Quan Cư Nhất Phẩm

Chương 824: Chỉ còn một cách


Chương trước Chương tiếp

Cứ hồ đồ như thế tới 15 tháng 1, năm nay mùa đông khô hạn bất thường, trừ nhập đông có mấy bông tuyết ra thì tới tận lúc này chẳng thấy tuyết đâu, làm tiết Nguyên Tiêu trời trong vắt, trên trời chẳng thấy chút mây nào.

Điều này làm chợ đèn kinh thành làm ăn từng bừng hơn mọi năm, đèn lồng làm cả Bắc Kinh trở thành bất dạ thành. Ngẩng đầu lên là thấy đèn đuốc sáng choang, lộng lẫy đủ mọi màu.

Long Khánh lại lần nữa cảm nhận được buồn bực như đêm giao thừa, buổi tối chỉ ăn vài miếng rồi đặt đũa, đám thái giám thấy hắn buồn, xúi hắn đốt chút pháo hoa chơi. Long Khánh tuy động lòng, nhưng biết năm mới mình lười thái quá, ngày mai lại là 16, nếu làm việc gì ngoài khuôn khổ, đảm bảo bị nước bọt của đám ngôn quan nhấn chìm.

Nói tới ngôn quan, Long Khánh lại nghĩ đến số bản tấu đáng ghét kia, gọi Trần Hoành tới hỏi:
- Xem xong hết cả chưa?

Trần Hoành cười khổ:
- Xem hết rồi ạ.
Ông ta xem xong mười mấy ngày, còn tưởng hoàng đế quên rồi.

- Tình hình ra sao.

- Tổn cộng có 937 bản, trong đó có 430 bản tấu đơn thuần, 506 bản kêu oan cho Từ các lão...

Kỳ thực lần này Từ Giai bị Dương Bác hại thảm rồi, Lão Tây Nhi dự liệu được người Từ đảng sẽ dâng tấu nói đỡ cho Từ Giai, liền sai người mình cũng nói giúp Từ Giai, lại thêm đám hóng hớt được tin cũng hùa theo, không ngờ tạo thành thế trận lớn như thế...
Nghe thấy có quá nửa số quan viên kêu oan cho Từ Giai, Long Khánh mặt tái nhợt, đây là thị uy với mình! Nhưng nghĩ rồi lại hỏi:
- Vậy vẫn còn thiếu một bản.

- Bản còn lại chính là bản màu lam.
Trần Hoành mặt biến sắc:
- Không phải là tấu mừng...

- Là cái gì?
Long Khánh cau mày:
- Đừng có ấp a ấp úng..

- Là tấu đàn hặc.
Giọng Trần Hoành nhỏ xuống:
- Hộ khoa cấp sự trung Trương Tề đàn hặc thủ phụ Từ Giai..

- Đọc.
Long Khánh nhắm mắt lại, dù chỉ để hả giận, hắn cũng muốn nghe.

- Vi thần hộ bộ tả cấp sự trung Trương Tề cẩn tấu... Hặc nội các đại học sĩ Từ Giai bất trung bất chánh sáu việc.

Sáu việc đó là:

Một, thời tiên đế, Giai làm đại thần nội các 18 năm, tiên đế sùng bái thần tiên, xây dựng lãng phí, Giai toàn bộ tán thành, còn viết Thanh Từ, luyện tiên đan, hộ pháp tu huyền, chính là hạng nịnh thần.

Hai, tiên đế vừa giá băng, Giai soạn di chiếu chửi mắng tiên đế, là hạng bất trung.

Ba, Giai và Tung cộng sự 15 năm, còn thông gia, chưa từng có một lời ngỗ nghịch. Biết rõ Tung là gian thần, vẫn hạ mình làm nô tài, vẫy đuôi lấy lòng, là hạng tiểu nhân.

Bốn, khi họ Nghiêm bại, Giai đâm dao sau lưng, còn giết con Tung. Kẻ này kết giao không giữ chữ tín, là hạng bất tín.

Năm, năm trước biên quan nhiều lần cấp báo, hoàng thượng mấy lượt tuyên dụ, Giai lại như câm điếc, không màng quốc sự, là hạng chỉ để trưng bày.

Sáu, Giai từ khi lên thủ phủ, không chăm lo quốc sự, chỉ biết lôi kéo quan hệ, mở rộng vây cánh, bài trừ người chống đối, đả kích đồng liêu, để củng cố địa vị, đây là hạng quyền gian tác oai tác quái, người thiên hạ chỉ biết tới Giai, không biết tới bệ hạ từ lâu rồi...

Kỳ thực đây chẳng có gì mới mẻ, năm xưa Trâu Ứng Long đảo nghiêm cũng dùng câu "người thiên hạ chỉ biết có Tung, không biết tới bệ hạ", trước đó nữa còn có "người thiên hạ chỉ biết có Cẩn, không biết tới bệ hạ ".. Nói chung trong hịch thảo phạt quyền gian thế nào cũng không thiếu câu này.

*** Cẩn: Thái giám Lưu Cẩn thời Chính Đức.

Chẳng phải kẻ viết đàn hặc thiếu văn tài, mà câu này thực sự quá có sức sát thương, dùng lần nào chuẩn lần đó, vì sao phải đổi.

Giờ tới lượt người ta dùng kích thích Long Khánh, quả nhiên hắn tức thở không ra hơi. Long Khánh là người tự biết mình, cũng rất biết người, cho nên "người thiên hạ chỉ biết tới Giai, không biết tới bệ hạ" chẳng phải là thổi phồng..

Thực sự từ khi Từ Giai tuyên di chiếu, vô số người mang ơn đức, sau đó hành sự lung lạc nhân tâm, mỹ danh truyền khắp thiên hạ, sớm thành đấng cứu thế rồi.

