Papillon - Người Tù Khổ Sai
Chương 7: Vượt ngục lần thứ nhất, trốn khỏi nhà thương
Sierra viết: "Đừng đút tiền cho bất cứ ai để xin miễn cấm cố. Việc này chỉ có các quan chức bên Pháp giải quyết được, còn ở đây thì không có một ai, kể cả viên giám đốc trại khổ sai, có thể miễn cho tù nhân chế độ cấm cố. Nếu không còn hy vọng gì vượt ngục từ bệnh viện, các anh có thể tìm cách xin ra viện một ngày sau khi chiếc tàu chuyên chở tù nhân ra quần đảo (chiếc Mata) đã lên đường". Làm như vậy sẽ được nằm lại tám ngày ở khu vực giam thường trước khi có chuyến tàu sau ra đảo, và có lẽ ở đấy đễ vượt ngục hơn là ở gian phòng chúng tôi hiện đang nằm ở bệnh viện.
Cũng trong cái thư ấy, Sierra nói rằng nếu tôi muốn anh ta sẽ cho một người tù khổ sai đã được trả tự do đến gặp tôi để nếu cần tôi có thể nhờ anh ta chuẩn bị cho một chiếc thuyền để sẵn ở phía sau bệnh viện. Người tù mãn hạn này là một người quê ở Toulouse, tên là Jésus. Cách đây hai năm, chính hắn đã chuẩn bị cho cuộc vượt ngục của bác sĩ Bougrat. Muốn gặp hắn, tôi sẽ phải đến chiếu điện ở phòng X-quang. Phòng này cũng nằm trong phạm vi bệnh viện nhưng muốn đến đó tù nhân phải có giấy gửi đi khám X-quang.
Sierra dặn tôi là nếu đi chiếu điện phải bỏ plan ra trước khi đến phòng X- quang, vì bác sĩ có thể nhìn thấy nó nếu ông ta soi xuống phía dưới phổi. Tôi gửi giấy cho Sierra bảo anh ta cứ cho Jésus đến phòng X-quang và nhờ Chatal thu xếp cho tôi được đi chiếu điện. Ngay tối hôm ấy Sierra báo cho tôi biết rằng buổi chiếu điện là vào ngày kia, chín giờ sáng. Ngày hôm sau, Dega xin ra viện cả Fernandez cũng thế. Chiếc Mata vừa đưa tù cấm cố ra quần đảo hồi sáng sớm. Hai người hy vọng có thể trốn từ khu vực giam tù thường trong trại. Tôi chúc họ may mắn, còn tôi thì vẫn không thay đổi kế hoạch.
Tôi đã gặp Jésus. Đó là một người tù khổ sai già đã được trả lại tự do, khô như một con mắm, da mặt đen sạm, có hai vết sẹo gớm ghiếc chéo qua mặt. Hắn có một con mắt cứ chảy nước mắt sống khi nhìn người tạ Một gương mặt ghê sợ, một cái nhìn cũng ghê sợ không kém. Tôi không thấy tin hắn cho lắm, và sự thể sau này sẽ chứng minh rằng tôi có lý. Chúng tôi đi vào việc ngay:
- Tôi có thể chuẩn bị cho các anh một chiếu thuyền chở được bốn người, tối đa là năm. Một thùng ton-nô nước ngọt, một ít lương thực, cà-phê, thuốc lá; ba cái chèo kiểu thổ dân, mấy cái bao bột không, một cây kim và mấy sợi chỉ để anh tự khâu lấy buồm chính buồm phụ; một cái la bàn, một cái rìu, một con dao, năm lít rượu tafia (rượu rhum xứ Guyane) cả thảy hết hai ngàn năm trăm francs. Ba ngày nữa thì hết tuần trăng. Sau bốn ngày, nếu anh đồng ý, tôi sẽ ngồi trong thuyền đợi các anh từ tám giờ tối đến ba giờ sáng trong tám đêm liền. Khi bắt đầu có trăng non tôi sẽ không đợi nữa. Địa điểm đợi là ở chỗ chiếu thẳng từ góc phía dưới của bức tường bệnh viện. Cứ theo đúng hướng bức tường mà đi xuống phía sông, vì sẽ không trông thấy thuyền đâu. Cách hai mét cũng chưa trông thấy được.
Tôi không tin lắm, nhưng tôi vẫn ưng thuận.
- Còn tiền thì sao? - Jésus hỏi.
- Tôi sẽ gửi qua Sierra.
