Nữ Hộ

Chương 58: Tiếp xúc


Chương trước Chương tiếp

NGHE HỒNG KHIÊM KỂ ĐÀN ÔNG ĐẦN THẾ NÀO HÈN RA SAO, NÀNG HÁ HỐC MỒM.

Từ sau lần đầu tiên một mình đến nhà họ Hồng, Cửu Ca lui tới quen chân hơn hẳn. Ông trời thực sự rất ưu ái Cửu Ca, ban cho y một gương mặt lẫm liệt chính khí như vậy, làm việc gì trông cũng hợp tình hợp lý. Dù ông có thích người khác hơn thì vẫn không thể không tin phục y, ấy cũng là một loại tài năng thiên phú. Ngay cả Hồng Khiêm, người luôn tán tụng con gái cưng toàn tài toàn đức, người vốn muốn nhân lúc vào kinh mới kỹ càng kén rể mà cũng phải công nhận rằng y không tệ khi Thân thị nhắc tới, còn gật đầu đồng ý hôn sự.

Còn Ngọc Tỷ, lần đầu gặp y, chỉ vì một con thỏ béo mà phải hứng trọn bản mặt đen thui của Cửu Ca, thế mà chẳng biết nguyên cớ thế nào, nàng lại nhận lỗi về mình. Nàng cũng tự xếp mình vào hạng người đứng đắn, có sai sẽ nhận, nhưng nhận lỗi một cách sảng khoái như thế, thực ra cũng chỉ vì bản mặt của Cửu Ca. Lần gặp thứ hai ở chùa Từ Độ, nếu phải nói thật lòng thì, chàng Cửu Ca này tướng mạo không đẹp không xấu, tuy đầy chính khí nhưng chưa đến mức vô cùng đẹp trai. Nhưng như nàng đã bảo rồi đấy thôi, trông y “giống cha”, rất vững vàng kiên định. Dẫu cho cả hai ngoại trừ việc đều là đàn ông ra thì chẳng còn tý ty giống nhau nào thì Ngọc Tỷ vẫn nghĩ như thế, cha nàng đáng tin, chàng Cửu Ca này cũng đáng tin hệt vậy. Trông Cửu Ca dạy Kim Ca đánh bông vụ, sau đó lại dặn Kim Ca phải chăm chỉ học hành, mới nhận ra y còn là một người chu đáo.

Ngọc Tỷ dần lớn lên, mọi người đều dạy rằng “lệnh cha mẹ, lời mối mai”, cũng từng răn đe bằng bài thơ “Kéo bình bạc dưới đáy giếng”, nàng là một người thực sự có chủ kiến, Cửu Ca thế này, cũng tạm gọi là xứng đôi. Thay vì lý tưởng duyên cầm sắt thì chi bằng sống thực tế một chút, nàng thấy vậy thiết thực hơn. Trước giờ, phụ nữ mà nghĩ quá nhiều, quá lệch thì rất dễ bị đám bậy bạ lợi dụng sơ hở, khó tránh khỏi việc nếm trải khổ đau.

Trong lòng phụ nữ thời bấy giờ, được chồng kính trọng đã là quá tuyệt, Ngọc Tỷ cũng chẳng việc gì phải kén chọn, như cụ Lâm đã nói: “Phải sống thì mới gọi là đời. Đừng quá để tâm đến lời ngon tiếng ngọt, sẽ tổn phúc. Cháu đối tốt với y, y hẳn sẽ tốt với cháu, y tốt với cháu, cháu cũng phải tốt với y, một đời, chính là như vậy.”

Tính tình Cửu Ca lại không lỗ mãng, đối xử tốt với người nhà nàng, hơn cả nàng biết Thân thị đã lâu, bà ấy là một người dễ chịu và cực hiểu lý lẽ, Ngọc Tỷ càng chẳng việc gì phải soi mói. Nên mới đáp cụ Lâm rằng: “Giờ cháu sẽ kính chàng như khách, nếu chàng đối tốt với cháu, thì cháu sẽ dốc hết ruột gan.”

