Quyền Lực Thứ Tư

Chương 4


Chương trước Chương tiếp

KHỦNG HOẢNG PHỐ WALL:

THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN SỤP ĐỔ

Sinh ra là người Úc thế hệ thứ hai có nhiều cái lợi và một số cái bất lợi. Chẳng bao lâu Keith Townsend đã phát hiện ra những cái bất lợi đó.

Keith ra đời vào lúc 2 giờ 32 phút chiều mồng 9 tháng Hai năm 1929, trong một ngôi nhà rộng kiểu cũ ở Toorak. Việc đầu tiên mẹ cậu làm khi còn đang nằm trên giường đẻ là gọi điện thoại đến trường tư thục Thánh Andrew ghi tên cho cậu con trai nhập học vào năm 1941. Từ văn phòng, cha cậu gọi điện cho thư ký của Câu lạc bộ cricket Melbourne đăng ký tên cậu con trai làm hội viên, vì muốn vào đó phải ghi tên trước mười lăm năm.

Cha của Keith, Hầu tước Graham Townsend vốn người ở thành phố Dundee xứ Scotland, nhưng vào đầu thế kỷ này đã cùng cha mẹ tới Úc trên một tàu chở gia súc. Mặc dù Hầu tước Graham là chủ bút của hai tờ Melbourne Courier và Adelaide Gazette, được phong tước vào năm trước, nhưng giới trưởng giả ở Melbourne mà một số thành viên đã mấy đời ở đó và lúc nào cũng làm người ta phải nhớ họ không phải là con cháu của những kẻ tử tội lưu đày, thường hoặc là coi như không quen biết ông, hoặc bao giờ cũng nhắc đến ông ở ngôi thứ ba.

Hầu tước Graham chẳng mấy quan tâm đến chuyện đó, hoặc nếu có thì cũng không bao giờ bộc lộ ra ngoài. Những người ông thích giao du là những người làm trong các toà báo và những người được ông coi là bạn mà thường tuần nào cũng bỏ ra ít nhất một buổi chiều ở trường đua. Đối với Hầu tước Graham, đua ngựa hoặc chó không khác gì nhau.

Nhưng Keith có một bà mẹ mà giới trưởng giả Melbourne không thể dễ dàng làm ngơ, một người thuộc dòng dõi sĩ quan hải quân trong Hạm đội đầu tiên của Vương quốc Anh. Giá như bà sinh chậm lại một thế hệ, thì câu chuyện này có lẽ là kể về bà, chứ không phải về con trai bà.

Vì Keith là con trai duy nhất trong nhà, cậu là thứ hai trong ba người con (hai người kia là gái), nên ngay khi ra đời, Hầu tước Graham đã tin rằng cậu sẽ nối nghiệp ông trong ngành báo chí, và nhằm vào việc đó, ông bắt đầu sắp xếp để cậu học hành đầy đủ trước khi vào nghề. Lên ba tuổi. Keith đã được đến thăm Melbourne Courier là tờ báo của cha cậu và cậu lập tức ngây ngất trước mùi mực in, tiếng lách tách không ngừng của máy chữ và tiếng ầm ì của máy in. Từ giây phút đó, cậu thường được cha cho tới toà báo mỗi khi có dịp.

Hầu tước Graham chẳng khi nào ngừng khuyến khích con trai trong mọi việc, kể cả khi ông tới trường đua vào chiều thứ Bảy. Hầu tước phu nhân Townsend không thích những chuyện như vậy và thường bắt Keith phải dự lễ cầu nguyện tại nhà thờ vào sáng hôm sau. Bà rất thất vọng khi phát hiện ra cậu con trai mình thích những người thu tiền cá cược hơn là các linh mục.

Sau cùng, bà quyết tâm đảo ngược tình thế bằng những cuộc phản công. Trong khi Hầu tước Graham bận công việc ở Perth trong những chuyến đi dài ngày, bà thuê một bảo mẫu tên là Florie chỉ để làm có mỗi một việc là đe nẹt con trẻ. Nhưng Florie, một bà goá ở tuổi năm mươi, xem ra không trị nổi cậu bé bốn tuổi và chỉ vài tuần sau, bà buộc phải hứa để cậu tới trường đua mà không cho mẹ cậu biết. Cuối cùng, khi Hầu tước phu nhân Townsend biết chuyện, đợi lúc chồng có việc đi New Zealand, bà bèn cho đăng quảng cáo trên trang nhất của tờ London Times. Ba tháng sau, cô Steadman xuống tàu ở ga xe lửa và đến làm việc tại Toorak. Cách thức của cô xem ra đúng như người ta giới thiệu với bà.

