Nữ Hộ

Chương 34: Quy tông


Chương trước Chương tiếp

CON HIẾU KÍNH LÃO AN NHÂN VÀ BÀ NGOẠI, VẪN TỐT HƠN LÀ ĐỂ CHA CON ĐI Ở RỂ.

Ngọc Tỷ thẳng lưng ngồi trước án, nắn nót từng nét ngang dọc theo mẫu tập viết. Tiểu Trà đứng ngoài vách ngăn thư phòng, thò đầu vào nhìn thử rồi xách váy nhón chân, nhẹ nhàng bước đến gần mài thêm mực cho Ngọc Tỷ, sờ thử ấm trà ủ trên bàn rồi lại đi ra.

Ngọc Tỷ biết nó đi vào nhưng không ngẩng đầu lên, vẫn cứ thế luyện chữ. Đến khi viết xong, bé phơi ráo mực rồi cuộn lại, đến chỗ thầy Tô nộp bài. Phương pháp giảng dạy của thầy Tô cũng như bao người khác, trên lớp thì giảng bài, tan học thì giao bài tập. Có điều lai lịch thầy hiển hách hơn các tiên sinh bình thường, quản giáo nghiêm hơn người ta, mở mồm giảng triết lý sâu xa hơn người ta thôi. Từ nhỏ Ngọc Tỷ đã có sư phụ là thầy, chẳng so sánh được với ai, cũng chẳng được tự chọn, cũng quen dần rồi thành hiển nhiên, thôi thì cứ thế.

Thầy Tô khá rõ nghĩa lý, người đọc sách từ nhỏ đã chú trọng thư pháp, lúc mới học Ngọc Tỷ phải tập chép theo nét có sẵn, một ngày phải đủ hai mươi tờ, chẳng ai can ngăn nổi, sư đạo uy nghiêm, đã giao học trò cho thầy thì phải tin tưởng thầy, còn không tin tưởng thì mau mau đi chỗ khác mời người cao siêu hơn, giữa thầy và lười chỉ được chọn một. Giờ Ngọc Tỷ mới bảy tuổi, cũng đã luyện chữ được vài năm, thầy Tô không cho chép theo nét nữa mà bắt luyện theo mẫu. Theo Tô tiên sinh thì, chép theo nét chỉ là để viết đúng quy tắc, nếu chép quá nhiều thì sẽ trở nên khuôn sáo, không còn bút ý căn cốt nữa, thứ chép y bản chính thì không phải là chữ, thứ tự viết ra mới gọi là chữ.

Thế là ngoài giờ nghe giảng học bài, Ngọc Tỷ còn phải luyện chữ theo mẫu nữa. Cha con ông Trình cũng là người đọc sách, tuy không có bản in chữ mẫu của danh gia, nhưng cũng dành dụm được vài quyển bản dập tốt. Trình thư pháp của thầy Tô thì cao siêu rồi, Ngọc Tỷ tập viết theo chữ của thầy nhiều hơn một chút. Trong nhà có một người thầy như thế, chữ nào viết không đẹp thì cứ áng theo mẫu thầy mà viết, với Ngọc Tỷ thì chuyện này tiện quá trời rồi còn gì.

Quen tay hay việc là thế nào? Chính là Ngọc Tỷ cũng dần nghiệm ra vài bí quyết, ngày ngày suy xét chỗ này nên đặt bút như nào, nét sau nên thủ thế làm sao thì chữ mới đẹp. Viết xong bài bèn trải ra hong khô, tuy nhà họ Trình giàu có, nhưng căn cơ vẫn còn nông, lại không quy định thị nữ sai vặt lúc nào cũng phải theo sát hầu hạ, Ngọc Tỷ thấy chẳng ai bên mình, thầm nhủ có lẽ Tiểu Trà đi đồ hoa văn rồi, mợ Lý hẳn đang dạy Đóa Nhi thêu thùa, bèn tự rót cốc trà ấm uống.

