Nữ Hộ

Chương 64: Đến kinh


Chương trước Chương tiếp

VỊ CHÂN NHẤT PHÁP SƯ KIA KHIỂN ĐẠI THẦN THÔNG, RỐT LẠI BÓI RA ĐƯỢC THÁI TỬ BỊ TRIỆU VƯƠNG KHẮC CHẾT.

Hai mẹ con Tú Anh mượn chuyện Chu gia bóng gió một hồi, thực ra họ chẳng can hệ gì đến người nhà họ Chu, nhưng Ngọc Tỷ nhận ra khi Lệ Ngọc Đường tiện mồm nói một câu, sắc mặt Thân thị thay đổi, bèn an ủi bằng cách “mượn xưa nói nay”. Chê bôi thẳng thừng vợ kế của Chu Chấn, thực ra là để ngầm tán dương Thân thị hiền lương, lại thêm câu “Núi cao còn có núi cao hơn”, quả nhiên Lệ Ngọc Đường không ngu ngốc hết thuốc chữa, nghe xong đã suy xét đến những việc mà Thân thị đã làm, đích thị quang minh chính đại, bèn vái dài tỏ ý hàm ơn.

Lục Tỷ, Thất Tỷ trong mành nhìn sang Ngọc Tỷ, ánh mắt cũng đượm vẻ cảm kích, Thân thị gạt nước mắt, phỉ phui Lệ Ngọc Đường, đoạn nắm lấy tay Ngọc Tỷ, tất cả đã không thể diễn đạt bằng lời. Ngoài kia Cửu Ca cũng rất cảm kích Ngọc Tỷ, biết nàng đã giải nỗi ấm ức cho mẹ mình. Thân thị chợt sẵng giọng: “Hôm nay là ngày vui của cậu sui, mấy người bàn mấy chuyện lung tung này làm gì, mau tự phạt chén rượu, chúc mừng sinh nhật thọ tinh.”

Thân thị vừa ra lệnh, Cửu Ca đã tiến lên trước nhất, cung kính rót rượu cho Hồng Khiêm. Kim Ca cũng vội đứng lên, Thất Ca Bát Ca pha trò, mâm cỗ lại bắt đầu sôi nổi. Lần này không bàn những chuyện phiền lòng nữa, song Tô tiên sinh vẫn có vẻ không vui lắm, có lẽ lại nghĩ đến chuyện gia đình trong cung cấm kia. Hồng Khiêm tựa như ăn uống rất ngon miệng, xơi liền một lúc bốn viên thịt hỷ to, lại ăn mì thọ.

Trong mành, các bà các cô lại tưng bừng chuyện khác, Thân thị lấy làm hể hả, chợt nghĩ đến chuyện gì đó, bèn hỏi Tú Anh: “Chị thấy nhà em đem theo nhiều đồ như vậy, chỉ e nhà cửa trong kinh sẽ thành chật hẹp, có cần đổi căn nào lớn hơn không?”

Tú Anh thuê hai chiếc thuyền, cụ Lâm lại thuê riêng một chiếc nữa, sau này để đỡ rầy rà thì thuyền nhà họ Trình chỉ để chứa đồ gia dụng, mẹ con hai người chuyển đến ở cùng thuyền với Tú Anh, cũng tiện chăm sóc lẫn nhau. Kinh thành khó mua nhà, hai gia đình Hồng, Trình ở Giang Châu lại chẳng phải giàu số một số hai, vào kinh càng khó mua được nhà to thỏa ý, Tú Anh bèn nhờ Thân thị thuê nhà hộ. Ngoài tòa nhà mình ở trong kinh thì Lệ Ngọc Đường còn có hai căn cho mướn, Thân thị không thể đem hai căn ấy cho thông gia thuê, lại càng không tiện đem nhà của vương phủ ra cho thuê, bèn gián tiếp thuê nhà của một vị thị lang. Theo ước tính của Thân thị, nhà ba dãy trong kinh đã không thể gọi là chật hẹp, nào ngờ đồ gia dụng của hai nhà này lại không ít, mấy hôm nay trông ba chiếc thuyền, Thân thị không khỏi lo lắng thay Tú Anh.

