Thạch Kiếm
Chương 57: Món quà tặng
Lúc cáo biệt, Khải Kỳ tỏ vẻ buồn và thất vọng:
- Thật tiếc không được làm bạn đồng hành với tráng sĩ. Hy vọng những lời nói hôm qua trong bữa rượu không bị tráng sĩ bỏ ngoài tai. Nếu đến nơi, tráng sĩ không vừa ý thì cũng xin coi đó như một cuộc du ngoạn. Phong cảnh bắc phương đẹp có tiếng, tráng sĩ chắc biết.
Thạch Đạt Lang cảm động vì những lời thành thật ấy. Hắn ấp úng nói:
- Tiểu nhân cũng rất tiếc nhưng có việc riêng phải làm ngay. Có dịp sẽ cùng tôn ông tái ngộ.
Khải Kỳ chia tay đi về phía đèo Hòa Đa còn Thạch Đạt Lang thì rẽ sang hướng Nakasendo. Đến ngã ba Koshu, đang phân vân không biết theo đường nào và đặt kế hoạch ra sao để tìm tung tích Oa Tử thì có một bọn người rảo bước đi tới. Bọn này ăn mặc ra dáng phu khuân vác hoặc người giữ ngựa, quấn khăn đầu rìu, áo ngắn, chân mang xà cạp. Chúng bâu đến Thạch Đạt Lang. Một tên khoanh tay trước ngực nhìn hắn, lỗ mãng nói:
- Khách quan có vẻ lo lắng. Muốn tìm ai chăng, người đẹp hay con hầu ?
Thạch Đạt Lang lắc đầu, quay đi chỗ khác. Không biết rõ nên làm thế nào, hắn định rảo quanh khu đó hỏi thăm. Nếu không được tin tức gì, có lẽ đến phải lên phương bắc đi Mitsu vậy. Âu cũng là định mệnh đã an bài, biết làm sao được !
Đang suy nghĩ thì một tên khác lại mò tới:
- Nếu khách quan thực tâm muốn tìm người quen thì bọn nô tài có thể giúp được, còn hơn là đứng nắng hay đi hỏi cầu âu. Người quen của khách quan ra sao ? Bọn tiểu nhân không dám đặt tiền công đâu, tùy hảo tâm của khách quan cho bao nhiêu cũng được !
Nghĩ rằng như vậy lại hơn, Thạch Đạt Lang bèn tả hình dáng Oa Tử và Giang cho bọn kia biết. Chúng quay ra hỏi nhau một lúc rồi một đứa nói:
- Bọn này không ai trông thấy người mà khách quan tả cả, nhưng có thể chia nhau đi tìm, thế nào cũng gặp. Kẻ bắt cóc chỉ theo một trong ba đường núi giữa hai trấn Suwa và Shiojira mà thôi. Khách quan không biết đường nhưng tụi này biết.
Thạch Đạt Lang nghe, không lấy gì làm tin tưởng lắm, nhưng cũng bảo:
- Vậy tốt, các chú đi tìm ngay đi !
- Rồi ! Làm ngay !
Một tên dáng chừng đầu nậu, họp cả bọn dưới gốc cây, chỉ trỏ người này kẻ kia có vẻ phân công cho từng đứa một. Chúng gật gù cười nói, đoạn tên đầu nậu đên bên Thạch Đạt Lang, xoa hai tay vào nhau, lễ phép nói:
- Nô tài đã cắt đặt xong cả rồi, chỉ còn chuyện này hơi khó xử. Ờ ... à ... khó nói quá! À ... à ... chắc khách quan cũng biết, bọn này là thợ thất nghiệp, tiền bạc không có, từ sáng chưa được hột cơm nào. Nhịn đói mà chạy việc cho khách quan thì sợ không được việc, khách quan lại quở trách. Vậy xin ứng trước cho nửa ngày công, nếu hơn chút đỉnh thì càng tốt để bọn nô tài ăn chút gì dằn bụng trước khi đi. Xin bảo đảm với khách quan thế nào cũng tìm thấy.
