Ốc Sên Chạy

Chương 7: Đêm tối trước bình minh


Chương trước Chương tiếp

Sau khi nhập học, cuộc sống bắt đầu bận rộn hẳn lên.

Bữa trưa, các bạn cùng phòng ngồi túm tụm ăn cơm. Bỗng nhiên Vệ Nam hỏi: “Theo chúng mày quãng thời gian tươi đẹp nhất của đời người là lúc nào?”

“Lúc gắn bó với người khác”. Trả lời nhạt nhẽo.

“Lúc tụ tập với bạn bè… .” Trả lời không thoải mái.

“Lúc ở bên người yêu chăng?” Trả lời một cách tò mò.

Ba người bạn ba câu trả lời khác nhau. Câu trả lời cuối cùng là của Nguyên Nguyên.

Vệ Nam vừa ăn mì vừa nói: “Thực ra, xét từ góc độ y học, quãng thời gian hạnh phúc nhất của đời người là khi còn trong bụng mẹ. Lúc ấy, hai tay chúng ta ôm đầu gối, nằm trong tử cung của mẹ, thật an toàn, dễ chịu, không phải lo lắng gì, không phải làm gì, yên tâm chờ đợi ngày chào đời, vô ưu vô lo, không buồn không vui, thật là quá đỗi hạnh phúc”.

Ba người cùng hướng ánh mắt khinh thường về phía Vệ Nam: “Vệ Nam, trên thế giới này có một cách chết đẹp đẽ nhất và thích hợp với mày nhất – đó là chết vì lười”.

Hình như trước đây cũng có người nói như thế với mình. Người đó nói mình giống lợn, đầu tóc bù rù như cỏ mọc um tùm, hét lên “Vệ Nam, em đúng là đồ chết vì lười”.

Vệ Nam phì cười, xem ra Lục Song thông minh hơn các bạn của mình rất nhiều, hồi chưa đầy mười lăm tuổi anh ta đã có thể nhìn xuyên qua bản chất “lười” của mình.

Quả thực Vệ Nam rất lười. Suốt ngày ở lì trong nhà không muốn đi đâu. Trước đây khi việc học hành vẫn còn nhẹ nhàng thì suốt ngày suốt đêm ở trong ký túc đọc tiểu thuyết, xem phim, chơi game. Cuộc sống thật an nhàn, thoải mái. Tuy nhiên, học kỳ này Vệ Nam bỗng chăm chỉ vượt bậc, có thể nói chăm chỉ đến điên cuồng.

“Chẳng biết làm thế nào, lười biếng ăn sâu vào máu sau khi bị enzym xúc tác biến thành chăm chỉ khiến cơ thể luôn ở trong trạng thái hưng phấn, không thể thảnh thơi như trước được”. Đó là câu trả lời của Vệ Nam.

Các bạn cùng phòng nghe vậy đều lấy tay bịt mũi.

Thực ra, cách nói của Vệ Nam tuy hơi củ chuối nhưng cũng có ý nghĩa nhất định.

Kỳ thi tổng hợp chín môn giống như lưỡi dao nhuốm đầy máu treo lơ lửng trên đầu, ngày nào máu tươi cũng chảy xuống mặt để nhắc nhở bạn rằng nó đang trong tư thế sẵn sàng chờ bạn. Dù trước đây có lười như lợn, chạy chậm như ốc sên thì bây giờ bắt buộc phải chăm chỉ như trâu và chạy nhanh như hổ, như sói.

Những người ở ngành khác không biết được sự khủng khiếp của kỳ thi tổng hợp. Dù có nghe nói đến thì cũng chẳng tin.

“Có cần phải khoa trương đến mức ấy không?”

“Ai mà chẳng phải thi, làm gì mà bốc phét ghê thế”.

“Đại học còn thi qua nữa là, có gì mà phải sợ”.

Thực ra, ở trường đại học T, chỉ cần bạn hỏi bất kỳ một sinh viên Y khoa nào thì sẽ biết ngay. Có khoảng 90% sinh viên nói rằng: “Tôi thà thi đại học năm lần còn hơn thi một lần tổng hợp. So với kỳ thi tổng hợp, thi đại học chỉ là con muỗi”.

