Phong Vũ Thanh Triều [Quyển 2]

Chương 136: Lời cuối


Chương trước

Kể từ hôm đó Khang Hi trở về Tử Cấm Thành phê duyệt tấu chương đến tận nửa đêm. Trước đây chưa bao giờ ngài làm việc khuya khoắt đến vậy, nhưng dạo ấy hằng đêm ngài đều thức để giải quyết giấy tờ. Thái giám hầu cận của ngài là Ung công công vừa lo cho sức khỏe ngài lại vừa không dám lên tiếng can ngăn, đứng hầu bên cạnh mà mặt mày nhăn nhó. Ung công công thầm hỏi tại vì sao làm một vị vua mà lại phải vất vả đến vậy. Ung công công len lén quan sát Khang Hi thấy hoàng thượng mỗi đêm đều đi ngủ muộn, sáng ra còn dậy thật sớm để lên triều, khuôn mặt ngài không giấu được vẻ mệt mỏi.

Lại nữa đêm nào Khang Hi cũng ngủ không yên giấc, hễ đặt lưng nằm xuống là nằm mơ trông thấy ái phi.

- Tất cả thiên hạ này là của trẫm – Khang Hi lầm bầm trong miệng - Người trong thiên hạ cũng vậy, nếu trẫm chưa cho phép, nàng không được bỏ trẫm mà đi…

Về phần Tứ a ca cũng chẳng khác với vua cha là bao, đêm nào đang mơ màng ngủ nó cũng ọe một tiếng rồi giật mình tỉnh giấc, khóc òa lên. Nó vừa khóc vừa gọi:

- Ngạch nương! Ngạch nương!

Cửu Dương khẽ vỗ lưng Tứ a ca dỗ dành nói:

- Đừng khóc! Đừng khóc! Tứ a ca đừng khóc nữa, ngạch nương sắp về tới rồi.

Nhưng Tứ a ca khóc suốt, vừa khóc nó vừa kêu mẹ ơi mẹ hỡi khiến Cửu Dương càng thêm rối trí.

Thế là đêm nào sau khi Tứ hoàng tử ngủ say rồi Cửu Dương cũng ngồi bệt trong góc nhà. Bóng chàng lờ mờ ngồi thu lu trong bóng tối, tai nghe văng vẳng tiếng chiêng điểm sang canh, tim lập tức nhói lên, một tay nắm chặt hình nộm gỗ của sư muội còn tay kia cầm lấy bầu rượu uống một ngụm lớn rồi vỗ về hình gỗ trong lòng.

Có một buổi sáng Cửu Dương lững thững mang hoa ra mộ sư muội như một người mất hồn. Nhìn những đóa hoa cúc trắng trên mộ nàng lòng chàng xót xa và muốn ngã gục, tự hỏi vì sao hai người phải luôn chịu sự xa cách? Trước đây là cách một hàng rào vây quanh Tử Cấm Thành, rồi một cái cổng sắt cao lớn trước tân giả khố, và bây giờ là ba tấc đất? Chẳng thà như lúc trước, mỗi lần nàng nhớ đến “hắn” có thể gục đầu vào vai chàng để khóc, còn hơn cái cảm giác lúc này, chàng cảm thấy không thể nào chịu đựng nổi cảm giác khó chịu lúc này được.

“Muội hãy cứ đến bên huynh mỗi khi muội buồn, muội đau khổ, kể cả khi muội thấy cô đơn vì nhớ hắn muội cũng có thể nói với huynh,” Cửu Dương ngồi xuống cạnh nấm mồ của sư muội thầm nhủ, “khi muội cần một ai đó giúp đỡ thì luôn nhớ rằng có huynh sẵn sàng. Huynh chấp nhận đưa muội đi dạo phố phường cả tối dù chỉ để nghe muội khóc lóc hoặc nhớ miên man về hắn. Huynh không hề thấy tổn thương. Vì tình yêu cho huynh sức mạnh để tự chữa lành vết thương lòng mình, chỉ cần nhìn thấy muội cười, thế là quá đủ…”

“Huynh đã mù quáng tin và yêu một người không xứng đáng,” đột nhiên Cửu Dương nhớ Tân Nguyên cách cách có lần bức xúc nói cho chàng biết, “để rồi từ ngày yêu cô ấy huynh đã đau khổ quá nhiều!” Nhưng bất luận thế nào Cửu Dương tự nhủ lòng chàng đã chai sạn với nỗi đau đó rồi, và coi đó như một phần tình yêu của chàng. Bởi đối với riêng chàng nàng rất là xứng đáng. Chàng hối tiếc đã không nói ra điều này khi nàng còn sống, dầu nàng vốn là người yêu của một ai đó. Ước gì… Hôm trước khi nàng theo Khang Hi đến tây bắc chàng đã nói ra. “Muội hãy yêu huynh đi, dù là để lấp chỗ trống, để thay thế người kia thôi cũng được!”