Mắt cụ Lâm đã hơi mờ, cụ nắm tay Ngọc Tỷ: “Mọi việc chừa đường lui, sau này mới dễ sống, cháu trao trọn tim mình cho y, thì bản thân làm sao mà sống?”

Ngọc Tỷ đáp: “Cháu sẽ đổi bằng trái tim của chàng.”

Cụ Lâm than thở: “Đúng là trẻ con. Nếu thực sự có thể như vậy, cháu phải là người tốt tu hành trọn mười kiếp, ấy mới nhận được phúc đáp thế này. Những chuyện này ta phải đích thân dặn dò cháu, mẹ cháu bà cháu đều kén rể cả, không thể xếp vào loại phụ nữ bình thường, không thể hiểu trọn khuất tất.” Đoạn kể ngắn kể dài những chuyện năm xưa, thuở ấy cụ và cụ Trình thành thân thế nào, lấy nhau về không có con trai, cụ Trình phải nạp thiếp thu tỳ sinh con vân vân.

Rồi kể những chuyện hậu trạch cho Ngọc Tỷ nghe, cụ bán mẹ đẻ của Chí Lang thế nào. Cuối cùng mới bảo: “Dạo gần đây ta ngủ nhiều lắm, không biết có đợi được đến ngày thấy cháu lấy chồng không, những chuyện này nói với cháu sớm ngày nào thì ta an tâm ngày ấy. Còn mẹ của cháu nữa, bây giờ có muốn dạy dỗ thêm cũng đã muộn, cháu chăm sóc nó nhiều một chút. Cha cháu là người tốt, nói không chừng mẹ cháu chỉ sinh được hai đứa cháu và Kim Ca, nhưng dẫu sao vẫn không thể để nhà họ Hồng của cháu tuyệt hậu, đúng không nào? Cha cháu có tiền đồ, nhà họ Hồng chỉ có ngày càng lớn mạnh, không lý nào lại suy yếu, đến lúc ấy, mẹ cháu phải làm sao? Nhà họ Trình chỉ là con tôm cái tép mà vẫn rước chuyện phiền lòng, nhà phủ quân kia lại là hậu duệ giống trời, cháu phải cẩn thận. Ta dặn cháu này, chuyện trong nhà, phải nhớ lấy hai điều: Giữ đúng lý lẽ, nắm chặt lòng người. Lý lẽ thì ta khỏi dông dài, cháu học nhiều hiểu rộng hơn ta. Còn lòng người ư, cháu phải tự cân nhắc thôi, chồng và mẹ chồng là quan trọng nhất.”

Ngọc Tỷ nghe cụ bảo ban nghiêm túc nhường này, lòng chợt thắt lại: “Cố đừng nói thế, cháu sợ.”

Cụ Lâm đáp: “Cháu mới đính hôn, những khi đại hỉ thế này, ta không nên nói lời xúi quẩy. Ta cũng mong cháu không cần phải dùng đến những lời dặn của ta, nhưng người sống trên đời, không sợ nhất vạn chỉ sợ vạn nhất, cháu có chuẩn bị trước thì mới tai qua nạn khỏi. Cửu Ca cũng là người tốt, lại còn trẻ, gia giáo cũng ổn, thừa khi y còn chưa trải đời nhiều, cháu hãy giữ chặt lấy, se tình phu thê kết tóc. Ta dặn không phải là muốn cháu xa cách y, mà là để cháu có chuẩn bị trước. Phu thê tuy một lòng, nhưng cũng phải chia ra chính và phụ.”

