Thâm Cung

Chương 23


Chương trước Chương tiếp

“Đa tạ nương nương ra tay cứu giúp!”

Liên Nhạc rươm rướm nước mắt, chực quỳ xuống tạ ơn. Ta vội đỡ lấy nàng:

“Muội muội không cần đa lễ như vậy. Mau ngồi xuống đi.”

“Thần thiếp tuân lệnh.”

Liên Nhạc run rẩy ngồi xuống ghế nhỏ bên cạnh ta, đầu vẫn hơi cúi. Có vẻ như đối với nàng, chỉ cần là phi tử thì đều rất đáng sợ, không thể nhìn thẳng.

Ta nghĩ Liên Nhạc vừa bị kinh sợ, cũng không so đo với nàng, thuận miệng hỏi:

“Bọn họ vẫn thường ức hiếp muội như vậy sao?”

Liên Nhạc không nhìn lên, chỉ khẽ đáp:

“Bẩm nương nương, cũng không có gì nghiêm trọng.”

Một làn gió nhẹ nhàng thổi qua mái tóc đen nhánh của Liên Nhạc. Từng lọn tóc mềm mại bay bay, buông hờ trên bờ vai mảnh khảnh, càng tôn lên vẻ đẹp thanh khiết. Nữ nhân xinh đẹp tao nhã, lại dịu dàng hiểu chuyện thế này, ta là nữ nhân mà còn cảm thấy có mấy phần thương mến, huống hồ gì là Hoàng Đế. Ta nhìn đến gò má nàng còn hằn dấu tay cuả Quách thị, càng cảm thấy đau lòng, bèn nói:

“Vết thương trên mặt muội tuy không nặng, nhưng cũng đừng xem thường. Nữ nhân phải coi trọng dung mạo. Trở về nhớ thoa thuốc cẩn thận.”

Liên Nhạc lúc này mới ngước nhìn ta bằng đôi mắt long lanh như hồ nước mùa thu, cảm kích đến độ nghẹn ngào:

“Đã khiến nương nương bận tâm, là lỗi của thần thiếp.”

Ta bật cười, cầm lấy tay nàng:

“Đều là tỷ muội, đừng mãi khách khí như thế. Thế nhưng bản cung không phải lúc nào cũng ra mặt cho muội được. Sau này những người kia, muội tránh được thì tránh.”

Ngày trước Hoàng Đế bảo ta tránh mặt Thục phi, hôm nay ta lại đem những lời tương tự nói lại với nữ nhân của hắn. Cũng thật là khôi hài.

Liên Nhạc gật gật đầu, nhưng chưa kịp đáp thì tỳ nữ bên cạnh lại nhanh nhảu nói:

“Nương nương có điều không biết, tiểu chủ cùng bọn họ ở Sương Đình, ngày ngày đều bị bọn họ hiếp đáp cho nên mới tránh đến chỗ này ngồi, không ngờ cũng chẳng được yên thân…”

Nghe nói Liên Nhạc xuất thân là ca cơ, nhưng ta thấy nàng rất có phép tắc, từ lời nói đến cử chỉ, ánh mắt đều thận trọng, hợp lễ. Trái lại, tỳ nữ thân cận của nàng cớ sao lại vô phép như thế? Chẳng phải cung nữ sau khi tiến cung đều được dạy dỗ lễ nghi cẩn thận mới được đưa đi hầu hạ chủ tử sao?

Liên Nhạc thấy ta im lặng, cũng biết tỳ nữ của mình quá phận, liền mắng:

“Vãn Tịch! Không được nhiều lời!”

Ta nhìn cung nữ Vãn Tịch vẫn đang ngơ ngáo không biết mình sai ở đâu, bèn lắc đầu:

“Chủ nhân đang nói chuyện, nơi nào có chỗ cho nô tỳ xen vào? Ban nãy ngươi cũng rất quá phận, nhưng bản cung thấy ngươi trung thành dũng cảm, dám ra mặt bảo vệ chủ nhân nên không tính toán với ngươi. Nhưng bây giờ mới biết ngươi vốn là kẻ vô phép như vậy.”