Đi ra sân duỗi eo, nhìn thử xung quanh, bất ngờ là chẳng có ai ngoài này, bé bèn đi đến chỗ của bọn mợ Lý. Tiểu Trà và Đóa Nhi đang tán gẫu trong phòng, Ngọc Tỷ nổi cơn tinh nghịch, muốn vào phòng ngủ chúng nó chơi một tý. Nhưng bước đến cửa thì nghe bên trong vọng ra tiếng trò chuyện.

Tuy không nghe được đầy đủ câu chuyện, song vẫn có thể đoán được phần nào, bên trong dường như Tiểu Trà đang phân tích: “Em nhún nhường một bước, người ta đã lấn lướt mười bước rồi, nhường đến chẳng còn chỗ nhường nữa, em chỉ còn đường chết thôi! Mà chết được đã hay, giả mà họ nhẫn tâm hơn nữa sẽ bán em đến chỗ đáng sợ, sống không bằng chết đấy!”

Đóa Nhi có phần do dự: “Cũng là vì mẹ em thôi.”

“Em còn ở đây, bọn họ cũng phải chiếm được lợi từ chỗ em mới đồng ý sửa sang lại mồ mả. Còn mà bán em rồi á, em chết rồi á, hừ! Bọn họ há lại để ý tới mẹ em? Chẳng thà em tự coi sóc còn hơn!”

Đóa Nhi hỏi: “Tự trông nom nổi à?”

Tiểu Trà cười lạnh một tiếng: “Trước mắt nhà mình cho em ăn mặc, phát lương tháng cho em, em còn đủ đầy hơn gia đình bọn họ, tự nghĩ xem có tự trông nom nổi không?”

Ngọc Tỷ thầm khen Tiểu Trà hiểu chuyện, người sống trên đời, làm việc nên dứt khoát, nếu cứ nhìn trước ngó sau như Đóa Nhi, có lần đầu thì sẽ có lần hai, bị người ta làm khó, quả thật sống không bằng chết. Chẳng thà đập nồi dìm thuyền, còn cầu được đường sống.

Trong phòng, Tiểu Trà lại nói tiếp: “Nghe nói nương tử và tiểu thư cho em cũng phải đến mười lượng bạc? Em tự tính xem bọn họ đã giấu bao nhiêu làm của riêng rồi? Cái ngữ lòng tham không đáy ấy, nếu họ ép em trộm tiền nhà này hay hãm hại nương tử tiểu thư, em cũng làm à?” Giọng cũng nghiêm hơn.

Đóa Nhi lớn tiếng đáp: “Không bao giờ!”

Tiểu Trà nói mỉa: “Thế em còn làm được gì? Chết à? Muốn chết thì chết cho sớm, đỡ phí cơm gạo nhà này! Em phải lẹ làng mà hiểu ai tốt, ai không tốt với mình đi. Đừng coi tiểu thư là cái động rút tiền, nuôi em còn phải nuôi thêm cả nhà em nữa!”

Trong phòng, Đóa Nhi sưng xỉa mặt mày, rưng rưng đáp: “Em sẽ không bao giờ làm hại tiểu thư! Em cũng tự trông mộ mẹ mình được vậy!”

Tiểu Trà “Hừ” một tiếng, đáp: “Em hiểu được thì tốt, cứ ngờ nghệch yếu đuối thế này, bọn họ thấy thế còn chẳng khi dễ em đấy?” Thở dài một hơi, bắt chước người lớn mà rằng, “Gia đình tốt vậy, em còn muốn đi đâu tìm nữa?”

Đóa Nhi nói: “Nương tử và tiểu thư đối tốt với em, em biết mà.”

