Tên Của Đóa Hồng
Chương 31
Tác giả: Umberto Eco
Thầy William bảo: - Có lẽ chỉ là một ngọn đèn được đặt ở đó để các tu sĩ tin rằng Thư viện bị ma ám. Nhưng ta phải tìm ra. Con đứng đây, cứ che đèn. Thầy sẽ cẩn thận đi tới.
Vẫn còn xấu hổ vì sự việc xảy ra trước tấm gương ban nãy, tôi muốn phục hồi danh dự bèn bảo: - Không, để con đi. Thầy ở đây. Con sẽ thận trọng tiến đến. Con nhỏ người và nhẹ hơn. Khi nào con thấy không có gì nguy hiểm, con sẽ gọi thầy.
Thế rồi tôi bước tới. Ép mình sát tường, đi rón rén nhẹ như mèo, tôi đi xuyên suốt ba phòng và đến ngưỡng căn phòng le lói ánh đèn. Tôi trườn theo bức tường đến cột dọc rầm cửa bên mặt và ghé mắt nhìn vào phòng. Không một bóng người. Có một ngọn đèn đặt trên bàn đang chập chờn bốc khói. Nó có vẻ giống một lư hương không nắp. Nó không có lửa ngọn, nhưng có một thứ ánh sáng tro âm ỉ đốt một thứ gì đó. Tôi thu hết can đảm bước vào. Trên bàn bên cạnh lư hương có một quyển sách màu sắc sặc sỡ mở sẵn. Tôi đến gần và thấy trên trang giấy có bốn sọc màu khác nhau: vàng, son, ngọc lam, đất nung và một con quái vật khủng khiếp. Đó là một con rồng khổng lồ mười đầu, kéo theo sau nó sao trời và dùng đuôi đập chúng xuống đất. Đột nhiên, tôi thấy con rồng lớn lên bội phần, vảy bên hông nó hóa thành một khu rừng, lấp lánh bọn cánh cam ào ạt bay ra khỏi trang giấy, lượn vòng quanh đầu tôi. Tôi hất đầu ngẩng lên thì nhìn thấy trần nhà ép sát xuống thân tôi, rồi nghe thấy tiếng rít của hàng nghìn con rắn, không khủng khiếp mà lại quyến rũ. Rồi một phụ nữ hiện ra, tắm mình trong ánh sáng, kề mặt nàng sát mặt tôi, hơi thở nhè nhẹ. Tôi thẳng tay đẩy nàng ra, và tay tôi dường như chạm vào những quyển sách trên kệ đối diện vì nó mọc dài ra quá khổ. Tôi không còn biết trời đất gì nữa. Ở giữa phòng, tôi thấy Berengar trừng trừng mắt nhìn tôi và nhếch mép cười căm phẫn, đầy nhục dục. Tôi lấy tay che mặt và tay tôi giống như móng có màng nhầy nhụa của chân cóc. Tôi nghĩ mình đã khóc to vì trong miệng có vị chua. Tôi lao mình vào vực đen thăm thẳm, dường như đang há rộng mãi đưới chân tôi, và tôi không biết gì nữa.
Tôi tỉnh dậy, tưởng chừng như mình đã trải qua nhiều thế kỷ, nghe có ai vỗ vào đầu. Tôi nằm dài trên sàn nhà, còn thầy William đang vả vào má tôi. Mở mắt ra, tôi thấy mình đang ở trong một phòng khác có treo bảng tên “Requiescant a laborius suis ” (18) ;
Thầy William thì thầm vào tai tôi - Tỉnh dậy, tỉnh dậy nào, Adso, không có gì…
Tôi nói trong mê sảng- Có đủ thứ… Con quái vật đằng kia…
- Không có quái vật nào hết. Thầy thấy con lảm nhảm ở dưới chiếc bàn đặt quyển sách Mặc khải của nhóm Mozarab (19). Nhưng thầy ngửi mùi, biết ngay con đã hít một chất gì đó nguy hiểm nên phải bồng con đi ngay. Đầu thầy hãy còn choáng váng.