Là con gái thứ hai của một mục sư dòng Presbytery xứ Scotland, theo học tại trường Thánh Leonard, cô biết chính xác điều người ta mong đợi ở mình. Trong khi Florie rất gắn bó với trẻ em và chúng cũng gắn bó với bà, thì Steadman hình như không gắn bó với cái gì khác ngoài nghề nghiệp của cô và thực hiện bằng hết cái được coi là trách nhiệm nặng nề của mình.

Cô dứt khoát yêu cầu bất cứ ai, dù ở ngôi thứ nào cũng phải gọi cô cho đủ là Cô Steadman và luôn làm mọi người thấy rõ họ ở địa vị nào trong thang bậc xã hội của cô. Người lái xe phải nhẹ giọng và hơi cúi người, còn Hầu tước Graham thì gọi tên cô với sự tôn trọng.

Ngay hôm đến, cô Steadman đã tổ chức cho trẻ chơi theo cái cách mà một sĩ quan hải quân đang làm nhiệm vụ trực tàu hẳn phải có ấn tượng sâu sắc. Keith cố bằng mọi cách, từ việc hờn dỗi đến nguyền rủa để phá cô, nhưng cậu nhanh chóng phát hiện ra rằng cô không hề xúc động. Lẽ ra ông bố đã can thiệp để cứu cậu con trai nếu như bà vợ ông không hết lời ca ngợi những cố gắng không mệt mỏi của cô gia sư, đặc biệt trong việc dạy cậu quý tử nói thứ tiếng Anh chính thống.

Lên năm tuổi, Keith đi học và cuối tuần đầu tiên cậu phàn nàn với cô Steadman rằng chẳng có đứa con trai nào trong lớp muốn chơi với cậu. Cô không cho là mình đang ở cái địa vị để có thể nói cho cậu biết rằng trong những năm qua, cha cậu đã tạo ra rất nhiều kẻ thù.

Tuần học thứ hai xem ra còn tồi tệ hơn, vì Keith liên tục bị một đứa tên là Desmond Motson, mà cha nó dính líu vào một vụ bê bối ở hầm mỏ bị đưa mấy ngày liền trên trang nhất của tờ Melbourne Courier bắt nạt. Mà cái thằng Motson này lại cao hơn Keith hai inch (1) và nặng hơn gần hai chục ký.

Keith tính đem chuyện này nói với cha, nhưng vì hai cha con chỉ gặp nhau vào cuối tuần, nên cậu đành phải bằng lòng với việc sáng chủ nhật ngồi với ông trong phòng làm việc để nghe quan điểm của ông về nội dung những tin đăng trên Courier và Gazette trước khi so sánh với các đối thủ của mình.

“Gã độc tài giầu lòng trắc ẩn là một cái tít yếu”, một sáng chủ nhật cha cậu nói khi nhìn trang nhất của tờ Gazette của tuần trưóc. Một lát sau, ông nói thêm: “Còn nội dung lại càng yếu. Đừng bao giờ cho mấy tay này in bài trên trang nhất”.

“Nhưng đầu cột chỉ có tên một người’, Keith nói sau khi đã chăm chú lắng nghe.

Hầu tước Graham tặc lưỡi. “Đúng thế, con ạ. Nhưng cái tít do người trợ lý biên tập đặt, có lẽ rất lâu sau khi người viết đã rời toà báo về nhà”.

Keith vẫn chưa hiểu, cho đến khi cha cậu giải thích rằng các tít báo có thể thay đổi chỉ vài phút trước khi tờ báo được in. " Tít báo phải thu hút sự chú ý của người đọc, nếu không chẳng bao giờ họ chịu ngó tới nội dung bài báo”.

Hầu tước Graham đọc to một bài viết về người nắm quyền ở nước Đức. Đó là lần đầu tiên Keith nghe đến cái tên Adolf Hitler. “Bức ảnh thì tuyệt vời”, cha cậu nói thêm, tay chỉ vào người đàn ông thấp nhỏ có bộ ria rậm, tay phải chém trong không khí. “Chớ bao giờ quên cái câu nghe có vẻ mòn chán, con ạ : Một bức ảnh bằng cả một ngàn chữ ".