Đem so ra, Long Khánh biết mình có thể không cần nhắc tới.. Cho nên khi nghe câu này hắn không nổi trận lôi đình như cha hắn hay các vị tiền bối, mà chìm vào trầm tư.

Tây noãn các lặng ngắt như tờ, Trần Hoành im lặng nhìn Long Khánh, thời khắc này trong mắt thái giám già, Long Khánh mới ra dáng hoàng đế, nếu hắn hành động theo cảm tính, Trần Hoành sẽ rất thất vọng.

Đêm đó, Long Khánh mất ngủ.

Hôm sau Trần Hoành tới tẩm cung đợi, hôm nay là ngày bách quan về triều, ông ta cần biết, hoàng đế có tính toán gì.

Mang đôi mắt đỏ kè, Long Khánh chỉ nói một câu:
- Phát ra.

- Vâng.
Trần Hoành về ti lễ giám đem tấu chương của Trương Tề sao làm hai bản, đóng dấu ti lễ giám, biểu thị sao chép hợp pháp, y như bản gốc. Sau đó sai người giữ bản gốc, đưa hai bản sao một tới nội các, một tới thông chính ti sao lại đưa cho các nha môn.

Làm xong hết tất cả, Trần Hoành có chút hoang mang, thái độ hoàng đế nằm ngoài dự liệu của ông ta, không ngờ trước đó trải đường như thế rồi mà hoàng đế tựa hồ không có ý đụng tới Từ Giai.

~~~~o0o~~~~

Mỗi năm vào ngày 16 tháng giêng, chính phó đường quan của 18 nha môn, tề tụ ở Văn Uyên các, một là nhận đánh giá các nha môn năm trước, hai là nội các họp tổng kết năm qua, triển vọng năm mới, năm nào cũng thế.

Tới giờ Mão, trong phòng lớn nội các, hồng bào chói mắt, các quan lớn ở kinh đã tới đông đủ, cuộc họp quy cách cao như thế, đại thần nội các cũng không dám tới muộn, cùng các đại thần bộ đường nói chuyện gia đình, nói nói cười cười, hết sức room rả, các đại thần có vẻ như vẫn chìm trong không khí năm mới, để bọn họ tập trung tinh thần trở lại, cũng là một trong ý đồ của cuộc họp này.

Bất tri bất giác đã hết giờ Mão, Từ Giai và Dương Bác mãi chẳng thấy đâu, đối với vị thủ phụ luôn đúng giờ mà nói, đây là tình huống gần như không thể xuất hiện, các vì đại nhan suy đoán xôn xao.

Lại đợi một lúc nã, khi mọi người định phái người đi xem rốt cuộc có chuyện gì thì cửa phòng vang lên tiếng bước chân nặng nề.

Mọi người thầm nghĩ "cuối cùng cũng tới", vội im lặng, ngồi ngay ngắn đợi thủ phụ tới. Nhưng xuất hiện trước mắt bọn họ chỉ có Lý Xuân Phương và Dương Bác, cả hai sắc mặt đều không tốt, hiển nhiên có chuyện lớn xảy ra.

Lý Xuân Phương khẽ hắng giọng:
- Chư vị, cuộc họp hôm nay do bản quan và Bồ Châu công chủ trì, thủ phụ không tham dự.

- Vì sao?
Triệu Trinh Cát hỏi ngay:
- Sáng sớm thấy thủ phụ còn khỏe mà.

- Vì vừa rồi nhận được tấu chương đàn hoặc ti lễ giám chuyển tới.
Lý Xuân Phương dụng cái giọng chậm rì nói:
- Hộ khoa cấp sự trung Trương Tề đàn hặc thủ phụ nội các, thông chính ti đã sao chép đưa tới các nha môn, các vị trở về là thấy.

Tức thì trong phòng nhốn nháo, các quan vạn lần không ngờ tin tức đầu tiên năm nay lại là thủ phụ bị ngôn quan đàn hặc.

- Im lặng.
Dương Bác hô lớn, tức thì trấn áp tất cả mọi người:
- Chẳng qua chỉ là đàn hặc thôi, trên người lão phu cũng vác trăm bản rồi, có sao quái đâu. Yên tâm hết cả đi, thủ phụ chỉ làm theo thông lệ thôi, tới khi đó hoàng thượng lại chẳng giữ lại? Cần các vị phải lo sao?

Ông ta nói chẳng sai, ở đây có ai chưa bị đàn hặc? Dù Lý Xuân Phương cũng bị đàn hặc mười mấy lần.

Song mọi người vẫn cảm thấy bất an, bọn họ trải qua vô số cuộc tranh đấu mới leo lên được vị trí hôm nay, ai chẳng có bản lĩnh nhìn một chiếc lá thấy cả mùa thu? Bọn họ có thể cảm nhận được, lần này không phải đàn hoặc bình thường, tuyệt đối không bình thường.

Đáng lý tấu chương đàn hặc thủ phụ nếu không có chứng cứ xác thực, xưa nay luôn áp xuống, không phát ra triều đường, huống hồ đây là ngày đầu tiên năm mới, người dân làm ăn còn chú trọng lấy may nữa là, vì sao hoàng đế muốn chuốc rủi vào thân?

Thấy mọi người vẫn thấp thỏm, Dương Bác nói:
- Nếu không yên tâm thì về viết tấu phản bác lại lời hoang đường của Trương Tề.

- Đúng, Trương Tề là tên vô sỉ hèn hạ.
Lập tức có quan viên lên tiếng:
- Chúng ta không thể để hắn che mắt thánh thượng oan uổng thủ phụ.
Còn chưa đọc tấu chương ra sao đã chụp một cái mũ lớn như thế, vậy mà còn được hưởng ứng rầm rầm.

Cuộc họp này vậy là không cần mở nữa, các vị đại nhân đấu chí ngùn ngụt, chuẩn bị về nha môn viết tấu biện luận cho thủ phụ, sợ tụt lại sau người khác, làm thủ phụ nghĩ mình hai lòng.

Từ Giai nằm im không nhúc nhích trên ghế, bên ngoài nắng rất đẹp, nhưng ông ta lại trốn trong bóng tối, không nhìn rõ mặt chỉ thấy tay cầm bản tấu...