Khoảng 5% sinh viên sẽ nói với bạn rằng: “Cũng bình thường, vì quá thích ngành Y nên dù khổ sở vẫn thấy vui vẻ”.

5% sinh viên còn lại sẽ không thèm quan tâm đến bạn vì họ đã nhét bông tai để tránh bị làm phiền. Họ cầm trên tay cuốn sách nặng như gạch và chuyên tâm đọc sách.

Khi các giảng đường của khoa khác vắng vẻ không một bóng người thì giảng đường khoa Y chật kín người, đâu đâu cũng thấy sinh viên cắm đầu vào quyển sách. Trông rất hoành tráng.

Thông thường kỳ thi tổng hợp chín môn của đại học Y bao gồm chín khoa “Nội khoa”, “Ngoại khoa”, “Phụ sản”, “Nhi khoa”, “Nhãn khoa”, “Tai mũi họng”, “Bệnh về da”, “Bệnh về thần kinh”, “Bệnh về tinh thần”. Thi trong vòng nửa tháng, hơn nữa rất nhiều môn sách dày như từ điển, nghe mà thấy choáng váng.

Nội dung phải ghi nhớ rất nhiều, phạm vi rộng khiến người chưa biết đau lòng, người nghe thấy rơi lệ. Kỳ thi này là kỳ thi khó qua nhất của sinh viên ngành Y, kỳ thi đầy máu và nước mắt.

Mới vào học, mặc dù lịch học dày đặc nhưng vẫn chưa phải là kỳ thi căng thẳng nhất. Tuy vậy các sinh viên năm thứ tư ngành Y đã bắt đầu bước vào giai đoạn chuẩn bị. Vệ Nam cũng chúi đầu trong phòng tự học, ngồi từ tám giờ sáng đến mười hai giờ đêm, có lúc cơm cũng không buồn ăn, vừa đặt mông xuống là ngồi hết ngày.

Sau khi về ký túc, Vệ Nam dành ra ba mươi phút để online và check mail với tâm trạng háo hức mong chờ.

Vẫn không có tin tức gì của Tiêu Tinh và Kỳ Quyên.

Vệ Nam mở nick của Tiêu Tinh, status vẫn vậy, không thay đổi, dường như chủ nhân của nó đã biến mất khỏi thế giới này.

Vệ Nam cảm thấy hụt hẫng, cô nhắn tin: “Tiêu Tinh, mày đến Mỹ chưa, môi trường học tập mới thế nào, đã quen chưa? Ở bên ấy một mình nhớ giữ gìn sức khỏe nhé. Sức khỏe của mày không tốt, dễ bị cúm, nhớ chuẩn bị thuốc sẵn, phòng khi nhức đầu khó chịu không có ai chăm sóc. Mày lại hay sốt, sốt cao quá thì làm thế nào… “

Đánh đến đấy Vệ Nam thấy mình quá sướt mướt, sướt mướt đến nỗi cảm thấy sống mũi cay cay nên xóa hết đi.

Vệ Nam viết lại từ đầu, “Con ranh kia mau mau liên lạc với tao để tao biết mày vẫn còn sống”.

Sau đó Vệ Nam nhắn tin cho Kỳ Quyên: “Tiểu Quyên, công việc của mày thế nào rồi? Bận quá không có thời gian online cơ à? Hay là mày sợ tao ăn hết tháng lương của mày?”

Tiêu Tinh đi du học đã được một tháng, bặt vô âm tín.

Kỳ Quyên đến văn phòng luật Thời Đại cũng được hơn một tuần, biệt tăm biệt tích, không thấy tăm hơi.

Bạn bè chơi với nhau từ nhỏ bỗng nhiên mất liên lạc khiến Vệ Nam cảm thấy hụt hẫng.

Vệ Nam lo sợ họ xảy ra chuyện. Kỳ Quyên thì không sao, làm việc trong thành phố, hơn nữa lại là người rất lợi hại, không ai dám bắt nạt. Nhưng Tiêu Tinh thì khác, sức khỏe vốn đã không tốt, lại sống một mình cô đơn nơi đất khách quê người, càng nghĩ càng thấy cô ấy đáng thương…

Lúc ấy trong list bạn thân có rất nhiều người online, Vệ Nam lướt qua một lượt, nhìn thấy người quen – Khẩu Thập.

