Quyền Lực Thứ Tư
Chương 17
THE TIMES
Ngày 24 tháng Ba, 1948
CÁC CƯỜNG QUỐC PHƯƠNG TÂY TẨY CHAY CUỘC HỌP BERLIN SAU KHI NGA RÚT
"Tôi vừa báo mà ông đã đến ngay được, thật quý hoá quá, đại uý Armstrong”.
"Có gì đâu, Julius. Trong lúc hoạn nạn, người Do thái mình càng phải giúp đỡ nhau". Armstrong vỗ nhẹ vai ông chủ bút. "Nói xem tôi có thể giúp gì ông?".
Julius Hahn đứng dậy khỏi ghế, dẫn Armstrong đi quanh phòng, chỉ cho xem danh mục những thiệt hại của công ty ông ta trong hai tháng qua. Arsmtrong chăm chú nghe. Hahn trở lại bàn, hỏi. "Ông nghĩ có thể giúp tôi được không?"
"Tôi rất muốn giúp ông, Julius ạ. Nhưng ông biết rõ hơn ai hết khu vực của Nga và Mỹ có những luật lệ riêng''.
"Tôi đã nghĩ ông sẽ trả lời như vậy", Hahn nói. "Nhưng tôi vẫn thường được nghe Arno nói ảnh hưởng của ông vượt xa ngoài khu vực của Anh. Tôi không dám làm phiền ông nếu tôi không ở vào thế tuyệt vọng".
"Tuyệt vọng?" Armstrong làm bộ sửng sốt.
"Tôi e rằng chỉ có từ đó mới diễn tả hết. Nếu sự thể kéo thêm một tháng nữa, một số khách hàng lâu năm nhất của tôi sẽ mất lòng tin, và tôi sẽ phải đóng cửa một, hoặc cả hai xí nghiệp".
"Tôi không biết là tình hình xấu đến thế", Armstrong nói.
"Còn tồi tệ hơn cơ. Tuy không chứng minh được, nhưng tôi có cảm giác người đứng sau tất cả những việc này là đại uý Sackville, người mà tôi không thích". Ông ta dừng lại. "Anh có nghĩ ông ta là người bài Do thái không?’'
"Tôi không nghĩ như vậy. Thế nhưng cũng có thể tôi chưa hiểu hết anh ta. Tôi sẽ xem xét các mối quan hệ để tìm hiểu liệu có thể làm gì giúp ông".
"Đại uý Armstrong. Ông thật là chu đáo. Nếu ông giúp được, tôi sẽ đội ơn ông".
"Tôi tin là thế".
Armstrong rời văn phòng Hahn, bảo lái xe đưa anh đến khu người Pháp, ở đó anh đổi một thùng Johnnie Walker mác đen lấy một thùng vang đỏ Pháp mà ngay cả Thống chế Auchinleck trong chuyến viếng thăm gần đây cũng không được nếm thử.
Trên đường trở lại khu vực của Anh, Armstrong quyết định ghé vào chỗ Arno Schultz để kiểm tra xem Hahn có nói hết chuyện với anh không. Khi vào toà báo, anh ngạc nhiên không thấy Arno trong văn phòng. Phó của ông ta mà Armstrong không thể nhớ được tên, giải thích rằng Arno được giấy phép tới thăm người anh trai trong khu vực của Nga. Armstrong không hề biết Arno còn có anh trai. "Và thưa đại uý Armstrong, ông sẽ hài lòng khi biết tối qua chúng tôi lại đã in 400.000 số báo".
Armstrong gật đầu đi ra, tự tin rằng mọi việc sẽ đâu vào đó. Hahn sẽ phải chấp nhận điều kiện của anh trong vòng một tháng, nếu ông ta còn muốn có đường làm ăn. Anh xem đồng hồ, bảo Benson cho xe đến văn phòng đại uý Hallet. Khi đến đó, anh đặt ngay thùng rượu lên bàn trước khi anh ta kịp nói gì.
"Tôi không hiểu anh kiếm đâu ra", Hallet vừa nói vừa mở ngăn kéo trên cùng, lấy ra một tập tài liệu có vẻ như chính thức.
"Mỗi người có cách riêng của mình", Armstrong nói, dùng lại câu anh nghe đại tá Oakshott nói hôm trước.
Suốt một giờ, Armstrong cùng Hallet xem lại từng đoạn của dự thảo hợp đồng, cho đến khi anh hiểu hết toàn bộ những hệ lụy của nó, và đồng thời cũng đáp ứng đúng yêu cầu của anh.