- Nhưng con đã thấy gì?
- Không thấy gì cả. Quả thật ai đó đã đốt một chất gì đó có khả năng gây ảo giác. Thầy nghe mùi quen quen: đó là một chất của người Ả Rập. Vậy là chúng ta đã giải thích được sự bí ẩn của ảo giác. Ai đó ban đêm đã bỏ các loại dược thảo huyền ảo vào đấy để dọa khách không mời rằng có những hồn ma canh gác thư viện. Thế con cảm thấy thế nào?
Tuy vẫn còn hoang mang, tôi cố hết sức hồi tưởng ảo giác của mình và kể cho thầy William nghe. Thầy cười bảo: - Phân nửa điều con kể xuất phát từ trí tưởng tượng dựa trên những gì con thoáng thấy trong quyển sách, phần còn lại nói lên ước vọng và nỗi sợ hãi của con. Đây là tác dụng do một số cây thuốc tạo ra. Mai chúng ta sẽ nói chuyện này với Severinus. Thầy nghĩ Huynh ấy biết nhiều hơn chúng ta tưởng. Chúng thuần túy chỉ là dược thảo, không cần đến sự pha chế quỉ quái như Sư huynh ngành kính đã bảo ta. Dược thảo, gương soi… Nơi tàng trữ những kiến thức cấm kỵ này được canh giữ bởi vô số công cụ xảo quyệt nhất. Người ta dùng kiến thức để che đậy, chớ không phải để quảng bá. Thầy không thích thế. Một tâm trí bệnh hoạn đã chế ngự việc canh giữ thư viện. Nhưng đêm nay vất vả quá rồi, chúng ta phải đi thôi. Con đã bị thất thần, cần có nước và khí trời. Cố mở các cửa sổ này cũng hoài công, vì chúng quá cao, và có lẽ đã đóng kín mấy chục năm nay rồi. Sao người ta lại có thể nghĩ rằng Adelmo đã từ đây lao mình xuống vực nhỉ?
Thầy William bảo “Đi”. Nghe thì dễ. Chúng tôi biết chỉ có thể lên Thư viện bằng tháp phía đông. Nhưng bây giờ chúng tôi đang ở đâu? Chúng tôi đã hoàn toàn lạc hướng. Chúng tôi lang thang, sợ rằng sẽ chẳng bao giờ thoát ra nơi này. Tôi vẫn lảo đảo và buồn nôn. Thầy William hơi lo cho tôi và bực mình vì kiến thức của mình còn hạn chế. Nhưng việc đi lang thang này giúp cho thầy nảy lên một sáng kiến cho ngày hôm sau: chúng tôi sẽ trở lại thư viện - cứ cho rằng sẽ không bao giờ ra được - dùng một thanh củi cháy dở hoặc vật gì đó có thể lưu lại dấu vết trên tường.
Thầy William ngâm nga: - Muốn tìm đường ra khỏi Mê Cung chỉ có một cách duy nhất. Tại mỗi giao điểm chưa hề qua, ta sẽ vạch đường đi bằng ba dấu hiệu. Nếu thấy con đường dẫn đến giao điểm đã đánh dấu rồi, mình phải hiểu rằng mình đã đi qua đó rồi, vậy mình chỉ vạch một dấu lên con đường vừa đi qua. Nếu tất cả cửa đều được đánh dấu thì mình phải lùi bước. Nhưng, nếu một trong hai lối ra của giao điểm chưa được đánh dấu, mình sẽ chọn một và vạch hai dấu lên đó. Khi qua lối chỉ có một dấu, mình phải vạch thêm hai dấu nữa để tạo thành ba. Khi đến một giao điểm mà không bao giờ dùng lối đi có ba dấu, trừ khi tất cả các lối đi khác đều đã có đánh dấu, thì biết rằng mình đã đi khắp Mê Cung.