“Nương nương, là thần thiếp giáo dưỡng nô tỳ không tốt. Xin nương nương bỏ qua cho Vãn Tịch lần này… Thần thiếp đảm bảo sẽ không để nàng tái phạm…”

Liên Nhạc sợ hãi, ấn Vãn Tịch quỳ xuống đất. Vãn Tịch bình thường lẻo mép, đến bây giờ lại ấp úng nói không nên lời:

“Nương nương… nô tỳ sai rồi… nô tỳ không có ý mạo phạm nương nương…”

Ta thở dài, phẩy phẩy tay áo:

“Bỏ đi. Bản cung chỉ muốn nhắc nhở muội muội vậy thôi. Người là của muội, muội tự nên cân nhắc. Bản cung đi trước. Muội cũng sớm về nghỉ ngơi đi.”

Người là của ngươi, ngươi không quản được thì ngươi bị liên lụy, chẳng liên quan đến ta. Chuyện cần làm cũng đã làm xong rồi, vì vậy bèn vịn lấy tay Ngọc Thủy rời khỏi tiểu đình, thẳng hướng Cẩm Tước cung mà đi.

Đi được một đoạn xa, Ngọc Thủy mới hỏi ta:

“Chủ nhân, bình thường người luôn không thích can thiệp chuyện của kẻ khác… Nay cớ sao lại muốn giúp Liên tiểu chủ?”

Ta cười đáp:

“Hoàng thượng có lòng với Liên Tuyển thị, bản cung thấy nàng ta bị ức hiếp, sao có thể không ra tay giúp đỡ? Nếu bản cung bỏ mặc nàng ta, sau này Hoàng thượng biết được sẽ không vui.”

Ngọc Thủy gật đầu, lại nói:

“Nói cũng phải. Liên tiểu chủ cũng là hiếm có. Chỉ trách Quách tiểu chủ và Du tiểu chủ quá đáng… Chuyện này Du tiểu chủ nhất định cũng có phần, chủ nhân vì lí gì mà tha nàng ta?”

“Bản cung chỉ muốn giành lại cho Liên Tuyển thị chút công bằng, như vậy chỉ cần có người bị trách phạt là được rồi. Quách thị không thông minh bằng Du thị, đây là do bản thân nàng ta. Ở hậu cung này có bao nhiêu người ngứa mắt Liên Nhạc? Bản cung phạt hết được sao? Đã không thể phạt hết, vậy phạt thêm một Du thị để làm gì? Hôm nay chẳng qua là giết gà dọa khỉ, để những kẻ như Quách thị, Du thị hành động cân nhắc một chút. Cũng là để Hoàng thượng đẹp lòng một chút.”

Ngoài ra, dựa vào địa vị của ta, ta hoàn toàn có thể trực tiếp phạt Quách thị quỳ gối hoặc vả miệng nhưng ta lại bảo nàng đi Triêu Lan cung thỉnh tội với Hoàng Hậu. Đây chính là âm thầm bày tỏ kính ngưỡng của ta đối với Hoàng Hậu.

***

Hoàng Hậu làm việc rất mau lẹ. Chỉ một câu bảo Liễu Thục phi đóng cửa tĩnh tâm, ngay sau đó liền rút đi thẻ bài của nàng ta. Cũng vì chuyện này mà mùa xuân đã qua nhưng hậu cung lại râm ran vui vẻ vô cùng. Phi tử ai nấy đều lo nghĩ cách lấy lòng Hoàng Đế, tranh thủ cơ hội này tìm biện pháp giương cánh bay lên cao.

Lần này Liễu Thục phi gặp họa, cứ nghĩ Hoàng Đế sẽ tra hỏi kĩ càng. Ai ngờ Hoàng Hậu chỉ đến điện Cát Tường thông báo với Hoàng Đế mấy câu, Hoàng Đế liền gật đầu cho lui, chẳng hỏi han gì thêm, cũng không đến chỗ Liễu Thục phi nữa. Qua đó cũng thấy được Hoàng Đế thực sự coi trọng Hoàng Hậu. Đầu quân cho Hoàng Hậu tạm xem là nước cờ khôn ngoan. Ngay cả Liễu Thục phi, Hoàng Hậu muốn dìm liền dìm xuống nữa là kẻ tứ cố vô thân như ta. Ngày đó mà không thức thời cúi đầu, hôm nay e rằng chẳng còn Hòa phi nữa.

