Tay Cự Phách
Chương 25
“Bà muốn cháu trông nom em cháu cho thật kĩ”, Kate căn dặn Eve. “Nó vô ý vô tứ, không biết tự giữ gìn như cháu đâu”.
“Cháu hiểu”. Eve nói một cách trang nghiêm. “Cháu sẽ trông nom nó”.
Kate yêu các cháu gái, nhưng theo cách khác nhau. Chúng bây giờ đã bảy tuổi, và đều xinh đẹp giống như nhau, với tóc hoe dài, mềm mại, những nét mặt thanh tú và cặp mắt McGregor. Chúng trông giống nhau, nhưng cá tính thì hoàn toàn khác nhau.Vẻ hiền lành của Alexandra khiến cho bà nhớ đến Tony, trong khi Eve giống bà hơn, cũng bướng bỉnh và tự mãn như vậy.
Một người tài xế lái xe chở chúng đến trường trong một chiếc xe Rolls Royce. Alexandra bối rối khi các bạn bè trông thấy nó đi học bằng xe hơi với tài xế lái, nhưng Eve lại lấy thế làm thích thú. Kate cho mỗi đứa một số tiền tiêu vặt hàng tuần, và ra lệnh cho chúng phải ghi chép mọi thứ chi tiêu. Eve lúc nào cũng tiêu hết tiền trước cuối tuần và vay tiền của Alexandra; Eve học cách điều chỉnh sổ sách sao cho bà nội không biết được. Nhưng Kate biết và bà không thể giấu một nụ cười. Mới bảy tuổi mà nó đã chứng tỏ là một tay kế toán có đầu óc sáng tạo.
Thoạt tiên, Kate vẫn nuôi dưỡng hi vọng thầm kín rằng một ngày kia Tony sẽ trở lại bình thường, rằng anh sẽ rời dưỡng đường để trở về với công ty Kruger-Brent. Nhưng thời gian trôi qua, giấc mơ ấy phai tàn dần. Người ta mặc nhiên hiểu rằng mặc dầu Tony có thể rời dưỡng đường để thực hiện những cuộc viếng thăm ngắn ngủi, anh sẽ không bao giờ có thể tham dự vào thế giới bên ngoài.
Lúc ấy là vào năm 1962, và khi Kruger-Brent trở nên thịnh vượng và mở rộng, nhu cầu có lãnh đạo mới trở lại càng trở nên cấp bách. Kate vừa ăn mừng lễ thất tuần. Tóc bà bây giờ đã bạc, nhưng bà vẫn giữ dáng vẻ mạnh mẽ, thẳng thắng và linh hoạt, tràn đầy sức sống. Bà cũng biết rằng tuổi già mòn mỏi rồi đây sẽ bắt kịp bà. Bà phải chuẩn bị cho lúc ấy. Công ty phải được gìn giữ cho gia đình bà. Brad Rogers là một tay quản lí giỏi, nhưng ông ta không phải là một Blackwell. Ta phải sống cho đến khi hai đứa song sinh này có khả năng nắm lấy việc điều hành công ty. Bà nghĩ đến lời nói cuối cùng của Cecil Rhodes: “Việc đã làm còn quá ít, nhưng việc phải làm thì rất nhiều.”
Hai đứa trẻ song sinh lên mười hai tuổi, sắp sửa trở thành nhưng thiếu nữ. Kate đã dành nhiều thì giờ ở bênh cạnh chúng, nhưng lúc này bà phải chú ý đến chúng nhiều hơn. Bây giờ là lúc phải đưa ra một quyết định quan trọng.
