Pháo Hôi Ác Độc Không Muốn Sống Nữa
Chương 105: Nếu mai kia hắn sống sót quay về
Edit: Ryal
"Ngọc nhi, con đi đường phải cẩn thận đấy. Không được ăn mấy món quá lạnh, đừng tham mát tránh nóng, tới kinh đô thì gửi thư về cho ngoại tổ mẫu biết, nhớ chưa?".
Ngoài cửa phủ họ Dương, bà cụ cứ nắm tay Dung Ngọc mãi với đôi mắt đỏ ửng. Các trưởng bối cũng thi nhau căn dặn cậu.
"Ngọc nhi sẽ nhớ". Dung Ngọc ôm lấy bà cụ. "Ngoại tổ mẫu mau vào nhà đi, năm sau con lại về".
Bà cụ được mụ Trần dìu đứng vững, bàn tay cầm gậy chống run run, vừa gạt nước mắt vừa khẽ gật đầu, nhưng cuối cùng vẫn nhất quyết ở lại.
Bà nghĩ ngợi một lúc rồi kéo Mặc Thư qua, dặn nó phải hầu hạ Dung Ngọc chu đáo.
Mặc Thư cung kính vái lạy: "Cụ lớn cứ yên tâm, con sẽ chăm sóc ca nhi thật tốt".
Dương Hoài Cẩn bước đến ôm Dung Ngọc, dịu dàng cười: "Ngọc ca nhi, năm sau ta sẽ lên kinh ứng thí. Chúng ta sẽ sớm gặp lại".
Dung Ngọc cũng mỉm cười: "Biểu ca nhất định phải đến phủ nhà đệ chơi một chuyến đấy".
"Nhất định ta sẽ ghé thăm".
"Ta đi cùng nữa". Dương Hoài Diệp xen vào.
"Vâng". Dung Ngọc nhìn sang phía Dương Hoài Thận. "Thận biểu ca có đi cùng luôn không thế?".
Dương Hoài Thận ngán ngẩm lắc đầu với mấy đứa em, lại bước lên một bước, thì thầm với riêng Dung Ngọc: "Cái tên sai vặt của đệ ngày đó...".
"Sao vậy?". Nụ cười của Dung Ngọc thoáng đờ ra.
"... Không có gì".
Dương Hoài Thận cau mày, nửa ngập ngừng nửa như muốn nói. Từ khi tên hầu kia biến mất thì biểu đệ luôn nằm trong trạng thái buồn bực chán nản, hắn đã cho người đi dò la tung tích khắp nơi, mãi đến dạo gần đây mới có vài tin mật. Thân phận của kẻ đó không đơn giản chút nào.
Dương Hoài Thận định nhắc Dung Ngọc phải đề phòng, nhưng rồi lại cảm thấy nếu như kẻ đó đã đi mất thì cũng không nên lắm lời để tránh việc cậu buồn thương.
Dương Đại cữu khuyên nhủ: "Được rồi, mau đi đi, đừng để Thái tử điện hạ chờ mãi".
Nhị cữu mẫu phất tay cười: "Ngọc ca nhi, năm sau nhất định con phải về đấy nhé!".
Dung Ngọc gật đầu, cười mỉm.
Ba bốn cỗ xe ngựa chở đầy vàng bạc châu báu với của hiếm vật lạ xếp hàng ngoài cửa, toàn quà tặng của người nhà họ Dương nhồi nhét.
So ra lúc về còn nhiều xe hơn lúc đến.
Dương Hoài Diệp bế Dung Ngọc lên xe rồi cưỡi một con ngựa lớn đi trước dẫn đường. Nhiệm vụ của y là hộ tống Dung Ngọc đến bến tàu để xuất phát cùng Thái tử.
Dung Ngọc vén rèm nhìn ra, mỉm cười cất tiếng: "Ngoại tổ mẫu, cữu cữu, cữu mẫu, biểu ca, biểu muội, Dung Ngọc xin cáo từ. Mong mọi người luôn được mạnh khỏe".
Xe ngựa đi tới đầu đường, nhìn lại vẫn thấy người nhà họ Dương quyến luyến trông theo. Mặc Thư buồn bã dụi mắt, nó quay sang Dung Ngọc, phát hiện cậu chống tay tựa vào thùng xe mà ngủ.
Biểu cảm trên mặt cậu hững hờ, mày hơi nhíu, như thể nụ cười lúc trước chỉ là ngụy trang.
Môi Mặc Thư mấp máy. Dung Ngọc vẫn luôn uể oải từ khi tỉnh giấc, nó không cần đoán cũng biết nguyên nhân là do công tử phải chia tay với Sở Đàn.
