Ở Rể (Chuế Tế)
Chương 673: Ngưng đông tuyết hải, sinh tử cự luân (4)
Khí trời giá rét, mưa tuyết rơi đầy trong sơn cốc, bởi vì hơn hai ngàn người mới đến, bầu không khí càng trở nên sôi động.
Hai ngàn người của Lữ Lương Sơn được bố trí ở một phía sơn cốc, nơi đó trước kia có thôn xóm, giờ hoang tàn đổ nát. Chỗ ở chưa dựng lên, nhưng các thành viên Võ Thụy doanh mang rất nhiều củi tới, đốt lên những hàng lửa trại, bắt đầu nấu cơm, làm đồ ăn. Người của Lữ Lương Sơn liền dựng lều xung quanh lửa trại. Mọi người đi tới đi lui trong sơn cốc, một số thành viên Trúc Ký đã từng đến Lữ Lương Sơn, tới thăm bọn họ, kể về sự hy sinh của những bằng hữu mới đây, lòng đầy căm phẫn.
Không bao lâu, đám Tần Thiệu Khiêm cũng tới thăm bọn họ. Trong thoáng chốc, xung quanh đều yên tĩnh lại, mọi người tập hợp trên bãi đất trống. Tần Thiệu Khiêm nói vài lời hoan nghênh và cảm tạ, sau đó Ninh Nghị đứng trước mặt mọi người một lúc lâu, đưa mắt nhìn lướt qua một lượt, phất phất tay:
- Chiến trường hung hiểm, không ngờ các ngươi tới đây, nhưng rất cảm tạ các ngươi. Thôi được, tiếp tục làm việc đi, khi nào rảnh rỗi, ta lại sang nói chuyện phiếm với các ngươi.
Hắn nói ngắn gọn, đương nhiên mọi người cũng không nói nhiều, chỉ là có người nhìn thấy thân thể suy yếu của hắn, ánh mắt lộ vẻ sự quan tâm thân thiết.
Uy tín của Ninh Nghị ở Lữ Lương Sơn khá cao, lấy Hồng Đề, tiếp nhận người của Lương Bỉnh Phu, sau đó sắp xếp, quy hoạch mọi việc trong núi rõ ràng đầu ra đấy. Trong quân đội Lữ Lương Sơn, đa phần là đã từng trải qua những ngày khốn khổ, quá nửa từng gặp Ninh Nghị, ngay cả những người chưa từng gặp do gia nhập sau vào Thanh Mộc trại, cũng nghe kể đi kể lại nhiều lần về vị thư sinh từ bên ngoài tới này. Với thân phận như vậy, từ Lương Bỉnh Phu tới Ninh Nghị, đã trở thành một câu chuyện truyền kỳ ở Thanh Mộc Trại.
Lúc Lương Bỉnh Phu còn sống, hầu như chỉ miễn cưỡng duy trì sinh hoạt của toàn trại mà thôi, lúc ấy có lẽ không ai nghĩ ông ta lợi hại gì. Nhưng sau khi Lương Bỉnh Phu qua đời, cuộc sống trên núi lại trở nên khá giả hơn, nhớ lại ngày xưa ông ta dốc hết tâm huyết, hết lòng lo lắng cho cả sơn trại, nên mới có người rơi lệ vì ông ta.
Sự cảm động của mọi người dành cho ông ta, một phần là do Ninh Nghị tác động. Sau khi Lương Bỉnh Phu qua đời, trong lúc làm lễ truy điệu ông ta, Ninh Nghị bèn kể lại chuyện cũ của Lương Bỉnh Phu và sư phụ của Lục Hồng Đề, năm xưa Lương Bỉnh Phu vào núi gặp phỉ, được sự phụ Hồng Đề cứu. Bởi vì một câu hứa hẹn, Lương Bỉnh Phu sống nốt nửa đời còn lại ở Lữ Lương Sơn, cho đến lúc chết vẫn không hề kết hôn, không con không cái. Khi nghe Ninh Nghệ thuật lại câu chuyện đầy tình cảm nói trên và những lời lẽ của Lương Bỉnh Phu lúc sắp chết, hơn một nửa người của Lữ Lương Sơn đều bật khóc.