Tiểu Trà nạt: “Hừ, nếu còn tiếp tục ngờ nghệch, lòng tốt của nương tử và tiểu thư đúng là vứt cho chó ăn rồi. Mà dù có vứt cho chó thì ăn xong nó còn biết sủa ăng ẳng cảm ơn hai tiếng, em biết chủ nhân tốt với mình, vậy chứ có biết mình phải đáp lại thế nào không?”

Đóa Nhi lớn tiếng đáp: “Em biết rõ hơn chị đấy! Ai tốt với em, em sẽ tốt lại với người ta! Em chẳng phải cái ngữ không biết suy xét đâu!” Dứt lời bèn tông cửa chạy ra. Ngọc Tỷ vội lách người tránh, Đóa Nhi thì phanh gấp chân lại. Ngọc Tỷ ngượng ngùng nói: “Ta làm xong bài, nghe tiếng bọn em bên này bèn đến chơi, đang làm gì đấy? Ta vẫn chưa vào thăm phòng các em lần nào cả.” Vừa nói vừa thò đầu vào trong quan sát.

Đóa Nhi lau ngay nước mắt, lớn tiếng đáp: “Không gì hết ạ! Tiểu thư muốn xem, em dắt tiểu thư vào!” Đoạn ngước mặt, ưỡn ngực lên. Tiểu Trà vốn đang ngồi may vá, mồm ngậm chỉ, thấy Ngọc Tỷ đi vào bèn vội vàng nhổ phụt sợi chỉ trong miệng ra, nhảy vọt xuống đứng nghiêm: “Tiểu thư xong rồi? Có gì sai bảo ạ?”

Ngọc Tỷ nhủ thầm, Tiểu Trà thông minh hơn Đóa Nhi, may mà lúc nãy mình đụng phải Đóa Nhi, nó không nhận ra vẻ hốt hoảng của mình, đoạn cười bảo: “Ta làm xong bài rồi, nghe bên chỗ các em ồn ào nên đến xem thử, ta cũng chưa ghé phòng các em lần nào,” rồi đưa mắt nhìn quanh phòng, “Xem thử chỗ các em còn thiếu thứ gì không?”

Tiểu Trà vội đi lấy ấm trà: “Không thiếu gì cả ạ, mọi thứ đã rất đầy đủ.” Ngọc Tỷ lại hỏi nó đang may vá cái gì, hỏi cả Đóa Nhi đã học được những gì từ chỗ mợ Lý, ba người tán chuyện một lúc, mợ Lý dắt mợ Viên đến, vào cửa thoạt đầu đã gọi “Tiểu Trà”, sau đó thấy cả bọn đều ở đây, mới chữa lời: “Sao tiểu thư lại đến đây? Buồn chán đi dạo loanh quanh ạ?”

Ngọc Tỷ thấy mợ Viên đến thì không nán lại nữa: “Làm xong bài, đi dạo một vòng thôi. Mợ Viên trò chuyện với Tiểu Trà nhé, ta ghé chỗ mẹ một lát.” Mợ Lý vội bảo: “Để tôi đưa tiểu thư đi.” Rồi kéo cả Đóa Nhi ra cùng.

Trong phòng, mẹ con mợ Viên gặp nhau, Tiểu Trà hỏi: “Sao mẹ lại đến đây?” Mợ Viên đáp: “Vẫn chưa tới giờ cơm, mẹ đến thăm con một lát.” Tiểu Trà bèn bảo mẹ: “Gia đình chủ nhân độ lượng, nhưng mẹ cũng đừng quá tùy ý, gia chủ hiền hậu thế này không dễ tìm, nếu chúng ta quá phận khiến họ không chấp nhận nổi đuổi đi thì lấy gì mà sống?”

Mợ Viên cười mắng: “Bà già này ăn muối còn nhiều hơn mày ăn cơm đấy, còn cần mày nhắc chắc? Mẹ không bảo mày thì thôi, mày còn trách ngược mẹ trước à? Mày đanh đá mồm miệng như thế, rặt kiểu bà quản gia, để mày hầu hạ tiểu thư, sao mẹ yên tâm cho nổi?”

