Thạch Kiếm

Chương 69: Khúc gỗ


Chương trước Chương tiếp

Bộp ! Trái mận xanh rụng ngoài vườn kêu một tiếng khô khan. Trong phòng, dưới ngọn đèn dầu thông hơi rung rung theo nhịp thở, Thạch Đạt Lang mải miết đưa lưỡi dao sắc trên một khúc gỗ cũ. Vỏ gỗ mỏng rải rác trên mặt kỷ và khắp nơi quanh chỗ hắn ngồi.

Thạch Đạt Lang mới dọn từ quán Mã Đề sang tạm trú tại một phòng sau xưởng mài kiếm của Vương Chính. “Thằng bé này khó tính !”. Lời nói của mẹ, hắn thường nghe lúc nhỏ vì mỗi khi không vừa ý điều gì hắn lại khóc ré lên, đòi cho bằng được thứ mình muốn, còn ăn sâu vào tiềm thức như vết sẹo không xóa được của một cái mụn nhọt hắn mang trên đầu thuở thiếu thời. Những kỷ niệm xưa liên tiếp theo nhau qua ký ức, nét mặt và hình dáng mẹ hắn lúc nhạt nhòa, lúc rõ rệt hiện lên như một người mẫu. Mắt Thạch Đạt Lang chăm chú, tay thoăn thoắt đưa đi đưa lại trên khúc gỗ. Hắn cố phổ lên đó những nét dịu dàng, yêu thương của mẹ hắn còn giữ được. Thạch Đạt Lang đã hứa và cố tạc cho xong pho tượng Quan Âm để đổi lấy thanh kiếm của Vương Chính. Hắn làm việc vội vàng suốt từ chiều sau khi vừa thu xếp xong chỗ ăn ở. Vì không sẵn gỗ bạch đàn và theo sở thích riêng của Vương Chính, hắn đồng ý tạc tượng trên một khúc gỗ cũ do Vương Chính để dành từ lâu và trìu mến đưa hắn:

“Ba năm trước, tại hạ hành hương ở phương bắc, thấy thợ thuyền đang phá một ngôi đền cổ thì dừng lại xem. Đền đổ nát gần hết, nhưng không phải là không giá trị. Họ không biết gì cứ phá bừa. Tiếc quá, tại hạ xin một khúc gỗ làm kỷ niệm. Khúc gỗ này đây, chắc phải lâu hàng mấy trăm năm, thớ gỗ mềm, vân đẹp, đại hiệp xem dùng được thì dùng”.

Thạch Đạt Lang nhận lời, nhưng thấy Vương Chính băn khoăn lo lắng về khúc gỗ gã coi như vật gia bảo, Thạch Đạt Lang đôi khi không giữ được bình tĩnh. Tay hắn hơi run và đã mấy lần phải sửa lại toàn bộ hình thể bức tượng.

Gần sáng, bức tượng tưởng như sắp thành hình, bỗng gặp phải một đường nứt ngay phía trên đầu. Không phải là một nhà điêu khắc chuyên môn, không biết kỹ thuật sửa chữa thế nào cho khéo để che vết nứt, hắn cứ gọt bớt. Khúc gỗ trước dài hơn hai gang tay, nay chỉ còn độ gang rưỡi và không ra hình thù gì nữa. Chán nản, Thạch Đạt Lang bỏ dao gục xuống kỷ. Ngọn đèn lụi dần. Ngoài kia, tiếng chim vành khuyên đã bắt đầu lích chích. Hắn thiếp đi lúc nào không biết.

Tỉnh dậy, Thạch Đạt Lang thấy trong người dễ chịu hơn, tinh thần bớt căng thẳng.

Hắn ra giếng súc miệng rửa mặt rồi trở vào tiếp tục công trình bỏ dở. Ngọn đèn dầu được khêu to thêm. Thạch Đạt Lang đưa lưỡi dao nhẹ nhàng trên khúc gỗ, linh cảm sự sống động của từng thớ cây mềm, tưởng chừng qua mỗi đường dao gọt những thớ gỗ ấy lại phát hiện ra bao nhiêu thăng trầm của lịch sử ngôi cổ miếu. Nếu không cẩn trọng, những đường dao của hắn là những đường dao vô ích làm hỏng cả khúc gỗ, biến khúc gỗ quý báu thành đống vỏ bào vô dụng.