Tú Anh cười đáp: “Không sao đâu ạ, đây quá nửa là Hồ tiêu, đồ thêu, đặc sản, vào kinh chỉ cần tìm một căn nhà sạch để tạm, chẳng mấy chốc sang tay thì không choáng chỗ nữa.” Thân thị nghĩ cũng phải, sốt sắng bảo: “Hàng hóa nhà em sang tay thế nào?” Tú Anh đáp: “Nhà em bảo, phố Tây dễ bán những thứ này.” Thân thị nghe rồi không nói nữa, bên kia Lục Tỷ lại chuyển sang khen Ngọc Tỷ, chỏ dải lụa Ngọc Tỷ tự thêu đang thắt trên người: “Tháo vát khéo tay.”

Sinh nhật của Hồng Khiêm cứ thế trôi qua, sui gia còn vui hơn nhà chàng. Vì chỉ ngồi thuyền nên dậy sớm hay muộn chẳng thành vấn đề, chỉ cần lái thuyền ngủ sớm dậy sớm, ngày hôm sau vẫn sẽ tiếp tục lên đường. Nhưng mọi người đều có tâm sự, Lệ Ngọc Đường muốn sơm sớm được về dỗ ngọt Thân thị, Bất Ngộ hãy còn kinh chưa tụng, Tô tiên sinh đầy nỗi lòng riêng, Hồng Khiêm… no căng rồi. Họ đều không định chè chén thâu đêm, phụ nữ sau mành cũng ngại nán lại quá lâu, xơi một bát mì thọ, Thân thị chu đáo, sớm đã lệnh bà bếp nhà mình hấp bánh đào mừng tuổi đưa sang, Tú Anh cũng lệnh mợ Viên hấp một mẻ, chia nhau mà ăn, ngồi một lúc ai về thuyền nấy.

Chỗ vợ chồng Lệ Ngọc Đường và Thân thị, thì thầm rủ rỉ thế nào khỏi kể. Lục Tỷ, Thất Tỷ kê giường ngủ chung buôn chuyện, đều bảo: “Cửu Nương khôn khéo như thế, mẹ vừa may có người đỡ đần.” Đầu kia, Cửu Ca bị hai người Thất Ca Bát Ca dồn vào xó nhà giày vò một hơi, nói: “Số chú may thế đấy, có được cô vợ tốt nhường này.” Hai người đều thầm tạc ơn Thân thị, hôm nay được Ngọc Tỷ chỉ thẳng ra, càng hiểu rõ tấm lòng Thân thị, thế nên càng đối tốt với em trai út hơn. Tiếc nỗi thường ngày Cửu Ca chả bao giờ trưng vẻ ngượng ngùng thiếu niên ra, họ không biết nên ra chiêu thế nào, đành ồn ào quấn lấy, tỏ ý gần gũi.

Thầy Tô chong đèn, song cầm bản văn lên đọc mãi mà không vào nổi một chữ. Bất Ngộ phương trượng thì ngủ ngon lắm. Ngọc Tỷ phân trần thay mẹ chồng xong, tự cảm thấy mình đã xong phần nào nhiệm vụ, rửa mặt tháo tóc, Đóa Nhi dém chăn cho nàng. Ngọc Tỷ nói: “Buổi đêm sông nước lạnh, hay là em ngủ cùng ta đi, nằm kề nhau cho ấm.” Đóa Nhi nghe mà cười: “Thế thì hay quá, tiểu thư ngủ trước đi, em đi chải đầu.”

Đóa Nhi chưa cởi dây buộc tóc đã nghe tiếng động vang lên cách vách. Lập tức ngừng tay, ấn Ngọc Tỷ xuống không cho dậy: “Đêm lạnh, tiểu thư nghỉ ngơi đi, để em đi xem thử, có chuyện gì sẽ về bẩm lại, khi ấy tiểu thư dậy cũng chưa muộn.” Nhón chân đẩy cửa rồi đóng lại, thò đầu ra nhìn, là tiếng trong buồng Hồng Khiêm Tú Anh.

