Sống Chung Với Mẹ Chồng

Chương 19: Mưa bão bất ngờ


Chương trước Chương tiếp

Sáng sớm, Hy Lôi vẫn chìm trong giấc mộng thì một mùi nước hoa rất nồng sộc vào mũi, mở đôi mắt vẫn còn ngái ngủ, cô thấy một gương mặt đàn ông đang cười tươi ghé lại gần. Hay là lại có trộm, Hy Lôi giật nảy mình ngồi bật dậy, dụi mắt nhìn kỹ, hóa ra là Hứa Bân.

- Anh vào lúc nào thế?

- Một lúc lâu rồi. Ngủ như con heo ý, anh buồn quá, đau lòng quá, em không cần anh nữa, em đã không cần anh nữa rồi.

Hy Lôi quay mặt đi:

- Cần anh thì có tác dụng gì! Thà nuôi con vật nào đó còn hơn!

Hứa Bân giơ túi đồ điểm tâm ra trước mặt, đó là bánh bao nhân dưa chua mà Hy Lôi thích ăn nhất và một cốc trà sữa rất thơm:

- Sao lại vô dụng? Anh còn biết mua điểm tâm, thú cưng có biết không?

Muốn cười, nhưng cô vẫn nghiêm mặt không cười. Hứa Bân đưa tay ra bẹo má Hy Lôi, nói:

- Muốn cười thì cứ cười đi.

Hy Lôi ngoác miệng ra cười, coi như là làm hòa với nhau, trong phút chốc, cô bị Hứa Bân kéo vào lòng, giằng co một hồi rồi cô nằm yên bất động. Anh thở dài, nói bên tai cô:

- Chúng mình làm sao thế? Anh còn muốn mua điểm tâm cho em, rót nước rửa chân cho em, làm nhiều việc cho em lắm! Chúng ta vẫn còn cả đời cơ mà!

- Anh mà còn dữ với em, không quan tâm tới em thì em thực sự không cần anh nữa!

- Thực ra ngày nào anh cũng nhớ em. Bọn mình đừng thế này nữa, được không? - Hứa Bân khẩn cầu.

Hy Lôi gật đầu khe khẽ. Vòng tay của Hứa Bân bất giác mạnh hơn và có gì đó như bất an, khiến cô thấy khó thở. Ai cũng nói “tiểu biệt thắng tân hôn”. Cặp vợ chồng trẻ tuổi lâu ngày không gần gũi nhau, bao nhiêu những điều không vui đều bị bỏ lại phía sau, ham muốn đã dâng lên trong mắt. Hai người lại làm ấm lại chiếc giường.

Vào một buổi sáng vẫn còn hơi lạnh nhưng lại thấm đẫm khí xuân này, hai người đi đến thỏa thuận, Hy Lôi dọn về nhà ở, Hứa Bân về nhà khuyên mẹ mình, đừng cằn nhằn việc sinh con nữa, còn Hy Lôi cũng đồng ý, trong vòng hai năm sẽ hoàn thành tâm nguyện của bố mẹ, còn căn nhà kia, khi nào có lò sưởi đương nhiên sẽ để cho vợ chồng Hy Lôi và Hứa Bân ở.

- Thật không? Anh không lừa em lần nữa chứ?

- Không đâu, không đâu, anh lừa em lúc nào đâu. Chỉ tại em, sau này đừng có ngang ngạnh thế nữa, đối xử với mẹ lịch sự một chút.

- Biết rồi, biết rồi, ông nội nói rồi, một người thì nịnh, một người thì lừa, thế là sẽ sống được.

Hứa Bân hôn khẽ một cái lên trái Hy Lôi:

- Ngoan!

Buổi tối, cả nhà ra ngoài ăn cơm, trên mâm cơm, Hy Lôi ngoan ngoãn gọi “mẹ”, mẹ chồng cũng gắp thức ăn cho Hy Lôi, mặc dù không khí hơi gượng gạo nhưng cũng coi như là hòa thuận, mâu thuẫn đã được hóa giải.

Hôm sau là chủ nhật, Hứa Bân lái xe của cơ quan, cùng Hy Lôi thu dọn đồ đạc ở nhà trọ chuyển về nhà. Đa số đều là quần áo và sách vở của Hy Lôi, cũng không có nhiều đồ lắm. Thu dọn cất đồ lên xe, Hy Lôi bảo Hứa Bân đi về trước, mình ở lại quét dọn nhà, rồi giao nhà cho chủ nhà. Lúc này thì điện thoại của cô đổ chuông. Là số di động của em trai, nhấc máy, bên kia vang lên giọng nói lo lắng của bố:

- Hy Lôi ơi, xảy ra chuyện rồi, con mau về nhà một chuyến đi.

Hy Lôi vội vàng trấn an bố:

- Bố bình tĩnh, xảy ra chuyện gì thì từ từ nói.

