Sáp Huyết
Chương 11: Ám lưu
Đang lúc suy nghĩ miên man thì La Sùng Huân đi tới. Hắn cất giọng the thé:
- Quách Tuân, ngài đã đến rồi.
Quách Tuân mỉm cười hỏi:
- Không biết Cung Phụng đại nhân có điều gì dặn dò?
La Sùng Huân nhìn Quách Tuân từ trên xuống dưới đoạn nói:
- Nghe đâu ngài hiện giờ được xem là đệ nhất cao thủ cấm quân ở Biện Kinh. Không biết là thật hay giả?
Quách Tuân không tự ti cũng không kiêu ngạo nói:
- Danh xưng đệ nhất cao thủ, tại hạ nào dám đảm đương? Cung Phụng đại nhân nói đùa rồi.
- Khoảng hai mươi năm trước, ngài chỉ là một tên thị vệ tầm thường trong cung.
La Sùng Huân tán thán.
- Thoáng cái đã qua nhiều năm như vậy. Ngự tiền thị vệ của tiên đế còn lại không được bao nhiêu. Võ nghệ như ngài mà chỉ làm Điện tiền chỉ huy sứ, đúng là nhân tài không được trọng dụng. Nếu như...
La Sùng Huân giả vờ trầm ngâm. Hắn lia mắt nhìn Quách Tuân rồi mỉm cười yên lặng chờ Quách Tuân dò hỏi.
Quả nhiên Quách Tuân hỏi:
- Nếu như cái gì?
La Sùng Huân thản nhiên nói:
- Nếu như ngài có thể giúp Thái Hậu làm chút chuyện, cho dù là thống lĩnh lưỡng sương hay làm quan trong Tam Nha cũng dễ như trở bàn tay.
Quách Tuân cười nói:
- Với chút năng lực này của hạ quan. Nếu vào Tam Nha có lẽ sẽ bị người ta cười đến rụng răng mất.
Đáp xong, gã lái câu chuyện sang hướng khác:
- Không biết Thái Hậu triệu hạ quan đến đây là có điều gì phân phó?
Gã thầm nhủ: “Không biết La Sùng Huân lấy lòng là ý của Thái Hậu hay là ý của riêng hắn? Nếu là ý của hắn thì phải đề phòng hắn đâm lén một đao. Nếu là ý của Thái Hậu thì có thể thấy Thái Hậu đang lôi kéo nhân thủ. Chẳng lẽ Thái hậu thật sự không muốn nhường ngôi cho thiên tử sao?”
La Sùng Huân lắc đầu, trong mắt thoáng hiện vẻ giận dữ. Hắn thầm nghĩ, “Tên Quách Tuân này thật không biết điều”.
Lúc này, từ phía trong cung có một thái giám vội vàng chạy tới hỏi:
- Cung Phụng đại nhân, Thái Hậu thúc hỏi, Quách Tuân khi nào mới tới?
La Sùng Huân cất giọng the thé đáp:
- Gấp cái gì, không thấy đang tới sao?
Tiếp đó hắn uốn éo cái mông đi trước dẫn đường. Khi vào đến cung Trường Xuân, La Sùng Huân bước tới phòng, quỳ xuống trước rèm châu, kính cẩn nói:
- Khởi bẩm Thái Hậu, tiểu nhân đã đưa Quách Tuân đến.
Quách Tuân quỳ một chân trên mặt đất nói:
- Thần, Điện tiền chỉ huy sứ Quách Tuân, khấu kiến Thái Hậu.
- Đứng lên đi.
Giọng nói sau rèm có chút khàn khàn nhưng vẫn lộ vẻ uy nghiêm.
Quách Tuân chậm rãi đứng dậy, cũng không hỏi tiếp nữa. Dẫu sao đã đến đây rồi, Thái Hậu cuối cùng cũng phải nói ra dụng ý. Ở sau rèm, Lưu thái hậu trầm mặc một lát mới nhẹ giọng nói:
- Quách Tuân, từ lúc tiên đế băng hà đến nay, ta rất ít khi gặp ngươi. Mấy năm qua, ngươi bận rộn ngược xuôi, vì nước tận lực, đã khổ cực nhiều.
Quách Tuân trả lời:
- Đây là bổn phận của thần. Thái Hậu tất bật với chính sự mới thật vất vả.
Lưu thái hậu đột nhiên thở dài:
- Ta đúng là mệt mỏi, nhưng thiên tử vẫn còn chưa hiểu chuyện. Than ôi.
Quách Tuân nghĩ không thấu tâm tư của Lưu thái hậu, dè dặt nói:
- Nhưng dù sao thái tử cũng đã có thể xử lý chính sự, Thái Hậu nếu muốn rèn luyện cho Hoàng thượng thì bây giờ vừa đúng lúc.
Lưu thái hậu trầm mặc hồi lâu rồi nói tiếp:
- Cổ Tư La phái thủ hạ đến Biện Kinh, hắn ta tên là Bất Không.
Nghe vậy, Quách Tuân thầm nghĩ: “Tên Phiên tăng vừa mới gặp trên đường quả nhiên là Bất Không! Thái Hậu rốt cuộc vẫn không chịu bàn đến việc trao trả triều chính cho thiên tử.”
Lưu thái hậu lại nói:
- Hiện nay Tây Bình vương Triệu Đức Minh(4) đã tới lúc xế chiều. Song Triệu Nguyên Hạo(5) dã tâm bừng bừng. Hắn gần đây làm không ít chuyện lớn, đã trở thành tai họa ngầm của triều đình. Trước đoạn thời gian, Triệu Nguyên Hạo tuyên chiến với Thổ Phiên, giằng co với Cổ Tư La không dứt...
Quách Tuân biết Tây Bình vương Triệu Đức Minh, hơn nữa còn nghe qua con của y là Triệu Nguyên Hạo. Lúc nghe đến ba chữ Triệu Nguyên Hạo, Quách Tuân thốt nhiên trở nên nghiêm nghị nói:
- Khi Tào Vĩ tướng quân còn tại thế đã có nói dã tâm của Nguyên Hạo rất lớn. Bây giờ Nguyên Hạo đánh nhau với Cổ Tư La chính là việc may của Đại Tống ta.
Trong đầu gã lại nghĩ: “Chuyện này có quan hệ đến chuyện Bất Không đến Biện Kinh sao?”
Mấy phần thiên hạ ngày nay, trừ Đại Liêu ở phía bắc khống chế mười sáu châu vùng Yến - Vân(6) nên có thế lực ngang bằng với Đại Tống ra, biên thuỳ phía Tây Bắc nhiều lần xảy ra chiến sự, đã trở thành tai họa ngầm từ lâu. Năm đó, sau khi Tống Thái Tổ lập quốc, vì cầu thống nhất giang sơn, để tránh dây dưa với quá nhiều cường địch nên dùng chiến lược "trước Nam sau Bắc". Thái Tổ cắt đất, phong vương cho thủ lĩnh tộc Đảng Hạng là Lý Di Hưng (con cháu của Thác Bạt Tư Cung ) làm Tây Bình vương, địa vị cắt cứ Định Nam quân Tiết Độ Sứ, để đổi lấy sự thần phục của hắn. Trước đây vào thời nhà Đường, Thác Bạt Tư Cung có công bình định phản loạn, con cháu được ban cho họ Lý, về sau quy thuận Đại Tống, lại được ban thưởng họ Triệu.
Hai mươi năm đầu nhà Tống, Đại Tống vì thống nhất đại nghiệp nên nâng đỡ tộc Đảng Hạng ở Hạ Châu để kiềm chế Bắc Hán. Kết quả, sau khi Bắc Hán diệt vong, tộc Đảng Hạng ở Hạ Châu đã đủ lông đủ cánh, từ đó trở thành tai họa ngầm của nhà Tống. Tộc Đảng Hạng sau khi trải qua sự lãnh đạo của Lý Quang Duệ, Lý Kế Quân thì đến lượt Lý Kế Phủng nắm quyền. Nhưng vì Lý Kế Phủng không đủ năng lực nên tộc Đảng Hạng rơi vào nguy cơ bị triều Tống thu phục. Vào thời điềm đó, tộc đệ của Lý Kế Phủng là Lý Kế Thiên đột nhiên nổi dậy dẫn dắt tộc Đảng Hạng xông pha đánh về Mạc Bắc xây dựng cơ sở tiếp tục kháng cự Đại Tống. Trải qua con của Lý Kế Thiên là Lý Đức Minh không ngừng hao tâm tổn sức, thế lực của tộc Đảng Hạng càng thêm mở rộng. Đến lúc con trai của Lý Đức Minh là Nguyên Hạo yên vị, hắn càng biểu hiện ra dã tâm bừng bừng.