Bản tấu này tạo thành đả kích với Từ Giai vượt qua các vị đại nhân dự liệu, vì Từ Giai biết, nếu hoàng đế còn mang chút lòng bảo vệ mình, thì đã áp tấu chương này xuống, ít nhất cũng trao đổi với mình trước, biểu thị sự tôn trọng.

Nhưng hoàng đế dùng phương thức thô bạo này phát ra triều đường, khác gì cho Từ Giai cái tát tai đanh gọn. Làm chút tinh thần mới lấy được qua ngày tết tức thì rơi hết xuống vực sâu, nhưng cũng tát cho Từ Giai tỉnh lại.

Ông ta biết mình rơi vào cảnh ngày, vụ án Hồ Tôn Hiến là nguyên nhân trọng yếu, nhưng không phải là nguyên nhân căn bản. Kỳ thực là do tranh đấu với Cao Củng, nhìn thì có vẻ như giành toàn thắng, thực chất lưỡng bại câu thương, vì Cao Củng hạ đài, Long Khánh cũng reo mầm bất mãn với ông ta.

Ông ta lại cho rằng đại cục đã nắm trong tay, chuyện gì cũng chống đối với Long Khánh, kết quả quan hệ ngày càng cương. Thêm vào cuộc phong ba chính trị năm ngoái, hiểu lầm hai bên ngày càng sâu, mâu thuẫn đã tới đỉnh điểm.

Đáng cười ông ta lại bị vẻ nhu nhược của Long Khánh đánh lừa, dễ dàng tin vào lời Trần Hoành, Phùng Bảo, chẳng những không chú ý tu bổ quan hệ với Long Khánh, còn sai người gây áp lực. Con giun xéo lắm cũng quằn, đương nhiên Long Khánh đã nổi giận thực sự...

Nghĩ thông nguồn cơn, Từ Giai cũng thấy phẫn nộ. Ông ta đã xem bản tấu của Trương Tề, không ngờ hoàng đế tin lời gièm pha của hạng tiểu nhân, ông ta không giận sao được.

Trương Tề cũng là người đi qua thời Gia Tĩnh, Long Khánh cũng bị hoàng quyền bạo ngược, thời hổ lang đầy đường đó cũng đều câm như hến, sao không hiểu thế cục hiểm ác lúc bấy giờ? Có vị đại thần nào mà chẳng phải né tránh đi mới tồn tại được cho tới nay.

Giờ lại lấy nó ra công kích mình, Từ Giai sao chẳng cười nhạo phẫn hận?

Song làm lòng ông ta nguội lạnh nhất là sự phủ định của bọn họ với di chiếu.

Công bằng mà nói, công lao lớn nhất đời của Từ Giai không phải nhẫn nhịn nhiều năm, lật đổ Nghiêm Tung. Mà là lấy lòng người để chính quyền quá độ thời Long Khánh được bình an, quốc gia khôi phục nguyên khí, đây là cống hiến to lớn vĩ đại mà không ai phủ nhận được.

Phải biết rằng, dưới sự thống trị hoang đường bạo ngược thời gian dài của Gia Tĩnh, khiến quốc lực suy yếu, biên phòng nguy ngập, dân sinh tiêu điều, thiên tai liên tiếp... Toàn quốc như thùng thuốc súng sẵn sàng phát nổ bất kỳ lúc nào.

Từ Giai nhậm chức thủ phụ, muốn ngăn cơm sóng giữ thì phải dẹp bỏ rối loạn, thu thập lòng người, từ đó mới lần ra đầu mối, từ đó tùy bệnh bốc thuốc.

Ông ta biết rõ, muốn đạt được mục tiêu cực khó này, chỉ có một cách lợi dụng di chiếu, dùng lời tiên đế công khai biểu thị hối lỗi, phủ định triệt để việc làm trước kia, kết thúc sự thống trị hoang đường bạo ngược, vứt bỏ cái cũ nghênh đón thời đại mới.

Nhưng sự chuyển ngoặt lớn đó cần mạo hiểm cực lớn, cần có dũng khí chính trị cực lớn. Vì làm vậy, chẳng những mạo phạm tiên đế vừa nhắm mắt, cũng đắc tội với tất cả văn võ đại thần nghênh đón ý Gia Tĩnh mà được sủng. Thậm chí tạo ra ấn tượng Từ Giai là hạng vong ân phụ nghĩa với người đời.

Nhưng Từ Giai cân nhắc xong vẫn quyết định làm, tất nhiên trong đó có ý rửa sạch bản thân, mua chuộc lòng người, nhưng chủ yếu nhất vẫn là thuận ý trời chiều lòng dân, làm trọn bổn phận của tế tướng hai triều.

Vậy mà hiện giờ đám người kia dùng di chiếu công kích ông ta, nếu như là người không rõ chân tướng thì thôi. Nhưng bọn họ là hai người từ thời đại đó qua, hưởng lợi từ di chiếu... Trương Tề là ngôn quan, Long Khánh là hoàng đế, chính là hai người được hưởng lợi lớn nhất.

Đây là hành vi đảo lộn trắng đen, ăn cháo đái bát, Từ Giai càng nghĩ càng giận, nếu như không biện giải, sợ ông ta uất tới sinh bệnh.

Tôn nghiêm của tể tướng không được xâm phạm, vì thế ngày hôm đó Từ Giai viết một bản tấu rất dài, hôm sau trình lên cho hoàng đế, cũng là biển giải với văn võ toàn triều.

Cùng lúc đó quần thần triển khai công kích Trương Tề, ngay cả mấy vị bộ đường đại nhân cũng không kiềm chế được, tham gia vào hàng ngũ đàn hặc Trương Tề. Tức thì tấu chương đàn hặc lên tới hơn 30 bản, Long Khánh hạ chiếu trách mắng Trương Tề, đồng thời điều hắn khỏi kinh thành coi như trừng phạt.

Nhưng quần thần chưa nguôi, lại bộ thượng thư Dương Bác dâng tấu đòi cách chức Trương Tề, tấu chương của Dương Bác rất có sức nặng, xem ra Trương Tề khó thoát khỏi kiếp nạn.

