Que Kem Nhà Tôi

Chương 2: Kết oán với que kem


Chương trước Chương tiếp

Lội ngược dòng về, bao nhiêu năm nhỉ? Thôi làm biếng tính quá đi. Lúc đó tôi năm tuổi (đơn giản cho dễ nhớ), đã là một cô bé má lúm đồng tiền xinh xinh, rất hòa đồng với mấy đứa bạn trong lớp. Có một thằng con trai đê tiện (xin lỗi ông xã nha) đã cướp mất nụ hôn đầu tiên của tôi, dù đó chỉ là hôn má. Mọi người đừng tưởng rằng trẻ con chưa biết gì, anh xã nhà tôi thế nào, người thanh mai trúc mã của anh là tôi đây hiểu rõ hơn ai hết. Thế mà nhiều lần hỏi anh lúc đó bộ đã chú ý tới tôi sao, anh vẫn ngoan cố không bao giờ cho tôi biết đáp án, mặc tôi dùng quá chừng kế. Ba mươi sáu kế, đối phó anh, mỹ nhân kế là thượng sách. Còn anh, ba mươi sáu kế chẳng biết áp dụng, vậy mà kế của tôi lại phản chủ mới đau, toàn là tôi rốt cục bị ăn ngược trở lại. Quá trình thế nào mọi người tự bổ não đi nha. Việc riêng trong nhà không thể nói.

Chúng tôi đã quen biết nhau thế đó. Nghĩ lại, hóa ra ngay từ lúc năm tuổi tôi đã có số nữ vương rồi. Hôm đó, bị anh hôn lên má, dù không thấy rõ anh, không phải bắt gian tại trận, tôi vẫn tức giận đùng đùng, khóc, hét với tất cả khả năng có thể. Sau khi cô giáo chạy tới bên cạnh tôi, tôi bèn mếu máo kể lể: “Cô ơi bạn đó ăn hiếp em, hu hu”. Anh hiền lành, mang vẻ mặt ngây thơ như chẳng biết chuyện gì đang xảy ra, nhưng vẫn chạy tới bên cạnh tôi, nắm lấy tay tôi xoa xoa. Tôi giật người, đẩy anh té xuống đất. Nào ngờ, đầu anh va vô cạnh bàn học, chảy máu. Anh òa khóc nức nở. Ngay sau đó, cô giáo xinh đẹp của tôi liền chạy tới giúp anh, đưa anh đi cầm máu, còn tôi thì bày ra bộ mặt hí hửng khi người gặp họa. Kể từ đó, các bậc phụ huynh đáng yêu đã bị hù cho sợ, bỏ hết tất cả các loại bàn cây có góc cạnh đi. Nhờ vào sự kiện này, mỗi lần đi học, anh đều sợ tôi, nhìn tôi mà không dám nhìn, vẻ mặt như là gặp phải ma vậy.

“Nói, tại sao khi đó bạn lại đi hôn lén mình! Đừng tưởng mình không thấy thì mình không biết!”

“Mình không có hôn bạn, mình thật sự không có mà, hu hu hu!”

Kể từ ngày cậu nhóc gặp tai nạn, tôi được dịp hả dạ vài ngày khi thấy trên đầu cậu nhóc lúc nào cũng có miếng băng gạc trắng quấn quanh. Khi nghe đồn cậu nhóc vì siêng năng quá mức mà tới trường sớm, không chịu ở nhà nghỉ ngơi, tôi cùng đám bạn gái chạy tới lêu lêu cậu, chọc phá cái băng quấn trên đầu cậu, gọi cậu là: “Đồ đầu trắng, củ cải trắng, lêu lêu” khiến cậu nhóc khóc thét lần hai, sau đó nghỉ học luôn một tháng. Một tháng sau, khi cậu trở lại nhập học, tất nhiên tiếp tục trở thành trò tiêu khiển chọc phá của tôi.

Vài tháng sau, cậu nhóc đó bỏ học, chuyển sang trường khác. Tôi đắc ý vô cùng, nhưng không hiểu sao lại thấy buồn như vậy. Ôi đồ chơi của mình đi mất tiêu rồi.