Tôi với hắn từ giã nhau mà không bắt tay. Công chuyện chẳng có vẻ gì lạc quan cho lắm. Đến ba giờ, Chatal đến trại đưa tiền cho Sierra, hai ngàn năm trăm francs. Tôi tự nhủ: "Mình đánh bạc số tiền này, coi như có mất cũng thôi. Cũng nhờ có Galgani mới chơi sang thế được. Miễn sao hắn không nướng hết cả hai ngàn rưỡi tờ vào rượu tafia". Clousiot vui mừng khôn xiết. Anh ta tin vào bản thân, tin vào tôi và vào kế hoạch vượt ngục. Anh ta chỉ băn khoăn có một điều: không phải đêm nào cũng thế, nhưng có nhiều đêm tên "giữ chìa khóa" người A-rập lại đi vào phòng bệnh nhân, mà lại thường là vào lúc đầu hôm, chưa khuya lắm. Còn một vấn đề nữa: biết chọn đâu ra một người thứ ba để cùng bàn việc này? Ở đây có một cậu người Corse, thuộc giới giang hồ thành phố Nice, tên là Biangi. Cậu ta ở tù khổ sai từ 1929. Cậu bị giam ở phòng bệnh dành cho tù nhân cần giám sát nghiêm ngặt này là vì cậu can tội giết người.
Clousiot với tôi bàn nhau xem có nên nói với cậu ta không, và nói vào lúc nào. Chúng tôi đang thầm thì bàn bạc như vậy thì cậu ta đến: đó là một thư sinh mười tám tuổi, đẹp lộng lẫy như một thiếu nữ. Họ cậu ta là Maturette, cậu bị xử tử rồi được giảm án xuống khổ sai chung thân vì còn quá ít tuổi - mười bảy tuổi - Cậu ta can tội giết chết một người lái tầu. Tham gia vụ này có hai cậu, một cậu mười sáu tuổi, một cậu mười bảy. Ra tòa đại hình, hai cậu bé này không những không buộc tội lẫn nhau mà còn khăng khăng chứng minh rằng chính mình, và chỉ có một mình mình thôi, đã giết người lái xe. Thế nhưng trên người nạn nhân chỉ có một vết đạn.
Thái độ của hai cậu bé trong phiên tòa đại hình đã làm cho tất cả các phạm nhân khổ sai ở đây yêu mến họ. Vậy thì Maturette, dáng dấp giống hệt con gái, đến cạnh chúng tôi và cất tiếng thỏ thẻ xin lửa hút thuốc. Chúng tôi liền châm thuốc cho cậu ta, lại cho thêm bốn điếu thuốc và một hộp diêm. Cậu ta mỉm một nụ cười đấy sức quyến rũ cảm ơn chúng tôi rồi lui ra. Bỗng Clousiot nói với tôi: "Papi ạ, thôi ổn rồi. Thằng A-rập sẽ vào phòng hoàn toàn theo ý chúng mình cho mà xem. Cậu cũng biết bọn A-rập rất thích con trai vào tuổi măng tơ như cậu ấy. Từ đó đến chỗ dụ thằng giữ chìa khóa kia lẻn vào phòng ban đêm để tự tình với cậu bé xinh trai chẳng có gì khó. Cậu ta sẽ uốn éo vờ làm khó dễ, nói là chỉ sợ nhỡ ai người ta trông thấy, để thu xếp sao cho thằng A-rập vào phòng đúng giờ vào chúng tôi cần.- "Để tôi bàn với cậu ấy".
Tôi đi gặp Maturette. Cậu ta tiếp tôi với một nụ cười đầy ý khuyến khích. Cậu ta tưởng tôi đã "cảm" vì nụ cười lẳng lơ ban nãy. Tôi nói ngay: "Cậu lầm rồi. Đi vào nhà xí một lát". Vào đến nhà xí, tôi bắt đầu thương lượng.
- Những điều tôi sắp nói với cậu, nếu cậu hở ra cho ai lấy một tiếng là cậu toi mạng ngay. Đây: cậu có thể làm thế này, thế này và thế này giúp chúng tôi được không? Chúng tôi sẽ trả tiền; cậu muốn lấy bao nhiêu? Hay cậu muốn đi với chúng tôi?
- Tôi muốn đi với các anh, được không?
- Xong ngay! Cứ thế nhé? Cứ thế?
Chúng tôi xiết chặt tay nhau. Maturette đi ngủ. Tôi gặp Clousiot nói qua cho cậu ta biết tình hình xong cũng đi ngủ nốt.
Tối hôm sau đến tám giờ Maturette ra ngồi ở cửa sổ. Cậu ta không phải gọi thằng A-rập. Tự nó dẫn xác đến, thế là hai người bắt đầu nói chuyện rì rầm với nhau một lúc. Đến mười hai giờ Maturette đi ngủ. Tôi và Clousiot thì đã đi nằm từ lúc chín giờ, giả vờ ngủ. Thằng A-rập đi vào phòng, dạo hai vòng, phát hiện ra một bệnh nhân vừa chết. Hắn ra cửa gõ mấy tiếng, và một lát sau có hai người khiêng cáng vào đem xác chết đi. Người xấu số kia sẽ có ích cho chúng tôi vì cái chết của anh ta sẽ là một cái cớ để cho tên giữ chìa khóa A-rập có thể vào phòng bất cứ giờ nào trong đêm.