Ra là trên mâm Hồng Khiêm ăn quá no, về uống hai hớp trà đã nấc mãi không dừng. Tú Anh không vội tháo tóc, sai Tiểu Hỉ sang chỗ Tố Tỷ xin ô mai về cho chàng ăn tiêu thực. Vì mới đầu Tố Tỷ say thuyền, ngay hôm sau cập bến đã nghe vợ nhà thuyền mách nước, lên phố mua vài cân ô mai ngậm thường xuyên mới đỡ hơn một chút. Hồng Khiêm nhai nhiều viên rồi vẫn không khá hơn, Tú Anh lại sai đun nước nóng cho chàng uống để nén bớt cơn nấc, song vẫn như cũ. Định hù cho hết nấc, nào ngờ Hồng Khiêm không biết sợ là gì. Tú Anh lo lắng: “Mình thế này sao mà ngủ êm giấc đây?”

Đóa Nhi về thưa lại với Ngọc Tỷ, Ngọc Tỷ mặc áo rời giường, cười nói: “Hay quá, cảnh ngàn năm mới gặp một lần, ta phải đi xem mới được, bỏ lỡ dịp này thì đố mà còn cơ hội nữa.” Đóa Nhi đành phải khoác thêm áo choàng cho nàng. Hồng Khiêm thấy cả con gái cũng thức dậy, vừa nấc vừa bảo: “Con lại thế nào đấy? Coi chừng cảm, cha chỉ không tiêu, nấc cụt vậy thôi. Chưa chừng nôn ra lại khỏe.” Lúc nói chuyện đã nấc thêm năm sáu cái.

Ngọc Tỷ ngoắc tay: “Cha, cha cúi đầu xuống nào.” Hồng Khiêm không hiểu nhưng vẫn nghe lời làm theo. Ngọc Tỷ bảo: “Cha ngậm miệng lại, đừng nhúc nhích.” Rồi duỗi một tay đè đầu Hồng Khiêm, không cho chàng cử động, một tay bóp mũi chàng. Hồng Khiêm ngậm chặt miệng, mũi lại bị con gái bóp, nghẹt thở đến mức mặt đỏ lè, nuốt vài ngụm nước bọt, dần có vẻ muốn lắc đầu hất tay ra. Tú Anh thấy thế sốt ruột hỏi Ngọc Tỷ: “Con đang làm gì vậy?”

Ngọc Tỷ không đáp, thầm đếm từ một đến ba mươi mới buông tay, hỏi Hồng Khiêm: “Sao rồi ạ?”

Hồng Khiêm lắc lắc đầu, thế mà lại không nấc cụt nữa, Ngọc Tỷ hài lòng nói: “Con đọc được từ mớ sách giải trí chỗ thầy đấy, vậy mà hiệu nghiệm thật…” Tú Anh sẵng giọng: “Mày lấy cha mày ra luyện tay nghề đấy phỏng? Tối rồi, về ngủ đi.”

Ai nấy tách ra, Đóa Nhi theo sát Ngọc Tỷ, khép chặt áo choàng cho nàng.

Hồng Khiêm hết nấc vẫn không ngủ được, nằm thẳng nhìn trần nhà hồi lâu, đoạn hỏi Tú Anh: “Mẹ ghẻ nhà họ Chu làm thế là bậy, đúng không? Nhưng nếu đứa con thứ kia thực sự là… của Chu Bái thì sao?” Tú Anh đang mơ màng bị chàng hỏi mà tỉnh lại, ậm à ậm ờ, đáp quấy quả: “Mình quản chuyện nhà người ta làm chi? Có phải là con ruột hay không thì quan trọng gì? Chưa cưới đã có con trưởng thứ xuất, gia đình xét nét ai dám gả con gái cho chàng ta? Là thật hay không thì cũng không thể nhận, con của thị nữ vốn không nên được sinh ra, dù có muốn cho sinh cũng chẳng lý nào thu nuôi sớm như vậy. Đây đều là chuyện mà một người mẹ quản gia nên xử lý, vậy mà còn đi ngược lại lẽ thường, chẳng đang giở trò còn gì?”

Thứ xuất ấy à, tương lai có tốt đẹp hay không chỉ có thể dựa vào vận may và ấm lạnh tình đời. Tỳ nữ sinh con, tuy biết cha là ai thì phần lớn cũng chỉ có thể làm thư đồng hầu con đích, may mắn thì được làm quản sự, xui xẻo thì ăn mặc chỉ tốt hơn tôi tớ một chút. Trừ phi nhà chủ hiền hậu cho phép lưu tên nó vào gia phả, hoặc cha nó vừa khéo là Quan gia thì con của nô tỳ mới được công nhận là con thứ.