Ngọc Tỷ nghiêm mặt vâng dạ, cũng chẳng biết cảm giác trong lòng mình là gì. Về đến nhà, Tú Anh Hồng Khiêm sao có thể không nhận ra? Tú Anh kéo Ngọc Tỷ đến phòng mình trước, đóng cửa lại, hỏi lý do. Ngọc Tỷ suy xét lời cụ Lâm, xét thấy Tú Anh giờ đã không còn là nữ hộ nữa, nhưng chuyện cha mẹ, nàng vẫn còn bé, lại đã đính hôn, chẳng biết khi nào sẽ phải gả đi, làm sao quản được? Chuyện vợ chồng, rốt lại cũng nên để hai vợ chồng tự giải quyết. Người khác cũng chỉ có thể giúp đỡ phần nào. Đoạn thuật lại lời cụ Lâm đã dặn.

Tú Anh vốn cũng đang buồn rầu về chuyện con nối dòng nhưng không muốn Ngọc Tỷ lo lắng, chỉ bảo: “Con đừng để bụng chuyện này, nhân phẩm của cha mà con vẫn không tin ư? Chúng ta dù sao vẫn còn Kim Ca mà.” Nếu thực sự không ổn, vẫn còn đường giữ con bỏ mẹ. Vả lại, Kim Ca lớn lên cưới vợ sinh con, sinh nhiều thêm vài đứa làm con thừa tự, huyết thống cũng chẳng lạc đi đâu được. Còn cả Ngọc Tỷ ở đây, Hồng Khiêm dẫu sao cũng rất coi trọng con cái.

Nom mẹ như đã có tính toán, Ngọc Tỷ cũng tạm an lòng, Tú Anh thấy vậy mới bảo: “Những gì cụ cố dặn, chẳng qua chỉ là trường hợp xấu nhất. Năm ấy cha con đến nhà họ Trình ở rể, bà cũng dặn mẹ, bảo phải giữ lấy tiền của cha con, không được cho cha con cơ hội giở trò này kia. Con xem cha mình đi, ai động được vào tiền ổng chứ?” Ấy cũng là sự thật, bản lĩnh kiếm tiền của Hồng Khiêm quả không kém, mánh lới cũng nhiều hơn người ta.

Ngọc Tỷ đáp: “Ấy là cha con giỏi.”

Tú Anh nói: “Đúng thế, nên con đừng lo mấy chuyện lộn xộn này nữa. Với những người đàn ông thực sự có bản lĩnh, thì không phải là con khống chế nổi họ, mà là do họ không muốn rời xa con. Trên đời vẫn còn lẽ phải tồn tại, chẳng phải thằng đàn ông nào cũng thích hành sự theo kiểu thấp kém. Con đề phòng họ mà thể hiện quá rõ, họ không ngốc, sao có thể không nhận ra? Những chuyện sai trái, người khác không khuyên bảo nổi, phải tự mình lĩnh ngộ.”

Ngọc Tỷ đáp: “Con biết mà, cụ cố cũng chỉ có ý tốt. Con làm việc cứ theo lương tâm, không cứng không mềm, nhưng cũng biết cứng mềm ra sao. Vợ chồng đang yên đang lành, phải sống cùng nhau cả đời, không nắm tay đồng lòng mà quấy thành đôi ngã, chẳng phải ăn no rững mỡ à? Giờ không phải lúc thích hợp để nói chuyện này, bàn sau vậy.”

Tú Anh biết rõ, con gái mình xưa nay gần gũi với Hồng Khiêm, có một người cha sâu cay như thế, thì con gái làm sao yếu đuối cho nổi? Không lo nó quá hiền, chỉ sợ nó quá dữ, làm việc phải mềm mỏng một chút mới tốt. Lại nghĩ Ngọc Tỷ đã đính hôn rồi, Kim Ca cũng nên bắt đầu học hành, dù năm sau Hồng Khiêm có đỗ tiến sĩ cũng phải quý mình. Tuy nàng không nhìn thấu được Hồng Khiêm, nhưng lại biết Hồng Khiêm một lòng một dạ với cụ Trình, sẽ chẳng đến nỗi làm mình đau lòng. Nếu lại bày ra vẻ đề phòng, há chẳng phải khiến Hồng Khiêm xa cách? Bản lĩnh của Hồng Khiêm từ vụ Dư gia đã trông thấy rõ, phản chàng, chẳng không phải e mình sống quá sung sướng rồi à?

