Quái Khách Muôn Mặt
Chương 5: Dưới đáy biển sâu
Chuyện xảy ra quá đột ngột khiến Vân Tuệ kinh hãi nhưng ở trong nước muốn đẩy Long Uyên ra cũng không được và muốn kêu lên cũng không sao nói ra lời. Bất đắc dĩ nàng cứ để cho chàng ôm chặt và nhô lên, khi đầu của hai người ra khỏi mặt nước, nàng mới rỉ tai chàng khẽ nói :
- Uyên đệ mau buông tôi ra... hiền đệ... làm sao thế? Mau quay mặt đi đừng nhìn tôi.
Thì ra Long Uyên nghe thấy nàng nói vội cúi xuống thấy đôi tay của mình ôm chặt lấy lưng nàng thì lòng chàng bỗng cảm thấy khoan khoái lạ thường. Chàng ngẩn người ra như người đang lạc bước vào cảnh âm u.
Vân Tuệ thấy chàng không chịu buông tay, hổ thẹn vô cùng ngửng đầu lên nhìn thấy đôi mắt của chàng khác thường, trống ngực đập mạnh, lòng mừng thầm nhưng nàng cố trấn tĩnh ra lịnh cho Long Uyên quay mặt đi.
Lúc ấy lòng Long Uyên mới biết mình đã thất lễ xúc phạm đến chị Tuệ, chàng hổ thẹn đến mặt đỏ bừng vội buông tay ra quay mặt lặn xuống nước bơi về phía đằng kia, chỗ cách đó bốn, năm trượng là cái xác của con cá Kình.
Chàng bơi đến cạnh thân cá đang định leo lên nhưng bỗng thấy thân con cá hơi rung động, dưới nước có một dòng nước đỏ, đột nhiên nổi lên chỉ trong nháy mắt đã lan tràn khắp mặt bể. Chàng bụng bảo dạ rằng: “Chắc xác con cá Kình bị những con cá khác cắn phải nên mới có máu chảy nhiều như vậy nhưng cá nào có răng sắc bén mà cắn thủng được da của cá Kình dày như thế?”
Lòng hiếu kỳ thúc đẩy, chàng muốn biết rõ cá gì lại lợi hại đến thế nên chàng không leo trên bụng cá, trái lại còn lặn xuống bên dưới. Lúc ấy trời bắt đầu tối, nước bể đen như mực. Nhưng mắt của Long Uyên có thể nhìn thấy trong đêm tối, ngay ở trong nước chàng trợn mắt lên nhìn cũng có thể thấy những vật ngoài xa mười trượng.
Dưới nước sâu mười trượng sức nước bể đè xuống rất nặng, người lặn xuống tới dưới đó là chịu nhìn không nổi, riêng có cá là bơi đi lại như thường thôi. Long Uyên vận Đơn Thiết thần công lên dồn vào tứ chi mới đỡ bị sức nước đè và hai mắt cũng sáng hơn trước nhiều. Chàng nhìn chung quanh thấy xác con cá Kình đang nhấp nhô và quanh mình nó có vô số cá mập với cá lưỡi kiếm đang cấu xé, nhưng rất ít con có thể cắn thủng được lớp da rất dày của con cá Kình.
Chàng lẳng lặng lặn tới gần, bỗng thấy bên trên có một luồng ánh sáng đỏ như máu rớt xuống, trong làn sáng đỏ đó có một thiếu nữ tuyệt đẹp, chàng nhìn kỹ mới hay là Vân Tuệ.
Thì ra Vân Tuệ mặc quần áo xong, lên trên mình cá không thấy Long Uyên đâu cả, đồng thời lại thấy mặt nước đỏ ngầu, nàng biết chàng vẫn còn tính trẻ con thế nào cũng còn tính hiếu kỳ lặn ngay xuống bên dưới, nên nàng không yên tâm cũng nhảy xuống nước tìm kiếm luôn. Khổ nỗi mắt của nàng không nhìn được xa như Long Uyên, cũng may nàng nghĩ trong túi có đem theo trái Lệ châu, ánh sáng rất mạnh, có thể dùng làm đèn chiếu được. Nàng vội lấy ra để ở gan bàn tay rồi nhảy xuống dưới bể.
Long Uyên thấy Vân Tuệ cũng nhảy theo xuống vội bơi tới gần, đợi cho khi hai người gặp nhau rồi, Vân Tuệ nắm lấy cánh tay chàng định kéo lên.
Long Uyên giơ tay ra hiệu bảo nàng đừng vội hãy xem vật gì đã. Bất đắc dĩ Vân Tuệ đành phải theo chàng lặn xuống bên dưới.
Lũ cá trong thấy hai người tưởng là mồi ngon, chúng liền bơi lại, nhưng chúng tới gần bị ánh sáng của lệ châu nên chúng không dám bơi gần nữa mà chỉ bơi quanh hai người thôi. Hình như chúng rất sợ ánh sáng của hạt châu ấy.
Hai người lặn xuống sâu năm trượng đã tới chỗ lưng con cá Kình rồi. Lúc ấy Long Uyên đã trông thấy rõ một con rùa to đang bấu vào lưng con cá.
Lưng con rùa màu vàng đường kính dài hơn trượng bên dưới mai có sáu chân. Lúc ấy mồm nó đang ngậm vào lưng con cá Kình hút máu cho nên không để ý đến hai người.
Hai người bơi tới cách con rùa chừng bảy trượng nhưng vì Vân Tuệ vẫn chưa trông thấy gì và Long Uyên trông thấy con rùa kỳ lạ như thế, chàng thích thú quên cả hỏi ý kiến Vân Tuệ đã giơ tay lên đẩy một luồng kình lực như bài sơn đảo hải dồn một dòng nước mạnh như nước lũ nhằm lưng con rùa tấn công luôn.
Con rùa hút máu thích thú không ngờ có người tấn công lén như vậy, cho nên dòng nước đó đánh trúng ngay vào lưng nó, tuy mai nó không nứt rạn chút nào nhưng nó cũng phải rụt đầu lại liền.
Long Uyên ngạc nhiên vô cùng, chàng không ngờ mai con rùa này lại cứng rắn đến thế, vội vận dụng Đơn Thiết thần công tấn công thêm một chưởng nữa, chưởng này của chàng nặng hàng nghìn cân nhưng vẫn không làm gì nổi con rùa ấy hết.
Chàng không sợ hãi chút nào, lại kéo Vân Tuệ bơi đến gần con vật nọ.
Con rùa khổng lồ ấy bị tấn công mạnh như vậy, tuy chưa bị thương nhưng nó cũng đau nhức chịu không nổi, cho nên nó vội rụt đầu xoay người lại chìa sáu chân ra thoát đi khỏi người con cá Kình mà nhằm Long Uyên xông đến tấn công luôn.
Lúc ấy, người với quái vật cách nhau chỉ có hai trượng thôi.
Vì vừa rồi cách quá xa nên Vân Tuệ không trông thấy rõ, bây giờ nàng đã thấy rõ con rùa khổng lồ mình tỏa những luồng ánh sáng vàng chói lọi, đầu to như cái bồ, bốn con mắt nhấp nháy tỏa ra những luồng ánh sáng vàng rất hung tợn và đột nhiên xông lại tấn công nhanh như điện chớp khiến nàng hoảng sợ khôn tả.
Long Uyên đã thấy rõ hình con rùa quái dị ấy rồi, quả thực hung tợn vô cùng, chàng cũng thấy hơi kinh hoảng cùng Vân Tuệ không hẹn mà nắm tay dắt nhau đều nhô lên trên mặt nước.
Con rùa đã trông thấy rõ hai người tay cầm hạt lệ châu nhô lên khỏi mặt nước, nó thấy mồi ngon như thế, thì khi nào chịu buông tha, liền quảy sáu chân đuổi theo ngay.
Long Uyên, Vân Tuệ hai người thấy vậy vội lấy hết chân khí ở Đơn Điền ra khua cả chân lẫn tay để lướt nhanh như hai mũi tên. Con rùa nọ tuy linh thiêng nhưng dù sao nó cũng bị cản trở vì thân hình quá khổng lồ, vì vậy tốc độ của nó làm sao kịp nổi hai người. Khi nó vừa nhô lên mặt nước thì hai người đã nhảy được lên trên thân con cá Kình rồi.
Lúc ấy trời đã tối, trên trời lấp lánh sao trăng còn ẩn hiện trong mây đen chưa ló dạng. Nhưng hạt lệ châu ở trong tay của Vân Tuệ vẫn chói lọi tỏa ra muôn ngàn tia sáng lấp lánh, hai người đứng ở trên mình con cá Kình ngắm nhìn xuống mặt nước xem con quái vật định giở trò gì? Con rùa khổng lồ vừa nhô lên mặt nước đã ngửng đầu kêu lên “ú ú” nhưng tiếng kêu của nó như sấm ầm vang tai nhức óc hai người. Nó há mồm một cái đã phun ra một luồng kim quang nhằm hai người nhắm tới.