Trong lúc ta còn đang nghĩ Hoàng Hậu sẽ cất nhắc ai, thì mưa móc lại rơi xuống Cẩm Tước cung của ta đầu tiên.

Hoàng Đế đến mà không thông báo. Khi đó, ta đang luyện chữ. Dù Tạ Thu Dung không có ở đây, ta cũng không thể chây lười quá lâu. Ta nghe tiếng bước chân của Hoàng Đế đã quen, nhận ra hắn đang đến từ lâu. Nhưng hắn đã không cho người thông báo, ta cũng vờ như không biết, cứ lẳng lặng cúi đầu viết chữ, mãi đến khi nghe thấy tiếng cười của Hoàng Đế, ta mới ngẩng đầu lên:

“Hoàng thượng đến lúc nào…”

“Trẫm cũng mới tới thôi, thấy nàng chăm chú cho nên không lên tiếng.” Hoàng Đế cười tủm tỉm, phẩy tay áo ra hiệu cho ta không cần hành lễ.

“Thiếp chẳng kịp chuẩn bị gì cả.” Ta khẽ vén lại tóc mai, làm bộ ngượng ngùng nói.

Hoàng Đế thấy vậy, bật cười thành tiếng rồi bước lại cạnh thư án chỗ ta đang tập viết. Nhìn thấy mấy xấp giấy nguệch ngoạc chữ viết như cua bò trên bàn, tiếng cười của hắn chuyển thành ngặt nghẽo:

“Cái gì thế này…”

“Ấy… không có gì cả…” Ta vơ vội giấy viết trên bàn, định mang đi giấu thì bị Hoàng Đế chặn lại.

“Ha… Không phải trẫm cười nàng…”

“Hoàng thượng còn nói không cười thiếp…” Ta cắn cắn môi, ra vẻ giận dỗi.

Hoàng Đế cố nén cười, cầm lấy bút lông, chỉ vào nghiên mực, nói:

“Mực khô hết rồi. Nàng mài mực đi. Trẫm dạy nàng viết.”

Khó khăn lắm mới đến được chỗ ta, không mau sủng ái ta, lại còn muốn dạy viết chữ? Đêm xuân đáng giá ngàn vàng, Hoàng Đế tiểu tử, ngươi chưa nghe câu này sao? Trong lòng ta kêu khổ, nhưng vẫn phải vâng lời mài mực.

Hoàng Đế làm như chẳng nhìn ra tâm sự của ta. Hắn trải một tờ giấy trắng ra, nâng bút chấm mực rồi nhẹ nhàng đặt xuống. Hai chữ “Đan Nguyệt” nhanh chóng hiện ra. Ta chợt nhớ tới lời nói của Tạ Thu Dung khi trước, bèn chăm chú nhìn thật kỹ. Quả thật nàng nói không sai. Chữ viết của Hoàng Đế đẹp hơn chữ viết thật của ta rất nhiều. Nhưng nhìn chung, cách đặt bút, nhấc bút, dụng lực đều tương tự, vì vậy tạo cho người nhìn cảm giác nét chữ của hai người rất giống nhau. Ta lén lút thở ra nhẹ nhõm. May mà có Tạ Thu Dung sớm nhắc nhở, nếu không chẳng biết được sẽ sinh ra bao nhiêu phiền phức.

“Này. Nàng thử đi.”

Hoàng Đế đặt bút vào tay ta, vẻ mặt vô cùng nghiêm túc. Ta không dám chậm trễ, vội đón lấy, cẩn thận chấm mực, sau đó dùng toàn bộ sức lực đặt bút nắn nót viết theo chữ mẫu của hắn. Bên dưới hai con chữ xinh đẹp phóng khoáng của Hoàng Đế lập tức xuất hiện thêm hai con chữ xiêu vẹo như cua bò. Đứng cạnh nhau như vậy… Thật sự rất mất thẩm mỹ.

“Đừng căng thẳng như vậy.”