Hồng Khiêm nghe đoạn không nói gì, Tú Anh nói hồi lại thành khẩn khoản, trở mình bảo: “Đó cũng chỉ là việc nhà người ta trong kinh, cứ coi là chuyện phiếm thôi. Cũng chẳng dây vào nổi. Không lấn lên đầu mình, ai lại xía vô làm gì? Có phải là ngự sử đâu. Mà dù có là ngự sử, thì cũng chả làm sao tỏ tường mọi gút mắc trong đó được. Như mình đã nói đấy thôi, ai mà biết được rốt cuộc có phải không? Không bằng không chứng, dù có biết lòng dạ xấu xa của bà ta thì mình cũng chỉ nói mồm nổi, chẳng lại nuốt sống được bà ta à? Chồng bà ta lại làm quan lớn, ai lại tự dưng đắc tội?”

Hồng Khiêm nói: “Ta cũng chỉ hỏi bừa một câu mà mình đã lại luôn tuồng rồi, thôi ngủ đi.”

•••••

Hôm sau, Lệ Ngọc Đường lại như có điều băn khoăn, đưa mắt nhìn thầy Tô: “Hoàng hậu, thực sự là, hầy ~” Vì chuyện đêm qua, ông đã suy xét cẩn thận hành động của vị Hoàng hậu này, nhận ra thị thiếu sót thật.

Thầy Tô lại bận lòng chuyện riêng, cứ thở dài mãi: “Lòng người quỷ quái, đề phòng cũng bằng không.” Về lại đốc thúc sít sao việc học của Hồng Khiêm, nào là đọc sách rèn chữ viết văn, còn bảo: “Lần này thi không đỗ, chả mặt mũi nhìn ai!” Hồng Khiêm chẳng nói chẳng rằng, thầy Tô tức gần chết, hung hãn quăng vài đề tài, lệnh Hồng Khiêm làm thơ. Khoa khảo thời ấy không chỉ quẩn quanh kinh sử sách luận mà còn bắt viết thơ từ. Hồng Khiêm đón lấy, về khoang làm.

Bất Ngộ phương trượng tụng kinh sớm xong, thong dong đến chuyện phiếm với Tô tiên sinh, thấy mặt mày thầy rắn đanh còn tưởng thầy lo chuyện trong kinh, bèn nói: “Ôi, không tức thị sắc, thí chủ?trước tướng* rồi.” Thầy Tô cười khổ. Hai người ngồi đối diện nhau trên mũi thuyền, ngắm dương liễu đôi bờ nhú mầm non, ai bận lòng nấy, đều chẳng thốt lời.

[*Là một quan niệm trong Phật giáo, ý chỉ đánh giá vẻ ngoài, vẻ ảo mà xa rời cái tâm, cái thực.]

Đến trưa, thuyền cập bến, nhà thuyền quanh năm xuôi chèo mát mái trên con sông này, nắm chắc lộ trình, biết rõ khi nào đi khi nào dừng, nơi nào tiếp nước sạch. Vừa cập bến, nhà thuyền đã đưa quản sự hai nhà lên bờ mua sắm, tiện thể hỏi thăm tin tức mới, quay về bẩm chủ. Đây là một?huyện lị*, Lệ Ngọc Đường bèn sai tôi tớ cầm danh thiếp và ấn tín đi lấy công báo về đọc. Nhỡ có tin tức gì mới cũng tiện báo Tô tiên sinh hay.

[*Thị trấn đặt cơ quan hành chính của huyện.]

Vì không quen thuộc gì với dân và đất này, người trên thuyền không muốn lên bờ bừa bãi, nữ quyến như Ngọc Tỷ lại càng không tiện, đành tựa vách vén góc rèm cửa sổ, ngắm phong cảnh đôi bờ. Mợ Lý thấy thế bèn kéo các nàng lại, không cho nhìn nhiều. Là do ven bờ kênh đào, cứ hễ những nơi thường có thuyền to cập bến sẽ tồn tại vài thành phần chẳng ra làm sao, con gái ấy à, đừng nói là trò chuyện, đến nhìn cũng không ổn. Những kẻ khuân vác trên bến, mùa này đã mặc áo quần ngắn, có cả kẻ ở trần, mợ Lý sao dám để Ngọc Tỷ trông thấy?