"Nếu Hahn đồng ý ký hợp đồng này", Armstrong nói khi họ xem đến đoạn cuối cùng, "có chắc là nó hoàn toàn hợp thức theo luật của Anh không?"
"Không nghi ngờ gì về việc đó", Stephen nói.
"Còn ở Đức?"
"Cũng như vậy. Tôi đảm bảo với anh, hợp đồng này hoàn toàn kín kẽ, nhưng tôi vẫn cứ thắc mắc...", anh chàng luật sư lưỡng lự một lát rồi tiếp, "tại sao Hahn lại chịu nhả ra phần lớn vương quốc của mình để đổi lấy tờ Der Telegraf.
"Cứ cho là vì tôi đã giúp đáp ứng một vài yêu cầu của ông ta", Armstrong nói, tay đặt lên thùng rượu vang.
"Có thể như thế", Hallet đứng dậy. "A, Dick này. Giấy tờ xuất ngũ của tôi cuối cùng cũng xong rồi đấy. Sắp tới đây tôi sẽ về nhà.”
"Chúc mừng anh bạn", Armstrong reo. "Thật là một tin tuyệt vời".
"Tuyệt phải không? Tất nhiên, nếu lúc nào cần có một luật sư khi anh trở về Anh...".
Hai mươi phút sau, Armstrong trở về văn phòng. Sally báo có một vị khách, bảo là bạn thân, đang ở trong phòng, mặc dù cô chưa thấy anh ta bao giờ.
Armstrong mở cửa thì thấy Max Sackville đang đi đi lại lại trong phòng. Câu đầu tiên anh ta nói là: "Chuyện cá cược phải bỏ, anh bạn ạ".
"Anh nói bỏ là thế nào?" Armstrong hỏi, nhét bản hợp đồng vào ngăn kéo bàn, khoá lại.
"Tôi nói bỏ là bỏ. Giấy tờ của tôi cuối cùng đã xong. Cuối tháng tôi sẽ lên tầu về Bắc Carolina. Tuyệt không?"
"Tuyệt, vì khi anh không còn cản đường, Hahn chắc sẽ sống sót, và thế là không gì có thể cản nổi tôi được cuộc một ngàn đô la".
Sackville trố mắt nhìn. "Chả lẽ anh cứ bắt người bạn thân tiếp tục cá cược khi điều kiện đã thay đổi sao?".
"Tất nhiên rồi, anh bạn. Hơn nữa, nếu anh định giở trò tháu cáy, sáng mai toàn bộ khu vực của Mỹ sẽ biết chuyện này".
Armstrong ngồi tại bàn quan sát những giọt mồ hôi xuất hiện trên trán viên đại uý Mỹ. Anh đợi một chút rồi bảo: "Thôi thế này Max nhé. Tôi chấp nhận chỉ lấy của anh 750 đô la nếu anh đưa tôi ngay hôm nay".
Phải đến một phút sau Max mới liếm môi nói. "Đừng hòng. Từ nay đến cuối tháng, tôi vẫn đủ sức làm Hahn sập tiệm. Chỉ cần tôi đẩy nhanh mọi việc lên một chút thôi, anh bạn ạ".
Max đùng đùng bỏ đi, và Armstrong tự hỏi không biết anh ta có làm như vừa nói được không. Có lẽ đã đến lúc phải giúp Max một tay. Anh nhấc máy, bảo Sally rằng không muốn bị làm phiền trong một giờ tới.
Khi đã mổ cò xong hai bài báo, anh kiểm tra lại thật kỹ rồi cho một bài vào chiếc phong bì không có tiêu đề, dán kín lại. Bài thứ hai anh gấp bỏ túi áo ngực. Anh nhấc điện thoại, bảo Sally gọi lái xe. Benson chăm chú nghe sếp nói những việc phải làm, nghe anh ta cam đoan là không nhầm lẫn, nhất là việc phải thay sang quần áo dân sự.
"Và nhớ không được nói lại chuyện này với bất cứ ai - tôi nói là bất cứ ai. Như thế đã rõ chưa?"
"Rõ, thưa ngài". Benson trả lời, cầm thư, đứng nghiêm chào rồi đi.
Armstrong mỉm cười, ấn chuông gọi Sally mang văn thư vào. Anh biết số đầu của tờ Der Telegraf phải sau mười hai giờ đêm mới có mặt trên các sạp báo ở ga xe lửa. Ít nhất hơn một tiếng sau nó mới chuyển được đến khu vực của Mỹ và Nga. Điều quan trọng là thời điểm anh chọn phải hết sức chính xác.