Những năm gần đây, tuy Đức Minh đã già nhưng Nguyên Hạo lại bắt đầu tiến hành chinh phạt bốn phương, thỉnh thoảng còn khơi mào tranh chấp ở biên cương Tây Bắc của Đại Tống, trở thành 'kho bom sát vách' của Đại Tống. Nhưng hiển nhiên Lưu thái hậu vẫn không coi trọng hai cha con họ, khi nhắc đến cha con họ Triệu này thì trong giọng điệu tràn đầy sự khinh miệt. Nói nôm na là Lưu Thái hậu cho rằng cha con Đức Minh chỉ là tôi tớ được Đại Tống ban cho họ mà thôi.
Trầm mặc một lát, Lưu thái hậu lại nói tiếp:
- Cổ Tư La mặc dù tạm thời có thể chống lại Nguyên Hạo, nhưng cảm thấy nhuệ khí của Nguyên Hạo đang hừng hực nên mới muốn đầu nhập vào triều ta, hy vọng Đại Tống ta có thể xuất binh giáp công Nguyên Hạo. Hắn nói nếu có thể đánh bại Nguyên Hạo thì chỉ mong triều đình phong thưởng Qua Châu và Sa Châu. Không biết ngươi nhìn nhận vấn đề này ra sao?
Lưu thái hậu ngoài miệng thì hỏi ý kiến, nhưng trong lòng thì cảm thấy khó hiểu, ‘thổ nhưỡng Qua Châu và Sa Châu cằn cỗi, dân cư thưa thớt, Cổ Tư La vì sao chỉ muốn hai nơi này?’
Quách Tuân cẩn thận đáp:
- Thần chỉ là Điện tiền chỉ huy sứ, không dám thảo luận bừa chuyện chính sự. Chuyện này đã có Lưỡng Phủ định đoạt.
Lưu thái hậu ở phía sau rèm nói:
- Tể tướng, tham chính còn có Xu Mật sứ đều nói triều đình không nên xuất binh giáp công Nguyên Hạo, cứ để cho bọn chúng tàn sát lẫn nhau. Triều ta có thể ngư ông đắc lợi.
Quách Tuân tự hỏi: ‘Vậy bà còn hỏi tôi làm gì?’ Nhưng biết Thái Hậu tìm mình đến đây, nhất định là còn có nguyên do khác, nên nói bồi thêm:
- Lưỡng Phủ nói thế, tất có đạo lý.
Lưu thái hậu hồi lâu sau mới nói:
- Nhưng nếu không xuất binh mà muốn Cổ Tư La dốc sức, chỉ bằng vào ban thưởng phong hầu thì e rằng vẫn chưa đủ.
Quách Tuân cau mày hỏi:
- Lẽ nào...bọn chúng còn có yêu cầu khác sao?
Lưu thái hậu chậm rãi nói:
- Ngươi vừa đoán đã trúng, bọn chúng còn muốn ------ Ngũ Long!
Thân hình Quách Tuân chấn động, sắc mặt biến hóa.
- Bọn chúng muốn Ngũ Long để làm gì?
Khoảnh khắc này, ánh mắt gã cực kỳ quái dị, tựa như hồi ức lại tựa như kinh sợ, còn mang theo nghi hoặc khôn cùng.
Lưu thái hậu lẩm bẩm nói:
- Ta cũng rất muốn biết bọn chúng muốn Ngũ Long để làm gì. Những Ngự tiền thị vệ của tiên đế biết Ngũ Long chỉ còn mình ngươi. Vì vậy, khi Bất Không đến đây, ngươi có thể ở một bên nghe xem. Biết đâu có thể nghe ngóng được chút manh mối.
Thoáng trầm ngâm, đoạn Lưu thái hậu hô:
- Triệu Bất Không vào cung.
Lần này đến đây, những tên Lạt Ma khiêng kiệu cho Bất Không đều bị chặn lại ở ngoài cung. Quách Tuân đứng ở bên cạnh rèm châu, thấy Bất Không chầm chậm đi tới, chẳng biết tại sao, tim cứ đập thình thịch. Bất Không đầu to thân gầy, giống như củ cải bị bứng khỏi đất trồng. Củ cải này rõ ràng đứng không vững, thoạt nhìn Bất Không cũng trôi nổi bồng bềnh như vậy. Quách Tuân có cảm giác rất kỳ lạ, như thể người này đang lơ lững giữa không trung.
Hai tay Bất Không kết thành ấn ký kỳ quái, đôi môi mấp máy nhưng không phát ra thanh âm gì. Khi đến gần rèm châu, hắn mới khom người thi lễ:
- Phật tử sứ giả Bất Không bái kiến Thái Hậu.
Cổ Tư La là phiên âm theo tiếng Thổ Phiên. Trung Nguyên thì gọi là Phật tử, ngụ ý là Phật thể chuyển thế.
Quách Tuân như hữu ý lại như vô ý đứng ngăn cách ở giữa Bất Không và Thái Hậu. Dù biết rõ chuyện trọng yếu lần này là thăm dò bí mật của Ngũ Long, nhưng cũng phải bảo vệ Thái Hậu. Tên Bất Không này chẳng những thần bí mà còn là cao thủ, gã không thể không đề phòng.
Quách Tuân hiểu biết sâu rộng. Gã biết Mật Tông có Tam Mật(7) là Thân, Khẩu, Ý. Vào đầu thời Đường, đại sĩ Liên Hoa Sanh(8) từ Bắc Ấn Độ vào Tây Tạng, truyền thụ Phật pháp Mật Tông, cao thủ Tạng Biên Mật Tông thì cực kỳ thần bí.
Muốn nói tỉ mỉ về Tam Mật, chỉ sợ nói hơn mấy tháng cũng chưa xong. Nhưng nói đơn giản thì thủ ấn "Thân" mật là một loại phương pháp tu trì, chân ngôn có thể xem là "Khẩu" mật, mà "Ý" mật là một loại lực ý chí. Cao thủ Tạng Mật đều tin rằng lấy tay kết ấn, miệng niệm chân ngôn, tu luyện lực ý chí là có thể kết nối với thần, nhận được thần lực.
Nhưng đa số người đều nửa tín nửa nghi với điều đó, thậm chí còn cho rằng đây là chuyện tầm xàm. Nếu không phải khi còn trẻ Quách Tuân đã gặp phải chuyện vô cùng thần bí thì cũng sẽ không tin Tam Mật của Mật Tông. Nhưng hiện giờ gã thà tin còn hơn không.
Tên Bất Không trước mặt này có thần trợ giúp hay không, Quách Tuân không dám khẳng định. Nhưng Quách Tuân thấy hai con ngươi hắn tràn đầy thần quang giống như có ma lực, vả lại cơ bắp Bất Không như sắt, Quách Tuân thật không dám có chút lơ là nào.
Lưu thái hậu cũng đang quan sát Bất Không, hồi lâu mới nói:
- Không cần đa lễ.
Chẳng những cơ bắp như sắt, mà giọng nói của Bất Không cũng sắc bén chói tai y như hai cái bạt sắt vỗ vào nhau.
- Phật tử thật lòng muốn kết thân với Đại Tống, khẩn cầu triều đình Đại Tống xuất binh cùng đánh Nguyên Hạo. Thái Hậu nói mấy ngày nữa sẽ có câu trả lời thuyết phục, hôm nay triệu thần vào cung, phải chăng đã có đáp án?
Hắn vừa vô ý vừa hữu ý liếc nhìn Quách Tuân, trong mắt hiện lên hào quang quỷ dị.