Lúc tiến lên ngăn, lại nghe một đứa bé trai trên bờ bảo: “Cha, cá chép to chưa kìa, về nướng cho cha ăn.” Giọng cậu là lạ, trước giờ Ngọc Tỷ nghe người ta nói chuyện, không phải tiếng quan thoại thì là tiếng Giang Châu, đi chuyến này nghe tiếng địa phương các vùng, cảm thấy thú vị, muốn thưởng thức thêm đôi chút. Bấy giờ bèn đổi cửa sổ, tìm bóng thằng nhóc kia.

Vừa nhìn đã kinh ngạc lắm, thằng bé này nom như sai vặt, mặc áo vải bố, chàng thanh niên đứng đối diện lại vận áo lụa, gập quạt trong tay cốc lên đầu cậu: “Con trai của ta lanh lợi quá. Về bảo mẹ con thưởng trái cây cho mà xơi.” Ngọc Tỷ ngạc nhiên, thầm nhủ sao người làm cha mặc áo lụa đội mũ cao mà con trai lại ăn vận giản dị như vậy?

Về thưa lại với Tú Anh, Tú Anh cũng lấy làm lạ, giờ cơm trưa Hồng Khiêm lại được dịp giải đáp: “Ấy là xưng hô riêng. Chắc họ là người Đông Châu, vùng đấy tôi tớ hầu con cái chủ nhân sẽ gọi chủ nhân là cha, chủ mẫu là mẹ. Trong kinh cũng có người Đông Châu, nghe họ nói chuyện phải cẩn thận, đừng nhận lầm lại bị giễu cho. Kinh sư người đủ mọi miền, cách xưng hô cũng trăm ngàn mới lạ, người đông bắc tây bắc vì giáp bắc còn gọi chủ nhân là ông cơ.” Ngọc Tỷ nhớ lấy, nói: “Cha, cha đúng là biết tuốt.” Hồng Khiêm cười đáp: “Ăn nhiều muối hơn con vài năm thôi mà.”

Dùng bữa xong, người Lệ Ngọc Đường sai đi lấy công báo cũng đã trở về, có cả người tính toán lộ trình của họ từ trong kinh phái đến đưa thư. Lệ Ngọc Đường đọc công báo trước, thấy tên thụy của Hoàng thái tử đã được định, gọi là Hiếu Mẫn Thái tử, tang sự sẽ được cử hành theo lễ. Vì mất đột ngột nên lăng mộ chưa chuẩn bị xong, bộ Công đang gấp rút xây dựng.

Thư từ cũng chẳng đem lại tin tốt gì, Hoàng thái hậu trong kinh tâm thần bất ổn, cho đòi Chân Nhất pháp sư, không dưng lại bói quẻ. Vị Chân Nhất pháp sư kia khiển Đại thần thông, rốt lại bói ra được Thái tử bị Triệu vương khắc chết. Quẻ rằng Thái tử trước kia được trời đất tổ tiên phù hộ, là người chánh đức, Triệu vương dùng thuật tà, vì Thái tử quá mạnh mẽ nên Triệu vương không khắc nổi, bị phệ nên mới tàn tật. Sau này Thái tử bệnh nặng, khí tà bên ngoài xâm nhập, Triệu vương “nhân lúc người bệnh lấy mạng”, khắc chết Thái tử.

Lệ Ngọc Đường đọc xong thư đã rùng mình, hiểu rằng có kẻ đã nhúng tay vào chuyện này, song lại hơi hoang mang vì vài điều khuất tất, biết rõ đây là Hoàng thái hậu muốn cứu hai đứa cháu nhà mình, nhưng sự tình tiếp theo sẽ như nào, ông lại không đoán nổi. Tạm thời chẳng biết nên làm gì, tự mình không mò ra được bèn lận thư vào tay áo, dứt khoát sang tìm Tô tiên sinh.

Bên thuyền kia thầy Tô đang thiền khô, ngồi đối diện với Bất Ngộ phương trượng, mặt mày nghiêm trang. Lệ Ngọc Đường đứng lặng hai khắc, thấy họ vẫn chẳng nhúc nhích mảy may, không khỏi tằng hắng cất lời: “Xin dừng lại một lúc, thực sự có chuyện gấp.”