Ngày hôm đó anh ngồi tại văn phòng, kiểm tra các số liệu phát hành với trung uý Wakeham. Anh cũng gọi điện thoại cho đại tá Oakshott, đọc bài anh vừa viết cho ông ta nghe. Vị đại tá không hiểu nổi tại sao chỉ có một chữ mà cũng phải thay, đồng ý cho đăng bài báo trên trang nhất của Der Telegraf vào sáng hôm sau.
Sáu giờ chiều, binh nhì Benson trong bộ quân phục, đánh xe đưa Armstrong về nhà. Cả tối đó anh ngồi với Charlotte. Nàng có vẻ vừa ngạc nhiên vừa vui mừng vì anh về nhà sớm như thế... Sau khi cho David ngủ, họ cùng ăn tối. Anh ăn liền ba đĩa thịt ninh, món ăn anh thích, và Charlotte thấy như anh hơi mập ra.
Ngay sau 11 giờ, Charlotte gợi ý đi ngủ. Dick đồng ý, nhưng bảo: "Anh ra ngoài lấy báo đã. Chỉ vài phút anh về ngay". Anh nhìn đồng hồ: 11 giờ 50 phút. Anh bước ra từ từ đi bộ về phía nhà ga, vài phút trước khi số báo đầu tiên của Der Telegraf sẽ được đưa tới.
Anh thấy một chiếc xe tải nhẹ rẽ vào đỗ trước cửa ga. Anh lui vào chỗ khuất sau chiếc cột to khi một tập báo rơi bịch trên vỉa hè, rồi chiếc xe chạy vụt về hướng khu vực người Nga.
Một người đàn ông từ trong ga bước ra, cúi xuống tháo dây buộc chồng báo khi Armstrong bước đến đứng bên. Anh ta ngẩng lên, gật đầu ra ý đã nhận ra và đưa anh tờ báo.
Anh vội đọc qua bài in trên trang nhất để biết chắc nó không bị sửa gì. Đúng là không hề sửa, tất cả, kể cả tít báo đều nguyên vẹn như bài anh đánh máy.
CHỦ BÚT NỔI TIẾNG SẮP PHÁ SẢN
Julius Hahn, Chủ tịch của một công ty báo chí và xuất bản nổi tiếng mang tên ông, tối qua đang chịu áp lực ngày càng tăng để tuyên bố công khai về tương lai của công ty.
Tờ báo chính của ông, Der Berliner, sáu ngày qua không thấy xuất hiện trên đường phố, có tin một số tạp chí của ông cũng bị chậm một vài tuần. Tối qua, một đại lý báo nói: "Chúng tôi không còn có thể dựa vào các ấn phẩm hàng ngày của Hahn, và đang phải xem xét tìm giải pháp khác".
Herr Hahn, hôm nay đang làm việc với các luật sư và cố vấn tài chính của ông, đã không đưa ra lời bình luận nào, nhưng phát ngôn viên của công ty thừa nhận họ không đạt được chỉ tiêu dự báo cho năm tới. Tối qua khi được hỏi, Herr Hahn không sẵn sàng nói cho phóng viên biết về tương lai của công ty".
Armstrong mỉm cười, nhìn đồng hồ. Đợt báo thứ hai hẳn đã ra khỏi nhà in, nhưng chắc chưa xếp thành chồng để xe chuyển đi. Anh rảo bước về phía toà báo, mất mười bảy phút thì đến nơi. Anh hầm hầm bước vào, quát to anh muốn gặp người đang thay cho Arno Schultz ngay lập tức. Một người mà Armstrong giá có thấy trong đám người đi trên phố cũng không nhận ra, chạy đến chỗ anh.
"Ai chịu trách nhiệm về việc này?" Armstrong quát, ném tờ báo lên bàn.
"Chính ngài", phó Tổng biên tập nói, vẻ ngạc nhiên.
"Ông nói tôi là thế nào? Tôi không dính gì đến chuyện này hết".
"Nhưng bài này gửi thẳng từ văn phòng của ngài đến, thưa ngài".
"Chắc chắn không phải tôi".
"Nhưng người đó nói là đích thân ngài bảo ông ta đưa đến".
"Người nào? Ông đã gặp ông ta bao giờ chưa?".