Ngọc Tỷ rời khỏi phòng Tú Anh, Tú Anh cân nhắc một chốc, vẫn kể lại với Hồng Khiêm: “Hôm nay nó từ chỗ bà về, được dặn vài chuyện,” Đoạn bỏ qua những lời dành cho mình, chỉ thuật lại chuyện Ngọc Tỷ, “Ta đã nói nó, vẫn chưa chung sống đã nghĩ xấu người ta, thế chẳng phải làm khổ hôn nhân à? Cửu Ca ta thấy cũng tốt, bèn bảo nó an tâm mà sống. Ta nói thế ổn không? Cũng chỉ có mỗi một đứa con gái là nó, ta vừa sợ nó trượt ngã, vừa lo nó thay đổi, chuyện nhà mẹ đẻ ta mình cũng biết rồi, nó may mắn hơn ta, không cần phải kén rể, ta lại không quá rõ những chuyện kia, dạy nó như thế có khiến chồng nó kiêng kỵ không?”

Hồng Khiêm đáp: “Mình nói đúng lắm, nếu xa cách thì thành thân lại chẳng khổ? Nhưng cụ cố cũng chỉ thương con bé, nhà họ Lệ xưa nay đã đông đúc, thị phi cũng có, rỗi rãi ta lại bày Ngọc Tỷ sau.”

•••••

Ngọc Tỷ chẳng tài nào ngờ được rằng cha sẽ tâm sự mấy việc nọ với mình, nghe Hồng Khiêm kể đàn ông đần thế nào hèn ra sao, nàng há hốc mồm.

Vậy mà Hồng Khiêm còn chưa thỏa mãn, hận nỗi không thể truyền đạt cho con tất cả những gì mình biết: “Con người là vậy, yêu thì nâng niu, ghét thì ruồng rẫy, đã muốn mặc kệ thì dù có dùng ngàn cách đặt chứng cứ trước mặt, y vẫn có thể xem như không thấy. Con muốn tốt cho y, thì làm mọi chuyện thay y chi bằng để y tự chuẩn bị lấy. Nhưng không nên nói thẳng, mà phải để y tự ngộ ra. Người khác không tốt, có thể mách thì mách, còn không, bảo y tự đi mà xem xét. Đừng làm những chuyện cực chẳng đã lại không lợi lộc gì, chỉ có kẻ dại mới như vậy. Người khéo, làm việc gì cũng phải để người khác trông thấy hiểu được. Cả ngày vật lộn với người ngoài, mệt đến chết đi sống lại, về đến nhà còn muốn y chơi giải đố với con? Trong ngoài như một? Thế thì thân sơ còn gì khác nhau? Con người luôn tìm lợi tránh hại, người khiến con thoải mái và kẻ làm con mệt mỏi, đổi lại là con, con thích gần gũi với ai hơn?”

Ngọc Tỷ cười thưa: “Một vài thứ có thể phơi bày, một vài thứ lại chỉ được phép nằm trong bóng tối, con những mong cả đời này không phải dùng đến những ngón ấy. Chừa đường lui cũng được, nhưng dẫu có chừa, cũng là chừa cho tất cả. Những việc con làm, không cần phải nói rõ, khi cần dùng mới lôi ra dùng. Còn không cần đến tội gì lại để chàng biết? Để lại oán trách chồng con không khiến mình bớt lo?”

Hồng Khiêm cũng cười: “Trẻ nhỏ dễ dạy! Cửu Ca không phải loại người kia, con đừng gây ra chuyện gì khiến người ta lạnh lòng trước đấy. Nếu có chuyện gì thì cũng đừng giấu, cha mẹ con chưa chết đâu! Có phải cụ cố cũng lo cho mẹ con không?”

Ngọc Tỷ nghiêng đầu: “Cha cũng biết ạ?”

