Quan Cư Nhất Phẩm

Chương 847: Lai khách


Chương trước Chương tiếp

- Biểu hiện của Nặc Nhan Đạt Lạp ngươi cũng thấy đấy, mặc dù hắn hơi hèn nhát, nhưng là đại biểu cho tâm tính của người thảo nguyên. Họ là một dân tộc thờ phụng thực lực, nếu muốn khiến họ an tâm nghe lời ngươi an bài thì phải đánh cho họ phục trước.

Trong noãn thính, Thẩm Mặc nói cho Vương Sùng Cổ kế sách bình Mông của mình:
- Nhưng chỉ dựa vào vũ lực là không được, không thay đổi cách sống của người thảo nguyên, họ vẫn khó có thể khống chế, không thay đổi diện mạo bần cùng của họ, họ vẫn sẽ bí quá hoá liều, sa vào cường đạo, cho nên ta chuẩn bị hai dạng lễ vật khác tặng cho họ.

- Đại nhân nắm bắt rất sát vấn đề, nhưng không biết là hai dạng pháp bảo nào đây? - Vương Sùng Cổ hiếu kỳ hỏi.

- Một trong số đó, chính là mục đích mà các thương nhân tài trợ Phục Sóc. - Thẩm Mặc cười nói.

- Ngài nói là...lông cừu? - Vương Sùng Cổ sáng mắt ra.

- Không sai, chính là lông cừu. - Thẩm Mặc vuốt vê tấm thảm ngồi bằng lông cừu trong tay: - Đây là một thứ tốt, dùng để kéo tơ dệt ra đồ len dạ, nó có thị trường trong ngoài nước rất rộng. Mấy năm trước, không ít hương thân địa chủ phía nam thấy được điểm này nên đã thử làm chuồng nuôi cừu, nhưng đất lành cũng không phải cái gì cũng nuôi được. Cừu không quen khí hậu ở phía nam, chất lượng và sản lượng lông rất kém. Vì thế nên thôi.
Rồi y thản nhiên cười nói:
- Lúc trước ta bảo người nhắn với hắn, lẽ nào các ngươi không biết cố sự "Nam quất bắc chỉ" sao? cũng một đạo lý, cừu không thích hợp nuôi ở phía nam, nước ta đất rộng của nhiều, lẽ nào tìm không được nơi thích hợp để nuôi cừu?

- Sau đó khi họ nghe ngóng được, thì ra thảo nguyên tây bắc bất kể là khí hậu hay là thủy thổ đều rất thích hợp để chăn nuôi cừu. Huống hồ ở đây khí hậu lạnh cũng có thể nâng cao chất lượng xén lông cừu.

Thẩm Mặc thảnh thơi cười nói:
- Lúc này, các Tấn thương bỏ chủ ý tới ngành tơ dệt, bông vải, cũng bắt đầu tiến công vào ngành dệt len. Thế là song phương ăn nhịp với nhau, quyết định phương bắc bỏ tiền bỏ người, phía nam xuất kỹ thuật. Song phương hợp tác khai phá Hà Sóc, cho nên mới sẽ giựt giây khai chiến, chủ động cho triều đình vay tiền chiến tranh.

Y nói nghe thì đơn giản, kỳ thật ngẫm lại đủ biết phía sau chuyện này còn không biết có bao nhiêu báo giấy tuyên truyền oanh tạc, nhiều lần đại biểu đàm phán bàn bạc nữa.

Nhưng bất kể thế nào thì thương nhân xuất tiền, triều đình xuất binh đã trở thành sự thật rồi, ai cũng không thể đổi ý, chỉ có thể một đường đi đến cùng thôi.

- Nói đến nuôi cừu tự nhiên không có mục dân nào tốt hơn người Mông Cổ, cho nên sau khi khống chế Hà Sóc sẽ do Tấn thương phụ trách thuyết phục các bộ lạc Mông Cổ nuôi thả cừu trên diện tích lớn, mùa xuân cung cấp lương thực, công cụ cùng với vật tư sinh hoạt cần thiết cho họ. Đợi đến mùa hè thì sẽ lấy giá cả hợp lý thu mua lông cừu. Cứ như vậy sẽ giải quyết được vấn đề nguyên liệu của ngành dệt len. Thứ hai, có thể giải quyết vấn đề sinh kế cho người Mông Cổ, khiến họ có thể chuyên tâm chăn thả, không còn dựa vào cướp bóc mà sống nữa. Thứ ba sẽ khiến người Mông Cổ trên kinh tế phải dựa vào Đại Minh mà sống. Thật ra nó đều đáng tin hơn bất cứ loại quan hệ nào. Hơn nữa song phương theo như nhu cầu, đều có thể có lợi, hợp tác mới có thể lâu dài." - Thẩm Mặc ngồi trên kháng nói.

- Như vậy thậm chí có thể thay đổi phương thức sinh tồn của họ. - Vương Sùng Cổ sáng mắt lên: - Làm cho họ trở thành một bộ phận của kinh tế Đại Minh! Đến lúc đó cho dù vương công Mông Cổ muốn gây chuyện cũng chưa hẳn có nhiều mục dân đồng ý theo.

- Ai nói không phải đâu. - Thẩm Mặc gật đầu cười nói: - Hơn nữa nguồn lao động của ngành dệt len cần nhiều hơn so với nông nghiệp, có thể giúp Vương tổng đốc giải quyết vấn đề lưu dân làm phức tạp Cam Thiểm đã lâu.

- Xem ra chuyện này thuộc hạ còn phải ra sức ủng hộ rồi. - Vương Sùng Cổ chợt cao hứng nói.

Cái gọi là lưu dân, chính là bởi thổ địa sát nhập mà mất đi sản nghiệp, nông dân phá sản xa rời quê hương. Vấn đề sinh tồn của những người này đã thành nguy cơ, sức ăn mòn và thiệt hại của nó đối với sự thống trị trật tự của phong kiến khó mà tưởng tượng. Nói tổng thể thì nông dân Trung Quốc khá cần cù, nhưng nhát gan sợ phiền phức, lực nhẫn nại rất mạnh, nếu như không đến tình cảnh sơn cùng thủy tận, cùng đường bí lối, họ kiên quyết sẽ không chó cùng rứt giậu. Cho nên sự xuất hiện của rất nhiều lưu dân thường thường ý nghĩa vương triều này đã đến hồi chuông cảnh báo rồi.

Chu Nguyên Chương, lưu dân xuất hiện tại Nguyên mạt có nhận thức sâu sắc đối với việc này, cho nên sau khi ông ta thành lập bản triều từng tam lệnh ngũ thân rằng: 'Người làm ruộng sẽ theo số nam đinh mà phát ruộng đất. Để người ngheo cũng có tài sản, người giàu không được thôn tính. Nếu như kẻ thôn tính nhiều làm của mình khiến bần dân không có đất thì nghiêm trị không tha.' Đồng thời hạn lệnh vương công các đại thần, sơn trường thuỷ bộ điền địa của họ cũng phải cấp phát theo quy định, không được quá phận chiếm làm của mình. Thậm chí còn làm thiết bảng cửu điều thân giới công hầu, nghiêm cấm công thần cùng công hầu ỷ thế chiếm đoạt ruộng đất của quan dân.

Vì ngăn cản lưu dân sinh sôi tại Đại Minh, để nông dân an tâm trồng trọt, Chu Nguyên Chương còn chế định "chế độ lộ dẫn". Cái gọi là "Lộ dẫn" chính là giấy thông hành, cần phải xin của quan phủ địa phương. Không có lộ dẫn thì sẽ không thể tùy tiện rời bỏ ruộng đất, như vậy đã quản chế việc đi lại của nông dân trong vòng 100 dặm.

