được hứa hôn cho nhau từ rất sớm. Nhưng về sau thế sự đổi dời, trưởng nữ Hà thị trở thành mẫu nghi thiên hạ, mối duyên thanh mai trúc mã từ đó hóa thành đạo quân thần. Chuyện này Ngọc Thủy đã kể cho ta nghe từ lâu, nhưng qua lời kể ngây thơ của Trịnh Vân Anh, ta mới thấy được hết nỗi bi thương trong đó.

Trịnh phủ và Hà phủ tương đối gần nhau, từ nhỏ hai bên đã qua lại thân thiết như người một nhà. Trịnh Vân Anh khi ấy mới vừa biết nói, chẳng hiểu cách xưng hô, nghe người nhà nói vị tỷ tỷ này sau sẽ gả cho đại ca của mình, liền cứ thế gọi luôn là đại tỷ. Ai sửa thế nào cũng không được, đành mặc kệ cho muội ấy gọi thành quen đến tận bây giờ.

Mối hôn sự này không chỉ là sự sắp xếp của bậc tiền bối mà đôi bên cũng lưỡng tình tương duyệt. Đây vốn đã có thể là một mối lương duyên đẹp đẽ. Nào ngờ Tiên đế đột ngột băng hà, tân đế lên ngôi, hậu vị bỏ trống. Trưởng nữ họ Hà một bước hóa phượng hoàng, cẩm tú lương duyên năm xưa chớp mắt đã không còn.

“Lúc đó muội cứ tưởng đại tỷ đã quên mất nhà họ Trịnh rồi… Nhưng mà mấy năm sau, Hà đại nhân ép mẫu thân gả muội cho một người để củng cố quyền lực gì đó… Người đó vừa già vừa xấu, mẫu thân không muốn nhưng không chống lại nổi quyền thế của Thái sư… May mà có đại tỷ cầu xin Hoàng Thượng nạp muội vào Hậu cung. Lúc đó, muội mới biết, đại tỷ không hề quên… tỷ ấy nhớ tất cả mọi điều…”

Từng giọt nước mắt đuổi nhau lăn dài trên gò má bầu bĩnh của Trịnh Vân Anh.

Ta hít sâu một hơi, lẳng lặng ôm lấy muội ấy. Con mèo nhảy xuống đất, nhưng chỉ quẩn quanh bên chân muội ấy chứ không đi đâu xa. Trịnh Vân Anh bám lấy vai ta, khóc rấm rứt.

Thì ra Hà Thái sư đã có ý định dùng Trịnh Vân Anh làm đá lót đường, thảo nào Hoàng Hậu lại phải để muội ấy nhập cung. Vào Hậu cung không có gì tốt đẹp, nhưng chí ít ở đó Hoàng Hậu vẫn có thể bảo vệ muội ấy. Hoàng Hậu vì Trịnh Vân Anh mà tính toán hết lòng như thế, còn không ngại đối đầu với chính phụ thân của mình…

Sự che chở của Hoàng Hậu dành cho Trịnh Vân Anh mà khi trước ta không thể lí giải được, bây giờ bỗng trở nên sáng tỏ.

Mỗi năm, Hoàng Hậu tạo điều kiện cho Trịnh Vân Anh về thăm nhà ba canh giờ. Ba canh giờ Trịnh Vân Anh đoàn tụ với mẫu thân cũng là ba canh giờ Hoàng Hậu lặng lẽ quỳ trước bài vị Trịnh Thừa Minh.

Vị mẫu nghi thiên hạ lạnh lùng tàn nhẫn ấy, hóa ra trong lòng cũng cất giấu một mối thâm tình không thể nói thành lời.


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...