Lưu thái hậu chậm rãi đáp:
- Phật tử thật lòng muốn kết thân với Đại Tống, đây là việc may của thiên hạ. Ta đã nói với Lưỡng Phủ, quyết định phong cho Phật tử làm Ninh Viễn đại tướng quân, Ái Châu đoàn luyện sứ, Mạc Xuyên đại thủ lĩnh. Qua ít ngày nữa, Đại Tống còn chuẩn bị phát triển giao dịch trà ngựa với các ngươi, không biết ý của ngươi ra sao?
Bất Không thẳng thắn hỏi:
- Vậy còn chuyện xuất binh thì sao?
Lưu thái hậu lạnh nhạt nói:
- Phật tử muốn kết thân với Đại Tống, Triệu Đức Minh cũng muốn như thế. Ta không thể coi trọng bên này mà xem nhẹ bên kia. Qua vài ngày nữa ta sẽ viết một lá thư khuyên hắn bãi binh là được. Mà dù cho Triệu Nguyên Hạo không bãi binh, lấy thực lực của Phật tử, muốn đánh bại hắn cũng không phải là chuyện khó khăn gì.
Chỉ mấy câu này thôi mà bà ta đã dễ dàng hóa giải đòi hỏi của Bất Không, ngay cả Quách Tuân cũng có chút bội phục.
Hào quang trong mắt Bất Không thoáng hiện rồi biến mất. Hai tay hắn kết ấn nói:
- Vậy chuyện Ngũ Long thì sao?
Phía sau rèm, giọng nói của Lưu thái hậu có chút âm trầm:
- Ta muốn hỏi một câu, các ngươi làm sao biết Ngũ Long ở trong tay ta?
Bất Không mỉm cười.
- Trí tuệ của Phật tử có thể thông thần, từ lâu đã biết vật này nằm trong tay Thái Hậu. Thật ra thì viên Ngũ Long này vốn là vật của Phật tử, hoàng đế Chân Tông chỉ mượn tạm, bây giờ dùng đã nhiều năm rồi, cũng nên sớm trả lại?
Ngũ Long này cực kỳ thần bí. Lưu thái hậu không biết nhiều, giờ nghe Bất Không nói như thế thì trong lúc nhất thời không biết nên trả lời thế nào. Song bà ta thầm nghĩ, ‘bọn chúng yêu cầu Ngũ Long, chẳng lẽ...người hủy tượng phật không phải là bọn chúng sao? Nhưng trừ những tên Lạt Ma này ra, còn có ai cũng muốn đánh cắp Ngũ Long chứ?’
Quách Tuân đột nhiên nói:
- Tiên đế đã băng hà gần mười năm rồi.
Bất Không nói:
- Vị này là Điện tiền thị vệ Quách đại nhân Quách Tuân của Chân Tông năm đó sao?
Thấy Quách Tuân gật đầu, Bất Không nói:
- Chân Tông mặc dù đã khuất, nhưng vật mượn cũng nên trả lại, chẳng lẽ không đúng sao?
Quách Tuân hờ hững đáp:
- Vật mượn đương nhiên phải trả, nhưng nếu không phải mượn thì đương nhiên không cần phải trả lại. Tiên đế giữ Ngũ Long mười năm, băng hà gần mười năm, ta biết Phật tử bây giờ cũng chỉ khoảng ba mươi. Lẽ nào tiên đế lại đi mượn đồ của một đứa trẻ mới hơn mười tuổi thôi sao?
Bất Không mỉm cười đáp:
- Chuyện này vô cùng huyền diệu, khó mà nói chi tiết được. Nhưng ta nghĩ rằng dù cho Thái Hậu có vật này, chắc hẳn cũng không biết tác dụng của nó.
- Lẽ nào ngươi biết sao? Nếu không ngại, ngươi nói ra nghe xem. Nếu Thái Hậu thấy các ngươi thật sự cần dùng gấp, nói không chừng sẽ cho các ngươi mượn Ngũ Long một thời gian.
Quách Tuân ra vẻ thoải mái nói.
Ánh mắt Bất Không chợt lóe sáng, lát sau mới nói:
- Đó là vật của Thần. Phật tử sử dụng để kết nối với trời.
Lưu thái hậu không nhịn được quát:
- Nói bậy nói bạ!
Thái độ của bà ta uy nghiêm, giọng nói vốn luôn ôn hòa nhưng chẳng biết tại sao bây giờ lại đột nhiên giận dữ.
Bất Không thở dài nói:
- Nếu Thái Hậu không tin, thì cứ coi Ngũ Long vô dụng đi. Vậy thì hãy thương tình mà ban nó cho Phật tử chúng ta. Không biết ý của Thái Hậu ra sao?
Lưu thái hậu thoáng chút ngạc nhiên, bà ta không ngờ rằng Bất Không lại cung kính đến thế. Lần này Cổ Tư La đặc ý phái Bất Không đến đây muốn lấy Ngũ Long mà biểu hiện thì vừa cứng vừa mềm, xưa nay bà ta rất cơ mưu liền xác định trong đó tất có kỳ quái. Mặc dù không biết công dụng của Ngũ Long, nhưng bà ta nhất định không thể đưa cho bọn chúng! Năm đó tên ma quỷ kia từng nói, ở bên trong Ngũ Long có một bí mật rất lớn, ‘được nó được thiên...’ song hắn chưa nói hết câu thì đã chết rồi. Chẳng lẽ ý hắn là ‘được nó được thiên hạ’ sao? Nếu đúng là như vậy thì không thể để quả cầu đó lưu lạc bên ngoài. Còn nếu như hắn định nói ‘được nó được thiên thần tương kiến’(gặp được thần tiên) thì sao chứ? Vậy đúng là gặp quỷ rồi. Nghe nói Phật tử Cổ Tư La rất cơ trí, hắn khao khát Ngũ Long đến thế, nhất định là có bí mật kinh thiên ẩn giấu trong đó.
Tên ma quỷ trong suy nghĩ của Lưu thái hậu tất nhiên là Chân Tông Triệu Hằng đã băng hà. Đến bây giờ bà ta vẫn còn hận Triệu Hằng, mà vì sao lại hận thì chỉ có chính bà ta mới biết được!
Song phụ nữ đều như thế cả, thứ mà người ta càng muốn đoạt được thì họ lại càng muốn. Còn ngược lại thì họ cũng không muốn! Lưu thái hậu cũng là phụ nữ nên thái độ không khác gì. Trước đây đối với bà ta, Ngũ Long không quan trọng lắm, có cũng được mà không có cũng chẳng sao. Nhưng từ khi Ngũ Long bị trộm, bà ta liền cảm thấy không ổn, từ đó mới căn dặn Diệp Tri Thu tận lực tìm kiếm tung tích của Ngũ Long. Lần này thấy Bất Không cũng có hứng thú với Ngũ Long, bà ta càng thêm tò mò.
Nhưng hiện giờ Lưu thái hậu không giữ Ngũ Long nên không có cách nào ban cho. Bà ta trầm ngâm một lát rồi nhìn Quách Tuân hỏi:
- Quách khanh gia, ý của khanh thế nào?
Quách Tuân hiểu ý nghĩ của Thái Hậu, đột nhiên quay qua Bất Không nói:
- Sáng nay ta ăn cơm, còn thừa lại nửa bát.
Lưu thái hậu ngẩn ngơ, Bất Không cũng ngạc nhiên buột miệng hỏi:
- Vậy thì sao nào?
Quách Tuân chậm rãi nói:
- Cơm đặt trên bàn, ta không ăn không có nghĩa là ngươi có thể ăn. Muốn ăn nhiều hay ăn ít thì phải xem bản lãnh của ngươi!
Cung Trường Xuân bỗng dưng chìm trong nặng nề tĩnh lặng.
Hào quang trong mắt Bất Không lóe lên, hắn lạnh nhạt nói:
- Hóa ra Quách thị vệ muốn xem bản lãnh của tại hạ.
Nói xong, hắn chậm rãi bước tới gần Quách Tuân. Quách Tuân cũng bước lên phía trước một bước, khóe miệng nở nụ cười:
- Không dám.