Thạch Đạt Lang tính nhẩm rồi gật đầu:
- Thế cũng được. Ta cũng có ý định đưa trước cho các chú một số tiền nhỏ. Bao nhiêu ?
Tên kia đưa ra một con số. Thạch Đạt Lang thấy cao hơn số tiền hắn có thì khựng lại. Hắn cũng biết giá trị của đồng tiền nhưng sống một mình, không thân thích phải giúp đỡ, nhiều khi hắn chẳng để ý đến tiền bạc. Trên bước đường giang hồ, gặp người ái mộ ủng hộ chút ít để chi phí thì tốt, bằng không, vào ở đậu trong chùa hoặc ngủ qua đêm trong rừng hay bờ suối, có khi quên cả ăn, hắn cũng không quản ngại.
Những ngày gần đây, Oa Tử nhờ được sự giúp đỡ của Lưu Cát, đã xuất tiền ra lo hết mọi việc chi tiêu, hắn chẳng phải để tâm gì đến. Như một người vợ hiền, thỉnh thoảng nàng lại còn bỏ vào bọc hắn ít bạc vụn để làm tiền túi.
Thạch Đạt Lang khều số bạc ấy ra, chỉ giữ lại chút đỉnh, còn bao nhiêu đưa cả cho tên phu đầu nậu. Mặc dầu hy vọng được nhiều tiền ứng trước hơn, gã phu cũng không từ chối và bằng lòng đi tìm, vì “cảm tình đặc biệt” với khách.
- Khách quan tới đợi ở tam quan chùa Thạch Phật, tụi này sẽ tới đó trước khi mặt trời lặn.
Nói đoạn, cả bọn chia nhau số bạc, rồi giải tán đi các ngả.
Một mình chẳng biết làm gì, Thạch Đạt Lang thả bộ quanh vùng, thăm trấn Shimosuwa và lâu đài Takashima, dừng chân quan sát địa hình cùng cách dẫn thủy vào lâu đài để rộng kiên văn, phòng sau này cần đến. Hắn cũng không quên hỏi thăm Oa Tử và danh tính những kiếm sĩ trong vùng, nhưng chẳng biết thêm được điều gì hữu ích.
Mặt trời xế bóng, Thạch Đạt Lang đến chùa Thạch Phật ngồi đợi trên bậc thềm đá dưới tam quan. Khá lâu chẳng thấy ai đến, hắn đảo quanh chùa ngoạn cảnh vườn cho khỏi cuồng cẳng, nhưng lòng bồn chồn, mới được vài bước đã quay lại chỗ cũ dưới tam quan ngồi đợi.
Trời bắt đầu chạng vạng. Nghe tiếng ngựa hí đâu đây, Thạch Đạt Lang hơi ngạc nhiên. Đợi lúc nữa cũng không thấy ai đến, hắn theo tiếng ngựa hí đi tới thì thấy ở cái chuồng nhỏ sau chùa có người mã phu già đang dội nước tắm cho hai con ngựa bùn đất còn bám đầy móng.
Thấy Thạch Đạt Lang, người mã phu dừng tay nhìn, tỏ vẻ ngờ vực:
- Tối rồi, thí chủ đến đây làm gì thế ? Cần gì chăng ?
Thạch Đạt Lang nói rõ lý do. Người mã phu bèn cười hô hố mãi không dứt khiến Thạch Đạt Lang cau mày khó chịu. Đợi tin tức thì có gì đáng cười ? Hắn toan phản đối nhưng chưa kịp mở miệng, người mã phu đã nói:
- Thí chủ từ đâu đến ? Ngây thơ thế đáng lẽ chẳng nên đi một mình mới phải. Thí chủ tưởng rằng tụi đó đi tìm người cho thí chủ đấy hẳn ? Nếu trả tiền trước rồi thì ôi thôi... coi như nước lã ra sông, đừng hòng nhìn lại nữa !
- Vậy ra lão cho rằng chúng đóng trò để lừa tiền mỗ chăng ?