Hồng Khiêm: “Ta biết nhiều thứ lắm. Từ lúc có con, thì còn chuyện gì khiến ta không hiểu đâu? Cũng chỉ một tấm chân tình của cha mẹ. Mẹ con hiểu rõ là được, cụ cố cũng già rồi. Sau này sống ở nhà người khác, làm việc gì cũng phải nhớ kỹ, đừng tự cho rằng mình thông minh.”

Ngọc Tỷ cười đáp: “Con vốn khờ mà, chỉ biết áng theo quy củ làm việc, khờ chết đi được, biết đi đâu tìm thông minh đây? Ngoài phố có bán không? Bao tiền một cân?”

Hồng Khiêm cười to: “Con lại liên thiên rồi. Việc nhà của phụ nữ, mẹ con khá am hiểu, mẹ chồng bên nhà họ Lệ kia cũng không phải tuýp ngặt nghèo, bà ấy chỉ có một đứa con trai ruột này thôi. Gia đình họ cũng hòa thuận, con cứ an tâm mà sống, người khác đối đãi thế nào với con, con cứ đỗi đãi lại y như thế. Nếu thực sự phải trở mặt thì nhớ lấy câu này cho cha, đã không làm thì thôi, làm thì phải làm cho đến cùng, tốt đến cùng, xấu cũng đến cùng.”

Ngọc Tỷ vâng dạ.

Mấy vị bên trên dặn dò xong, đến phiên Tô tiên sinh không chịu nổi trống vắng. Ngọc Tỷ đính hôn, thầy Tô cũng muốn dặn dò đôi điều, nội dung lời răn chẳng gì ngoài “Nữ giới” “Nữ huấn”, thầy văn chương lai láng, lại am hiểu quy chế lễ nghi các loại, lặp đi lặp lại vô số lễ nghi trong cung, mẫu mực hoàng thất nọ kia cho Ngọc Tỷ nghe.

Thầy Tô là quân tử thẳng thắn vô tư chưa từng giấu tên họ, người khác không ngờ đến cũng chẳng phải lỗi của thầy. Đám cụ Trình không biết, thầy cũng ngại phải ba hoa, Hồng Khiêm hẳn đã nhận ra, song dù Hồng Khiêm đã từng nói cho người nhà biết chưa thì thuở ấy thầy cũng vẫn đang rơi vào cảnh gian nan, nhà họ Trình rành rành có ơn thu nhận. Mọi người đều giả câm vờ điếc cả thôi. Ai ngờ Ngọc Tỷ thực sự không hay biết gì!

Ba ngày liền không có chân gà để xơi, thầy tự mò ra phố làm miếng, lúc về lại lạc đường, về đến nhà đã tới giờ cơm tối, lang thang ngoài đường suýt đã bị tuần đêm tóm cổ rồi. Hồng Khiêm không nhìn nổi nữa, hảo tâm giễu cợt thầy một hồi, Tô tiên sinh từ bấy mới biết bản thân đã đắc tội với cô học trò nhà mình, lại thầm nhủ: Thì ra nhà này thực sự không biết, Hồng Khiêm cũng chưa từng để lộ! Bụng bảo dạ Ngọc Tỷ tinh quái quá, cúp chân gà chọc mình. Lấy làm buồn cười, song không nói gì, vẫn dạy dỗ như thường.

Quả vậy, ba ngày sau, lúc Cửu Ca đến chơi đã xách theo một bọc chân gà thật to cho thầy. Tô tiên sinh giữ Cửu Ca lại dùng bữa, vừa gặm chân gà vừa nói: “Trò nữ đúng là bát nước đổ đi!” Cửu Ca bảo: “Ăn không nói.” Hồng Khiêm đáp: “Đúng, một đĩa chân gà hẳn cũng đủ để nhét kín miệng rồi chứ.” Thầy Tô cười lạnh một tiếng: “Hai đứa bây vừa nãy chẳng mở mồm nói đâu nhỉ? Tiếng bụng à?” Hai người nghe thế bèn ngậm miệng lại.