~~~o0o~~~~

Hoàng đế mau chóng bác tấu từ chức của Từ Giai, điều này làm ông ta dễ chịu hơn một chút, nhưng ông ta không thể lập tức trở về làm việc.
Đừng quên khi trước ngôn quan đàn hặc Cao Củng có một tội danh "chỉ muốn được giữ lại, coi quay về là đương nhiên", trong mắt người đời đó là biểu hiện giả dối ham quyền.

Cho nên Từ Giai vẫn ở nhà, đưa lên bản tấu từ chức thứ hai, đồng thời đang viết bản thứ ba. Đợi bản kia bị bác bỏ tiếp tục đưa lên, thể hiện mình không tham quyền cố vị.

Còn trong cung, Long Khánh đang phẫn nộ lẫn sợ hãi vì phản ứng quá khích của bách quan, Đây chẳng qua chỉ là thăm dò của hắn, không ngờ khiến lục bộ cửu khanh đồng loạt dâng sớ yêu cầu giữ Từ Giai lại, đồng thời nói Trương Tề là hạng đại gian tà, thập ác bất xá.
Chỉ gà mắng chó như thế, hoàng đế có ngu xuẩn đến đâu cũng hiểu được.

Vì áp lực, Long Khánh phải điều Trương Tề đi, nhưng trong lòng hắn càng cảm thấy câu "người thiên hạ chỉ biết có Giai, không biết bệ hạ" không sai chút nào.

Nhưng đối diện với đám đông hùng hổ, gần như muốn bãi triều tập thể, cả Dương Bác, đại thần hộ quốc mà tiên đế để lại cho hắn cũng tham gia, làm hắn không dám mạo hiểm, đành giữ Từ Giai lại, trong lòng uất ức không thua kém gì Từ Giai.

Tiểu mật phong ngừng hút mật, tức thì làm cung nhân trong cung Càn Thanh nơm nơm nớp lo sợ, nói chuyện cũng không dám lớn tiếng, chỉ sợ phật lòng hoàng đế, ăn đòn oan uổng.

Vào lúc này, Trần Hoành tất nhiên không thể rời khỏi bên hoàng đế, Long Khánh nhìn ông ta hỏi:
- Chẳng lẽ trẫm là hoàng đế mà không làm gì nổi Từ Giai?

Trần Hoành mặc dù nhận sự ủy thác từ người khác, nhưng trong lòng ông ta, hoàng đế được ông ta trông nom từ nhỏ tới lớn mới là quan trọng nhất, mọi việc làm phần lớn là nghĩ cho Long Khánh, liền đáp đúng sự thực:
- Hiện giờ xem ra danh vọng của Từ Giai quá cao, chủ nhân nếu cưỡng ép cách chức, chỉ e hậu quả khó lường. Lục khoa có quyền phong bác, nếu thượng dụ bị bác lại, thể diện của hoàng thượng sẽ mất, trừ phi...
Long Khánh sắp thất vọng, nhưng nghe Trần Hoành đổi giọng:
- Nếu ông ta tự muốn đi, quần thần sẽ không còn gì để nói.

- Ông ta tự muốn đi được sao?
Long Khánh chỉ vào tấu tự biện của Từ Giai:
- Ngươi xem cái này đi, từ đầu tới cuối kêu oan tày trời, không có cái tấu từ chức nào giả hơn được nữa.

- Lão nô có cách, nói không chừng có thể được.

- Nói.

- Chủ nhân có thể bảo Trương sư phụ đi hỏi, rốt cuộc Từ các lão nghĩ gì?
Trần Hoành không hổ là lão thái giám luyện Quỳ Hoa Bảo Điển, xuất chiêu vừa âm vừa độc.

- Bảo Trương sư phụ đi hỏi?
Long Khánh nghĩ một lúc rồi lắc đầu:
- Làm thế này sợ không ổn.
Kỳ thực phải nói:" Làm thế này quá vô sỉ"

Người ta xin nghỉ, ngươi phải người đi hỏi, "rốt cuộc ngươi muốn nghỉ thật hay giả?", ngươi bảo người ta trả lời ra sao, chẳng lẽ nói:" Không phải, ta đùa ngươi đấy."

Từ Giai chỉ có thể nói:" Thần muốn đi thật." Nhưng đó chỉ là thứ yếu, quan trọng là để Từ Giai hoàn toàn hiểu được thái độ của hoàng đế, xem ông ta có thể giả ngu, mặt dày ở lại không. Với thứ thanh cao thối tha của đám sĩ đại phu, kẻ sĩ có thể giết, không thể nhục. Từ Giai còn mặt mũi nào ở lại?

Cái cách này chỉ có thể dùng hai chữ để hình dung, đó là "vô lại".

Thế nhưng bản thân hoàng đế chính là tên vô lại số một thiên hạ, cho nên Long Khánh chẳng có chút cảm giác phản cảm nào. Điều duy nhất hắn thấy không ổn là, Trương sư phụ đối đối với sư tướng như thế, sợ là rất khó xử.

