Những Vụ Án Kỳ Lạ Gặp Phải Khi Tư Vấn Tâm Lý

Chương 11: Một tôi khác


Chương trước Chương tiếp

Trong một lần liên hoan với các đồng nghiệp sau khi hết giờ làm, có một người bỗng nhiên nhắc đến thuyết tương đối tổng quát[1] của phạm trù vật lý lượng tử, Hawking[2], vũ trụ, Wormhole[3], ống thời gian. Mọi người thảo luận rất vui vẻ. Tôi là một người nửa chữ cũng không biết, nên ngồi cạnh nghe một lát, đầu óc vẫn mơ hồ như cũ. Tôi đành phải cắm cụi ăn nhiều, để an ủi cho tâm hồn cô đơn của mình.

[1] Thuyết tương đối tổng quát: là lý thuyết hình học của lực hấp dẫn do nhà vật lý Albert Einstein công bố vào năm 1916 và hiện tại được coi là lý thuyết miêu tả hấp dẫn thành công của vật lý hiện đại.

[1] Hawking: tên đầy đủ là Stephen William Hawking là một nhà vật lý học, vũ trụ học, tác giả sách khoa học thường thức người Anh, hiện là Giám đốc nghiên cứu Trung tâm vũ trụ học lý thuyết thuộc Đại học Cambridge. Trong các công trình khoa học của ông, nổi bật nhất là sự hợp tác với Roger Penrose về lý thuyết kỳ dị hấp dẫn trong khuôn khổ thuyết tương đối tổng quát, và tiên đoán lý thuyết hố đen phát ra bức xạ (tức bức xạ Hawking). Hawking là người đầu tiên khởi đầu một nền vũ trụ học dựa trên sự thống nhất giữa thuyết tương đối tổng quát và cơ học lượng tử. Ông là người ủng hộ mạnh mẽ cách diễn giải đa vũ trụ về cơ học lượng tử.

[3] Wormhole: hay còn gọi là lỗ sâu, lỗ giun, hố đen. Là một không -thời gian được giả định là có cấu trúc tô pô đặc biệt tạo nên đường đi tắt trong không thời gian. Chúng nối thông từ một vùng không -thời gian này đến vùng kia và, đôi khi, vật chất đi từ vùng này sang vùng kia bằng cách chui qua hố này.

Từ khi làm việc trong trung tâm tư vấn tâm lý, tôi đã cảm nhận sâu sắc như thế nào là “trẻ không cố gắng, già đi ăn xin”. Một số đồng nghiệp xung quanh tôi đúng là toàn tốt nghiệp đại học hạng nhất, hạng hai, còn có một số thạc sĩ và tiến sĩ. Điều này khiến cho một kẻ xuất thân từ một trường đại học hạng ba như tôi cảm thấy vô cùng tự ti. Nhưng không phải hoàn toàn do bằng cấp thấp mà cảm thấy tự ti, mà là trước mặt họ, những kiến thức văn hóa trong đầu tôi quả thực không đủ dùng. Mỗi khi họ nói hay bàn luận về vấn đề chuyên môn, căn bản tôi chỉ có thể ngồi nghe, không thể chen miệng vào. Sau đó tôi sẽ cảm thấy rất mất mát, rất cô đơn, tiếp theo sẽ nảy sinh phiền muộn “tôi sống sao mà đần độn quá”. Nhưng họ nói những điều tôi nghe có thể không hiểu, nhưng thỉnh thoảng cũng sẽ lôi kéo hứng thú của tôi.

Nhà tư vấn Uông Học Hoa trên bàn ăn có nhắc đến một chuyện thú vị.

“Mọi người có nghe nhắc tới ‘thuyết thế giới song song’ hay chưa?” Anh ta hỏi.

Cụm từ “thế giới song song” này tôi thật ra thường hay thấy trong tiểu thuyết. Trong tiểu thuyết có rất nhiều thể loại “thế giới song song” có bối cảnh lịch sử trong một không gian khác như vậy. Nhưng đối với ý nghĩa của cụm từ này, tôi cũng không rõ lắm. Theo ý tôi thì, “thế giới song song” chẳng khác nào “thế giới giả tưởng trong một không gian khác”. Nhưng Uông Học Hoa nói, thuyết thế giới song song là một lý luận trong vật lý học chưa được chứng minh. Căn cứ vào lý luận này, ngoài vũ trụ mà con người chúng ta đang sống, thì còn có vô số vũ trụ như vậy. Bởi vậy mới xuất hiện một suy đoán, Trong một vũ trụ khác cũng có một hệ ngân hà, một thái dương hệ, một trái đất, một Trung Quốc và “một tôi khác”.