Người mã phu tỏ vẻ thương hại:
- Đúng thế ! Chúng bày kế cướp tiền của thí chủ rồi ! Lão mới về nhưng nghe nói trên đường đi, có chục tên du đáng họp nhau ở bên kia đồi đánh bạc, uống rượu. Hẳn chúng nó chứ không ai. Những vụ lừa đảo như thế bây giờ xẩy ra như cơm bữa. Tệ thật !
Rồi lão thuận miệng kể vài vụ cũng khách thương bị côn đồ gạt vào bẫy, lấy nhẵn cả tiền và hàng hóa, rồi kết luận:
- Ối dào ! Đời bấy giờ ấy mà ...Từ nay thí chủ nên cẩn thận !
Nói xong, gánh đôi thùng không xuống đồi múc nước, để Thạch Đạt Lang đứng một mình, sượng sùng với lời khuyên, trong bóng chiều bắt đầu buông dày đặc.
Thạch Đạt Lang vừa tức vừa buồn cười, tự trách mình quá khờ khạo. “Ta tự hào không sơ hở để địch thủ đâm hông được mà lại bị một bọn dốt nát lừa gạt. Thật không khác gì bị cái tát. Vậy mà mơ những chuyện cao xa, chỉ huy binh đội, lãnh đạo chiến tranh thì làm thế nào được !”.
Trèo những bậc đá lên chùa, hắn tự nhủ thầm sẽ thận trọng hơn trong sự tiếp xúc với xã hội bên ngoài. Đến tam quan, bỗng thấy một trong những người thợ ban sáng đang đứng đợi.
- À ! Khách quan đây rồi ! Làm nô tài chờ mãi !
Thạch Đạt Lang cau mặt, nhưng cũng hỏi:
- Có tin gì không ?
- Có ! Có tin một trong hai người !
- Ai ! Thiếu nữ hay tiểu đồng ?
- Tiểu đồng ! Nhỏ đó với một người đứng tuổi tên Đại Cổ ở Narai đi về phía đèo Hòa Đa. Không thấy tận mắt nhưng nô tài đã cất công đến tận Seba mới được tin đấy !
Bọn kia đã ai về báo tin cho khách quan biết chưa ?
- Chưa. Nhưng ta chắc chúng lừa ta, lấy tiền đi đánh bạc chứ tìm cái gì !
Người thợ gật gù:
- Thường thì như vậy, nhưng nô tài thì không. Thấy khách quan đứng đắn, nô tài cố giúp.
Hơi ngượng vì đã có ý vơ đũa cả nắm, Thạch Đạt Lang nói chữa:
- Cám ơn chú đã cho tin.
Rồi móc số bạc vụn ra. Hắn ước tính số bạc chỉ đủ để trả tiền bữa cơm tối nên ngần ngừ một lát. Nhưng lại nghĩ lòng thành thật không thể không được tưởng thưởng, bèn dốc cả số bạc vụn vào tay người thợ. Biết đâu chẳng vì thế mà những ngày sắp tới gã chẳng giúp thêm được vài người nữa, tin rằng người thật thà sẽ được đền đáp xứng đáng ?
Người thợ được tiền, mừng rỡ nâng ngang mày tỏ ý cảm ơn rồi tất tả quay gót.
Trời tối hẳn. Bóng đêm lẫn với bóng núi mờ mờ, vài đốm sao mới xuất hiện nhấp nháy. Tiết trời mát mẻ và trong người dễ chịu, Thạch Đạt Lang quyết định đi đêm đến đèo Hòa Đa, hy vọng sẽ gặp Đại Cổ và Giang ở đó vào buổi sớm. Hắn dời chùa Thạch Phật, và một lần nữa lại được hưởng cái thú đi đêm một mình trên con đường vắng. Hắn cảm thấy khoan khoái vô cùng, được nghe chính bước chân mình rào rạo trên sỏi đá, lắng nghe cái yên lặng của đất trời rất sinh động chung quanh, quên hết cả để tận hưởng sự hiện hữu của chính mình. Giữa đám đông ồn ào và vội vã trong các thị trấn, Thạch Đạt Lang đôi khi cảm thấy buồn và cô độc, nhưng trong cảnh tịch mịch của đêm khuya, không bao giờ hắn thấy đơn côi hay bị ruồng bỏ. Trái lại, tâm hồn hắn dễ rung động, tinh thần linh mẫn và ý tưởng cũng khoáng đạt hơn. Óc và tâm hắn có lúc như rời hẳn nhau, giúp hắn có cái nhìn rất lạnh lùng và khách quan để tự xét.