Khoảng cách giữa hai người chỉ khoảng một trượng, lúc này không ai động chân nửa bước. Không khí trong cung Trường Xuân vốn ôn hoà như xuân đột nhiên trở nên lạnh lẽo như băng.
Lưu thái hậu rùng mình, vừa định gọi thị vệ vào cung hộ giá, đánh đuổi Bất Không ra ngoài, nhưng nghĩ lại nên thôi, bỏ đi ý định này. Bà ta biết Quách Tuân từ trước tới nay luôn thận trọng, giờ muốn ra tay thì nhất định là có lý do. Vả lại bà ta biết trước đây Quách Tuân là Ngự tiền thị vệ bên cạnh Triệu Hằng, võ công rất cao cường nên bà ta đặt niềm tin vào Quách Tuân.
Thế nhưng Quách Tuân vẫn không ra tay, chỉ nhìn Bất Không chằm chằm. Từ lúc Bất Không vào cung, hai tay không ngừng kết ấn, vào thời khắc này cả người hắn như bị đóng băng, không động đậy chút nào. Song môi hắn lại không ngừng mấp máy giống như đang niệm cái gì đó.
Thật lâu sau, hai người vẫn đứng bất động, bốn mắt nhìn nhau như đao kiếm giao nhau, ẩn chứa đốm lửa. Thái Hậu nhìn qua rèm châu, trong đầu đột nhiên có chút mê man. Bà ta giật mình kinh hãi, tay vung ra hất chén trà rơi xuống đất, "choang" một tiếng vỡ tan tành. Tiếng vang này phá vỡ bầu không khí ngưng trọng giữa Quách Tuân và Bất Không. Quách Tuân chậm rãi lui về phía sau một bước, lạnh nhạt nói: "Xem ra chén cơm này, cũng không dễ ăn."
Khóe miệng Bất Không khẽ nở nụ cười, tiếp lời:
- Vậy lần sau ta nếu đến, nhất định sẽ đòi nữa.
Hắn bỗng xoay người sải bước rời đi, không thèm hỏi đến chuyện Ngũ Long nữa.
Lưu thái hậu ngạc nhiên hỏi:
- Quách Tuân, xảy ra chuyện gì?
Mắt Quách Tuân lộ ra vẻ suy tư trả lời:
- Thái Hậu cứ yên tâm, hắn sẽ không đòi hỏi Ngũ Long nữa đâu. Về việc tìm bí mật của Ngũ Long, thần sẽ làm tận lực.
Lưu thái hậu cảm thấy có chút mệt mỏi, khoát tay nói:
- Được rồi, việc này giao cho ngươi xử lý. Nếu có tin tức thì lập tức bẩm báo cho ta.
Bất Không mỉm cười sải bước ra khỏi cung Trường Xuân. Mọi người đều biết đây là sứ giả của Thổ Phiên nên không ai dám cản trở. Khi Bất Không ra khỏi hoàng cung thì kiệu đã chờ sẵn. Những Lạt Ma đứng đó kính cẩn lễ phép giống như thấy thần tiên vậy. Xung quanh không có ai khác, chỉ còn lại gió đao tuyết kiếm. Một cơn gió lạnh thổi qua, nụ cười trên mặt Bất Không chợt tắt. Sau một tiếng “oa”, hắn ụa ra một ngụm máu tươi.
Màu máu đỏ tươi, như hoa mai nở rộ. Cả đám Lạt Ma hoảng sợ, cùng hô lên: "Đại sư..."
Bất Không khoát khoát tay rồi bước lên kiệu. Hai mắt nhắm nghiền, hắn vô cùng mệt mỏi lẩm bẩm nói:
- Hay cho một tên Quách Tuân, không ngờ lại có bản lĩnh như vậy, lẽ nào?
Khóe miệng hắn thoáng nở nụ cười như có như không,
… nhưng kể từ bây giờ về sau... ngươi đừng có mong nghĩ đến thái bình nữa.
Địch Thanh quay về Quách phủ thì sắc trời đã tối. Hắn thất tha thất thểu quanh quẩn trên đường cổ Biện Kinh, người như ở trên mây. Hắn cũng không biết tại sao mình không muốn quay về, có lẽ là cảm thấy còn có thể gặp lại nàng ấy lần nữa. Nhưng cho đến lúc đèn hoa đã thắp, hắn rốt cuộc vẫn không gặp được nàng.
Đẩy mở cổng chính Quách phủ, Địch Thanh thở nhẹ một hơi, đột nhiên sau lưng có cơn gió mạnh thổi tới, Địch Thanh cả kinh quát lên:
- Ai đó?
Hắn vừa định xoay người thì có một bàn tay đặt lên vai, một giọng nói trầm thấp vang lên:
- Là huynh!
Địch Thanh không cần quay đầu lại cũng biết đây chính là giọng nói của Quách Tuân, hắn vui mừng nói:
- Quách đại ca, huynh đã về rồi?
Vừa quay đầu nhìn lại, hắn thấy sắc mặt Quách Tuân trắng bệch, Địch Thanh sợ hãi hỏi:
- Huynh làm sao thế? Bị thương ư?
Quách Tuân khoát khoát tay đoạn bước chầm chậm về phòng, sau đó lấy vò rượu ra uống ừng ực mấy ngụm, lúc này mới lẩm bẩm nói:
- Thật là lợi hại.
Địch Thanh vẫn một mực đi theo bên cạnh Quách Tuân, nghe vậy vội hỏi:
- Quách đại ca, rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì? Huynh bị bệnh sao? Đệ đi tìm đại phu cho huynh!
Hắn vừa muốn xoay người liền bị Quách Tuân bắt lấy cổ tay.
- Huynh không sao. Hôm nay giao thủ với tên Phiên tăng kia.
Địch Thanh vô cùng kinh sợ.
- Huynh cũng không phải là đối thủ của gã ư?
Hắn thật không thể tin nổi, ngay cả năng lực của Quách Tuân mà cũng không thắng được tên Lạt Ma đó.
Quách Tuân trầm mặc một lúc.
- Ôi, khó nói lắm, nhưng hắn nhất định cũng không dễ chịu. Địch Thanh, tên Phiên tăng mà chúng ta nhìn thấy hôm nay tên là Bất Không, là một trong tam đại thần tăng dưới trướng của Thổ Phiên vương Cổ Tư La. Sau này đệ hãy cố mà tránh xa hắn.
Địch Thanh gật đầu nói:
- Quách đại ca, đệ nhớ kỹ rồi.
Trong lòng hắn thầm nhủ, ‘tên Phiên tăng này vì sao lại đối đầu với Quách đại ca? Quách đại ca bảo mình tránh xa gã, có lẽ là muốn tốt cho mình.’
Trong đầu Quách Tuân nghĩ đến Thiện Vô Úy, Kim Cương Trí, Bất Không chính là ba đại cao thủ thuộc hạ của Cổ Tư La. Chỉ mỗi tên Bất Không này mà đã có ý chí như vậy, không biết mấy tên còn lại thì sao đây? Cổ Tư La có phải càng thêm lợi hại hay không? Cao thủ Tạng Mật quả nhiên danh bất hư truyền.
Thì ra Quách Tuân dù chưa giao thủ với Bất Không nhưng so với đánh thật còn nguy hiểm hơn. Hai con ngươi của Bất Không như có một loại ma lực kì dị, quả thực có thể câu hồn đoạt phách. Gã dùng lực tinh thần từ hai con ngươi định khống chế Quách Tuân. Quách Tuân vốn đã nghe qua loại pháp môn này, hôm nay mới được nhìn thấy tận mắt. Ý chí của Quách Tuân từ lâu đã như sắt thép, lại thêm dày dạn trận mạc nên tuy biết rõ pháp môn của Bất Không nhưng vẫn ngưng thần đối kháng với Bất Không. Do đó Bất Không không thể khống chế được Quách Tuân, ngược lại lực tinh thần còn bị thương tổn. Gã địch không lại bèn rời đi, sau đó chịu không nổi phải phun ra một ngụm máu tươi. Tuy nhiên, Quách Tuân cũng cảm thấy tinh thần mệt mỏi đến nỗi ngay cả sức lực cũng không thể ngưng tụ được. Hắn thật sự hoảng sợ thần thông của kẻ này.