Theo đúng lời khuyên của chúng tôi, hôm sau Maturette hẹn gặp hắn lúc mười một giờ đêm. Đúng giờ ấy, tên giữ chìa khóa vào phòng. Đi ngang giường cậu bé, hắn kéo chân đánh thức cậu ta dậy rồi đi thẳng vào nhà xí. Maturette liền đi theo. Mười lăm phút sau tên giữ chìa khóa ra và rời phòng bệnh nhân. Maturette lập tức đi ngủ lại, không phải nói gì với chúng tôi nữa. Ngày hôm sau cũng lại như thế, nhưng vào lúc mười hai giờ đêm. Mọi sự đều ổn: thằng A-rập sẽ đến đúng vào giờ cậu bé dặn.
Ngày 27 tháng mười một năm 1933, chúng tôi đã sẵn sàng hành động. Hai cái chân giường bằng sắt đã được mở vít sẵn, muốn tháo ra lúc nào cũng được. Tôi đợi đến bốn giờ chiều sẽ có giấy của Sierra cho biết những tin tức cuối cùng. Đúng giờ, Chatal đến, không cầm giấy má gì, chỉ nói với tôi "Francois Sierra bảo tôi nói với anh là Jésus đợi các anh ở địa điểm đã định. Chúc các anh may mắn. "Đến tám giờ tối, Maturette nói với thằng A-rập
- Hôm nay anh đợi quá nửa đêm hẵng đến: vào quãng ấy có thể gặp nhau lâu hơn.
Thằng A-rập hẹn đến sau mười hai giờ. Đúng nửa đêm, chúng tôi đã chuẩn bị xong mọi thứ. Đến mười hai giờ mười lăm thằng A-rập vào, đi thẳng đến giường Maturette kéo chân cậu ta rồi đi tiếp vào nhà xí. Maturette vào theo hắn. Tôi tháo chân giường của tôi ra, nó rơi xuống sàn, hơi ồn một chút. Bên giường Clousiot thì không có tiếng động. Theo kế hoạch, tôi phải đứng sẵn bên cửa nhà xí, còn Clousiot thì cứ đi thoải mái đến chỗ nhà xí để thu hút sự chú ý của hắn. Sau một thời gian chờ đợi khoảng hai mươi phút, mọi sự việc diễn ra rất nhanh. Thằng A-rập từ trong nhà xí đi ra. Trông thấy Clousiot, hắn ngạc nhiên hỏi:
- Giờ này anh còn đứng giữa phòng làm cái gì thế? Đi ngủ đi.
Ngay tức khắc, hắn bị một đòn "con thỏ" đánh vào giữa sọ, im lặng ngã khuỵu xuống. Tôi lập tức mặc áo quần của hắn vào, đi cả giày của hắn. Chúng tôi lôi hắn vào gầm giường, và trước khi đẩy hắn vào phía trong, tôi bồi thêm cho hắn một vố nữa vào gáy. Thế là xong được một việc.
Cả tám mươi bệnh nhân nằm trong phòng không thấy một người nào động đậy. Tôi đi nhanh về phía cửa ra vào, theo sau có Clousiot và Maturette mặc áo ngủ dài. Tôi gõ cửa. Tên giám thị vừa mở ra là tôi giáng cho một phát chân giường sắt lên đầu. Tên thứ hai để khẩu mousqueton trượt xuống đất. Chắc chắn là hắn ngủ quên. Hắn chưa kịp thức giấc thì tôi đã đánh hắn gục xuống. Mấy tên của tôi không kịp kêu, còn cái thằng bị Clousiot đánh thì chỉ "A!" lên một tiếng khẽ trước khi gục xuống.
Hai tên tôi vừa đánh gục trên ghế, còn tên thứ ba thì nằm dài ra đất. Chúng tôi nín thở. Cái tiếng "Ả" kia chúng tôi tường chừng như cả nhân loại đều nghe thấy. Quả tình tiếng kêu ấy cũng khá to, nhưng chẳng thấy ai động tĩnh gì cả. Chúng tôi không đưa chúng vào phía bên trong phòng làm gì. Chúng tôi cứ thế bỏ đi, cầm theo ba khẩu súng. Clousiot đi đầu, cậu bé đi giữa, còn tôi đi sau cùng. Chúng tôi đi xuống cái thang gác sáng mờ mờ dưới ánh đèn dầu. Clousiot đã bỏ cái chân giường sắt, còn tôi vẫn cầm nó theo trong tay trái tay phải tôi cầm khẩu súng trường. Xuống đến tầng dưới cùng chẳng thấy gì. Xung quanh tối đen như mực. Phải nhìn thật kỹ mới trông thấy bức tường đi về phía bờ sông. Chúng tôi vội ra chân tường.
Tôi đứng áp vào tường làm thang cho các bạn leo lên. Clousiot leo lên ngồi cưỡi trên bức tường rồi lôi Maturette lên, sau đó là tôi. Chúng tôi buông người xuống phía bên kia tường, trong bóng tối. Clousiot rơi vào một cái hốc, kêu đau chân. Maturette và tôi xuống ổn hơn. Cả hai chúng tôi đứng dậy. Chúng tôi đều đã buông khẩu mousqueton trước khi nhảy xuống. Clousiot toan đứng dậy nhưng không sao đứng được. Anh ta nói là gãy mẹ nó cái chân rồi. Tôi để Maturette đứng lại với Clousiot, lần theo bức tường chạy về phía bờ sông, vì tối quá nên hai tay tôi cứ phải sờ sờ lên tường. Chạy đến hết tường nào cũng không hay, hai tay bị hụt ngã một cái như trời giáng, tưởng đến vỡ mặt. Từ phía sông có giọng ai nói với lên:
- Các cậu đấy à?