Trong tuần lễ Phục sinh, Kate và hai đứa trẻ song sinh hay đến Dark Harbor bằng máy bay của công ty. Hai cô gái này đã viếng thăm tất cả những tài sản đất đai của gia đình, ngoại trừ tài sản ở Johannesburg, nhưng trong số đó, Dark Harbor là nơi chúng thích hơn cả. Chúng yêu thích vẻ tự do hoang dã và hẻo lánh của hòn đảo này. Chúng thích đi thuyền buồm, bơi lội, trượt trên nước, và ở Dark Harbor có đủ các thứ này cho chúng. Eve yêu cầu bà nội cho phép nó đem bạn bè theo về nơi đó, như trong quá khứ, nhưng lần này bà từ chối. Bà nội, một người đàn bà đầy quyền lực, uy nghi, vẫn thường đi ra đi vào, ban bố một món quà ở nơi này hôn lên má ở nơi kia, thỉnh thoảng lại căn dặn các con gái phải cư xử thế này, thế nọ, bà nội ấy bây giờ chỉ muốn được ở một mình với hai cháu. Lần này, các cô gái cảm thấy có gì khác lạ sắp sửa xảy ra. Bà nội chúng ngồi với chúng ở tất cả mọi bữa ăn. Bà đưa chúng đi chèo thuyền, bơi lội và cưỡi ngựa nữa. Kate điều khiển con ngựa với vẻ chắc chắn của một tay lão luyện.
Các cô gái vẫn còn giống nhau một cách lạ lùng, cả hai đều rất xinh đẹp, nhưng bà Kate quan tâm đến sự khác biệt của chúng hơn là sự giống nhau. Ngồi ở hàng hiên, nhìn xuống chúng vừa chơi xong một ván quần vợt, bà làm một bản tổng kết về chúng trong đầu óc. Eve là kẻ lãnh đạo, còn Alexandra chỉ là kẻ thừa hành. Eve là một vận động viên bẩm sinh, Alexandra vẫn còn gặp tai nạn. Chỉ mấy ngày trước đó, khi hai đứa cùng đi chơi trong một chiếc thuyền buồm nhỏ, Eve ngồi ở bánh lái. Gió thổi đến phía sau chiếc buồm, và cánh buồm lái theo chiều gió, xoay ngang một cái về phía đầu Alexandra. Cô gái không kịp tránh, bị quét ra khỏi thuyền và suýt chìm nghỉm. Một chiếc thuyền khác gần đó giúp Eve cứu Alexandra. Kate tự hỏi không biết tất cả những sự kiện như thế có liên quan gì đến việc Alexandra ra đời sau Eve ba phút hay không, nhưng các lí do không có gì là quan trọng. Kate đã có một quyết định. Trí óc bà không còn có gì phải thắc mắc nữa cả. Bà sẽ dồn tiền của bà về phía Eve, một sự đánh cuộc trị giá mười tỉ đô la. Bà sẽ kiếm một người chồng thật tốt cho Eve, rồi khi bà lui về dưỡng già, Eve sẽ điều khiển công ty Kruger-Brent. Còn về Alexandra, nó sẽ có một cuộc đời giàu sang, và đầy đủ tiện nghi. Nó sẽ rất có khả năng trông coi các khoản trợ cấp từ thiện mà bà Kate đã thiết lập nên. Phải, như thế là rất tốt cho Alexandra. Nó vốn là một đứa trẻ dịu dàng, giàu lòng thương người.
Bước đầu tiên nhằm đến việc thực hiện dự tính này của bà Kate là sao cho Eve được theo học một trường thích hợp. Bà Kate chọn trường Briarcrest, một trường rất tốt ở Nam Carolina, “Cả hai cháu tôi đều ngoan ngoãn cả” bà Kate nói bà hiệu trưởng, Chandler, như vậy. “Nhưng bà sẽ nhận thấy rằng Eve là một đứa rất thông minh. Nó là một đứa con gái kì lạ, và tôi chắc chắn rằng bà sẽ giúp cho nó thâu nhận được tất cả mọi lợi ích của trường này”.
“Alexandra à? Nó cũng dễ thương”. Đó là một lối nói không ngụ ý gì khen ngợi cả, Kate đứng dậy.