Nhưng mà sự tình lại bị phá hủy ở trong tay ông ta. Sự thương yêu của Chu Nguyên Chương đối với đám con cháu đã tạo nên số lượng tôn thất kinh khủng nhất trên đời. Đời sau của đám tôn thất này trên chính trị không thể xuất đầu, cũng chỉ có thể theo đuổi hưởng thụ xa xỉ, liền lợi dụng đặc quyền đối với bách tính và quan phủ địa phương, trắng trợn thôn tính ruộng đất. Tôn thất chiếm đoạt đất đai, tầng lớp đặc quyền khác tự nhiên đều làm theo, văn võ huân quý, ngoại thích thái giám, thân hào quan lại, không ai nhường ai chiếm đoạt của bách tính. Kết quả của nó là... Căn cứ vào Ngư Lân sách (một loại sách đăng ký ruộng đất) của năm Hồng Vũ thứ 26, tổng số ruộng đất toàn quốc là trên 850 vạn khoảnh, đến năm Hoằng Trị thứ 15 lại giảm còn 420 vạn khoảnh. Phân nửa bị giảm đi này chính là các tầng lớp đặc quyền thôn tính, cho nên không ở quan sách.

Lần này trước khi đo đạc đất trong phạm vi toàn quốc, Đại Minh đã có 70 năm chưa có đo đạc rồi, mặc dù kết quả vẫn chưa có, nhưng căn cứ vào thuế má thụt lùi, cũng có thể biết tại sách đất đai đã bị giảm đi phân nửa.

Thật ra 850 vạn khoảnh của năm Hồng Vũ thứ 26 là một con số thấp nghiêm trọng, ngoại trừ đại lượng ruộng đất chưa khai khẩn nên chưa được thống kê, còn có đại lượng ruộng đất đã bị tầng lớp đặc quyền giấu đi. Mà hiện tại đã thái bình 200 năm, nhân khẩu tăng mạnh, sông núi đất rừng, khe sâu sườn núi, phàm là nơi có thể khai khẩn đều đã được khai phá. Đất trong danh sách của Đại Minh hoặc là nói ruộng đất trong tay nông dân bình thường lại giảm mạnh đến trình độ này.

Kết quả chính là số lượng lớn trung nông chuyển hóa thành tá điền, bị ép tiếp thu hai tầng bóc lột của địa chủ và quốc gia, năm được mùa còn không chịu nổi gánh nặng, vừa gặp thiên tai thì triệt để phá sản. Khi công việc lao động chân tay vất vả cũng không thể no bụng, còn phải chịu thuế ruộng và cho vay nặng lãi, các tá điền đành phải lưu vong.

Tá điền lưu vong càng nhiều, sưu cao thuế nặng mà trung nông phải gánh vác cũng càng trầm trọng, vì vậy nông dân có ruộng cũng bắt đầu vứt bỏ ruộng trốn đi. Lại bởi vì chế độ lộ dẫn của bản triều, những nông dân lưu vong này đến vùng khác bị quan phủ đuổi bắt, tự nhiên trở thành cái gọi là lưu dân. Loại hiện tượng này xuất hiện khắp nới trên toàn quốc, nhất là Cam Thiểm, Hà Nam, Sơn Tây, các tỉnh phương bắc nghiêm trọng nhất.

Khu vực phòng thủ của Vương Sùng Cổ chủ yếu tại Cam Thiểm. Ở đây đất đai cằn cỗi, sản xuất lạc hậu, thuế má và lao dịch nghiêm trọng, lại còn thêm mấy năm liên tục xảy ra thiên tai, cuộc sống nông dân càng gian khổ hơn các vùng khác. Vùng này vừa Mông, Hán, Hồi, là vùng các dân tộc đấu tranh kịch liệt, các loại mâu thuẫn gay gắt, cho nên hiện tượng lưu dân nghiêm trọng nhất.

Thật ra mấy năm gần đây theo Ngạc Nhĩ Đa Tư bộ suy thoái, áp lực biên phòng của Đại Minh đã Đông di, chủ yếu tập trung tại vùng Tuyên Đại và kế liêu, mà nhiệm vụ chủ yếu của tây tam biên cũng từ ngăn Mông Cổ xâm lấn trước kia chuyển thành đàn áp các khởi nghĩa nông dân liên tục. Cho nên lần này Phục Sóc tác chiến, Vương Sùng Cổ sau khi chắt bóp ra 4 vạn tinh binh, đã không thể điều thêm binh mã xuất quan nữa, bằng không cảnh nội sẽ xảy ra đại loạn.

Làm sao giải quyết vấn đề lưu dân, đó là nhiệm vụ trọng đại quan hệ đến sự tồn vong của vương triều. Cho tới bây giờ, bao gồm những nhà cải cách trác việt như Cao Củng và Trương Cư Chính cũng chỉ đặt ánh mặt trên việc đả kích thôn tính ruộng đất. Nhưng Thẩm Mặc biết, như vậy hoặc là nhất thời có thể dựa vào cường quyền đạt được đột phá, nhưng kết quả của việc tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích của tập đoàn quan thân chính là nhân vong chính tức, thậm chí nhân còn chưa vong, chính đã tức trước rồi.

Chịu hạn chế của thời đại, Cao Củng và Trương Cư Chính không thể cởi ra bế tắc này, nhưng Thẩm Mặc có tri thức siêu việt thời đại, y biết còn có một loại biện pháp đã đạt được hiệu quả có thể dưới điều kiện không tổn hại lợi ích cá nhân lại có thể giải quyết được vấn đề lưu dân.

Then chốt của nó ở chỗ, có thể mở ra một hoặc mấy bộ môn công nghiệp tại quốc nội có năng lực sản xuất và tiềm lực phát triển, cũng có thể đưa vào thị trường quốc tế, chuyển dời sức lao động từ các bộ môn nông nghiệp truyền thống, tự cấp, có giá trị sản lượng theo đầu người rất thấp thành các bộ môn công nghiệp có giá trị sản lượng theo đầu người đề cao trên diện rộng, hoàn thành chuyển biến thu nhập quốc dân từ giảm dần đến tăng lên. Trong quá trình này, giới quyền quý địa chủ sẽ chuyển hóa thành các nhà tư bản công nghiệp, do đó trở thành lực lượng thúc đẩy tiến bộ xã hội, đây chính cái gọi là con đường công nghiệp hoá.

Điều này làm cho Vương Sùng Cổ vẫn khổ vì vô pháp phá cục bỗng có loại cảm giác "Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn", hắn không khỏi hăng hái nói:
- Xem ra công thương nghiệp vẫn là rất quan trọng.

- Nhưng Đại Minh yêu cầu không phải là giá trị trao đổi, mà là năng lực đề cao sản xuất. - Thẩm Mặc nghĩ đến những năm gần đây, phương hướng phát triển của công thương nghiệp Đại Minh, y không khỏi cười khổ nói: - Đề thăng thực lực quốc gia còn quan trọng hơn cả theo đuổi tài phú, đạo lý này mấy người có thể hiểu chứ?
Rồi y phẩy tay nói:
- Lạc đề quá xa rồi, việc này để hôm khác nói tiếp đi.

Vương Sùng Cổ gật đầu nói:
- Đại nhân nói tam quản tề hạ, vũ lực tính một cái, lông dê tính một cái, còn thứ ba là cái gì?

- Thứ ba, chính là tôn giáo. - Thẩm Mặc ánh mắt sâu thẳm nói: - Ta muốn cho tôn giáo thay thế chiến tranh, trở thành công cụ duy trì thống trị quý tộc Mông Cổ, đây cũng là nguyên nhân vì sao ngày hôm nay ta nói nhiều với Nặc Nhan Đạt Lạp vậy.