- Là Hy Quân, Hy Quân, nghỉ đông nó đón xe về nhà, chẳng phải dạo gần đây mưa liên tục nên đường bị đóng băng sao? Đường trơn, xảy ra tai nạn rồi, chân của Quân Quân sợ rằng không giữ được nữa, phải làm phẫu thuật thôi!

- Bây giờ đang ở bệnh viện sao? Mẹ con đâu?

- Mẹ con lo quá, huyết áp tăng lên, giờ cũng đang nằm trong bệnh viện! Bây giờ phải làm phẫu thuật cho em con, cần khoản tiền lớn lắm!

- Bố đừng lo, còn có con mà, con sẽ về ngay, con có tiền, bố đừng lo, bảo bệnh viện cứ chuẩn bị phẫu thuật đi! Con sẽ về ngay!

Cúp điện thoại, Hy Lôi ngẩng đầu lên, lo lắng nói với Hứa Bân:

- Hứa Bân, về nhà, bảo mẹ anh rút cho em 3 vạn tệ lần trước em đưa, Quân Quân xảy ra chuyện, em phải dùng gấp.

Hứa Bân nãy giờ đứng cạnh cũng đã nghe rõ, vội vàng an ủi Hy Lôi:

- Đừng sốt ruột, anh về nhà nói với mẹ trước, nếu không đủ thì bảo mẹ lấy thêm. Giờ em khóa cửa nhà lại, sau đó tới thẳng ngân hàng chờ anh. Đừng lo, anh sẽ về với em, không có chuyện gì đâu.

Hy Lôi nhìn Hứa Bân một cái, tin tưởng và cảm kích. Người ta đều nói hoạn nạn thấy chân tình, lúc này những câu nói của Hứa Bân đủ để thấy anh là một người đàn ông đáng tin tưởng. Bình thường những cãi vã nhỏ nhặt giờ không còn có ý nghĩa gì nữa. Hy Lôi gật đầu.

2.

Trời cũng có lúc mưa bão bất thường, Hy Lôi không ngờ sự bất thường đó lại xảy ra với Quân Quân. Cậu vẫn còn rất trẻ, vẫn còn lạc quan yêu đời, tràn đầy sức sống, nếu mất đi một cái chân, sau này cậu sẽ đối diện với cuộc đời mình như thế nào. Chỉ nghĩ đến đây, Hy Lôi đã thấy đau lòng.

Ở ngân hàng chờ mãi mà không thấy Hứa Bân đến, gọi điện thoại cho anh cũng không có người nghe. Hy Lôi lòng dạ rối như tơ vò, bèn vẫy taxi đến thẳng nhà Hứa Bân. Vừa bước vào cửa, đã thấy Hứa Bân hình như đang cãi vã gì với mẹ, ngồi ở phòng khách, Hứa Bân thì ra sức giải thích:

- Mẹ, là thật mà, cô ấy nghe điện thoại ở ngay bên cạnh con, em trai cô ấy bị tai nạn!

- Có khi lại cố ý hẹn trước với người nhà, kiếm lý do để đòi tiền của nó về! Con bé Hy Lôi này khôn lắm!

- Mẹ mau đi, cô ấy còn đang chờ ở ngân hàng.

Nãy ra vẫn đứng ở ngoài cửa, giờ Hy Lôi mới lên tiếng:

- Em về rồi.

Mẹ chồng ngước mắt lên, thấy Hy Lôi đã về, nói giọng giận dỗi:

- Về lấy tiền à! Vừa mới đồng ý về nhà sống, cả nhà hòa thuận với nhau, giờ chị lại tính chuyện riêng của chị rồi à?

Hy Lôi trong lòng rất sốt ruột, chẳng muốn cãi nhau với mẹ chồng, chỉ muốn nhanh chóng lấy được tiền rồi về nhà, bình tĩnh nói:

- Mẹ, con chẳng có tính toán gì cả, lúc đầu con giao tiền cho mẹ là vì con tin tưởng mẹ, bây giờ con có chuyện gấp cần rút ra cũng là chuyện thường tình. Vả lại, tiền đó là tiền con để dành, cho dù nhà con không có chuyện gì, bây giờ muốn lấy về cũng là hợp lẽ.

- Ý chị là gì? Cứ như thể tôi không trả tiền cho chị vậy.

- Con không có ý đó, tóm lại là con đang rất vội, mẹ lấy tiền cho con đi!

- Chị không có ý đó thì còn ý gì? Chị nói rõ cho tôi thì tôi mới trả chị tiền.

Thấy hai người dường như lại sắp cãi nhau, Hứa Bân bèn kéo Hy Lôi lại, nhỏ giọng khuyên nhủ:

- Được rồi, em đừng nói, để anh nói với mẹ.

Mẹ chồng vẫn không buông tha:

- Chị có ý gì hả? Chị nói rõ cho tôi.