- Ừ! Jésus đấy à?
- Ừ!
Hắn quẹt diêm lên trong khoản nửa giây. Tôi đã xác định được chỗ hắn đứng, liền lội xuống nước đi đến đấy. Cùng đứng với Jésus còn có một người nữa.
- Lên trước đi. Ai đấy?
- Papillon đây.
- Tốt.
- Jésus à, phải đi trở lại phía sau, bạn tôi bị gãy chân trong khi trèo tường.
- Thế thì cầm lấy cái này, chèo đi.
Ba cái chèo pagaie vục xuống nước và chẳng bao lâu chiếc xuồng nhẹ đã vượt qua cái khoảng cách chừng một trăm thước từ chỗ xuồng chờ đến chỗ các bạn tôi (tôi đoán chừng chỗ ấy, vì tối quá chẳng trông thấy gì). Tôi gọi: "Clousiot?".
- Khẽ chứ, trời đất - Jésus nói. Này! Enflé, bật đá lửa lên chút nào!
Mấy tia lửa xanh xanh lóe ra. Các bạn tôi đã trông thấy. Clousiot khẽ huýt sáo qua kẽ răng theo kiểu dân Lyon: đây là kiểu huýt sáo không ồn nhưng lại nghe rất rõ, hơi giống tiếng huýt của loài rắn. Cậu ta cứ thế huýt liên tục một lúc, cho đến khi chúng tôi đến nơi.
Enflé bước xuống ôm xốc Clousiot dưa lên xuồng. Maturette lên theo, rồi đến Enflé. Trên xuồng như vậy có đến năm người, nước chỉ còn cách mạn xuồng có hai lóng tay.
- Hễ muốn động đậy phải nói trước nhé, - Jésus nói, - Bươm bướm, đừng chèo nữa, cái chèo đặt nằm ngang trên đùi ấy. Đi thôi Enflé!
Lập tức chiếc xuồng theo dòng lao vào đêm tối. Đi dược chừng một cây số, chúng tôi đã đến ngang tầm khu trại tù sáng mờ mờ dưới ánh điện tồi tàn do một cái máy phát điện hạng bét phát ra. Lúc bấy giờ xuồng đang ở giữa dòng sông và trôi băng băng theo dòng, với một tốc dộ khó tưởng tượng nổi.Enflé đã nhấc chèo lên. Chỉ có Jésus áp mái chèo sát dùi giữ thăng bằng cho chiếc xuồng. Hắn không chèo mà chỉ giữ cho xuồng đi thẳng. Jésus nói: "Bây giờ thì có thể nói và hút thuốc được rồi. Hình như ổn cả. Cậu có chắc là vừa rồi các cậu không làm ai chết không?
- Tôi tin như vậy.
- Trời đất! Thế là cậu bịp tớ rồi đấy Jésus ạ! - Enflé nói. - Cậu bảo đây là một chuyến vượt ngục thường thôi chẳng có chuyện gì hóa ra là một cuộc vượt ngục của dân cấm cố, theo như tớ hiểu.
- Đúng, đây là dân cấm cố, Enflé ạ. Tớ không nói cho cậu biết từ đầu là vì nói ra cậu đời nào chịu giúp tớ. Thế mà tớ lại đang cần một người giúp. Cậu đừng lo có chuyện gì tớ sẽ đứng ra chịu hết.
- Thế mới phải, Jésus ạ. Ăn của cậu có một trăm tờ mà bị xử tử hay bị chung thân thì ớn quá. (Nếu trong một cuộc vượt ngục mà có một người canh tù bị giết thì phạm nhân và đồng lõa đều bị xử tử, còn nếu có một người bị thương thì họ sẽ bị khổ sai chung thân).
Tôi nói:
- Enflé ạ, tớ sẽ biếu thêm hai cậu một ngàn francs.
- Thế thì được, anh bạn ạ. Như thế là hợp lẽ. Cám ơn cậu, trong làng chúng tớ chết đói đến nơi cả. Được thả còn tệ hơn là khi đang ở tù. ít ra khi ở tù còn có cái ăn cái mặc hàng ngày.
- Cậu có đau lắm không? - Jésus hỏi Clousiot.
- Không sao, - Clousiot nói. - Nhưng Papia ạ, với cái chân gãy của tôi thì còn làm ăn gì?
- Sẽ thu xếp sau. Bây giờ ta đang đi đâu thế này, Jésus?
