Tầng Đầu Địa Ngục
Chương 2
"Mới tới!"
"Họ đưa tới nhiều người mới!"
Những tù nhân đứng chật hành lang chính. Những người mới đến đứng giữa và những người cư ngụ trước trong nhà tù Mavrino, trong số có những người vừa ăn xong trong lượt tù ăn đầu, những người đi tới để vào phòng ăn, đứng vây quanh họ.
"Từ đâu đến đó các đồng chí?"
"Các bạn, ở đâu đến vậy?"
"Trên ngực áo, trên mũ của các bạn có cái gì vậy? Họ dán cái gì vào đây vậy?"
"Số của bọn tôi đó" - một tù nhân mới tới đáp - "Trên lưng áo chúng tôi cũng có số, cả trên hai đầu gối quần nữa này. Khi chúng tôi đi, họ xé hết những miếng vải ghi số đó đi thành ra quần áo có vết…"
"Bạn nói chi? Số là cái gì?"
"Thưa quý vị" - Valentine Pryanchikov cao giọng nói - "tôi xin phép được đặt câu hỏi này trước quý vị: Chúng ta hiện đang sống trong thời đại gì?"
Anh quay lại hỏi Lev Rubin, người bạn tù của anh:
"Ghi số trên con người. Lev Grigovich… Cho phép tôi được hỏi anh. Anh có thể cho như vậy là tiến bộ được không?"
"Thôi mà Valentulya, đừng có nặng phần trình diễn" - Rubin nói - "Đi vào ăn cho xong đi."
"Nhưng làm sao tôi có thể ăn uống được khi quanh tôi còn có những con người bị ghi số lên áo, lên mũ? Đây là thời Mạt thế mất rồi."
"Các bạn" - một tù nhân khác của Mavrino nói - "Họ sẽ phát cho bọn mình mỗi người chín gói Belomor vào cuối tháng Chạp này. Các bạn mới đến như vậy là hên lắm ạ."
"Bạn nói thuốc lá Belomor - Yavas hay là thuốc Belomor - Dukats?"
"Mỗi thứ một nửa."
"Dã man thật. Họ định giết mình vì thúc Dukats. Tôi sẽ khiếu nại việc này với đồng chí Tổng trưởng cho mà coi. Tôi thề danh dự với các bạn là tôi sẽ khiếu nại."
"Còn các bạn, các bạn bận quần áo gì thế này?" - Người tù mới tới hồi nãy giải thích về những vết vải khác màu trên y phục họ lên tiếng - "Tại sao bạn nào ở đây cũng bận đồ như lính nhảy dù vậy?"
"Đây là đồng phục mà tất cả anh em trong này phải bận. Bây giờ họ bắt đầu hà tiện với anh em mình rồi. Trước kia họ vẫn phát quần áo len, có cả áo ngoài."
Thêm nhiều tù nhân Mavrino nữa bước vào hành lang.
"Kìa… anh em mới."
"Có nhiều anh em mới tới."
"Thôi mà các bạn. Các bạn làm như chưa từng nhìn thấy tù mới bao giờ vậy. Đứng nghẹt hết đường đi…"
"Ô kìa… Phải anh là Dof-Dneprovsky không? Đúng rồi. Mấy năm nay anh ở đâu? Năm 45, tôi đi khắp Vienna 2 tìm anh. Tìm khắp không thấy."
"Bạn nào cũng rách rưới, râu ria. Không được cạo râu à? Các bạn từ trại tập trung nào đến đây vậy?"
"Nhiều nơi lắm. Anh em tôi ở Rechlag…"
"Chúng tôi ở Dubrovlag…"
"Tôi ở đù đã tám năm rồi sao tôi chưa từng bao giờ nghe nói đến hai trại đó kìa?"
"Trại mới cả, trại đặc biệt. Mới có từ năm ngoái, năm 48, theo chỉ thị của Staline: kiện toàn hậu phương…"
"Hậu phương? Hậu phương nào mới được chứ?"
"Chẳng biết. Chỉ biết là tôi bị họ bắt ngay trước cửa vào nhà thờ Đức Bà Vienna - Họ nắm cổ tôi, tống tôi lên xe cây…"
"Chờ chút, Mitenka… Xem anh em mới tới nói gì."