Hai người bấy mới ngừng lại, vì ngồi đã lâu, Minh Trí và tiểu sa di phải bước đến dìu một phen. Tuy chân tê nhưng không xoa bóp, cứ điềm nhiên ngồi đó rắn mặt, càng lộ vẻ nghiêm trang. Lệ Ngọc Đường ủ rũ, liếc Bất Ngộ, xét đến chuyện vị phương trượng này cũng sẽ vào kinh, tin tức trong kinh đã lan ra ngoài, bèn không giấu ông nữa, bày công báo và thư ra cho hai người đọc. Đọc xong, rốt cũng giật cơ mặt, thầy Tô cả giận, phương trượng đau buồn. Một người quát thẳng: “Vô lý.” Kẻ lại buông lời: “Cớ chi.”

•••••

Chẳng cần đợi đến giờ cơm tối đã ông rỉ tai tôi tôi kể ông hay, người người biết chuyện. Lệ Ngọc Đường nói Thân thị nghe, Thân thị thuật lại cho con gái và mẹ con Tú Anh, làm gì có chuyện Tú Anh không mách lại với Hồng Khiêm? Tới lui vài lượt, anh em Thất Ca đều biết cả, đến cụ Lâm, Tố Tỷ cũng hay tin.

Tố Tỷ nhát gan, nói luôn: “Thần tiên đánh nhau người phàm gặp họa, chúng ta vào kinh phải cẩn thận.” Mặt mày cũng lộ vẻ sầu lo. Ngọc Tỷ an ủi bà: “Những người phải gặp họa cũng đã gặp, chúng ta chỉ cần không nhúng tay thì chẳng lo trở thành kẻ xúi quẩy.” Tố Tỷ nghe nàng nói thế mới an tâm hơn. Cũng chẳng phải bà hiểu cái lý trong lời Ngọc Tỷ, thực ra là do không vững dạ, chỉ cần có người bảo “không sao đâu”, bà sẽ bằng lòng tin tưởng.

Thân thị nói: “Nếu là lời Chân Nhất chân nhân phán thì không tiện bác lại.” Tú Anh bảo: “Em cũng nghe đồn, trong cung tin tưởng vị Chân Nhất chân nhân này lắm.” Thân thị: “Lại còn chẳng?”

Là thế này, các vị trong cung sùng Đạo, trên từ Hoàng thái hậu dưới đến cung phi, đều tin tưởng vị đạo sĩ này. Chân Nhất chân nhân không chỉ nắm Đạo Lục Ti trong tay, còn nhận được danh hào “chân nhân” do Quan gia tự tay phong tặng, nở mặt nở mày. Người trong cung tín lắm, giảng kinh lập đàn bói toán tâm sự gì đều tìm đến ông. Thái tử hoăng, trước khi mất đã?đọc lời sám hối*, ông cũng có mặt. Ngay cả những kẻ có thân phận là đạo sĩ, đều lên như diều gặp gió trong kinh. Tuy dân chúng thờ Phật, nhưng vì lợi ích mà Đạo giáo mang tới quá lớn, dần dà Đạo lại thịnh hơn. Vị Chân Nhất chân nhân này là người có bản lãnh, các vị trong cung sùng Đạo, đạo sĩ khắp thiên hạ đương nhiên sẽ có kẻ muốn đưa chân vào, nào là Phù Triện, Đan Đỉnh, Thượng Thanh, Chính Nhất… phái nào mà không có người tài, ông theo Phù Triện, lại không nhờ vào?diên hống** mà vẫn vững vàng nắm đạo tràng trong cung cấm, là một kẻ có năng lực thực.

[*Nguyên văn: Thượng chương thủ quá. Đây là một thuật ngữ trong Đạo giáo.]

[**Nôm na giống như châu đan trong cơ thể tiên, ngưng kết tiên lực này nọ.]

Nếu Chân Nhất đạo sĩ bói ra quẻ Triệu vương khắc chết Thái tử, Triệu vương quá nửa sẽ cầm chắc rắc rối. Lỗ vương và Tề vương, coi như đã lột được một nửa trách nhiệm.