Anh ta học khóa trên, từng là chủ tịch hội sinh viên. Năm Vệ Nam vào hội, anh ấy đã giúp đỡ rất nhiều, còn cho Vệ Nam mượn tài liệu học tập. Anh ta họ Diệp, tên Kính Văn, là một trong những sinh viên giỏi nhất trong lịch sử trường đại học T. Tuy anh ta hơi xấu tính nhưng Vệ Nam rất ngưỡng mộ. Điều quan trọng là anh ta chơi rất thân với anh kết nghĩa của Tiêu Tinh, hiện tại đang học cùng trường với Tiêu Tinh ở Mỹ. Vệ Nam nghĩ bụng, chi bằng tìm anh ta hỏi thăm tin tức của Tiêu Tinh.

Vệ Nam không do dự, chủ động bắt chuyện: “Anh có online không?”

Đối phương trả lời rất nhanh: “Nói lắm”.

Vệ Nam ngây người một lúc, sau đó hỏi tiếp: “Nghe nói anh học thạc sĩ ở nước ngoài, anh có định về nước không?”

Đối phương tiếp tục trả lời: “Nói lắm”.

Vệ Nam không còn gì để nói, đánh một dòng dấu chấm, “Anh ơi, thời tiết bên Mỹ thế nào… … .”

Đối phương lại trả lời: “Nói lắm”.

Sack, thì ra là trả lời tự động.

Cài đặt trả lời tự động là “nói lắm” chỉ có thể là loại người biến thái như anh ta.

Dưới sự đè nén, dày vò của trường đại học Y, khắp nơi đều là “thiên tài”.

Vệ Nam thở dài, đang định đóng cửa sổ chát thì bỗng nhiên đối phương trả lời: “Anh vừa tắm xong, em tìm anh có việc gì?”

Oh, thì ra đã quay lại, không “nói lắm” nữa.

“Vâng, em muốn hỏi anh một chút, trong danh sách sinh viên mới nhập học năm nay của trường anh có ai tên là Tiêu Tinh không ạ?”

“Có, mấy hôm trước đến đăng ký. Bọn anh còn ăn cơm cùng nhau mà”.

Vệ Nam thở phào nhẹ nhõm: “Vậy thì tốt rồi. Nhờ anh nói giúp bảo nó mau mau liên lạc với em. Đồng thời phiền anh để ý chăm sóc nó”.

Câu trả lời của Diệp Kính Văn là: “Vì sao anh phải chăm sóc nó? Chăm sóc một mình anh đã thấy ngán lắm rồi”.

Nói chuyện với con người này không dễ dàng chút nào. Vệ Nam đành phải từ bỏ ý định nhờ anh ta chăm sóc Tiêu Tinh, chuyển chủ đề nói chuyện.

“Vậy anh bật mí cho chúng em biết năm ấy bọn anh thi tổng hợp chín môn thế nào?”

“Người chết như ngả rạ”.

“Vâng, cụ thể thế nào ạ?”

” “Nội khoa” một trăm người thi chết năm mươi. “Bệnh về tinh thần” không chịu tụt hậu, đi sáu mươi người. Dĩ nhiên “Bệnh về thần kinh” anh đạt điểm cao nhất”.

Vệ Nam nhếch mép cười. Tính tình của anh ta có chút quái dị. Chẳng thế mà “Bệnh thần kinh” đạt điểm cao thế.

“Bệnh về tinh thần của anh thật lợi hại”.

Chắc anh ta không biết Vệ Nam đang chửi đểu nên vẫn trả lời rất hồn nhiên: “Về chuyện thi cử, em chịu khó lên diễn đàn ý. Một số tiền bối “trâu bò” đã tổng kết kho đề thi với các loại tư liệu nghiên cứu. Học hết chỗ ấy chắc là sẽ qua được”.

Học thuộc? Kho đề thi ấy có hàng vạn câu… .

“Vâng, cảm ơn anh, để em thử xem sao”.

“Anh có chuyện phải out, em hỏi gì nữa không?”

“Làm phiền anh rồi, bye bye”.