"Không, đi ra sân, đi bộ sau bữa ăn. Đi ra ngoài trời một lúc. Theo đúng thời khắc biểu. Dù có động đất cũng đi. Lev sẽ hỏi họ rồi kể lại cho chúng mình nghe, đừng sợ."
"Đội thứ hai vào ăn."
"Chúng tôi đến từ Ozerlag, Luglag, Steplag, Peshanlag."
"Rất có thể là một nhà thơ lớn nào đó có tâm hồn thơ mộng như Puskhin chưa được ai biết đến ở trong bộ An ninh. Nhà thơ lớn chưa được đời biết này không thèm làm những câu thơ dài, nhưng chọn toàn những cái tên đẹp đặt cho trại tập trung. Thấy không?"
"Ha… ha… Ha. Hay lắm. Thật hay" - Pryanchikov nói - "Xin hỏi quý vị chúng ta đang sống trong thời đại gì?"
"Đừng làm ồn ào, Velentulya."
"Xin lỗi" - một tù nhân mới hỏi Rubin - "Tên bạn là gì?"
"Lev Grigorich."
"Bạn cũng là kỹ sư?"
"Thưa không, tôi không phải là kỹ sư, tôi là nhà ngôn ngữ học."
"Ngôn ngữ học? Người ta giữ cả những nhà ngôn ngữ học ở đây sao?"
"Có lẽ bạn nên hỏi những ai không bị giữ trong nhà tù này thì dễ trả lời hơn" - Rubin nói - "ở đây chúng tôi có những toán học, vật lý học, bào chế sư, kỹ sư vô tuyến, quang tuyến, kỹ sư điện, chuyên viên điện thoại, nghệ sĩ, dịch giả, kiến trúc sư, thợ đóng sách, thợ đóng giày, thợ may, họa sĩ, trắc lượng viên, có cả bác sĩ đỡ đẻ nữa."
"Bác sĩ đỡ đẻ làm gì trong này?"
"Ổng xoay xở khéo lắm. Hiện ông làm việc trong Phòng phim ảnh."
"Lev… Anh vẫn nhận anh là nhà duy vật nhưng anh chuyên nói với người khác những chuyện duy tâm" - Valêntin Pryanchikov nói - "Các bạn mới đến nên nghe lời tôi: Khi họ cho các bạn vào phòng ăn, chúng tôi sẽ để sẵn cho các bạn ba mươi đĩa thức ăn ở cái bàn cuối cùng gần cửa sổ. Các bạn tha hồ ăn, ăn cho no, nhưng nhớ đừng ăn quá mà bội thực ạ."
"Cám ơn lắm. Nhưng… các bạn chẳng nên nhường phần ăn cho bọn tôi."
"Không đâu. Tại tụi tui chán ngấy mấy món ấy rồi. Thời buổi này mà còn ăn cá mòi Mezen với bánh bột kiều mạch kê nữa. Hai món đó ăn thường quá."
"Cái chi? Bạn cho bánh bộ kiều mạch kê là tầm thường ư? Năm năm rồi tôi chưa từng được trông thấy mặt mũi cái bánh ấy ra thế nào."
"Chắc không phải là bột kiều mạch đâu, dám là bột bắp lắm à."
"Bột bắp? Bạn điên hay sao mà nói vậy? Họ đâu dám cho bọn mình ăn bột bắp. Nếu là bột bắp, tôi sẽ nứm vào mặt họ."
"Vấn đề ăn uống trong những trại tạm trú hồi này ra sao?"
"Ở trại tạm trú Chelyabinsk…"
"Chelyabinsk mới hay Chelyabinsk cũ?"
"Câu hỏi của bạn chứng tỏ bạn là người hiểu biết nhiều. Ở trại mới…"
"Ở đó hồi này ra sao? Họ có còn cấm các bạn không được dùng bồn rửa mặt mà phải xách nước từng bô, rửa xong đem đi đổ ngay không?"
"Vẫn vậy."
"Các bạn vừa nói nhà tù này là nhà tù đặc biệt. Như thế nào là đặc biệt?" 3
"Ở đây mỗi người được phát bao nhiêu bánh mì?"
"Những gì chưa ăn, vào đi. Toán thứ hai vào phòng ăn."