Ta nghe tiếng Hoàng Đế phì cười phía sau lưng mình. Chưa kịp đáp lời, hắn đã bước sát tới bên cạnh, cầm lấy tay ta mà gò từng nét một. Trong một thoáng thân cận, ta mới phát hiện, so với lúc ta vừa đến đây, Hoàng Đế đã cao lớn hơn một chút, bàn tay hắn khi trước xấp xỉ tay ta, nay đã có thể bao phủ hoàn toàn bàn tay của ta.

“Thả lỏng cổ tay. Phải rồi. Phối hợp cả cánh tay… Dụng lực vào ngón tay một chút… Tốt lắm…”

Dưới sự hướng dẫn của bàn tay Hoàng Đế, hai con chữ mới hiện ra, tuy vẫn không đẹp lắm, nhưng đã dễ coi hơn nhiều.

“Đa tạ Hoàng thượng chỉ bảo.” Ta nói khẽ.

Hoàng Đế không đáp, bàn tay mát rượi vẫn nắm chặt lấy tay ta, hoàn toàn không có ý định buông ra. Ta chẳng dám có ý kiến gì. Hoàng Đế đứng sát sau lưng ta. Yên lặng hồi lâu, hắn đột nhiên lên tiếng:

“Đan Nguyệt… Quả thực là một cái tên thanh nhã… Nhưng mà… một vầng trăng đơn lẻ trên bầu trời đêm tịch mịch, chẳng phải là có phần cô quạnh quá hay không? Phụ hoàng của nàng vì sao lại đặt tên cho nữ nhi của mình như vậy?”

Thì ra nãy giờ, hắn nghĩ chuyện này sao?

“Tên này thực ra là do mẫu thân thiếp đặt. Ngày thiếp chào đời… mẫu thân đang được phụ hoàng sủng ái. Ngay cả tên của thiếp phụ hoàng cũng cho mẫu thân tùy ý đặt, không cần theo pháp chế của tổ tông. Uyên ương dưới đất, trăng sáng trên trời. Trọn đời trọn kiếp nguyện như trăng kia, một tấm chân tình sáng trong không đổi.”

Đáng tiếc, lúc đó mẫu thân không nghĩ tới, mặt trăng cũng có lúc khuyết lúc tròn. Một tháng ba mươi ngày, thử hỏi có mấy ngày trăng kia được tròn trịa vẹn toàn đâu?

Nghĩ tới đây, lòng ta chùng xuống. Bi thương cố nén giữ trong lòng cứ như muốn trào lên khóe mắt. Ta hơi ngẩng đầu lên, nhẹ nhàng điều chỉnh hơi thở. Đang nói chuyện với Hoàng Đế làm sao có thể khóc? Đây chẳng phải là tội nhẹ đâu.

Hoàng Đế hình như cũng nhận ra. Hắn buông tay ta, nhẹ nhàng ôm ngang eo ta. Đầu hắn hơi cúi, cằm tì vào vai ta, thì thầm:

“Nàng là vầng trăng cô quạnh. Trẫm là người cô quả. Chúng ta thật là hợp nhau.” (1)

Ý tứ nửa đùa nửa thật của hắn khiến ta buồn cười, bèn đặt bút xuống bàn, nắm lấy hai bàn tay của hắn, nói:

“Hoàng thượng lại đùa rồi. Người sao có thể cô quả được chứ? Có thần thiếp ở đây, Hoàng thượng nhất định không cô quả.”

Hắn nghe xong, càng ôm ta chặt hơn, giọng nói của hắn nhẹ như hơi thở phảng phất bên tai ta:

“Trẫm mệt.”

“Vậy để thần thiếp hầu hạ Hoàng thượng nghỉ ngơi.”

Hoàng Đế gật gật đầu, nhưng lại đứng yên thêm một lúc lâu nữa mới chịu để ta dìu đến bên sạp gỗ ở phòng trong nghỉ tạm. Lại nói, hắn nằm nghiêng nằm ngửa thế nào cũng cảm thấy không thoải mái. Mãi tới khi gối đầu được lên đùi ta, mới tỏ vẻ dễ chịu.

Ta thở dài, nói: “Thần thiếp xoa bóp cho người, được không?”

Hắn ừ khẽ một tiếng.