Đáng lẽ ra, trẻ con rất dễ quên đi những việc phát sinh hồi bé con của mình. Nhưng không hiểu sao, những kỷ niệm vui vẻ hồi cái thời mẫu giáo đó, lúc tôi vui vẻ bắt nạt anh, lúc anh cướp đi nụ hôn đầu của mình, lại cứ ở lì trong đầu tôi. Nó giống như một chiến công vậy, khiến tôi khó lòng quên đi được. Thôi, âu cũng là định mệnh đã sắp sẵn, khiến tôi ai không chọc lại chọc đến anh, khiến tôi không thể nào quên anh, khiến chúng tôi thành oan gia, đấu đá nhau suốt đời.

Tôi học tiểu học ở trường làng, từ nhỏ đã mang tiếng học giỏi. Tôi rất ít khi cố sức học bài, đến nỗi mà có khi chỉ cần ngồi nhẩm vài ba phút là tôi có thể học xong cái bài ghi nhớ trong môn tiếng Việt. Đối với môn toán cũng vậy, hồi tiểu học, không có một bài toán nào trong sách mà tôi không giải ra. Thế cho nên, từ nhỏ, tôi đã có tư tưởng rằng mình lúc nào cũng hơn người khác, mặc dù ngoài mặt, tôi luôn cố tỏ ra mình là đứa khiêm tốn vô cùng. Cái này có thể gọi là giả nai được không nhỉ?

Sang trung học cơ sở, tôi phải đi học xa hơn một chút. Nếu trước đây khi học tiểu học tôi chỉ cần đi bộ tới trường, thì bây giờ, tôi đã phải đạp xe đạp khoảng mười lăm phút mới tới ngôi trường nằm kế bên ủy ban xã. Ngày tựu trường hôm đó, gặp mặt cô chủ nhiệm khi bước vào lớp sáu, tôi hí hửng chuẩn bị tốt tinh thần trở thành lớp trưởng của lớp, bởi vì tôi chính là cựu lớp trưởng từ lớp một tới lớp năm của trường làng cơ mà. Vả lại tuy chuyển sang trường xã, hàng ngày tôi vẫn học chung với khoảng năm đứa bạn học cùng trường làng với tôi. Tụi nó đều biết rõ, tôi có thể làm tốt vai trò này, như vậy, thế nào tụi nó cũng đề cử tôi.

Trớ trêu thay, người tính không bằng trời tính, núi này cao vẫn có núi cao hơn. Tuy tụi bạn tôi, cũng là những đứa bạn thân từ tiểu học của tôi, đề cử tôi làm lớp trưởng, nhưng tôi vẫn vụt mất chức vụ này vào tay Duy.

Duy là ai? Chính là một anh chàng rất là đẹp trai và tài giỏi trong mắt tôi lúc đó. Đến bây giờ nghĩ lại, tôi thật thấy tức tối. Ngày xưa Duy không những đã xài mỹ nam kế với tôi, mà còn xài với cả lớp học. Lúc đó vì mơ mơ màng màng trước cái vẻ đẹp trai của Duy, tôi đã cam tâm tình nguyện nhường cho Duy chức lớp trưởng. Sự thật tình cảnh lúc đó như thế nào, tôi cũng không nhớ rõ. Tôi chỉ biết sau này Que kem nhà tôi kể lại rằng, khi đó anh đang ngồi ở một góc trong lớp, nhìn thấy một đứa con gái ngơ ngẩn nhìn thằng con trai tới mức suýt chảy cả nước miếng, đầu gật gật khi nghe cô giáo nói: “Cô nghe nói Duy từng làm lớp trưởng hồi năm lớp năm. Thảo em làm lớp phó học tập nha”.

Khi nghe Que kem kể lại, dù biết có hơn tám mươi phần trăm là đúng sự thật, tôi vẫn vô cùng tức tối: “Ê anh nói xạo vừa thôi, lúc đó anh làm sao mà nhận ra em là cái đứa ăn hiếp anh hồi nhỏ mà rình nhất cử nhất động của em, chú ý em nhiều như vậy được?”.

Anh xã thở dài, tôi quay sang giật mình: “Hả? Vậy là lúc đó anh đã biết …, đã biết em là…”.