Lòng đã nóng như lả đốt, mẹ chồng lại cứ thao thao bất tuyệt, nghĩ đến em trai mình còn đang đau đớn chờ có tiền để mổ, mẹ thì hôn mê trên giường bệnh, trái tim Hy Lôi gần như đã nổ tung ra, cô giằng khỏi tay Hứa Bân, buột miệng:

- Đừng kéo em. Tôi có ý gì? Tôi chẳng có ý gì cả? Sao tôi không biết bà là loại người như vậy, tôi đã sốt ruột như thế mà bà còn ở đây lắm lời như thế?

- Mày nói ai lắm lời? Mày đang chửi tao à?

Hứa Bân lại vội vàng kéo mẹ mình lại, bảo bà đừng nói gì nữa.

Hy Lôi đã lo tới mức chảy cả nước mắt:

- Tôi chửi ai, tôi không muốn cãi nhau với bà, nếu bà không có ý gì thì bà mau lấy tiền trả cho tôi.

- Tôi có nói là không lấy tiền trả chị đâu. Đưa số của bố chị đây, để tôi gọi điện thoại.

Hứa Bân cũng bất lực cầu xin:

- Mẹ!

Hy Lôi thấy vừa tức vừa buồn cười, nhưng lúc này làm sao mà cô có thể cười được:

- Nực cười, bà nên gọi điện thoại tới hỏi thăm nhà tôi mới phải, nhưng không cần phải thế. Bà có ý gì? Tôi mang em trai bị tai nạn giao thông ra để lừa bà, lại còn phải gọi điện để kiểm chứng sao. Đó là tiền của tôi, cho dù tôi không có lý do gì tôi muốn lấy lại cũng là việc của tôi.

Mẹ chồng đứng lên, giận phừng phừng bước vào phòng ngủ, một lúc sau đi ra, cầm theo một phong bì dày, ném mạnh lên salon:

- Cầm đi, cầm đi. Cưới rồi còn không chịu sống yên ổn, lúc nào cũng nhớ tới nhà mẹ đẻ. - Phong bì rơi xuống salon, nảy lên rồi lại rơi xuống đất.

Hy Lôi rất buồn, nhưng chẳng còn tâm trạng gì để tính toán nhiều, cô nhặt lên, hằn học nói:

- Mẹ, hôm nay tôi gọi mẹ một tiếng mẹ vì tôi là vợ của Hứa Bân. Bà nhớ lấy, tiền của tôi, khi đưa cho bà tôi đưa bằng hai tay, chứ không ném xuống đất như thế này. Tùy bà nói thế nào, với loại người không có nhân tính như bà, tôi không có thời gian để nói nhiều.

Vốn dĩ đã cầm tiền chuẩn bị đi, nhưng câu nói cuối cùng của Hy Lôi lại chọc tức mẹ chồng. Bà đẩy mạnh Hứa Bân ra, lao lên hét:

- Mày nói ai không có nhân tính, mày nói gì thế hả? Mẹ mày dạy mày thế nào mà nói năng với người lớn như thế.

- Đừng kéo mẹ tôi vào đây. Tôi tự có phán đoán của mình, tôi không giống người nào đó hiếu thuận mù quáng, người lớn cũng có lúc sai.

Cãi nhau là thế, anh một câu, tôi một câu, thế là thành cãi nhau. Sự nóng ruột và cảm giác nhục nhã, ê chề trong lòng Hy Lôi cùng lúc bộc phát, Hứa Bân đứng giữa khuyên hai bên, nhưng chẳng khuyên được ai. Hai người đàn bà như hai con sư tử nổi điên, bao nhiều lời lẽ cay độc đều thốt ra hết. Mẹ chồng vốn là người không giỏi miệng lưỡi, nay bị Hy Lôi nói cho vài câu, không nói được, uất quá khóc rống lên, đấm ngực thình thịch, ngồi phịch xuống đất, vỗ mạnh lên ghế rồi chỉ vào Hy Lôi, các ngón tay run rẩy, đôi môi tái nhợt.

Hy Lôi cất tiền cẩn thận, xách túi lên đang định ra ngoài. Bỗng dưng thấy tóc mình đau nhói, hóa ra là bị Hứa Bân kéo ngược trở lại, kéo lê trên đất, đẩy vào sát chân tường. Tay đấm, chân đá, một trận mưa đòn dội xuống người Hy Lôi. Mẹ chồng thấy thế lại nhào ra, giữ Hứa Bân lại, khóc lóc:

- Con trai, đừng đánh nó, là mẹ không đúng, con đừng đánh nó. Là mẹ không đúng, mẹ không nên nói nó, không nên quản các con.

Mẹ chồng nói thế càng thể hiện sự khoan dung và vô tội của mình, oán hận trong lòng Hứa Bân càng sâu, anh ta kéo tóc Hy Lôi, kéo tới trước mặt mẹ mình:

- Xin lỗi, xin lỗi mẹ tôi.