Có tiếng gõ cửa rất mạnh mà cả hai cha con đều biết là không ai khác ngoài cô Steadman. Hầu tước Graham tự hỏi hình như tiếng gõ cửa của cô sáng chủ nhật có xê dịch khoảng một vài giây so với ngày cô mới đến.

“Mời vào”, ông nói với giọng hách dịch nhất rồi quay lại nháy mắt với cậu con trai. Hai cha con không cho ai biết là sau lưng Steadman, họ gọi cô là “Quốc trưởng cái”.

Cô Steadman bước vào và nhắc lại đúng những từ mà sáng chủ nhật nào trong năm qua cô cũng nói: " Thưa ngài Hầu tước. Đã đến giờ cậu Keith đi lễ nhà thờ”.

“Lạy Chúa! Muộn đến thế rồi sao, cô Steadman?” Ông thường đáp vậy rồi đẩy cậu con trai về phía cửa. Keith miễn cưỡng rời nơi an toàn là phòng làm việc của cha để theo cô Steadman đi ra. ”Cô có biết cha cháu vừa nói gì không, cô Steadman ?”, Keith hỏi bằng cái giọng Úc đặc sệt mà cậu tin sẽ làm cô ta khó chịu.

“Tôi không biết, cậu Keith ạ”, cô ta đáp. “Nhưng dù cha cậu nói gì, chúng ta hãy hy vọng là nó không làm cậu mất tập trung vào bài giảng của cha Davidson”. Keith buồn bã im lặng trong khi họ đi ra xe, cả đến khi vào ngồi cùng cô chị và cô em ở ghế sau chiếc Rolls Royce.

Keith hiểu là cậu phải lắng nghe từng chữ của vị cha xứ, vì cô Steadman bao giờ cũng kiểm tra ba chị em về những chi tiết nhỏ nhất trước khi cho chúng đi ngủ. Hầu tước Graham lấy làm mừng bởi cô ta không buộc ông phải qua những lần kiểm tra ấy.

Ba ngày giam lỏng trong túp lều dưới gốc cây, túp lều cô Steadman cho dựng vài tuần sau khi cô đến, là hình phạt cho ai nắm được ít hơn tám mươi phần trăm bài giảng đạo. “Cái đó tốt cho việc hình thành tính cách”, cô thường xuyên nói với chúng như thế. Điều Keith không bao giờ nói với cô là thỉnh thoảng cậu cố ý trả lời sai, vì ba đêm nằm trong lều là cơ hội tuyệt vời để trốn ách phát xít của cô ta.

Khi Keith mười một tuổi, có hai quyết định sẽ làm thay đổi cuộc đời cậu sau này và cả hai đều làm cậu khóc toáng lên.

Sau khi Anh tuyên chiến với Đức, Hầu tước Graham được chính phủ Úc trao cho sứ mạng đặc biệt, mà như ông giải thích cho cậu con trai, sẽ đòi hỏi ông phải ở nước ngoài một thời gian dài. Đó là quyết định thứ nhất.

Quyết định thứ hai được đưa ra chỉ mấy ngày sau khi Hầu tước Graham lên đường đi London. Keith được gọi nhập học trường tư thục Thánh Andrew, một trường nội trú ở ngoại ô Melbourne và mẹ cậu dứt khoát bắt cậu phải đi.

Keith không biết rõ quyết định nào làm cậu đau khổ hơn.

Mặc chiếc quần dài lần đầu tiên, cậu bé đầm đìa nước mắt được xe đưa tới trường Thánh Andrew để dự lễ khai giảng. Mẹ giao cậu cho một bà xơ trông cứ như được tạc từ khối đá dùng để tạc cô Steadman ra vậy. Thằng bé đầu tiên mà Keith thấy bước vào cửa là Desmond Motson, và sau đó cậu phát hoảng biết rằng không những cậu ở cùng nhà, mà còn cùng buồng với nó. Đêm đầu, cậu không sao ngủ được.