Một người từ khi sinh ra đến khi chết đi, mỗi giây mỗi phút đều phải đối mặt với vô số lựa chọn. Mỗi một lựa chọn dù rất nhỏ cũng sẽ mang đến cho con người ta vô số những lựa chọn mới. Cứ nối tiếp nhau như vậy, cuối cùng sẽ đưa con người ta đến điểm cuối cùng. Nó giống như là một trò chơi, quyền lựa chọn nằm trên tay của người chơi. Tuy nhiên, người xây dựng trò chơi sẽ viết các lựa chọn và vô số kết quả mà nó có thể mang đến. Như vậy, từ khi một ngườ được sinh ra bắt đầu, trên người của người đó sẽ rộng mở ra vô số những con đường về những hướng khác nhau. Nếu như chúng ta đem tất cả những con đường nối lại thì điều gì sẽ xảy ra? Sẽ xuất hiện vô số “tôi” cùng với vô số cuộc sống khác nhau trên những con đường khác nhau sau những lựa chọn khác nhau của vố số “tôi” đó. Nếu như đem hết thảy những suy nghĩ từ một “người” nhân rộng ra cả một “thế giới”. Bắt đầu từ lúc “thế giới” sinh ra, sau khi đối mặt với những lựa chọn khác nhau, sẽ sản sinh ra những thế giới cùng nguồn gốc nhưng khác nhau. Trên trục thời gian, giữa “thế giới” và “thế giới” sẽ có quan hệ phát triển song song. Vậy nên sản sinh ra thuyết “thế giới song song”.

Chúng ta đều biết, con người là sinh vật đang sống trong thế giới ba chiều. Nhưng ngoại trừ khái niệm ba chiều của vật lý học ra, song song đó con người cũng tồn tại trên trục thời gian. Chỉ là “thời gian” đối với chúng ta mà nói, là không thể nghịch chuyển, không thể dừng lại, duy trì một tần suất nhất định chảy về phía trước. Giả sử chúng ta nhảy ra khỏi khái niệm thời gian và không gian này để xem xét tất cả mọi thứ. Vậy bạn sẽ thấy trên trục thời gian có vô số “thế giới”, “vô số tôi” cùng tồn tại “song song”. Và “vô số thế giới” cùng “vô số tôi” sắp xếp trình tự trên trục thời gian. Vậy thì sự sống khổng lồ cỡ nào đây?

Lúc còn cắp sách đến trường, toán học và vật lý tôi đều học rất tệ, kiểm tra có số điểm thấp kỷ lục là ba điểm. Hay nói cách khác, chính là dùng hên xui may rủi để lựa chọn bừa đáp án. Vậy nên khi Uông Học Hoa diễn giải những khái niệm phức tạp này, tôi nghe mà ong hết cả đầu. Tự cảm thấy dung lượng não hữu hạn, tỷ lệ CPU đã được sử dụng đến 90%, cũng sắp đứng máy rồi. Nhưng qua những lời anh ta nói, tôi cũng liên tưởng đến “luật nhân quả”, “một đời cát bụi”, cùng với “không giới hạn” mà trong kinh Phật thường nhắc đến. (Phật học huyền bí sâu xa, bao dung rất nhiều những điều khoa học đã được chứng minh và những cả những điều chưa được chứng minh.)

Uông Học Hoa nói, năm 2005 khi anh ta học nghiên cứu sinh ở Bắc Kinh, một vị giáo sư họ Trâu trong trường của họ đã từng kể với anh ta về một trường hợp rối loạn đa nhân cách.

