Sông Đông Êm Đềm

Chương 168


Chương trước Chương tiếp

Ngày mười hai tháng Tư trong một trận chiến đấu với quân phiến loạn ở gần thôn Antonov trấn Elanskaia, trung đoàn Moskva số 1 bị thiệt hại nặng nề.

Vì không thuộc địa thế nên trong quá trình chiến đấu các đội hình tản khai của Hồng quân đã tiến vào trong thôn. Nhà cửa của dân Cô- dắc nằm rải rác như những hòn đảo, lọt giữa những mảnh đất nhỏ xíu toàn cát rắn. Các phố và các ngõ đều trải bằng cành cây trên đất lầy rất khó đi. Toàn thôn chìm trong những đám xích dương hết sức rậm rạp mọc trên một địa hình toàn là bãi lầy. Con sông nhỏ Elanska chảy ở đầu thôn chỉ có ít nước nhưng đáy lại rắn, toàn đất sét.

Bộ binh của trung đoàn Moskva số 1 tản khai tiến qua thôn, nhưng vừa vượt quá mấy ngôi nhà đầu tiên, vừa len lỏi vào một đám xích dương thì phát hiện thấy rằng không thể nào dàn thành đội hình tản khai mà vượt qua rừng xích dương được. Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2 là một anh chàng người Ladvia, tính rất gàn bướng. Một đại đội trưởng phải vất vả lắm mới cứu được con ngựa bị bùn lún rất sâu đến trình bày những lý lẽ không nên tiến thêm nữa, nhưng tiểu đoàn trưởng nhất định không nghe, cứ ra lệnh: "Tiến!" rồi là người đầu tiên táo bạo xông lên khoảng đất rập rình, nghiêng ngả. Các chiến sĩ Hồng quân trù trừ nhưng vẫn tiến theo anh, những khẩu súng máy phải khiêng trên tay. Vừa đi được chừng năm chục xa- gien thì đã bị vướng dưới bùn tới đầu gối. Giữa lúc ấy chợt có những tiếng kêu truyền từ sườn bên phải qua các tuyến tản khai: "Bị vu hồi rồi?", "Có bọn Cô- dắc đấy?", "Chúng nó bao vây rồi?".

Tiểu đoàn quả thật đã bị hai đại đội của quân phiến loạn bao vây và bị chúng đánh từ phía sau lưng. Tiểu đoàn một và tiểu đoàn hai mất gần một phần ba quân số trong đám xích dương, phải rút lui. Trong trận ấy, Kotliarov đã bị thương ở chân vì một viên đạn đúc theo phương pháp thủ công của quân phiến loạn. Miska Kosevoi phải bế anh trên tay và thiếu chút nữa thì dùng lưỡi lê đâm một chiến sĩ Hồng quân đánh xe trên con dê, bắt anh ta phải cho người thương binh lên chiếc xe hai bánh chở đạn.

Trung đoàn bị đánh bật về một thôn của trấn Elanskaia. Lần thất bại nầy có ảnh hưởng rất tai hại tới kết quả của đợt tấn công của tất cả các đơn vị Hồng quân đang tiến theo tả ngạn sông Đông. Mankin ở Bukanovskaia đã bắt buộc phải rút lui về phía bắc hai mươi véc- xta, tới trấn Slasevskaia. Sau đó, dưới áp lực của những lực lượng phiến loạn có số lượng lớn hơn nhiều lần tấn công điên cuồng, đội nghĩa dũng Mankin phải vượt qua sông Khop trước khi băng trôi một ngày, chết đuối mất vài con ngựa, và di chuyển đến trấn Kumyngienskaia.