Mí mắt Hy Lôi đã tê dại, cảm giác sưng lên, trên mặt đất vòn vương những sợi tóc do bị anh ta kéo đứt. Trong đầu cô lúc này như có một cuốn bắng tua ngược lại, sáng hôm qua, cô vẫn còn tình tứ với Hứa Bân ở trên giường, vừa nãy lúc thu dọn nhà trọ bên kia, vẫn còn đùa giỡn với Hứa Bân, ở đầu đường vẫn còn vui vẻ với nhau, vậy mà sao chớp mắt mọi thứ đều thay đổi. Đầu cô có cảm giác đau đớn như từng tảng da bị tróc ra, ù một tiếng, cơn phẫn nộ và nhục nhã âm thầm dâng mạnh, không biết cô lấy sức từ đâu ra, đứng bật dậy, đẩy mạnh Hứa Bân, nắm lấy cái gạt tàn trên bàn ném về phía anh. Hứa Bân tránh ra theo bản năng, cái gạt tàn rơi xuống đất, vỡ tan. Thấy Hy Lôi đánh trả lại, anh ta lại xông lên, mẹ chồng thấy con trai bị đánh, lại giữ lấy tay Hy Lôi. Một cái tát nữa rơi lên má cô.

Hy Lôi đẩy mạnh hai mẹ con ra, lao thẳng vào bếp, tóm lấy con dao thái rau, lao về phía Hứa Bân, Hứa Bân chưa kịp phản ứng, con dao đã kề lên vai anh ta. Mẹ chồng sợ hãi hét lên.

Hy Lôi rơi nước mắt, bàn tay run rẩy, cơn phẫn nộ đã che mờ lý trí của cô, miệng ú ớ không nói được lời nào. Hứa Bân hơi sợ, giọng nói hiền hòa trở lại:

- Hy Lôi, đừng kích động, bỏ dao xuống.

Cô không nói gì, tay nắm chặt cán dao, nhìn chằm chằm vào mặt Hứa Bân, trong mắt cô long lanh lệ, tuyệt vọng lắc đầu. Cuối cùng, cô nhẹ nhàng bỏ dao xuống, lùi về sau mấy bước. Mẹ chồng thấy Hy Lôi đã bỏ dao ra bèn hét to:

- Diệp Hy Lôi, mày cút ngay cho tao, cút ngay lập tức. Cả đời này đừng mong bước chân vào cửa nhà tao nữa.

Hy Lôi cười lạnh một tiếng, ném dao xuống đất:

- Không cần phải nói thế. Cửa nhà bà không cao quý thế đâu! - Mở cửa ra, một cơn gió lạnh thấu xương từ hành lang thổi vào. Hai mắt cay xè, một dòng nước mắt lại chảy xuôi theo gió.

3.

Khi Hy Lôi tới bệnh viện thì Quân Quân vẫn đang hôn mê nằm trong phòng cấp cứu, bố mẹ đứng chờ ngoài cửa phòng, lòng nóng như lửa đốt.

Hai mắt mẹ cô sưng đỏ, chỉ mới nửa ngày ngắn ngủi mà trông bà như đã già đi vài tuổi, bố cô thì than vắn thở dài, khẽ khàng an ủi mẹ cô.

Hy Lôi thấy lòng mình thắt lại, đau nhói, cô chạy lại ôm lấy mẹ, giọng nói nghẹn ngào:

- Mẹ, không sao đâu, đừng lo, không sao.

Mẹ cô giàn giụa nước mắt, hướng về phía phòng mổ:

- Quân Quân vẫn chưa ra, không biết làm sao rồi, sau này làm thế nào đây!

- Đã nộp phí phẫu thuật chưa? Bác sĩ nói thế nào? - Hy Lôi hỏi bố.

Bố cô vốn là một bác sĩ nghỉ hưu của bệnh viên nên rất quen thuộc với nơi này, bởi vậy chỉ mới nộp trước một khoản phí. Ông thở dài nói:

- Nhà mình không có tiền bạc gì, con cũng biết mà, mới nộp trước một vạn, còn thiếu một ít, vừa nãy các chuyên gia hội chẩn, có thể sẽ phải cắt bỏ chân!

- Không còn phương án khác sao? Quân Quân vẫn còn trẻ như thế.

- Bố đã nhờ bệnh viện rồi, nếu giữ được thì cố gắng giữ, tốn bao nhiêu tiền cũng được.

Cả nhà ba người lặng lẽ ngồi trên hàng ghế ngoài hành lang chờ đợi, mẹ lúc này mới để ý thấy vết bầm trên mắt Hy Lôi, hỏi cô bị làm sao.

Hy Lôi không muốn bố mẹ lo lắng, vội vàng giấu:

- Không sao, vừa nãy con về vội quá, không cẩn thận nên đập vào cửa! - Mọi người đều đang lo lắng về việc của Quân Quân, thấy con gái nói vậy nên cũng không để tâm nữa.