"Thưa ngài, chưa. Nhưng ông ta khẳng định với tôi ông ta từ văn phòng ngài đến thẳng đây".
"Ông ta ăn mặc thế nào?"
Tay phó Tổng biên tập im lặng một lát. "Comlê màu xám nếu tôi nhớ không nhầm, thưa ngài".
"Nhưng bất cứ ai làm việc cho tôi đều mặc quân phục", Armstrong nói.
"Thưa ngài, tôi biết, nhưng..."
"Ông ta có nói tên không? Ông ta có xuất trình thẻ căn cước hay giấy tờ gì khác không?".
"Thưa ngài không. Tôi chỉ nghĩ...".
"Ông chỉ nghĩ à? Tại sao ông không nhấc điện thoại, kiểm tra xem có phải tôi cho phép in bài đó?"
"Tôi không nghĩ...".
"Lạy Chúa! Khi đọc bài đó, ông không nghĩ phải hiệu đính lại à?”
"Không ai dám hiệu đính bài của ngài", phó Tổng biên tập nói. "Tôi cho đem lên khuôn in ngay".
"Ông không cả kiểm tra nội dung nữa sao?"
"Thưa ngài vâng", ông ta trả lời, đầu cúi thấp.
"Như vậy là không có ai khác chịu trách nhiệm về việc này?"
"Không, thưa ngài", ông ta lí nhí, người run bần bật.
"Vậy thì ông bị đuổi việc", Armstrong quát, quắc mắt nhìn ông ta. "Tôi muốn ông ra khỏi nhà này ngay. Ngay lập tức, ông nghe rõ chưa?".
Phó Tổng biên tập có vẻ như muốn phản đối, nhưng Armstrong gầm lên. "Nếu ông không dọn mọi thứ ra khỏi văn phòng trong vòng mười lăm phút nữa, tôi sẽ gọi quân cảnh".
Ông ta luống cuống bước đi, không nói gì.
Armstrong mỉm cười, cởi áo ngoài mắc lên tay ghế sau bàn Arno. Anh nhìn đồng hồ, tin rằng đã đủ thời gian. Anh xắn tay áo, ra khỏi văn phòng, ấn vào nút đỏ trên tường. Toàn bộ các máy in cùng ngừng một lúc.
Khi biết mọi người đang chú ý lắng nghe, anh bắt đầu quát to một loạt mệnh lệnh. "Hãy bảo lái xe đi thu hồi toàn bộ số báo đợt một về". Giám đốc vận tải chạy ra ngoài sân trong khi Armstrong chỉ tay về phía quản đốc nhà in.
"Tôi muốn bỏ bài trên trang nhất về Hahn, thay vào đó là bài này", anh nói, rút từ túi ra một tờ giấy đưa cho ông quản đốc đang ngơ ngác; ông này lập tức bắt đầu tạo một khoảng trống ở trang nhất cùng một khoảng khác ở góc phải phía trên để in bức ảnh chụp gần đây nhất của ông hoàng xứ Gloucester.
Armstrong quay lại thấy nhóm người đang đứng chờ xếp gọn số báo đang in. "Còn các anh", anh quát. "Hãy thu và vất toàn bộ số báo trước còn lại trong toà nhà này". Họ tản đi, bắt đầu thu dọn tất cả các loại báo, kể cả báo cũ mà họ tìm được.
Bốn mươi phút sau, bản bông của trang nhất được vội vã chuyển đến văn phòng Schultz. Armstrong nghiên cứu bài anh viết buổi sáng về chuyến thăm Berlin sắp tới của ông hoàng xứ Gloucester.
"Tốt”, anh nói sau khi đọc kỹ. "Hãy cho in lượt báo thứ hai".
Một tiếng sau, khi từ cửa chạy vào, Arno ngạc nhiên thấy đại uý Armstrong tay áo xắn cao, đang giúp đưa báo lên các xe chuyển báo. Armstrong chỉ tay về phía văn phòng. Sau khi khép cửa, anh bảo ông những gì anh đã làm ngay khi đọc thấy bài trên trang nhất.
"Tôi cố thu hồi và huỷ hầu hết kỳ báo đầu", anh bảo Schultz. "Nhưng tôi không thể làm gì khác đối với khoảng hai mươi ngàn số phát hành sang khu người Nga và nguời Mỹ. Một khi nó đã qua khỏi đồn kiểm soát, không hy vọng gì thu lại được".