- Tớ sẽ đưa các cậu đến nấp trong một cái vịnh cách cửa biển ba mươi cây số. Các cậu sẽ ở lại đấy tám ngày để cho qua giai đoạn căng nhất trong cuộc săn lùng của bọn cảnh sát và bọn đi săn người thuê. Phải làm cho họ tưởng là ngay đêm nay các cậu đã đi hết sông Maroni và ra đến biển rồi. Bọn săn người đi thuyền không gắn máy, đáng sợ hơn cả. Nói chuyện, ho, đốt lửa đều có thể đưa đến kết quả tai hại nếu chúng nó đang rình ở nơi nào gần đấy. Còn bọn cảnh sát thì đi xuồng máy không vào vịnh được, vì sẽ mắc cạn.
Đêm sáng dần. Cả bọn đi tìm mãi mới lần ra được chỗ Jésus đặt mốc (chỉ có một mình hắn biết chỗ này), và thuyền chúng tôi bắt đầu đi vào một vùng bụi bờ rậm rạp. Chiếc xuồng làm cho bụi bờ rạp hẳn xuống, và khi xuồng đã đi qua thì nó lại trỗi dậy ở sau lưng chúng tôi, làm thành một bức màn bảo vệ khá dày. Phải là một tay phù thủy mới biết được rằng chỗ này có đủ nước cho một chiếc thuyền đi qua được. Chúng tôi cứ thế đi sâu vào vùng bụi bờ trong một tiếng đồng hồ, vừa đi vừa gạt những cành cây chắn trước mặt. Bỗng nhiên chúng tôi thấy thuyền đã đi vào một thứ kênh thế là chúng tôi dừng lại.
Bờ kênh cỏ mọc xanh rờn, rất sạch sẽ, có những cây đại thụ sum sê, cành lá tỏa rất rộng, ánh sáng ban ngày (lúc bấy giờ đã sáu giờ sáng) không lọt qua được. Dưới vòm lá uy nghiêm này vang lên tiếng kêu của những lời muôn thú mà tôi chưa hề biết. Jésus nói: "Đây là nơi các cậu phải ở lại chờ tám ngày. Đến ngày thứ bảy tôi sẽ đến đưa lương thực cho các cậu". Từ dưới một bụi rậm hắn lôi lên một con thuyền độc mộc nhỏ xíu dài chừng hai mét. Trong thuyền có hai mái chèo. Đây là cái thuyền hắn sẽ dùng để trở về làng khi nước triều lên. Bây giờ ta hãy lo việc cho Clousiot lúc ấy đang nằm trên bờ kênh. Vì cậu ấy vẫn mặc mỗi chiếc áo ngủ dài, cho nên hai chân cậu vẫn để trần. Chúng tôi dùng rìu đẽo lại mấy cái cành khô cho thẳng, thành hình những thanh gỗ mỏng. Enflé cầm chân cậu kéo thật mạnh. Clousiot toát mồ hôi cố chịu đau. Đến một lúc nào đấy cậu nói: "Stop! ở tư thế này tôi thấy đỡ đau hơn cả, chắc xương lắp đúng rồi". Chúng tôi lấy mấy cành cây đã đẽo thẳng lắp dọc cái chân gãy, lấy dây gai mới trong chiếc thuyền buộc lại. Clousiot thấy nhẹ hẳn.
Jésus đã mua cho chúng tôi bốn cái quần, bốn cái sơ-mi và bốn cái áo va-rơi bằng len thuộc, bộ đồng phục của những người bị đày biệt xứ. Maturette và Clousiot mặc cái thứ đó vào, còn tôi vẫn để nguyên bộ đồ của tên "giữ chìa khóa" người A-rập. Cả bọn cùng uống rượu rhum. Đây là chai thứ hai được uống cạn kể từ khi lên đường. May thay, cũng ấm người lên thật. Muỗi tấn công chúng tôi không ngớt: đành phải hy sinh một bó thuốc lá. Chúng tôi ngâm thuốc lá trong một cái gáo rồi lấy nước bôi lên mặt, lên tay, lên chân. Nhờ có mấy cái áo va-rơi bằng len cho nên mới giữ được hơi ấm trong cái không khí ẩm thấp cứ thấm sâu vào người chúng tôi. Enflé nói: "Chúng tôi đi đây. Thế cái món một ngàn tì kia đâu?". Tôi đi ra chỗ khác một lát rồi trở về, tay cầm một tờ giấy bạc một ngàn francs mới toanh.
- Thôi ở lại nhé, tám ngày tới cứ ở lỳ chỗ này,
Jésus nói.
- Đến ngày mồng bảy chúng tớ sẽ đến. Ngày mồng tám là các cậu ra khơi. Trong thời gian này các cậu khâu buồm, thu dọn trên thuyền cho thật đâu ra đấy. Vặn cho chặt bản lề bánh lái: "Chúng tớ chưa kịp lắp. Nếu đợi đến mười ngày mà không thấy chúng tớ đến thì tức là chúng tớ đã bị tóm ở trong làng. Vì chuyến này lại có thêm vụ đánh tên giám thị cho nên tình hình gay lắm".