Anh nhếch môi: “Ngốc, lúc đó chỉ có em là không nhận ra anh thôi. Còn anh, có là ma anh cũng nhận ra em”. Nói xong, anh còn quay đầu, nghiêng người, kề mặt sát mặt tôi, ra vẻ hâm dọa, tức tối. Tôi tức giận, nổi đóa, lấy tay véo anh một cái thật đau. Thì ra lúc đó anh giả vờ không quen tôi cả một thời gian dài, thì ra anh nhiều lúc ngoảnh mặt, liếc xéo tôi khi đó không phải vì nhìn rõ đuôi cáo chảnh chẹ, tiểu thư của tôi, mà còn là vì anh ghi thù rất rất lâu. Được lắm, que kem à, anh chờ đó, cái chăn em mua hồi Tết anh có dịp xài rồi đó nha.

Nhớ về cái thời trung học cơ sở đó, tôi cảm thấy có quá nhiều chuyện vui buồn đáng nhớ. Trong buổi học đầu tiên đó, ông xã nhà tôi lúc ấy chỉ là một thằng con trai ốm nhách, gầy như que củi, chứ chưa được que kem nữa. Lúc đó, nhìn từ bên ngoài, anh rất tội. Anh ăn mặc lem luốc, quần áo hơi cũ. Chiếc áo trắng anh mặc lúc nào cũng sờn và ngả màu. Nhưng được cái là cách anh chăm sóc tóc tai, chăm chút sao cho gọn gàng vẫn cho người đối diện cảm giác anh rất hiền lành và đúng kiểu thư sinh, kiểu như là “Nghèo cho sạch, rách cho thơm”. Lúc đó, đúng là tôi không nhìn ra anh là Củ cải trắng năm đó. Cho nên cái ngày tôi được cô giáo xếp ngồi cạnh anh, tôi nhìn anh, cố gắng nở nụ cười tươi nhất: “Chào bạn, mình tên là Thu Thảo. Hồi nãy bạn cũng biết rồi đó, mình là lớp phó học tập. Vì vậy có gì bạn không hiểu bài cứ hỏi mình nha”. Tôi cố sức ra vẻ một cô bạn lớp phó gương mẫu nhất, đáng yêu nhất, hòa nhã nhất. Thế mà lúc đó, anh ngoay ngoắt một trăm tám mươi độ, quay sang thằng bạn ngồi kế bên nói chuyện vui vẻ (tại cái bàn bốn người ngồi mà), trước khi quay người còn liếc tôi một cái. Được lắm, dám tạt nước lạnh tôi như vậy, tôi không có biện pháp gì trả thù cái que củi này, tôi làm sao xứng đáng với cái danh tiếng ngời ngời của tôi.

Tụi bạn thân của tôi gồm có con Thắm khù khờ, lúc nào cũng ngu ngơ, cái gì cũng không nói, không lên tiếng, được cái là nó rất tốt với bạn bè. Thứ nhì là con Loan nhỏ con, da trắng hồng hào, lúc nào cũng cho mình là lớp trưởng đanh đá của lớp sáu trên bốn, tuy nhiên chẳng ăn hiếp được ai. Thứ ba là con Thu trầm tính, vẻ thùy mị, là đứa con gái mà nhiều thằng con trai trong trường cả nể và thầm thương trộm nhớ, cũng là lớp trưởng lớp sáu ba. Chỉ có tôi và con Thắm là lớp phó, tôi sáu hai, nó sáu sáu. Bốn đứa tụi tôi đều là những đứa học giỏi, giữ chức lớp trưởng hay lớp phó, nên nổi tiếng nhất trường. Tất nhiên, với lí lịch trích ngang như trên, Thu vẫn là đứa nổi danh số một.