Nó thầm chửi Sở Đàn, cái thứ không biết điều dám bỏ rơi công tử ba lần bảy lượt, rốt cuộc có chuyện gì quan trọng hơn công tử nữa? Giờ Dung Ngọc đã đến tuổi bàn chuyện hôn nhân, trong kinh thành có không biết bao nhiêu trai gái trẻ đẹp, sau này Sở Đàn hối hận thì cũng đã muộn rồi – nó nhủ thầm như thế.
Mặc Thư nâng chân Dung Ngọc đặt lên đùi mình, nhẹ nhàng xoa bóp.
Xe ngựa chạy vào phố đông, hàng quán xung quanh lục tục mở cửa, vài tiểu thương cũng bắt đầu bày sạp.
Nhiều gia đình giàu có noi theo dòng tộc họ Dương, góp gạo tặng thuốc cho dân nghèo. Nhờ mọi chuyện diễn ra đâu vào đấy nên về cơ bản thì dịch bệnh đã được kiểm soát.
Cảnh tượng phồn hoa vẫn chưa hoàn toàn quay lại, nhưng tình hình ở Dương Châu có thể coi như đã ổn.
Xe tạm dừng khi chỉ còn cách bến tàu một quãng. Dương Hoài Diệp cưỡi ngựa đến bên cửa sổ, giơ tay vén rèm rồi bảo cho Dung Ngọc biết: "Xe của Thái tử điện hạ đang bị dân chúng vây quanh".
Dung Ngọc chỉ ừm một tiếng, mắt không mở, dường như cũng chẳng thấy tò mò.
Mặc Thư thì lấy làm lạ: "Ca nhi ơi, để em ra ngoài xem sao nhé".
Dung Ngọc vẫn nhắm mắt, nó hiểu cậu đang ngầm chấp thuận, bèn mở cửa xuống đường.
Phía trước là biển người nhộn nhịp và đoàn xe nối đuôi nhau bị bao vây chật cứng. Thị vệ dưới quyền Thái tử liên tục xua dân đi bớt, nhưng họ cứ kêu la ầm ĩ rồi hò nhau ở lại.
Mặc Thư vừa cố chen lên vừa hỏi một người đàn ông gần đó: "Này anh, đang có gì mà nhộn nhịp thế nhỉ?".
Người đàn ông kia bận ngước nhìn nên không để ý lắm, anh ta đáp: "Nghe nói Tống thanh thiên sắp đi rồi. Chúng tôi đến tiễn ngài ấy chứ sao".
Mặc Thư ngơ ngẩn: "Tống thanh thiên?".
Cuối cùng người đàn ông kia cũng liếc nhìn nó, giọng điệu bực tức: "Cậu có phải người Dương Châu không đấy? Tống đại nhân đã làm bao nhiêu chuyện vì Dương Châu, chẳng lẽ ngài không nhận nổi hai chữ thanh thiên của dân mình?".
"Phải, phải!". Mọi người xung quanh đều tỏ ra kích động. "Tống đại nhân lo cho dân cho nước, oai phong biết chừng nào, công chính nghiêm minh, còn dám tróc nã Công chúa với Hoàng tử. Ngài ấy là quan phụ mẫu của Dương Châu, là thanh thiên đại lão gia đáng quý!".
"Trước đây chúng ta đều hiểu lầm ngài ấy".
"Xin Tống đại nhân ra gặp chúng con một lần!".
"Tống đại nhân, chúng con sẽ đợi ngài về làm tiếp chức Tri châu!".
"Thanh thiên!".
"Thanh thiên!".
Trong xe ngựa rộng rãi, Thái tử nhấp một ngụm trà thơm rồi cười mỉm: "Yến An nên ra gặp họ. Dân đang chờ cậu đấy".
Tống Tử Khiêm im lặng một chốc, khẽ gật đầu.
Y vén rèm bước ra, xung quanh im phăng phắc.
Tống Tử Khiêm nhìn xuống – có phụ nữ, có thanh niên, có cụ già đi lại tập tễnh, cũng có đám trẻ con chưa hiểu chuyện đời.
Tất cả đều nhìn y, trong mắt đầy vẻ tôn sùng lưu luyến.
Tống Tử Khiêm bình tĩnh nói: "Nay Tống mỗ đã bị cách chức, chẳng đáng để chư vị dốc hết những lời ruột gan. Mong chư vị hãy quay về".
"Sao lại không đáng!".
"Ngài là thanh thiên của chúng con!".
Đám đông hô thật lớn, sau đó tất cả nhìn nhau, cùng nhường đường cho một cô gái trẻ tuổi.
Cô gái ấy rất quen: không ai khác ngoài Tiểu Thúy, người đã liều chết vung dùi trống kêu oan ngày nào.
Em mặc bộ quần áo trắng tinh khôi và giơ cao một chiếc ô to màu vàng sáng, quanh ô gắn đầy lụa đỏ, trên lụa đỏ là tên của bách tính với lái buôn khắp vùng Dương Châu.