Thời gian từng giây từng phút trôi qua. Ba tiếng đồng hồ đã trôi qua, cuối cùng cửa phòng mổ cũng bật mở, cả nhà vội vàng đứng lên. Bác sĩ mổ chính là bạn của bố, vừa đi ra đã bắt tay bố cô:

- Anh Diệp, thằng bé đúng là phúc lớn mạng lớn, cũng may mà giữ được cái chân.

Mẹ vừa nghe thấy thế đã mừng quá mà rơi lệ, bố thì rối rít cảm ơn người ta, mừng tới nỗi không biết nói gì. Bác sĩ lại dặn dò vài câu, nói là giờ Quân Quân vẫn còn rất yếu, công hiệu của thuốc mê còn chưa hết nên phải một, hai tiếng nữa mới được vào thăm.

Hòn đá trong lòng cuối cùng cũng được hạ xuống. Hy Lôi nhìn bố mẹ dung nhan tiều tụy, đau lòng nói:

- Con đi mua gì cho bố mẹ ăn, nhân tiện nộp tiền luôn. - Mua cơm quay về, ở phòng khám, Hy Lôi lại yêu cầu bác sĩ kiểm tra qua vết thương của mình, hơn nữa nói dối là để xin cơ quan cho nghỉ bệnh nên nhờ bệnh viện cho một giấy chứng nhận chẩn đoán tình trạng vết thương. Trên kết quả chẩn đoán viết, cơ thể bị thương nhiều chỗ ở phần mềm, mức độ nhẹ. Hy Lôi gấp cẩn thận tờ giấy chứng minh rồi nhét vào túi áo.

Buổi tối thì Quân Quân tỉnh dậy. Thấy bố mẹ và chị gái đều ở cạnh, cậu mỉm cười yếu ớt:

- Sao thế? Chị cũng về à.

Mẹ thấy con trai đã tỉnh dậy, vội nói:

- Con làm bố mẹ sợ quá. Giờ con thấy thế nào?

- Chẳng phải con tỉnh rồi sao? Đừng lo, không chết được đâu! Ôi dà, vừa nãy ngủ một giấc, con còn nằm mơ. - Quân Quân cố ý nói thật nhẹ nhàng để bố mẹ không lo. Mẹ nắm lấy tay cậu, đau lòng xoa nhẹ lên đó, dịu dàng nói:

- Không sao là tốt, không sao là tốt.

Quân Quân ăn được một ít đồ, Hy Lôi thương bố mẹ đã lớn tuổi nên bảo họ về nhà nghỉ ngơi, cô ở lại bệnh viện chăm sóc em. Quân Quân sau phẫu thuật vẫn còn yếu, nhanh chóng ngủ thiếp đi. Hy Lôi tắt đèn, tĩnh tâm lại rồi nhớ về những chuyện xảy ra ở nhà Hứa Bân lúc sáng. Trong lòng cô thấy đau nhói, một mình ngồi trong bóng tối rơi lệ. Cuộc hôn nhân của cô cuối cùng cũng đi đến bờ vực thẳm.

4.

- Chị, chị! Diệp Hy Lôi!

Mơ màng mở mắt ra trong tiếng gọi của Quân Quân, ánh nắng mùa đông chiếu qua cánh cửa sổ, căn phòng sáng hơn một chút, lại là một ngày mới bắt đầu.

- Sao dậy sớm thế?

Quân Quân nén đau, cười:

- Chị thật là, còn nói là chăm sóc người bệnh! Ngủ đến là ngon!

- Em thấy thế nào? Cần gì không? Chỗ nào không khỏe để chị gọi bác sĩ.

Quân Quân lắc đầu:

- Không sao, chỉ là vết thương hơi đau, gọi họ tới chắc chắn lại tiêm thuốc giảm đau. Cái thứ đó nhiều tác dụng phụ lắm, em không muốn sau này thành người ngớ ngẩn, chân bị què thì đầu óc cũng phải minh mẫn. Chị nói chuyện với em một chút để chuyển sự chú ý đi.

Hy Lôi thân mật vuốt mặt em trai:

- Ồ, kiên cường quá nhỉ! Được, chị nói chuyện với em. - Mở điện thoại ra xem, mới là 5 giờ sáng, từ khi Hy Lôi rời khỏi nhà Hứa Bân, anh ta chưa gọi một cú điện thoại nào.

Hai chị em mỗi người nằm trên một chiếc giường. Bỗng dưng Quân Quân hỏi:

- Chị, chị hạnh phúc không?

Câu hỏi này giống như một con sóng lớn ập đến, khiến Hy Lôi trở tay không kịp, miệng ấp úng một hồi lâu không biết trả lời thế nào.