Đến đây Clousiot lại cho chúng tôi biết rằng anh ta không để lại khẩu súng trường ở chân tường, mà trước khi trèo anh ta đã ném nó qua tường, không ngờ sông lại gần thế, cho nên khẩu súng bây giờ chắc chắn là nằm dưới nước. Jésus cho rằng như thế rất hay, vì nếu tìm không thấy khẩu súng đâu, bọn săn người sẽ nghĩ là chúng tôi có súng. Bọn này lại là bọn nguy hiểm hơn cả, vì chúng sục sạo sâu hơn bọn cảnh sát, nhưng vũ khi của chúng chỉ có một khẩu súng lục và một con dao phát bờ: tưởng chúng tôi mang theo khẩu mousqueton, chúng sẽ không dám sục sạo nữa.
Hai bên chào tạm biệt nhau Jésus dặn thêm là trong trường hợp bị lộ chúng tôi phải bỏ xuồng, đi ngược dòng kênh cho đến khoảng bụi rậm không ngập nước, rồi cứ dùng địa bàn nhắm thẳng hướng bắc mà đi mãi. Có rất nhiều khả năng chúng tôi sẽ gặp, sau hai ba ngày đi bộ, khu trại chết người gọi là "Charvein". Đến đó thì phải thuê tiền một người nào về báo cho Jésus biết là chúng tồi đang ở đâu.. Hai người tù khổ sai mãn hạn đã bỏ đi. Chỉ mấy phút sau, chiếc thuyền độc mộc của họ đã khuất hẳn, không còn nghe thấy gì, trông thấy gì nữa. ánh sáng ban ngày lọt vào rừng rậm theo một cách thức thật là đặc biệt. Người ta có cảm tưởng như mình đang đứng dưới những cái mái vòm che ánh sáng và không để lọt một tia nào xuống phía dưới. Trời bắt đầu nóng bức. Lúc bấy giờ chúng tôi mới chợt nhận ra rằng chỉ còn ba đứa chúng tôi, Maturette, Clousiot và tôi ở lại với nhau mà thôi chứ không còn ai khác nữa.
Phản xạ trước tiên: chúng tôi nhìn nhau cười lớn - công chuyện vừa qua cứ chạy êm ru như có lắp ổ bi. Chỉ có một chuyện hơi phiền là cái chân của Clousiot. Nhưng bản thân anh ta thì cứ nói rằng bây giờ đã buộc nẹp rồi thì mọi sự đều ổn. Có thể đun nước pha cà-phê ngay. Thế là chúng tôi nhen bếp lên, và một lát sau mỗi đứa uống một ca cà phê đen bỏ đường thô. Ngon tuyệt. Từ tối hôm qua chúng tôi đã tiêu phí nhiều năng lượng đến nỗi bây giờ không sao có đủ can đảm soát lại đồ đạc hay xem xét chiếc thuyền. Để sau rồi hẵng haỵ Bây giờ chúng tôi đã được tự do, tự do, Tự DO! Kể từ khi chúng tôi đến trại khổ sai cho đến hôm nay là đúng ba mươi bảy ngày. Nếu chuyến vượt ngục này thành công, cái án chung thân của tôi chẳng lấy gì làm dài hạn.
Tôi nói: "Thưa ngài chánh án, án chung thân ở Pháp chừng bao lâu thì mãn hạn ạ?" Rồi cười phá lên. Maturette cũng vậy, vì cậu ta cũng bị án chung thân. Clousiot nói: "Chúng mình khoan hẵng ca khúc khải hoàn. Xứ Colombia còn xa lắm, mà cái thuyền làm bằng một thân cây thui lửa này tôi trông khó lòng đi biển được". Tôi lặng thinh không đáp, vì tôi, nói thật ra, mãi cho đến phút cuối tôi vẫn cứ tưởng rằng chiếc thuyền này chỉ là một cái xuồng độc mộc dùng để đưa chúng tôi đến nơi dấu chiếc thuyền đi biển thực sự. Khi thấy rõ mình nhầm, tôi không dám nói gì, sợ ảnh hưởng đến các bạn ngay từ bước đầu. Mặt khác, vì thấy Jésus có vẻ như coi việc dùng một chiếc thuyền như thế này để vượt bể là điều hoàn toàn tự nhiên, tôi không muốn làm cho mọi người có cảm giác là mình không thông thạo về những thứ thuyền thường vẫn dùng dể vượt ngục.
Chúng tôi đã qua cái ngày đầu tiên này để nói chuyện và để tiếp xúc với cái môi trường lạ này: rừng rậm. Lũ khỉ và những loài sóc nhỏ nhào lộn trên đầu chúng tôi. Một đàn bakir (một giống heo rừng nhỏ) đến uống nước và ngụp lặn. Dễ đến hai ngàn con là ít. Chúng ùa vào vịnh bơi lội tứ tung, giật đứt những rễ cây rũ lòng thòng trên mặt nước. Một con cá sấu cai-man không biết từ đâu xông ra ngoạm chân một con heo bakir: con này ré lên thất thanh, thế là cả bầy heo xông vào con cá sấu, trèo cả lên lưng nó, tìm cách cắn vào mép nó. Mỗi lần con cá sấu quẫy đuôi là một con heo văng ra, quay tít mấy vòng rồi mới rơi xuống. Một con bị đuôi cá sấu quật vỡ đầu nổi lềnh bềnh, bụng ngửa lên trên. Lũ đồng loại lập tức xúm lại ăn thịt nó. Cái vịnh đỏ ngầu những máu. Cảnh này diễn ra trong khoảng hai mươi phút. Con cá sấu lặn đi đâu mất, không thấy trở lại nữa.