Nói là xoa bóp, thực ra là giúp hắn bấm huyệt giảm đau. Mười đầu ngón tay nhẹ nhàng di chuyển từ trán lên đỉnh đầu, sau đó xuống cổ và vai. Xem ra ảnh hưởng của độc Cát Đằng lên thân thể hắn càng lúc càng lớn. Hoàng Đế vốn yếu ớt, trong người còn mang hàn chứng từ nhỏ, e rằng không thể chịu đựng được độc tính như người thường. Có lẽ ta phải nhanh chóng nghĩ cách báo cho hắn biết. Nếu cứ chần chờ, hắn lăn ra chết thì hỏng chuyện.

Ta vừa xoa bóp cho Hoàng Đế, vừa nghĩ ngợi vẩn vơ, thoáng chốc đã qua nửa canh giờ. Ngồi gập hai chân trong thời gian dài, lại có đầu Hoàng Đế đè nặng bên trên, hai chân ta đã tê cứng. Hoàng Đế gối đầu lên chân ta, mi mắt đen dài khép hờ, hình như đã lơ mơ ngủ.

Cửa phòng khẽ hé mở. Ta nghểnh cổ nhìn ra ngoài liền thấy Lý Thọ cũng đang nghểnh cổ ngó vào trong. Ta gật đầu với hắn, lại liếc liếc xuống Hoàng Đế đang nằm, ý bảo hắn nhẹ chân một chút. Lý Thọ với ta trước sau đều tâm ý tương thông. Hắn nhìn sơ qua đã hiểu, bèn nhón chân đi vào, không hề gây ra chút tiếng ồn.

“Hoàng thượng vừa ngủ. Lý công công có việc gì?” Ta cố nói khẽ hết mức có thể.

“Hoàng thượng chưa lật thẻ bài nên nô tài tới xem… Nếu như Hoàng Thượng đã ngủ rồi thì nô tài trở về vậy. Lát nữa Hoàng Thượng tỉnh dậy, phiền nương nương thông báo một tiếng…” Lý Thọ cũng đáp lại bằng cái giọng nhỏ như muỗi vo ve.

Hai người bọn ta mới thì thào mấy câu, không ngờ Hoàng Đế tai quá thính, chỉ vậy đã tỉnh dậy.

“Có chuyện gì…”

Hoàng Đế ngáp dài một cái, nheo nheo mắt nhìn Lý Thọ. Hắn không nổi nóng. Ta và Lý Thọ không hẹn mà cùng thở phào nhẹ nhõm.

Lý Thọ nghe hỏi, vội quỳ xuống nhắc lại ý ban nãy:

“Khởi bẩm Hoàng Thượng, người của Kính Sự phòng đưa thẻ bài đến… Không biết Hoàng Thượng có muốn lật thẻ bài hay không?”

Hoàng Đế nhíu mày, nghĩ nghĩ một lát rồi phẩy tay:

“Không cần. Báo với Kính Sự phòng, hôm nay trẫm nghỉ ở Cẩm Tước cung.”

Lý Thọ vâng lệnh lui ra. Trong phòng chỉ còn hai người. Ta định bước xuống hầu hạ hắn nghỉ ngơi, liền bị hắn túm lại:

“Đi đâu?”

“Thần thiếp hầu hạ người đi nghỉ.”

Ta thật thà đáp.

Hoàng Đế không những không buông tay, còn túm chặt hơn, ra sức kéo ta trở lại:

“Không cần. Hôm nay nghỉ luôn ở đây.”

“Sao có thể… Nơi này gió lạnh, ngủ ở đây sẽ nhiễm phong hàn…”

“Giờ đang là mùa hạ, ai lại nhiễm phong hàn? Không nhiều lời nữa, mau ngủ thôi.”

Nói dứt lời bèn kéo mạnh một cái. Ta liền bị hắn lôi ngược về. Tiểu tử này lắm lúc thật trẻ con. Lệnh vua khó cãi. Thôi thì muốn ngủ đâu thì ngủ. Thiên hạ này đều là của hắn, hắn có muốn ngủ ngoài hiên ta cũng không cản nổi. Vả lại, cho dù là ngủ ngoài hiên thật đi chăng nữa, chỉ cần nằm trong phạm vi Cẩm Tước cung thì cũng là cho ta thể diện rồi.