Luồng kim quang đó nhanh như điện chớp kèm theo tiếng kêu “phì phì” nhằm hạt lệ châu của Vân Tuệ phi tới, Vân Tuệ thấy vậy kinh hãi thầm vội giơ tay lên hình như định ném hạt lệ châu để chống đỡ luồng kim quang ấy. Bỗng nghe thấy Long Uyên quát lớn một tiếng giơ cả hai tay lên, mười ngón tay hơi khòm lại nhằm luồng ánh sáng đỏ chộp luôn.
Vân Tuệ biết Long Uyên đang sử dụng thế Song Long Thủ Châu trong Đơn Thiết chưởng và dồn hết Đơn Thiết thần công vào mười ngón tay cách không chộp vật. Thế võ này có thể chợp được những vật cách xa mình mười trượng. Nhưng lúc này công lực của Long Uyên chưa luyện tới mức thượng thừa nên chỉ có thể chộp được những vật ở cách mình hai trượng thôi. Quả nhiên chàng chờ luồng ánh sáng đó bay đến gần hai trượng nhưng Long Uyên chưa dám chộp vội, chờ nó bay tới gần thêm năm thước nữa chàng mới thét lớn, bỗng lùi về phía sau hơn trượng.
Tuy vậy luồng kim quang đó đã bị chàng khống chế, tiếng của chàng chưa dứt, chàng đã nhảy lên trên cao lượn một vòng rồi giương hai tay ôm chặt lấy luồng kim quang đó.
Con rùa khổng lồ thấy nội đơn của mình bị người kìm chế, tức giận vô cùng lại càng kêu “ú ù” thêm, phùng mồm như muốn thâu lại nội đơn ấy vậy.
Long Uyên hai tay nắm lấy kim quang, lúc ấy chàng mới thấy rõ đó là một hạt châu to bằng trái long nhãn. Lúc ấy chàng đã biết hạt châu này là nội đơn của con rùa rồi. Phàm những loại rùa hay ba ba luyện thành nội đơn này thì ít nhất cũng có mấy nghìn năm “đạo hạnh”. Chàng thấy con rùa kỳ dị sáu chân, bốn mắt lại biết thả châu như thế, nên nhớ trong sách có ghi quái vật này gọi là Chu Ngao.
Sở dĩ quái vật được đặt tên là Chu Ngao là vì bên ngoài nó đỏ như máu nhưng bên trong lại vàng như bạc vậy. Nên chàng còn nghi ngờ không biết nó có đúng là Chu Ngao không? Trong lúc Long Uyên đang nghĩ ngợi thì thấy trái kim châu ở trong tay cứ nhảy nhót như muốn chạy ra khỏi tay mình. Chàng vội nắm lấy không để cho nó chạy thoát, đồng thời chàng thấy con rùa đang phùng mồm trợn mép đang tỏ vẻ giận dữ.
Long Uyên thấy vậy không nhẫn tâm đang định buông tay để cho nó lấy viên nội đơn đỏ. Ngờ đâu con Chu Ngao lại nóng lòng há hốc mồm phun luôn năm trái nữa ra một lúc nhằm hai người tấn công tới.
Vân Tuệ đứng ở đó đã vận hết công lực vào người để phòng bị nên nàng vừa thấy hai hạt châu nhằm mình bắn tới vội bỏ hạt lệ châu vào túi rồi giơ song chưởng để chống lại hai hạt châu kia.
Ngờ đâu con Ngao đó đã tu luyện mấy nghìn năm sức mạnh vô cùng, trong lúc giận dữ phun ra nên kình lực của hai hạt châu đó mạnh khôn tả.
Chưởng lực của Vân Tuệ vừa đụng vào hai đường kim quang đó chỉ nghe thấy hai tiếng “lốp bốp”, nàng đã bị đẩy lui về phía sau hai trượng. Nhưng hai hạt châu đó bị cản trở đã xoay hướng nhằm Long Uyên tấn công tới.
Lúc ấy Vân Tuệ đã nhảy lên cao thấy vậy kinh hoảng cố hạ chân xuống định chạy lại cứu viện, ngờ đâu nàng loạng choạng hai bước ngã ngồi sụp xuống và cảm thấy hai cánh tay đã mỏi nhừ khó mà giơ lên được, khí huyết ở trong người cũng đang rạo rực. Bất đắc dĩ nàng phải điều hơi vận sức để lấn át huyết khí. Một mặt nàng trợn to đôi mắt xanh lên tỏ vẻ lo âu nhìn Long Uyên.
Long Uyên đứng ở sau lưng Vân Tuệ thấy con Ngao khổng lồ lại phun hạt châu ra tức giận vô cùng, liền bỏ hạt châu trước vào trong túi da, rồi giơ hai tay lên không vận hết mười thành Đơn Thiết thần công ra để chờ đợi.
Tới khi chàng thấy Vân Tuệ bị kim châu đẩy bắn về phía sau, chàng không kịp cứu nàng vì ba trái khác đã nhanh như điện chớp nhằm chàng tấn công tới.
Chàng không biết Vân Tuệ có bị thương hay không nhưng trong lòng tức giận chịu không nổi. Chờ ba trái kim châu nọ tới gần, chàng liền giơ bốn ngón tay trái lên búng mạnh, liền có bốn luồng Đơn Thiết thần công rất âm nhu bắn ra làm giảm bớt thế mạnh của ba hạt châu đó, rồi chàng lại giở chưởng lên cách không chộp luôn, đồng thời chàng lui về phía sau hơn trượng để tránh hai hạt châu tấn công phía sau, thế là chàng đã chộp thêm được ba hạt châu nữa trong tay.
Hai hạt châu sau vì đã bị Vân Tuệ dùng kình lực chống đỡ nên thế bay của nó chậm hơn, khi nó phi tới thì Long Uyên đã nhảy được sang bên tránh né rồi. Nhưng hai trái hạt châu đó hình như rất linh hoạt, thấy tấn công không trúng, chúng vội quay mặt một vòng bay trở về miệng con Chu Ngao khổng lồ ngay.
Long Uyên lại bỏ ba hạt châu đóng kín miệng túi rồi đến cạnh Vân Tuệ đang định hỏi thăm thì Vân Tuệ đã đứng dậy mỉm cười, nũng nịu đáp :
- Uyên hiền đệ! Tôi không sao cả. Vừa rồi tôi sơ ý coi thường sức mạnh của con rùa ấy nên dùng có hai thành chân lực chống đỡ, vì vậy suýt tí nữa thì nội phủ của tôi bị thương nặng.
Nàng nói rất đúng, với công lực của nàng hiện giờ không mạnh hơn Long Uyên bao nhiêu, nhưng vì nàng không luyện môn Hư Không Nhiếp Vật, nên không thể nào bắt chước Long Uyên chộp bắt được hai hạt châu được.
Quý vị nên rõ về môn võ công kỵ nhất là cứng rắn chọi với cứng rắn. Nếu công lực và hỏa hầu của đôi bên hơn kém nhau thì chỉ va chạm một cái là phân thắng bại ngay.
Nhưng khi công lực của hai người ngang nhau, nếu đấu thẳng tay như vậy đôi bên cũng đều hao tốn rất nhiều chân khí và công lực. Vì vậy, người luyện võ phải nên nghiên cứu lấy cương khắc nhu, lấy nhu chế cương, dùng mưu mẹo và tinh xảo bao giờ cũng dễ thắng hơn là dùng hơi sức. Vì Vân Tuệ khinh thường sức lực của hạt kim châu kia không dùng toàn lực ra hàng phục nó nên mới bị nó đẩy bắn trở ngược như vậy. Vả lại, Thiên Địa Cương Khí của nàng dù sao cũng là một môn võ công của người phàm sáng tạo ra, tuy bị chấn động như vậy chưa bị thương nhưng chỉ điều tức vận hơi một lát lành ngay.
Trái lại Long Uyên ra tay một cái bắt luôn được bốn hạt châu mà nàng lại bị hạt châu đẩy bắn như thế, tất nhiên nàng phải hổ thẹn vô cùng. Long Uyên biết tâm ý của nàng nên không dám nói nhiều.
Con Chu Ngao khổng lồ ở dưới nước một lúc mất luôn bốn trái nội đơn tức giận chịu không nổi. Nó không quản ngại gì hết, lại kêu “ú ù” hoài. Rồi nó nhân lúc hai người đang trò chuyện, đột nhiên phun nốt hai viên nội đơn ra nhằm mắt hai người bắn tới.
