Tên Của Đóa Hồng

Chương 24


Chương trước Chương tiếp

Các tu sĩ đã bắt tay vào việc. Yên lặng bao trùm phòng thư tịch, nhưng đó không phải là sự yên lặng xuất phát từ sự thanh thản cần cù của mọi tâm hồn. Berengar, vừa đến trước thầy trò tôi một chốc, lúng túng tiếp chúng tôi. Các tu sĩ khác nghỉ tay, nhìn lên. Họ biết chúng tôi lên đây để khám phá điều gì đó về Venantius, và chính hướng nhìn của họ khiến chúng tôi lưu ý đến chiếc bàn trống ở dưới cửa sổ trông vào gian trong, tháp bát giác ở trung tâm.

Nhiệt độ trong phòng thư tịch khá ôn hòa, dù hôm nay trời rất lạnh lẽo. Góc lạnh nhất là góc ở tháp phía Đông, và tôi nhận thấy dù còn ít chỗ trống vì số tu sĩ đến làm việc đông, tất cả bọn họ đều có khuynh hướng tránh các bàn làm việc đặt tại góc đó. Về sau, tôi nhận thấy cầu thang trôn ốc ở tháp phía Đông là cầu thang duy nhất vừa dẫn xuống nhà ăn,vừa dẫn lên thư viện. Tôi tự hỏi phải chăng đã có một sự tính toán khéo léo, sắp xếp hệ thống sưởi của căn phòng, nhằm làm nản lòng các tu sĩ muốn thám sát khu vực này, và nhằm để Quản thư viện có thể dễ dàng kiểm soát lối đi lên thư viện.

Bàn giấy Venantius xấu số quay lưng về phía lò sưởi lớn, và có lẽ đó là chiếc bàn được ưa chuộng nhất. Chiếc bàn khá nhỏ, giống như các bàn khác đặt quanh sân bát giác, vì đây là những bàn đóng cho các học giả. Các bàn lớn hơn được đặt dưới các cửa sổ của bức tường ngoài được đóng cho những người minh họa và sao chép. Venantius cũng dùng cái bục giảng để làm việc, có lẽ huynh phải tham khảo và sao chép các bản thảo người ta cho thư viện mượn. Dưới bàn là một dãy kệ thấp, chồng chất những mảnh giấy rời. Vì tất cả đều bằng tiếng Latinh nên tôi suy diễn chúng là những bản dịch mới nhất của Huynh. Chúng được ghi vội vã và không đánh số trang, vì chúng còn phải được giao cho một người sao chép hay một nhà minh họa, do đó chúng rất khó đọc. Giữa những đống giấy là vài quyển sách tiếng Hy Lạp. Một quyển sách Hy Lạp khác nằm mở trên bục, cuốn sách mà trong những ngày qua, Venantius đã trổ tài dịch thuật khéo léo của mình. Thuở đó, tôi không biết tiếng Hy Lạp, nhưng thầy tôi đọc tựa sách và bảo tác giả là một tu sĩ dòng Lucy nào đó, chuyện kể về một người hóa lừa. Tôi nhớ lại một chuyện ngụ ngôn tương tự của Apuleius mà thông thường, các tu sinh bị tuyệt đối cấm đọc.

Thầy William hỏi Berengar, lúc ấy đang đứng bên cạnh chúng tôi: - Tại sao Venantius dịch quyển sách này?

- Lãnh chúa Milan yêu cầu tu viện dịch quyển sách này, nhờ đó tu viện sẽ được đặc quyền sản xuất rượu nho ở vài nông trại phía Đông của vùng này, - Berengar chỉ tay về hướng xa xa, rồi tiếp ngay – tuy không phải vì tu viện làm những công việc tầm thường cho người ngoại đạo. Nhưng lãnh chúa, người đã giao chúng tôi nhiệm vụ này, đã nhọc công can thiệp với Thị trưởng Venice cho chúng tôi mượn bản thảo Hy Lạp quý này. Ông thị trưởng đã nhận bản thảo từ Hoàng đế xứ Byzantium. Khi Venantius hoàn thành bản dịch, chúng tôi sẽ chép thành hai bản, một cho lãnh chúa Milan và một cho thư viện chúng tôi.

- Như thế, thư viện không ngại thu thập thêm những ngụ ngôn đa thần vào bộ sưu tập của mình.