Ta sợ hắn phật lòng nên không đôi co nữa, ngoan ngoãn nằm xuống cạnh hắn. Trên sạp của ta có để sẵn mền mỏng, ta lấy đắp ngang qua hai người. Hoàng Đế vươn tay, kéo ta lại sát gần hắn, xong đâu đó liền yên tâm ngủ tiếp. Gương mặt hắn từ từ chìm vào giấc ngủ trông thật bình yên.

Sáng sớm, sau khi hầu hạ Hoàng Đế thượng triều, ta nhận được tin tức Thái Hậu trở bệnh, miễn cho phi tần không phải đến thỉnh an mỗi sáng. Ta nghe xong cũng thấy buồn cười. Liễu Thục phi mỗi lần gây họa đều lợi hại thế này sao? Có thể chọc cho Thái Hậu nổi giận đến ngã bệnh, bản lĩnh này cũng không nhỏ.

Thái Hậu miễn thỉnh an, Hoàng Hậu cũng chẳng triệu kiến, ta nhờ vậy có thể thong thả ngồi ở hoa viên Cẩm Tước cung tận hưởng điểm tâm. Đồ ăn ở Thuận Ninh cung và Triêu Lan cung tuy ngon, nhưng ngồi ăn ở giữa một bầy nữ nhân lòng dạ rắn rết, thật khó mà tiêu hóa cho tốt.

Tiểu Phúc Tử đi nghe ngóng tin tức về, vui vẻ nói:

“Chủ nhân biết không? Quách tiểu chủ hôm qua đến Triêu Lan cung thỉnh tội, đã bị Hoàng Hậu giáng xuống cửu phẩm Phương uyển, còn phạt quỳ mấy canh giờ, cả thẻ bài cũng bị rút rồi.”

“Vậy sao…” Ta lơ đễnh gắp một miếng bánh rong biển cho vào miệng.

“Còn thấp hơn Liên tiểu chủ một bậc. Xem sau này nàng ta làm sao phách lối.” Tiểu Phúc Tử càng hí hửng bình luận.

Ta lườm Tiểu Phúc Tử, tiện tay nhét vào miệng hắn một khối phù dung cao:

“Nàng ta dù sao cũng là người của Hoàng thượng, chẳng đến lượt ngươi nghị luận. Cẩn thận cái miệng của ngươi. Nếu để người khác nghe thấy thì ngươi còn giữ được thủ cấp mới lạ!”

Tiểu Phúc Tử bị bất ngờ suýt nghẹn. Hắn chật vật vừa nhai vừa nói:

“Nô tài chỉ nói với chủ nhân mà thôi…”

Ta nhìn bộ dạng hắn, cảm thấy rất không có tiền đồ. Lúc này, Ngọc Thủy bưng lên một tô canh củ sen, nghe được mấy lời vừa rồi, liền nói tiếp:

“Vị Du tiểu chủ đó cũng không phải dạng vừa. Nô tỳ nghe đâu nàng không biết đã nói gì với Hoàng Hậu mà được khen thưởng rất trọng hậu.”

Du thị chỉ có chút khôn vặt, thật sự không đáng để bận tâm. Vì vậy, ta tập trung ăn canh, chỉ đáp cho có:

“Thục phi nhất thời lui xuống, dĩ nhiên không thiếu người muốn thừa dịp tấn lên.”

Ngọc Thủy tặc lưỡi:

“Chuyện này nói ra thì Tĩnh Tần chẳng phải ngư ông đắc lợi sao?”

Tâm cơ của Hoàng Hậu, một lời khó giải thích. Ngọc Thủy cũng chẳng cần phải hiểu, bèn cười mà nói:

“Tái ông thất mã.(2) Được hay mất… Còn phải đợi đến cuối cùng mới rõ.”

Vừa ăn vừa nói chuyện phiếm, được một lúc sau thì có Tiểu Minh Tử đến báo:

“Khởi bẩm chủ nhân, Tạ tiểu thư vừa hồi cung.”

Tạ Thu Dung trở lại rồi sao? Đi lâu như vậy, không biết đã xảy ra chuyện gì.