- Hoàng thượng, lão nô biết người muốn bảo vệ Trương sư phụ.
Trần Hoành biết suy nghĩ của Long Khánh, trầm giọng nói:
- Nhưng lão nô cho rằng, nếu người thực sự bảo vệ hắn, càng phải để hắn đi chuyến này.

- Vì sao?
Long Khánh cau mày:

- Một, thử xem lòng hắn có hướng về hoàng thượng không. Hai, sau vụ án Hồ Tôn Hiến, Trương sư phụ tuy không bị liên lụy, nhưng có lời ra tiếng vào, lúc này người thể hiện sự tin tưởng vào hắn, bảo hắn đi hoàn thành sứ mạng này, không ai còn dám nói gì nữa.

- Ồ, có lý.
Long Khánh gật đầu.

Khi Long Khánh và tâm phúc thương lượng cách đuổi Từ Giai thì phủ Từ Giai có một vị khách không mời Vương Bích Vương Đông Nhai.

Nghe nói Vương Bích tới, Từ Giai đích thân ra đón, mời ông ta vào chính sảnh dùng trà.

Với thân phận thủ phụ, trừ khi hoàng đế gia lâm, nếu không trong triều còn có ai cần ông ta long trọng tiếp đãi như thế chứ.
Nhưng trong triều không có, nhưng không đại biểu dân gian không có, vị Vương lão tiên sinh này tuy giới áo vải, nhưng Từ Giai không dám có chút thiếu chu đáo nào, vì ông ta là chưởng môn nhân học phái Thái Châu, người năm xưa toàn lực ủng hộ Từ Giai.

Đáng lý Từ Giai còn phải gọi ông ta là sư thúc, nhưng giờ Từ Giai thân phận quý trọng, nên cả hai xưng hô ngang hàng.

- Không ngờ sau lần từ biệt ở Linh Tế cung, hôm nay lại được gặp Đông Nhai tiên sinh.
Năm nay Vương Bích nhận lời mời tham gia giảng học ở Linh Tế cung, định ngày 15 sẽ đi, Từ Giai đã tiễn chân ông ta trước, cho nên mới nói tếh.

- Vốn là phải đi rồi, nhưng nghe Tồn Trai công gặp rắc rối, nên ở lại thêm vài ngày.
Vương Bích dù trẻ hơn Từ Giai tới 10 tuổi, nhưng bôn ba giảng học, nên trông tuổi tác tương đương nhau.

- Làm Đông Nhai nhọc lòng rồi.
Từ Giai nói cho có lệ, trong lòng lẩm bẩm, học phái Thái Châu xưa nay không can thiệp vào chính sự của ông ta, chỉ yêu cầu ông ta ra sức ở việc phát triển tâm học. Cho nên quan hệ hai bên luôn hòa hợp, Từ Giai không cảm thấy trên đầu có một thái thượng hoàng.

Nhưng hiển nhiên đối phương không chỉ tới thăm hỏi.

Quả nhiên Vương Bích nói:
- Nhọc lòng không sao, nhưng có chút lo lắng.

Từ Giai biết tính Vương Bích thẳng, nên cũng không vòng vo:
- Không biết Đông Nhai có gì chỉ giáo?

- Vốn có vài lời không phải đám áo vải nên nói, nhưng ta và Tồn Trai công tương giao 20 năm, không thể nhìn ông đi sai nước này, rơi vào cảnh không thể vãn hồi.

- Hai ta tâm hợp ý đầu, nơi này lại không có người ngoài, cứ nói thoải mái.
Từ Giai trầm tĩnh nói.

- Ngày 16, ở chỗ một vị đệ tử, ta đọc đường tấu chương đàn hặc Tồn Trai công, còn nghe Tồn Trai công đã dâng tấu xin nghỉ bị hoàng đế bác bỏ, ngài lại dâng tấu lần thứ hai phải không?

Từ Giai gật đầu:
- Tấu tự biện của lão phu, Đông Nhai thấy rồi sao?

- Chính vì nó mà tới đây.

- Thế nào?

- Thứ cho ta nói thẳng, không ổn, cực kỳ không ổn.

- Nguyện nghe kỹ hơn.
Từ Giai mặt bình thản, nhưng trong lòng không thoải mái.

- Tồn Trai công từng ban đại đức cho thiên hạ, vạn dân thiên hạ cũng đội ơn, đều mong ngài luôn hiển hách vinh diệu.
Vương Bích trước tiên vỗ mông, sau đó mới nói:
- Thế nhưng cổ nhân nói trăng có khi tròn khi khuyết, giờ ngài cực phẩm nhân thần, quyền thế thậm chí còn hơn Nghiêm Tung năm xưa, hơn nữa trong ngoài triều đều nói, tài phú ở quê của ngài đã hơn Nghiêm Tung, nói ngài như mặt trời chính ngọ cũng không quá lúc nào. Cho nên lúc này Tồn Trai công nên hấp thu bài học của Nghiêm các lão, tránh bi kịch khi trăng khuyết.

- Ông nói, tấu tự biện của ta gây họa? Nhưng lão phu xin hoàng thượng từ chức cơ mà?

- Nếu như muốn từ chức thực, thì phải thẳng thắn thừa nhận sai lầm, đem vận mệnh giao cho hoàng đế định đoạt.
Vương Bích nói trúng điểm mấu chốt:
- Nhưng ngài lại ra sức biện hộ cho bản thân, nếu thấy bản thân không sai, vì sao muốn từ chức? Nếu hoàng thượng đồng ý, há chẳng phải là thành hôn quân? Ta nói cực kỳ không ổn là ở đó, ý vị uy hiếp quá nặng.

- Đúng là không ổn.
Sắc mặt Từ Giai hơi tái đi:
- Nhưng Đông Nhai đừng lo, bị đàn hặc xin từ chức là chuyện đương nhiên, không ảnh hưởng gì.