- Thư viện là sự minh chứng cho thực và giả, - một giọng nói vang lên từ phía sau chúng tôi. Đó là Jorge. Cách lão già đột nhiên xuất hiện làm tôi thêm một lần nữa kinh ngạc, cứ như là chúng tôi chẳng bao giờ thấy lão mà lão lại thấy chúng tôi. Tôi cũng thắc mắc tại sao lão mù này lại ở trong phòng thư tịch, về sau tôi biết được Jorge có mặt ở tất cả mọi ngóc ngách của tu viện. Lão thường ngồi trong phòng thư tịch, trên một cái ghế đẩu cạnh lò sưởi, dường như để theo dõi mọi diễn biến trong phòng. Có lần tôi nghe lão hỏi lớn từ chỗ ngồi của mình: “Ai đang lên lầu thế?” và quay về phía Malachi, lúc ấy đang nhẹ bước trên thảm rơm về phía thư viện. Các tu sĩ đều kính trọng lão, thường nhờ cậy lão, đọc cho lão nghe những đoạn khó hiểu, nhờ lão trau chuốt câu văn, hay bày cho cách tả con thú hay vị thánh. Lão thường ngước đôi mắt vào cõi hư vô, như thể đang nhìn vào những trang giấy vẫn còn in rõ trong trí nhớ. Có lần tôi nghe lão khuyên một học giả đang hoang mang không biết nên tìm sách nào trong danh mục thư viện, hay tìm ký hiệu đó trong trang nào; lão đoan chắc với học giả nọ rằng quản thư viện chắc chắn sẽ đưa sách cho Huynh ấy vì đó là một tác phẩm bắt nguồn cảm hứng từ Thượng đế. Một lần khác, tôi nghe lão nói quyển sách này, nọ, mặc dầu có trong thư mục, sẽ không thể hỏi mượn được nữa vì bị chuột gặm nhấm năm mươi năm trước, và bây giờ nếu ai động đến thì nó sẽ rã ra thành bột. Nói cách khác, lão là bộ nhớ của thư viện và linh hồn của phòng thư tịch. Đôi khi, lão trách các tu sĩ đang tán gẫu với nhau – Lẹ lên, hãy để lại các lời chứng cho sự thật, vì thời điểm đã đến! – Lão muốn ám chỉ sự xuất hiện của tên Phản giáo.

Huynh Jorge nói: Thư viện là minh chứng cho thật và giả. - Thầy William nói: - Apuleius và Lucian hiển nhiên là những tên phù thủy có tiếng tăm. Nhưng ngụ ngôn này dưới cái mạng che giả tưởng của nó, chứa đựng một bài học luân lý hay; nó dạy chúng ta cách hối lỗi. Lại nữa, tôi tin rằng truyện người hóa lừa muốn nhắc đến sự hóa xác của một tâm hồn rơi vào tội lỗi.

- Có lẽ vậy.

- Nhưng giờ đây, tôi hiểu vì sao trong cuộc đối thoại mà người ta đã kể cho tôi nghe ngày hôm qua, Venantius rất quan tâm đến hài kịch; thật vậy, ngụ ngôn loại này có thể được xem như có liên hệ với các hài kịch cổ đại. Không như các bi kịch, cả hai loại này đều không nói đến con người hiện hữu thực sự.

Thoạt tiên, tôi không hiểu tại sao thầy William lại nhắm cuộc tranh luận bác học này với một người không thích thú các đề tài như thế, nhưng câu trả lời của Huynh Jorge cho tôi thấy thầy tôi đã tế nhị biết bao.

Huynh Jorge chua chát nói: - Hôm đó chúng tôi không tranh cãi về hài kịch, mà bàn xem tiếng cười có phải phép không.

Tôi nhớ rất rõ rằng chỉ mới một ngày trước đây, khi Venantius đề cập đến cuộc tranh luận đó, Huynh Jorge đã bảo ông không nhớ.

Thầy William thản nhiên nói: - À, tôi tưởng Huynh đã nói đến những lời dối trá của các thí sĩ và những câu đố hiểm hóc…

Jorge đốp ngay: - Chúng tôi đã nói về tiếng cười. Các kịch tác gia vô thần viết hài kịch để chọc cười khán giả, và người ta đã diễn xuất bậy bạ. Chúa Ki-tô không bao giờ kể hài kịch hay ngụ ngôn cả, mà chỉ ban các ẩn dụ hiển nhiên, dạy cho chúng ta cách lên thiên đàng và được toại nguyện.