Lần này, nó giở hết toàn lực nên ánh sáng của nội đơn sáng hơn trước và mạnh hơn trước nhiều. Hai trái hạt châu nhanh như chớp nhằm lưng Long Uyên phi tới.
Chỉ nghe tiếng gió, Long Uyên đã biết quái vật dùng nội đơn tấn công mình, nên chàng không đợi chờ cho hai hạt châu đó tới gần đã xoay người lại.
Lần trước, Vân Tuệ bị nội châu đẩy té không những tức giận và cảm thấy mất sĩ diện nên nàng ghét giận con rùa này vô cùng. Bây giờ nàng thấy con rùa dùng nốt hai viên nội đơn tấn công, nàng vội nhảy xổ lại trước mặt Long Uyên giơ song chưởng lên dùng hết nội lực phản công luôn.
Long Uyên thấy vậy giật mình kinh hãi bụng bảo dạ: “Chị Tuệ vừa bị nó đẩy té như vậy sao dám xông lên như thế?”
Nhưng chàng đã thấy Vân Tuệ dồn một luồng sương mù trắng ra bao vây lấy khắp người thì biết nàng dùng Thiên Địa Cương Khí để bảo vệ thân trước, chàng không tiện sửa đổi cho nàng sợ nàng mắc cỡ nên chỉ vận công lực vào hai tay chuẩn bị tiếp ứng thôi.
Nhưng sự thật, Vân Tuệ có phải là người ngu ngốc đâu, biết sức mình địch không nổi hai hạt châu đó khi nào nàng lại dại dột như hồi nãy nữa. Nàng đã nghĩ cách đối phó, giơ hai chưởng lên vận hết cương khí Thiên Địa, chỉ đợi chờ kình lực của mình va chạm vào nội đơn của con rùa là nàng vội thu sức nhảy sang một bên và dùng cánh tay ngọc rung mạnh một cái khiến Thiên Địa Cương Khí của nàng hóa thành một làn sương mù mỏng để bao trùm lấy hai hạt châu nọ. Tiếp theo đó, nàng giậm chân một cái, người lùi lại theo sức đẩy của viên nội đơn, chỉ trong nháy mắt nàng đã lùi xa hơn hai trượng, suýt tí nữa thì rớt xuống dưới biển.
Long Uyên đứng cạnh, thấy nàng ra tay như vậy cũng phải kính phục, vì chàng nhận thấy sức Vân Tuệ kém hơn sức của hai hạt châu mà dùng cảnh trên để thâu dụng hai hạt châu như vậy thật khéo léo vô cùng.
Cũng nên biết Thiên Địa Cương Khí của Vân Tuệ với Đơn Thiết thần công của Long Uyên tuy hơi giống nhau để bảo vệ lấy bản thân, nhưng dù sao Đơn Thiết thần công của Long Uyên vẫn lợi hại hơn. Vân Tuệ đã dùng Thiên Địa Cương Khí hóa thành một làn sương mù trắng úp chụp lấy hai hạt châu đó, hai hạt châu đó không khác gì cá nằm trong lưới vậy. Nhưng vì sức nội đơn quá mạnh, nếu nàng không lui nhanh về phía sau như thế thì đã bị đẩy bắn lui như trước. Khi Vân Tuệ lui ra ngoài rồi, sức mạnh của nội đơn cũng đã suy yếu nên nàng mới giở song chưởng ra bắt luôn vào trong tay một cách nhẹ nhàng.
Long Uyên thấy nàng đã bắt được hai trái nội đơn thì mừng rỡ vô cùng, vội chạy lại khen ngợi.
Con rùa khổng lồ ở trong biển thấy vậy tức giận như điên như cuồng cứ kêu “ú ù” hoài. Sáu chân của nó cứ đập bì bộp vào mặt nước mấy cái rồi nó phi thân lên trên bụng con cá Kình đánh bộp một tiếng. Nó há miệng đỏ như máu và kêu “ú ù” hai tiếng, rồi bò lại định cắn hai người.
Long Uyên thấy vậy không đợi chờ nó bò lại gần đã nắm tay Vân Tuệ thét lớn một tiếng cùng tung mình nhảy lên cao.
Long Uyên rút thanh bảo kiếm ra dùng thế Khương Long Nhập Hải lượn một vòng rồi bổ xuống lưng con rùa. Ngờ đâu, kiếm của chàng đâm vào lưng nó kêu đánh “bộp” một tiếng mà lưng nó không suy suyển một chút nào.
Trái lại, tay của chàng còn bị tê tái, suýt tí nữa không cầm nổi thanh bảo kiếm đó.
Lúc ấy, Vân Tuệ cũng nhảy xuống phía sau con rùa giơ tay phải vận Thiên Địa Cương Khí dùng mười thành kình lực tấn công vào đuôi nó một chưởng.
Đuôi con rùa dài có ba thước thôi, trông rất mềm mại yếu đi, ngờ đâu chưởng của nàng chưa đánh trúng nó đã rụt vào trong mai liền.
Vân Tuệ không ngờ nó rút nhanh như thế, thất kinh la lớn một tiếng vội xoay tay tấn công vào chân của nó. Lần này, nàng đánh trúng chân, nhưng chân nó mềm nhũn như bông gòn vậy, nên chưởng của nàng có đánh trúng cũng không làm gì được nó.
Con rùa khổng lồ bỗng không thấy bóng người ở trước mắt quay đầu lại mới phát giác một người ở trên lưng và một ở sau đuôi, nó tức giận không tả, kêu “u” một tiếng, bốn mắt sáng quắc như nảy lửa, và phun ngay một luồng hơi nóng và nhớt tanh hôi nữa, nhằm Long Uyên tấn công tới.
Đồng thời chân của nó rụt lại rồi chìa ra đá vào chân của Vân Tuệ.
Long Uyên dùng thế Thần Long Thăng Thiên nhảy lên trên cao để tránh khỏi luồng hơi nóng của con rùa phun tới.
Vân Tuệ vội nhảy sang bên để tránh cái đá đó, cả hai cùng lo âu như nhau, không biết làm cách gì mà diệt trừ nổi con rùa khổng lồ kia.
Long Uyên ở trên không một vòng, bỗng nghĩ ra được một kế nhảy xuống cạnh Vân Tuệ, nói rằng :
- Chị Tuệ! Mai con rùa này cứng lắm, bảo kiếm của đệ cũng không làm gì nổi nó. Nhưng tiểu đệ đoán chắc dưới bụng nó thế nào cũng có chỗ yếu ớt nhất, chúng ta hợp sức lại lật ngửa nó lên, chẳng hay chị nghĩ sao?
Vân Tuệ nhận thấy phương pháp này có thể được, liền nhận lời gật đầu ngay.
Cả hai vội nhảy sang bên để tránh hơi nóng thứ hai của con rùa phun ra và lẹ làng cùng tiến tới bên trái của con quái vật nọ.
Long Uyên nhanh nhẹn cắm kiếm vào bao rồi hai người bốn tay cùng nắm vào mép mai con rùa giở hết sức bình sinh ra lật mạnh một cái. Lúc ấy, sức của hai người mạnh hàng ngàn cân và con rùa cũng không ngờ hai người lại làm vậy, nó chưa kịp chống đỡ thì người nó bị lật ngửa lên trời kêu đánh “bùng” một tiếng. Sáu chân của nó cứ khua động hoài.
Giống rùa sợ nhất là bị lật ngửa, vì chân của nó ngắn, khi đã bị lật ngửa rồi thì khó mà lật ngược lại được. Nên sau khi bị lật ngửa, nó sợ hãi kêu “ú ù” hoài, tha hồ khua chân mạnh đến đâu cũng không sao lật sấp lại được.
Vân Tuệ với Long Uyên cả mừng vỗ tay cười ha hả, vẻ mặt thích thú nhìn con rùa đang cử động sáu chân mà không vội giết nó ngay.
Con rùa cử động mãi mà cũng không sao lật sấp lại được, nó đang tức giận biến thành nản chí rồi từ nản chí biến thành sợ hãi. Bốn mắt nó cứ nhìn thẳng vào hai người kêu “ú ù” hoài, tiếng kêu của nó hiền từ và van lơn chứ không hung ác như hồi nãy nữa.
Long Uyên thấy vậy nói với Vân Tuệ rằng :
- Chị Tuệ xem con rùa này tội nghiệp thật! Trông nó không còn hung ác như trước nữa.
Chúng ta tha cho nó nhé!