Trung đoàn Moskva số 1 bị mất liên lạc vì băng trôi ở cửa sông Khop, phải vượt sông Đông sang bên hữu ngạn, đóng ở trấn Ust- Khopeskaia, chờ bổ sung. Chẳng bao lâu trung đoàn Xerdovsky cũng tới đấy. Thành phần cốt cán của trung đoàn nầy khác hẳn trung đoàn Moskva số 1. Hạt nhân chiến đấu của trung đoàn Moskva gồm những công nhân Moskva, Tula, Nizegrod. Những người công nhân nầy đã chiến đấu anh dũng, kiên cường, nhiều lần đã giáp lá cà với quân phiến loạn, mỗi ngày bị giết và bị thương hàng chục chiến sĩ. Mãi sau lần mắc bẫy địch ở thôn Antonov, trung đoàn mới tạm thời phải rút khỏi chiến đấu, tuy vậy trong khi rút lui nó không để lại cho địch một chiếc xe vận tải hay một hòm đạn nào. Nhưng ngay trong trận chiến đấu đầu tiên ở gần thôn Yagodinsky, một đại đội của trung đoàn Xerdovsky đã không chống lại được đợt xung phong bằng kỵ binh của quân phiến loạn. Vừa trông thấy làn sóng tấn công của kỵ binh Cô- dắc, họ đã rời bỏ chiến hào. Nếu các đảng viên cộng sản phụ trách súng máy không đánh bật được đợt xung phong bằng hoả lực vũ bão của những khẩu súng máy thì có lẽ toàn đại đội đã bị chém chết hết.

Trung đoàn Xerdovsky đã được thành lập vội vã ở thành phố Xerdovsk. Thành phần của nó gồm toàn những nông dân đã có tuổi dân của tỉnh Saratovskaia. Tinh thần của các chiến sĩ Hồng quân nầy rõ ràng không thể nào giúp cho việc nâng cao khả năng chiến đấu. Trong đại đội có rất nhiều người không biết chữ và nhiều phần tử xuất thân từ tầng lớp kulak giầu có ở nông thôn. Thành phần chỉ huy của trung đoàn một nửa gồm những sĩ quan cũ. Chính uỷ là một con người bạc nhược, không có nghị lực, không có uy tín đối với các chiến sĩ. Có những tên phản bội âm mưu đưa trung đoàn ra đầu hàng mà chi bộ đảng chẳng nhìn thấy gì cả. Chúng gồm có trung đoàn trưởng, trưởng ban tham mưu và hai đại đội trưởng.

Thông qua những tên kulak có tư tưởng phản cách mạng đã lọt vào trung đoàn, chúng tiến hành công việc tội ác là phá hoại tinh thần quần chúng Hồng quân. Chúng tuyên truyền khéo léo, gây tư tưởng phản đối các đảng viên cộng sản, reo rắc lòng nghi ngờ về kết quả của cuộc chiến đấu trấn áp cuộc phiến loạn, chuẩn bị đem trung đoàn ra đầu hàng.

Stokman ở cùng một phòng với ba chiến sĩ Hồng quân thuộc trung đoàn Xerdovsky. Anh lo lắng theo dõi các chiến sĩ Hồng quân và sau một lần va chạm quyết liệt với mấy gã trong trung đoàn Xerdovsky, anh đã tin chắc rằng trung đoàn đang đứng trước một mối đe doạ cực kỳ nghiêm trọng.

Ngày hai mươi bảy, lúc trời đã hoàng hôn, có hai chiến sĩ thuộc đại đội hai trung đoàn Xerdovsky tới chỗ Stokman ở. Một gã, họ là Gorigasov không chào hỏi gì cả, đưa mắt nhìn Stokman và Kotliarov nằm trên giường với một nù cười đầy ác ý và nói:

- Đánh đấm đến thế nầy là đủ rồi? Ở nhà, thóc lúa của gia đình thì bị tịch thu mà ở đây cứ phải đánh nhau không biết để làm gì…

- Anh không biết anh chiến đấu để làm gì à? - Stokman hỏi giọng gay gắt.

- Phải, không biết! Bọn Cô- dắc thì cũng là dân cày như chúng ta cả? Chúng ta biết rằng chúng nó đã nổi lên chống lại cái gì rồi? Chúng ta biết chứ…

- Còn anh, đồ khốn nạn, anh có biết rằng anh đang nói với giọng lưỡi của kẻ nào không? Của bọn Bạch vệ? - Ngày thường vốn trầm tĩnh, nhưng hôm nay Stokman cũng nổi sung lên.

- Mày chớ có mở miệng chửi mắng người ta quá xá như thế! Nếu không ác giả ác báo đấy! Anh em nghe rõ chưa? Té ra nó là một thằng như thế nầy đấy!

- Bớt cái mồm đi! Bớt cái mồm đi, thằng râu dài nầy! Những thằng như mày, chúng tao đã gặp không ít đâu? - Một gã lùn lùn, người chắc nịch như một cái túi bột, chõ mồm vào. - Mầy tưởng mầy là đảng viên thì có thể chẹn họng chúng tao phải không? Liệu cái thần hồn, nếu không chúng tao sẽ nện cho xổ ruột!