Cửu Dương lại nhớ lúc định viết cho nàng lá thư tỏ rõ nỗi lòng chàng muốn bảo nàng rằng, “chắc hẳn muội sẽ không bao giờ hiểu được nỗi đau khổ của huynh khi từng ngày phải chứng kiến muội hạnh phúc bên người đàn ông khác. Tim huynh đau nhói, ruột gan quặn thắt nhưng những điều đó muội không hề hay. Cũng đúng thôi, yêu hắn đã quá đủ đau đớn với muội rồi, làm sao còn đủ sức lực để hiểu về nỗi đau của huynh được nữa. Một mình nỗi đau phân li xa cách của muội và hắn ta cũng đã là quá nhiều rồi…”

Nhắc lại chuyện Khang Hi xuất tuần đi tây bắc. Trước phút Tây phi qua đời, Cửu Dương nghe Sách Ngạch Đồ kể nàng đã cầu xin Khang Hi mang thi thể nàng đi hỏa thiêu, nói chờ một ngày nắng gió, mang tro cốt của nàng thả theo gió trôi đi, như vậy nàng mới tự do bay đến nơi biên cương được. Nàng nói nàng không muốn nằm một mình yên tịnh dưới lòng đất vừa tăm tối vừa lạnh lẽo âm u.

Tâm trạng tràn ngập bi ai, Cửu Dương nghĩ tới Tứ a ca, sực nhớ đứa cháu trai ruột của chàng là Tần Thiên Hoàn tuổi tác cũng xấp xỉ như vậy, bèn tự hỏi trời xanh sao lại nỡ trêu người? Ngay cả chàng muốn hận tên hung thủ cũng không thể hận được. Sao Lâm Tố Đình và Tần Thiên Hoàn lại làm thế với nàng chứ? Làm cho chàng muốn nhìn nàng lần cuối cũng không được. Sách Ngạch Đồ nói, "là chính Lâm Tố Đình và Tần Thiên Hoàn giết Tây phi chết!”

Nhưng cuối cùng Khang Hi không nỡ mang thi thể nàng đi hỏa táng, bèn chôn ở khu rừng tre.

Cửu Dương ngồi cạnh mộ sư muội một lúc lâu sau mới kiềm chế được tâm trạng mình, nhẹ nhàng vuốt ve tấm bia mộ, nước mắt ngân ngấn trong đáy khẽ khàng chảy xuống. Cõi lòng dường như đã bị xé nát, chẳng còn thiết chuyện yêu đương là gì nữa vì biết từ nay về sau tim chàng sẽ chẳng còn nguyên vẹn được, dầu cho thời gian có làm phai đi tất cả, dầu cho năm tháng có dần trôi, thì tận cùng trong đáy tim chàng từ hôm nàng chết đi về sau này chỉ là một khoảng trống không thôi…

Nói tới Dương Tiêu Phong năm đó hay tin Tây phi qua đời.

Lúc bấy giờ chàng đang ở Đa Nhĩ Bố Nhĩ Tân làm theo lời Khang Hi căn dặn chỉ đạo một nhóm binh lính giúp dân chúng đắp đê khoanh vùng. Đương khi lắp lại mái nhà, Dương Tiêu Phong chợt thấy Tô Khất chạy đến, sắc mặt xanh xao, bước chân loạng choạng run giọng gọi:

- Vương gia… - Tô Khất đứng dưới đất nói vọng lên - Hoàng thượng đang trên đường tới đây, nhưng…

Tô Khất nói đoạn thở một hơi dài thườn thượt:

- Nữ… Thần… Y… Nữ Thần Y… chết rồi…

Dương Tiêu Phong trong một thoáng dường như không theo kịp người thuộc hạ của mình đang nói gì, vừa ngộ ra, lòng đau xé, lại thêm mệt mỏi vì viễn chinh lâu ngày làm miếng ngói đang nắm trong tay rớt xuống đất vỡ tan thành nhiều mảnh, thân người lảo đảo muốn ngã.

Chàng không bao giờ ngờ bao năm chờ mong tin tức của nàng đến mỏi mòn nhưng cuối cùng lại nhận được tin báo tử.

Còn chưa hoàn hồn, chàng lại nghe Tô Khất tiếp tục nói:

- Hoàng thượng và Sách đại nhân đã tới đầu làng rồi, ngài hãy cùng với thuộc hạ đi nghênh đón thánh giá đi.