Liên tưởng và so sánh lịch sử ngôi cổ miếu với lịch sử dân tộc, Thạch Đạt Lang bỗng giật mình. Và hắn sợ. Những đường kiếm của hắn sẽ để lại gì ? Xây dựng hay chỉ là phá hoại ? Băn khoăn, nghi hoặc, hắn dừng tay thừ người suy nghĩ.

Nhưng một chốc lại thấy Thạch Đạt Lang cúi xuống, lưỡi dao sắc đưa lia lịa, cuồng nhiệt. “Lần này phải thành công”, hắn cố moi ký ức, hình dung ra nét mặt mẹ hắn, những nét hiền hậu hắn muốn phổ vào bức tượng lịch sử này, nhưng không thể nào bắt nổi ... Nó nhạt nhòa như sương khói. Nó lãng đãng như ở một nơi xa xôi, vô thức nào hắn không sao đến được. Trước sự bất lực và giới hạn của chính mình, Thạch Đạt Lang tức giận hét lớn. Ngọn đèn phụt tắt.

Chủ nhân bước vào:

- Thạch đại hiệp ! Sao thế ?

Thạch Đạt Lang nhìn khúc gỗ. Nó chỉ dài độ bằng ngón tay giữa đống vỏ bào vương vãi trên mặt kỷ và xung quanh chỗ ngồi.

- Bức tượng đâu ?

- Hỏng rồi ! Ta đã làm hỏng khúc gỗ.

Hắn gục xuống kỷ. Có tiếng chân dồn dập trong phòng và hình như hắn đang được nâng dậy. Nỗi xót xa vừa tỉnh cơn ảo mộng giảm bớt. Thay vào đó, một màn sương đục trùm lên toàn thân và bọc kín lấy hắn. Dần dần trí não Thạch Đạt Lang chỉ còn là một khoảng trống vô hạn.

oo Trưa hôm sau, len lỏi trong đám mã phu dẫn ngựa, Hạo Nhiên trèo vội vã lên thang gác quán Mã Đề, mồ hôi nhễ nhại, quần áo bám đầy bụi đất. Qua cửa văn phòng, mụ quản lý gọi giật lại:

- Thằng bé kia, đi đâu ?

- Lên gác. Tôi trọ với thầy tôi trên gác mà.

- A, ta nhớ ra rồi. Mày đi khỏi quán từ hôm nào ?

Hạo Nhiên lẩm nhẩm tính:

- Từ hôm trước ngày hôm qua.

- Thế là đã ba ngày, hai đêm phải không ?

Hạo Nhiên gật đầu:

- Phải.

- Từ đây đến phủ Trúc Mộ mà ba ngày hai đêm ? Mày thấy có lâu quá không ? Hay là bị cáo nó bắt hồn ?

Hạo Nhiên đáp liền:

- Sao bà biết ? Hay bà cũng là cáo đấy ?

Tìm được lời trả miếng mụ quản lý, nó cười khanh khách, tiếp tục lên thang.

- Thầy mày không ở đây nữa.

Lời nói như gáo nước lạnh dội lên đầu. Hạo Nhiên đứng sững nhìn mụ rồi tỏ vẻ không tin, chạy ba bước một lên gác. Trở xuống, nét mặt nó ngơ ngác:

- Ông ...ông ấy đổi phòng rồi hở bà ?

- Thằng này lạ ...Thì ta đã bảo thầy mày đi rồi ...

- Đi thật à ?

Hạo Nhiên hốt hoảng hỏi lại.

- Không tin thì sổ đây, xem đi.

- Tại sao ...tại sao ông ấy lại không đợi ...

- Tại mày đi lâu quá chứ sao ! La cà cho lắm vào ...

Hạo Nhiên hỏi như mếu:

- Bà biết thầy tôi đi đâu không ?

- Không biết ! Ta nghĩ ông ấy bỏ mày lại vì thấy mày vô tích sự.

Hạo Nhiên tái mặt. Nó chạy ra hiên, hết nhìn đầu phố lại cuối phố rồi nhìn lên trời, nước mắt ứa ròng ròng hai bên má.

Mụ quản lý mỉm cười quay vào, lấy gương soi rồi lấy bông phấn ra thoa lên mặt:

- Ta đùa đấy. Ông ấy chẳng đi đâu xa, dọn sang xưởng mài kiếm bên kia đường ấy.

Đến đấy mà tìm.

Người ta dẫn Hạo Nhiên vào phòng Thạch Đạt Lang. Sư phụ nó nằm trên chiếu, hai tay khoanh lại đặt sau đầu, thiêm thiếp như ngủ.

- Thưa thầy, con đã về.