Gã lấy thân mình che cho tên Gorigasov gầy gò hom hem rồi trợn tròn hai con mắt, đưa ngoặt hai cánh tay ngắn cũn nhưng rất khỏe ra sau lưng, xấn xổ đi tới trước mặt Stokman.

- Chúng mày làm sao thế hử? Thở ra toàn hơi của bọn Trắng rồi sao?- Stokman đẩy mạnh tên chiến sĩ Hồng quân đang xông tới trước mặt mình, vừa thở hổn hển vừa hỏi.

Gã kia lảo đảo, dỏ bừng mặt, định nắm lấy tay Stokman, nhưng tên Gorigasov đã ngăn gã lại:

- Đừng dính vào nó làm gì?

- Đó là những lời phản cách mạng? Chúng ta sẽ đem chúng mày ra xử như những thằng phản bội chính quyền Xô viết!

- Mầy không làm thế nào đưa tất cả trung đoàn ra toà được đâu! - Một gã Hồng quân ở cùng nhà với Stokman đáp lại.

Bọn kia hùa vào ủng hộ gã:

- Bọn đảng viên được lĩnh nào đường nào thuốc lá, còn chúng mình thì mốc xì!

- Nói láo! - Kotliarov đang nằm trên giường cũng chống tay nhỏm dậy. - Chúng tôi cũng chỉ được lĩnh như các anh thôi.

Stokman không nói gì nữa, mặc áo ngoài, bước ra. Bọn kia không ngăn giữ anh, chỉ đưa tiễn anh bằng những lời chế nhạo.

Stokman đã gặp chính uỷ ở trung đoàn bộ. Anh gọi người chính uỷ sang một căn phòng khác, xúc động kể lại chuyện xung đột vừa nãy với mấy gã chiến sĩ Hồng quân và đề nghị bắt giữ chúng. Người chính uỷ vừa nghe anh nói vừa gãi gãi bộ râu đỏ như lửa rồi sửa lại cái kính gọng sừng đen, vẻ ngần ngại.

- Ngày mai chúng ta sẽ triệu tập hội nghị chi bộ và sẽ nhận định tình hình. Còn việc bắt giữ mấy cậu kia thì tôi thấy là trong hoàn cảnh hiện nay không làm được đâu?

- Vì sao vậy? - Stokman hỏi lại, giọng gay gắt.

Đồng chí có biết không, đồng chí Stokman… Chính tôi cũng nhận thấy rằng tình hình trong trung đoàn chúng ta không được yên ổn, đang có một tổ chức phản cách mạng nào đó, nhưng còn chưa mò được ra. Mà phạm vi ảnh hưởng của nó thì đã lan tới phần lớn số chiến sĩ trong trung đoàn. Bản chất tự phát của nông dân mà, còn làm thế nào được nữa! Tôi đã báo cáo lên trên về tinh thần của các chiến sĩ và đề nghị điều trung đoàn đi nơi khác, biên chế lại.

- Vì sao đồng chí cho rằng không thể lập tức bắt ngay những tên đặc vụ Bạch vệ đó và giải lên toà án của sư đoàn? Vì những lời lẽ như thế đã cho thấy một sự phản bội trắng trợn rồi.

- Phải, nhưng làm thế thì có thể gây ra những sự rối loạn mà chúng ta không muốn có, thậm chí có thể đưa đến bạo động đấy.

- Sao lại thế? Thế thì tại sao đồng chí đã nhìn thấy rằng tình hình của đa số là như vậy mà từ trước không sớm báo cáo lên phòng chính trị?

- Tôi đã nói với đồng chí rằng đã báo cáo rồi mà! Không hiểu sao ở Ust- Medvediskaia vẫn còn chùng chình chưa trả lời. Chỉ cần trung đoàn được điều đi là chúng ta sẽ nghiêm khắc trừng trị ngay tất cả những kẻ phá rối kỷ luật, đặc biệt là những thằng đã nói ra những điều mà đồng chí vừa cho biết… - Rồi người chính uỷ cau mày, thì thầm nói thêm - Tôi đã có ý nghi Voronovsky và tham mưu trưởng Volkov. Ngày mai, họ xong hội nghị chi bộ, tôi sẽ lên ngay Ust- Medvediskaia. Cần phải áp dụng một số biện pháp khẩn cấp để hạn chế phạm vi của nguy cơ nầy mới được. Tôi đề nghị đồng chí giữ bí mật về câu chuyện giữa hai chúng mình.