“Mau mời nàng đến đây.”

Ta vẫy tay. Tiểu Minh Tử vâng lời đi ngay. Ngọc Thủy thấy ta đã ăn xong, cũng bắt đầu dọn dẹp chén bát, giao cho Tiểu Phúc Tử mang xuống, rồi rót trà cho ta súc miệng. Gọn gàng đâu đó thì cũng vừa lúc Tạ Thu Dung đi đến.

“Thu Dung tham kiến nương nương. Nương nương vạn phúc kim an.”

Tạ Thu Dung cúi người hành lễ vấn an với ta như mọi khi. Ta không chú tâm lắm, quen miệng đáp:

“Tiểu thư, miễn lễ.”

Nhưng đến khi Tạ Thu Dung thẳng người ngẩng lên, ta lại giật bắn người. Nhiều ngày không gặp, ta thật sự nhận không ra nàng nữa. Làn da vốn hồng hào xinh đẹp của nàng, nay không hiểu vì sao mà xanh nhợt thiếu sức sống, hơn nữa còn lấm lem tro bụi. Quầng mắt thâm đen, hai mí lại mọng đỏ như đã khóc rất nhiều. Đôi môi mọng đỏ hóa thành khô nứt. Bình thường, Tạ Thu Dung rất coi trọng lễ nghi, vì vậy đầu tóc trang phục của nàng luôn chỉnh chu, hợp lễ. Thế mà nay, nàng nhập cung mà chỉ mặc một bộ váy vải hoa thô kệch, nhìn hao hao y phục của nha hoàn trong các phủ đệ lớn. Tóc tai cũng chỉ tết vội thành một bím dài hất ra sau lưng, tóc mái thì rối loạn. Trông cứ như thể phạm nhân vừa đào thoát. Ta nhìn bộ dạng vừa luống cuống vừa thảm hại của nàng mà ngớ người ra một lúc lâu, mãi mới có thể run rẩy hỏi:

“Tiểu thư… làm sao… làm sao lại thành ra thế này?”

Tạ Thu Dung hẳn cũng hiểu rõ tình trạng của mình bây giờ. Nàng cố gắng vuốt lại tóc mái, lại còn kéo tay áo lau lau mặt nhưng cũng chẳng khá hơn được là bao, đành cúi đầu:

“Thu Dung thất lễ… Thỉnh nương nương thứ tội…”

Nhìn nàng chật vật như vậy, ta càng thấy khó tin, bất giác đứng lên tiến lại gần nàng:

“Rốt cuộc, những ngày qua tiểu thư đã gặp chuyện gì?”

Tạ Thu Dung thấy ta tiến đến, liền lùi lại một bước:

“Thu Dung cảm thấy trong người không khỏe, không thể tiếp chuyện nương nương. Mong nương nương cho phép Thu Dung về phòng nghỉ ngơi sớm.”

“Tạ tiểu thư…”

“Thu Dung thật sự không khỏe. Thỉnh nương nương thứ tội.”

Mới gặp mặt đã thỉnh tội hai lần, lời nói lại xa cách như thế. Nhất định đã có chuyện lớn xảy ra. Chỉ là, nàng đã không muốn nói, ta không thể ép được, chỉ thở dài:

“Thôi, tiểu thư đã không khỏe thì hãy về phòng nghỉ ngơi cho tốt đi. Khi nào khỏe lại cùng ta nói chuyện cũng không muộn.”

“Đa tạ nương nương.”

Tạ Thu Dung liêu xiêu rời đi. Ngọc Thủy lúc này mới ú ớ:

“Chuyện… chuyện gì thế này? Đây… thực sự… là Tạ tiểu thư sao?”

Ta lắc đầu tỏ ý mình cũng mù mờ.

“Nô tỳ thật không thể tin nổi.”