Qúa nửa đêm, Thạch Đạt Lang trông thấy ánh lửa đằng xa. Từ khi qua khỏi cầu Ochi, đường dốc dần. Thạch Đạt Lang đoán có lẽ sắp tới chân đèo. Ánh lửa có thể do tiều phu trong rừng đốt sưởi ấm hoặc của một quán ven đường nào còn mở cửa.
Nghĩ đến quán, Thạch Đạt Lang sực nhớ chưa ăn cơm chiều và tự nhiên bụng hắn cồn cào sôi sục. Từ khi dời trấn Shimosuwa, lần đầu tiên hắn thấy đói.
Đến nơi, quả nhiên là một cái quán ven đường. Bên ngoài trống bốn cây cột để buộc ngựa nhưng không có ngựa. Tuy nhiên có tiếng lè nhè từ trong quán vọng ra lẫn với tiếng củi cháy nổ lách tách. Thạch Đạt Lang đứng trước hiên, do dự. Nếu là một căn lều của nông dân hay tiều phu, hắn không ngại gì mà không xin ngủ đậu nhưng đây lại là một quán hàng. Mà trong bọc hắn không còn đồng tiền nào cả. Mùi cơm và thịt nấu bay ra xộc vào mũi, Thạch Đạt Lang nuốt nước bọt. Sực nhớ đến pho tượng mang theo, một pho tượng Quan Âm nhỏ, gọt bằng gỗ mận trong những lúc nhàn rỗi, hắn định đem ra đổi lấy bữa cơm. “Mình sẽ giải thích cho chủ quán rõ, chắc họ chẳng nỡ từ chối”.
Bèn đẩy cửa bước vào. Ba người khách ngồi cạnh lò quay ra nhìn. Râu ria lởm chởm, quần áo xốc xếch, trong cảnh tranh tối tranh sáng bên ngọn lửa bập bùng, không ai đoán được họ bao nhiêu tuổi. Quán nghèo nàn. Hai cái bàn thấp đóng bằng ván cũ với ghế đẩu kê trong góc. Trên bếp, cũng dùng làm lò sưởi, treo cái nồi nấu thịt, mùi thơm tỏa ngào ngạt. Bên cạnh, một hũ sành chắc đựng rượu hâm nóng.
Thạch Đạt Lang ngồi vào bàn. Một người khách hỏi:
- Muốn gì ?
- Ai là chủ quán ? Cho cái gì ăn chứ ?
Tức thì cả ba cùng nói:
- Quán ! Có khách !
Một người từ nhà sau bước ra, hất hàm hỏi:
- Dùng gì ?
- Cơm, canh, gì cũng được, mà nhanh lên !
Lát sau, thấy chủ quan bưng ra một liễn cơm nguôi và một bát canh rau cùng đũa bát:
- Khách quan ăn tạm. Nhà hết cơm nóng mà thịt lợn rừng thì chưa chín.
Thạch Đạt Lang gật đầu:
- Cũng được !
Rồi bắt đầu ăn ngấu nghiến. Những người kia cũng không nhìn Thạch Đạt Lang nữa, tiếp tục quay vào cạnh lò nói chuyện, thỉnh thoảng lại nhổ nước miếng đánh bẹt một cái vào lửa.
Nhân thấy chủ quán đứng gần, Thạch Đạt Lang bèn hỏi:
- Ông quán có thấy ai tên Đại Cổ qua đây không ?
Chủ quán không đáp. Thạch Đạt Lang nói thêm:
- Đại Cổ trạc năm mươi, tóc hoa râm, đi cùng với một thằng bé khoảng mười lăm tuổi.