"Đại nhân, những việc ngài làm chúng tôi đều biết cả. Chúng tôi xin gửi lòng vào chiếc ô vạn dân [1] trước mắt, chỉ đợi một ngày kia lại có ngài làm quan phụ mẫu".
[1] Ô vạn dân: Như hình minh họa, là loại ô được nhân dân tặng cho những vị quan liêm chính. Vào đời Thanh, khi quan viên địa phương hết nhiệm kì, các tay buôn trong vùng sẽ tặng ô vạn dân để bày tỏ sự lưu luyến và kính trọng. Ô vạn dân có ý nghĩa tượng trưng sâu sắc, ví quan như chiếc ô rộng lớn bảo vệ nhân dân. Quan nào càng được tặng nhiều ô thì chứng tỏ danh vọng của người đó càng cao. Nếu một vị quan bị giáng chức hay cách chức mà dân bản xứ vẫn tặng ô, thậm chí còn bất chấp ngăn kiệu lại để cùng nhau đưa tặng, thì chứng tỏ vị quan này là người chính trực và liêm khiết nên mới được tin yêu.
Tống Tử Khiêm ngẩn người, dùng hai tay đón lấy. Chiếc ô không quá nặng mà lại nặng tựa ngàn cân.
Thuở xưa khi còn là sĩ tử khổ công đèn sách, y từng tuyên thệ mai sau sẽ ghi danh bảng vàng, làm nên việc lớn, sống vì muôn dân trăm họ.
Sau này y bị ép kết duyên cùng Công chúa, con đường vào nội các cũng chỉ còn là gió thoảng mây bay. Y bị điều đến Dương Châu làm chức quan bù nhìn, trở thành con rối cho Tam Hoàng tử lợi dụng.
Bao phen tỉnh mộng giữa đêm dài, y từng hờn oán, phẫn nộ, sa sút, thậm chí tuyệt vọng trước số mệnh của bản thân. Y có cảm giác mình đã thua, thua triệt để.
Nhưng cầm chiếc ô nặng trĩu trong tay, y nhận ra duyên số tuần hoàn. Y tìm lại chí hướng và hoài bão y từng đánh mất.
Lần này về kinh đô cực kì hung hiểm, nhưng cuộc đời y chẳng còn gì tiếc nuối.
Tống Tử Khiêm cười, đôi môi tái nhợt, yết hầu nhấp nhô. Mãi sau y mới khàn giọng đáp: "Tống mỗ xin được tạ ơn chư vị".
Chàng trai trẻ nhắm mắt, đưa ô cho thị vệ cầm rồi xoay người bước lên xe.
Vầng dương rực rỡ, bóng lưng của vị Trạng nguyên năm nào giờ vẫn vậy – thẳng tắp, kiên định, cứng cỏi. Trong y là một thiếu niên ấp ủ vô vàn hoài bão, cậu ta sẽ không bao giờ đi mất.
Tiểu Thúy quỳ rạp, khấu đầu rồi hô to: "Cung tiễn Tống thanh thiên, mong ngài bình an khỏe mạnh!".
Muôn dân cũng cùng quỳ xuống: "Cung tiễn Tống thanh thiên, mong ngài bình an khỏe mạnh!".
Đoàn xe bắt đầu dịch chuyển, tiếng hô vẫn vang lên không dứt như từng hồi sấm vọng giữa nền trời trong trẻo của Dương Châu.
Xung quanh dần vãn, Mặc Thư vừa khóc thút thít vừa quay lại. Nó kể hết những gì mình vừa chứng kiến cho Dung Ngọc nghe: "Cảm động quá, Tống đại nhân đúng là một vị quan rất tốt!".
Dung Ngọc dù hơi ngán ngẩm nhưng vẫn để im cho nó sụt sùi, chỉ âm thầm suy tính mọi chuyện.
Quả thực đêm ấy Tống Tử Khiêm đã gây ra những sự việc khiến người ta vô cùng khiếp hãi, dù Thái tử không hạ lệnh cấm truyền tin nhưng chẳng ai dám liều.
Đến cậu cũng phải nhờ Vệ Kinh Đàn mới biết.
Vậy thì sao nhân dân biết được?
Rõ ràng là kẻ nào đó cố ý loan tin.
Tổng cộng có ba phe biết: Tam Hoàng tử, Thái tử và Vệ Kinh Đàn.
Tam Hoàng tử bị loại đầu tiên, đến bản thân mình mà hắn ta còn chưa lo nổi. Thái tử nửa muốn chiêu cáo cho thiên hạ biết Tam Hoàng tử đã gây ra tội gì, nửa nghĩ đến bộ mặt hoàng gia và đề phòng sự đa nghi của Nguyên Cảnh Đế, gã trung lập.