"Bánh mì trắng - ba trăm gờ ram, bánh mì đen thì tùy tiện."
"Xin lỗi, bạn nói tùy tiện nghĩa là sao?"
"Tùy tiện nghĩa là tha hồ ăn. Bánh cắt sẵn để trên bàn, bạn thích ăn thì lấy ăn, không thích thì thôi."
"Đúng vậy, nhưng nếu muốn có bơ và gói thuốc Belomor, chúng ta phải làm việc gãy lưng mỗi ngày từ mười hai đến mười bốn tiếng."
"Làm gì mà gãy lưng? Ở đây không có ai phải làm việc đến gãy lưng cả, nhất là anh, vì anh ngồi ở bàn làm việc. Người gãy lưng là người làm việc với một cái rìu."
"Mẹ kiếp. Hơn gì đâu? Mình ngồi trong nhà này đâu có khác gì mình ở giữa vùng sa mạc hay đồng lầy - mình cũng bị xa cách với cuộc đời như thế. Các bạn nghe tôi nói đây: họ khoe họ đã tận diệt được bọn ăn trộm và móc túi, ở bất cứ thành phố nào, bạn không còn sợ bị móc túi nữa. Tôi nghĩ rằng nghề móc túi sở dĩ bị diệt là bởi vì đâu có ai còn gì trong túi để mà móc."
"Phần bơ phát cho giáo sư, kỹ sư ở đây là ba mươi gờ ram, phần bơ phát cho chuyên viên là hai mươi gờ ram. Các bạn thấy không? Làm tùy khả năng hưởng tủy… người ta cho bao nhiêu biết từng ấy."
"Như vậy là bạn từng làm việc ở Dneprostroi?"
"Phải. Và tôi bị tù vì xưởng Dneprosgres."
"Bạn nói vậy là sao?"
"Dễ hiểu quá. Vì tôi bán xưởng đó cho bọn Đức."
"Bán gì nổi? Xưởng đó bị bom tan tành hết mà?"
"Thì tôi bán xưởng đó cho bọn Đức với tình trạng tan tành đó chứ sao."
"Tuyệt diệu. Như một trận gió. Tôi như cánh lá bay theo gió. Này nhé… Vô trại tạm trú, lên xe Stolypin. Xe chạy bon bon trên đường thiên lý. Vô trại tạm trú nghỉ. Sáng sau lại lên xe đi. Du lịch như ông hoàng… Ước gì xe chạy thẳng đến công trường Đỏ…"
"Rồi lại chạy trở về…"
"Bạn nói phải. Rồi lại chạy trở về. Và lần trở về, chắc chắn là xe chạy nhanh hơn."
Một người tù mới đến nói với Rubin:
"Lev Grigorich… đầu óc tôi quay cuồng vì sự thay đổi đột ngột này. Tôi đã sống năm mươi hai năm rồi, tôi đã đau nặng gần chết và thoát chết mấy lần, tôi từng được ôm trong tay nhiều người đàn bà đẹp, tôi có vợ, tôi có con, tôi từng được trao tặng nhiều giải thưởng khoa học, nhưng thực tình là tôi chưa bao giờ sung sướng như ngày hôm nay. Hôm nay tôi được đưa đến đây. Sáng sớm mai họ sẽ kinh phí bắt tôi ra làm việc ngoài đầm nước lạnh giá nữa. Tôi được hưởng mỗi ngày ba mươi gờ ram bơ tươi. Tôi được ăn bánh mì đen tha hồ ăn no, ăn chán thì thôi. Ở đây họ không cấm tôi đọc sách. Ở đây tôi được quyền cạo râu. Ở đây lính không đánh tù như đánh loài vật. Trời ơi, hôm nay là ngày gì? Sao ánh sáng ở đây trong đến thế? Hay là tôi đã chết? Hay là tôi đang nằm mơ? Có thể tôi đang ở Thiên đàng chăng?"