Chuyện này xảy ra vào giữa thập niên chín mươi. Lúc đó một thiếu niên 14 tuổi đang học trung học cơ sở ở huyện nào đó ở Tứ Xuyên, đã dùng dao chém chết mẹ và chị gái của cậu ta. Khi cha của cậu ta về nhà thì đã thấy cậu ta tay cầm dao, gương mặt hung dữ đứng trên vũng máu. Nhưng sau đó, cậu ta đối với những chuyện đó lại hoàn toàn không biết gì cả, cậu ta cũng không thừa nhận mình đã giết mẹ và chị gái. Sau đó, cậu bé đó vào trại giáo dưỡng dành cho thanh thiếu niên. Trong trại giáo dưỡng, cậu ta lần thứ hai phát điên và đã giết chết một nhân viên quản giáo cùng bốn chàng trai cô gái cũng được cải tạo khác. Tương tự như thế, sau đó cậu ta vẫn phủ nhận mình là kẻ giết người, cũng bày tỏ rằng cậu ta căn bản không hiểu làm thế nào mọi chuyện lại xảy ra.

Bởi vì trước khi có tiền án tiền sự trong hồ sơ có nhận xét cậu ta khá tốt đẹp, sau khi giết mẹ và chị gái phải vào trại giáo dưỡng thì biểu hiện của cậu ta cũng rất tốt. Nên hiển nhiên cậu ta bị nghi ngờ có bệnh tâm thần nên được đưa đến bệnh viện tâm thần. Sau đó bác sĩ phát hiện cậu ta mắc chứng rối loạn đa nhân cách.

“Họ phát hiện trên người cậu ta có ba nhân cách. Người thứ nhất hay chính là bản thân của cậu thiếu niên này, cậu ta là nhân cách chính của cơ thể đó, tính cách tương đối nghịch ngợm, thế nhưng con người rất đơn thuần, cũng tương đối lương thiện. Cậu ta hoàn toàn không biết trong thân thể mình còn tồn tại những nhân cách khác. Một nhân cách khác tàn bạo, hung ác tàn nhẫn, đặc biệt u ám, chính là kẻ sát nhân. Ngoại trừ hai người đó, còn có một nhân cách khác. Nhân cách này khá ôn hòa, thiện lương, nhưng lá gan tương đối bé. Cậu ta biết sự tồn tại của nhân cách chủ thể và nhân cách thứ hai. Đồng thời cậu ta cũng nỗ lực ngăn cản nhân cách thứ hai. Nhưng vì bản thân cậu ta tương đối nhu nhược, cho nên hoàn toàn không phải là đối thủ của nhân cách thứ hai.”

Giáo sư Trâu trong trường đại học của Uông Học Hoa và hai chuyên gia khác, lúc đó cùng được phái đến bệnh viện tâm thần đó để nghiên cứu thiếu niên đa nhân cách kia. Trước đó, mặc dù giáo sư Trâu đã xem không ít sách vở về phương diện này, nhưng cũng chưa bao giờ thật sự gặp người đa nhân cách. Vì vậy, khi tiếp xúc với người bệnh này, đồng thời sau khi nói chuyện với những nhân cách khác của cậu ta, giáo sư vô cùng kinh ngạc.

Giáo sư Trâu nói, trước kia thầy đã xem qua một số trường hợp rối loạn đa nhân cách, song những nhân cách cùng tồn tại trong một cơ thể thường có tên họ, giới tính, tuổi tác không giống nhau. Nhưng ba nhân cách trên người của người bệnh này đều nói mình là “Trương Hiểu Phi”. Nhân cách chủ Trương Hiểu Phi là một chàng trai rất bình thường ở một huyện Tứ Xuyên. Cha mẹ cậu có hai người con, chị gái Trương Á Bình 17 tuổi, Trương Hiểu Phi là đứa con thứ hai, cũng là con út. Người ta đều nói, hoàng đế yêu con đầu, dân chúng yêu con út. Cha mẹ của Trương Hiểu Phi đối với cậu con trai này yêu chỉ có tăng lên, chị gái của cậu cũng luôn chăm sóc và nhường nhịn cậu trăm bề. Trương Hiểu Phi từ nhỏ đã được cưng chiều, nhưng cũng xem như là một cậu nhóc tốt bụng biết nghe lời. Ngoại trừ đôi lúc nghịch ngợm, thỉnh thoảng có đánh nhau với bạn học ở trường ra, thì không có thói xấu nào khác.