Sáng hôm sau, Keith đứng mãi tận cuối hội trường, lắng nghe bài diễn văn của ông Jessop, vị hiệu trưởng mới, người được lôi tới từ cái nơi gọi là Winchester ở bên Anh. Vài ngày sau, thằng bé phát hiện ra rằng cái mà ông Jessop cho là trò vui chỉ là một cuộc chạy bộ mười dặm qua các vùng thôn quê, sau đó là tắm bằng nước lạnh. Điều này tốt cho lũ trẻ, vì sau khi thay quần áo, chúng trở về phòng và phải đọc Homer trong nguyên bản. Gần đây Keith chỉ chú ý đọc những câu chuyện về “những người anh hùng ngoài mặt trận của chúng ta" cùng những chiến công của họ nơi tiền tuyến, được đăng trên tờ Courier. Sau một tháng học tại trường Thánh Andrew, cậu bé sẵn sàng đánh đổi vị trí của cậu với họ.

Trong kỳ nghỉ đầu tiên, Keith kể với mẹ cậu là nếu những ngày đi học là những ngày hạnh phúc nhất trong đời thì chắc tương lai cậu cũng chẳng có gì mà hy vọng. Thậm chí bà còn được biết rằng cậu có rất ít bạn bè và đang trở thành một đứa trẻ cô độc.

Ngày duy nhất trong tuần mà Keith mong đợi là thứ Tư, khi cậu có thể lẻn khỏi trường vào giữa trưa và mãi khi đèn tắt mới phải quay về. Ngay sau khi chuông báo hết giờ học, cậu thường đạp xe trên đoạn đường bảy dặm đến trường đua, nơi cậu có một buổi chiều hạnh phúc len lỏi trên khán đài, hoặc ở chỗ những con ngựa thắng cuộc. Ở tuổi mười hai, cậu cho mình là một người sành sỏi trong nghề, chỉ muốn có tiền riêng để đặt cược lớn hơn. Sau cuộc đua, cậu thường đạp xe tới toà báo Courier xem số báo mới ra, rồi trở về trường trước khi đèn tắt.

Giống như cha, Keith cảm thấy dễ giao thiệp vói những người làm báo và giới cá cược hơn là với lũ con của tầng lớp khá giả ở Melbourne. Cậu những muốn nói cho những tay chuyên nghiệp này biết điều cậu muốn là, sau khi học xong, trở thành phóng viên chuyên mục đua ngựa cho tờ Sporting Globe, một trong những tờ báo của cha cậu. Nhưng cậu không dám thổ lộ bí mật đó với ai, sợ rằng họ có thể nói lại với mẹ cậu, là người từng bóng gió nói rằng đã có kế hoạch cho tương lai của con trai.

Khi cha đưa cậu đến trường đua, thường không bao giờ ông nói với vợ hoặc cô Steadman là họ đi đâu. Keith thường quan sát thấy ông đặt cược rất nhiều trong tất cả các vòng đua, thỉnh thoảng lại cho con trai đồng sáu xu để thử vận may. Lúc đầu, Keith đánh cá theo con ngựa mà cha cậu chọn, nhưng cậu ngạc nhiên thấy việc này thường đem lại kết quả là cha cậu rỗng túi về nhà.

Sau vài lần như vậy, và phát hiện ra rằng hầu hết những đồng sáu xu của cậu đều rơi vào cái túi da căng phồng của người thu tiền cá cược, Keith quyết định mỗi tuần bỏ hẳn ra mười xu mua tờ Sporting Globe. Lần giở các trang, cậu học thuộc tên của từng jô-kề, người huấn luyện ngựa và chủ ngựa đã được Câu lạc bộ đua ngựa Victoria công nhận, nhưng cho dù có được mớ kiến thức mới đó, cậu thường xuyên vẫn thua như những lần trước. Đến tuần thứ ba của học kỳ, cậu thường cá cược hết cả chỗ tiền tiêu vặt của mình.

Cuộc sống của Keith thay đổi vào cái ngày cậu phát hiện một cuốn sách quảng cáo trên tờ Sporting Globe nhan đề “Làm thế nào để thắng trong cá cược” do một người có tên là “chàng Joe may mắn” viết. Cậu ngon ngọt dụ Florie cho vay hẳn nửa đồng crown (2) và gửi thư đặt mua theo địa chỉ ghi bên dưới quảng cáo. Sáng nào cậu cũng đứng chờ người bưu tá, cho đến khi cuốn sách được gửi đến sau mười chín ngày. Từ giây phút Keith lật giở trang đầu tiên, chàng Joe may mắn đã thay thế Homer, là tài liệu bắt buộc trong thời gian chuẩn bị bài buổi tối. Sau khi đọc cuốn sách hai lần, cậu tin tưởng mình đã tìm ra được cách thức đảm bảo thắng nhiều hơn thua. Thứ Tư sau đó, cậu trở lại trường đua, tự hỏi tại sao cha cậu lại không biết tận dụng cái phương pháp không thể sai lầm của chàng Joe may mắn.