° ° °

Vệ Nam đóng cửa sổ chat, lấy quyển giáo trình “Nội khoa” ra đọc tiếp, đang đọc say sưa thì bỗng nhiên điện thoại đổ chuông.

Số lạ, Vệ Nam nhấc máy, đầu dây bên kia là giọng nói nhẹ nhàng của một cô gái.

“Nam Nam à, nhớ mình không? Lâu lắm không gặp”.

Trong đầu Vệ Nam vẫn còn hiện lên dấu hiệu chẩn đoán viêm phổi vừa đọc nên nghĩ mãi không biết cô ta là ai, buột miệng nói: “Mình rất nhớ cậu”, ngừng một lát rồi bổ sung thêm: “Cậu là ai?”

Cô gái ở đầu dây bên kia cười dịu dàng rồi nói với giọng thân mật đến rùng mình: “Nam Nam à, cậu thật khéo đùa. Ngay cả giọng nói của mình mà cũng nghe không ra à? Mình là Tô Mẫn Mẫn đây mà”.

Vệ Nam im lặng một lúc, cố nuốt câu: “Mình thật sự không nghe ra, cứ tưởng là giọng nói của yêu quái” vào bụng rồi mỉm cười: “Thì ra là chị Mẫn Mẫn, lâu lắm không gặp mình nhớ cậu chết đi được. Cậu vẫn khỏe chứ?”

Tô Mẫn Mẫn nói với giọng điệu rất thân thiết: “Vẫn thế. Mình tìm được việc rồi, là nhân viên lễ tân của công ty. Mấy hôm nữa là đi thực tập”.

Vệ Nam cười: “Nhân viên lễ tân à, được đấy”.

Hình ảnh những cô gái lễ tân xinh đẹp trang điểm lộng lẫy thật giống với Tô Mẫn Mẫn. Khuôn mặt với nụ cười rạng rỡ giống như mặt trời chói chang vào giữa buổi trưa, khiến người ta nhìn mà toàn thân nóng ran lên. Cũng hợp đấy chứ, ông chủ của họ thật có mắt nhìn người. May mà “nhân viên lễ tân” khác xa với “gái tiếp khách”, nếu không trên đầu Hứa Chi Hằng không biết có bao nhiều cái sừng.

“Đúng rồi, chắc cậu không biết mình và Anh Hằng sống cùng nhau”. Tô Mẫn Mẫn nói tiếp, còn giả bộ e thẹn.

Có con với người ta rồi, còn giả bộ trong trắng cái nỗi gì?

Vệ Nam mỉm cười và nói: “Thật à? Khi nào kết hôn nhớ mời mình nhé. Sinh con thì cứ đến bệnh viện của mình. Mình đỡ đẻ không lấy tiền đâu. He he. Mình phải học bài, cúp máy trước nhé. Bye”.

Vệ Nam không chờ cô ta nói tiếp mà nhấn nút tắt luôn, sau đó xoa mặt, giả vờ cười đến nỗi đau hết cơ mặt. Nói chuyện với Tô Mẫn Mẫn đúng là chuyện đau khổ.

Cầm cốc trà trên bàn uống một ngụm, bỗng nhiên Vệ Nam nhớ đến cách Tô Mẫn Mẫn gọi Hứa Chi Hằng – Anh Hằng?

Vệ Nam phụt một cái, nước chè bắn đầy sách.

Nếu cô ta dám gọi như thế trước mặt Hứa Chi Hằng thì nét mặt của anh ta… chắc chắn sẽ rất thú vị.

Khi đọc sách, Vệ Nam phát hiện nước chè vàng đã làm ướt một mảng sách. Cô thấy hơi đau đầu, lấy giấy ăn lau sách nhưng không thể đọc tiếp được nữa. Nét chữ đen nhuốm nước chè trở nên nhòe nhoẹt, cuối cùng biến thành khuôn mặt của Tô Mẫn Mẫn. Đôi mắt đen tròn, lông mày cong cong, đôi môi đỏ quyến rũ, khuôn mặt xinh đẹp dường như toát lên chất độc đáng sợ, ăn mòn vào tim can con người giữa mùa hè nắng chói.

Vệ Nam thở dài, gấp sách lại, dụi mắt rồi mở list bạn thân.