- Tôn giáo. - Vương Sùng Cổ nhỏ nhẹ nói: - Môn phái nào?

- Đạo Lạt-ma. - Thẩm Mặc nhàn nhạt nói.

- A, thì ra là Phật Giáo Tây Tạng.

Vương Sùng Cổ không xa lạ gì cái này. Giáo này có nguồn gốc tại Tây Tạng, rất phổ biến tại Thanh Hải, nó có tác dụng như phật giáo, tuyên truyền tứ đế ngũ minh, lục đạo luân hồi, coi trọng là tu kiếp sau, cho nên đặc quyền của quý tộc là "thiện báo" được tu hành từ kiếp trước, mà vất vả chịu khổ chịu tội là bởi vì "ác báo" của nghiệp chướng kiếp trước, có thể khiến tín đồ an tâm với hiện trạng, tự nhiên có lợi đối với thống trị quý tộc.

- Nhưng người Mông Cổ không phải là tin đạo Tát Mãn sao? - Vương Sùng Cổ hỏi: - Tín ngưỡng lẽ nào có thể đơn giản thay đổi được?

- Tôn giáo khác không thể, nhưng đạo Tát Mãn có thể, bởi vì nó cũng không tính là một môn tôn giáo. Nó không phải do cá nhân nào đó sáng lập, mà là nương theo sự xuất hiện của bộ lạc nguyên thủy mà sinh ra, đối tượng sùng bái cực kỳ rộng khắp,, động vật thực vật sông núi đều có thể trở thành tín ngưỡng của nó. Không có kinh điển thành văn, không có tổ chức tôn giáo, không có chùa miểu, cũng không có thống nhất, nghi lễ tôn giáo theo quy phạm hoá, càng không có giáo lí. Nó hoàn toàn dựa vào Vu sư của bản bộ lạc khẩu truyền thân thụ theo thời đại, có thể nói tôn giáo của nó lực lượng rất yếu. Hơn nữa bởi vì thần tượng giữa các bộ lạc sùng bái không giống nhau, không những không có lực ngưng tụ, trái lại còn có thể dẫn đến nội loạn vĩnh viễn.

Thẩm Mặc giải thích cho Vương Sùng Cổ:
- Thứ gì đạo Tát Mãn không có, Phật Giáo Tây Tạng đều có, căn bản không phải đối thủ của cái sau. Hơn nữa quan trọng nhất là, kinh nghiệm thành công của đạo Lạt-ma tại đất Tạng cho thấy, bọn họ quả thật có thể hóa đi lệ khí của dân tộc thiểu số, khiến cho sức chiến đấu của họ giảm xuống rất nhanh.

- Ngẫm lại cũng đúng. Bắt đầu từ Tống triều, người Thổ Phiên vẫn không đối địch với Trung Nguyênm trái lại còn chủ động triều cống, bản triều càng như vậy. - Vương Sùng Cổ gật đầu nói: - Sức chiến đấu cũng quả thật giảm mạnh, hơn 10 vạn Tạng dân Thanh Hải bị hơn 1000 tàn binh bại tướng của Ngõa Thích (bộ lạc Oát Diệc Thích) khi dễ. Lẽ nào thật sự có quan hệ tới đạo Lạt-ma sao?

- Đương nhiên không tuyệt đối như vậy, nhưng quả thật quan hệ rất lớn. Ta suy nghĩ, nguyên nhân đại thể có ba. Một chính là vừa mới nói, đạo Lạt-ma tuyên truyền chỉ cầu kiếp sau, khiến tín đồ nhẫn nhục chịu đựng, tính khí hung tàn đã bị tiêu mòn hết bởi thắp hương niệm Phật. Thứ hai, tăng nhân của họ tuần hoàn, 'Nhị bất giới luật', một không tham gia sản xuất lao động, hai không cưới vợ sinh con. Điều này đối với Phiên tộc nhân khẩu vốn đã thưa thớt thì có ý nghĩa nhân khẩu và sức chiến đấu giảm xuống. Thứ ba chính là sau khi chính giáo hợp nhất, người Tạng đã không còn lý do để chiến đấu, trường kỳ bất chiến tất sẽ vong chiến, bị người Mông Cổ khởi phục cũng là hợp tình lý.

Thẩm Mặc uống cạn ly rượu lại nói tiếp:
- Đối với dân tộc thảo nguyên du mục thì dùng đạo Lạt-ma thay thế đạo Tát Mãn còn có một tác dụng, đó chính là có thể thu hút các mục dân du đãng bất định khắp nơi trước kia tới khu vực tương đối cố định. Bởi vì đạo Tát Mãn tế bái núi đá, cây cối, hồ nước, có thể tại bất cứ địa phương nào cử hành nghi thức tôn giáo, nhưng sau khi chuyển sang đạo Lạt-ma thì nhất định phải có chùa chiền mới được. Chính gọi là hòa thượng chạy trốn được nhưng miếu thì không!

- Như vậy tam quản tề hạ, phối hợp lẫn nhau, trải qua thời gian dài, đám con cháu bướng bỉnh của Thành Cát Tư Hãn cuối cùng cũng sẽ trở thành thuận dân của Đại Minh ta!

Cuối cùng, Vương Sùng Cổ bái phục khen:
- Lần đầu tiên ta có hy vọng đối với bình định cửu biên rồi!

Lần gặp sau, Thẩm Mặc khôi phục tự do cho Nặc Nhan Đạt Lạp, cho phép hắn tùy ý ra vào hành dinh tổng đốc, cũng có thể tự do đi lại trong Du Lâm bảo. Nói chung ngoại trừ không thể ra ngoài thành, hắn muốn làm cái gì cũng được. Nặc Nhan Đạt Lạp bị nhốt tới gần 2 tháng, cả ngày chỉ nhìn bốn vòm trời trên đỉnh đầu, hắn đã sớm bứt rứt khó chịu, muốn ra phố đi dạo rồi.

Thế là thừa dịp một ngày trời quang, hắn bảo một binh đinh hầu hạ dẫn mình ra phố đi dạo. Binh đinh liền thay một bộ đồ khác cho hắn, bận thành hình dạng như quân quan, rồi dẫn hắn ra khỏi phủ tổng đốc, tham quan phong tình thành Du Lâm.

Trong ấn tượng của Nặc Nhan Đạt Lạp, thành Du Lâm có lịch sử lâu đời, từ xưa là chỗ xung yếu tại Tây Bắc, còn là trọng trấn một trong cửu biên của bản triều, dân phong bưu hãn. Khi lần đầu hắn tới đây nhìn thấy đều là binh mã dân phu đầy thành, hỗn loạn, tiếng huyên náo, bách tính không chịu nổi quấy nhiễu nên cửa hàng phần lớn đóng cửa, không hề có vẻ phồn hoa lộng lẫy như trong tưởng tượng.

Nhưng lần này đi ra ngoài, hắn lấy tâm bình khí hòa tỉ mỉ nhìn, thật ra đường phố nơi đây chỉnh tề, phòng ốc đẹp, bất kể từ phương diện nào cũng tốt hơn nhiều thành Tế Nông của mình.

Hơn nữa hắn phát hiện, lúc trước khi tới đây thì con đường hỗn loạn, đầy phân trâu ngựa, lần này nhìn thì đã trở nên khang trang hơn... Rác trên mặt đường đã được quét dọn sạch sẽ, đại đội dân phu cũng đã giải tán để về nhà đón tết. Quan binh đi trên đường cũng không lôi thôi mà ăn mặc chỉnh tề, ngẩng đầu xếp thành hàng. Nhân mã đi tới đi lui rất nhiều đều như vậy, càng không có hiện tượng quấy nhiễu dân chúng.