Chủ quán bèn quay hỏi những người khách kia:
- Hồ Định ! Lão có thấy ai tên Đại Cổ chừng tuổi dẫn thằng bé qua đường này không ?
Ba người kia đưa mắt nhìn nhau như hỏi ý rồi cùng lắc đầu. Chủ quán nói:
- Chắc không có, hay chưa tới cũng không biết chừng.
Thạch Đạt Lang lại tiếp tục dùng bữa. Khi đã lửng dạ, hắn mới nghĩ đến việc trả tiền. Sở dĩ hắn không nói ngay lúc đầu vì không muốn có vẻ như một tên khất thực trước mặt những người khách lạ. Hắn định nếu chủ quán không nhận bức tượng Quan Âm, hắn sẽ thế con dao chuôi bằng sừng hươu vẫn để trong bọc.
Cơm nước xong, Thạch Đạt Lang gọi chủ quán:
- Ông quán này ! Ta có chuyện muốn yêu cầu !
Chủ quán hất hàm ra ý hỏi:
- Ta không có tiền, nhưng cũng không muốn chịu tiền cơm của ông quán. Ông có ưng nhận đồ vật thay cho tiền cơm không ?
- Đồ vật gì ?
- Một bức tượng.
- Tượng thật hay giả ?
- Tượng Quan Âm, chẳng phải do điêu khắc gia danh tiếng nào tạo ra, nhưng do tay ta làm. Chẳng biết có đáng giá bữa cơm hay không nhưng ông cứ xem trước. Nếu được ...
Vừa nói, Thạch Đạt Lang vừa lấy ra một cái túi vải và bắt đầu cởi dây buộc. Ba người khách kia cũng ngưng nói chuyện, quay ra chăm chú nhìn tay Thạch Đạt Lang cởi dây túi.
Cởi xong, Thạch Đạt Lang đổ tất cả lên bàn. Một quyển sổ con, một cái bút với nghiên mực nhỏ, một pho tượng gỗ cùng với một cái túi nhỏ nữa nặng hơn rơi ra lộn xộn.
Mấy đồng tiền vàng từ miệng cái túi nhỏ cũng lăn ra theo, một đồng rơi xuống đất va vào bệ đá kêu đánh keng một tiếng.
Mọi người trố mắt nhìn, kể cả Thạch Đạt Lang. Hắn không hiểu sao, nắn nắn cái túi vải, rồi thò tay vào rút ra một mảnh giấy. Mảnh giấy ký tên Mạc Khải Kỳ, trên có ghi vài hàng chữ:
“Chút quà mọn, kính ái tặng tráng sĩ làm tiền lộ phí”.
Thạch Đạt Lang bấy giờ mới vỡ lẽ:
đấy là cách mua chuộc của Liêu Chính Mộ Đức.
Chẳng ai lạ gì sự bất mãn của một số sứ quân thời bấy giờ, bên ngoài tuy ra vẻ thần phục lãnh chúa Tôn Điền, nhưng bên trong ngấm ngầm chiêu binh nuôi ngựa làm phản. Liêu Chính Mộ Đức, một trong số những sứ quân ấy, tất nhiên không qua khỏi thói thường. Ông đã sai thủ túc Mạc Khải Kỳ đi khắp nước Nhật tìm tài năng lạ, nhất là thuộc giới võ lâm giang hồ, lôi kéo về phe mình.
Nhận tiền của Liêu Chính Mộ Đức thật không ổn. Hắn không muốn chịu ơn người mà hắn chưa biết rõ đức hạnh cùng chí hướng ra sao. Vả khi nhận tiền rồi, tất bị ràng buộc, mà trong thâm tâm, Thạch Đạt Lang chẳng muốn bất cứ sự ràng buộc nào, cho nên, tốt hơn hết, cứ coi số tiền kia như không có. Bèn nhặt hết những đồng vàng vung vãi trên bàn bỏ lại vào túi, rồi chìa bức tượng gỗ cho chủ quán:
- Đây, tượng đây ! Nếu được, ông quán cứ giữ thay cho tiền cơm.