Ở đó từng cài đặt một mục có tên là người yêu. Trong đó chỉ có một người tên là Hứa Chi Hằng, status là “Tôi muốn tìm một người có thể chấp nhận tất cả con người tôi”.

Từ sau lần nói chuyện ấy, câu status vẫn giữ nguyên như thế, nick cũng chưa bao giờ phát sáng.

Mở nhật ký nói chuyện, những lần nói chuyện giữa Vệ Nam và anh ấy chỉ vẻn vẹn vài trang. Cơ bản đều là những câu như: “Buổi tối có đến phòng tự học không?” “Cuối tuần đi chơi”. Nếu nhìn qua thì thấy nó chẳng khác gì cuộc nói chuyện giữa hai người bạn bình thường.

Vệ Nam kéo nick của anh ta vào list bạn học, xóa mục người yêu.

Vệ Nam thay đổi status là “Người này đang chết vì ôn thi, có chuyện gì xin hãy đốt vàng mã”.

Vệ Nam mỉm cười, out nick rồi leo lên giường đi ngủ.

Trong giấc mơ, Vệ Nam thấy mình đang ngồi trong phòng thi. Kết quả là không trả lời được câu nào, nước mắt ròng ròng bước ra khỏi phòng thi.

Sau đó cô lại mơ đến kỳ thi hết học phần môn “Bệnh lý học” nhiều năm trước, những dấu hiệu về viêm tiểu cầu thận học thuộc làu làu như con vẹt cuối cùng xuất hiện trên bài thi.

Buổi tối hôm ấy, có một cậu sinh viên cao to đứng ngoài cửa đợi mình. Vệ Nam ngẩng đầu nhìn qua cửa sổ, nhìn thấy khuôn mặt không chút biểu cảm của người ấy.

Sau khi nộp bài, Vệ Nam cùng người ấy đến bụi rừng cây nhỏ sau vườn.

Trong rừng cây rậm rạp, hai người đứng đối diện nhau, những cơn gió thổi đến làm lá cây rung xào xạc, hòa với tiếng suối chảy róc rách bên cạnh, ánh trăng sáng chói rọi vào khuôn mặt người ấy khiến mặt người ấy nhợt nhạt, giống như ma vậy.

Vệ Nam đút tay trong túi, nắm chặt tay, gió lạnh thổi qua khiến người ta sởn gai ốc. Nhìn khuôn mặt lạnh lùng của người ấy thấy lạnh cả sống lưng.

Vệ Nam chỉ nghe thấy mình nói, chia tay nhé.

Người ấy nhìn chằm chằm vào mặt Vệ Nam, ánh mắt sâu như muốn nhìn xuyên qua da vào tận tim.

Sau đó, Vệ Nam nghe thấy mình nói, Hứa Chi Hằng, cậu có yêu mình không?

Giọng cô run run.

Người ấy cười rồi quay người bước đi.

Một cơn gió lạnh thổi qua, Vệ Nam rùng mình, run lập cập, cô gắng dụi mắt, trên khuôn mặt có biết bao giọt nước lạnh buốt, gió thổi đến, đau rát.

Sau khi tỉnh dậy, Vệ Nam trèo xuống giường, đến bên bồn rửa mặt.

Các bạn cùng phòng đang đố nhau: “Chúng mày đoán xem, năm nay �Nội khoa� thi gì?”

Vệ Nam cười: “Hôm qua tao nằm mơ thấy chúng mình thi về viêm tiểu cầu thận”.

Nguyên Nguyên lườm Vệ Nam: “Mày vẫn đang thi bệnh lý à?”

Vệ Nam không nói nữa, vã nước lạnh vào mặt, bỗng nhiên nhớ lại giấc mơ hôm qua rồi mỉm cười: “Tao thấy trước đây mình thật đáng ghê tởm, mở mồm ra hỏi “Cậu có yêu mình không?” Nghe mà thấy “buồn nôn”. Thảo nào sáng nay ngủ dậy thấy gai ốc cắm đầy tay. Thì ra là sởn gai ốc suốt đêm”.

Nguyên Nguyên cười, vừa lấy kem đánh răng vừa nói: “Ai bảo lúc ấy mày CJ quá cơ”. Bóp kem đánh răng xong quay đầu lại nói: “Đừng nói với tao là mày lại mơ thấy Hứa Chi Hằng đấy nhé”.