Vân Tuệ đáp :
- Con rùa này không những là một thứ rùa lạ, mà ít nhất nó cũng tu hành trên mấy ngàn năm rồi, giết chết nó cũng đáng tiếc thật. Nhưng tha nó, lỡ nó lại cắn người thì sao?
Long Uyên thở dài một tiếng, nghĩ ngợi giây lát rồi nói :
- Đệ đã nghĩ lại, những loại rùa và ba ba ở trong biển mà có ghi trong sách, nhưng không thấy sách nào ghi loại rùa như con rùa này cả. Chị nghĩ có lạ không? Nhưng theo trong sách thì loại rùa hay tu luyện, hễ chúng tu luyện được một thời gian là thông linh liền. Nếu con này đã tu hành mấy nghìn năm tất nhiên nó phải thông minh mới đúng.
Khi hai người chuyện trò, con rùa cứ kêu hoài nhưng không giãy giụa như trước nữa, hình như nó biết nghe lời nói của hai người vậy. Nhất là nó nghe thấy Long Uyên nói xong, lại kêu “u u” hai tiếng kêu lại nhu hòa vô cùng.
Long Uyên rất tinh nghịch nghe thấy con rùa kêu lại liền hỏi luôn :
- Mi biết nghe lời nói của chúng ta ư?
Vân Tuệ cười khì vì thấy Long Uyên quá ngây thơ, ngờ đâu con rùa đã kêu “ú ù” hai tiếng, hình như trả lời Long Uyên vậy. Nàng kinh ngạc vô cùng, còn Long Uyên thì khoái chí vỗ tay cười ha hả và nói tiếp :
- Chị Tuệ xem kìa, nó thông minh thật!
Nói xong, chàng lại quay đầu nói với con rùa tiếp :
- Nếu mi thông mình thật, chúng ta cũng không giết mi đâu, nhưng chỉ sợ thả mi rồi, sau này mi lại nổi hung cắn người thì sao?
Con rùa kêu một tiếng trả lời.
Long Uyên liền hỏi ý kiến của Vân Tuệ :
- Chị Tuệ! Chúng ta có nên thả không?
Vân Tuệ gật đầu, rồi hai người chạy lại cạnh con rùa định lật sấp nó lại, nhưng Long Uyên bỗng ngưng tay và hỏi con rùa tiếp :
- Ta có hai điều kiện. Một, sau này bất cứ đối với ai, mi cũng không được giết hại. Hai, mi phải đưa chúng ta về. Mi có nhận không? Nếu mi nhận lời thì kêu bốn tiếng đi, không những chúng ta thả cho mi thoát chết mà còn trả lại nội đơn cho mi nữa. Nếu mi không bằng lòng, ta cứ để yên mi như vậy, mặc cho mặt trời thiêu mi đến chết khô thì thôi.
Con rùa kêu luôn bốn tiếng tỏ vẻ nhận lời. Long Uyên cả mừng nháy mắt ra hiệu cho Vân Tuệ rồi cùng đi tới cạnh con rùa, cả hai lật sấp còn rùa lại.
Sau khi được hai người lật sấp lại rồi con rùa theo đúng lời hứa cứ nằm yên không cử động. Lúc này nó không những mất hết vẻ hung ác mà trông mặt nó còn hiền lành vô cùng.
Long Uyên thấy vậy mới yên tâm, khoái chí vô cùng, rút bảo kiếm ra cắt lấy bảy, tám sợi dây bằng da cá Kình, mỗi sợi dây chừng bảy. tám trượng. Cắt xong chàng còn rửa sạch máu và thịt còn dính ở trên nữa, mới đi tới trước mặt con rùa và nói tiếp :
- Bây giờ chúng ta làm hai cái yên ngồi để ở trên lưng mi, sau đó mi đưa chúng ta về nhà nhé.
Con rùa gật đầu lia lịa, ánh mắt tỏ vẻ bằng lòng và cầu khẩn.
Long Uyên thấy vậy kêu “ủa” một tiếng rồi nói :
- Mi muốn xin lại nội đơn phải không? Được, bây giờ ta trả cho mi nhưng mi không được nuốt lời nhé!
Nói xong, chàng móc túi lấy nội đơn trả cho nó.
Vân Tuệ đứng cạnh thấy vậy buồn cười trước cử chỉ ngây thơ của chàng, vừa kính phục trí óc thông minh của chàng. Nàng cũng cầm hạt châu đi tới bỏ vào miệng con rùa. Con rùa đớp luôn, mặt tỏ vẻ cám ơn, gật đầu mấy cái, miệng kêu “ú ù” hoài.
Long Uyên giơ tay ra, khẽ vỗ đầu nó mấy cái, rồi cột sáu đầu dây da cá vào sáu chân của nó, còn sáu đầu dây kia thì chàng cột vào một cái yên cũng làm bằng da kình để ở trên lưng nó. Chàng lại cột hai đầu dây vào đầu nó để làm cương nữa.
Con rùa cứ nằm yên nhắm mắt dưỡng thần, để mặc cho chàng cột chân nó.
Lúc ấy, trời đã sáng tỏ, Long Uyên hình như trông thấy cù lao đen ở vào phía bắc. Chàng cùng Vân Tuệ liền leo lên chỗ ngồi để thúc giục con rùa lên đường ngay. Vì hai người suốt một ngày đêm chưa được ăn uống gì, nhờ đã ăn quả Kình châu với Xích Long hoàn nên cả hai cũng không cảm thấy khó chịu cho lắm nhưng trong bụng cũng thấy đói và khát. Nếu không đi ngay bây giờ chỉ sợ mặt trời mọc lên cao, ánh nắng nóng hổi, lúc ấy càng khát thêm. Vì vậy, chàng không dám chần chừ là thế.
Hai người ngồi lên lưng rùa, chàng ngồi phía trước cầm cương, Vân Tuệ ngồi ở phía sau ôm lấy ngang lưng chàng. Chàng khẽ giật lấy cương một cái, miệng thì quát bảo :
- Đi thôi! Mi đừng ngủ nữa!
Con rùa nghe nói quay đầu lại nhìn chàng bốn mắt chớp nháy mấy cái, rồi nó bò ngay xuống nước nhưng người nó không chìm chút nào, không khác nào một chiếc thuyền lênh đênh ở trên mặt biển vậy. Sáu chân trời của nó khẽ khua động một cái, người nó đã như bay bơi thẳng về phía bắc.
Long Uyên ngồi trên lưng rùa, thấy vững vàng hơn thuyền nhiều, chàng khoái chí vô cùng, cười khì và ngâm nga rằng :
“Nhữ quân bất phụ đãng lâm ước, Đồng thượng kim ngao bôi thượng hành”.
Dịch nghĩa :
“Cùng bạn không phụ chuyến đi này, Ngồi trên lưng rùa vàng mà đi ngao du”.
- Hà, hà... Chị Tuệ! Ngày hôm nay chúng ta cưỡi rùa đi trên mặt biển như thế này thật không khác gì thần tiên. Hà hà...
Vân Tuệ cũng cảm thấy trò chơi mới mẻ không khác gì nằm mơ vậy và nàng nhận thấy hai câu thơ của Long Uyên trích ra trong bài thơ của Từ Thần Ông rất hợp tình hợp cảnh.
Long Uyên ngâm xong hai câu thơ, đột nhiên nghĩ ra một việc liền hỏi Vân Tuệ :
- Chị Tuệ! Chị có biết con vật chúng ta đang cưỡi tên là gì không?
Vân Tuệ nghĩ ngợi hồi lâu vẫn không sao nghĩ ra được. Long Uyên đắc chí cười khì rồi mới giảng giải cho nàng nghe :
- Trong Nam Việt Chí nói: Trong biển có loài vật tên là Chu Biệt giống như con rùa, có bốn mắt sáu chân phân ra cho vật này thuộc về loại Biệt (Ba Ba lớn hay Cua đinh) nhưng có một điểm đáng nghi, là nó màu vàng chứ không phải màu đỏ. Vì vậy nó mới có hình mẹ, còn màu thì giống cha nên tiểu đệ mới đặt cho nó là Ngao Biệt thì đúng hơn.
Thấy lời nói của chàng rất có lý nhưng vì chàng ngồi trên lưng con Biệt vừa nói đầu vừa lắc lư trong tức cười, khiến nàng không sao nhịn được, cứ cười khúc khích và vừa cưỡi vừa vỗ vai chàng liên tiếp.
Con vật đó đi rất nhanh, mới hơn tiếng đồng hồ đã trông thấy rõ cù lao đen hiện ra trước mặt rồi.
Long Uyên ngắm nhìn một hồi, thấy đúng là cù lao rồi, vội nói cho Vân Tuệ hay. Vân Tuệ cũng mừng rỡ vô cùng. Ngờ đâu, lúc ấy con Biệt bỗng quay đầu lại nhìn Long Uyên khẽ kêu mấy tiếng.