Thấy Địch Thanh rất quan tâm, Quách Tuân cười nói:
- Không có việc gì đâu. Đệ về nghỉ ngơi đi. Mấy ngày này huynh muốn tra một số chuyện, có thể sẽ ít gặp mặt đệ. Đúng rồi, bọn người Mã Quý Lương không phải là hạng người lương thiện đâu, đệ phải cẩn thận một chút.
Địch Thanh có chút lo lắng cho Quách Tuân, nghe vậy nói:
- Vâng, đệ hiểu!
Đợi Địch Thanh rời đi, Quách Tuân thở phào nhẹ nhõm, khuôn mặt dần dần có chút huyết sắc. Uống thêm vài chén rượu, gã nghĩ thầm: “Thái Hậu không biết bí mật của Ngũ Long nhưng Bất Không rõ ràng biết chút chuyện. Mình đánh bại Bất Không, hắn nhất định sẽ biết mình cũng có bí mật. Chính vì thế, có lẽ hắn sẽ tìm mình gây phiền phức... Quách Tuân khẽ thở dài, rút cây sáo từ trong ngực ra, nhìn ống sáo nói:
- Bất Không, ta sẽ chờ ngươi. Chuyện này đã khiến ta u sầu quá lâu rồi. Mai Tuyết, nàng cũng biết đấy, năm đó ta cũng là thân bất do kỷ(không thể tự làm chủ)? Nếu không tra ra chân tướng, ta thủy chung khó mà thoải mái được.
Sáo ngọc lành lạnh, dưới ánh đèn hiện ra lục quang, phản chiếu vào mặt Quách Tuân, thê lương như tuyết bay ngoài phòng...
Sáng sớm, sau khi Địch Thanh thức dậy, việc đầu tiên là đến vấn an Quách Tuân, nhưng lại phát hiện Quách Tuân đã đi khỏi. Địch Thanh nhớ tới sắc mặt của Quách Tuân vào tối hôm qua liền không khỏi lo lắng vội đi tìm Quách Quỳ để hỏi. Ai ngờ, nó thậm chí còn không biết Quách Tuân từng quay về.
Địch Thanh không biết làm sao, đành quyết định trước hết cần phải đi đến cấm quân doanh. Đám người Kiêu Vũ quân nhìn thấy Địch Thanh thì hoan hô liên hồi. Nhưng Triệu Luật lại sầm mặt xuống nói:
- Địch Thanh, ngươi chẳng những quậy phá gây nên rắc rối mà còn mạo danh phủ Khai Phong, Quách chỉ huy có lệnh, phạt ngươi ba tháng bổng lộc để cảnh cáo.
Mọi người thầm bất bình. Địch Thanh biết Quách Tuân làm vậy là muốn dàn xếp ổn thỏa nên yên lặng chấp nhận. Chịu thiệt có lúc chính là chiếm tiện nghi, Địch Thanh chịu thiệt thòi lần này, nếu có thể bảo vệ được tính mạng thì cũng coi như chiếm tiện nghi rồi. Mặc dù Triệu Luật ra vẻ lạnh nhạt nhưng vẫn phân công Địch Thanh chung tổ với Trương Ngọc và Lý Vũ Hanh.
Mấy ngày nữa chính là đại lễ tế tự, cấm quân trong kinh tất nhiên phải toàn lực cảnh giới. Ba người Địch Thanh được phái đến tuần tra khu vực gần sông Ngũ Trượng. Ba người cười cười nói nói đi đến phụ cận sông Ngũ Trượng. Thiên hạ thái bình vô sự đã mấy chục năm, triều đình nuôi nhiều cấm quân như vậy chỉ vì phòng ngừa vạn nhất, nói là tuần tra chứ thật ra thì cũng không có quá nhiều chuyện để làm. Mấy người tìm một chỗ khuất gió núp vào, ôm vai, co chân lại. Địch Thanh ngẩng đầu nhìn trời, thấy bóng chim giữa không trung bay lướt qua thì đột nhiên tới một chuyện, hỏi:
- Trương Ngọc, ngươi là người phương nam, vậy có từng nghe qua loài chim nào tên là Hồng Chủy Ngọc chưa?
Trương Ngọc nói:
- Đương nhiên là nghe qua rồi. Loài chim này rất đẹp, lúc ta còn nhỏ, còn bắt một con để nuôi. Có điều sau này ta lại thả nó đi.
- Sao vậy?
Địch Thanh khó hiểu hỏi.
Trương Ngọc buồn bã nói:
- Vì khi ta bắt nó nhốt trong lồng, có một con chim khác không sợ nguy hiểm, hàng ngày ở ngoài lồng thương xót hót than và không ngừng đâm vào lồng chim. Khi đó ta rất ngạc nhiên. Mẹ ta nói cho ta biết, loài chim này cực kỳ trọng tình, hai con chim mái và trống phần lớn thời gian đều như hình với bóng, cực kỳ hết lòng với nhau. Nếu một con bị bắt, con kia dù gặp ngàn vạn nguy nan đi chăng nữa cũng sẽ cố gắng tìm biện pháp đoàn tụ.
Lý Vũ Hanh tấm tắc nói:
- Như vậy thì chẳng phải loài chim này còn trung nghĩa hơn con người sao?
Trương Ngọc thở dài:
- Ôi, ai nói không phải chứ? Sau khi ta thả nó đi, cha ta qua đời. Chưa tới mấy năm sau, mẹ ta cũng đi nốt, ta nghĩ ... họ cũng giống như Hồng Chủy Ngọc.
Địch Thanh nghĩ đến mẫu thân của mình, trong lòng cũng không khỏi cảm thấy chua xót.
Tuyết đọng trên người Trương Ngọc khiến hắn run lẩy bẩy, thở dài một hơi nói:
- Đúng rồi, còn quên nói cho ngươi biết, vì Hồng Chủy Ngọc có tính cách này nên chúng ta đặt cho nó thêm một cái tên khác, gọi là chim tương tư.
Nói xong hắn vỗ vỗ tay, khẽ ngâm:
Bước vào lối ấy tình say.
Mới hay nổi đắng niềm cay ơi người.
Nhớ thương thương nhớ theo hoài.
Tương tư nổi ấy vắn dài nông sâu!
Lý Vũ Hanh ở bên cạnh nói:
- Trương Ngọc à, không ngờ tới cái thứ như ngươi, ngoại trừ đánh rắm ra, còn biết làm thơ con cóc nữa đó.
Trương Ngọc nói:
- Cấm quân không đáng sợ, chỉ sợ cấm quân nói nhảm. Đây là thơ Đường do đại thi nhân Lý Bạch sáng tác, vậy mà ngươi lại nói nó là thơ con cóc? Năm đó sau khi cha ta chết, mẹ ta lúc nào cũng đọc bài thơ này cho ta nghe, thế nên ta học thuộc được. Lúc đó chẳng hiểu nỗi khổ đó, bây giờ hiểu thì đã muộn.
Dứt lời khóe mắt nhòe lệ.
Địch Thanh nghe vậy thì nhớ tới đại ca thường nói: "Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, con muốn dưỡng mà cha mẹ không còn", mới hiểu được tâm tình của Trương Ngọc nên an ủi:
- Trương Ngọc, ngươi đừng buồn nữa, thực ra cha mẹ chỉ cần biết chúng ta đang sống rất tốt, họ đã cảm thấy hài lòng lắm rồi.
Lúc này tuyết lớn ngừng lại, ba người chìm trong trầm mặc, mỗi người đều có tâm sự.
Sau khi kết thúc công việc, Địch Thanh không lập tức trở về nhà mà đi đến nơi lúc trước nhặt diều, cái ngõ hẻm này gọi là ngõ Mạch Kiết.
Hoàng hôn tuyết lạnh, trong ngõ hẻm đã không còn ai qua lại. Địch Thanh giống như cô hồn dã quỷ đi từ đầu này đến đầu kia ngõ hẻm, rồi lại từ đầu kia quay lại đầu này. Hắn không biết đã đi qua đi lại bao nhiêu lần nhưng vẫn không thấy con diều ấy bay lên. Địch Thanh thầm cười nhạo suy nghĩ hão huyền của mình rồi ngượng ngùng trở về chỗ ở. Đến lúc này vẫn không gặp được Quách Tuân.