"Rất may anh đã đọc khi tờ báo bắt đầu phân phát", Arno nói. "Tôi có lỗi vì đã không về sớm hơn".
"Ông không có lỗi gì. Nhưng tay phó của ông đã vượt quá trách nhiệm trong việc cho lên khuôn in bài báo mà không thèm kiểm tra lại với văn phòng của tôi”.
"Tôi thật sự ngạc nhiên. Thường ngày ông ta là người rất cẩn thận".
"Tôi không còn cách lựa chọn nào khác hơn là đuổi việc ông ta ngay tại chỗ”, Armstrong nói, nhìn thẳng mặt Schultz.
"Không còn cách nào khác", Schultz nói. "Tất nhiên rồi". Ông ta có vẻ buồn. "Nhưng tôi e rằng tác hại của bài báo thì không thể cứu vãn được nữa".
"Tôi vẫn không hiểu", Armstrong nói. "Tôi đã thu hồi hết, chỉ sót lại rất ít".
"Vâng, tôi biết việc đó. Thực tế ông đã không thể làm gì hơn. Nhưng khi qua trạm kiểm soát, tôi mới mua tờ báo trong khu vực của Nga. Tôi vừa về nhà được vài phút thì Julius gọi cho biết chuông điện thoại nhà ông ấy réo liên tục trong một tiếng vừa qua, phần lớn là của những đại lý bán lẻ đang lo lắng. Tôi hứa là sẽ đến thẳng đây xem tại sao lại có chuyện đó".
"Ông có thể nói với bạn của ông rằng sáng ra, tôi sẽ cho điều tra ngay", Armstrong hứa. "Và tôi sẽ đích thân làm việc đó". Anh bỏ tay áo xuống, mặc áo khoác. "Tôi đang cho xếp đợt báo thứ hai lên xe thì ông về. Có lẽ ông làm nốt giùm tôi. Vợ tôi...".
"Tất nhiên. Tất nhiên rồi", Arno nói.
Armstrong rời toà báo, trong đầu vẫn còn ngân vang câu nói sau cùng của Arno: "Ông không thể làm gì hơn, đại uý Armstrong ạ. Ông không thể làm gì hơn được".
Armstrong phải đồng ý với ông ta.
Armstrong không ngạc nhiên, mới sáng hôm sau, Julius đã gọi điện thoại.
"Rất tiếc đã xảy ra chuyện vừa rồi", anh nói ngay trước khi Hahn kịp nói gì.
"Đó không phải lỗi tại ông”, Hahn nói. "Arno đã giải thích nếu ông không kịp can thiệp thì sự thể còn tồi tệ hơn. Nhưng bây giờ tôi sợ rằng lại phải nhờ ông giúp đỡ".
"Tôi sẽ cố gắng hết sức, Julius".
"Rất cám ơn ông, đại uý Armstrong. Liệu ông có thể đến chỗ tôi được không?"
"Tuần sau được chứ?" Armstrong hỏi, tay hờ hững lật qua trang trên cuốn nhật trình.
"Tôi e rằng gấp hơn thế", Hahn nói. "Ông nghĩ có cơ hội nào để chúng ta gặp nhau hôm nay không?".
"A, lúc này thì chưa tiện lắm", Armstrong nói, nhìn xuống trang nhật trình còn trống. "Chiều nay tôi có cuộc hẹn ở khu vực của Mỹ. Tôi nghĩ chỉ có thể ghé qua chỗ ông vào lúc năm giờ, nhưng chỉ được mười lăm phút thôi đấy".
"Tôi hiểu, thưa đại uý Armstrong. Nhưng chỉ cần vậy thôi, tôi cũng đội ơn ông nhiều".
Armstrong mỉm cười đặt điện thoại xuống. Anh mở khóa ngăn kéo trên cùng lấy tờ hợp đồng. Một giờ tiếp theo, anh xem lại câu chữ của từng khoản để biết chắc mọi thứ đã được đề cập chu đáo. Công việc chỉ bị gián đoạn khi đại tá Oakshott gọi điện thoại chúc mừng bài báo về chuyến thăm sắp tới của ông hoàng xứ Gloucester. "Bài viết tuyệt vời", ông ta bảo. "Tuyệt".
Sau khi ngồi ăn trưa rất lâu trong CLB sĩ quan, buổi chiều Armstrong “dọn dẹp” hết các văn thư mà Sally muốn anh giải quyết từ mấy tuần nay. Khoảng bốn rưỡi, anh bảo Benson đưa anh sang khu vực của Mỹ. Khoảng sau năm giờ, xe ghé lại tòa soạn báo Der Berliner. Hahn, nét mặt lo lắng đang đợi trên tam cấp của toà nhà, vội vàng dẫn anh vào.