Sắc mặt thoạt xanh thoạt trắng, Dương Tiêu Phong ảm đạm gật đầu, lòng đau như cắt, mãi không nói được lời nào.

Cuối thu năm đó ở tây bắc tiếp tục xảy ra chiến tranh, quân Mông Cổ từ bốn phương tám hướng tràn tới đường biên giới. Cũng trong năm đó Dương Tiêu Phong sau khi hay tin Nữ Thần Y chết thì lâm bệnh nặng, đang mắc bệnh mà phải cố gắng xung phong vào đám loạn quân, rồi thất lạc. Từ đó trở đi không ai nghe được tin tức gì về chàng nữa. Tô Khất và Sách Ngạch Đồ bảo binh sĩ phải tìm ra xác chàng, dù có đi hàng vạn dặm cũng phải tìm cho bằng được.

Lại nhắc tới Tân Nguyên cách cách ở Ba Lan nhận được hung tin chàng và Nữ Thần Y. Cách cách đứng tựa vai bên khung cửa sổ nhìn ra ngoài sân nhà thờ Đức Bà. Nàng đứng như thế thật lâu, mắt đăm chiêu nhìn về phía những đám mây xám. Bầu trời mùa thu bao giờ cũng vậy, có một chút gì buồn buồn thê lương.

Tân Nguyên cách cách đứng đấy yên lặng. Thân hình nàng cân đối trong bộ y phục màu đen, áo khoác trên vai cũng màu đen. Màu đen tương phản với màu trắng của bốn bức tường trong giáo đường. Dáng dấp nàng cao quý khả ái, nhưng lôi cuốn nhất có lẽ là khuôn mặt với đôi mắt tròn to, mũi thẳng, cái miệng nhỏ nhắn lúc nào cũng cười mà giờ đây ít khi nàng hé môi dầu là cười mỉm. Đúng vậy, bắt đầu từ lúc nhận được thư của Cửu Dương gởi cho nàng nàng như không được bình thường, cứ hồi tưởng đến chuyện cũ với một nỗi buồn lảng vảng.

Mấy năm sau Tân Nguyên cách cách đi làm từ thiện tại một nhà thờ ở Anh Cát Lợi, gặp một người đàn ông trông giống hệt Cửu Dương, bèn đứng ngẩn ngơ ngắm chàng. Chợt nàng cảm thấy miệng như khô đi. Có một cái gì đó mơ hồ như xoa bóp nhẹ trái tim nàng, một cảm giác thật dễ chịu, vô cùng ấm áp. Đúng rồi, cũng nét phong trần đó, đôi mắt đó… phải nói là một ấn bản tương tự. Chỉ khác là người đàn ông này trẻ hơn, và có điều, người này không có được cái cốt cách lạnh lùng. Người đàn ông này vui tính, hồn nhiên ưa cười ưa nói, nhiệt tình hơn. Đúng rồi, một người đàn ông khác… mà lâu lắm rồi hình ảnh chàng mãi không phai mờ trong lòng nàng.

Người đàn ông đó chợt đi đến đối diện nàng và lên tiếng, nói bằng Anh ngữ, giọng trầm trầm:

- Sao cô cứ trừng mắt nhìn tôi? Mời cô ngồi.

Tân Nguyên cách cách giật nẩy mình, trở về với thực tại, cố mỉm cười gượng gạo, đấy là lần đầu tiên nàng cười sau bao năm.

Người đàn ông lại nói:

- Xin lỗi nhé, vì tôi làm cô giật mình.

Tân Nguyên cách cách định mở miệng nói “không sao,” song cảm thấy mình có vẻ lúng túng thế nào đấy. Hồi lâu sau nàng mới đủ can đảm nhìn thẳng vào mắt chàng, có một khoảnh khắc, ngưng đọng, nhưng rồi cuối cùng cũng lên tiếng:

- Anh không làm tôi giật mình – Nàng nhìn chàng nhẹ giọng bảo, đôi mắt long lanh như ánh sao đêm.

Nàng không ngờ người nàng gặp lại giống hệt Cửu Dương, cách cách đáp lời chàng mà nụ cười trên môi rộ nở. Người đàn ông đó cũng vui vẻ tươi cười với nàng, chớp chớp mắt như có một cái gì lao xao trong lòng…

Vào năm Khang Hi thứ ba mươi lăm ở Văn Uyên Các xảy ra một trận hỏa hoạn rất lớn, lửa cháy suốt hai canh giờ đã thiêu đốt một số sử sách về triều đình Mãn Châu. Khang Hi cho người in lại, nhưng lạ thay, trong ký sử toàn thư lại biên Tứ a ca Ái Tân Giác La Dận Chân chính là con trai ruột của Hiếu Cung Nhân hoàng hậu, và là con nuôi của Đông giai thị Hiếu Ý Nhân hoàng hậu.