Dùng bữa xong, Cửu Ca lại xin lời chỉ dạy của Tô tiên sinh, thầy Tô trông gương mặt y, thở dài: “Đây cũng là một loại bản lãnh của trò.” Nhưng Cửu Ca đến để thỉnh giáo thư pháp: “Luôn có chỗ viết không đẹp.” Vì vẻ mặt Cửu Ca khá thành khẩn, thầy Tô không từ chối, lần lượt giảng giải những chỗ y không hiểu, nhấc bút viết vài chữ mẫu cho Cửu Ca luyện theo, đoạn sửa lại những nét mà y viết không thuận.

Cửu Ca nhìn tờ giấy, hồi lâu chẳng nói tiếng nào, bỗng đẩy tờ giấy về: “Xin tiên sinh thay con bảo quản, đem về nhà thể nào cũng sẽ bị cha con lấy mất, cắt chữ thầy ra treo tường.”

Thầy Tô bật cười, hỏi Cửu Ca: “Thư phòng lệnh tôn có sách gì hay? Ta muốn mượn một quyển về đọc.” Cửu Ca đáp: “Chỗ cha có một bộ ngự chế mới mang từ trong kinh về.” Thầy Tô bèn viết một tấm thiếp mượn sách Lệ Ngọc Đường, bảo Cửu Ca giao thiếp cho Lệ Ngọc Đường, lần tới mang sách đến.

Cửu Ca lặng lẽ cất thiếp, lại cầm bức chữ vừa nãy về, thầy Tô không khỏi mỉm cười. Đoạn nhướng mày, lại rút một bức chữ ra: “Đây còn chữ của một người, viết rất nắn nót, trò có thể đem về nghiền ngẫm.”

Cửu Ca dùng hai tay đón lấy xem, nét chữ cực giống Tô tiên sinh, nhưng có vài phần khang khác, trông như chữ của thầy thời trẻ, nhưng giấy vẫn còn mới. Lại ngắm kỹ hơn, chợt bừng tỉnh, giờ này nơi đây, còn có thể là chữ của ai? Càng ngắm bức “Tương tiến tửu” ấy càng cảm thấy đẹp. Trịnh trọng cảm tạ thầy Tô: “Nhất định quý trọng, mãi luôn nghiềm ngẫm.”

Tô tiên sinh phất tay: “Bớt giả khờ trước mặt ta đi, đây là nể mặt chân gà mới cho trò đấy, ta cũng chả phải chưa từng đính hôn lấy vợ.” Dứt lời, chắp tay sau lưng, không nhìn Cửu Ca nữa. Cửu Ca cất chữ của mình cùng bức “Tương tiến tửu” vào lòng, lại xin thầy Tô một cái hộp đựng thiếp, đem về giao cho Lệ Ngọc Đường.

Từ biệt thầy Tô, song lại đứng lặng trước cổng vườn thầy. Chưa tới một khắc, đã có người đến gặp y.

Cửu Ca trông thấy Ngọc Tỷ, lấy một chiếc hộp nhỏ trong lần áo ra: “Cái này, nàng giữ mà chơi.” Ngọc Tỷ thấy tai y run run, khẽ cười thành tiếng, tự tay đón lấy. Đương lúc trao nhận, Cửu Ca tỉnh bơ đặt hộp vào tay nàng, đôi tay xoay một vòng, nắm trọn tay nàng rồi lướt xuống.

Ngọc Tỷ chỉ cảm thấy mu bàn tay ấm áp, đến khi tay Cửu Ca rời đi vẫn còn nóng. Cửu Ca thì thấy lòng bàn tay, mu bàn tay, cả đến ngón tay nàng cũng vừa mềm vừa trơn, mũi lại thoang thoảng hương thơm của nàng, đúng là vừa thơm vừa mềm. Hắng giọng một tiếng: “Mẹ rất nhớ nàng, ta… khi nào nàng rỗi, ta sai người đến đón nàng.”