"Không đâu ông bạn ơi" - Rubin nói - "ông bạn vẫn sống ở một nơi giống như nơi ông bạn vừa ở, tức là ở Địa ngục. Nhưng ông bạn vừa leo lên được tầng địa ngục cao nhất, tầng địa ngục sướng nhất, tức là tầng địa ngục đầu tiên. Ông bạn vừa hỏi nhà tù đặc biệt này có những gì đặc biệt, tôi xin trả lời ông bạn rằng người có khái niệm đầu tiên về loại nhà tù này là Dante. Ông bạn nhớ rằng thi hào Dante đã vò đầu, bứt tai đến rụng hết cả tóc về vấn đề ông không biết nên cho những nhà thông thái đã chết ở vào chỗ nào dưới địa ngục. Theo tín lý Gia Tô giáo, bổn phận của những tín đồ Gia Tô là phải tống khứ bọn vô đạo xuống địa ngục, những nhà thông thái đời xưa cũng là bọn vô đạo, nhưng lương tâm của nhà đại thi hào không nỡ bắt những nhà thông thái đó phải ở chung một chỗ với bọn phạm đủ thứ tội lỗi và cũng phải chịu những hình phạt như bọn người tội lỗi đó, nên Dante nghĩ ra một nơi đặc biệt dành riêng cho những người hiểu biết ở dưới địa ngục. Vẫn là địa ngục nhưng được ở một tầng riêng. Nếu các bạn cho phép, tôi xin trưng bằng chứng. Ở Ca khúc thứ tư có những câu:
Sau cùng
chúng tôi tới chân tòa thành vĩ đại.
Chỉ cần một chút tưởng tượng các bạn sẽ thấy đây là tòa thành!
… với bảy lần tường cao vút bao quanh và một dòng suối chảy bên ngoài tất cả.
Các bạn tới đây trong những chiếc xe Maria Đen 4 nên các bạn chưa nhìn thấy rõ cảnh vật quanh đây.
… Tôi nhìn thấy bốn Hiện Diện rất mạnh đi tới những Hiện Diện không vui, không ^^ buồn.
Những linh hồn nào mà sự hiểu biết soi sáng bước đi cả ở Địa ngục kia…?" 5
"Thôi, đủ rồi Lev Grigorich, anh thi sĩ quá" - Valentine Pryanchikov nói - "Tôi có thể giải thích cho ông bạn đây hiểu về nhà tù đặc biệt này rõ ràng hơn anh nhiều. Bạn chỉ cần nhớ lại một bài đăng báo trong đó có câu: "Kinh nghiệm cho ta thấy ta lấy được len nhiều hay ít ở lưng cừu chính là do việc ta nuôi cừu và săn sóc cừu".
--- ------ ------ ------ -------
1 Dante, đại thi hào của Ý quốc và cũng là một đại thi hào của nhân loại. Ông sống ở Ý quốc giữa hai thế kỷ XIII-XIV. Tên họ của ông là Alighieri Dante, sinh năm 1265, mất năm 1321. Ông viết tập truyện thơ bất hủ La Divine Comédie. Trong tập này ông tả cảnh địa ngục và cảnh con người đau khổ dưới địa ngục. Ông mô tả địa ngục có nhiều tầng. Tác phẩm Tầng đầu địa ngục lấy ý từ La Divine Comédie của Dante.
2 Vienna, thủ đô Áo quốc. Năm 1945, Hồng quân Nga tiến đánh quân Đức Quốc xã ở đây. Lời nói này có nghĩa là tù nhân nói câu đó từng chiến đấu trong hàng ngũ Hồng quân Nga.
3 Trong truyện này, Nhà tù là nhà tù Mavrino được tác giả gọi là "sharaskha". Đó là một tòa nhà lớn ở vùng ngoại ô thành phố cho dễ đi lại được chính quyền cộng sản Nga làm thành nhà tù, trong nhà này chứa những tù nhân kỹ sư, chuyên viên, những người này bị bắt buộc phải làm việc theo khả năng chuyên môn của họ. Đời sống vật chất của họ đỡ khổ hơn ở những nhà tù chính. Vì chỉ có Nga Xô mới có loại nhà tù này nên tiếng Anh không có danh từ tương đương. Bản dịch tiếng Anh vẫn giữ nguyên danh từ "Sharaskha".
4 Tù nhân gọi những chiếc xe chuyên chở tù sơn đen, kín mít là xe Maria Đen.
5 Những câu thơ này được trích trong chuyện thơ dài The Divine Comedy của thi hào Dante.
Top Truyện Hot Nhất
Truyện hot hiện nay
Bình luận
Sắp xếp