- Tồn Trai công nghĩ thế e là nguy hiểm đấy.
Vương Bích nghiêm mặt:
- Ngài lập thân trên triều mấy chục năm, thấy tấu chương đàn hặc thủ phụ được công khai mấy lần?

- Không nhiều.
Từ Giai tức thì nghiêm mặt lại.

- Không phải không nhiều mà là cực ít, vì thủ phụ đứng đầu bách quan, thay hoàng đế quản lý quốc vụ, hoàng đế phải trân trọng bảo vệ, đối với tấu sớ đàn hặc vô căn cứ đều áp xuống... Điều này hẳn ngài rõ hơn ta?

Từ Giai chậm rãi gật đầu:
- Đúng thế.

- Đương kim là vị quân chủ ôn hòa hiếm có, hiện giờ lại công khai bản tấu này, ý ra sao tin rằng Tồn Trai ông không thể không rõ.

- Đó là thể hiện bất mãn với ta.

- Thế nhưng bách quan trong triều công khai dâng sớ, yêu cầu hoàng đế giữ ngài lại, nghiêm trừng Trương Tề, nghe nói một ngày có tới hơn 200 bản tấu. Tất nhiên thể hiện uy vọng của ngài, nhưng đại thần trong triều ngả hẳn về một phía, xin hỏi ngài, hoàng đế có cảm tưởng ra sao? Chẳng phải chứng thực câu " thiên hạ chỉ có thủ phụ, không có bệ hạ", sao?

Mặt Từ Giai trắng bệch:
- Lão phu không nên mặc cho bách quan dâng thư.

Khi đó ông ta phẫn nộ, có ý xả giận lên hoàng đế, muốn Long Khánh thấy lòng người hướng về đâu, nên nghe nói bách quan dâng thư không hề cản trở.

"Từ năm ngoái tới nay, lão phu tự cao tự đại, phản ứng chậm chạp, làm toàn điều ngu xuẩn" Từ Giai thầm nghĩ:" Xem ra già thật rồi."

- Vậy lão phu phải ứng phó ra sao?
Từ Giai nặng nề hỏi.

- Từ xưa tới nay, đại thần va chạm với quân chủ, quyền thần tham quyền cố vị, dù bản thân may mắn thoát nạn, cũng hại cho con cháu.

- Đó gọi là biết duỗi mà không biết co, biết tiến mà không biết lui, người như thế cho dù không va chạm với hoàng đế, thiên hạ mềm mỏng không ai hơn Nghiêm Tung, nhưng ắt gặp họa vì sao? Hiện giờ ngài là thủ phụ hai triều, vì di chiếu thu hết nhân tâm thiên hạ, trong nội các toàn học sinh của ngài, uy vọng của ngài đã tới cực điểm, công lao đã tới đỉnh điểm.

- Nước đầy ắt tràn, đây chính là lúc kẻ khác tới phân chia lợi ích của ngài. Nếu lúc này không biết rút lui trên đỉnh vinh quang, khó tránh khỏi kết cục của Nghiêm Tung. Lùi một bước đất trời mênh mông, thiên hạ sẽ cho rằng ngài không tham công, không luyến quyền mà cảm động. Ngài được tán dương thanh liêm truyền đời, con cháu vì thế được bao bọc, đời đời hưng thịnh, thế thế vinh hoa. Như vậy so với cuối cùng gặp thảm họa, Tồn Trai công thấy cái nào tốt hơn.

Từ Giai im lặng nghe lời tràng giai đại hải của Vương Bích, chậm rãi gật đầu:
- Ông nói rất có lý, ta có thể hỏi một câu được không?

- Mời nói.

- Đây là ý kiến cá nhân của ông hay là yêu cầu đại biểu môn nhân Vương Học đưa ra?

- Điều này..
Bị vạch trần Vương Bích có chút xấu hổ, những lời lẽ dày công chuẩn bị dễ dàng bị Từ Giai nhìn thấu bản chất:"Nghĩ cũng phải, nhân kiệt một đời, há có thể bị một tên quê mùa như mình lừa gạt?" Vì thế ông ta thản nhiên nói:
- Đây là ý kiến cung của mấy học phái, đều cho rằng ngài tiếp tục kiên trì không có có lợi cho bổn môn. Tồn Trai công, sóng sau xô sóng trước, tới lúc nên giao ban rồi.

- Lão phu đã nói sẽ nhường ra vị trí lãnh tụ Vương Học.

- Chúng tôi cho rằng, học chính hợp nhất càng phù hợp với sự phát triển lâu dài của chúng ta hơn.