Ngọc Tỷ hờn dỗi: “Mấy ngày nay ta ở nhà.” Rồi ôm hộp chạy mất.

Cửu Ca lại ủ rũ như vỏ chuối, vuốt ngực, sang cáo từ Hồng Khiêm về nhà.

Bên kia, Ngọc Tỷ về đến phòng, mở hộp ra, thấy bên trong có một đôi thỏ ngọc be bé, núc ních đáng yêu cực, đặt vào lòng bàn tay rồi đưa ngón ve vuốt lưng chúng, rất êm tay. Thầm nhủ: Con thỏ béo kia trả cho chàng, cặp thỏ này khéo lại thuộc về ta.

Cửu Ca về nhà với tâm trạng tốt, Lệ Ngọc Đường cứ quẩn quanh, vừa chà tay vừa thở dài, Cửu Ca trông thấy cả. Bèn tốt bụng lấy hộp ra, đưa cho Lệ Ngọc Đường. Lệ Ngọc Đường thấy thiệp Tô tiên sinh tự tay viết, vô cùng mừng rỡ: “Mau đóng sách ngự chế gửi sang.” Cửu Ca ra ngoài sau khi báo xong tin, nhủ thầm, mẹ sẽ không cho cha cứ vậy mà gửi sang ngay trong hôm nay đâu, nặng ra trò đấy.

Nhếch mép, Cửu Ca về thư phòng mình. Ngày mai thể nào cũng sẽ bảo y đến nhà họ Hồng tiếp, một tấm thiếp kia, mình xin đúng lắm.

Tinh mơ hôm sau, Lệ Ngọc Đường dậy thật sớm, giục Cửu Ca đến nhà họ Hồng, Cửu Ca vâng lời, thong dong sang nhà cha vợ. Lần này thầy Tô có sách mới để đọc, Cửu Ca đành để bọc chân gà lại, e rằng khoảng hai ba mươi ngày tới thầy Tô không còn hơi sức đâu mà để ý đến y. Mà đã vào đông, non hai tháng nữa sẽ đến Tết, đầu xuân năm sau Hồng Khiêm phải lên kinh đi thi, cần tĩnh tâm đọc sách, không tiện đến quấy quả thường xuyên.

Chẳng mấy hôm sau, Thân thị thấy Cửu Ca suốt ngày nhìn dải cài trán mà Ngọc Tỷ làm cho mình, ngộ ra ý của y, bèn sai người đón Ngọc Tỷ đến trò chuyện. Ngọc Tỷ ngồi cạnh Thân thị, vì đã đính hôn nên hơi khác khi trước, có vẻ thân thiết dịu dàng hơn. Lúc trước theo Tú Anh đến ngồi chơi, mẹ con hai người chưa từng nghĩ đến chuyện sẽ kết thông gia với gia đình này, vì Hồng Khiêm là tú tài còn Lệ Ngọc Đường vừa thuộc tông thất vừa là trưởng quan Giang Châu, xa cách khách sáo hơn bây giờ nhiều.

Thân thị trông tình hình hôm nay thì lấy làm vui mừng, vội sai dâng trà nóng lên: “Bên ngoài trời lạnh, nhấm tý trà nóng cho ấm người.” Lục Tỷ cũng cười hỏi: “Trà hôm nay với trà dạo trước có gì khác nhau?” Dứt lời che miệng cười. Ngọc Tỷ nghe tiếng cười mà má hây đỏ, bên ngoài có người vào báo, rằng Cửu Ca trật chân xước tay.

Thân thị kinh ngạc, đoạn cười nói: “Nó ấy, cũng biết giở trò.” Lục Tỷ bèn kéo Ngọc Tỷ đi xem: “Trước đây không tiện dắt muội sang chơi với thằng em này của ta, nay thì chẳng sao rồi.”