Nhiều lúc tôi không hiểu, tại sao mình không thân với một đứa nào hồi học trường làng chung với mình mà lại thân với ba đứa kia, khi bắt đầu vào học cấp hai. Thế là tôi lại tua lại những kỷ niệm của tôi với tụi nó trong đầu. Dường như mọi ký ức của tụi tôi đều ùa về là những buổi đi học thêm toán nâng cao, những buổi luyện thi học sinh giỏi, những buổi học thêm tiếng Anh nữa. Có lẽ khi đó, cùng cấp độ lớp trưởng lớp phó, cộng với cái thói chảnh chẹ tiềm tàng của tôi, nên tôi quen và thân với tụi nó. Vả lại tụi tôi lại học thêm chung nhiều môn nữa. Ở một vùng quê nghèo, dù là trường xã, chuyện học thêm dạy thêm đối với học sinh bấy giờ vẫn còn rất khó khăn. Cho nên những đứa được đi học thêm như tụi tôi, toàn là những đứa gia cảnh khá nhất vùng, là những đứa mà sau khi học thêm xong, còn ráng vi vu đi mướn truyện ở quán truyện kế bên trường, rồi ghé tiệm nước mía đọc khí thế, giải quyết xong những cuốn truyện tranh chỉ trong một tiếng, mà còn là vừa xem vừa tám với nhau.

Nhắc tới cái tính thờ ơ, vô tâm của tôi, tôi cảm thấy là lo di truyền mà ra. Nhớ có lần, tôi đi chơi nhà Thúy – đứa bạn mà tôi khá thân trong lớp – tới gần ba giờ chiều mới về, dù tôi học buổi sáng, tan lúc mười một giờ. Vốn đinh ninh là phen này mình xong rồi, mẹ thế nào cũng chửi cho xem, cái tội đi bụi không về nhà đúng giờ. Vừa đạp xe về nhà, tôi vừa tưởng tượng cha mẹ có khi còn đi kiếm mình khắp nơi, bản thân mình đã gây ra tội lỗi tày trời. Thế mà, khi về nhà, mẹ tôi vẫn say sưa ngồi coi phim chiều. Thấy tôi về, mẹ phán một câu xanh rờn: “Cơm để dưới lồng bàn. Ăn đi con”. Sau đó, mẹ tiếp tục dí mắt vô cái màn hình ti vi mà nhà mới mua năm ngoái.

Cha của tôi không biết thương mẹ tôi bao nhiêu, chỉ biết rằng cha rất trân trọng mẹ. Rất ít khi thấy hai người cãi nhau, mà hình như là gần như không có. Lúc tôi hỏi mẹ chuyện này, mẹ nói có cãi đó chứ, chỉ là cãi khi con đi học, nên không thấy đó thôi. Cái thời đó, nhà làm gì có máy giặt, mà vùng quê nghèo cũng chẳng có tiền để mua, lại không có nước máy để xài nữa, vì nhà tôi chỉ toàn hứng nước mưa vô cống mà xài. Tuy phải giặt đồ bằng tay, nhưng cha chưa từng để mẹ giặt cho bao giờ. Cha lúc nào cũng tự mình giặt đồ. Chỉ có tôi là khỏe nhất, được cha mẹ cưng, lúc nào cũng để mẹ giặt dùm mình. Có lần tôi nói với cha: “Cha sợ mẹ con giặt đồ không sạch nên cha tự giặt chứ gì”. Cha quay sang mắng tôi: “Bậy bạ, cha là cha thương mẹ con nhất, không muốn mẹ con cực, biết chưa. Đừng có mà tối ngày chỉ biết nói móc cha. Có giỏi thì ra đường nói móc người ta kìa”. Tôi ngậm miệng, nhưng bụng vẫn tức anh ách: “Ra ngoài con phải giả bộ thục nữ chứ sao. Cha không biết gì hết. Đừng tưởng con không biết cha nghĩ cái gì. Ai mà suốt ngày chỉ toàn hỏi mẹ mấy câu như: “Bà xã rau này em rửa chưa. Bà xã cơm này em vo mấy nước vậy? Bà xã để anh lau nhà thêm lần nữa”. Ôi cái bệnh sạch sẽ của cha, ở chung với cha mười mấy năm nay, chẳng lẽ con không biết sao. Vậy mà cha còn giả vờ.”

Trở lại với cái thuở ngồi chung bàn với anh xã năm lớp sáu. Sau khi tôi bị tạt nước lạnh như vậy, tôi quyết tâm phải bám lấy thằng con trai này. Nó càng mặt lạnh với mình, mình càng dai như đỉa bám lấy nó, tươi cười với nó, cho nó tức chết chơi.


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...