- Lão phu hiểu rồi.
Từ Giai chậm rãi nhắm mắt lại.

~~~~~o0o~~~~~~~

Vương Bích đi chưa lâu, Trương Cư Chính tới.

Khi hắn từ trên kiệu xuống, nhìn hai chữ "Từ phủ" trên cánh cửa vô cùng quen thuộc, Trương Cư Chính thất thần, hai tháng trước, cánh cửa này từ chối hắn ở ngoài, giờ hắn phải vào tuyên bố vận mệnh chủ nhân của nó.

Gác cửa còn chưa biết xảy ra việc gì, vẫn như mọi khi, mỉm cười đứng trên bậc thềm chào hỏi hắn.

- Ta muốn gặp sư tướng.
Trương Cư Chính trầm giọng nói.

- Mời các lão vào.
Gác cửa tránh người mời.

- Có hiểu quy củ không? Thông báo trước.
Trương Cư Chính xầm mặt xuống.

- Tướng gia đã dặn, ngài tới không cần thông báo, cứ đi thẳng vào là được.

- Thông báo.
Trương Cư Chính quát, rồi đứng ở cửa không nhúc nhích.

Gác cửa không hiểu hắn vì sao lên cơn, đành đi thông báo. Từ Giai nghe xong, trầm ngâm chốc lát nói:
- Mở đại môn nghênh đón, người đâu hầu hạ lão phu thay y phục.

Gác cửa bồn chồn, nghĩ:" Sư đồ nhà này chơi cái trò gì vậy?" Nhưng hắn cảm giác được chuyện không tầm thường, vội mở cửa cung kính mời Trương Cư Chính vào.

Vào tướng phủ, Trương Cư Chính chậm rãi rảo bước, nhìn từng cái cây ngọn cỏ, như muốn ghi nhớ tất cả vào trong lòng, nơi đây là ngôi nhà tinh thần của hắn, ngưng tụ vinh diệu và suy sụp, đắc ý và thất bại, ái tình và thất tình trong nửa đời của hắn...

Tất cả đều thuộc về tòa tướng phủ quy mô không lớn này.

Tháng giêng, kinh thành lạnh cắt da cắt thịt, cảnh sắc trong tướng phủ tiêu điều, những cảnh cây trụi lá run rẩy trong gió lạnh, càng làm người ta sinh ra cảm giác thế lương...

Nội tâm Trương Cư Chính bị tâm tình gần như tuyệt vọng bao phủ, hắn dừng bước, vịn tay vào tường, dùng sức lực toàn thân kháng cự cảm giác yếu ớt bất lực này...

Trương Cư Chính biết, tình cảnh của mình hiện nay là do không tự lượng sức, lật lại vụ án Hồ Tôn Hiến, kết quả trộm gà không được còn mất nắm thóc.

Mặc dù dựa vào thánh ân, dựa vào Từ Giai vượt qua được cơn hiểm nghèo, nhưng thanh danh đã tổn thất, kẻ địch đã chọc giận, còn cây đại thụ che mưa che nắng cho hắn sắp đổ.

Mình phải làm sao bây giờ? Chẳng lẽ phải học Phạm Lãi từ quan, tránh họa?

Mình mới hơn 40, là thời gian đẹp nhất trong đời của nam nhân, chẳng lẽ từ nay đoạn tuyệt quan trường, lưu lạc giang hồ? Huống hồ Phạm Lãi thực hiện được hoài bão, cùng nữ nhân trong lòng chắp cánh bay đi.

Còn mình?

Người trong long đã thành vợ người ta, ái tình đã tuyệt vọng, tài hoa chẳng được thi triển, có thể nói vô tích sự.

Nếu rút lui sẽ thành kẻ thất bại hoàn toàn.

Không thể từ bỏ, tuyệt đối không.

Trương Cư Chính gáo thét trong lòng, cố phấn chấn tinh thần, tìm kiếm hi vọng trong tuyệt vọng.

Đi qua đại sảnh, tới thư phòng, Trương Cư Chính thấy Từ Giai mặc đạo bảo vải xanh thẫm, đứng trước thùy hoa môn đợi mình.

Trương Cư Chính vội đi nhanh tới, dùng đại lễ tham bái:
- Để sư tướng đợi lâu rồi.

Từ Giai nắm lấy vai hắn, vỗ hai cái rồi đỡ dậy:
- Ngươi tới truyền chỉ phải không?

- Vào phòng nói chuyện.
Trương Cư Chính đứng dậy, dìu tay Từ Giai đi vào thư phòng, nói với Lý Tường:
- Bảo tất cả mọi người rời khỏi đây, ta có lời muốn nói riêng với sư tướng.

Lý Tường nhìn Từ Giai, thấy đông ông gật đầu, liền ôm quyền với Trương Cư Chính, lùi khỏi thư phòng.

Từ Giai luôn quan sát Trương Cư Chính, thấy hắn do dự mãi không nói, trong lòng hiểu ngay, chậm rãi nói:
- Hoàng thượng có chỉ ý gì ngươi cứ nói ra, lão phu đã có chuẩn bị rồi.

-...
Trương Cư Chính cúi đầu xuống:
- Hoàng thượng bảo học sinh tới hỏi sư tướng...
Nói tới đó hắn nghẹn lại, không nói tiếp được nữa.

Từ Giai đoán ra được câu sau:
- Có phải muốn hỏi ra, rốt cuộc có ý gì?

Trương Cư Chính rơi nước mắt.

- Ha ha ha, đó mới giống hoàng đế chứ, nếu không muốn giữ ta nữa, vậy phải để ta biết, không tệ, không tệ.

Trương Cư Chính mới đầu sửng sốt, ngẩng đầu lên, thấy nước mắt của Từ Giai theo nếp nhăn chảy xuống hai má.

- Sư tướng.
Trương Cư Chính quỳ xuống:
- Chúng ta bãi triều, để nha môn tiếp tục ăn tết, để bách quan tiếp tục dâng thư, để hoàng đế biết, nhân tâm không thể làm trái.

- Ngu xuẩn, người có thắng được trời không? Sư phụ già rồi, không thể che mưa chắn gió cho ngươi được nữa...
Từ Giai nắm chặt tay Trương Cư Chính:
- Những người vi sư che chở mấy năm qua, gửi gắm cho ngươi đó.

- Học sinh, học sinh...
Trương Cư Chính lắc đầu nghẹn ngào:
- Chỉ sợ bọn họ không cho học sinh tiếp tục ở triều đường nữa.