Tiểu Trà đáp: “Mẹ đừng lo, con biết mà. Gia đình này tốt bụng, lại hiền lành, đồng ý mua cả hai mẹ con chúng ta, lại không bắt học đàn ca hát xướng, nói thật một câu chứ con chỉ còn nước hết lòng hầu hạ, nào có chuyện lấn chủ? Con biết cả mà…” Đoạn kể lại lời qua tiếng lại vừa nãy giữa mình và Đóa Nhi.

Mợ Viên rầy nó: “Con đây chẳng phải là rước phiền hà?”

Tiểu Trà đáp: “Khó mà đến được gia đình tốt, họ lại đàng hoàng, không như gia chủ trước, sao mình lại không tận tâm hơn? Gia đình giàu có thường lắm việc bẩn thỉu, hiếm thấy nhà nào trong sạch như nhà này, dẫu sao nhà có yên bình thì cuộc sống của chúng ta mới êm ả được. Thà an yên còn hơn náo động, chi bằng chúng ta ở đây làm việc lâu dài?”

Mợ Viên nói: “Con cứ thích nhọc lòng thôi! Mẹ còn cần con nhắc ấy?” Thấy đã muộn, mợ bèn về bếp chuẩn bị thức ăn.

•••••

Ngày hôm sau lên lớp, việc đầu tiên Ngọc Tỷ làm là đi nộp bài tập, lúc bé đến trước mặt thầy Tô thì Trình Khiêm đã ở đấy từ lâu, cũng đang nộp bài.

Trình Khiêm cũng bị Tô tiên sinh ép luyện chữ.

Với sự nghiêm khắc của thầy Tô, Trình Khiêm còn khổ sở hơn cả Ngọc Tỷ, người mới bắt đầu học như một tờ giấy trắng, thầy Tô muốn dạy thế nào thì dạy thế ấy. Nhưng Trình Khiêm đã là đàn ông trưởng thành, trước đây từng đi học, chữ cũng đã viết theo thói quen, bây giờ lại phải bỏ, rồi rèn lại theo ý thầy Tô.

Ngọc Tỷ thấy cha mình nom có vẻ đau khổ, bèn nhìn thoáng qua chữ của Trình Khiêm trên giấy, thấy cha viết đẹp hơn mình những mấy phần, ngoài mặt không nói nhưng trong lòng lại thầm biện bạch hộ cha vài câu. Thầy Tô thấy bé phụng phịu nhưng không giận, chỉ theo dõi bằng ánh mắt như cười như không, cũng chẳng lên tiếng. Nhìn đến mức Ngọc Tỷ ngượng ngùng, dẩu môi: “Con đi làm bài đây.”

Ngày hôm sau, Ngọc Tỷ thấy thầy Tô bừng bừng khí thế, bèn cảm thấy không ổn! Chân như nhũn ra, định bụng chạy trốn. Quả nhiên, thầy Tô không giảng bài mà nhận xét chữ viết trước, dìm đến ba chìm bảy nổi chữ viết của hai cha con nhà này một phen. Lại giảng công dụng của chữ: “Đừng xem thường việc luyện chữ, có câu nét chữ nết người. Chữ xấu, nhục mặt. Ví như khoa khảo, có rất nhiều người chẳng chênh lệch nhau là mấy, thứ hạng lại xếp theo cái mục chữ tốt này đấy. Dù có tài học thực sự thì thế nào?”

Ngọc Tỷ nhíu mày hỏi: “Vậy chẳng phải lấy gùi bỏ ngọc ạ? Chẳng may có người thực sự có bản lĩnh, chỉ tội chữ không đẹp, chẳng phải sẽ để lỡ mất ư?”