Quân Quân quay đầu nhìn thấy vết thương ở đuôi mắt của Hy Lôi:

- Vết thương ở mắt chị không phải là do va vào đâu đó phải không?

Bị Quân Quân nói trúng, ánh mắt Hy Lôi nhìn sang hướng khác, cô không muốn để người khác nhận ra sự đau lòng, buồn bã của mình, nếu có thể, cô cũng muốn biến những vết thương trong cuộc hôn nhân của mình thành một cái nơ bướm thật đẹp, để người ta chỉ nhìn thấy những gì tươi đẹp nhất của nó. Cậu em trai ngày trước trong mắt cô luôn là một đứa trẻ, nhưng khi em trai hỏi cô có hạnh phúc không thì cô biết, cậu đã trưởng thành rồi!

Hy Lôi thở dài:

- Quân Quân, đời người sẽ phải đối mặt với rất nhiều lựa chọn, hồi nhỏ là tan học sẽ đi con đường nào, ra ngoài mặc bộ quần áo nào, tới nhà ăn nào ăn cơm, lớn hơn một chút thì học trường đại học nào, học chuyên ngành gì, nhưng lựa chọn quan trọng nhất chính là hôn nhân, chính là quyết định cùng người như thế nào đi với em đến hết cuộc đời. Bộ quần áo mà hôm nay em mặc ra đường, mọi người bảo không đẹp, bản thân em cảm thấy nó không thoải mái, thì hôm sau em có thể không mặc nữa. Hôm nay em tới nhà hàng này ăn cơm, cảm thấy thức ăn không ngon, vệ sinh kém, phục vụ không tốt, lần sau em có thể đổi sang nhà hàng khác. Nhưng hôn nhân thì khác, từ trước tới nay, chị không thể thừa nhận rằng mình đã sai, mình đã có một lựa chọn sai lầm... - Nói mãi, Hy Lôi đã khóc không thành tiếng.

- Chị, em từng đọc trong sách có một câu nói, rằng hôn nhân cũng giống như đánh bài, có lúc phải xem vận may của chị có tốt hay không, quân bài chị bốc được có đẹp hay không. Chị, giờ không còn là xã hội cũ nữa, chị có quyền chơi lại ván bài khác.

Hy Lôi nhìn gương mặt vẫn chưa hết vẻ non nớt của em trai, cằm cậu đã lún phún mấy sợi râu xanh, đã trở thành một người đàn ông rồi. Cô thở dài trong lòng, một chàng thiếu niên ngây thơ, lương thiện như thế, liệu sau này có trở thành một gã đàn ông ích kỷ, giả dối và chuyên làm tổn thương người khác hay không. Cô xoa đầu Quân Quân, cười nói:

- Nhóc con, lo cho em đi, chuyện của chị, chị tự giải quyết. Đúng rồi, cô bạn gái đó của em đâu?

- Được nghỉ đông nên cô ấy về quê ở Hồ Nam rồi. Chuyện của em cô ấy vẫn chưa biết gì!

- Cô gái đó cũng được lắm, em phải đối xử tốt với người ta đấy.

Đang nói chuyện thì bác sĩ vào kiểm tra phòng, bố mẹ cũng tới, mang theo cả canh sườn. Sau cánh cửa lấp ló một gương mặt, Quân Quân vui mừng kêu lên:

- Hinh Doãn, sao em lại tới! - Quá kích động nên khiến vết thương lại bị đau nhói lên. - Ui chà!

- Đừng cử động, nằm yên đi.

Thì ra Phó Hinh Doãn gọi điện thoại cho Quân Quân không được, bèn gọi cho mẹ cậu mới biết là Quân Quân bị tai nạn, vốn định về quê nhưng quá sốt ruột cho người yêu, cô lại trả lại vé tàu rồi mua vé đi thành phố C, ngồi tàu cả đêm để tới đây.

Hy Lôi lặng lẽ đi ra khỏi phòng bệnh, nhìn em trai và bạn gái thân mật với nhau, bố mẹ thì ở một bên hỏi han, chăm sóc, còn bản thân mình giống như một nốt nhạc lạc điệu.

Buổi chiều, Hy Lôi quyết định quay về, lúc đi vội vàng chưa kịp xin phép tòa soạn, giờ đang là lúc quan trọng để chọn ra phó chủ biên. Phó Hinh Doãn cũng trấn an cô:

- Chị, chị mau về đi làm đi, ở đây còn có em. Chị yên tâm đi, em không để bác gái phải vất vả đâu, chắc chắn em sẽ chăm sóc Quân Quân thật tốt.

Lúc chuẩn bị ra cửa, Hy Lôi còn thì thầm vào tai Quân Quân:

- Dưỡng thương cẩn thận nhé, chuyện của chị đừng nói với bố mẹ, chị sẽ tự giải quyết, không muốn để bố mẹ lo lắng! - Quân Quân hiểu ý chị, gật đầu.