Thạch Đạt Lang yên lặng. Trong phòng, không khí buồn tẻ. Những mảnh vỏ bào vương vãi khắp nơi, lấm tấm trắng trong bóng tối. Đĩa đèn dầu thông tắt đã lâu vẫn còn nguyên trên kỷ gỗ. Không thấy sư phụ nói gì, Hạo Nhiên lại nhắc:

- Thưa thầy, con đã về.

- Ai đấy ?

Thạch Đạt Lang mở mắt nhìn:

- A ! Hạo Nhiên hở ?

Đoạn thoang thả ngồi dậy. Hạo Nhiên quỳ rạp xuống chiếu:

- Con về trễ, xin thầy tha tội.

Nhưng Thạch Đạt Lang lặng thinh, gần như chẳng có phản ứng gì trước sự hối lỗi của đồ đệ. Một lát mới nói:

- Ra mở cửa sổ, dọn phòng xong rồi đi tắm.

Nói xong khoác áo lững thững bước ra vườn, ngồi dưới gốc mận. Sự thất bại sáng nay của hắn chứng tỏ khả năng con người chỉ có giới hạn, và một mình hắn, đơn phương, chưa chắc làm nên chuyện gì hữu ích. Thạch Đạt Lang tự hứa sẽ suy nghĩ về điều này kỹ càng hơn trước khi đem lưỡi kiếm phục vụ minh chủ mình chọn lựa.

Quay vào phòng, nhìn đồ đệ quỳ trước cửa chờ lệnh, Thạch Đạt Lang ân cần hỏi:

- Con đi đường có mệt không ? Có thư phúc đáp gì cho ta không ?

Thấy không bị quở trách, Hạo Nhiên vui vẻ:

- Dạ có, thưa đây.

Nó lôi trong bóc ra cuộn thư còn lấm tấm vệt mồ hôi trình sư phụ. Thạch Đạt Lang bật niêm, đọc:

“Trúc Mộ đại nhân rất tiếc, vì chức vụ, không thể so kiếm cùng đại hiệp.

Tuy nhiên, Trúc Mộ Mẫn Đức, một trong những người thấu đáo về kiếm học nhà Trúc Mộ, có thể bồi tiếp. Chỉ tiếc hiện nay Mẫn Đức đã đi Trúc Lâm cốc để săn sóc Trúc Lâm cốc chủ, chưa biết bao giờ mới về. Vậy xin hẹn dịp khác”.

Thạch Đạt Lang mỉm cười, tự nhủ “Cũng được !”. Trúc Mộ Mẫn Đức là ai, hắn không biết. Hắn chỉ muốn thử tài với Trúc Mộ Trung, người đã được vời vào giảng huấn về kiếm học cho trưởng nam đương kim lãnh chúa. Nếu không được thì thôi, Thạch Đạt Lang chẳng tha thiết gì tranh tài hơn kém với người mang tên Mẫn Đức nào đó.

Để cuốn thư lên kỷ, hắn hỏi đồ đệ:

- Hạo Nhiên, chắc ngươi đi lạc ?

- Dạ.

- Lạc đường tới những ba ngày, ngươi thấy có lâu quá không ?

- Con bị cáo nó dụ.

- Cáo nó dụ ? Ngươi sinh trưởng ở thôn quê, lạ gì con cáo mà bị nó dụ ?

- Dạ ...dạ ...Con không rõ, nhưng đúng con bị cáo dụ đi loanh quanh mất hai ngày đêm.

- Hừ ...lạ thế !

- Dạ, đúng vậy. Có lẽ cáo ở Tân đô này nhiều và tinh khôn hơn cáo ở miệt Hotengahara, thành ra con bị nó bắt.

Thạch Đạt Lang nghiêm mặt nhìn đồ đệ:

- Nó bắt ra sao ?

- Thưa thầy, nó định theo hại con vì con đánh nó bị thương. Con đã lấy nước bọt bôi lên lông mày để làm phép nhưng vẫn bị nó bắt được và trừng phạt.

Trước sự ngây thơ và tin tưởng thành thật của thằng bé, Thạch Đạt Lang không nỡ quở trách, chỉ ôn tồn bảo:

- Không phải con cáo trừng phạt con đâu. Chắc con có làm điều gì đáng lẽ chẳng nên làm nên bị lương tâm con trừng phạt đấy. Thôi sửa soạn đi tập buổi chiều.

Ngoài kia, trời ầm ì như sắp bắt đầu một trận mưa lớn.


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...