Thoạt tiên, Long Uyên không hiểu con Biệt kêu lên như thế làm chi, chàng đoán mãi cũng không hiểu. Bỗng thấy nó cứ dúng đầu xuống nước hoài, chàng mới nghĩ ra, vội hỏi lại :
- Mi định lặn xuống nước phải không?
Con Biệt kêu “u” một một tiếng, gật đầu mấy cái tỏ vẻ lời nói của chàng rất đúng.
Vân Tuệ thấy vậy cau mày lại định phản đối, nhưng Long Uyên thấy con Biệt không có ác ý gì, nên chàng đoán chắc nó muốn lặn xuống nơi đây ắt phải có nguyên do gì. Vì lòng hiếu kỳ thúc đẩy, chàng gật đầu nhận lời, bằng lòng để cho nó đưa mình xuống dưới biển.
Con Biệt thấy chàng nhận lời, liền kêu “u” lên một tiếng rồi lặn ngay.
Bất đắc dĩ Vân Tuệ phải ôm chặt lấy Long Uyên, nín hơi lấy sức để cho nước khỏi vào miệng, mũi.
Long Uyên tinh nghịch đưa mắt nhìn bốn bề xung quanh, thấy cá bơi đi bơi lại rất nhiều, và có đủ các loại. Bất cứ loại cá nào cũng vậy, thấy con Biệt khổng lồ này bơi tới là chạy tán loạn không dám tới gần.
Long Uyên biết con Biệt này tính rất hung hãn, nên các loại cá khác mới sợ nó như thế.
Con Biệt càng lặn xuống sâu, Long Uyên càng thấy sức nước ép càng mạnh hơn và hơi nước cũng giá lạnh dần. Chàng với Vân Tuệ phải vận nội công ra chống lại hơi lạnh và sức ép đó, nhưng con Biệt thì không thấy bị ảnh hưởng chút nào, nó cứ thế lặn xuống hoài và không biết nó lặn xuống bao lâu.
Long Uyên vận một vòng Đơn Thiết thần công, nhờ vậy đã dần dần chịu đựng quen sức ép và hơi lạnh ấy. Lòng hiếu kỳ của chàng rất cao, nên không thấy chàng hoảng sợ chút nào, mà chỉ tỏ vẻ thích thú, ngắm nhìn những cảnh kỳ lạ xung quanh. Cảnh dưới đáy biển quả thật đẹp tuyệt và cũng kỳ lạ, nếu xung quanh không phải là nước, có lẽ Long Uyên tưởng nơi đó là thiên đàng, vì những cảnh vật hiện ra trước mặt chàng có núi có non, có đủ thứ hoa thơm cỏ lạ.
Trong những thứ cây cỏ đó đây cũng là những là con trai khổng lồ đường dài hàng trượng, giữa lòng những con trai đó đều là những hạt châu to bằng cái bát, chiếu sáng chói lọi. Ánh sáng của những hạt châu đó chiếu vào những cây san hô ở quanh đó trông lại càng đẹp tuyệt, và những cây san hô nữa trông càng đẹp thêm. Suýt tí nữa chàng quên mình ở đâu, vừa chắc lưỡi định khen thì nước biển đã vào đầy miệng, tanh và mặn khôn tả.
Chàng quay lại nhìn Vân Tuệ, thấy nàng đang nhắm nghiền hai mắt hình như không trông thấy gì hết. Ánh sáng ngũ sắc chiếu vào mặt nàng lúc đỏ lúc xanh, trông càng đẹp thêm. Chàng tinh nghịch giơ tay lên khẽ bóp mũi nàng một cái.
Vân Tuệ mở mắt ra nhìn, đột nhiên thấy cảnh sắc xung quanh kỳ ảo và đẹp như vậy, nàng kinh ngạc cũng mở miệng ra định nói thì nước đã tràn vào miệng. Nàng vội mím môi lại và nhìn Long Uyên mỉm cười.
Con Biệt khổng lồ cứ tiếp tục vượt qua những ngọn núi xanh mà lặn xuống bên dưới. Bên dưới là một tuyệt cốc, giữa hai sườn núi, nước biển càng đen, càng lạnh thêm và không biết sâu bao nhiêu nữa.
Chàng chỉ giật dây da kình mấy cái tỏ ý bảo cho con Biệt đừng có lặn xuống sâu như thế nữa, vì càng xuống sâu bao nhiêu sức ép dưới đáy biển càng mạnh bấy nhiêu. Chàng không những khó chịu mà còn khó thở nữa. Dù người có nội công thâm hậu đến đâu, nếu lâu không hô hấp cũng đủ làm cho hai người khó chịu rồi.
Ngờ đâu con Biệt ấy không chịu nghe lời, cứ xuống thêm hơn trăm trượng nữa.
Lúc này, Long Uyên mới giật mình kinh hãi, nếu còn xuống sâu nữa, thế nào cũng bị chết ngạt không sai. Lúc ấy chàng mới cảm thấy chân khí đã sắp kiệt đến nơi, nếu không hít không khí mới vào, chỉ trong nửa khắc nữa là sẽ phải uống nước biển liền và còn bị sức ép của nước biển ép cho miệng, mũi, tai rỉ máu ra mà chết ngay tại chỗ chứ không sai.
Chàng quay lại nhìn Vân Tuệ, thấy nàng cũng vậy, mặt nàng đã đỏ bừng và đôi mắt xanh của nàng đang nhìn mặt chàng.
Chàng lấy làm lạ không hiểu tại sao trước lúc sắp nguy hiểm này, chị Tuệ lại không cương quyết ra lệnh mà cứ nhìn mình như vậy làm chi?
Sự thật, Vân Tuệ không phải là không cảm thấy khó chịu, sở dĩ nàng làm như thế là vì vừa rồi nàng đột nhiên thấy cảnh tượng kỳ lạ và thấy bộ mặt của Long Uyên đẹp khác hẳn mọi khi, vì vậy nàng mới nghĩ vẩn vơ nên quên hết cả hiện tại.
Nàng tưởng tượng mình là tiên nữ mà Long Uyên là tiên đồng, hai người đang du trong cảnh tiên, đang dắt nhau vào một nơi rất thần bí để phó hội. Vì vậy nàng tuy hơi khó thở nhưng trái lại nàng không muốn bảo Long Uyên ra khỏi chốn đó.
Nàng cảm thấy Long Uyên che chở nàng sẽ được an toàn và sung sướng. Vì vậy, nàng không những không ra lệnh mà lại còn rất hiền lành nhu mì nghe chàng chỉ huy.
Vì thế, Long Uyên không do dự gì nữa, nắm lấy hai tay của Vân Tuệ nhảy khỏi mình con Biệt không chịu nghe lời ra lệnh của mình, để nhô lên mặt nước hô hấp không khí mới. Ngờ đâu, chàng vừa định hành động thì con Biệt kia bỗng ngừng hẳn lại liền. Chàng thấy chỗ đó là cạnh vách núi trong tuyệt cốc. Chàng nhìn kỹ thấy vách đó có một cái động đá cao năm thước, rộng hai thước. Trong động có một luồng ánh sáng nhu hòa chiếu ra. Con Biệt hình như bảo hai người vào trong động ấy.
Long Uyên tập trung tinh lực nhìn vào trong động. Chàng rất ngạc nhiên thấy bên trong khô ráo không có một giọt nước nào, chàng kinh ngạc vô cùng kéo Vân Tuệ cùng đi xuyên qua làn sóng, nhảy vào trong hang động ấy. Chỉ nghe thấy kêu “lõm bõm” hai tiếng, hai người đã thoát khỏi nước biển, vào trong hang động có không khí để hô hấp.
Hai người ở trong nước quá lâu mới vào trong động hít mấy hơi thật mạnh và cảm thấy không khí ở trong đó thật trong lành và mát mẻ lắm, dường như đã tới một chốn thiên đường vậy.
Hai người hít đủ không khí rồi mới bắt đầu ngắm cảnh ở bốn bề xung quanh. Thấy hang động đó có một đường mòn rộng chừng một trượng, nhưng cong queo chứ không phải là đường thẳng, vì vậy hai người không biết trong đó sâu bao nhiêu và đi vào tới đâu? Hai người lại thấy trên vách động có khảm những hạt châu to bằng trái trứng bồ câu có ánh bạc tỏa ra. Nước biển ở ngoài động như bị một sức lực vô hình ngăn cản, không sao chảy được một giọt nào vào trong động.