Cửu Ca trật chân không nặng, nhưng vẫn về phòng nghỉ ngơi, không nằm mà ngồi trên tháp, trên ấy kê một chiếc bàn thấp bày một quyển sách, y đang chậm rãi đọc sách. Thấy hai cô gái đến, Cửu Ca nghe Lục Tỷ trách: “Sao không cẩn thận thế này? May mà trời lạnh ăn mặc dầy dặn, bị thương không quá nặng.” Vừa nói vừa kiểm tra tay y.

Ngọc Tỷ cũng lén đưa mắt nhìn sang, trên bàn tay mất một mảng da, không cầm được bút. Chân thì không nhìn ra, cũng không tiện nhìn kỹ. Cửu Ca ngắm Ngọc Tỷ, nàng mặc áo khoác hồng đào viền lông thỏ trắng mềm và váy gấm xanh ngọc, tay giấu trong túi chườm, đúng là duyên dáng yêu kiều, thấy nàng lo lắng nhìn tay mình, y chợt cảm thấy bị thương như thế cũng đáng. Lục Tỷ muốn ra ngoài, Ngọc Tỷ chợt kéo tay áo cô, Lục Tỷ đứng lại, kéo Ngọc Tỷ lên tháp ngồi đối diện với Cửu Ca.

Cửu Ca bỗng nói: “Trời lạnh, chờ ta khỏi sẽ sang thăm nàng, vài ngày nữa thôi.”

Ngọc Tỷ đáp: “Ừm.”

Lục Tỷ thấy hai người này ngồi trơ ra, lại chẳng biết sau khi đính hôn thì đây là lần đầu tiên Ngọc Tỷ vào phòng Cửu Ca, làm sao không căng thẳng cho được? Cửu Ca thì cố ý dụ Ngọc Tỷ đến tham quan phòng mình, để nàng biết y là người thế nào. Ngọc Tỷ đánh giá căn phòng ba gian nho nhỏ này một lượt, nom rất gọn gàng sạch sẽ, đồ trang trí trong thư phòng cũng còn khá mới, vừa không xa hoa lại không quá đơn sơ, nhìn rất vừa mắt. Còn như phòng ngủ của Cửu Ca, nàng lại cố tránh nhìn sang. Cửu Ca đều trông thấy cả.

Ngồi chẳng bao lâu, Ngọc Tỷ đứng dậy, dặn Cửu Ca: “Chàng nghỉ ngơi đi, tĩnh dưỡng sớm lành. Đây là đồ ta tự tay làm.” Đoạn đặt một túi gấm lên bàn thấp trước mặt y, rồi kéo Lục Tỷ ra ngoài.

Bên kia, Lục Tỷ tiễn Ngọc Tỷ xong, về báo cáo với Thân thị: “Hai chúng nó chỉ ngồi ngây ra như thế, nói chẳng bao câu. Cửu Ca rất thương vợ, sợ con bé trời lạnh phải tất tả, bảo khi nào khỏe sẽ sang thăm nó. Ngọc Tỷ cũng thương thằng bé, trước khi rời đi còn tặng quà cho nó, để trong túi gấm, con không biết là gì, nom có vẻ vuông vức.”

Thân thị nói: “Người ta đính hôn rồi, có tặng nhau cái gì chúng ta cũng không quản nổi.” Trong lòng cũng tò mò, nhưng không tiện tỏ thái độ. Nhưng chưa được mấy ngày đã có kẻ tới ton hót với bà, Bát Ca bảo: “Vợ Cửu Ca khéo tay quá, tự khắc một con ấn tặng cho nó.”

Đã là ấn thì phải dùng, Cửu Ca viết được bức chữ nào đẹp sẽ đóng ấn này lên, Bát Ca đương nhiên đã nhìn thấy, mà thấy thì phải hỏi. Cửu Ca cũng chẳng giấu, nói thật: “Nương tử nhà ta khắc tặng ta.” Bát Ca tuy trong lòng ngưỡng mộ, nhưng ngoài miệng lại giễu y: “Chưa cưới mà đệ gọi thân mật thế nhỉ.” Rồi chạy tới mách với Thân thị.


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...