Thầy Tô vặn vẹo cơ mặt, lại trầm giọng dạy dỗ: “Tuy bảo dùng văn ngỏ ý, nhưng chữ viết lại là bề ngoài. Muốn chữ đẹp thì phải bỏ ra bao nhiêu công sức, trò học vài năm hẳn đã biết, dẫu cho có thiên phú mà không kiên trì bền bỉ, chữ cũng không đẹp nổi. Điều kiện cần ở đây chính là cái kiên trì bền bỉ, không nóng vội kia. Nếu không thể ngồi vững tĩnh tâm thì dù người này có đủ mọi mưu gian nhất thời, cũng sẽ không thành đại sự. Hừ!”

Trình Khiêm mỉm cười hờ hững, không đáp lời thầy Tô mà chỉ bảo Ngọc Tỷ: “Con cứ tập trung luyện chữ cho đẹp là được, bản lĩnh lớn cũng chẳng thiệt mình.”

Ngọc Tỷ ngoan ngoãn gật đầu: “Dạ.”

Hai cha con ngày ngày luyện chữ, dần thấy hứng thú với việc này. Trình Khiêm và Tú Anh đã xả tang lâu ngày nhưng không đi đâu mà vẫn ở nhà, người thì đọc sách, kẻ lại tụng kinh, nghỉ ngơi tại gia. Vì chuyện Nga Tỷ, Tú Anh sực nhớ lại Ngọc Tỷ đã bảy tuổi rồi, chẳng bao năm nữa cũng sẽ phải lấy chồng, phải sớm chuẩn bị của hồi môn, những thứ như tơ lụa để lâu sẽ sinh mốc, nhưng đồ gỗ tốt ráp xong phải phơi thật khô mới dùng được, mà gỗ tốt phải trữ nhân lúc còn sớm, mấy tháng nay, nàng chỉ sai Trình Phúc ra ngoài thăm dò chuyện này. Còn về vàng bạc để rèn trang sức thì trong nhà không thiếu, đến lúc ấy chỉ cần vào thành tìm thợ lành nghề là được.

Vì gia đình Kỷ chủ bộ rất tốt với nhà mình, cũng vì nể mặt Nga Tỷ mà Tú Anh đem vàng đi đánh một bộ xuyến nguyên chất vàng ròng cho con bé, thợ cả có tiếng trong thành Giang Châu, rồng phụng tạc trên xuyến tinh xảo đến mức như muốn bay lên.

Nhà chồng Nga Tỷ là một gia đình giàu có họ Lý trong thành, Lý gia nay có một đứa con trai mười bảy tuổi theo nghiệp học, Kỷ chủ bộ thấy thằng bé mới tý tuổi đầu đã học hành giỏi giang, bèn chọn nó làm con rể. Hai nhà coi ngày, chỉ đợi đến mùa thu năm sau là cưới.

Ngày đánh xong xuyến, cửa hàng gửi về. Tú Anh biếu người tiền công rồi dắt Ngọc Tỷ đến nhà Kỷ chủ bộ.

•••••

Vì con gái sắp gả đến nơi tốt, mấy ngày nay tâm trạng Hà thị không tồi. Nghe Kỷ chủ bộ bảo con rể học rất giỏi, chẳng hai năm sẽ đỗ tú tài, nếu không có gì ngoài ý muốn thì trước ba mươi chắc chắn sẽ thành cử nhân, còn có thể thi đậu tiến sĩ, Hà thị bèn nghĩ của hồi môn cho Nga Tỷ không thể sơ sài rồi. May mà tộc nhà Kỷ chủ bộ rất hào phóng, nghe bảo chồng tương lai của Nga Tỷ cực có triển vọng, bèn tặng không ít của nả.

Thấy Tú Anh rút một hộp nhung đỏ ra, Hà thị khách sáo bảo: “Chúng ta quen biết bao năm, cô còn xa cách như này là sao? Lúc dạm hỏi cứ tặng đại một món là được.” Tú Anh cười đáp: “Mẹ gì mà ác thế, cứ vậy mà đẩy con gái nhà mình ra ngoài!” rồi để hộp lại. Hà thị nói với Ngọc Tỷ: “Nga Tỷ ở đằng sau đấy, chỗ nó có bản hoa văn mới đồ xong, con đi xem đi, thích cái gì cứ đồ cái ấy.”