“Tôi sẽ kiểm soát sự tiến bộ của chúng một cách điều đặn”.
Bà hiệu trưởng nhận ra trong những câu nói của bà Blackwell một lời cảnh cáo nào đó, thật là kì lạ.
Eve và Alexandra yêu thích ngôi trường mới của chúng, đặc biệt là Eve. Nó cảm thấy được tự do vì sống xa nhà, không phải giải thích gì với bà nội và cô Solange Dunas. Các quy tắc ở trường Briarcrest rất nghiêm ngặt, nhưng Eve chẳng bận tâm gì về điều ấy vì nó dễ dàng tránh né các quy tắc ấy. Mối bận tâm duy nhất của Eve là Alexandra cùng ở nơi này với nó. Khi Eve mới nghe nói đến trường Briarcrest, nó năn nỉ,”Bà cho cháu đi học một mình, được không?”
Bà nó đáp, “Không, cháu ạ. Bà nghĩ rằng cho Alexandra cùng đi với cháu thì tốt hơn”.
Eve cố giấu nỗi bực tức. “Bà bảo sao cũng được bà ạ”.
Nó lúc nào cũng tỏ ra lễ phép và thân ái khi ở bên cạnh bà nội, vì nó biết quyền lực nằm ở đâu rồi. Cha nó là một người điên khùng đang bị nhốt trong một dưỡng đường của người điên. Mẹ nó đã chết rồi. Chính bà nội mới là người kiểm soát tiền bạc. Nó biết gia đình nó rất giàu có. Nó không biết họ có bao nhiêu tiền tất cả, nhưng chắc là nhiều lắm – thừa để mua tất cả những thứ đẹp đẽ mà nó thích. Eve thích những thứ đẹp đẽ. Chỉ có vấn đề khó khăn duy nhất: Alexandra.
Một trong các hoạt động được ưa thích nhất ở Briarcrest là lớp học cưỡi ngựa. Phần nhiều các cô gái học trường này đều có ngựa riêng. Eve và Alexandra cũng được bà nội cho mỗi đứa một con ngựa vào ngày sinh nhật thứ mười hai. Jerome Davis huấn luyện viên cưỡi ngựa, xem các học trò trổ tài trong sân tập, nhảy qua hàng rào cao ba mươi phân, rồi sáu mươi phân, rồi cuối cùng nhảy qua hàng rào trên một thước ba. Davis là một trong những huấn luyện viên tài ba nhất trong xứ. Nhiều học trò của ông ta được mề đay vàng, và ông rất thành thạo trong việc phát hiện ra một tay cưỡi ngựa có tài năng bẩm sinh. Người con gái mới đến trường, Eve Blackwell, là một trong những người ấy. Nó không cần phải suy nghĩ về việc gì nó sẽ làm, làm thế nào nắm dây cương hay ngồi trên yên ngựa. Nó với con ngựa là một, và trong khi người và ngựa nhảy vọt qua các hàng rào, làn tóc vàng óng của Eve bay tung trong gió, quang cảnh ấy thật là đẹp. Không có gì ngăn cản được cô bé ấy, Davis nghĩ thầm.
Tommy, tay giữ ngựa, ưa thích Alexandra hơn. Ông Davis nhìn Eve thắng yên ngựa, chuẩn bị đến phiên mình. Alexandra và Eve đeo những dải ruy băng màu sắc khác nhau để dễ phân biệt. Eve giúp Alexandra thắng yên ngựa trong khi Tommy bận bịu với một học sinh khác.
Davis được gọi đến toà nhà chính vì có điện thoại, rồi những gì xảy ra sau đó trở thành một vấn đề rắc rối vô cùng.