Quách Quỳ vẫn vô tư, chỉ nói ban ngày đại ca có trở về một lần nhưng lại vội vã rời đi, giống như có việc gấp. Địch Thanh biết được Quách Tuân không có việc gì, cũng bớt lo lắng. Hắn ngây người ngồi trên giường, cả đêm chỉ suy nghĩ về việc nàng thả diều trong ngày tuyết, trên thân diều có vẽ chim tương tư, rốt cuộc là có ý gì?
Không biết qua bao lâu, Địch Thanh đột nhiên nghĩ, ‘mình nhung nhớ nàng đến mức thần hồn điên đảo phải chăng là tự cho rằng nàng ấy đang tương tư mình? Hắn bỗng bật cười thầm nghĩ mình sẽ không phải là tự đa tình như vậy đi. Nhưng nếu không phải như thế thì cớ gì mình lại như bị ma xui quỷ khiến đi tới chỗ đó?’
Địch Thanh bất chợt phát hiện trên bàn có một chiếc khăn lụa, là chiếc khăn mà cô gái ấy để lại. Hắn tự biện bạch, ‘có lẽ là mình muốn trả lại chiếc khăn lụa này, chứ không có ý khác. Nhưng mà lúc hoàng hôn, khi đi đến nơi đó, mình cũng không có nhớ tới khăn lụa.
Địch Thanh ngồi ở trên giường suy tính hơn thiệt rồi ngủ say lúc nào không biết. Sáng sớm tỉnh lại, trong đầu không có hồng long, chỉ có một chiếc khăn lụa xanh thẩm tung bay trong đầu.
Hôm sau khi xong ca trực, Địch Thanh lại vô thức mà đi đến ngõ Mạch Kiết. Nhưng rốt cuộc cũng không thấy con diều bay lên.
Vào ngày thứ ba, gió cuồng tuyết lạnh, Địch Thanh thầm nhủ sẽ không có ai chơi diều trong thời tiết như thế này, đừng đến đó nữa. Nhưng rồi sau khi xong ca trực, dù cho gió cắt da, tuyết lạnh lẽo hắn vẫn không cầm lòng được mà đi đến trước ngõ Mạch Kiết.
Không có diều, chỉ có gió lớn. Địch Thanh hứng gió Tây Bắc cả buổi, khi trở về thì đông cứng giống như cột băng vậy. Núp ở trong chăn sưởi ấm, Địch Thanh tức giận nói: “Ngày mai nếu nổi gió thì chết sống gì cũng không đi. Địch Thanh à, ngươi tự mình đa tình, cả đời này cũng không thể gặp lại nàng nữa đâu. Ngươi là cái thá gì chứ, chỉ lấy giùm nàng con diều, chẳng lẽ còn muốn trả thù lao sao?
Mơ màng thiếp đi, sáng sớm tỉnh lại, tuyết ngừng trời trong.
Địch Thanh nhìn bầu trời quang đãng lạnh giá không khỏi thầm nghĩ, đây chẳng phải là thời tiết tốt để chơi diều sao? Hôm nay đúng lúc không trực ban, Địch Thanh đứng dậy đến ngõ Mạch Kiết thêm lần nữ. Hắn dựa vào tường hẻm, đứng chờ từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn...
Ngay cả một bóng người cũng không thấy.
Gió bắc nổi lên, tuyết bay tán loạn, Địch Thanh rụt cổ lại nhìn cây dương thụ nằm ở trong tường hẻm. Dương thụ trụi lủi, bám đầy tuyết, cây và người nhìn nhau trân trân. Thỉnh thoảng có một cơn gió thổi qua, tuyết đọng trên cây rớt xuống xào xào xoạt xoạt, Địch Thanh vươn tay ra, ngắm nhìn những bông tuyết rơi xuống trên tay, hóa thành từng hạt nước.
Trời tuy lạnh nhưng lòng ấm. Tình dù mông lung nhưng nồng cháy.
Mặt trời chiều đã lặn, ánh tà dương tan hết, màn đêm bắt đầu bao trùm thành Khai Phong cổ kính. Địch Thanh rung mình rũ tuyết đọng trên người rồi xoay mình đi về phía đầu hẻm. Chợt vang lên âm thanh ‘loẹt xoẹt, loẹt xoẹt’, là tiếng bước chân mang theo bông tuyết hiu quạnh, âm thanh đó đến đầu ngõ thì ngừng bặt.
Nơi đầu ngõ, có hương mai thoang thoảng, cành mai vươn ngang. Địch Thanh đứng ở nơi đây không phải vì mai, khuôn mặt tê dại vì lạnh của hắn đột nhiên rạng rỡ khó tả. Đầu kia ngõ hẻm, một người con gái giống như tuyết mai thanh tịnh đang đứng ở nơi đó ngóng nhìn Địch Thanh. Trong đôi mắt màu mực thủy mặc xanh đỏ này lung linh nước mắt, giống như băng chưa tan trong làn nước xanh khi mùa xuân tới.
Cuối cùng cũng gặp được người con gái trong mộng, Địch Thanh đột nhiên cảm thấy ông trời đối xử với mình không tệ. Để có thời khắc này, không biết hắn đã đợi bao lâu rồi. Nhưng đúng vào lúc này, hắn mới phát hiện ra mình không có lời gì để nói. Hắn chỉ là tên cấm quân tầm thường, mà nàng...
Đang chìm trong suy nghĩ miên man, Địch Thanh chợt phát hiện cô gái khẽ run rẩy trong gió. Cuối cùng, hắn bước nhanh đi tới, cố lấy dũng khí nói:
- Cô... thật trùng hợp, lại có thể gặp được cô.
Địch Thanh có chút xấu hổ, hắn biết trên đời này trùng hợp đa phần đều là từ cố ý.
Cô gái thản nhiên cười một tiếng:
- Đúng là trùng hợp.
- Hôm nay không chơi diều sao?
- Hôm nay không phải ngày thả diều.
Cô gái ho nhẹ hai cái.
Lúc này Địch Thanh mới phát hiện hai má nàng ửng đỏ, ân cần hỏi:
- Cô cảm lạnh à?
Cô gái nói:
- Mấy ngày hôm trước thả diều, bị cảm lạnh cho nên mấy ngày nay không tới.
Địch Thanh hoảng hốt trong lòng, dù không muốn nhưng lại không thể không nói:
- Vậy mau mau trở về đi, ở đây lạnh lắm.
Cô gái kéo kín áo lông trắng trên người, ngẩng đầu nhìn lên bầu trời rồi đột nhiên nhảy lên hai cái. Địch Thanh không hiểu ý nàng, chỉ cảm thấy như có một đóa hoa xoay múa trong tuyết.
- Mẹ nói cho muội biết, nếu như cảm thấy lạnh, phải vận động vài cái.
Cô gái khẽ cười, nụ cười này giống như trăng sáng.
Địch Thanh cười nói:
- Đúng vậy.
Bây giờ, hắn mới phát hiện mình cũng bị lạnh đến run rẩy. Hắn lắc trái lắc phải dậm chân rồi nói:
- Bọn huynh cả ngày chạy quanh kinh thành, nếu như cảm thấy lạnh thì hãy dậm chân một cái, nếu chân không lạnh thì người sẽ không lạnh.
Cô gái đột nhiên che miệng cười khúc khích.
Địch Thanh ngẩn ngơ hỏi:
- Cô cười gì thế?
Cô gái nói:
- Muội thấy huynh lắc lư dậm chân giống như là một con cua lớn. Muội thích ăn nhất là cua ở đông thành Biện Kinh.
Nàng nhịn không được cười ngặt nghẽo.
Địch Thanh rất bối rối nhưng trong lòng lại thấy vui sướng.
Cô gái cười xong, dùng sức dậm chân một cái, hành động ngây thơ hồn nhiên không thể tả. Sau một lúc lâu, nàng vui vẻ nói:
- Huynh nói rất đúng. Muội cũng biến thành con cua rồi, giống huynh...