Vệ Nam nháy mắt: “Hứa Chi Hằng là ai cơ? Bây giờ tao chỉ biết bệnh tim và viêm phổi thôi”.

Nguyên Nguyên gật đầu nói: “Đúng rồi, quan tâm đến nó làm đếch gì. Còn một đống sách chưa đọc xong, làm gì có thời gian rảnh rỗi mà nghĩ đến chuyện đó. Mau mau thi cho xong, chết sớm thì đầu thai sớm. Cứ mãi thế này chắc tao tâm thần phân liệt mất”.

Vệ Nam gật đầu, lấy sách vở đến phòng tự học.

Cảnh tượng trong giấc mơ là của hai năm về trước, đã là chuyện của quá khứ, bây giờ nhớ lại thấy nó không chân thực.

Dường như quãng thời gian đã qua chỉ là một giấc mơ.

Sau khi tỉnh dậy, những chuyện tươi đẹp giống như bong bóng xà phòng tan biến trong nháy mắt.

Hình thức thi không theo chủ đề của trường Y đã không còn là điều gì mới mẻ. Thi xong lại học là chuyện thường như cơm bữa. Sau khoảng thời gian bốn năm bị vùi dập đến nỗi thân tàn ma dại, thứ đón chờ Vệ Nam là đêm tối trước bình minh, cơn giông bão cuối cùng.

Việc học hành quá bận rộn khiến Vệ Nam không có tâm trí nghĩ đến những chuyện lộn xộn khác. Nào là một ngày không gặp như cách ba năm. Người quan trọng như hơi thở. Bây giờ hỏi Vệ Nam, Hứa Chi Hằng là ai, cô ấy đần ra một lúc lâu mới nói: “Đừng có hỏi tôi, bực mình quá. Ai cần biết anh ta tên là gì. Thi xong rồi tính”.

Vệ Nam đang ở vào giai đoạn dồn hết tinh thần ôn thi giống các bạn, hầu như ngày nào cũng thức đêm học bài, vết thâm trên mắt ngày càng rõ rệt.

Khi nhìn thấy Vệ Nam, Nguyên Nguyên hốt hoảng nói: “Bạn gấu trúc thân mến, bạn mới chạy trốn khỏi vườn thú từ lúc nào đấy?”

Vệ Nam đáp lại: “Vườn thú đã là gì, mấy hôm nữa tao sẽ đến bệnh viện tâm thần ở với mày”.

Tận dụng tối đa thời gian, mong sao một ngày có bốn mươi tám tiếng, dậy sớm hơn gà, ngủ muộn hơn lợn, ăn ít hơn thỏ, làm nhiều hơn trâu, những ngày tháng chăm chỉ dài đằng đẵng như muốn giày vò tinh thần con người đến cùng cực.

° ° °

Vào buổi chiều nắng nóng chói chang, kỳ thi, cuối cùng cũng đến.

Ngày thứ nhất thi xong “Nội khoa”, các bạn cùng phòng ai ai cũng mặt mày u ám.

Ngày thư ba thi xong “Phụ khoa”, các bạn mặt xám như tro

Ngày thứ năm thi xong “Nhi khoa”, có người mất cân bằng nội tiết, bắt đầu xuất hiện các triệu chứng, thở vắn than dài.

Ngày thứ bảy thi xong “Bệnh về tinh thần”, có người không chịu được, mở cửa sổ kêu gào thảm thiết, kèm theo câu “Tin lời của thầy giáo khoa thần kinh, thần kinh của tôi mới có vấn đề, a, a”. Có người đứng bên phụ họa thêm: “Giáo sư khoa thần kinh mà mình thích nhất đã làm tổn thương tình cảm trong sáng nhất của mình. A, a. Lão ấy nói tâm thần phân liệt không có trong phần câu hỏi lớn. Cuối cùng bắt phân tích và suy luận”.