Do các chi tiết Davis thu nhặt và xếp đặt lại sau đó, ông được biết rằng Alexandra trèo lên ngựa, đi một vòng sân, rồi sắp sửa cho ngựa nhảy qua hàng rào thấp thứ nhất thì con ngựa bỗng chồm hai vó lên, ném Alexandra vào một bức tường. Nó bị ngã xuống bất tỉnh và suýt nữa bị vó ngựa đá vào mặt. Tommy khiêng Alexandra đến bệnh xá. Ở đó, ông bác sĩ của nhà trường chẩn đoán cho biết nó bị chấn thương nhẹ ở đầu.
“Không bị gãy xương, không có gì quan trọng cả”. Ông nói. “Đến sáng mai cô ấy sẽ khoẻ mạnh như thường, sẵn sàng lên ngựa lại”.
“Nhưng nó có thể đã bị chết!” Eve thét lên.
Eve không chịu rời Alexandra. Bà Chandler nghĩ thầm rằng bà chưa hề bao giờ thấy một người chị hết lòng đối với em như vậy. Thật là cảm động.
Khi ông Davis đã đưa được con ngựa của Alexandra trở lại bài tập, ông thấy tấm mền lót yên ngựa đẫm cả máu. Ông nhấc nó lên thì thấy một miếng thiếc lởm chởm cắt ra từ hộp bia, nhô ra từ lưng ngực và đã cắm sâu vào da thịt khi chiếc yên ngựa bị ép xuống. Ông liền báo cáo với bà Chandler. Sau đó bà cho mở một cuộc điều tra ngay lập tức. Tất cả những cô gái đã đứng ở gần chuồng ngựa đều bị chất vấn.
Bà Chandler nói, “Tôi chắc rằng kẻ nào đặt miếng kim khí vào đó tưởng rằng đó là một trò tinh nghịch vô hại, nhưng thực ra nó có thể dẫn đến những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Tôi muốn biết tên cô nào bày ra cái trò này”.
Khi không có ai thú nhận cả, bà Chandler nói chuyện với họ, từng người một, tại văn phòng. Khi đến lượt Eve bị chất vấn, nó tỏ ra bối rối một cách lạ lùng.
“Cô có nghi ai gây ra chuyện này cho em gái cô không?” bà Chandler hỏi.
Eve nhìn xuống nói. “Con không muốn nói”. Nó lầm bầm.
“Vậy cô có thấy gì không?”
“Cháu xin bà, bà Chandler ạ...”.
“Eve, Alexandra có thể bị thương nặng rồi. Cô gái nào làm chuyện ấy phải bị trừng trị để lần sau đừng có xảy ra những chuyện như thế nữa”.
“Không phải là một cô gái nào làm chuyện ấy”.
“Cô nói gì vậy?”
“Đó là Tommy”.
“Tên giữ ngựa?”
“Vâng, thưa bà, cháu thấy hắn. Cháu tưởng hắn buộc dây nịt ngựa thôi. Cháu chắn hắn không có ý làm hại. Alexandra thường hay sai bảo hắn nhiều nên có lẽ hắn muốn cho em cháu một bài học. Trời, thưa bà Chandler, lẽ ra bà không nên buộc cháu phải nói ra điều này. Cháu không muốn gây rắc rối cho ai cả”. Tội nghiệp con bé, nó hối hận, gần như phát cuồng lên.
Bà Chandler đi vòng quanh bàn viết, rồi quàng tay lên người Eve. “Không hề gì đâu, Eve ạ. Cháu nói với ta như thế là phải. Bây giờ, hãy quên hết tất cả mọi thứ. Để bà sẽ lo việc này cho”.
Sáng hôm sau, khi các cô gái đi ra đến chuồng ngựa thì đã thấy có một tay giữ ngựa mới.
Ít tháng sau, lại thêm một chuyện khó chịu nữa xảy ra ở trường học. Nhiều cô gái đã bị bắt quả tang đang hút thuốc lá có chất ma túy, và một đứa trong bọn chúng tố cáo Eve đã cung cấp thứ ấy. Eve chối lỗi một cách giận dữ. Bà Chandler liền cho lục lọi khắp mọi nơi thì phát hiện ra rằng chất cần sa được giấu trong ngăn kéo của Alexandra.