Trên một chiếc thuyền khác, thầy Tô tất đã nhận ra, ngay cả Bất Ngộ phương trượng cũng chẳng lấy gì làm dễ chịu. Tô tiên sinh bảo: “Tử bất ngữ quái loạn lực thần! Lẽ nào Quan gia cũng tin cái này? Lại đến nỗi đồn thổi cả thành, đúng là hoang đường!” Lại đưa mắt sang nhìn Bất Ngộ. Bất Ngộ cười khổ: “Tôi người xuất gia chốn Phật, từ bấy chỉ tụng kinh tu hành, năm xưa Thích Tổ còn nơi Thiên Trúc chưa từng đoán chữ bói quẻ. Đến trung thổ…”

Thầy Tô tức cười, cả giận: “Cái ngữ gian ác này chia rẽ máu mủ nhà Trời, mê hoặc cung đình, phải trục xuất mới ổn!” Bất Ngộ chắp tay khấn A Di Đà Phật, lại xoay mặt vào tường tụng kinh.

Vì chuyện này mà mọi người càng sốt ruột hơn, chẳng còn lòng dạ nào tiệc tùng, chỉ cập bờ ngắm cảnh ngắm dân. Ngay cả Tô tiên sinh luôn bảo Hồng Khiêm: “Tuy căn cơ trò còn mỏng, nhưng dốc lòng học hành, ắt sẽ thành sự, cũng chẳng ai bắt trò làm Tạ Linh An.” Giờ cũng chỉ vô thức ép Hồng Khiêm viết thơ làm văn, rồi đọc bừa kinh sử, bắt Hồng Khiêm giải thích thôi.

Tạ Ngu, tự Linh An, thực sự thiếu niên đắc chí, mười lăm tuổi đi thi, mười bảy đã đỗ trạng nguyên, chưa từng rớt kỳ nào, quá nửa tài trí của thiên hạ đã dồn vào một mình người này. Đỗ trước Tô Trường Trinh ba khóa, nhưng khi Tô Trường Trinh chưa vào kinh thi, Tạ Ngu đã vì đau lòng quá độ mà xuất gia vân du tứ phương. Tô tiên sinh chưa từng gặp vị tiền bối thiếu niên này, thường tiếc than luôn.

Hồng Khiêm chẳng cần thầy nói cũng đã dốc lòng. Vài ngày cứ thế trôi qua, đầu tháng ba, đoàn người đã trông thấy tường thành phía xa. Kinh thành có cổng dành cho phương tiện đường thủy, có thể đưa thuyền qua. Đám Hồng Khiêm mang khá nhiều hành trang, không tiện dỡ xuống ngoài thành, bèn chèo thuyền thẳng đến cổng thủy kiểm tra giấy tờ, đã sớm có người đưa kiệu chờ đón bọn Tô tiên sinh, Lệ Ngọc Đường khá an tâm khi giao con cái cho Thân thị, bèn đích thân đưa thầy Tô vào cung gặp Quan gia. Ngọc Tỷ bận rộn luôn, sai Đóa Nhi biếu túi tiền đầy cho thầy Tô, để thầy rời cung tiện thuê xe.

Người đến đón cảm thấy khá thú vị, cười bảo: “Quan gia đã ban nhà cho tiên sinh, xuất cung ắt sẽ sắp xếp xe ngựa tiễn.” Đóa Nhi mặc hắn, khăng khăng dâng túi tiền lên cho Tô tiên sinh. Thấy đã có người đưa đón, Hồng Khiêm bèn không sai Minh Trí và Bình An theo hầu nữa, chỉ chuẩn bị đưa người sang nhà thầy Tô, những việc này không cần phải nói trước mặt mọi người.

Bên kia Thân thị lại sai tâm phúc đưa bọn Hồng Khiêm đến nhà đã đặt trước, hẹn vài ngày sau, sắp xếp xong đồ đạc sẽ đích thân đến cửa thăm viếng. Lại lệnh dỡ hàng trên thuyền mình vào kho, xong xuôi mới dắt con cái đến phủ Ngô vương thỉnh an. Bất Ngộ phương trượng tạ ý tốt của mọi người, bảo: “Bần tăng vốn từng ở trong kinh, nhìn đường xá chẳng thay đổi mấy, có thể tự tìm đến chùa Đại Tướng Quốc.” Vẫn ăn mặc như tăng sư vân du, đến chùa Đại Tướng Quốc ở nhờ sư huynh.


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...