"Tôi phải xin lỗi ông lần nữa về trang nhất tờ báo sáng nay", Armstrong mào đầu. "Tôi đang ăn tối với một vị tướng trong khu người Mỹ, và rất không may mắn là Arno lại đang thăm anh trai ở khu người Nga, vì vậy cả hai chúng tôi đều không ai biết tay phó Tổng biên tập làm những gì. Tất nhiên tôi đã đuổi ông ta ngay tại chỗ và đã cho tiến hành điều tra đầy đủ. Nếu tôi không về qua ga lúc đó...".
"Không, không. Ông không có lỗi gì trong chuyện này, thưa đại uý Armstrong". ông ta ngừng lại. "Nhưng chỉ cần vài tờ lọt qua được khu vực của Mỹ và Nga cũng quá đủ để các khách hàng lâu năm của tôi kinh hoảng".
"Tôi rất tiếc khi nghe điều đó", Armstrong nói.
"Tôi sợ rằng chúng rơi vào tay những kẻ xấu bụng. Một vài hãng cung cấp nguyên liệu tin cẩn nhất của tôi gọi điện đòi trong tương lai phải được trả tiền trước, mà việc này thì không dễ dàng gì sau những chi phí bất thường mà tôi phải gánh trong mấy tháng vừa rồi. Chúng ta đều biết đại uý Sackville là người đứng sau tất cả những chuyện này".
"Hãy nghe tôi, Julius. Đừng bao giờ nhắc tên anh ta khi nói đến việc này. Ông không có bằng chứng, hoàn toàn không có, mà anh ta là loại người không do dự đóng cửa toà báo của ông nếu ông cho anh ta một cái cớ, dù là nhỏ nhất".
"Nhưng ông ta đã hành động một cách có hệ thống để làm công ty của tôi phải khuất phục. Mà tôi đâu có hại gì ông ta, và cũng không biết làm thế nào để ngăn ông ta lại".
"Đừng bực tức thế. ông bạn. Tôi đã hành động vì ông và có thể có giải pháp đây".
Hahn gượng cười, nhưng với vẻ không tin.
"Ông thấy thế nào nếu tôi có thể dàn xếp để đại uý Sackville bị chuyển về Mỹ cuối tháng này?"
"Việc đó sẽ giúp tôi giải quyết mọi vấn đề", Hahn nói, thở dài, nhưng mặt vẫn có vẻ nghi ngờ. "Ước gì ông ta bị điệu về nước....".
"Vào cuối tháng này", Arrastrong nhắc lại. "Tôi nói ông biết, Julius ạ. Việc này cần phải chạy chọt ở những cấp cao nhất, chưa kể...".
"Gì cũng được. Tôi sẵn sàng chấp nhận. Miễn là ông cho tôi biết ông muốn gì?".
Armstrong rút từ túi áo ra tờ hợp đồng, đẩy nó qua bàn. "Ông ký vào đây, và tôi sẽ lo chuyện Sackville bị điệu về Mỹ".
Hahn đọc tài liệu dài bốn trang đó, trước nhanh, sau chậm hơn, rồi để nó xuống trước mặt. Ông ta ngẩng lên, lặng lẽ nói.
"Hãy cho tôi biết hậu quả của thoả thuận này nếu tôi ký". Ông ta ngừng lại, cầm bản hợp đồng lên. "Ông sẽ được quyền phát hành ở nước ngoài tất cả các ấn phẩm của tôi".
"Đúng thế", Armstrong nói nhỏ.
"Tôi hiểu ý ông muốn nói là ở Anh". Ông ta ngập ngừng. "Và khối thịnh vượng chung".
"Không. Toàn thế giới, Julius ạ".
Hahn lại xem lại bản hợp đồng. Khi xem đến điều khoản thích hợp, ông ta gật đầu, vẻ mặt nghiêm trang.
"Đổi lại, tôi được hưởng 50% lợi nhuận".
"Đúng thế", Armstrong nói. "Thực ra, chính ông đã có lần nói, ông cần một công ty của Anh đại diện cho ông khi hợp đồng hiện nay của ông kết thúc".
"Quả có thế, nhưng lúc đó tôi không nghĩ ông cũng kinh doanh trong ngành xuất bản".