“Cháu không thể tin nổi chuyện này”. Eve nói thật lớn. “Có kẻ nào đó đã bỏ thứ ấy vào đó. Cháu biết”.
Bà hiệu trưởng báo cáo chuyện này với bà Kate, và bà này khen ngợi Eve hết lời vì đã tìm cách che chở cho em gái. Nó đúng là một McGregor.
Vào ngày sinh nhật thứ mười lăm, bà Kate đưa cả hai đứa đến một ngôi nhà của bà ở Nam Carolina, ở đó bà tổ chức một bữa tiệc mừng các cháu. Lúc này không phải là quá sớm để cho Eve làm quen với những chàng trai trẻ xứng đáng, vì vậy mọi chàng trai xứng đôi vừa lứa với nàng đều được mời đến tham dự.
Các cậu con trai đang ở vào tuổi chưa quan tâm đến các cô gái một cách nghiêm chỉnh, nhưng bà Kate cho rằng nhiệm vụ của bà là tạo nên cơ hội cho chúng quen biết nhau và kết thân với nhau. Biết đâu trong số ấy lại chẳng có một người chồng tương lai của Eve, một người thuộc về công ty Kruger-Brent về sau này.
Alexandra không thích tiệc tùng, nhưng lúc nào nó cũng làm ra vẻ vui thích để làm vừa lòng bà nội. Eve thì rất thích tiệc tùng. Nó thích được ăn mặc đẹp đẽ, được người ta ca ngợi, thán phục. Alexandra chỉ thích đọc sách và hội hoạ. Nó ngồi hàng giờ ngắm các bức tranh của bố nó ở Dark Harbor, và ao ước được biết bố trước khi ông ta bị ốm. Tony về nhà vào những ngày nghỉ với một đàn ông khác đi kèm, nhưng Alexandra nhận thấy nó không cách nào lại gần bố được. Ông là một người lạ mặt vui vẻ, dễ mến, muốn làm vui lòng kẻ khác, nhưng chẳng có gì để nói cả. Ông ngoại của hai đứa trẻ, Frederick Hoffman, còn sống ở Đức, nhưng ốm yếu lắm. Chúng ít khi có dịp được gặp ông.
Trong năm thứ hai ở trường học Eve có mang. Trong nhiều tuần lễ nàng tỏ ra lừ đừ, mặt mũi tái nhợt, và bỏ học nhiều buổi sáng. Khi bắt đầu nôn oẹ thường xuyên, nàng được đưa đến bệnh xá để khám bệnh. Bà Chandler được mời đến đó gấp.
“Eve đã có mang”, ông bác sĩ nói với bà Chandler.
“Nhưng nó chỉ mới là một đứa bé con thôi mà”
“Vâng nhưng đứa bé con này sắp làm mẹ rồi”.
Eve tỏ ra can đảm, không chịu nói gì về chuyện này. “Cháu không muốn ai bị lôi thôi về chuyện này”.
Đó là lối trả lời mà bà Chandler mong đợi ở một con người như Eve.
“Eve thân mến ạ, cháu phải nói cho ta biết chuyện gì đã xảy ra”.
Cuối cùng, Eve mới tiết lộ, “Cháu bị người ta hiếp”. rồi khóc oà lên.
Bà Chandler lộ vẻ sửng sốt. Bà ôm thân hình run rẩy của Eve sát vào người bà, rồi hỏi, “Ai vậy?”
“Thầy Parkinson”.
Đó là thầy giáo dạy nàng môn Anh văn.
Nếu như một kẻ nào, ngoài Eve ra, nói với bà Chandler như vậy hẳn bà đã không tin. Joseph Parkinson là một con người trầm tĩnh, ít nói, đã có vợ và ba con. Ông đã dạy học ở trường Briarcrest được tám năm rồi, và là người mà bà không bao giờ ngờ có thể làm những chuyện như vậy.