Đêm hôm ấy chúng tôi ngủ rất ngon, và đến sáng lại pha cà-phê: Tôi cởi bỏ cái áo va-rơi để tắm rửa bằng bánh xà-bông Marseille tìm thấy trong thuyền. Maturette dùng con dao mổ của tôi cạo râu cho tôi một cách grosso modơ (*đại khái -tiếng La-tinh thường dùng trong sách vở, ở đây dùng có ý hài hước), rồi cạo cho Clousiot, còn bản thân cậu ta thì không có râu. Khi tôi cầm chiếc va-rơi lên định mặc vào thì thấy rơi ra một con nhện to tướng, mình mẩy lông lá, màu đen tím, hãy còn dính vào áo bằng một sợi tợ Lông con nhện rất dài, ở đầu mút như có một hòn bi nhỏ màu bạch kim. Nó nặng đến năm trăm gam là ít, trông nó to đùng. Tôi thấy tởm quá, liền dẫm cho nó chết ngaỵ
Chúng tôi đã lấy tất cả các thứ trong lòng thuyền ra, kể cả cái thùng ton-nô nhỏ đựng nước. Nước trong thừng màu tím, chắc là Jésus, muốn cho nước khỏi thối, đã cho quá nhiều thuốc tím vào đấy. Trong mấy cái chai đậy nút rất kỹ có đựng diêm và vỏ quẹt. Cái địa bàn chỉ là thứ địa bàn của học trò cơn nít; nó chỉ cho Nam, Bắc, Đông, Tây, không có đường ghi độ: Cột buồm chỉ cao được hai mét rưỡi, thành thử chúng tôi lấy mấy cái bao bột khâu buồm thành hình thang, bên rìa có đính một sợi dây cho thêm chắc. Tôi làm một tấm buồm foc hình tam giác cân, sẽ lắp ở mũi thuyền cho nó dễ nhấc bổng lên mỗi khi có đợt sóng ngược chiều.
Khi chúng tôi cắm cột buồm, tôi nhận thấy đáy thuyền không chắc: cái lỗ tròn để đút cột buồm vào mòn lở hết. Khi vặn mấy cái vòng có trục xoắn ốc xuống gỗ để lắp bản lề bánh lái, trục sắt cứ lún tuột vào gỗ như thể cắm vào bơ. Chiếc thuyền này mục quá rồi. Cái thằng Jésus khốn kiếp ấy nó đưa chúng tôi vào chỗ chết. Tôi miễn cưỡng chỉ cho hai bạn thấy rõ điều này: tôi không có quyền giấu họ. Biết làm thế nào bây giờ? Khi nào Jésuss đến chúng tôi sẽ bắt hắn tìm một cái thuyền chắc chắn hơn. Muốn thế, chúng tôi sẽ tước khí giới hắn, và tôi sẽ thủ con dao và cầm cây rìu cùng đi với hắn vào làng để kiếm một cái thuyền khác. Làm như thế rất nguy hiểm, nhưng vẫn không nguy hiểm bằng ra khơi trên cái thứ quan tài kia. Lương thực thì như thế cũng đủ: có một bi đông dầu ăn và mấy hộp bột sắn lớn. Với từng ấy thứ có thể đi xa được.
Sáng hôm ấy chúng tôi chứng kiến một cảnh khá ngộ nghĩnh: một bầy khỉ mặt xám đánh nhau với một bầy khỉ mặt đen lông xù. Trong cuộc ấu đả này chúng đã ném xuống một khúc cành cây rơi trúng đầu Maturette, làm nổi lên một cục u to bằng quả ổi. Chúng tôi ở lại chỗ này đã được năm ngày và bốn đêm. Đêm hôm nay mưa như trút. Chúng tôi che thân bằng những tàu lá chuối dại. Nước chảy như suối trên mặt lá trơn, nhưng chúng tôi chẳng bị ướt chỗ nào trừ hai chân. Sáng hôm sau ngồi uống cà-phê tôi nghĩ mà thấy ghê người vì sự bất lương của thằng Jésus: đây là một tội ác đáng ghê tởm. Hắn đã lợi dụng sự thiếu kinh nghiệm của chúng tôi để thay cho chúng tôi cái xuồng mục ruỗng này! Để bớt lại năm trăm hay một ngàn quan, hắn đã đành tâm đưa ba con người tới chỗ chết chắc chắn. Tôi cứ tự hỏi xem sau khi đã bắt hắn đổi được chiếc thuyền khác liệu tôi có tự kiềm chế được để đừng giết hắn hay không.