“Đa nhân cách” là một trạng thái khi người ta đã bị một đả kích lớn dẫn đến nhân cách bị chia nhỏ ra. Hầu hết mọi người bình thường trong cuộc sống, bạn có thể thường xuyên cảm giác được “trong đầu có vài người đang đánh nhau”. Một người nói bạn nên làm như vậy, nhưng một người khác lại nói bạn phải làm thế kia, còn có một người ở giữa khuyên can bạn. Khi một người đang suy xét, đánh giá một lựa chọn khó khăn, thì cảm giác này rất rõ ràng. Vì vậy, nếu tinh thần con người bị bao vây giữa “trạng thái xung đột” này trong một thời gian dài, hay nói cách khác, những con người bé nhỏ trong đầu này đánh nhau quá hăng, kéo dài và không thể hòa giải, thì có khả năng dẫn đến tâm thần phân liệt, nhân cách tan rã, cuối cùng hình thành rối loạn đa nhân cách.

Thông qua việc thu thập tư liệu của bệnh nhân, giáo sư Trâu cho biết. Tuổi thơ của Trương Hiểu Phi tương đối suông sẻ, không phát sinh chuyện gì khiến cậu ta bị “vây hãm trong trạng thái tinh thần xung đột kéo dài” cả. Mà cậu ta cũng không bị chấn thương não, trên cơ bản là loại trừ khả năng chấn thương não gây ra vấn đề. Nhưng cha của Trương Hiểu Phi nói, ông ngoại đã mất của Trương Hiểu Phi có bệnh tâm thần, cho nên cái này có thể là nguyên nhân dẫn đến Trương Hiểu Phi tâm thần phân liệt, mất nhân cách, hình thành đa nhân cách.

Trong trạng thái bình thường, làm chủ thân thể của Trương Hiểu Phi chính là nhân cách chính của cậu ta. Nhưng khi giáo sư Trâu đến bệnh viện tâm thần, bắt đầu nghiên cứu bệnh trạng đa nhân cách của Trương Hiểu Phi thì nhân cách thứ hai của cậu ta lại đột nhiên xuất hiện.

Lúc đó, giáo sư Trâu và một vị giáo sư khác họ Vương đang ở trong phòng bệnh, giao lưu với nhân cách chủ của Trương Hiểu Phi. Bệnh viện tâm thần ở thập niên chín mươi điều kiện cũng không tốt lắm, không có các loại quần áo trói buộc gì đó. Trương Hiểu Phi đáng thương vì “có tính nguy hiểm cao” nên bị dây trói buộc chặt trên giường bệnh. Cậu rất thống khổ, đối với cảnh ngộ bản thân gặp phải cực kỳ không giải thích được. Cậu vẫn năn nỉ “chú Bác sĩ” thả cậu ra. Cậu tỏ ý bản thân sai rồi, sau đó hứa sẽ nghe lời. Đúng lúc này, thân thể cậu bỗng nhiên co giật, thoạt nhìn có phần giống tình trạng phát tác chứng động kinh. Tình trạng giằng co này kéo dài mấy phút, thì “Trương Hiểu Phi” thứ hai xuất hiện.

“Các ông không phải bác sĩ ở đây, các ông là học giả đến nghiên cứu tôi phải không?”

“Nhưng tôi sẽ không nói gì với các ông, trừ phi các ông có thể cởi hết những dây đai trên người tôi ra.”

Giáo sư Trâu nói: “Chúng tôi khẳng định không thể làm như vậy, điểm này hẳn là cậu đã biết rõ.”

Trương Hiểu Phi cười nói, “Đúng vậy, bởi vì tôi đã giết những người đó, cho nên các ông sợ tôi. Sợ cởi trói cho tôi, tôi sẽ giết chết các ông.”

Giáo sư Trâu lại nói: “Chúng tôi không sợ cậu. Ở chỗ này, cậu không tìm được cái gì có thể làm công cụ hành hung.”

“Vậy vì sao không cởi trói cho tôi?”

“Bởi vì chúng tôi không có quyền cởi trói cho cậu.”

Sau một phen dụ dỗ không thành, Trương Hiểu Phi hiểu rõ, bất kể cậu ta nói thế nào, đai buộc trên người cũng không thể tháo ra. Vì vậy, cậu ta rất bất đắc dĩ nói với giáo sư Trâu:

“Được rồi, bây giờ các ông có thể đặt câu hỏi. Tôi sẽ chọn vấn đề tôi thích, trả lời cho các ông hay.”

Giáo sư Trâu hỏi: “Cậu là ai?”