Bà cho gọi ông Parkinson đến văn phòng, và lập tức bà biết rằng Eve đã nói sự thực. Ông ta ngồi trước mặt bà, mặt co rúm vì lo lắng.
“Ông biết vì sao tôi gọi ông lên đây chứ, ông Parkinson?”
“V... vâng, có lẽ vậy”.
“Vấn đề có liên quan đến Eve”.
“V... vâng, tôi... tôi cũng đoán ra thế”.
“Nó bảo chính ông đã hiếp nó”.
Parkinson nhìn bà có vẻ không tin. “Hiếp cô ấy? Lạy Chúa! Nếu có ai bị hiếp thì người ấy chính là tôi”. Trong lúc bị quá xúc động ông sa vào lỗi văn phạm tiếng Anh mà không hay.
Bà Chandler nói một cách khinh bỉ. “Ông có hiểu những gì ông đang nói không? Con bé ấy nó...”.
“Cô ấy không phải là một con bé”. Giọng ông ta có vẻ độc địa. “Nó là một con quỷ cái”. Ông lau mồ hôi trên trán. “Suốt cả học kì, cô ấy ngồi ở bàn đầu ở lớp tôi dạy, vén cao váy lên. Hết giờ học, cô ấy lên bàn tôi, hỏi hết câu này đến câu khác một cách vô nghĩa trong khi ấy cô ta cứ cọ xát vào người tôi. Tôi vẫn không coi chuyện ấy là quan trọng. Thế rồi, vào một buổi trưa nọ, cách đây sáu tuần lễ, cô ấy đến nhà tôi trong khi vợ con tôi đi vắng rồi...”. Giọng ông tắc lại. “Trời Giê su Chúa tôi! Tôi không chịu nổi nữa rồi”. Ông ta bật khóc lên.
Người ta đưa Eve lên văn phòng. Dáng điệu của cô vẫn bình tĩnh. Cô nhìn thẳng vào mắt ông Parkinson, khiến ông ta phải quay mặt đi trước tiên. Trong văn phòng lúc ấy có bà Chandler, bà hiệu phó, viên cảnh sát trưởng địa phương.
Viên cảnh sát trưởng nói một cách ngọt ngào. “Cô có vui lòng nói cho chúng tôi biết câu chuyện xảy ra như thế nào không?”
“Vâng, thưa ông”. Giọng Eve hết sức bình tĩnh. “Thầy Parkinson nói ông ấy muốn thảo luận về bài Anh văn của tôi. Ông yêu cầu tôi đến nhà ông vào trưa chủ nhật. Lúc ấy ông ở nhà một mình. Ông bảo ông muốn cho tôi xem một cái gì đó trong phòng ngủ, thế rồi tôi theo ông lên lầu. Ông lôi tôi xuống giường, rồi ông ấy...”
“Nói láo!” Parkinson thét lên. “Chuyện xảy ra không phải như vậy. Không phải như vậy!”
Bà Kate được mời đến và nghe giải thích các tình tiết. Bà đưa ra quyết định rằng, vì lợi ích chung của mọi người, câu chuyện này phải được giữ kín. Ông Parkinson bị đuổi khỏi trường và phải rời khỏi tiểu bang trong vòng hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Sau đó, người ta sắp đặt việc phá thai cho Eve một cách kín đáo.
Kate lặng lẽ mua đứt văn tự cầm cố của nhà trường, do một ngân hàng cầm giữ, rồi tịch thu để thế nợ.
Khi Eve được tin tức này, cô thở dài một tiếng, “Cháu rất lấy làm ân hận, bà ạ. Cháu thực sự thích cái trường ấy”.
Ít tuần lễ sau, Eve đã bình phục sau một cuộc phẫu thuật. Cô và Alexandra ghi danh học tại trường Fernwood, một trường học Thuỵ Sĩ gần Lausanne.