Ngọc Tỷ cười đáp: “Vậy con sang chỗ chị ấy đây, mấy ngày này thể nào chị ấy cũng thẹn thùng, không muốn ra ngoài.” Đoạn dắt Tiểu Trà và Đóa Nhi đến thăm Nga Tỷ.

Hà thị nói với Tú Anh: “Cô lại hao phí tâm tư rồi, chị bảo cô này, sao cô không vun vén cho mình? Lần trước nhà cô sửa khế ước, lão nhà này cũng có chân làm chứng, chị để ý nghe thử, sang năm cả nhà cô sẽ phải quy tông rồi nhỉ?”

Tú Anh đáp: “Vâng.”

Hà thị ghé đầu lại, khẽ hỏi Tú Anh: “Vậy cô có chưa đấy? Còn già trẻ một nhà, định thu xếp thế nào? Mấy ngày trước gia đình cô mua nhà, tuy ở chung trên một con đường, nhưng vẫn đã chia thành hai hộ. Ngọc Tỷ theo họ cha đúng không? Hay vẫn giữ họ Trình? Nếu con bé mang họ Trình, chẳng cũng phải kén rể sao? Cô cân nhắc cho cẩn thận.”

Nói đến mức Tú Anh không khỏi băn khoăn, về nhà bàn với cụ Lâm nhân lúc Trình Khiêm đang học: “Không thể chỉ nghĩ mỗi việc sinh con trai, phải cân nhắc tất cả tình huống xấu, càng sớm càng tốt.”

Cụ Lâm than thở: “Đành phải để Ngọc Tỷ lại, nhưng ở lại thì chẳng bằng đi theo cha nó. Sau này mới dễ gả đi.” Tạm thời không ai quyết định được, tính ra thì nhà họ Trình cũng phải lưu lại đời sau, nhưng thương thay Ngọc Tỷ. Lại nghĩ, nếu Tú Anh không sinh được con trai ngay, khế ước sắp đáo hạn, đến lúc ấy con trai cũng phải mang họ Hồng, Trình gia vẫn là nữ hộ, thế thì phải làm sao mới tốt?

Một cây làm chẳng nên non, đằng này có những hai người suy đi tính lại đến nỗi đầu nhức liên miên, mà vẫn không ra được quyết định thỏa đáng. Cụ Lâm quản gia đã mấy chục năm, Tú Anh cũng không phải kiểu vung tay phó mặc, nhưng người tính không bằng trời tính, tỉ như đánh bài, bốc được quân dở, lại không liên kết được với quân nào khác, thì còn làm gì được?

Thời gian là thứ vô tình nhất, hai người Tú Anh chưa nghĩ ra được kế sách vẹn toàn thì năm mới đã cận kề, nhà họ Trình cứ thế qua năm, vào xuân không bao lâu là đến ngày mãn khế của Trình Khiêm. Cụ Lâm hết cách, đành bảo Tú Anh: “Ngâm dài ngâm ngắn, cả đôi bên đều khó chịu, thôi thì cứ cắn răng mà làm. Vốn nên để Ngọc Tỷ theo cháu để còn có chỗ mà dựa vào, nhưng nhà này thực sự không thể thiếu con bé, cứ tạm để nó lại đây. Cháu đi gọi cháu rể đến, đến nha môn lập hộ cho nó trước, cháu cũng phải đi cùng. Chuyện chuyển nhà thì không cần phải vội, ta thu xếp của hồi môn cho cháu, chọn ngày lành, gióng trống khua chiêng mà đi mới tốt!”