Đối với loại chuyển biến này Nặc Nhan Đạt Lạp tự nhiên hiếu kỳ, hắn hỏi binh đinh đi cùng mình thì mới biết thì ra sau khi Thẩm đốc sư đến Du Lâm rất ghét thói quấy nhiễu dân chúng của quan binh, nên mới nghiêm lệnh chỉnh đốn quân kỷ, cấm tiệt nhiễu dân. Việc này đối với Thẩm Mặc cũng không phải mới mẻ gì. Khi tại Hàn Nam bình loạn y cũng đã cùng với Thích Kế Quang đem quân quy quân pháp đơn giản thông tục hóa, biên thành cùng loại như quân ca, tam đại kỷ luật bát hạng chú ý, yêu cầu mỗi một binh sĩ trong quân đều phải ca.

Sau khi trong lòng quan binh đã minh xác quân kỷ, liền do đội đôn đốc chuyên môn tùy thời giám sát, một khi phát hiện có người trái với kỷ luật thì dựa theo quân pháp nghiêm trị không tha. Cũng đưa ra thứ hạng xử phạt đối với quan binh các doanh xai phạm, đơn vị thấp nhất sẽ nhận được tưởng thưởng các loại tinh thần và vật chất, gần như nhận lương gấp đôi trong tháng đó, ban phát cờ thi đua.v..v. Về phần quân quan đội sổ thì sẽ bị phê bình, thậm chí giáng chức. Dưới sự chỉnh đốn thưởng phạt phân minh này, chỉ trong gần thời gian 2 tháng. Quân phong quân kỷ trong Du Lâm bảo đã có chuyển biến tốt đẹp.

Dân chúng không còn bị quấy rối cả ngày, trong thành nhất thời có vẻ sinh khí nhiều...Các cửa hàng dần dần mở cửa lại, đại cô nương, tiểu tức phụ cũng dám lên phố, từ nam đến bắc các cửa hàng tạp hoá rực rỡ muôn màu, tửu quán tiệm cơm thơm nức mùi món ngon. Giữa các con phố tiếng rao hàng mời chào nhộn nhịp, thậm chí giữa chốn thanh lâu còn có tiếng sáo trúc truyền đến.

Đây vẫn là lần đầu tiên Nặc Nhan Đạt Lạp nhìn thấy cảnh tượng tấp nập ở thành thị của người Hán, hắn tự nhiên thấy thích, nghển cổ hết nhìn đông tới nhìn tây, giống như thế nào cũng nhìn không đủ. Binh sĩ bên cạnh không khỏi có chút tự đắc, thầm nghĩ mới có đến đây mà đã trấn trụ được Tế Nông Mông Cổ rồi, nếu đến thành Tây An nhìn, không biết có rơi cả tròng mắt hay không nữa... Đại Minh rất hợp với khẩu vị của mình, Nặc Nhan Đạt Lạp thầm nghĩ. Mặc dù Du Lâm phủ không phải là nơi trù phú của Đại Minh, binh còn nhiều hơn dân, nhưng đối lập với cảnh bần cùng khốn đốn, đấu tranh cầu sinh của các bộ lạc Mông Cổ cũng đã như trên trời dưới đất rồi.

**********

Dù sao hắn là Tế Nông Mông Cổ, cũng không thể rảnh rỗi liền ra ngoài đi loanh quanh, sau khi đi một lát, ăn vài món ăn Thiểm Tây liền trở lại hành dinh tổng đốc, đại môn không ra cổng trong không bước, chờ đợi vị quý khách mà Thẩm các lão nói giá lâm.

Nhưng mà đợi đến đầu tiên lại là tộc nhân của mình...

Khi hắn thấy con gái mình xuất hiện ở trước mắt, Nặc Nhan Đạt Lạp vẫn còn cho rằng là do mình nhớ nhung quá độ mà xuất hiện ảo giác. Mãi đến khi Chung Kim cất tiếng gọi "A ba", hắn mới định thần lại nhéo mu bàn tay mình một cái, nhếch miệng cười nói:
- Đau, xem ra không phải là đang nằm mơ.

- Đương nhiên không phải là nằm mơ rồi. - Chung Kim bảo mười mấy tùy tùng dọn ra cái lồng đem theo, kéo cánh tay hắn nói: - Vừa nhận được tin tức của phụ thân, con gái liền qua đây ngay, bao nhiêu vất vả mới được thấy ba đấy.

- Qua đây làm gì? - Nặc Nhan Đạt Lạp sủng ái nhìn khuôn mặt tuyệt mỹ của con gái, phát hiện nàng gầy đi không ít.

- Đương nhiên là chăm sóc ba rồi.
Thấy phụ thân không phải chịu ngược đãi, Chung Kim rốt cuộc cũng yên lòng:
- Cha đường đường là Tế Nông, bên người dù sao cũng phải có tộc nhân hầu hạ chứ?

- Cô bé ngốc, mình còn chưa chăm sóc cho mình được kìa. - Nặc Nhan Đạt Lạp kéo cánh tay con gái, thân thiết hỏi: - Thương thế của con tốt chưa?

- Tốt lâu rồi ba. - Chung Kim cười khanh khách nói: - Còn chạy nhảy được đây này.

- Thật tốt quá.

Nặc Nhan Đạt Lạp lại hỏi nàng về mẫu thân và hai ca ca, biết được đều khỏe mạnh hắn cũng yên tâm. Hắn lại kéo con gái ngồi xuống kháng, đưa bánh ngọt cho nàng ăn.

Thẩm Mặc không bạc đãi vị Tế Nông này chút nào, trên bàn bày tám loại bánh, bánh mứt táo, bánh móng ngựa, bánh xốp củ sen, bánh xốp táo, mọi thứ đều làm tỉ mỉ, người trên thảo nguyên đều chưa từng được ăn.

Chung Kim nếm một miếng liền không dừng được, miệng cứ thế nhét vào cổ, thiếu chút nữa bị nghẹn.

- Ăn từ từ, của con hết. - Nặc Nhan Đạt Lạp vội vàng rót cho nàng một chén trà táo đỏ, mắt đục đỏ ngầu nói: - Con gái phải chịu khổ rồi, có phải đã lâu rồi chưa có được ăn no không?

Chung Kim ngại ngùng đặt bánh trong tay xuống, cầm lấy ly trà cúi đầu nói:
- Các tộc nhân thời gian qua rất khổ...

- Ta cũng đoán vậy...
Nặc Nhan Đạt Lạp buồn bã nói:
- Tính tình của người thảo nguyên đều như lang, gặp phải đại nạn sẽ không có ai chịu giúp chúng ta.

Chung Kim nghe vậy cau mày, nhỏ nhẹ nói:
- Chỉ có thể tự mình cứu mình thôi.

- Đúng vậy. - Nặc Nhan Đạt Lạp hài lòng cười nói: - Xem ra con gái cũng có tâm tư như ba. Chỉ là không biết các ca ca của con thì sao?

- Các ca ca...
Chung Kim sửng sốt vài giây mới hiểu được ba đã hiểu lầm ý của mình, nhưng thoáng nghĩ qua nàng lại không có giải thích, có chút che giấu gật đầu nói:
- Đương nhiên nghe ba rồi...

- Vậy là tốt rồi, vậy là tốt rồi.
Nặc Nhan Đạt Lạp cảm thấy vui mừng nói:
- Ta còn lo lắng thanh niên nhân tính tình ương ngạnh, không biết suy nghĩ chứ.