Nhưng chủ quán khoát tay, lắc đầu:
- Không được !
- Sao, không ưng hả ? Tượng không đáng giá chăng ?
- Không phải vậy ! Khách quan không có tiền thì mới nhận. Khách quan có tiền, phải trả tiền chứ !
Thấy chuyện lạ, những người ngồi bên bếp cũng dường như tỉnh hẳn rượu, dời chỗ ngồi đến gần bàn Thạch Đạt Lang nhìn hau háu.
Nhận ra sự phi lý của mình, nhưng nghĩ cho cùng chẳng muốn giải thích lôi thôi làm gì, Thạch Đạt Lang mở túi lấy một đồng vàng đưa chủ quán.
- Nhiều quá ! Không có tiền thối.
- Không sao. Cứ giữ chỗ lẻ, ta không đòi lại đâu !
- Vậy ở lại chút nữa ăn thịt lợn rừng.
Nhưng Thạch Đạt Lang lắc đầu cảm ơn, đeo hành trang, cầm nón ra cửa. Hắn hy vọng nêu không gặp chuyện gì trắc trở sẽ lên tới đỉnh đèo vào đầu giờ mão.
Vùng này nổi tiếng nhiều giống hoa mua rừng rất đẹp, đủ màu sắc, nhỏ bằng cái cúc cũng có và to bằng cái chén cũng có, mọc thành chùm đỏ tươi, vàng óng, tím nhạt hay trắng muốt, mỗi thứ một vẻ không ai là không thích. Rất tiếc, Thạch Đạt Lang lại qua đây vào ban đêm nên chỉ trông thấy những lùm bụi đen ngòm, không thưởng thức được gì cả.
Khỏi quán chừng một dặm, bỗng thấy một bóng đen vội vã chạy theo rồi có tiếng gọi giật:
- Khách quan ! Khách quan !
Thạch Đạt Lang dừng chân ngoái cổ lại. Bóng đen rảo bước đi tới:
- Khách quan quên cái này !
Nói đoạn lấy trong bọc ra một đồng tiền vàng đưa Thạch Đạt Lang.
- Đồng này lăn dưới gậm bàn, khách quan quên chưa nhặt.
Thì ra là một trong số ba người ngồi ở quán hồi nãy. Thạch Đạt Lang cầm tiền, cảm ơn rồi tiếp tục cất bước. Không hiểu sao, hắn chẳng thưởng cho người kia chút gì.
Đi được một lúc, người kia bắt chuyện:
- Khách quan cũng trong võ lâm hả ?
- Phải.
- Qúy danh tính là gì ?
- Tại hạ họ Thạch.
- Môn phái nào ?
- Không có môn phái.
Nghe những lời đáp nhát gừng như vậy, người khác tất chán nản bỏ đi, nhưng gã này xem ra càng bám riết.
- Vậy đồng đạo rồi. Tiểu đệ cũng là kiếm sĩ, trước có đôi chút danh vọng. Nhưng vì tình thế, bây giờ phải tạm lánh trong rừng.
- Thế à !
- Tiểu đệ săn thú, kiếm củi lấy tiền độ nhật, chờ gặp minh chủ. Thật chẳng khác gì rồng nằm trong ao hẹp !
Thạch Đạt Lang mỉm cười:
- Tiếc quá nhỉ ! Thế bằng hữu đứng về phía Osaka hay Edo ?
- Chẳng về phía nào. Nhưng cần gì, phía nào cũng được, miễn có người dùng.
Thạch Đạt Lang quay nhìn kẻ đồng hành, cố nhớ xem gã là ai trong ba kẻ ngồi bên lò sưởi ở quán, nhưng trời tối quá trông không rõ.
Thạch Đạt Lang rảo bước nhanh hơn, cố ý bỏ rơi gã đồng hành. Chẳng phải tay vừa, gã theo sát nút phía sau về bên trái, một hành động chuẩn bị chiếm ưu thế khi sắp tấn công mà không một kiếm sĩ nào không biết.