Long Uyên ngạc nhiên giơ tay ra chỗ nước, tay chàng đã rờ vào nước mà cũng không thấy có vật gì cản trở tay mình cả. Chàng lui về phía sau ngắm nhìn những hạt châu một hồi rồi hỏi Vân Tuệ :
- Chị Tuệ! Tại sao nước biển lại không vào được trong hang động này?
Vân Tuệ ngơ ngác lắc đầu suy nghĩ một hồi rồi đáp :
- Có lẽ là do công hiệu của vách hạt châu ở trong hang động chăng?
- Phải, đệ cũng đoán như vậy. Trong Nam Việt Chí có ghi rằng: Trong biển có một loại tê giác gọi là Phích Thủy Tê, nó đi đến đâu có ánh sáng chiếu ra tới đó và nước biển cũng phải rẽ sang hai bên. Những hạt châu khảm trên vách kia đệ đoán chắc là nội đơn của con tê giác trị thủy kia cũng nên. Chắc mấy trăm nghìn trước, động này nguyên ở trên mặt, sau vì động đất mà nơi đây thành biển. Vì cửa động có hạt châu, nước mới không sao vào được.
Vân Tuệ cho lời nói của chàng rất có lý, gật đầu mỉm cười tiếp lời :
- Đi Uyên đệ! Chúng ta thử vào đó xem sao. Chắc trong hang động thế nào cũng có những vật lạ lắm. Bằng không, con Biệt khổng lồ này không khi nào vô duyên vô cớ mà đưa chúng ta tới đây.
Long Uyên và Vân Tuệ, hai người đi sát cạnh nhau, thấy đường hầm ấy cứ đi ba trượng lại phải quẹo sang bên, đồng thời trên đỉnh động cũng khảm một hạt châu như hạt châu ở vách động vậy.
Hai người đi quanh co một hồi, Long Uyên bỗng nghĩ ra được một kế, vì lúc ấy đã đi qua một hai nơi rồi. Lối đi ở phía đằng trước đột nhiên lớn rộng hơn bên ngoài nhiều, xa xa trông như một thạch thất trong đó ánh sáng chói lọi có đủ muôn màu đẹp khôn tả. Hai người rảo bước lướt tới gần đưa mắt nhìn xung quanh, cả hai đều giật mình đánh thót một cái.
Long Uyên hồi hộp vô cùng, hai tay nắm chặt lấy cánh tay phải của Vân Tuệ. Chàng cảm thấy cánh tay của nàng cũng hơi rung động, mới biết nàng cũng sợ như mình. Nhưng chàng nghĩ lại, dù sao mình cũng là đàn ông, mình phải có trách nhiệm bảo vệ cho nàng. Vì thế, chàng cố hết sức lấy can đảm ra mà bình tĩnh nói :
- Sao trong này có lắm người chết đến thế? Có lẽ năm xưa vì động đất mà nơi đây chìm xuống đáy biển cũng nên.
Thì ra, trong thạch thất đó rộng chừng năm trượng, nơi chính giữa có một cái chậu lớn đường kính hơn trượng đựng đầy vàng ngọc châu báu tựa như một quả núi nho nhỏ vậy. Những ánh sáng ngũ sắc và chói mắt đó đều do những bảo châu ở trong chậu chiếu ra. Cái đó không có gì đáng sợ, có chăng là quanh đó những thây người chết nằm ngổn ngang, người nào người nấy mặt trông rất hung ác, hình như trước khi chết họ chịu đựng nhiều đau khổ. Vì thế, Long Uyên và Vân Tuệ mới vào tới nơi trông thấy những xác chết đó mà hoảng sợ.
Vân Tuệ định thần xong trong bụng hoảng sợ vô cùng và bụng bảo dạ: “Hang động này ít nhất cũng bị chìm trên ngàn năm, sao xác của những người này lại toàn vẹn như vậy, và cũng không có mùi hôi gì cả?”
Long Uyên cũng thắc mắc như vậy. Chàng thấy Vân Tuệ cứ trố mắt nhìn mà không nói nửa lời vội buông tay ra, nhảy tới cạnh chậu nắm tay một cái xác lôi ra bên ngoài. Ngờ đâu chân tay mình mẩy của cái xác đó lạnh như băng, khi chàng nắm tay của cái xác đó lôi lên thì cái xác vẫn y nguyên hình dáng ấy mà theo tay chàng nhấc lên.
Chàng hoảng sợ vô cùng, vội vứt cái xác xuống kêu đánh “bộp” một tiếng, xác đó bắn lên cao hơn ba tấc mới rớt xuống. Chàng nhìn kỹ mới hay tất cả những xác người đó đều cứng ngắt và rắn như sắt đá vậy.
Lúc ấy, Vân Tuệ đã đi tới gần, vì đế giày của nàng rất mỏng nên nàng vừa vào tới trong phòng đã nhận ra dưới sàn đất khác lạ. Nàng ngồi xổm xuống nhìn kỹ mới hay sàn đất đỏ như lửa và nóng ran. Nàng vội báo cho Long Uyên hay. Long Uyên thử khắp mọi nơi, đâu đâu cũng vậy đều có hơi nóng như thế.
Vân Tuệ lôi những xác sang bên, đi đến gần chậu đựng châu báu, nàng thấy trong chậu đó có đủ bạch ngọc, san hô mã não không sao đếm xiết được. Món nào cũng là vật vô giá ở trên trần gian, nhưng nàng chưa hề bước chân vào Trung thổ bao giờ cho nên không biết giá trị của những vật báu này. Nàng chỉ cảm thấy thích thú nó thôi chứ không có ý niệm tham lam gì cả. Nàng cầm một chuỗi hạt châu có ánh sáng lên choàng vào cổ, nàng vô ý để tay phải đụng vào thành chậu ngọc, bỗng thất thanh la lớn một tiếng :
- Ối chà...
Long Uyên nghe thấy tiếng kêu vội quay đầu lại, thấy nàng đeo một chuỗi hạt châu vào trông không khác gì một tiên nữ giáng trần, chàng cả mừng vội khen :
- Chị Tuệ đẹp thật... Ủa! Vừa rồi chị kêu gì thế?
Vân Tuệ thấy Long Uyên khen ngợi mừng rỡ vô cùng, lườm chàng một cách tình tứ, tủm tỉm cười và đáp :
- Uyên đệ hỏi tôi ư? À này... Uyên đệ lại đây xem cái chậu này mát lạnh như vậy có kỳ lạ không?
Uyên nhi rờ thử xem cũng kinh ngạc vô cùng. Chàng vội ngồi xuống xem xét, thấy cái chậu đó hình như liền với mặt đá. Chàng thắc mắc sao trong phòng này nóng hổi như vậy, riêng có cái chậu lại mát dịu như thế? Nếu không phải trời sinh ra như vậy sao ta kiếm mãi không thấy khe hở gì cả? Chàng nắm thử mép chậu, dùng sức nhấc thử lên xem nhưng không sao nhấc nổi. Chàng lại lôi sang bên phải một cái thì bỗng nghe thấy có tiếng kêu, cả mừng cố hết sức lôi thêm, nhưng chàng đã nghe thấy Vân Tuệ la lớn :
- Uyên đệ, mau xem phía đằng kia! Có một cánh cửa hiện ra kìa.
Long Uyên ngừng tay ngẩng nhìn qua mấy vách bên trái, thấy hiện ra một cánh cửa từ hồi nào không hay.
Cửa đá rộng hơn một thước, bên trong hình như cũng có một thạch thất và có ánh sáng xanh nhợt rất nhu hòa tỏa ra. Chàng tự nhủ thầm: “Chắc nơi đây là chỗ tu hành của một dị nhân tiền bối nào đã đắc đạo rồi. Con Biệt khổng lồ đưa mình tới đây, ắt hẳn phải có thâm ý? Bây giờ ta đã đến nơi đây, ắt phải có duyên, ta phải tìm hiểu cho ra nguyên nhân của việc này mới được”.
Không những lòng hiếu kỳ thúc đẩy mà chàng không muốn lỡ mất dịp may này nên quyết định phải tìm hiểu cho ra manh mối. Thế rồi chàng đi trước tiến thẳng sang phòng bên kia. Chàng kinh ngạc vô cùng thì ra phòng đó rộng chừng hai trượng, bốn bên vách đều có treo the xanh, dưới đất trải mền, giường ghế đều có đủ hết, trên giường có cả màn the nệm gấm.
Tất cả những đồ dùng trong đó đều màu xanh, khiến người vào tới trong đó cảm thấy mát dịu và êm ả vô cùng. Chàng vừa mừng rỡ vừa kinh ngạc, không ngờ dưới đáy biển lại tồn tại một động phủ lịch sự đến như vậy. Vân Tuệ đi sau thấy Long Uyên bỗng dừng chân đứng nhìn, nàng vội đẩy chàng đi vào để nàng được vào gần xem kỹ.