- Không đâu. - Chung Kim cười tươi nói: - Chúng con thì biết gì? Vẫn là ba đứng cao, nghĩ xa.

- Đời sau càng mạnh hơn đời trước mới đúng chứ...
Nặc Nhan Đạt Lạp lắc đầu, nghiêm mặt hỏi:
- Đại ca con còn có tin gì cho cha không?

- Có!

Chung Kim lấy ra một tờ giấy trong ống tay áo rồi đưa cho phụ thân.

Nặc Nhan Đạt Lạp cầm lấy xem, là chữ của Biệt Hách, viết rằng: việc nói trên thư toàn do phụ thân làm chủ. Chỉ là nhanh nói người Hán đưa lương thảo tới để giải nguy nan của tộc nhân. Sau khi xem xong, Nặc Nhan Đạt Lạp nhíu mày suy nghĩ chốc lát mới gật đầu nói:
- Để ta xem có gặp lại Thẩm đốc sư hay không.

***************

Nặc Nhan Đạt Lạp không thể thấy Thẩm Mặc ngay được, bởi vì người sau lúc này đã đi về Tây 800 dặm, tự mình đến trấn Cố Nguyên để nghênh tiếp vị quý khách từ phương xa đến kia.

Rốt cuộc là người nào có thể khiến đường đường tể tướng Đại Minh, cửu biên đốc sư trịnh trọng đối đãi như vậy, điều này làm cho Vương Sùng Cổ dù biết nội tình cũng hết sức khó hiểu và hiếu kỳ.

Nhưng mà Thẩm Mặc biết, người này quan hệ đến tương lai giữa Đại Minh và Mông Tạng, cho đối phương một ấn tượng tốt đẹp là điều hết sức cần thiết vả lại đáng giá, người này tên gọi Sách Nam Gia Thố (Sonam Gyatso), chuyển thế Lạt Ma của phái Cách Lỗ (Gelugpa) Phật Giáo Tây Tạng, một nhân vật đã định trước phải lưu danh thiên cổ.

Thật ra rất lâu trước đây khi Thẩm Mặc nhậm chức Lễ bộ thượng thư đã từng viết thơ cho vị cao tăng này, mời hắn tới Bắc Kinh triều cống. Sách Nam Gia Thố hồi âm lại nhiệt tình, cũng phái lạt ma A Hưng có địa vị gần với mình mang theo cống phẩm hậu hĩnh vào kinh, nhưng vẫn chưa đích thân tới. Hiện tại sau khi nhận được Long Khánh duyệt qua, Thẩm Mặc lần thứ hai thông qua A Hưng lạt ma đang dự lễ tại Bắc Kinh, chính thức mời Sách Nam Gia Thố Lạt Ma đời thứ 3 của Triết Bạng Tự tới thăm Hán địa.

Thẩm Mặc vốn đoán là lấy cái mác Phật sống mình sẽ phải ba lần đến mời, nhưng mà không ngờ được chỉ hai tháng trôi qua Sách Nam Gia Thố đã có hồi âm, nói mình đang ở Thanh Hải truyền pháp, tùy thời có thể khởi hành, mời triều đình an bài hành trình. Thấy đối phương thống khoái đáp ứng, hơn nữa khoảng cách còn không xa, Thẩm Mặc hết sức cao hứng, một mặt thượng tấu hoàng đế, một mặt phái người gặp mặt Sách Nam Gia Thố, thương thảo với hắn về việc an bài hành trình cụ thể triều kiến. Bởi vì con đường từ Thanh Hải nhập Thiểm rất gian nguy, vả lại trộm cướp hoành hành, trạm dịch cũng không hoàn bị, Thẩm Mặc đặc biệt mệnh Lan Châu Vệ phân phối 2000 tinh binh hộ tống.

Đồng thời y còn mệnh lệnh xây dựng một tòa miếu Tu Di Phúc Thọ tại Du Lâm bảo để cho Lạt Ma ở dùng để giảng kinh. Lúc trước Nặc Nhan Đạt Lạp thấy cảnh tượng hỗn loạn bên trong thành Du Lâm hơn phân nửa là vì xây dựng tòa hoàng tự này. Thậm chí vì gặp mặt đàm đạo với đối phương khỏi phải xấu hổ, ngoài công vụ, khi rỗi rãi Thẩm Mặc còn học đặc ngữ Đường cổ, nghiên cứu Tạng sử, có thể nói y dụng tâm lương khổ.

Trên đường Sách Nam Gia Thố đi, Thẩm Mặc không chỉ tại ven đường phái người tiếp đãi, hơn nữa không ngừng biểu thị quan tâm và thăm hỏi của mình, còn đích thân đi tới Cố Nguyên chờ đón. Rốt cuộc cuối tháng chạp năm Long Khánh thứ 3 gặp được đoàn người Sách Nam Gia Thố trải qua mấy nghìn dặm đường vất vả đến đây.

Được vô số tác phẩm văn sử hậu thế tô vẽ, giống như Ngưu Lang gặp Chức Nữ, lần đầu tiên hai nhân vật vĩ đại gặp mặt thật ra là ở trong băng thiên tuyết địa. Hai người thanh niên bị lạnh đến nước mũi cũng bị đóng băng, sụt sịt hỏi nhau: "Ngài chính là Thẩm các lão?" "Ngài chính là Sách Nam Lạt Ma?", đợi đối phương gật đầu rồi, hai người mới gian nan nặn ra nụ cười, hoạt động thân thể nặng trịch ôm lấy nhau.

Năm đó, Thẩm các lão 32 tuổi, Sách Nam Gia Thố còn chưa đến 30 tuổi, mặc dù thân thiết ôm lấy nhau, nhưng trong lòng hai người không khỏi nghĩ thầm, sao người này còn trẻ thế nhỉ, rốt cuộc hắn có được việc không đây?

Tuy nhiên chỉ thoáng tiếp xúc hai người liền bỏ đi nghi hoặc này, phong độ khí chất của Thẩm Mặc tự nhiên khỏi cần phải nói. Sách Nam Gia Thố trẻ hơn y 5 tuổi cũng có thể khiến người hoàn toàn quên đi tuổi tác của hắn, thay vào đó là nhìn vào cao tăng đại đức.

Điều này cũng không lạ, bởi vì người ta là chuyển thế tới. Chuyển thế tương thừa là biện pháp đặc biệt để tìm người lãnh tụ kế thừa của phái Cách Lỗ. Trước khi Lạt Ma tiền nhiệm viên tịch sẽ tiên đoán phương vị chuyển thế của mình, sau đó do cao tăng của Tam Đại tự (Cam Đan Tự, Sắc Lạp Tự, Triết Bạng Tự) tìm kiếm, sau khi nhận định linh đồng chuyển thế sẽ mang về tự dốc lòng bồi dưỡng, đợi nó thành niên rồi sẽ tiếp chưởng quyền Lạt Ma.

Lạt Ma đời thứ ba của Triết Bạng Tự sinh ra trong một gia đình nông nô vào ngày 15 tháng giêng năm Gia Tĩnh thứ 22. Khi 4 tuổi được tăng chúng của Triết Bạng Tự xác nhận là "chuyển thế linh đồng" của Lạt Ma đời thứ hai và được đón vào trong tự, do ba vị cao tăng chủ trì lấy cho pháp danh là Sách Nam Gia Thố.

Sách Nam Gia Thố đáng thương từ đó ngày qua ngày bắt đầu cuộc đời nghiên cứu kinh Phật. Có lẽ hắn thực sự là chuyển thế linh đồng, tuệ tính thâm sâu, linh dị đặc biệt, khiến mỗi một cao tăng dạy qua hắn đều cảm thấy rất khâm phục, cũng càng thêm nhận định hắn là chuyển thế của Lạt Ma.