Một thời gian sau nữa ở tây bắc xảy ra một trận động đất kinh thiên động địa, Khang Hi sai người mang quan tài của Tây phi về an táng ở Cảnh lăng thuộc Thanh Đông lăng ở thị xã Tuân Hóa. Nhưng người trong giang hồ đồn đãi rằng khi binh sĩ khai mộ lại không thấy thi thể nàng, mà trên vách đá cạnh đó có khắc mấy dòng chữ.

Người dân Hồi cương nói, vài năm trước họ có thấy một người đàn ông đến khắc chữ lên trên vách đá.

Chuyện kể là, có một lần một người trung niên đánh chiếc xe ngựa dừng ở giữa rừng tre, gió không ngừng vỗ vào hai bên thành xe. Tuy chỉ mặc thường phục mà trông y vẫn toát lên tư thế hiên ngang oai hùng, diện mạo anh dũng tuấn tú. Người đàn ông dắt theo đứa bé trai đến cúng bái ngôi mộ.

Sau đó y khắc mấy hàng chữ lên trên phiến thạch:

“Trăm năm sinh ly tử biệt, ngàn năm không hề quên, vạn năm không thể đong đếm hết nỗi buồn, cứ giống như Thái Bình Dương, biển sâu vô tận, đời người vô thường, tình yêu là trường cửu. Hai ta vẫn mãi mãi yêu nhau. Kiếp này nguyện hẹn ước, kiếp sau sẽ lại bên nhau, thiên trường địa cửu, mãi mãi không hề thay đổi.”

Lại có người bảo mỗi năm vào ngày giỗ Tây phi thì ở khu rừng tre đó đều xuất hiện diều bay đặc trời, trên mỗi chiếc đuôi diều đồng loạt có khắc Kinh Thi, bài Bá Hề.

Bá hề khiết hề

Bang chi kiệt hề

Bá dĩ chấp thù

Vị vương tiền khu

Tự bá chi đông

Thủ như phi bồng

Khởi vô cao mộc

Thùy chích vi dung…

Thời gian cứ như vậy trôi qua.

Nghe phong thanh đâu đó là sau khi Tây phi qua đời thì Cửu Dương cũng từ quan, lòng nguội lạnh, chàng rời kinh thành bỏ đi phiêu bạt giang hồ.

Nhiều năm sau…

Ở một học đường ưu tú nhất Giang Nam, giữa trưa hè oi ả, viện trưởng mời được một vị khách đặc biệt đến giảng giải về luận ngữ.

Người đàn ông mặc y phục màu trắng chậm rãi bước vào học đường, đến bên bàn định nhấc quyển sách lên nhưng không cẩn thận thế nào mà đụng phải tách trà làm đổ nước trà ra đầy bàn. Các học sinh đang ngồi trong lớp muốn cười lắm song lại không ai dám hé môi.

Nam nhân nọ ung dung nhặt lại nắp trà đậy trở lại lên tách.

- Nói về luận ngữ - Y cười cười bảo đám học sinh - Tử viết “Chánh giả! Chánh dã! Tử suất dĩ chánh, thục cảm bất chánh!"

Y đọc xong rồi bắt đầu giảng giải:

- Nói đến chữ “chánh” này, nói đơn giản một chút, tức là nói đến hành vi phải chánh trực, phải có phương pháp đúng đắn, người ở bề trên phải đàng hoàng đứng đắn và phải đoan chánh, có như vậy thì thuộc hạ không người nào dám không đoan chánh. Lấy tỉ dụ như nếu bề trên có làm gì bê tha, không cẩn thận đụng phải chén trà, như tôi đây, thì nếu như trước mặt các vị có chén trà tất nhiên là có thể làm đổ nó, tôi không thể phê bình các vị được, là bởi vì trên không đúng đắn thì dưới sẽ phạm sai lầm. Cho nên nói nếu bề trên đúng đắn thì thuộc hạ không ai là dám không đoan chánh.

Y nói đoạn ngưng lại vài giây, rồi mới tiếp tục nói:

- Đường Thái Tông căn dặn vấn đề trị quốc cũng giống như là trồng cây, cội rễ không lung lay thì lá cành mới sum suê được. Người lãnh đạo là một người tuyệt đối phải nghiêm chỉnh, thì cấp dưới ai cũng sẽ nghiêm chỉnh theo. Thêm vào đó người lãnh đạo cũng phải là một người có thể làm gương, lấy bản thân mình ra làm gương mẫu cho kẻ khác noi theo thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến bề dưới, và sẽ tác động trực tiếp đến hành vi của bề dưới…

Hết


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...