Bố đưa Hy Lôi ra bến xe, ăn năn nói:

- Đều tại bố mẹ vô dụng, cả đời nghèo khó, cũng chẳng để dành được bao nhiêu tiền cho con cái, tiền của con cứ cho bố mẹ mượn tạm. Yên tâm đi, nhà mình vẫn còn một ít cổ phiếu và tiền đầu tư, khi nào lấy ra được bố sẽ trả cho con.

Bố nói vậy ngược lại khiến Hy Lôi càng buồn hơn:

- Bố, con là con gái của bố, là chị của Quân Quân, nó xảy ra chuyện, con bỏ tiền ra cũng là lẽ thường tình! Sao bố lại nói thế?

- Được rồi, được rồi, bố không nói nữa, con mau đi đi, cứ xin nghỉ mãi cũng không được!

Lên xe, nhìn bố đứng trong gió vẫy tay chào mình, lưng ông đã không còn thẳng như trước, các nếp nhăn cũng đã nhiều hơn, không biết từ khi nào ông đã già đi rồi, nhưng còn mình thì mãi chỉ là một đứa trẻ không thể trưởng thành. Quay đầu đi, nước mắt lại lã chã tuôn rơi.

5.

Lại về tới căn nhà trọ đã thuê. Hy Lôi nhìn cảnh tượng hoang tàn của ngôi nhà, tự chế giễu mình, đúng là thế sự khó lường, cũng may mà chưa trả nhà cho chủ nhà, nếu không thì lại mất công tìm thuê nhà khác. Chăn gối trong căn nhà vẫn chưa mang đi, đồ đạc đã chuyển đi chỉ cần bảo Hứa Bân mang trả lại là được. Nhưng lòng tự trọng của cô đang tác quái, Hy Lôi không muốn chủ động gọi điện thoại cho anh ta.

Buổi tối bật đệm sưởi lên, kéo chăn ngang người rồi vùi đầu vào ngủ. Trước mắt chỉ có một con đường có thể đi, ly hôn, tuyệt đối không còn đường quay lại nữa. Mệt quá rồi. Đúng lúc đó thì màn hình điện thoại nhấp nháy, là tin nhắn của Hứa Bân: “Quân Quân thế nào rồi? Em về chưa? Chúng ta nói chuyện!”.

Xem ra anh ta đã bình tĩnh lại. Hy Lôi nhớ lại một câu thơ cổ: “Tình sâu tình nhạt cũng nghĩa phu thê”. Mối quan hệ vợ chồng thật là kỳ diệu, lúc tốt thì cùng chung hoạn nạn, sống chết bên nhau, như keo với sơn, khi đã trở mặt thì giống như đi trên hai con đường xa lạ, thậm chí trở thành kẻ thù. Cô nhắn tin lại cho anh: “Quân Quân không sao, cảm ơn anh quan tâm. Chúng ta ly hôn, chiều mai nhờ anh mang đồ của tôi qua đây”.

Sau đó cô tắt máy. Cô chẳng muốn nghĩ gì vào lúc này, mọi chuyện chờ ngủ dậy rồi tính.

Hôm sau vừa đến cơ quan, không ngờ lại chịu thêm một đả kích mới, trong cuộc họp thường lệ, Tổng biên tập cuối cùng cũng tuyên bố danh sách phó chủ biên kế nhiệm, giây phút mà ông chuẩn bị tuyên bố, trái tim Hy Lôi như đang treo lơ lửng trên cổ họng, rồi lại len lén đưa tay lên xoa ngực. Cái tên cuối cùng được công bố chính là Tiểu Lộc. Bên dưới vang lên tiếng xì xào bàn tán, rất nhỏ, rất nhẹ.

Không ai ngờ là Tiểu Lộc, trường cô tốt nghiệp không phải trường giỏi, thái độ làm việc không nghiêm túc, thường xuyên xảy ra sai sót, đề tài và chuyên mục cô chọn hàng tuần cũng không thực sự nổi trội, tóm lại, không nên là cô.

Hy Lôi đã qua cái tuổi nhận được sự đãi ngộ không công bằng là lao đến văn phòng của giáo viên hoặc cấp trên để lý luận, cô hiểu rằng mình phải nhẫn nhịn. Mọi người đều làm ra vẻ không có chuyện gì, ra sức chúc mừng, khen ngợi Tiểu Lộc, lấy lòng cô, nhưng trong đó vẫn có mùi vị của sự ghen tức:

- Phó chủ biên, thăng chức rồi, phải mời mọi người đấy nhé!

Tiểu Lộc luôn miệng đáp lời:

- Chắc chắn rồi, chắc chắn rồi.

Tan giờ làm, Tiểu Lộc lại gần Hy Lôi, cười ngượng ngùng:

- Tớ cũng không ngờ lại là mình. Hy Lôi, sau này bọn mình vẫn là bạn, đúng không?