Long Uyên khoác tay nàng cùng đi vào trong căn phòng màu xanh và lịch sự ấy.
Hai người đi tới trước bàn đá xanh. Thì ra bàn đó bằng ngọc màu xanh thẳm, trên bàn có một ngọn đèn cung đăng, sáu mặt căng bằng lụa xanh, cả ngọn lửa của chiếc đèn đó cũng tỏa ra ánh sáng xanh nốt.
Cạnh ngọn đèn còn có hai cái chốt nhô lên không hiểu dùng để làm gì. Trên mặt bàn chỉ có thế thôi chứ không còn một vật nào khác.
Long Uyên mở hai cái hộc tủ ở bên dưới thấy trống không chẳng đựng một vật gì hết.
Vân Tuệ thử bấm một cái xem có cửa ngõ khác hiện ra không? Ngờ đâu tay nàng chưa đụng vào cái chốt ấy thì cánh cửa của hai người vừa bước vào đã từ từ đóng lại, không còn một khe hở nào hết. Vì vậy, nàng không nghĩ gì đến chuyện bấm thử cái chốt ấy nữa, vội chạy ra nhưng cửa đó đã đóng chặt rồi.
Hai người đang ngơ ngác nhìn nhau, Vân Tuệ liền vén tấm màn treo xanh ở cạnh đó lên, nàng thấy trên vách liền với cánh cửa vừa vào đó có những chữ nổi.
Long Uyên thấy không còn lối ra mới đoán chắc hai cái chốt ở trên bàn thế nào cũng dùng để mở cửa, chàng vội chạy lại bấm thử cái chốt thứ nhất, liền có tiếng kêu kèn kẹt. Tất cả những màn the treo ở trên vách đều tự động cuốn vào góc vách.
Trên tường lộ ra vách bạch ngọc và có khắc những chữ cùng hình vẽ.
Chàng lo âu vì thấy lối ra đã bị đóng kín, nên chàng cũng không còn tâm trí gì mà để ý xem những chữ và hình vẽ đó nữa. Chàng lại bấm cái chốt thứ hai thử xem, ngờ đâu góc vách bên phải kêu “kẹt” một tiếng đã có một cái cửa hình tròn hiện ra.
Long Uyên tưởng có một lối ra khác, vội nhảy vào trong đó, không ngờ trong đó chỉ là một cái vườn hoa nhỏ hình tròn thôi. Vườn hoa đó cũng chính là một cái thạch động, nhưng vì đỉnh động đặc biệt cao và bên dưới có trồng rất nhiều hoa quả kỳ lạ cho nên mới gọi là vườn hoa thôi.
Đỉnh động không những cao hơn mười trượng mà bên trên lại có khảm rất nhiều hạt châu to lớn bằng cái chén có ánh sáng tỏa ra. Những hạt châu ấy tỏa ra ánh sáng như ban ngày vậy. Những vật đó vẫn chưa lạ bằng nơi chính giữa của khóm cây có cái ao nhỏ rộng chừng năm thước, nước xanh biếc trông không thấy đáy, bên trong có rất nhiều cá bơi đi bơi lại.
Bốn bề xung quanh vườn hoa đều là vách đá hình tròn ngoài ra còn có ba cái cửa nữa, không biết có phải là cửa đi ra bên ngoài không?
Long Uyên ngơ ngác đi vào trong vườn, thuận tay hái một trái cây đỏ hồng đưa vào miệng cắn một cái thấy ngon vô cùng. Chàng vừa ăn vừa đi quanh vườn hoa một vòng. Lúc ấy, chàng mới biết ba cái cửa đó thông sang ba căn phòng: phòng bếp, phòng tắm và cầu tiêu. Chàng thất vọng vô cùng, thuận tay hái một trái cây nữa rồi trở lại căn phòng hồi nãy.
Lúc ấy, Vân Tuệ đang tươi cười nhìn những chữ ở trên vách có vẻ say mê vô cùng. Chàng chạy lại đưa trái cây cho nàng. Nàng đỡ lấy một trái đưa lên miệng ăn, nhưng mắt vẫn nhìn vào hàng chữ và hình vẽ ở trên vách.
Long Uyên thấy vậy vội đứng cạnh nàng xem những chữ viết ở trên vách. Chàng thấy trên đó viết :
“Tôi là Vương Lâu thời Hán triều, không may thân là con gái mặt lại xấu như Chung Vô Diệm, tuy có tài ba hơn người nhưng không một người đàn ông nào dám gần tôi, vì thế tôi đau khổ vô cùng. Về sau, tôi nổi giận bỏ nhà ra đi, lên đỉnh núi Mao Sơn ngẫu nhiên được một dị nhân cứu giúp và được ông ta dạy bảo cho võ công lẫn phép dị dung (sửa đổi bộ mặt). Tôi ẩn dật trong Thần Ngũ Phong mười năm mới thành công môn thay đổi bộ mặt và sau đó ngao du thiên hạ. Lúc ấy, đàn ông ngu xuẩn mê tôi như điếu đổ, thấy thế, tôi càng ghét hận thêm, vì tôi thấy người đời chỉ biết chuộng bộ mặt thôi. Lòng yêu của tôi biến thành thù hận. Phàm người nào mê sắc đẹp của tôi, tôi đều giết sạch và lấy tiền của họ.
Có không biết bao nhiêu người chết ở trong tay tôi không sao đếm được.
Lúc tuổi già, tôi càng chán nản đời sống của trần tục, liền đem hết tiền bạc đã cướp được của những đàn ông bị tôi giết, đi Đông Hải, vừa may gặp sư phụ tôi vào trong động này.
Sư phụ tôi trách tôi ra tay quá tàn nhẫn, sau đó dạy tôi cách luyện đơn và bắt tôi phải sám hối, rồi sư phụ tôi cưỡi con Biệt đi xa. Mười năm trời tôi mới luyện thành nội đơn và giác ngộ những hành động xưa kia. Âu cũng là lòng trời sai khiến nên mượn tay tôi mà không khiển trách tôi, lòng tôi mới yên. Nhờ vậy tôi mới luyện thành chính đạo.
Thiết nghĩ tôi không muốn đạo và thuật của tôi bị thất truyền, tôi ngồi yên trong động, biết động này trăm năm sau thế nào cũng chìm xuống đáy biển, và người có duyên thế nào cũng tới được. Vì vậy, tôi lấy vách này làm giấy và ngón tay làm bút mà ghi lại những tài ba kỹ thuật của tôi lên đây, còn đạo của tôi là dung hòa ở trong võ công. Võ công thành tựu, đạo cũng thành liền, nhưng phải lấy tôi làm gương mà đừng giết người bừa bãi.
Những vật báu ở phòng đằng trước, người hữu duyên có thể dùng nó để tế thế, duy chỉ có cái chậu ngọc là do Huyền Băng nghênh tụ để trấn áp ngọn lửa ở dưới đất, mong đừng có đụng vào nó, bằng không sẽ gây nên tai họa lớn.
Cửa ngõ cửa động này đã ba năm mới mở một lần, sức người không sao mở nổi.
Người hữu duyên vào trong phòng này rồi, cửa ngõ sẽ tự động đóng lại, nhưng đừng có sợ, phía sau động có cá tươi và những trái cây kỳ lạ đủ ăn no hai bữa hàng ngày. Ba năm sau, tài ba thành công rồi ra đời hành đạo có thể tung hoành thiên hạ không bị lép vế một ai cả. Tôi xin chào mừng ở đây trước, người hữu duyên nên chăm chỉ luyện tập cho tới khi thành công”.
Đọc xong những chữ đó, hai người vừa kinh hãi vừa mừng rỡ, nhất là Long Uyên nghĩ đến vừa rồi nếu không được. Chị Tuệ kịp thời phát hiện cửa ngõ bảo mình vào xem thì thế nào mình cũng di động cái chậu ngọc và gây nên tai họa rất lớn rồi.
Đồng thời chàng đọc xong những chữ đó không còn thắc mắc như trước nữa. Điều thứ nhất con Biệt đưa hai người tới đây, chắc là con Biệt mà sư phụ của Vương Lâu cưỡi.
Điều thứ hai, động phủ này quả thật đã chìm xuống dưới đáy biển, chứ không phải là xây dựng từ dưới lòng biển nhưng Vương Lâu đi đâu? Sư phụ của bà ta là ai?