"Từ lâu rồi". Armstrong nói. "Một khi được xuất ngũ, tôi sẽ trở về Anh tiếp tục quản lý việc kinh doanh của gia đình".
Hahn có vẻ thích thú. "Và để đổi lại; tôi sẽ trở thành chủ bút duy nhất của tờ Der Telegraf." Ông ta lại ngừng. "Tôi không hề biết ông là chủ sở hữu của tờ báo".
"Ngay cả Arno cũng không biết. Do vậy tôi đề nghị ông tuyệt đối giữ kín tin đó. Tôi đã phải trả cao hơn giá thị trường cho cổ phần của ông ta".
Hahn gật đầu, rồi cau mày. "Nhưng nếu tôi ký hợp đồng này, ông sẽ trở thành triệu phú".
"Nếu không ký, ông sẽ phá sản vào cuối tháng này".
Hai người chăm chú nhìn nhau.
"Rõ ràng ông đã rất quan tâm đến vấn đề của tôi đại uý Armstrong ạ", cuối cùng Hahn nói.
"Chỉ vì lợi ích của ông mà thôi", Armstrong nói.
Hahn không bình luận, nên Armstrong nói tiếp: "Hãy để tôi tỏ rõ thiện chí của mình, Julius. Tôi sẽ không bắt ông phải ký tài liệu này nếu ngày đầu tháng sau, đại uý Sackville vẫn còn ở đây. Nếu anh ta đã bị thay, tôi hy vọng ông sẽ ký hợp đồng vào đúng ngày đó. Còn lúc này, Julius ạ. Chỉ cần một cái bắt tay với tôi là đủ".
Hahn vẫn im lặng một lát nữa. "Tôi không thể nói gì hơn", cuối cùng ông ta bảo. "Nếu tay đó cuối tháng rời khỏi nước này, tôi sẽ ký bản hợp đồng có lợi cho ông".
Hai người đứng dậy bắt tay nhau.
"Tôi phải đi đây”, Armstrong nói. "Vẫn còn một số người tôi phải gặp, nhiều việc phải làm nếu tôi muốn Sackville bị điệu về Mỹ trong ba tuần tới".
Hahn chỉ đứng đó gật đầu.
Armstrong cho lái xe về, còn anh đi bộ qua sáu dãy nhà, đến chỗ Sackville chơi bài. Trời lạnh làm đầu óc anh tỉnh táo, và khi đến, anh đã chuẩn bị thực hiện giai đoạn hai của kế hoạch.
Max sốt ruột tráo bài. "Hãy tự rót lấy bia mà uống, anh bạn”, anh ta nói khi Armstrong ngồi vào bàn, "bởi vì tối nay anh sẽ thua".
Hai tiếng sau, Armstrong được 80 đô, còn Max liếm môi suốt cả buổi tối. Anh ta tu một hơi bia dài trong khi Armstrong trộn bài. "Không thể nghĩ được rằng đến cuối tháng mà Hahn vẫn còn đứng vững, tôi phải mất cho anh một ngàn đô la, và nó sẽ làm tôi cháy túi".
"Đến lúc này, tôi thấy điều đó quá rõ", Armstrong nói, chia cho Max một lá bài. "Nhưng với anh, tôi phải nói có những tình huống tôi sẵn sàng để anh thôi cược".
"Nói xem, tôi phải làm gì?" Max để bài úp xuống bàn. Armstrong giả bộ tập trung vào bài trên tay, không nói gì.
"Gì cũng được, Dick. Tôi sẵn sàng làm bất cứ việc gì". Max ngừng lại. "Chỉ thiếu nước giết bọn Đức nữa thôi".
"Cho ông ta sống thì sao?".
"Tôi không hiểu".
Armstrong úp bài xuống, nhìn qua bàn. "Tôi muốn anh cho Hahn có đủ điện, giấy mà ông ta cần và giúp đỡ mỗi khi ông ta gọi về văn phòng anh".
"Nhưng sao bỗng dưng anh lại đổi ý thế?" Max hỏi, giọng ngờ vực.
"Đơn giản thôi, Max. Vì tôi đánh cược với mấy thằng bạn ở khu vực của Anh. Tôi đánh cược là Hahn sẽ vẫn còn hoạt động trong vòng một tháng tới. Vì vậy nếu anh làm ngược lại, tôi còn kiếm được nhiều hơn một ngàn đô la".
"Anh đúng là đồ ma giáo", Max nói. "Tôi đồng ý, anh bạn". Anh ta chìa tay qua bàn.