Đột nhiên nàng thẹn thùng cúi đầu không nói, chỉ dùng mũi chân vẽ lên mặt tuyết.
Địch Thanh nhìn say sưa, thầm nghĩ: ‘Giống nàng sao? Giống nàng là một cặp cua sao?’ Tuy đoán như vậy, nhưng làm sao dám mạo phạm giai nhân?
Không biết qua bao lâu, cô gái lại cười hỏi:
- Địch Thanh, vì sao huynh nhập ngũ?
Địch Thanh thấy cô gái thoải mái không câu thúc, bản thân cũng dần dần không còn bất an, hắn đáp:
- Nói ra rất dài dòng...
- Kể cho muội nghe đi.
Cô gái mỉm cười nói.
Địch Thanh thấy trong đôi mắt nàng như hàm chứa cái gì đó, cũng tuyệt không có ý rời đi, đành phải nói:
- Trước đây huynh vốn không muốn nhập ngũ. Nhưng trên đời không phải mình muốn làm cái gì thì làm được cái đó..." Sau khi kể ra chuyện trước đây, hắn đột nhiên cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều. Tất nhiên là rất nhiều chuyện đều được lược bớt đi. Kể đến lúc bắt Triệu công tử hắn chỉ nói là may mắn, lúc ấy bị bức bách không biết làm sao nên đành phải tòng quân.
Cô gái lẳng lặng lắng nghe. Sau khi nghe xong, nàng cảm thấy lạnh giá liền dậm chân nói:
- Thì ra là thế! Theo muội thấy, huynh không giống với bọn họ.
Địch Thanh khẽ run, hỏi:
- Có gì không giống chứ?
Trong trời tuyết, vẻ mặt cô gái như uống rượu say. Chợt nghĩ đến gì đó, nàng ngẩng đầu nhìn trời rồi kinh hãi kêu lên:
- Trời ơi, muộn rồi. Muội phải về thôi, nếu không thì cha sẽ quở trách.
Vừa dứt lời, nàng xoay người chạy đi, trong đất tuyết trông nhẹ nhàng như thỏ ngọc.
Địch Thanh đột nhiên nhớ tới còn chưa có hỏi tên nàng, vừa muốn cất tiếng hỏi thì cô gái đã hòa vào trong bóng tối. Địch Thanh có chút lo lắng, sợ rằng nàng đi một mình sẽ xảy ra chuyện nên lặng lẽ đi theo. Nhìn bóng dáng yểu điệu ấy đi vào cửa son cho đến khi không còn thấy bóng dáng nữa, lúc này hắn mới yên lòng.
Trên đường quay về, Địch Thanh cảm thấy người nhẹ như yến, vui sướng vô hạn.
Sáng sớm ngày tiếp theo, Địch Thanh đến cấm quân doanh sớm rồi cùng Trương Ngọc và Lý Vũ Hanh đến phụ cận sông Kim Thủy tuần tra.
Địch Thanh dào dạt tâm sự, chỉ mong mặt trời như sao băng mau lặn xuống để hắn có thể báo cáo kết quả nhiệm vụ rồi đến ngõ Mạch Kiết. Mặc dù không chắc chắn rằng nàng có thể đến được hay không, nhưng bây giờ mỗi ngày nếu hắn không đến nơi đó đảo qua một vòng thì buổi tối sẽ cảm thấy ngủ không ngon.
Thấy sông Kim Thủy uốn lượn về hướng đông, tuyết phủ trắng xóa, nhìn như rồng bay, Địch Thanh bỗng nghĩ đến hồng long, trong lòng thoáng rung động. Đồng thời hắn cũng có chút kỳ quái, mấy ngày nay sao hồng long không xuất hiện nữa nhỉ?
Trong lúc suy tư, Địch Thanh nghe Lý Vũ Hanh nói với Trương Ngọc:
- Trương Ngọc, ngươi có biết gần đây kinh thành xảy ra chuyện lớn không?
Trời tuyết mà phải đi trực, có thể nói là khổ không thể tả, nếu không tán phét mấy câu thì quả thực rất nhàm chán. Trương Ngọc thuận miệng hỏi:
- Ngươi thì biết cái rắm gì chứ?
Lý Vũ Hanh than thở:
- Nghe nói Phạm Trọng Yêm bị cách chức đuổi khỏi kinh thành rồi.
Địch Thanh phục hồi lại tinh thần, trong lòng chấn động. Hắn nhớ lại đôi mắt giàu tình cảm ấy, khuôn mặt thương tâm ấy. Phạm Trọng Yêm quả nhiên bị cách chức rồi, kết cục này đã sớm định trước. Nhưng chỉ có loại người như thế mới dám làm những chuyện đã biết rõ kết cục! Địch Thanh nhìn băng tuyết trên sông Kim Thủy, cảm thấy rất lạnh.
Trương Ngọc khịt mũi khinh bỉ nói:
- Ngươi coi chuyện này là chuyện lớn ư? Ta còn biết ngoại trừ Phạm Trọng Yêm bị cách chức ra, còn có Hàn Lâm học sĩ Tống Thụ đấy. Hai người này đều khuyên Thái Hậu giao quyền cho thiên tử, kết quả đều bị Thái Hậu giáng chức đuổi khỏi kinh thành.
Địch Thanh bỗng nhớ tới Quách Tuân từng nói: "Thái Hậu muốn làm hoàng đế!" Không nhịn được kéo chặt cổ áo.
Trương Ngọc nói tiếp:
- Thái Hậu muốn làm hoàng đế!
Lý Vũ Hanh vừa kinh vừa sợ, vội hỏi:
- Trương Ngọc, đừng nói bừa.
Trương Ngọc hừ lạnh nói:
- Ta không nói bừa, Thái Hậu không ngừng trục xuất thần tử trung thành với họ Triệu ra khỏi kinh thành, chính là muốn làm hoàng đế.
Không có ai lên tiếng đáp lời. Trong không khí vô cùng lạnh lẽo, Địch Thanh nhịn không được thầm nghĩ, ‘thiên tử là con trai của Thái Hậu, Thái Hậu muốn làm hoàng đế, vậy xử lý thiên tử ra sao đây?’ Địch Thanh chỉ thoáng nghĩ trong đầu rồi nở nụ cười nhạt tiếp tục ngắm băng tuyết trên sông Kim Thủy. Hắn chỉ là tên cấm quân nho nhỏ, loại chuyện như vậy chỉ suy nghĩ thôi cũng là dư thừa. Một người có phiền não, thông thường không phải suy nghĩ quá ít mà vì suy nghĩ quá nhiều.
Gần đến hoàng hôn, Địch Thanh cầm lòng không được. Hắn vừa định cùng Trương Ngọc, Lý Vũ Hanh quay về báo cáo kết quả nhiệm vụ thì bất chợt thấy xa xa có mấy người đi tới. Người dẫn đầu mặt ngăm đen, khuôn mặt góc cạnh giống như miếng sắt, chính là bộ đầu Khâu Minh Hào của phủ Khai Phong.
Mấy năm nay phủ Khai Phong ngoại trừ bộ đầu Vương Lâm Tông ra còn có mấy người tài giỏi khác. Trong số đó, hai người Diệp Tri Thu, Khâu Minh Hào bởi vì phá án xuất sắc, nên được người kinh thành ca tụng là "Nhất Diệp Tri Thu, Minh Sát Thu Hào."
Diệp Tri Thu như kiếm, Khâu Minh Hào thoạt nhìn như tấm chắn, một tấm chắn bằng sắt!
Đi theo phía sau Khâu Minh Hào là một người thanh niên ngạo mạn, con mắt giống như mọc ở trên trán vậy. Địch Thanh nhận ra đó là Hạ Tùy, là con trai của Tam Nha - Mã quân đô chỉ huy sứ Hạ Thủ Uân. Hiện nay gã là một Chỉ huy sứ của Kiêu Kỵ quân.