- Nhưng tại sao không thể triệu tập ngay bây giờ hội nghị đảng viên? Phải thấy rằng thời gian không cho phép chờ đợi nữa đâu, đồng chí ạ?

- Tôi cũng hiểu. Nhưng ngay bây giờ thì không thể được. Phần lớn anh em đảng viên đang phải canh gác và phụ trách các vọng tiêu bí mật… Tôi đã kiên quyết chủ trương như thế vì trong hoàn cảnh như thế nầy, tin ở các binh sĩ ngoài đảng sẽ là quá chủ quan. Hơn nữa, cả đại đội pháo là chỗ có phần lớn đảng viên cũng mãi hôm nay mới từ Krutovsky tới. Phải điều họ về trung đoàn là do những chuyện rối loạn nầy đấy.

Sau khi ở trung đoàn bộ về, Stokman nói ngắn gọn cho Kotliarov và Miska Kosevoi biết vài nét về câu chuyện mình vừa nói với chính uỷ trung đoàn.

- Cậu vẫn chưa đi được à? - Anh hỏi Kotliarov.

- Vẫn còn khập khiễng. Trước kia thì còn sợ ảnh hưởng tới vết thương, nhưng bây giờ thì dù muốn hay không cũng vẫn phải đi thôi.

Đêm hôm ấy, Stokman viết một bản báo cáo chi tiết về tình hình trung đoàn và đến nửa đêm anh đánh thức Miska dậy. Anh vừa nhét bức thư vào bên trong áo sơ- mi của Miska, chỗ trước bụng vừa bảo:

- Ngay bây giờ cậu phải kiếm lấy một con ngựa và phi tới Ust- Medvediskaia. Dù có chết cũng phải chuyển cho kỳ được bức thư nầy tới phòng chính trị sư đoàn Mười bốn… Mất mấy tiếng đồng hồ sẽ tới được đấy? Cậu định kiếm con ngựa ở đâu?

Miska è è trong họng, vừa lồng đôi ủng da đỏ khô cứng vào chân vừa nói ngắt từng đoạn:

- Ngựa thì tôi sẽ lấy cắp… ở chỗ bọn trinh sát kỵ binh, còn tới được Ust- Medvediskaia… thì nhiều lắm… là hai tiếng. Ngựa của bọn trinh sát tồi lắm, nếu không… chỉ tiếng rưỡi! Tôi đã từng làm coi ngựa… Tôi biết cách bắt ngựa… chạy cho hết tốc độ.

Miska đổi chỗ giấu phong thư, nhét nó vào túi áo ca- pôt.

- Làm thế nầy để làm gì?

- Để lấy ra cho nhanh, nếu bị bọn trung đoàn Xerdovsky tóm cổ.

- Sao lại thế? - Stokman vẫn không hiểu.

- Anh lại còn "sao lại thế"? Nếu bị chúng nó tóm được, tôi sẽ lấy ra và nuổt đi ngay.

- Cừ lắm? - Stokman hơi nhếch mép cười, bước lại gần Miska và tựa như đang đau khổ vì những dự cảm nặng nề, anh ôm chặt lấy Miska và hôn Miska một cái thật mạnh bằng cặp môi lạnh giá run run. - Thôi cậu đi đi.

Miska ra ngoài, tháo được rất dễ dàng ở cọc buộc ngựa một trong những con ngựa tốt nhất của đội trinh sát kỵ binh, rồi cho nó đi bước một qua vọng tiêu, ngón tay chỏ lúc nào cũng kè kè bên cái cò của khẩu súng trường kỵ binh còn mới. Anh len lỏi không theo đường làng ra tới đường cái. Mãi khi ra đến đấy anh mới quàng cái dây đeo súng qua vai và bắt đầu "vắt kiệt" con ngựa nhỏ cộc đuôi giống Saratov, bắt nó chạy với một tốc độ mà nó chưa từng chạy bao giờ.



Bình luận
Sắp xếp
    Loading...