Một số giáo sư khoa tâm thần học trong lúc giảng bài đã nhấn mạnh rất nhiều lần: “Chương này không có trong phạm vi thi, các em chỉ cần hiểu qua là được”. Kết quả rơi vào câu phân tích suy luận 20 điểm. Toàn bộ thi sinh đập bàn nổi loạn, bị bốn vị giám thị lạnh lùng dùng bạo lực trấn áp. Ánh mắt phẫn nộ của sinh viên hòa với ánh mắt lạnh lùng của giám thị, cuối cùng sinh viên thất bại thảm hại, ngoan ngoãn cúi đầu cắn bút.

Cuối cùng Vệ Nam cũng được nếm mùi đau khổ giống như các anh chị khóa trên đã nói. Thầy giáo ra đề thi rất ngẫu hứng. Những câu hỏi trắc nghiệm biến thái được chọn trong kho đề thi mênh mông bất tận. Câu hỏi lớn cuối cùng cố tình cho thêm một vài triệu chứng nghi vấn phức tạp để dọa thí sinh, khiến họ tim đập chân run, khóc lóc thảm thiết, sau đó ôm quyển giáo trình dày như từ điển, nghiền ngày nghiền đêm để thi lại. Cuối cùng uống mười bát canh thuốc bổ.

Nếu bạn được 59 điểm, phần lớn các giáo viên sẽ nhất quyết không cho bạn qua. Đến xin còn bị họ lạnh lùng vặn lại: “Vì sao chỉ được 59 điểm, sao không cố thêm 1 điểm nữa cho đủ”. Còn nói nào là “Bây giờ trả lời sai, mai sau chẩn đoán sai sẽ liên quan đến tính mạng con người. Thi được 59 điểm mà còn dám vác mặt đến gặp tôi”. Giáo viên nghiêm khắc hơn sẽ nói: “Câu hỏi đơn giản thế này mà cũng không biết trả lời. Em học qua “Phụ khoa” chưa?”

Nửa tháng thi cử trôi qua rất nhanh.

Buổi chiều thi xong, các bạn cùng phòng Vệ Nam ngủ liền hai mươi tiếng. Cuối cùng cũng cảm nhận được niềm sung sướng của việc ngủ đến lúc tự nhiên tỉnh dậy. Lúc tỉnh dậy cả lũ ngơ ngác nhìn nhau, sau đó cười ầm ĩ cả lên.

“Con gấu trúc Vệ Nam này, mau quay về vườn thú đi”.

“Nguyên Nguyên, mày có kém gì đâu. Hai con mắt thâm đen, cộng thêm đôi môi thâm sì, tạo thành hình tam giác đều”.

Nguyên Nguyên soi gương rồi nghiêm túc nói: “Vệ Nam, môi tao nhợt nhạt thế này mà mày bảo là thâm sì à? Mày bị mù màu à?”

Vệ Nam nhìn chằm chằm vào môi của Nguyên Nguyên, sau đó dụi mắt và nói: “Đúng là tao bị mù màu rồi. Môi của mày rất trắng, lại còn nứt nẻ nữa, mau tô son đi, nếu không đi ra ngoài người ta sợ phát khiếp”.

Sau khi chải chuốt xong, cả lũ trở lại dáng vẻ hoạt bát của tuổi thanh xuân.

Đêm tối cuối cùng trước bình minh, cuối cùng cũng qua đi trong tiếng kêu gào thảm thiết.

Nhiều năm sau, mọi người tụ tập ăn uống, xem tiểu phẩm chào mừng năm mới của Tiêu Thẩm Dương.

Một số người bỗng nhiên hỏi lại cảm nhận của Vệ Nam về kỳ thi năm ấy. Vệ Nam nói: “Thực ra kỳ thi tổng hợp rất ngắn ngủi, đôi khi nghĩ lại, vào phòng thi rồi ra, một môn xong. Vào phòng thi, không ra, chín môn xong. Mọi người biết điều đau khổ nhất trong kỳ thi tổng hợp ấy là gì không? Đó là cầm đề thi, khó quá, không biết làm… Mọi người biết đau khổ nhất là gì không? Đó là tưởng là khó, quyết định không ôn, kết quả đề thi rất dễ mà cũng không biết làm… . Mọi người biết đau khổ hơn hai điều kia là gì không? Đó là vì chuẩn bị cho kỳ thi, lo lắng suốt mấy đêm không ngủ. Kết quả là ngủ gật trong phòng thi”.



Bình luận
Sắp xếp
    Loading...