Chỉ còn lại Vệ Kinh Đàn mà thôi. Vệ Kinh Đàn lắm mưu nhiều kế, không bao giờ làm chuyện vô ích, chắc hẳn hắn hài lòng với nhân phẩm và năng lực của Tống Tử Khiêm nên muốn nhân cơ hội cứu y một lần để y mang ơn hắn.
Lần này Tống Tử Khiêm phạm thượng, động đến hoàng quyền, dù y có được trao gửi kiếm Thượng Phương trên danh nghĩa thì Nguyên Cảnh Đế cũng quyết không tha.
Nhưng nếu Tống Tử Khiêm được lòng bách tính, lại thêm tấu sớ can ngăn của quần thần, Nguyên Cảnh Đế muốn giữ gìn bộ mặt của một "minh quân" sẽ không xử y tội chết.
Chỉ cần Tống Tử Khiêm không chết là được. Ai dám chắc sau này hắn không cần dùng đến y?
Dung Ngọc hiểu rõ đầu đuôi nhân quả, lại phải cảm thán trước những tính toán trong lòng đứa con của vận mệnh.
Ván cờ diễn ra ở đất Dương Châu, ba phe cùng tranh chấp. Vệ Kinh Đàn luôn không lộ mặt mà chỉ náu mình bày mưu tính kế, kiểm soát tất thảy, hầu như mọi tình tiết đều đi theo con đường hắn vạch ra, dùng cái giá thấp nhất để đổi lấy những ích lợi lớn nhất.
Kết quả là Thái tử và Tam Hoàng tử thậm chí còn không phát hiện ra hắn.
Vệ Kinh Đàn ơi là Vệ Kinh Đàn, Dung Ngọc nhấm nháp cái tên của kẻ kia nơi đầu lưỡi, đồ chó ngốc thích khoe mẽ và giả điên trước mặt cậu thực ra lại là con sói nham hiểm có đủ móng vuốt lẫn răng nanh.
Mặc Thư vẫn còn đang khóc.
Dung Ngọc day trán, bực bội bảo: "Cút ra ngoài mà khóc, khóc xong hẵng quay lại".
Vậy là nó im ngay, lại còn lườm Vệ Ngũ như muốn nói cấm y cười mình. Vệ Ngũ cúi gằm mặt, giả câm giả điếc.
Khi xe ngựa tới bến tàu thì đoàn thuyền mà Thái tử chuẩn bị cũng đang đợi sẵn. Thái tử đứng trên boong thuyền, mỉm cười nhìn Dung Ngọc.
Dung Ngọc và Dương Hoài Diệp cùng quỳ xuống đất hành lễ rồi sai đám ở khuân đồ đạc vào trong.
"Ngọc ca nhi, thượng lộ bình an nhé". Dương Hoài Diệp ôm lấy biểu đệ của mình thật chặt.
Dung Ngọc cười: "Hẹn gặp lại, biểu ca".
Trước lúc Mặc Thư đưa Dung Ngọc vào buồng, cậu quay sang phía bến tàu như cảm nhận được một điều gì đó. Dân chúng tới tiễn đưa đông như trẩy hội.
"Sao thế ca nhi?". Mặc Thư thắc mắc.
"Không có gì. Vào trong thôi". Dung Ngọc rủ hàng mi dày rợp.
Trên bến tàu, giữa đoàn người đông đúc, Vệ Kinh Đàn cưỡi ngựa nhìn theo con thuyền khuất bóng. Hắn bình thản dời mắt khi thiếu niên ngự trị trái tim mình được đẩy vào trong khoang.
"Đi thôi".
Tên thuộc hạ mặc đồ đen trả lời đầy cung kính: "Vâng thưa chủ tử".
Lại một lần nữa hắn trở nên lãnh đạm. Bộ y phục giản đơn không giấu nổi khí chất ngạo nghễ tôn quý xuất phát từ thân phận thật của Vệ Kinh Đàn... hay Thế tử Vệ Vương.
Giờ hắn phải hoàn thành bổn phận thuộc về hắn.
Trong xương tủy hắn có một thanh đao chất chứa oán thù, thanh đao chĩa thẳng lên hoàng quyền cao chót vót. Không ai ngờ được trên lưỡi đao sắc bén ấy lại bung nở một đóa hoa.
Hắn đã thoáng dừng chân khi ngửi thấy hương thơm dìu dịu, nhưng vẫn phải rảo bước trên con đường ngập máu.
Nếu mai kia hắn sống sót quay về, đóa hoa xinh đẹp sẽ tặng hắn cả một vườn sắc xuân.
Lời tác giả: Hình tượng nhân vật của Vệ Kinh Đàn vốn không phải kiểu cún con ngu ngốc, hắn chỉ giả vờ trước Dung Ngọc thôi, không có Dung Ngọc thì Vệ Kinh Đàn là Long Ngạo Thiên lạnh lùng nham hiểm ha ha ha ha.