Sau khi trải qua 18 năm khắc khổ tu luyện, Sách Nam Gia Thố đã trở thành một cao tăng rất có phong thái, học phú ngũ xa. Bắt đầu từ hơn 10 tuổi hắn đã chu du khắp đất Tạng, giảng kinh truyền pháp, cũng dùng lực ảnh hưởng của mình tích cực làm hoạt động xã hội.

Vào năm hắn 14 tuổi, Sách Nam Gia Thố liền hòa giải bất hòa giữa Đông Đệ Ba và Quỳnh Cát đại nhân, khiến hai người đình chỉ giới đấu, cuối cùng hòa hảo. Sau đó tận sức tiêu trừ xung đột chảy máu giữa các thế lực, cũng giành được cho mình danh dự cực cao. Tại vùng hậu Tạng không ai không biết, sở hữu tín đồ vô số.

Khi 22 tuổi hắn chịu Tỷ khưu giới, giành được tư cách đảm nhiệm phương trượng Triết Bạng Tự. Mấy năm sau, tăng chúng của Sắc Lạp Tự, một trong Hoàng Giáo Tam Đại Tự cũng mời hắn kiêm nhiệm cai tự phương trượng... Trước khi tới Hán địa hắn tại Thanh Hải truyền pháp ba năm, quy y mấy vạn tín đồ, xây dưng ba tòa miếu lạt ma. Thử hỏi nhân vật như vậy ngươi làm sao dùng tuổi tác đi so sánh hắn được?

Hai người thanh nhiên tuổi còn trẻ mà đã thân cư cao vị gặp mặt nhau, rất có thể sẽ khó chịu lẫn nhau. Nhưng hai người đều là người tính tình khiêm tốn, lại đều mang trong lòng mục đích rõ ràng, hết sức nguyện ý kết giao với đối phương, cho nên vừa thấy mặt liền tỏ vẻ thương tiếc nhau, sau đó lời lẽ vui vẻ, thật như hận vì gặp nhau quá trễ.

Lộ trình từ Cố Nguyên về Du Lâm hết 10 ngày, hai vị này cả ngày ngồi ở trong xe nói chuyện...Đều là người học phú ngũ xa, tài trí hơn người, tự nhiên không thiếu đề tài.

Có lẽ lúc đầu tương giao còn có tính hiệu quả và lợi ích bên trong, nhưng hiện tại, họ quả thật đã đem đối phương là tri kỉ, xưng huynh gọi đệ.

Trên đời này còn có chuyện gì khiến người kích động hơn khi hai thiên tài vĩnh viễn sẽ không sản sinh cạnh tranh phát hiện ra đối phương thì ra là đồng loại?

Đợi khi thu xếp Lạt Ma trong căn miếu mới xây rồi, Thẩm Mặc như mới nhớ cái gì nói:
- Ngày mai ta sẽ dẫn vị Nặc Nhan Tế Nông tới bái kiến Lạt Ma.

***********
Buổi trưa ngày hôm sau, Thẩm Mặc đang ở trước phòng đợi Nặc Nhan Đạt Lạp đến thì thấy còn có một thiếu nữ thanh xuân đi cùng.

Tuy Thẩm Mặc mấy năm nay tâm như chỉ thủy, sớm đã qua cái tuổi háo sắc, nhưng thấy được thiếu nữ này y vẫn không khỏi sáng mắt. Thấy nàng trong bộ trang phục quý nữ Mông Cổ, tóc bim hai vai, trường bào xanh lá mạ khảm đường viền đỏ tươi hai bên, bên hông thắt dây lưng tết dây tua màu vàng hơi đỏ, đeo thêm một viên bảo thạch ngọc lục bảo trong suốt, vòng tay xanh biếc, ánh mắt thu ba, như Lạc thần xuất thủy diễm lệ kinh người!

Thẩm Mặc nhìn nữ tử này, nữ tử cũng đang đánh giá Thẩm Mặc, thấy y còn chưa tới 30, vóc người thon gầy, không tính quá cao, mặc cũng chỉ là bộ áo dài vải bông xanh tay áo rộng Tùng Giang. Nhưng y đứng đó, cái loại khí độ, phong thái đó lại không một công tử cẩm y ngọc đái nào có thể sánh bằng. Từ trước đến nay nàng cảm thấy phụ thân của mình là một nam tử phong lưu tiêu sái, rất có mị lực, nhưng nàng cảm thấy không thể bằng được người thanh niên trước mắt.

Cũng không phải là chênh lệch trên tướng mạo, mà là khí chất, cái loại khí chất tao nhã mà lại khiến người cảm thấy thân thiết đó khiến người thoải mái như được tắm gió xuân, thật không biết mới lần đầu gặp mặt sao lại khiến người sản sinh loại cảm giác này được?

Có lẽ cũng không phải lần đầu tiên gặp mặt, một bóng hình khắc thật sâu trong lòng nàng đã hiện ra, dần dần trùng hợp hoàn toàn với bóng người trước mắt này... Ngoại trừ chòm râu, nguyên lai giống nhau như đúc.

Thẩm Mặc thì vẫn lần đầu tiên nhìn thấy có nữ tử dám đối diện với mình, y không khỏi đỏ mặt, rồi rất nhanh thu hồi ánh mắt. Mũi liền ngửi được một mùi thơm đặc biệt tự lan phi lan, tự xạ phi xạ truyền tới, y không khỏi thầm nghĩ: "Nơi biên hoang thảo nguyên không ngờ lại có nữ tử tuyệt sắc xuất chúng như vậy." Tuy nhiên chung quy y định lực siêu phàm, vẫn chưa đến mức thất thố, rất nhanh chuyển ánh mắt qua Nặc Nhan Đạt Lạp, thấy hình dạng hai người này có vài phần giống nhau, y mỉm cười nói:
- Vị tiểu thư này có phải là của nhà Tế Nông?

- Chính là tiểu nữ Ô Nạp Sở. - Nặc Nhan Đạt Lạp nói: -Ô Nạp Sở, mau mau bái kiến Thẩm đốc sư của Đại Minh đi.

Thiếu nữ liền theo lời chân thành hành lễ, nói tiếng vạn phúc với Thẩm Mặc.

- Miễn lễ miễn lễ. - Thẩm Mặc cười nói: - Nghe nói Tế Nông chỉ có một vị Chung Kim Biệt Cát, không biết có quan hệ thế nào với vị này?

- Là cùng một người. - Nặc Nhan Đạt Lạp cười giải thích: - Chung Kim là phong hào của nó, ngoại bang gọi lung tung, không vào tai của đốc sư chứ?

- Nếu là hiền điệt nữ thì phải có quà gặp mặt rồi. - Thẩm Mặc nói rồi sờ sờ trong tay áo, phát hiện trống rỗng, y có chút xấu hổ cười nói: - Nhưng không có chuẩn bị, đành phải đợi lần sau thôi.

Mình cũng thấy bó tay với mình, thế là y khẽ ho một tiếng rồi nói với Ô Nạp Sở:
- Thích cái gì cứ nói, thúc thúc sẽ kiếm tặng cho.

Chính mình cũng không biết tại sao lại nói ra lời càn rở như vậy, đúng là theo bản tính.

- Thật có thể chứ? - Chung Kim Biệt Cát Ô Nạp Sở lại không ngượng ngùng như nữ tử Hán, nháy nháy cặp mắt sáng ngời nói: - Muốn cái gì cũng được?

- Đương nhiên. - Thẩm Mặc thầm nghĩ không ổn, những lại không thể sửa lời.