- Tôi không hiểu tại sao Huynh lại chống đối cái ý tưởng rằng Chúa Ki-tô có thể cười. Tôi tin tiếng cười là liều thuốc bổ, cũng như việc tắm rửa, để chữa trị tính khí con người và các chứng bệnh khác của cơ thể, đặc biệt là bệnh u buồn.

- Tắm rửa là việc tốt và chính Aquinas khuyên dùng nó để xua đuổi sầu muộn. Tắm rửa làm hồi phục sự cân bằng của tính khí. Nhưng cười làm cho thân hình lắc lư, bóp méo diện mạo, làm người trông giống khỉ.

- Giống khỉ không cười, chỉ có riêng con người mới cười, đó là dấu hiệu chứng tỏ con người có lý trí.

- Ngôn ngữ cũng là dấu hiệu biểu hiện lý trí con người, và con người có thể dùng ngôn ngữ để báng bổ Chúa. Không phải bất cứ cái gì hợp với người nhất thiết phải tốt. Ai hay cười thường không tin điều mà hắn cười, nhưng hắn cũng không ghét điều ấy! Do đó, cười nhạo cái ác không có nghĩa là sẽ chuẩn bị chống lại nó, và cười nhạo điều thiện có nghĩa là phủ nhận sức mạnh phát sinh điều thiện.

Thầy William ngắt lời: - Quintilian (1) nói rằng vì phẩm giá, ta phải kiềm chế cái cười khi được tán tụng, nhưng cái cười được khuyến khích trong các tính huống khác. Chính khách kiêm nhà văn Pliny cháu đã viết: “Đôi khi tôi cười, tôi giễu cợt, tôi nô đùa, vì tôi là con người”.

- Họ là những kẻ đa thần – Jorge đáp lại.

- Hildebertus đã nói “Cho phép anh được đùa giỡn sau khi chứng tỏ đã biết sống nghiêm túc và xứng đáng”. John xứ Salisbury cho phép được hồ hởi kín đáo. Cuối cùng vị giáo sĩ Ecclesiastes, tối thiểu cũng cho phép cười lặng lẽ trong tinh thần thanh thản.

- Tinh thần chỉ thanh thản khi nó chiêm ngưỡng sự thật và hồ hởi đạt được điều thiện, và sự thật và điều thiện không thể bị cười nhạo. Thế nên, Chúa Ki-tô không cười. Nụ cười làm manh nha sự hoài nghi.

- Nhưng đôi khi hoài nghi cũng là điều đúng.

- Tôi không hiểu vì sao nó đúng. Khi ta nghi ngờ, ta phải trông cậy vào một người có thẩm quyền, vào lời nói của một linh mục hay một y sĩ; thế rồi mọi lý do làm ta nghi ngờ không tồn tại nữa. Hẳn nhiên là khi chấp nhận những ý tưởng nguy hiểm, ta cũng có thể thưởng thức sự bông đùa của một tên dốt nát đang cười cợt chân lý duy nhất mà ta cần biết, chân lý ấy đã được nói ra một lần mà thôi. Bằng nụ cười, thằng ngốc nhủ thầm: "Chúa không hiện hữu!”.

- Tôi không đồng ý, thưa Huynh Jorge đáng kính. Chúa đòi chúng ta phải dùng lý trí để soi sáng những điều tăm tối mà Thánh kinh để ta tự hiểu. Để phá vỡ sức mạnh giả trá của một luận cứ ngu xuẩn chống đối lại lý trí, nụ cười đôi khi cũng là một công cụ thích hợp. Tiếng cười dùng để lung lạc bọn nham hiểm và vạch trần sự điên rồ của chúng.

Jorge bực bội khua tay – Chế giễu về tiếng cười, huynh đã kéo tôi vào một cuộc tranh luận nhảm nhí! Nhưng Huynh thừa biết Chúa không cười.