Cậu ta trả lời: “Tôi là Trương Hiểu Phi. Vấn đề này quá buồn chán. Nếu như các ông cứ tiếp tục đưa ra những câu hỏi buồn chán như vậy, tôi e rằng không muốn tiếp tục trả lời.”

Giáo sư Trâu hỏi: “Vậy cậu có thể cho tôi biết, trong thân thể này có bao nhiêu ‘Trương Hiểu Phi’?”

Trương Hiểu Phi bật cười ha hả, đồng thời theo tiếng cười không ngừng lắc đầu.

“Rất nhiều, nhiều đến mức các ông không thể tưởng tượng nổi.”

Giáo sư Trâu lại hỏi: “Cậu có thể cho tôi biết, ‘các cậu’ là từ đâu đến? Hoặc là nói, là xuất hiện như thế nào?”

Trương Hiểu Phi vẫn cười to như trước, dường như cho rằng đề cập đến vấn đề này thật sự quá mức ngu dốt.

Câu ta hỏi giáo sư Trâu: “Ông tên là gì?”

Giáo sư Trâu trả lời: “Tôi tên là Trâu Hồng Phi.”

Cậu ta cười lớn: “Trâu Hồng Phi, ông có biết thế giới này, thế giới khác, thời gian này, thời gian khác, tổng cộng có bao nhiêu Trâu Hồng Phi hay không? Số lượng này, ông sẽ không ngờ đến đâu. Được rồi, tôi nghĩ tôi còn có thể nhẫn nại trả lời ông ba vấn đề. Trước khi ông đưa ra câu hỏi nên suy nghĩ kỹ, cái nào quan trọng còn cái nào không quan trọng.”

Giáo sư Trâu hỏi: “Sao cậu muốn giết mẹ và chị gái của Trương Hiểu Phi, cùng với những người trong trại giáo dưỡng?”

Cậu ta cười nói: “Thế này nhé Trâu Hồng Phi, sao ông lại muốn tới nơi này chỉ để hỏi tôi vấn đề đó? Đây chỉ là một lựa chọn của con người mà thôi. Nếu như tôi tồn tại, vậy thì tôi có thể lựa chọn giết chết bọn họ, sau đó thay đổi quỹ đạo sống của tôi.”

Trâu giáo sư hỏi: “Quỹ đạo là gì? Vì sao phải thay đổi nó?”

Cậu ta nói: “Đây là hai vấn đề cuối cùng.”

“Quỹ đạo, là quỹ đạo đời người. Nó có rất nhiều lựa chọn, mỗi một lựa chọn của ông ở thế giới này vào giờ khắc này đều sẽ ảnh hưởng đến thế giới này, thế giới khác. Cái này giống như đường ray xe lửa, nó mà lệch một cái, thì một cái đường ray khác cũng phải dịch chuyển sang một bên theo cái kia, nếu không nó sẽ đụng vào nhau. Nếu như ông muốn quỹ đạo bên cạnh đến vị trí mà ông muốn đến, nhất định phải gạt bỏ những thứ cản trở quỹ đạo của nó.”

Từ đó về sau, bất luận giáo sư Trâu dụ dỗ và đặt câu hỏi ra sao, nhân cách “Trương Hiểu Phi” thứ hai vẫn không chịu nói thêm nửa chữ.

Trong quá trình nghiên cứu của nhóm người giáo sư Trâu ở đây, nhân cách thứ ba của Trương Hiểu Phi có xuất hiện một lần trong thời gian ngắn sau một lần điều trị bằng cách sốc điện.

Cậu ta nói, cậu ta cũng là Trương Hiểu Phi. Cậu ta còn nói: “Các chú phải xem như là ngay cả Trương Hiểu Phi kia cũng có thể là hắn ta! Nhất định không được để hắn ta thực hiện được!” Sau một trận co giật qua đi, nhân cách chủ của Trương Hiểu Phi lại một lần nữa nắm giữ cơ thể của cậu ta. Đồng thời sau đó, nhân cách thứ hai và thứ ba của Trương Hiểu Phi cũng không xuất hiện lại nữa.