- Vậy ta muốn...
Ô Nạp Sở dùng ngón tay thon thon hếch cằm nói:
- Hỏa thương, được chứ?

- Con gái con nứa, đừng có cả ngày vũ đao lộng thương. - Nặc Nhan Đạt Lạp khẽ giật giật nơi khóe miệng, ngăn cản nàng.

- Nhưng con lại không thích mấy thứ son phấn, trâm cài lăng la của nữ tử Hán. - Ô Nạp Sở chu miệng nói: - Không cho thì thôi, cũng không phải con chủ động đòi đâu.

"..."

Nặc Nhan Đạt Lạp có chút lo lắng nhìn Thẩm Mặc một cái, nhỏ giọng quát con gái:
- Đừng có mà tùy hứng, nữ nhi Hán không có như con đâu.

- Được rồi được rồi! - Thẩm Mặc mỉm cười nói: - Việc đã đáp ứng thì phải làm được, bằng không thì sau này còn gì uy tín với hậu bối nữa.

Nghe y luôn mồm tự cho mình là trưởng bối, Ô Nạp Sở liếc Thẩm Mặc một cái không nói gì.

- Đừng để quý khách phải sốt ruột chờ lâu. - Thẩm Mặc tiếp nhận áo khoác trong tay thị vệ nói: - Chúng ta xuất phát đi.

Rồi dẫn hai người rời khỏi hành dinh, đi về hướng hoàng miếu Sách Nam Gia Thố đang ở.

Miếu mà Sách Nam Gia Thố đang ở mặc dù chỉ xây trong vòng mấy tháng nhưng quá trình hết sức dụng tâm, cũng thể hiện quốc lực lớn mạnh của đế quốc Đại Minh. Tường đỏ cao vời vợi, đại môn tráng lệ, vẽ đầy các loại đồ án tôn giáo thần bí, Phạn âm như có như không từ bên trong tự truyền ra khiến người không nhịn được liền cảm thấy trang nghiêm.

Ba người theo lạt ma dẫn đường đi tới hậu điện Phật sống gặp khách, nơi đó cách chỗ ông ta ở thường ngày chỉ một bức tường. Vừa vào cửa liền thấy trên hai bên tường thờ phụng hơn 100 bức tượng phật nhỏ bằng đồng, hình thái khác nhau, tràn ngập khí tức thần bí. Vào trong nữa là đại điện rộng rãi, pháp tọa của Phật sống được đặt trên cao, một bức thảm đỏ thẩm dài từ pháp tọa trải cho đến cửa đại điện.

Lúc này, Sách Nam Gia Thố trong bộ áo cà sa màu vàng, cầm trong tay niệm châu đang mỉm cười đứng ở cửa, hướng ba vị thí chủ chắp tay trước ngực. Ba lạt ma lớn tuổi bên cạnh hắn khom người cúi đầu, hai tay dâng lên khăn ha-đa, trong miệng còn ngậm tụng lời khấn cát tường. Thẩm Mặc mỉm cười khom người hai tay hứng lấy để biểu thị kính trọng và lòng biết ơn. Lễ nghi rất hợp quy củ Tạng địa này làm cho ba vị lạt ma cao cấp tự giác hạ mình cảm thấy hưởng thụ.

Nặc Nhan Đạt Lạp và Ô Nạp Sở cũng học theo tiếp nhận khăn ha-đa rồi quàng lên cổ, sau đó mới đứng dậy theo Thẩm Mặc.

Sau khi ba vị lạt ma lui ra, Thẩm Mặc giới thiệu qua lại cho Sách Nam Gia Thố và Nặc Nhan Đạt Lạp, hai vị quý nhân Mông Tạng thi lễ với nhau lần nữa, sau đó mới theo nhau vào đại điện.

Sau khi vào điện, Sách Nam Gia Thố dẫn người tụng lời cát tường và tán hoa chúc phúc. Thẩm Mặc tại phật tượng Thích Ca Mâu Ni thay mặt hoàng đế bệ hạ Đại Minh tặng cho Phật sống đời thứ ba Kim Như Ý, Kim Thủ Trượng, trân bảo trang sức, thắt lưng tơ vàng cùng tơ lụa; Nặc Nhan Đạt Lạp cũng dâng lên dương chi ngũ hương lô, bát sứ có đồ án thất dũng sĩ. Những tặng phẩm này là Thẩm Mặc đặt mua thay. Sách Nam Gia Thố thì đáp lễ hoàng đế Đại Minh phật tượng, phật bảo, tặng cho Nặc Nhan Đạt Lạp áo cà sa. Trong bầu không khí tường hòa, chủ tân an vị, thị tăng dâng lên trà bơ.

Sách Nam Gia Thố mỉm cười nói với Nặc Nhan Đạt Lạp:
- Hôm nay có thể nhìn thấy hậu nhân của Tiết Thiền Hãn, thật sự là khiến người khác vui mừng.

- Tiết Thiền Hãn...

Nặc Nhan Đạt Lạp thoáng kinh ngạc, mới nhớ tới đó là tôn hiệu của tổ hoàng đế Hốt Tất Liệt đời Nguyên, tiếp theo nhớ lại trên sách sử có nói, Hốt Tất Liệt phong lạt ma Bát Tư Ba là quốc sư, định đạo Lạt-ma là quốc giáo. Hắn không khỏi nghiêm nghị nói:
- Chẳng lẽ Phật sống là truyền nhân của Bát Tư Ba.

Sách Nam Gia Thố mỉm cười nói:
- Nói phải thì phải, nói không phải cũng không phải.

- Đây là ý gì? - Nặc Nhan Đạt Lạp khó hiểu nói.

- Chúng tôi đều là đệ tử của Phật tổ, luân hồi khổ tu chỉ vì phổ độ chúng sinh. - Sách Nam Gia Thố trang nghiêm nói:
- Ngươi có thể nhìn ta là chuyển thế của Bát Tư Ba, cũng có thể nói, chúng tôi không có chút quan hệ nào.

- Ngài không phải là chuyển sinh của Phật tổ? - Nặc Nhan Đạt Lạp giật mình nói.

- Cách xưng Phật sống đúng là truyền bá sai lầm. - Sách Nam Gia Thố thản nhiên nói: - Phật Giáo Tây Tạng ta đối với tu hành có thành tựu, có thể căn cứ vào ý nguyện của mình mà chuyển thế nhân xưng là 'Chu tất cổ', dùng tiếng Mông nói chính là 'Hô tất lặc hãn'. Chữ này ý nghĩa chính là "Chuyển thế giả', hoặc gọi 'Hóa thân'

Dừng một chút hắn mới nói:
- Về phần cách xưng Phật sống chính là xưng hô tập tục của bách tính Hán địa, điều này có lẽ quan hệ với Vĩnh Lạc hoàng đế bệ hạ phong Thích Ca Mâu Ni của phái Cát Cử (Geju) khi đó là 'Tây Thiên Đại Thiện Tự Tại phật.

Rồi hắn nhìn sang Thẩm Mặc nói:
- Xin đại nhân chớ trách, ta không phải là có ý định mạo phạm, thật sự là loại phong hào và xưng hào này trên phật giáo giáo lí của ta đều nói không thông... Phật là Thích Ca Mâu Ni, những tín đồ ngồi như chúng tôi sao dám đi quá giới hạn.

- Thế thì là phật gì? - Một thanh âm êm tai vang lên, hỏi là Ô Nạp Sở.

- Chung Kim, đừng có nhiều chuyện. - Nặc Nhan Đạt Lạp chỉ sợ Sách Nam Gia Thố không thích.

- Không sao, trước mặt Phật tổ chúng sinh bình đẳng. - Sách Nam Gia Thố mỉm cười nói: - Câu hỏi của nữ thí chủ rất hay, chỉ khi biết là phật gì mới có thể lý giải bản chất sở tại của phật giáo.