- Làm sao thầy biết thế? Thầy là chuyên gia về các Mê Cung à?
- Không, thầy ngâm lại một đoạn sách xưa mà thầy đã đọc.
- Và nhờ áp dụng nguyên tắc này, thầy sẽ ra được à?
- Theo thầy thì hầu như không bao giờ. Dầu sao chúng ta phải cố. Vả lại, trong vòng mai hoặc mốt, thầy sẽ có mắt kính và thời gian để nghiền ngẫm thêm sách. Nếu thứ tự các bảng hình cuộn còn mơ hồ thì cách sắp xếp sách sẽ giúp chúng ta rút ra một nguyên tắc.
- Thầy sẽ có kính à? Làm sao thầy tìm ra chúng?
- Thầy sẽ đặt làm kính mới. Thầy biết Sư huynh ngành kính rất háo hức đợi một dịp thế này để thử một cái gì mới. Miễn là Huynh ấy có đồ nghề thích hợp để mài những mảnh kính. Còn nói về kính thì trong xưởng làm việc đó có rất nhiều.
Khi chúng tôi đi lang thang tìm đường ra thì bỗng nhiên ngay chính giữa một căn phòng, tôi cảm thấy một bàn tay vô hình vuốt lên má tôi, trong khi đó, một tiếng rên rỉ nửa người nửa thú, vang lên trong phòng đó và phòng bên, như thể một hồn ma đang bay vất vưởng từ phòng này sang phòng khác. Lẽ ra, tôi phải chuẩn bị đón nhận những điều kỳ quái trong Thư viện, nhưng một lần nữa, tôi khiếp sợ và nhảy lùi lại. Thầy William chắc hẳn đã gặp cùng cảnh ngộ như tôi, vì thầy cũng sờ lên má khi giơ đèn lên cao nhìn quanh quất.
Thầy giơ một tay và xem xét ngọn lửa, bây giờ có vẻ sáng hơn, rồi liếm một ngón tay đưa thẳng ra trước mặt.
- Rõ rồi! – Thầy nói và chỉ cho tôi hai điểm ngang đầu trên hai bức tường đối diện, có hai kẽ nhỏ, và nếu người ta để tay gần đó, sẽ cảm thấy khí lạnh từ ngoài luồn vào. Khi kề tai gần chúng, ta nghe tiếng xào xạc như tiếng gió thổi bên ngoài.
- Dĩ nhiên, Thư viện phải có hệ thống thông gió. Bằng không, bầu không khí sẽ ngột ngạt, nhất là vào mùa hè. Ngoài ra, các kẽ hở đó cung cấp đủ độ ẩm, thế nên các bản da sẽ không bị khô. Nhưng sự khôn ngoan của các nhà sáng lập Thư viện không chỉ có thế. Họ biết chắc rằng đục những kẽ hở theo một tọa độ nhất định nào đó thì vào những đêm có gió, các luồng gió thổi qua những kẽ này sẽ gặp những luồng khác rồi xoay vần suốt tất cả các phòng bên trong, tạo ra âm thanh ma quái ban nãy chúng ta đã nghe. Cùng với gương và thuốc mê, điều này sẽ khiến cho những kẻ liều lĩnh đột nhập vào đây thêm sợ hãi. Thế nên, chính chúng ta đã có lúc tưởng ma thổi vào mặt. Giờ đây, nhờ gió mạnh nên chúng ta mới vỡ lẽ ra. Vậy điều bí ẩn này giờ đây cũng đã sáng tỏ. Còn chúng ta thì vẫn không biết lối nào ra!