Tối hôm đó, Keith đạp xe về trường sau khi đã nướng hết toàn bộ số tiền tiêu vặt cả học kỳ trong một buổi chiều. Cậu vẫn không chịu tin cậu thua do lỗi của chàng Joe may mắn, mà cho rằng có thể cậu chưa hiểu hết được cách thức của anh ta. Sau khi đọc lại cuốn sách lần thứ ba cậu nhận ra sai lầm của mình. Như Joe may mắn đã giải thích ở trang 71, trước hết phải có một số tiền nhất định, nếu không đừng bao giờ nghĩ tới chuyện thắng cuộc. Trang 72 gợi ý số tiền đó là khoảng mười bảng, nhưng cha cậu thì còn đang ở nước ngoài, mà mẹ cậu lại theo một triết lý là “không vay mà cũng không cho mượn”, do đó cậu không có cách nào để chứng minh được ngay là Joe may mắn nói đúng.

Vì vậy cậu đi đến kết luận là dù thế nào cũng phải kiếm thêm tiền, nhưng vì điều đó trái với nội quy của trường là không được kiếm tiền trong thời gian đang học, cậu đành bấm bụng đọc lại cuốn sách của Joe may mắn lần nữa. Giá như cuốn “Làm thế nào để thắng trong cá cược” mà là sách buộc phải đọc, thì hẳn cậu phải được điểm loại “A”.

Học kỳ kết thúc, Keith trở về Toorak và thảo luận vấn đề tài chính với Florie. Bà bảo cậu một số cách mà các em bà sử dụng để kiếm thêm tiền túi trong những ngày nghỉ. Nghe lời bà khuyên, Keith trở lại trường đua, lần này không phải để đặt cược vì cậu vẫn chưa có tiền, mà để nhặt phân trong các tàu ngựa cho vào một bao tải đựng đường mà Florie đưa cho. Sau đó cậu phóng xe trở lại Melbourne với cái túi đầy để trên ghi đông, rồi trải số phân đó lên các bồn hoa của những người họ hàng nhà cậu. Sau bốn mươi bảy chuyến như thế trong vòng mười ngày, Keith đã có trong túi ba mươi silinh. Khi đã đáp ứng đủ yêu cầu của họ hàng, cậu bắt đầu chuyển sang làm cho các nhà hàng xóm.

Đến cuối kỳ nghỉ, cậu đã kiếm được ba bảng, bảy silinh và bốn xu. Sau khi mẹ cho một bảng là tiền tiêu vặt của học kỳ tiếp theo, cậu sốt ruột quay lại trường đua để làm giàu. Nhưng khó nhất là cái hệ thống không thể sai lầm mà Joe may mắn viết trên trang 72 và nhắc lại ở trang 73 là “Đừng sử dụng hệ thống này nếu không có đủ mười bảng".

Nếu ông Clarke không bắt gặp Keith đang nghiền ngẫm cuốn "Làm thế nào để thắng trong cá cược" trong giờ chuẩn bị bài, thì có lẽ cậu đã đọc lại nó lần thứ chín. Không những cuốn sách quý của cậu bị tịch thu và có lẽ còn bị tiêu huỷ, mà nhục hơn là cậu còn bị ông hiệu trưởng đánh đòn trước mặt cả trường. Trong khi cúi người chịu đau, cậu nhìn thấy Desmond Motson ở ngay hàng đầu đang cười khoái trá.

Tối đó, trước khi tắt đèn, ông Clarke bảo nếu ông ta không vì cậu mà can thiệp thì có lẽ cậu đã bị đuổi học. Cậu biết việc này chắc không làm hài lòng cha cậu đang từ một nơi gọi là Yanta ở Crimê trở về, hoặc mẹ cậu hiện bắt đầu nói đến việc gửi cậu đến một trường đại học gọi là Oxford bên Anh. Nhưng Keith còn bận lo làm sao có thể biến ba bảng, bảy silinh và bốn xu của mình thành mười bảng hơn là lo những chuyện đó.

Chính trong thời gian tuần thứ ba của học kỳ, Keith phác hoạ được ý tưởng nhân đôi số tiền bằng một cách mà ban giám hiệu trường không bắt bẻ vào đâu được.