Chợt những tiếng chim gì kêu the thé làm náo động cả cái thế giới nhỏ của chúng tôi, nhưng tiếng kêu lảnh lót, chói chang đến nỗi tôi phải bảo Maturette lấy con dao phát đi xem thử. Năm phút sau cậu ta quay về và ra hiệu cho tôi. Tôi liền đi theo. Chúng tôi đi đến một nơi cách chỗ để thuyền khoảng trăm rưỡi mét: tôi nhìn thấy một con chim trĩ hay gà lôi gì đấy treo lủng lẳng trên không. Chân nó bị mắc vào một sợi thòng lọng buộc trên cành cây. Bằng một nhát dao phát, tôi chặt đầu nó để chấm dứt những tiếng kêu ghê người của nó. Tôi nhấc thử trên tay: dễ phải đến năm ki-lô là ít. Chân nó có cựa như chân gà. Chúng tôi quyết định đem nó về làm thịt ăn, nhưng lại chợt nghĩ ra rằng cái dây thòng lọng ắt phải có người treo lên, và chắc quanh đây còn có nhiều dây thòng lọng khác nữa. Thừ tìm xem đã.
Chúng tôi quay trở lại chỗ kia thì thấy một hiện tượng rất lạ: cách vịnh khoảng mười mét có cả một dãy rào đan bằng lá và dây leo cao ba mươi phân chạy dài song song với bờ vịnh. Cứ cách một quãng lại có một chỗ để ngỏ, và ở mỗi chỗ như thế lại có một sợi dây thòng lọng bằng thau ngụy trang bằng những nhánh cây, một đầu buộc vào một cái cành cây chĩa đôi. Tôi hiểu ngay ra rằng con chim từ phía vịnh đi vào tất phải vấp vào dãy rào và phải đi dọc rào để tìm lối vào. Gặp chỗ hở, nó liền đi qua, nhưng chân nó vướng vào sợi dây làm cho cành cây bật lên. Thế là con chim bị treo ngược trên cành cho đến khi chủ nhân mấy cái bẫy đến bắt nó về. Cuộc phát hiện này làm cho chúng tôi rất lọ Dãy rào có vẻ được trông nom khá tốt, hẳn không phải là rào cũ, và nếu thế thì chúng tôi có nguy cơ bị người làm rào phát hiện. Ban ngày không thể đốt lửa lên được, nhưng ban đêm thì người kia chắc không đến đây làm gì.
Chúng tôi cắt phiên nhau gác để đề phòng phía dãy rào có đặt bẫy. Chiếc thuyền được giấu dưới một lớp cành cây và bao nhiêu đồ đạc, lương thực đều được đưa vào rừng rậm giấu hết. Hôm sau phiên gác của tôi trúng vào khoảng mười giờ. Tối hôm qua chúng tôi vừa ăn com chim trĩ hay con gà lôi gì đấy, chúng tôi cũng chẳng biết nữa. Nồi nước suýt thật là béo bổ, và thịt con chim, tuy chỉ luộc lên thôi, mà ngon tuyệt vời. Mỗi đứa ăn đến hai cà-mèn.
Tôi đứng gác nhưng vì mải mê nhìn đàn kiến sắn lớn màu đen đứng tha mỗi con một dúm mảnh lá lớn về một cái tổ kiến khổng lồ, tôi quên cả gác. Mấy con kiến này dài khoảng một phân rưỡi, chân rất cao. Mỗi con tha mấy mảnh lá rất lớn. Tôi đi theo chúng đến tận chỗ cái cây chúng đang lột lá, và được thấy cả một tổ chức có qui củ. Trước hết có những con kiến chuyên cắt lá thành từng mảnh. Chúng nó xén một tàu lá to thuộc loại chuối rừng thành từng mảnh kích thước rất đều nhau một cách hết sức khéo léo rồi thả rơi xuống đất. Ở phía dưới có một hàng kiến cùng giống với bọn kia nhưng hời khác một chút: bên cạnh hàm chúng cớ một cái vạch màu xám. Mấy con kiến này đứng thành hình bán nguyệt, giám sát bọn kiến tha lá. Bọn này từ bên phải nối đuôi nhau kéo đến chỗ nhận các mảnh lá rồi đi về phía trái, phía tổ kiến. Chúng nó nhanh nhẹn lĩnh phần mình rồi đi vào hàng, nhưng thỉnh thoảng có những con hấp tấp trong khi nhận phần hay xếp hàng gây thành tình trạng nghẽn lối. Lúc bấy giờ mấy con kiến cảnh sát xông vào can thiệp và đẩy từng con vào đúng chỗ của nó. Có một con kiến thợ, không hiểu đã phạm một lỗi gì nặng mà bị lôi ra khỏi hàng, và hai con kiến cảnh binh, con thì cắt đứt đầu nó ra, con thì cắt người nó ra làm hai mảnh ở chỗ ngang thắt lưng. Hai con kiến thợ bị bọn kiến cảnh sát chặn lại, chúng đặt chỗ lá đang khiêng xuống, đào một cái lỗ, và ba cái mảnh của con kiến bị xử tử: đầu ngực và bụng, bị vùi xuống lỗ và đắp đất lên.
Truyện hot hiện nay
Bình luận
Sắp xếp