Vừa nói chuyện, chúng tôi vừa hoang mang đi lung tung, không buồn đọc những tấm bảng hình cuộn, cái nào cũng giống cái nấy. Chúng tôi đến một căn phòng bảy cạnh khác, rồi xuyên qua các phòng kế cận, nhưng vẫn không thấy lối ra. Chúng tôi lùi lại, đi gần một giờ đồng hồ, không chủ tâm định vị trí mình đang ở đâu. Có lúc thầy William cho rằng chúng tôi đã thất bại, và chỉ có việc vào phòng nào đó ngủ tạm rồi hi vọng sáng mai, Malachi sẽ tìm thấy chúng tôi. Đang còn than thân trách phận đã dấn thân vào cuộc phiêu lưu mạo hiểm này thì chúng tôi đột nhiên thấy lại căn phòng có cầu thang dẫn lối lên. Chúng tôi thành tâm tạ ơn trên và hớn hở đi xuống.
Khi vừa đến nhà bếp, chúng tôi chạy ào đến cửa lò và chui vào hành lang trong lò thiêu xương. Tôi thề rằng, bây giờ các đầu lâu đang nhe răng trông cũng dễ thương như những nụ cười của các bạn thân. Chúng tôi vào lại giáo đường và ra ngoài theo cửa bắc, rồi cuối cùng vui mừng ngồi lên những mộ bia. Không khí trong lành ban đêm ngát hương thiêng. Sao trên trời chiếu sáng, và các hư ảnh tôi nhìn thấy trong Thư viện lùi xa mãi.
Tôi nhẹ nhõm nói: - Thế giới sao huy hoàng quá, còn Mê Cung sao u ám lạ.
- Thế giới sẽ huy hoàng biết bao nếu mình biết cách đi lại trong Mê Cung.
Chúng tôi men theo cánh trái của nhà thờ, đi qua một cửa lớn, băng ngang nhà nguyện để đến nhà nghỉ của những người hành hương. Tu viện trưởng đã đợi sẵn tại cửa, nghiêm khắc nhìn chúng tôi chằm chặp, và nói với thầy William:
- Cha đã kiếm con suốt đêm, không thấy con ở trong phòng, cũng không thấy trong nhà thờ…
- Chúng con đuổi theo một dấu vết… - Thầy William nói một cách mơ hồ, lộ vẻ bối rối.
Tu viện trưởng nhìn thầy một hồi lâu rồi chậm rãi và nghiêm nghị nói: - Cha đã tìm con ngay sau Kinh Tối. Berengar không có trong khu hát kinh.
- Cha muốn nói chi? – Thầy William vui mừng hỏi. Giờ thầy đã biết rõ ai đã phục kích chúng tôi trong phòng thư tịch.
Tu viện trưởng nhắc lại: - Huynh ấy không có trong khu hát kinh vào giờ Kinh Tối, và giờ cũng chưa về phòng mình. Kinh Sớm sắp điểm, chúng ta sẽ thử xem Huynh ấy có dự lễ không. Nếu không, Cha nghĩ sẽ có một tai ương mới.
Vào giờ Kinh Sớm, Berengar vẫn vắng mặt.
Chú thích:
(1) (La Tinh): Sách Khải huyền của Chúa Kitô.
(2) Hai mươi bốn vị niên trưởng ngồi trên ngai.
(2) Tên nó là sự chết.
(3) Trời đất tối tăm.
(4) Lửa loạn xảy ra.
(5) Trong những ngày ấy.
(6) Con đầu lòng của người chết.
(7) Sách Khải huyền của Chúa Kitô
(8) Một tinh tú từ trời rơi xuống.
(9) Bạch mã.
(10) Cầu chúc ơn huệ và bình an.
(11) Phần thứ ba của trái đất bị cháy rụi.
(12) “De Aspectibus”
(13) Hai mươi bốn vị niên trưởng ngồi trên ngai.
(14) “De Oculis”
(15) “De Radiis Stellatis”
(16) “De Bestiis”
(17) “Laber Montrorum de Diversis Generibus ”
(18) Cầu mong họ yên nghỉ sau khi lao động nhọc nhằn.
(19) Nhóm Mozarab : Nhóm Thiên chúa giáo Tây Ban Nha đã cải cách đạo Thiên chúa trong người Moors đô hộ nước họ.
Truyện hot hiện nay
Bình luận
Sắp xếp