Hy Lôi mỉm cười tươi tắn, cố gắng để mình trông có vẻ bình tĩnh và bất cần:

- Đương nhiên rồi, chúc mừng cậu.

Tiểu Lộc còn mời Hy Lôi đi ăn, nhưng Hy Lôi kiếm cớ là chiều nay có việc nên từ chối. Trong thang máy, gặp mấy đồng nghiệp khác, họ đều tỏ ra bất bình thay cho Hy Lôi.

A nói:

- Bọn em kinh nghiệm ít, năng lực kém thì không nói, nhưng có ai mà không nói cái ghế đó chắc chắn thuộc về chị chứ!

B nói:

- Đúng đấy! Là bạn của chị mà sau lưng lại đâm chị một dao. Nghe nói là cái lão người tình của chị ta quen biết với Tổng biên tập, đôi bên còn có quan hệ lợi ích gì đó, lão người tình đó trước mặt Tổng biên tập nhắc tới chị ta, thế là chuyện này thành công rồi.

C nói:

- Bọn em chẳng được mặt dày để tìm một ông già làm người tình, nếu không thì giờ em cũng làm Tổng biên tập rồi.

Hy Lôi đã vô cùng buồn bực:

- Thôi bỏ đi, đều là người có văn hóa, sao nói năng như mấy bà ở chợ vậy. Đừng nói nữa.

Về tới nhà, vừa bước vào cửa, nước mắt không nhịn được đã rơi ra. Cô khát khao giây phút này có một người nào đó kéo tay cô và nói:

- Đi nào, Hy Lôi, cuộc sống mà em muốn anh sẽ cho em. Bờ vai mà em cần, em cũng có thể dựa.

Công việc quái quỷ gì thế này! Nhưng không có người này thì mọi thứ đều phải tự mình đối mặt. Bản thân cô đã làm việc vô cùng chăm chỉ và giỏi giang, ra sức biểu hiện mà lại không bằng một Tiểu Lộc tầm thường nói ngon ngọt vài câu trước mặt người tình. Quy tắc ngầm là thế, không nơi nào không tồn tại, và bản thân mình cũng sẽ bị cuốn vào những quy tắc ngầm như thế cho dù không mong muốn.

Cảm giác chua xót và tủi thân theo những dòng nước mắt trào ra ngoài.

Vang lên tiếng gõ cửa khe khẽ, sau đó là tiếng mở khóa. Hy Lôi ngước đôi mắt sũng nước lên, Hứa Bân đang đứng ở cửa, dưới đất cạnh chân anh là những món đồ đã chuyển đi ngày hôm đó.

Hứa Bân mang đồ tới.

Anh đặt chìa khóa trên bàn trà, đặt quần áo, sách vở vào trong phòng, im lặng mấy phút rồi hỏi:

- Em trai em không sao chứ?

- Đừng giả bộ nữa! Không sao! Dưỡng thương vài tháng là khỏe.

- Chuyện đó... chìa khóa anh để đây. - Hy Lôi nhìn chùm chìa khóa lạnh lẽo, ý của anh ta là muốn nói, sau này sẽ không tới đây nữa, sẽ chia tay, được, như thế cũng tốt, mọi người đều quyết định chia tay, đôi bên ly hôn không có điều gì mâu thuẫn, đỡ tốn công sức.

Hứa Bân đi về phía cửa mấy bước, bỗng dưng dừng lại, quay người lại, ngồi xuống bên cạnh Hy Lôi, ôm chầm lấy cô, nghẹn ngào nói:

- Chúng ta không ly hôn được không, vừa nãy anh bước vào cửa, nhìn em một mình ngồi khóc, trong lòng anh đau lắm, Hy Lôi, anh xin lỗi, xin lỗi!

Cô đẩy anh ra, bật cười thê lương:

- Tôi khóc không phải vì anh mà là vì chuyện khác. Anh đừng có tưởng bở nữa, anh không quan trọng như thế đâu, chưa đủ để làm tôi gục ngã đâu. - Càng vào những lúc như thế này thì Hy Lôi càng ngụy trang mình thành người kiên cường và lạnh lùng.

Tiếng bước chân của Hứa Bân biến mất nơi cuối hành lang. Cô biết, sau này tiếng bước chân này sẽ không bao giờ còn vang lên nữa.

Đứng lên, rửa mặt, rồi cô lại mệt mỏi nằm vật ra giường, cô đã không còn chút sức lực nào để thu dọn nhà cửa nữa rồi. Cô nhắm mắt lại, an ủi bản thân, ngủ đi, ngủ đi là sẽ ổn. Ly hôn chẳng qua chỉ là chia tay với một tình yêu thôi mà! Thất tình cũng chỉ giống như bị cảm cúm mà thôi! Cảm cúm rồi sẽ khỏi.



Bình luận
Sắp xếp
    Loading...