Nhưng Thạch Đạt Lang không tỏ vẻ bận tâm. Hắn thản nhiên bước những bước dài và nhanh, đều đều trên đường núi dốc.
Gã kia lại tiếp:
- Từ đây đến Edo cũng còn xa. Qua đèo Hòa Đa lại phải trèo đèo Đại Môn, cao và dốc lắm. Nếu không quen đường thì khá mệt.
- Bằng hữu thông thạo vùng này lắm nhỉ ?
- Đương nhiên. Tiểu đệ Ở vùng này đã mấy năm, chung với hai gã kia, ngay sau ngọn đồi trước mặt. Ờ, mà tại sao huynh không đến nghỉ chân ở nhà tiểu đệ ! Nhà đệ tuy nhỏ nhưng cũng đủ chỗ cho khách trú qua đêm. Như thế chẳng tiện lắm ư ?
Một lần nữa, Thạch Đạt Lang lại liếc nhìn phía sau. Có một cái gì khác thường khiến hắn nghi ngờ nhưng không nói. Bản tính ưa mạo hiểm lại tò mò muốn biết gã kia định giở trò gì, hắn coi lời mời như một sự thách đố. Bèn gật đầu nhận:
- Qúy xá có xa đây không ?
- Không xa mấy, qua con suối sau đồi này là tới.
- Thế hai ông bạn kia, họ đồng ý chăng ?
- À, hai thằng đó đêm nào chả say như chết ! Chắc bây giờ còn ngồi uống rượu ở quán. Mọi lần đệ phải dìu về nhưng hôm nay thì mặc kệ.
Đi một quãng nữa, bỗng gã nói to như báo hiệu:
- Gần đến rồi ! Cẩn thận, ở đây có cái lạch !
- Phải qua lạch không ?
- Qua chứ ! Huynh trèo lên cây cầu này sang bên kia rồi cứ theo bờ mà đi.
Đoạn lùi lại, nhường Thạch Đạt Lang lên trước. Cầu là một thân cây nhỏ không tay vịn, bắc qua chỗ trũng, trông xuống dưới tối om om, lờ mờ dòng nước chảy.
Thạch Đạt Lang mới bước được vài bước, thình lình gã đi sau chồm ngay tới, nhấc đầu cầu lên hất hắn xuống rạch.
Đã đề phòng trước, Thạch Đạt Lang mượn đà cây gỗ bị nhấc lên, nhảy ngay về phía hòn đá nhô ra cạnh bờ, nhẹ nhàng như én đậu.
- Này, rồi đời tên cường đạo !
Gió kiếm nghe “vù”. Một tiếng thét trong đêm khuya rồi âm thanh của thân cây va vào đá trước khi rơi xuống nước vang theo dòng lạch sâu, kéo dài tưởng như bất tận.
Vài con chim rừng xào xạc bay lên, cánh vỗ phành phạch.
Xác gã thảo khấu vô danh nằm co quắp trên bờ. Có lẽ gã đã tắt thở ngay sau đó, không biết và không ngờ Thạch Đạt Lang rút kiếm ra chiêu nhanh đến thế.
Khi đồi Hòa Đa trở lại yên tĩnh, trên cao, một ngôi sao lạc kéo vệt sáng dài từ đông sang tây rồi tắt như một linh hồn vừa lìa cõi thế.
Thạch Đạt Lang đọc lời cầu nguyện ngắn, thu nhặt hành trang, vừa định bước đi thì một tiếng nổ chát chúa vang động cả thung lũng. Ánh lửa nhoáng lên từ phía bên kia bờ. Tiếp theo là một tiếng nổ nữa. Thạch Đạt Lang nằm sấp, nghe rõ ràng tiếng đạn bay rít trong không khí. Hắn chú mục nhìn sang bên kia. Giữa những lùm bụi và thân cây rừng thưa thớt, lờ mờ hai bóng đen đang thận trọng bò tới.
Top Truyện Hot Nhất
Truyện hot hiện nay
Bình luận
Sắp xếp