Kiêu Kỵ quân và Kiêu Vũ quân đều chịu sự chỉ huy của Thị vệ Mã Quân Ti trong Tam Nha. Nói cách khác, cho dù là Quách Tuân cũng phải nghe lệnh của Hạ Thủ Uân. Hạ Tùy có người cha làm to nên cũng có thể chỉ huy bọn người Địch Thanh. Hiện giờ hắn đang ngạo mạn nói:
- Tuần tra phụ cận cầu Bạch Hổ ở sông Kim Thủy là ba người các ngươi sao?
Trương Ngọc có cấp quan cao nhất trong ba người liền đáp:
- Trừ ba người chúng tôi ra, cầu Bạch Hổ còn có nhóm Quân Đầu - Lý Giản trông coi.
Hạ Tùy gật đầu nói:
- Nếu như vậy thì cầu Bạch Hổ giao cho nhóm Lý Giản phụ trách đi, ba người các ngươi đi theo ta.
Ba người Trương Ngọc rất kinh ngạc, nhưng không thể làm gì khác hơn là phải nghe theo lệnh điều động. Họ đi theo sau Hạ Tùy mà không biết phải làm cái gì. Địch Thanh ngầm nhíu mày, thầm nghĩ ‘nếu là người xui xẻo, uống nước nguội cũng tê răng’. Hắn vốn định đi ngõ Mạch Kiết, không nghĩ tới lại có việc phải làm.
Hạ Tùy cũng không nhiều lời, dẫn đám người đi thẳng về hướng nam. Đôi mắt Khâu Minh Hào như điện cảnh giác chú ý động tĩnh xung quanh. Vẻ mặt hai người này đều thận trọng như gặp đại địch. Đám người theo cầu Bạch Hổ xuôi nam, đi qua Đại Phật Tự rồi qua cửa bắc, sau đó lại vòng qua cửa hàng vàng bạc Vương gia một vòng.
Địch Thanh nhìn mặt trời sắp lặn ở phía tây, màn đêm lờ mờ phủ xuống, trong lòng lo lắng. Lúc này chợt nghe Hạ Tùy thấp giọng nói:
- Bọn chúng có lẽ ẩn nấp ở nơi này.
Khâu Minh Hào cũng hạ thấp giọng nói:
- Đúng vậy, trước mắt đừng rút dây động rừng, không bằng điều tra rõ ràng rồi tính tiếp.
Địch Thanh nghe thấy lời của Hạ Tùy và Khâu Minh Hào, nhưng không hiểu ý nghĩa, chỉ láng máng biết hai người này chắc là đang tìm ai đó. Hắn vô tình phải đi bắt trộm, trong lòng sớm đã mắng chửi khôn thôi. Ngẩng đầu nhìn sắc trời, Địch Thanh thấy rất nhiều cửa hàng đã lên đèn, cả con đường cầu Kim Lương như cả trời sao sà xuống, rực rỡ vô cùng. Hắn nghĩ, ‘hôm nay nàng có đến ngõ Mạch Kiết hay không?’
Thật không dễ dàng mới chờ được đến lúc Hạ Tùy nói:
- Hôm nay tạm đến đây thôi, chư vị vất vả rồi, về nghỉ ngơi đi.
Địch Thanh vội vàng cáo từ rời đi. Trương Ngọc liếc nhìn Hạ Tùy, nhìn thấy sắc mặt gã âm trầm đang nhìn theo bóng lưng của Địch Thanh, không khỏi rùng mình một cái...
--------------------------
Chú thích:
(1) Tạng Biên (藏边): biên giới Tây Tạng
(2) Tạng Mật (藏密): là Mật Tông Tây Tạng, chú trọng về Pháp Tu Quán Tưởng Chuyển Hóa Thân Thành Bổn Tôn (Phật).
(3) Mật Tông (密宗): http://vi.wikipedia.org/wiki/M%E1%BA%ADt_t%C3%B4ng
(4) Lý Đức Minh (李德明) (981–1032): hay Thác Bạt Đức Minh là thủ lĩnh của bộ tộc Đảng Hạng và là một trong những người sáng lập ra triều đại Tây Hạ. Đức Minh là cha của Lý Nguyên Hạo, vị vua hùng cường của Tây Hạ. Khi cha ông qua đời trong trận chiến trong năm 1004, Thác Bạt Đức Minh đã thay thế cha trở thành nhà lãnh đạo của những người Tây Hạ, và trong vòng hai mươi năm tiếp theo, ông bành trướng một cách đáng kể lãnh thổ được kiểm soát bởi bộ tộc mình. Ông có một người vợ tên là Vệ Mộ, họ là Mộ Dung ( Mộ Dung là dòng họ lập ra nước Nam Yên (398-410) thời Ngũ Hồ thập lục quốc). Năm 1028, ông đặt tên con trai của ông Lý Nguyên Hạo và phong làm thái tử. Ông chết vào năm 1032, và sau khi chết, Đức Minh được truy phong là Tây Hạ Thái Tông (太宗).
(5) Tây Hạ Cảnh Tông (sống: 1003-1048, trị vì: 1032 - 1048), tên thật là Thác Bạt Nguyên Hạo (chữ Hán: 拓跋元昊) hay Lý Nguyên Hạo (李元昊), là vị Hoàng đế sáng lập ra triều đại Tây Hạ.
(6) Mười sáu châu vùng Yến - Vân (燕雲十六州), còn có tên "mười sáu châu U Kế" là chỉ nhà hậu Tấn, năm Thiên Phúc thứ ba (938), Thạch Kính Đường cắt nhường cho Khiết Đan.
(1) U Châu
(2) Thuận Châu
(3) Nho Châu
(4) Đàn Châu
(5) Kế Châu
(6) Trác Châu
(7) Doanh Châu
(8) Mạc Châu
(9) Tân Châu
(10) Quy Châu
(11) Vũ Châu
(12) Úy Châu
(13) Ứng Châu
(14) Hoàn Châu
(15) Sóc Châu
(16) Vân Châu
Từ khi mười sáu châu vùng Yến - Vân bị cắt nhường, Trung Nguyên mất đi phòng tuyến về tự nhiên và nhân lực với các dân tộc du mục phương Bắc. Liêu quốc cũng bắt đầu từ dân tộc du mục đơn thuần, chuyển dần thành dân tộc giao hòa giữa du mục cùng nông nghiệp. Tại mười sáu châu vùng Yến - Vân, dân tộc Hán cũng sống chung với dân tộc Khiết Đan.
(7) Tam Mật (三密): các yếu tố quan trọng của Mật Tông là phép niệm chân ngôn (Khẩu), phép bắt ấn (Thân) và sử dụng Mạn-đồ-la cũng như các lần Quán đỉnh (Ý). Mật Tông là giáo pháp mà sư phụ truyền cho học trò bằng lời (khẩu quyết) và đó là lí do mà Mật Tông không được truyền bá rộng rãi. Mật Tông tại Trung Quốc rất thịnh hành vào đời Đường, nhưng dần dần thoái trào và về sau này thì tuởng như suy vi hẳn. Thật ra, sau này do nhiều pháp sư lạm dụng sự huyền bí của chơn ngôn nên Mật Tông dần co cụm lại và truyền thụ cho những nguời có duyên với pháp môn này.
(8) Liên Hoa Sinh (蓮華生): là một Đại sư Ấn Độ, sống cùng thời vua Tây Tạng Ngật-lật-song Đề-tán (755-797). Sư truyền Phật giáo sang Tây Tạng và sáng lập tông Ninh-mã, một trong bốn tông phái lớn của Tây Tạng và được các đệ tử gọi là "Phật thứ hai." Sư hay sử dụng thần thông, nhiếp phục ma quái và thiên tai. Cách tu hành của Sư rất đa dạng, từ cách sử dụng đao truỷ thủ đến tu tập các phép thiền định theo hệ thống Đại cứu cánh. Sư thuộc dòng của các vị Đại thành tựu (sa. mahāsiddha), để lại rất nhiều truyện thần thoại cho đời sau và ở các nước vùng Hi-mã-lạp sơn (Himalaya), người ta tôn thờ gọi Sư là "Đạo sư quý báu"
Top Truyện Hot Nhất
Truyện hot hiện nay
Bình luận
Sắp xếp