- Có đứng chân trên triều đường được hay không, không phải ở bọn họ, mà là ở bản thân.
Giọng Từ Giai trở nên nghiêm khắc:
- Bài học của lão phu ngươi chưa thấy sao? Ở Đại Minh, tất cả đều là hư ảo, chỉ có thánh quyền mới là thực.. Ngươi là đế sư, là phụ thần, công khai hạ ngươi thì bọn chúng không dám, ngấm ngầm cũng không dám quá đáng. Chỉ cần ngươi cẩn thận, nhẫn nhịn, qua thời gian này là được.

- Chẳng nhẽ bị động chịu đòn?
Trương Cư Chính ảm đạm hỏi.

- Đương nhiên không phải, phòng ngự cũng có chủ động và bị động...
Từ Giai truyền thụ tâm pháp của ô quy thần công cho đệ tử:
- Chọn chủ động phòng ngự, là có khả năng biến bị động thành chủ động, làm cục diện phát triển theo phương hướng có lợi cho mình.

- Vậy học sinh phải làm thế nào?

- Ngươi phải làm ba việc, thứ nhất, đem tin tức lão phu quyết ý ra đi truyền ra...
Thấy Trương Cư Chính muốn nói, Từ Giai chặn lại:
- Ta không thể chống đối hoàng đế, nếu không sẽ gây họa cho con cháu, cũng khiến các ngươi gặp tai ương.
Lời Vương Bích trước đó đã đánh tan tự tin của Từ Giai, khiến công ta chuyện sang lo lắng hậu sự.

- Nhưng danh vọng ta bày ra đó, nếu ta không cam tâm mà đi, hoàng đế không cách nào chấm dứt được mọi việc. Nên khuyên ta chủ động quy ẩn là công lao cực lớn, ngươi không thể để người khác chiếm lấy. Đừng lo lời bàn tán, chỉ cần ta không để ý thì chẳng ai làm gì được ngươi, đại trượng phu đứng ở trên đời, có ai không bị nghị luận.

- Sư tướng.
Trương Cư Chính lúc này đầy cảm động, hắn biết sư phụ đang dốc lòng giúp hắn lần cuối.

- Nhưng thánh quyền quan trọng nhất, đương kim nhu nhược lại không thể bảo vệ cho ngươi bình an, nên phải làm một việc nữa, đó là dâng thư với hoàng đế, mời Cao Túc Khanh về.

- Không thể được.
Trương Cư Chính nghĩ:" Hay là lão già này đang thử mình?" Liền lắc đầu rối rít:
- Ông ta là chính địch bị sự phụ đuổi đi, học trò sao có thể làm loại việc này?

- Hiện giờ ngươi quan trọng hơn tất cả.
Mặt Từ Giai đầy kiên quyết:
- Làm như thế có ba cái lợi, một hoàng đế vui mừng, cho rằng ngươi một lòng hướng về người. Hai là Cao Củng sẽ nhớ ơn ngươi, quan hệ các ngươi vốn không tệ, chỉ cần ngươi hạ mình lấy lòng, sẽ không khó chung sống với hạng người đó.
Dừng một chút, Từ Giai nói tiếp:
- Thứ ba, tên thổ phỉ đó trở về khẳng định sẽ hô chém hô giết, sẽ thu thút hết mũi giáo của đám người kia lên người hắn, ngươi sẽ dễ sống hơn.

- Làm thế có chỗ xấu duy nhất là ngươi sẽ bị chút chỉ trích.
Từ Giai đỡ Trương Cư Chính dậy:
- Nhưng người đời hay quên, tiên đế từng viết trên cột ở thượng thư phòng "Từ Giai tiểu nhân, vĩnh viễn không dùng", đã hận ta thành như thế, nhưng về sau thế nào? Còn chẳng phải vẫn trọng dụng ta? Người trên quan trường phải luôn nhìn về phía trước, chuyện làm sai trong quá khứ, để thời gian bù đắp, quan trọng là hiện giờ phải làm đúng, tương lai nhất định sẽ huy hoàng...

Từ Giai nói mãi nói mãi, Trương Cư Chính rơi lệ lắng nghe, hắn biết đây là lần dạy bảo trước mắt lần cuối cùng của sư phụ rồi, tới tận lúc này, hắn mới thực sự cảm nhận được, có một sư phụ quan tâm tới mình, bảo vệ mình là chuyện hạnh phúc nhường nào.

Sau này mỗi người một phương, dù có thư từ qua lại, nhưng lời răn dạy thế này sợ là không còn nữa rồi.

- Làm tốt hai chuyện đầu có thể bảo vệ ngươi bình an, nhưng muốn thi triển hoải bão, phải làm tốt chuyện thứ ba. Triều Long Khánh, chỉ e ngươi không đấu nổi Thẩm Chuyết Ngôn, tầm mắt phải dõi ra xa, nghĩ cách tranh thủ dạy thái tử đi, đương kim buông thả dâm dục, không phải tướng trường thọ, tương lai thuộc về thái tử. Chỉ cần ngươi làm tốt ba việc này, còn mặc cho bọn chúng đấu đá, xem ai là người có thể cười cuối cùng...
Nói một thôi một hồi, Từ Giai cảm thấy hết sức mệt mỏi, buông tay Trương Cư Chính ra ngồi xuống ghế:
- Ngươi không cần lo, dù ta không còn trên triều nữa, nhưng Triệu Trinh Cát, Chu Hành vẫn còn, các ngươi đoàn kết một lòng, chẳng kẻ nào bắt nạn được các ngươi.

Thấy Từ Giai đã suy tính con đường tương lai của hắn cực kỳ chu toàn, Trương Cư Chính yên tâm hẳn.

Từ Giai nói ra lo lắng cuối cùng:
- Mấy năm qua ta một lòng đặt ở triều đường, thiếu quản giáo người nhà, mấy thằng nghịch tử không ra gì, gây toàn chuyện thị phi.

Trương Cư Chính gật đầu, điều này đương nhiên là hắn biết.

- Lão phu còn tất nhiên không ai nói gì.
Từ Giai âu lo:
- Nhưng một khi ta nghỉ rồi, khó tránh khỏi chính địch lấy điều đó công kích ta.



Bình luận
Sắp xếp
    Loading...