Căng tin của trường mở cửa từ năm đến sáu giờ ngày thứ Sáu, rồi đóng cửa cho đến thứ Sáu tuần sau. Vào sáng thứ Hai, hầu hết học sinh đã xơi đủ số bánh, đã nhai nhiều túi khoai rán và sung sướng uống không biết bao nhiêu mà kể những chai nước chanh hiệu Merchants. Mặc dù bọn chúng có vẻ hả hê, nhưng Keith tin rằng chúng vẫn còn muốn nữa. Trong hoàn cảnh đó, cậu nghĩ từ thứ Ba đến thứ Năm là cơ hội lý tưởng để bán hàng. Cậu chỉ cần mua những thứ mà chúng thích nhất trong căng tin, rồi đợi khi bọn chúng đã dùng hết số hàng mua trong tuần thì bán lại cho chúng là có lời.

Thứ Sáu tiếp đó, khi căng tin mở cửa, Keith đã xếp hàng ngay đầu tiên. Người bán hàng ngạc nhiên thấy cậu Townsend bỏ ra ba bảng mua một thùng kẹo bạc hà và một hộp ba mươi sáu túi khoai rán, hai chục thanh kẹo anh đào và hai thùng, mỗi thùng có mười hai chai nước chanh. Ông này báo ngay cho ông Clarke, nhưng ông ta chỉ nói: "Tôi lấy làm ngạc nhiên không hiểu sao bà Townsend lại cho thằng bé nhiều tiền đến thế ".

Keith lôi những thứ mua được đến phòng thay đồ và giấu tất cả vào trong ngăn tủ riêng của mình. Sau đó, cậu kiên nhẫn chờ cho qua cuối tuần.

Chiều chủ nhật Keith phóng xe tới trường đua, mặc dù đáng ra cậu phải ở nhà xem đội bóng của trường chơi trận hàng năm với trường Geelong. Cậu cuống lên, không biết đặt cược vào con ngựa nào. Cậu nghĩ: lạ thật, làm sao mà chọn được con ngựa thắng cuộc trong khi trong túi không có tiền.

Sau giờ dự lễ nhà thờ, Keith kiểm tra các phòng sinh hoạt chung của các lớp năm trên và năm dưới, sung sướng thấy kẹo bánh và nước uống của chúng đều sắp cạn. Vào giờ nghỉ ngày thứ Hai, cậu quan sát lũ bạn học đứng túm tụm ở hành lang trao nhau những chiếc kẹo cuối cùng, mở những thanh sôcôla cuối cùng và uống nốt chỗ nước chanh còn lại.

Sáng thứ Ba, cậu để ý nhìn vỏ chai xếp từng hàng dài gần thùng rác trong góc phòng. Đến chiều, cậu đã sẵn sàng để đưa lý thuyết của mình vào thực tiễn.

Trong giờ thể thao, cậu ngồi lỳ trong phòng in nhỏ mà cha cậu đã tặng trường năm trước. Mặc dù máy móc đã cũ và phải in bằng tay, nhưng cũng đủ để thoả mãn nhu cầu của Keith.

Một tiếng sau cậu ra khỏi phòng, mang theo ba mươi bản in trong đó thông báo rằng một căng tin khác sẽ được mở từ năm tới sáu giờ ngày thứ Tư, bên ngoài phòng để đồ số 19 thuộc phòng thay đồ của lớp năm trên. Mặt sau là danh mục các loại hàng có trong căng tin với giá cả đã được "điều chỉnh".

Keith phát cho mỗi học viên trong lớp một tờ ngay khi bắt đầu giờ học cuối của buổi chiều, hoàn thành nhiệm vụ chỉ mấy phút trước khi thầy dạy địa lý vào lớp. Cậu đã lên kế hoạch sẽ in thêm nhiều hơn vào tuần tới nếu việc này thành công.

Chiều hôm sau, khi Keith xuất hiện ỏ phòng thay đồ vài phút trước năm giờ, cậu đã thấy một đám xếp thành hàng dài trước ngăn để đồ của mình. Cậu lập tức mở tủ, kéo mấy cái thùng ra để dưới sàn. Chưa đầy một giờ, cậu đã bán hết veo số hàng. Với cái giá cao hơn giá gốc hai mươi lăm phần trăm, rõ ràng cậu đã kiếm được một bảng tiền lời.