Ngọc Thủy lẩm bẩm, mắt vẫn dán theo hướng Tạ Thu Dung rời đi ban nãy. Ta thở dài. Nhìn Tạ Thu Dung như thế, trong lòng ta cũng có điểm không thoải mái. Bản thân ta thực sự yêu mến tính cách cùng tài năng của nàng. Con người nàng rất đặc biệt, vừa nề nếp lễ nghi, lại vừa nổi loạn một cách kín đáo, không hề giống với những nữ nhân bình thường khác. Sự thẳng thắn và chân thật của nàng cũng là điều hiếm có. Quen biết mấy tháng, ta và nàng có thể xem là sớm tối ở cạnh nhau. Thời gian tiếp xúc chưa phải là dài nhưng cũng đủ để ta tin tưởng nàng, coi nàng là bằng hữu. Nay biết Tạ Thu Dung gặp chuyện, ta lại chẳng thể tra hỏi, cho nên lòng không yên được.

“Ngọc Thủy, chuẩn bị đi Triêu Lan cung một chuyến.”

(1) Vua hay tự xưng là “Quả nhân” nghĩa là người cô quả.

(2) Câu chuyện cổ “Tái ông mất ngựa”

Chuyện kể rằng xưa kia ở vùng biên cương gần láng giềng người Hồ, có một ông lão tên là Tái Ông. Ông sống lạc quan, bao dung, bởi vậy mà được rất nhiều người mến mộ. Ông có một người con trai, hai cha con sống bằng nghề chăn ngựa. Một hôm, không biết nguyên nhân vì sao mà con ngựa của ông bỏ đi mất. Sau khi hàng xóm biết chuyện, họ nghĩ rằng ông sẽ rất buồn nên đến thăm hỏi và an ủi. Nhưng ông chẳng những không tỏ ra tiếc nuối, mà còn bình thản trả lời: “Ngựa mất rồi, đương nhiên là chuyện xấu, nhưng ai biết đâu nó sẽ mang lại kết quả tốt chứ? Không sao đâu”.

Quả nhiên qua mấy tháng sau, con ngựa kia liền trở về, còn dắt theo một con tuấn mã. Nghe tin này, bà con hàng xóm cùng nhau tới chúc mừng cho Tái Ông. Nhưng ông cũng không hề tỏ ra vui mừng, ông nói: “Mọi sự đều có nhân duyên của nó, chuyện được cho là vui nhưng chưa chắc đã tốt, không nên vội mừng làm chi”. Từ ngày có thêm một con tuấn mã, con trai ông vui mừng khôn xiết, ngày ngày cưỡi ngựa rong chơi, hóng gió, đi không biết mệt.

Cuối cùng, do bất cẩn cậu này ngã ngựa và gãy chân. Hàng xóm biết tin, ai cũng tới chia buồn, còn Tái Ông vẫn điềm nhiên: “Biết đâu chuyện lại có hậu thì sao? Mọi người đừng lo tôi không thấy buồn”. Hàng xóm thực sự không thể hiểu nổi ông. Một thời gian sau, người Hồ ồ ạt tấn công xâm lược Trung Nguyên, tình hình biên ải đột nhiên căng thẳng, thanh niên trai tráng đều được gọi nhập ngũ đi lính, kết quả mười người thì có 8, 9 người mất mạng trên chiến trường. Riêng con trai của Tái Ông bị què chân nên được miễn quân dịch, vì thế cha con ông tránh được nạn sinh tử biệt ly. Sau những sự việc ấy, mọi người càng thêm nể phục phong thái điềm tĩnh và cách cư xử “bình thản” của ông.

Cuộc sống vốn như một dòng chảy bất tận và biến đổi không ngừng. Vô thường là một chân lý, vạn sự vạn vật đều tuân theo nguyên lý ấy. Đâu ai biết được ngày mai rồi sẽ ra sao? Việc tốt xấu trong đời người không là tuyệt đối, chuyện tưởng như là xấu mà lại có thể dẫn tới kết quả tốt đẹp, và những chuyện được cho là tốt đẹp cũng có thể dẫn tới hậu quả xấu. Quan trọng là chúng ta giữ được tâm thái bình thản trước tất cả mọi sự xảy đến với mình, biết chấp nhận nó, không truy cầu hay than vãn. Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy rằng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào Tái Ông cũng lý trí để nhận thức bản chất sự việc, làm chủ được cảm xúc của mình, không bị chi phối bởi vô thường. Nếu giữ được tâm thái ấy, chúng ta sẽ lạc quan hơn, có cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn và an nhiên tự tại trước vui buồn của đời người.


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...