Tú Anh gọi Trình Khiêm đến, cụ Lâm vẫn bảo như thế, Trình Khiêm không từ chối nhưng lại hỏi: “Ngọc Tỷ thì sao ạ?”

Cụ Lâm khó xử: “Các cháu còn trẻ, ngày tháng còn dài, Ngọc Tỷ cứ để lại đây bầu bạn với ta. Chờ nó lớn rồi tính sau, được không?”

Trình Khiêm cúi đầu nhìn mũi giày, hồi lâu mới nói: “Tạm thế trước đã, chờ con bé có em trai rồi thì đổi cho cháu.”

Cụ Lâm thót tim, vội hỏi: “Ý cháu là, các cháu có con trai…”

Trình Khiêm nhíu mày, thở dài: “Đã bàn trước với thái công rồi, đâu thể nuốt lời? Với cả Ngọc Tỷ là con gái, phải gả cho người thì mới đúng lẽ thường tình.”

Sau đó mời người thân như Lâm tú tài, láng giềng như Kỷ chủ bộ, ký tên vào khế ước, lý chính đem đến nha môn. Trình Khiêm sửa lại thành Hồng Khiêm, là chủ hộ của gia đình, Tú Anh cũng được sửa lại thành thân quyến nhà Hồng Khiêm, chỉ có Ngọc Tỷ là còn tên trong hộ tịch họ Trình. Hồng Khiêm và Tú Anh chưa vội chuyển nhà, vẫn ở lại nhà họ Trình, chờ ngày lành.

Cụ Lâm nghĩ, phải tưng bừng một chút thì việc “gả” cháu gái ngoại đi mới toàn vẹn được. Nhà cũ họ Dương từng ở, sau khi mua về vẫn chưa sửa sang lại, trước tiên phải chọn ngày lành trùng tu phòng ốc, sau mới chọn ngày dọn đến. Trong mắt mọi người, chuyện này và chuyện cưới gả như nhau, tuy trên sổ vàng đã là người một nhà, nhưng chưa làm lễ bái đường mở tiệc rượu, thì vẫn cảm thấy chưa đầy đủ.

Tuy với luật triều đình thì Hồng Khiêm đã là chủ hộ, dù nhà độc đinh nộp thuế ít hơn gia đình bình thường nhưng đến hạn vẫn phải nộp thuế, trong mắt chòm xóm, chàng vẫn là là người nhà họ Trình.

Tú Anh vô cùng áy náy vì phải bỏ lại con gái, Hồng Khiêm cũng muốn con gái theo họ mình. Thầy Tô muốn an ủi con bé, lại đem một đống triết lý ra giảng giải. Ngọc Tỷ cười nói: “Con có làm sao đâu mà thầy phải lo? Cũng chỉ như trước thôi mà.” Thầy Tô thở dài: “Sao có thể như cũ được! Hôm nay giảng kỹ về lễ, luật cho trò nghe.”

Ngọc Tỷ cúi đầu, mấy năm nay bé đã theo thầy Tô, lúc đầu còn lờ mờ, bây giờ thì đã hiểu được một vài thứ. Nghe thầy Tô thở dài, Ngọc Tỷ nói: “Giống và khác, con biết cả rồi, con hiếu kính lão an nhân và bà ngoại, vẫn tốt hơn là để cha con đi ở rể.”

Tô tiên sinh vuốt đầu con bé, thật lâu không đáp.

Lúc Tiểu Trà chạy đến, thấy thầy trò hai người đứng đối diện nhau, im như tượng, không khỏi ngây ra: “Đây là thế nào?”

Ngọc Tỷ ngoái đầu, thầy Tô cũng thu tay về theo. Ngọc Tỷ hỏi: “Sao em vội vã thế? Toát cả mồ hôi rồi kìa.”

Tiểu Trà vui mừng thưa: “Đại tỷ sắp được làm chị rồi ạ! Em có chạy nhanh hơn cũng đáng!”



Bình luận
Sắp xếp
    Loading...