Chỉ có Desmond Metson đứng trong góc nhà nhìn cảnh tiền trao cháo múc là bàu bàu về cái giá cắt cổ của Keith. Nhà doanh nghiệp trẻ nói với nó: "Tuỳ cậu thôi. Hoặc là đứng vào hàng, hoặc là đợi đến thứ Sáu tuần sau". Motson bỏ ra khỏi phòng, vừa đi vừa làu bàu đe doạ.

Thứ Sáu sau, Keith trở lại xếp hàng trước cửa căng tin trường. Cậu thống kê những thứ đã bán hết, nên chỉ mua những thứ bổ sung.

Khi ông Clarke được thông báo Keith đã mua bốn bảng và mười silinh hàng căng tin ngày thứ Sáu đó, ông thú nhận là mình không hiểu và quyết định nói chuyện lại với ông hiệu trưởng.

Chiểu thứ Bảy Keith không ra trường đua, mà dùng thời gian in một trăm tờ quảng cáo. Sáng thứ Hai, cậu phát không chỉ cho bạn cùng lớp, mà cả những học sinh ở hai lớp năm dưới.

Sáng thứ Ba, trong giờ lịch sử nước Anh giai đoạn 1815-1867, cậu tính toán ở mặt sau bản Dự luật cải cách 1832 rằng với đà này, chỉ cần ba tuần là cậu có thể có đủ mười bảng cần thiết để thử nghiệm cái hệ thống không thể sai lầm của Joe may mắn.

Nhưng trong giờ học tiếng La tinh chiều thứ Tư, cái hệ thống không thể sai lầm của chính cậu bắt đầu tỏ ra sai. Ông hiệu trưởng bất ngờ bước vào phòng và yêu cầu Townsend ra gặp ông ngay tại hành lang. "Và nhớ cầm theo chìa khoá ngăn để đồ của cậu", ông nói thêm với vẻ dữ dằn. Trong khi im lặng đi dọc hành lang, ông Jessop đưa cho cậu tờ quảng cáo. Keith nghiên cứu danh mục hàng mà cậu có thể đọc thuộc lòng hơn bất cứ bảng nào trong tập từ vựng La tinh của Kennedy. "Kẹo bạc hà, 8 xu; khoai rán 4 xu; kẹo anh đào 4 xu; nước chanh, một silinh. Hãy đến ngoài phòng để đồ số 19 thuộc phòng thay đồ của lớp trên vào lúc 5 giờ chiều ngày thứ Năm. Khẩu hiệu của chúng tôi là Ai đến trước được phục vụ trước."

Keith giữ vẻ mặt bình thản trong khi lẽo đẽo di dọc hành lang.

Vào đến phòng thay đồ, Keith thấy thầy chủ nhiệm và thầy dạy thể thao đã đứng ngay cạnh ngăn để đồ của cậu.

"Mở ra, Townsend", ông hiệu trưởng nói cộc lốc.

Keith tra chìa vào ổ và từ từ xoay. Cậu mở cánh tủ trong khi bốn người cùng nhìn vào trong, ông Jessop ngạc nhiên thấy chẳng có gì trong đó ngoài chiếc gậy chơi cricket, một đôi nịt gối và một chiếc áo trắng nhầu nát trông như đã được mặc liền mấy tuần.

Ông hiệu trưởng có vẻ tức giận, thầy chủ nhiệm ngượng ngùng, còn thầy thể thao thì lúng túng.

"Có thể các thầy nhầm với học sinh khác chăng?" Keith hỏi với vẻ mặt rất ngây thơ.

"Khoá lại và trở về lớp ngay, Townsend", thầy chủ nhiệm bảo. Keith vâng lời, gật đầu với vẻ nhơn nhơn và từ từ đi dọc hành lang về lớp.

Khi đã ngồi xuống ghế, Keith vẫn chưa biết mình phải hành động như thế nào. Liệu cậu nên lấy lại số hàng, thu hồi vốn, hay nhắn ai đó đến chỗ giấu hàng, bán tống bán tháo rồi thôi luôn?

Desmond Motson quay lại nhìn cậu. Nó có vẻ ngạc nhiên và thất vọng thấy Keith lại được quay về lớp.

Keith mỉm cười với nó và lập tức biết cần phải chọn cái nào trong hai giải pháp trên.

(1) Inch : bằng 25,4 mm.

(2) Crown : Đồng tiền kim loại 5 silinh (25 penny) của Anh trước đây.


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...