Những xác chết bên ngoài là những ai mà làm sao lại tới đây được. Những vấn đề đó chàng vẫn không sao hiểu biết được. Nhưng chàng suy nghĩ giây lát liền nói với Vân Tuệ :
- Chị Tuệ! Theo sự xét đoán của đệ thì nhưng người chết ở bên ngoài có lẽ là bọn hải tặc xưa kia. Trước khi động phủ này chìm xuống đáy biển chúng đã kéo tới, chúng thấy bên ngoài có nhiều châu báu như thế liền nổi lòng tham, không ngờ chúng vào trong hang động không bao lâu thì động này đã chìm xuống đáy biển. Bọn người đó không ra được, không có gì ăn cho nên mới chết đói hết.
Vân Tuệ thấy lời nói của chàng rất có lý nhưng cố ý hỏi lại :
- Theo hiền đệ nói có lẽ chúng đã chết rất lâu rồi phải không? Sao xác chết của chúng không bị hôi thối?
- Động chủ chả nói rõ rồi là gì?
Vân Tuệ ngơ ngác, nàng xem lại những chữ ở trên vách, không thấy nhắc nhở chuyện người chết, nàng liền lườm chàng một cái và nói :
- Hiền đệ nói bậy! Bà ta có nói ở trên vách đâu. Chẳng lẽ bà ta chỉ nói cho một mình hiền đệ biết hay sao?
- Trên đó chả nói cái chậu ngọc dùng để trấn áp ngọn hỏa diệm sơn ở dưới đất là gì!
Vân Tuệ nghe nói gật đầu. Long Uyên lại nói tiếp :
- Vừa rồi lúc chúng ta mới vào chẳng phải rờ tay xuống đất thấy nóng hổi là gì! Những người đó đã ngã lăn ra đất chết, chất nước ở trong người của chúng đều bị hơi nóng đó rút khô, thịt và xương đều khô héo cả thì còn hôi thối sao được.
Vân Tuệ nhận thấy lời nói của Long Uyên rất có lý, nhưng vẫn chưa phục, hỏi tiếp :
- Họ đã chết đói, lúc chết rất chậm chứ không nhanh như người bị giết phải không?
Long Uyên cũng bắt chước nàng gật đầu. Nàng lại nói tiếp :
- Nếu vậy ngồi ở trên đất nóng hổi chờ chết có phải là khó chịu biết bao không? Sao họ không chạy ra chỗ đường hầm mát mẻ mà chết có hơn không?
Long Uyên thấy nàng hỏi vậy không biết trả lời như thế nào cho phải. Vì chết ở đâu cũng là chết cả. Sao người ta không kiếm một phương pháp hay một nơi nào để chết một cách dễ chịu có hơn không?
Vì thế mà Long Uyên không thể nào trả lời được. Vân Tuệ thấy vậy cười khì và nói tiếp :
- Để tôi nói cho hiền đệ nghe, chắc thạch thất bên ngoài cũng có một cánh cửa tự động như cánh cửa này vậy. Sau khi họ vào trong phòng đó rồi, cánh cửa liền đóng kín. Chúng không ra được nên mới đành phải chết ở trong phòng như thế.
- Phải phải, chị Tuệ thông minh thật. Sao vừa rồi chị Tuệ lại không nghĩ ra?
Thấy chàng ta khen mình như vậy, Vân Tuệ rất khoái chí, trong lòng mừng rỡ vô cùng, nhưng lại thấy ngượng nghịu nên cố ý vỗ chàng một cái giả bộ hờn giận, nói tiếp :
- Sao giỏi múa mép thế! Ai bảo hiền đệ khen ngợi tôi như thế nào... Ủa! Trái cây này tìm ở đâu ra thế? Sao ngọt quá như vậy?
Long Uyên liền kéo nàng vào trong vườn hoa và nói :
- Trong này có nhiều lắm, chị Tuệ này, chúng ta không ra khỏi đây được.
Vào tới trong vườn hoa ấy, Vân Tuệ thấy có nhiều cây trái rất lạ lùng, cây nào cũng cao bằng nửa người và trái rất sai, to có nhỏ có những thứ trái nào cũng thơm ngon lắm.
Những cá bơi ở trong cái ao nhỏ, giống hệt những cá ở trong cù lao nhưng nó nhỏ hơn cá ở trong cù lao.
Còn ba căn phòng nhỏ kia, ngoài phòng tắm và cầu tiêu ra, căn phòng làm bếp bên trong có đủ dụng cụ.
Nhất là cái bếp lò làm bằng đá ở giữa có ba cái lỗ nhỏ lửa ở trong lò bốc lên ngùn ngụt, hình như lửa đó là lửa thiên nhiên vậy.
Trong phòng tắm có một cái bể con dài hơn trượng, bên dưới có một cái lỗ nhỏ phun nước ngọt ra đều đều nhưng có một điều lạ là nước ở trong bể lúc nào cũng chỉ sâu bốn thước thôi. Hai người cũng không hiểu nước chảy ra lối nào mà bể nước không đầy.
Vân Tuệ trông thấy nước ngọt, mừng rỡ cởi quần áo ra, nhảy luôn vào trong bể tắm liền.
Vì nước biển có muối, dù khô rồi người cũng nhơm nhớp khó chịu thêm, nên Vân Tuệ vừa trông thấy nước ngọt tất nhiên phải mừng rỡ không sao kể xiết.
Long Uyên quay trở ra thạch thất, bỗng thấy quần áo dính đầy máu và những chất muối khô cứng khó chịu. Vì vậy chàng cũng muốn vào tắm nữa.
Chàng thấy cạnh cái giường có một cái tủ bằng đá.
Chàng vội chạy lại mở ra xem. Chàng thấy trong đó có bốn ngăn. Ngăn thứ nhất chứa đầy những lọ nhỏ. Ngăn thứ hai để những đồ lặt vặt. Còn ngăn thứ ba và tầng thứ tư đựng đầy những thứ mà chàng đang cần thiết, những vật đó là là quần áo và vải có đến ba mươi bộ. Những quần áo của nam lẫn nữ, cũ và mới, có cả vải lẫn lụa, chàng đoán chắc những đồ dùng và quần áo đó là của chủ động Vương Lâu dùng để hóa trang cũng nên.
Chàng tìm kiếm mãi mới kiếm được một bộ quần áo đàn ông lụa trắng. Chàng vội vàng ôm quần áo đến trước cửa phòng tắm kêu gọi :
- Chị Tuệ tắm xong chưa? Đệ đem quần áo đến cho chị đây.
Vân Tuệ đang ngâm mình ở trong bể, nghe tiếng gọi chỉ sợ chàng xộc vào, nên không kịp hỏi chàng lấy quần áo ở đâu, mà vội vàng đáp :
- Hiền đệ đừng vào, tôi chưa tắm xong. Hiền đệ cứ vứt quần áo vào cho chị.
Long Uyên đưa qua khe cửa ném vào bên trong, miệng thì thúc giục :
- Chị Tuệ tắm mau lên, đệ cũng muốn tắm đây.
Vân Tuệ ở bên trong đỡ lấy quần áo, để trên ghế đẩu và trả lời :
- Sắp xong rồi Uyên đệ. Hãy ra bắt sẵn mấy con cá để lát nữa chị thổi cơm cho hiền đệ ăn.
Một lát sau, nàng ở trong phòng tắm ra. Sau khi tắm rửa sạch sẽ và mặc quần áo gấm vào, Vân Tuệ không khác gì một tiên nữ ở trên cung trăng giáng trần vậy.
Long Uyên ngồi ở trên mép ao vừa bắt được hai con cá nhỏ màu hồng tươi, chợt trông thấy Vân Tuệ bước ra đẹp như tiên nữ, chàng bỗng cảm thấy trống ngực đập rất mạnh. Từ thuở bé đến giờ, chàng chưa hề có cảm tưởng lạ lùng như thế này.
Vân Tuệ và chàng bốn mắt nhìn nhau, trống ngực của nàng cũng đập rất mạnh và má của nàng ửng đỏ lên.
Long Uyên ngắm nàng hồi lâu, thấy nàng không nói nửa lời. Chàng bỗng rùng mình rồi vội đưa con cá cho Vân Tuệ rồi chạy vào phòng tắm ngay. Chàng vừa đi vừa nói :
- Chị Tuệ! Đệ vào tắm, chị thổi cơm mau lên nhé!
Vân Tuệ đứng ngẩn người ra giây lát, thở dài rồi mới đi vào bếp.
Trong bếp có đủ thứ dụng cụ, những đồ gia vị chỉ có muối thôi chứ không có các thứ khác. Bất đắc dĩ nàng phải rửa sạch cá và dùng muối nấu. Chờ tới khi Long Uyên vừa tắm xong thì nàng cũng đã thổi chín cơm.
Hai ngày rồi, hai người chưa được ăn cơm, tuy ăn cá với muối nhưng cũng ngon khôn tả.