- Điều này tôi không chắc. Khi Ngài thách bọn đạo đức giả ném đá trước, khi người hỏi trên đồng tiền phải nộp thuế có khắc mặt của ai, khi Ngài chơi chữ nói rằng “Tu es petrus”(2) tôi tin rằng Ngài đã dí dỏm làm hoang mang những kẻ có tội, để cổ vũ tinh thần các tông đồ của Ngài. Ngài cũng khôn ngoan nói với Caiaphas, viên quan tòa chủ trì việc xử Ngài, “Người đã nói vậy”. Huynh cũng biết rõ rằng trong lúc các tu sĩ dòng Cluniac và dòng Cistercian đang mâu thuẫn kịch liệt nhất, để bêu rếu dòng Cistercian dòng Cluniac đã tố tu sĩ dòng này không mặc quần dài. Trong quyển sách “Tấm gương của kẻ phàm tục ”(3) có kể lại chuyện con lừa Brunellus mà Chúa thắc mắc không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu ban đêm gió thổi tung mền và các tu sĩ trông thấy chính chỗ kín của mình…

Các tu sĩ chung quanh phá lên cười, và Jorge giận điên lên: - Huynh đang lôi kéo các sư huynh của tôi vào một trò hề. Tôi biết các tu sĩ dòng Francisco có thói quen lấy lòng đám đông bằng những trò nhảm nhí như thế này.

Lời trách móc khá gay gắt. Thầy William quả có hơi xấc nhưng bây giờ Huynh Jorge lại bảo thầy tôi là ăn nói xằng bậy. Tôi không biết lời đối đáp khe khắt của tu sĩ cao niên này có ngầm ý đuổi khéo thầy ra khỏi phòng thư tịch hay không. Thầy William mới mấy phút trước đầy khí thế, giờ dịu hẳn xuống. Thầy nói:

- Xin lỗi Huynh Jorge đáng kính. Miệng tôi nói vậy nhưng bụng không nghĩ vậy. Tôi không muốn tỏ ra vô lễ với Huynh. Có lẽ điều Huynh nói là đúng, và tôi sai.

Trước cử chỉ tế nhị và khiêm tốn này, Jorge đằng hắng ra vẻ vừa hài lòng vừa khoan dung, và đành phải quay về chỗ của mình. Trong khi đó, các tu sĩ nãy giờ vây quanh hai người để nghe tranh luận đang giải tán về chỗ cũ. Thầy William lại quỳ xuống bên cạnh bàn giấy của Venantius và tiếp tục lục lọi đống giấy tờ. Bằng câu trả lời nhã nhặn của mình, thầy đã lấy được vài giây yên tĩnh. Điều thầy thấy được trong vài giây này đã khiến thầy nẩy ra cái ý điều tra vào đêm hôm ấy.

Nhưng quả thật đó chỉ là vài giây ngắn ngủi. Benno lập tức tiến đến, giả vờ đã để quên cây bút trên bàn khi đến nghe Jorge nói chuyện; Huynh ấy thì thầm với thầy William, bảo có chuyện muốn nói ngay, hẹn gặp sau nhà tắm. Huynh bảo thầy tôi đi trước, Huynh sẽ theo ngay.

Thầy William ngần ngừ một lúc, rồi gọi Malachi, ông ta đang ngồi tại bàn quản thư viện, cạnh sổ thư mục, đã theo dõi tất cả mọi diễn biến. Theo chỉ thị của Tu viện trưởng, thầy yêu cầu Huynh ấy cho người canh chừng bàn giấy của Venantius đừng để ai đến gần nó suốt ngày hôm nay cho đến khi thầy quay lại vì thầy xem nó rất quan trọng trong cuộc điều tra. Thầy nói lớn yêu cầu này, không những nhằm buộc Malachi trông chừng các tu sĩ khác, mà còn buộc chính các tu sĩ khác trông chừng Malachi nữa. Quản thư viện buộc phải bằng lòng và thầy trò tôi rời khỏi căn phòng.

Khi chúng tôi băng ngang qua khu vườn đi đến phòng tắm cạnh bệnh xá, thầy William nhận xét: - Dường như nhiều người e sợ thầy sẽ tìm thấy cái gì đó trên hay dưới bàn làm việc của Venantius.

- Cái đó có thể là cái gì?

- Thầy linh cảm rằng, ngay cả những người đang e ngại việc này cũng chẳng biết.

- Thì ra Benno cũng chẳng có gì để nói với chúng ta mà chỉ nhằm kéo chúng ta ra khỏi phòng thư tịch ư?

- Chúng ta sẽ biết ngay thôi.

Quả vậy, chỉ một lát sau, Benno đã đến gặp chúng tôi.

Chú thích :

1 Quintilian : Nhà hùng biện và phê bình gia La Mã, thế kỷ I trước công nguyên

2 Petrus (Latinh) vừa có nghĩa là đá, vừa có nghĩa là ông Thánh.

3 “Speculum stultorum ”


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...