Thấy hắn một bên khẽ lần tràng hạt, một bên sắc mặt thánh khiết nói:
- Phật, là phật đà, nhưng không chỉ có tổ sư Thích Ca Mâu Ni của phật giáo ta, cũng chỉ tất cả người trí tuệ đại giác. Đó bởi vì phật chỉ là tên thường gọi đối với một người giác ngộ mà thôi. Tựa như người Hán có thể gọi người giáo sư là "truyền đạo, thụ nghiệp, giải hoặc" vậy... Giáo sư không chỉ một vị, người người có thể làm giáo sư, chỗ nào có thể có giáo sư. Cũng một đạo lý, phật không phải chỉ một mình Thích Ca Mâu Ni, người người có thể thành Phật, chỗ nào có thể có phật, nhân tại phật trung, tự nhiên thành phật. Cho nên nói phật chính là tự nhiên, mà tự nhiên chính là vạn vạn thiên thiên, bao gồm hoa cỏ cây cối, người quỷ cầm thú, mặc dù ngay cả ma, chỉ cần phóng hạ đồ đao, cũng có thể thành Phật.

- Vậy thành Phật có chỗ tốt gì chứ? - Ô Nạp Sở hỏi.

- Nếu như thành Phật, ngươi sẽ đạt được toàn bộ thế giới.

Sách Nam Gia Thố nhón một viên châu dầu từ trong chén vàng, dưới ánh đèn chiếu rọi, châu dầu lưu động, rực rỡ trong ngón tay của hắn:
- Biến pháp giới hư không giới ngươi hoàn toàn đạt được, chư phật Như Lai giáo dục cho chúng ta chính là cái này. Ngươi vì sao đạt được? là vì ngươi vốn đã có nó.

Thấy trong mắt hai người có chút mê hoặc, hắn lại giải thích:
- Giống như ngươi vốn là hào môn quý tộc, nhưng sinh ra đã bị thất lạc với phụ mẫu, sống bần cùng, thống khổ, căn bản không biết mình có gia nghiệp to lớn. Hiện tại có người nhận ra ngươi, biết tình hình nhà ngươi, hướng dẫn ngươi, mang ngươi về nhà, ngươi sẽ vô cùng kinh ngạc, thì ra nhà của ta là như này, ta vốn có giàu có như vậy. Phật, chính là người dẫn ngươi về nhà.

- Vậy làm sao mới có thể tìm được nhà của mình chứ? - Nặc Nhan Đạt Lạp hỏi: - Hoặc là nói làm sao thành Phật?

- Thành Phật đâu có thể dễ dàng thế.

Sách Nam Gia Thố nhẹ nhàng bắn hạt châu vào trong chậu than, tia lửa rực rỡ nhiều màu nổ bùng lên, hắn mỉm cười nói:
- Dù cho ai có thiên tài, cũng không thể nhất sinh nhất thế mà thành Phật. Bởi vì thành Phật yêu cầu tỉnh ngộ, mà tỉnh ngộ yêu cầu chuyên tâm học tập, ngươi lý giải đủ kinh thư rồi mới có khả năng đạt đến cảnh giới ngộ. Nhưng chúng ta tại thế gian này thọ mệnh quá ngắn, học cái gì cũng học không thành. Nói thật thì, học một bộ kinh cũng học không thành. Bởi vì thọ mệnh không đủ, thời gian không đủ. Cho nên học tập đồng thời chúng ta phải tu hành, chúng ta phải đến thế giới cực lạc, đổi lại một thân thể, tiếp tục học tập.

- Vì sao phải tu hành ở đó, bởi vì đó là một nơi có nhiều thứ diệu dụng. Chỗ tốt thứ nhất chính là vô lượng thọ! Ngươi có thọ mệnh vô lượng. Thọ mệnh vô lượng, vậy cả đời đương nhiên ngươi sẽ thành công, sớm muộn gì ngươi có thể chứng đắc cảnh giới phật.

Sách Nam Gia Thố nhìn Thẩm Mặc, hình như y đang nghiêm túc lắng nghe, nhưng hai mắt thanh minh, trong lòng không khỏi thầm than một tiếng. Hắn lại tiếp tục nói với hai cha con:
- Không chỉ có vô lượng thọ, còn có thể nhiều của cải. Cho dù không tiếp tục tu hành nữa, Thích Ca Mâu Ni Phật nói, thế giới cực lạc phương tây lại gọi là thế giới ngọc lưu ly. Ngọc lưu ly là thứ gì? Người thế gian chúng ta nói là ngọc bích. Mặt đất ở đó là ngọc bích, phía trên lát hoàng kim, phòng ốc để ở do thất bảo tạo thành. Thất bảo là gì? Kim ngân, lưu ly, xa điệp, mã não. Ngươi muốn cái gì, muốn ăn cái gì, chỉ cần động niệm sẽ sinh ra thứ ngươi muốn. Sau khi ăn xong, không cần, lập tức sẽ không có nữa, cũng không cần rửa chén, cũng không cần thu dọn. Nó liền biến đi không còn, quy về không. Cái này gọi là đại tự tại.

- Còn có vô lượng tướng, thế gian này của chúng ta quý tướng của người có 32 loại, ba vị đều ở trong đó. Nhưng phật ở trên kinh nói cho chúng ta biết, thế giới cực lạc phương tây người có vô lượng tướng, tướng có vô lượng hảo. Cho dù tướng tốt nhất, phú quý nhất trên thế giới này của chúng ta cũng phải xếp chung với người hạ phẩm vãng sinh của thế giới cực lạc phương tây. Hắn tựa như một ăn mày, không thể so sánh! Không có dạng nào không vừa lòng đẹp ý. Đây là lợi ích của niệm Phật, chỗ tốt của vãng sinh!

- Điều này...có thật chứ? - Ô Nạp Sở hơi khó tin nói.

- Thực sự, không sai chút nào. Cả đời này ta ở trong đó tận mắt nhìn thấy, người đứng vãng sinh, người ngồi vãng sinh, ta thấy đến mười mấy người, nghe nói thì không biết có bao nhiêu.

Sách Nam Gia Thố trịnh trọng gật đầu, vẻ mặt đó khiến ngươi không tin cũng không được.

- Ta nghe nói, phật sẽ không nói dối? - Ô Nạp Sở nháy nháy mắt nói.

- Phương pháp Phật độ hóa chúng sinh rất nhiều, không cần nói dối tới độ chúng sinh. Lời nói dối có hay phật cũng không nói. Người tu hành chúng ta cũng vậy, trong suốt một đời từng nói dối qua một lần, thì lời nói của hắn sẽ không có ai tin.

Sách Nam Gia Thố gật đầu nói:
- Cho nên ta lập thệ suốt đời cũng không nói dối.

- Thế đời trước của ngươi cũng không nói dối? - Ô Nạp Sở nhìn hắn với ánh mắt trông mong.

- Không. - Sách Nam Gia Thố gật đầu nói.

- Thế đời trước nữa?

- Chúng tôi vốn là cùng một người. - Sách Nam Gia Thố nói.

- Đúng rồi, ta cũng đọc qua kinh thư, biết trong kinh điển nói cho chúng ta biết, người bình thường ba đời không nói dối thì đầu lưỡi có thể liếm đến chóp mũi của mình.

Ô Nạp Sở như con tiểu hồ ly trộm được gà, nở nụ cười giảo hoạt:
- Nếu như ngươi có thể liếm đến chóp mũi của mình thì ta sẽ tin.



Bình luận
Sắp xếp
    Loading...