Armstrong bắt tay trước thoả thuận thứ hai mà anh có được tối đó.
Ba tuần sau, đại uý Sackville lên máy bay về Bắc Carolina. Anh ta không phải trả gì, ngoài mấy đô la thua trong những ván bài cuối cùng họ chơi với nhau. Ngày đầu tháng sau, thiếu tá Bernie Goodman đến thay cho anh ta.
Armstrong đi xe đến khu vực của Mỹ chiều hôm đó để thăm Julius Hahn. Ông này trao cho anh bản hợp đồng đã ký.
"Tôi không hiểu anh làm thế nào", Hahn nói, "nhưng tôi phải thú nhận rằng lời anh nói Chúa đã nghe được".
Họ bắt tay.
"Tôi mong đợi giữa hai ta sẽ có quan hệ đối tác lâu dài, thân thiện", Armstrong nói trước khi đi. Hahn chỉ im lặng.
Khi về nhà tối hôm đó, anh nói với Charlotte rằng giấy tờ xuất ngũ của anh cuối cùng cũng đã xong và họ có thể rời Berlin vào cuối tháng. Anh cũng cho vợ biết rằng anh đã được quyền thay mặt Hahn trong các dịch vụ phát hành ở nước ngoài, có nghĩa là anh có thể bắt tay vào việc ngay khi bước chân xuống phi trường London. Anh bắt đầu đi quanh phòng, đưa ra hết ý tưởng này đến ý tưởng khác, nhưng Charlotte không có gì để phàn nàn vì quá vui mừng khi sắp được rời Berlin. Cuối cùng khi họ ngừng nói chuyện, nàng nhìn anh và nói: "Ngồi xuống đi, Dick, vì em cũng có điều muốn nói với anh".
oOo
Armstrong hứa với trung uý Wakeham, binh nhì Benson và Sally rằng họ dứt khoát sẽ có việc khi về nước và tất cả đều nói sẽ liên hệ ngay với anh khi có giấy tờ xuất ngũ.
"Cậu đã làm được bao nhiêu là việc cho chúng tôi ở Berlin, Dick ạ", đại tá Oakshott nói. "Thực tế là tôi không biết lấy ai thay cậu bây giờ. À này. Sau cái ý tưởng rất thông minh của cậu sáp nhập hai tờ Der Telegraf và Der Berliner, chúng tớ cũng chẳng cần phải làm gì thêm".
"Rõ ràng là nó phải như thế, thưa ngài. Tôi xin nói thêm là tôi rất sung sướng được làm việc dưới quyền ngài".
"Cám ơn cậu, Dick". Ông hạ giọng. "Tôi cũng sắp được giải ngũ rồi. Khi đã trở lại dân sự, cho tôi biết, thấy được việc gì phù hợp với thằng lính già này nhé".
Armstrong chẳng buồn đến thăm Arno Schultz, nhưng Sally nói rằng Hahn đã cho ông ta làm Tổng biên tập của tờ báo mới.
Người cuối cùng Armstrong ghé thăm trước khi cởi bỏ quân phục là thiếu tá Tulpanov và lần này anh ta mời anh ở lại ăn trưa.
"Cái cú anh làm với Hahn ngoạn mục thật, Lubji ạ", Tulpanov nói, chỉ tay mời anh ngồi, "cho dù chúng tôi nhìn từ xa". Một người phục vụ rót rượu vodka, và tay thiếu tá Nga nâng cao cốc.
"Cám ơn anh”, Armstrong đáp lễ. "Còn phần đóng góp của các anh cũng không nhỏ".
"Có gì đâu", Tulpanov nói, đặt lại cốc xuống bàn. "Nhưng không phải lúc nào cũng như thế đâu, Lubji". Armstrong nhướng mày. "Anh có thể có quyền phát hành đối với các ấn phẩm nghiên cứu khoa học của Đức, nhưng chẳng mấy lúc nữa nó sẽ quá lỗi thời, và lúc đó anh sẽ phải cần đến những tài liệu mới nhất của Nga. Đó là nếu anh muốn là người đi đầu trong trò chơi này".
"Đổi lại anh muốn gì?" Armstrong hỏi, xúc một thìa trứng cá.
"Thôi, hãy biết vậy đã, Lubji. Thỉnh thoảng tôi sẽ liên hệ với anh".
Top Truyện Hot Nhất
Truyện hot hiện nay
Bình luận
Sắp xếp