Sau khi nhóm người giáo sư Trâu kết thúc đợt nghiên cứu với Trương Hiểu Phi và trở về cương vị công tác bình thường, họ nhận được điện thoại từ bệnh viện đó. Điện thoại gọi đến nói là, sau khi nhóm người của giáo sư Trâu rời đi không bao lâu, trong thân thể Trương Hiểu Phi xuất hiện nhân cách thứ tư. Nhân cách thứ tư này tự nói là sẽ ngăn nhân cách thứ hai. Nhưng vào một đêm không lâu sau khi nhân cách thứ tư xuất hiện, Trương Hiểu Phi đã dùng răng cắn đứt một dây đai trói buộc, hơn nữa còn dùng dây đó quấn cổ của chính mình, dẫn đến ngạt thở đến chết.

“Sau này giáo sư Trâu có nói với tôi, lúc nhân cách thứ hai của Trương Hiểu Phi xuất hiện cùng với những lời cậu ta nói, làm thầy tự hỏi rất lâu. Khi đó, thầy còn chưa biết đến lý luận không gian song song, nhưng cũng sản sinh những liên tưởng về phương diện này. Có thể, ngoài thế giới chúng ta đang sống còn có rất nhiều thế giới khác đang song song hoặc không song song mà không thể đếm xuể. Và ở trong những thế giới kia, biết đâu cũng có nhiều ‘tôi’. Mỗi một lựa chọn của ‘tôi’ trong thế giới này, đều có thể tác động đến quỹ đạo tương lai của ‘tôi’ ở thế giới khác.”

Thế là tôi hỏi Uông Học Hoa: “Một vị giáo sư đại học sao lại nghe những lời của bệnh nhân tâm thần nói rồi suy nghĩ nhiều như vậy, khiến cho chính bản thân ông cũng mơ hồ, khó nắm bắt sao? Loại chuyện huyền diệu khó tin này nghe qua căn bản là không khoa học mà.”

Uông Học Hoa hỏi ngược lại tôi: “Thế nào là khoa học? Vũ trụ được hình thành sau một vụ nổ Big Bang, sau đó trái đất trở thành nơi thích hợp cho con người sinh sống. Những cái này khoa học nói cho bạn biết, nhưng khoa học có cho bạn hay khi vụ nổ Big Bang xảy ra, một hệ thống vũ trụ được hình thành, trên trái đất xuất hiện nguyên tố carbon, trái đất va chạm sao chổi làm thay đổi khí hậu thế nào không… Mãi đến khi loài người xuất hiện. Mỗi một bước trong quá trình hình thành này, khả năng nó xảy ra được tính trên một phần tỷ? Cái này giống như một người mỗi ngày trong cuộc đời đều đứng giữa vô vàn lựa chọn. Bạn có thể giải thích vì sao à? Sự tồn tại của loài người, bản thân nó đã là một chuyện kỳ diệu. Một số nhà khoa học tìm kiếm khám phá những bí ẩn của vũ trụ này thì muốn đi theo tôn giáo, hoặc là phát điên. Vì sao đây? Bởi vì càng thăm dò tìm kiếm càng cảm thấy mọi thứ quá sức huyền diệu. Khoa học chỉ có thể tìm ra ‘nó hóa ra được hình thành như vậy’, nhưng không thể giải thích ‘vì sao nó lại có thể hình thành như vậy’. Khi bạn đi tìm kiếm tất cả, truy tìm đến tận ngọn nguồn, nhưng cuối cùng lại không tìm ra đáp án, lúc đó chỉ có thể nhìn trời và cảm ơn thượng đế đã sáng tạo ra tất cả.”

Tôi nhìn Uông Học Hoa trân trân, bỗng nhiên nghĩ rằng, nếu như con người muốn sống một đời vui vẻ lạc quan, an bình thì “phỏng chừng nên khôn ngoan giả ngốc” có lẽ mới là lựa chọn tốt nhất.

Vừa nghe Uông Học Hoa giảng giải lại câu chuyện cũ này xong, tôi cũng không khỏi có một nghi vấn. Giả sử, ngoài thế giới chúng ta đang sống đây còn có rất nhiều thế giới song song khác sắp xếp thành hàng trên trục thời gian, vậy thì cái người “Trương Hiểu Phi” kia dùng phương pháp nào để vượt qua không gian thời gian để đến đây?

Đương nhiên, thắc mắc này rất khó tìm ra đáp án. Cho nên, tôi vẫn tạm thời tin tưởng vào khoa học à!


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...