Những Tháng Năm Hổ Phách

Chương 30


Chương trước Chương tiếp

Thời gian chảy trôi, thoắt cái đã gần đến Tết, thiệp mừng phấp phới ngợp trời.

Tần Chiêu Chiêu lại mang tấm thiệp mừng năm mới muốn gửi Kiều Mục từ năm ngoái ra. Cách biệt năm ròng, cẩn thận cất giữ, thiệp vẫn vẹn nguyên một sắc tinh như mới. Cô muốn gửi tấm thiệp này tới Thượng Hải cho Kiều Mục nên phải tỉ mẩn xóa sạch tên viết trên thiệp, tránh để cậu thấy lạ sao cô có được địa chỉ của mình.

Chiều Chủ nhật trước khi quay lại trường, cô ghé qua bưu điện, đăng ký gửi thư bảo đảm, như vậy không phải thấp thỏm lo tấm thiệp không thể đến tay người nhận. Hẳn là cậu sẽ ngỡ ngàng lắm khi thấy tấm thiệp phương xa lại không hề ký tên, hẳn rồi cậu sẽ đoán, nhưng đoán trăm người cậu cũng chẳng thể đoán ra cô đâu!

Nghĩ tới đây, Tần Chiêu Chiêu thấy ấm áp, an toàn nhưng không giấu nổi cảm giác mất mát, luyến tiếc. Trước sau cậu vẫn không hay biết cô đã thầm thích cậu, tâm ý của cô mãi chỉ như đóa hoa lan nở trong đáy lòng, người xa vĩnh viễn không thấy hương thơm.

Vừa về tới trường đã thấy Vu Thiến thò đầu ra từ một quán nhỏ ven đường, Vu Thiến đang mua thiệp mừng năm mới, nhờ cô chọn cùng; tiện thể cô cũng mua thêm chục tấm thiệp tặng mọi người.

Hai người mang theo xấp thiệp về lớp, lại gặp Lâm Sâm đang chạy như ma đuổi ra ngoài, thiếu chút nữa nhào luôn vào lòng Tần Chiêu Chiêu. Cô may mắn tránh được nhưng vật trên tay lại không có cái phước đó, xấp thiệp rớt vung vãi trên mặt đất. Đã vậy một tấm còn bị Lâm Sâm đạp phải, in lại một dấu giày đen sì.

Tần Chiêu Chiêu chưa kịp phản ứng, Vu Thiến đã bù lu bù loa: “Mộc Mộc, cậu làm cái trò gì thế? Bẩn hết thiệp Tần Chiêu Chiêu vừa mua rồi. In nguyên cái dấu chân to đùng thế kia còn mang tặng ai được nữa?”

Lâm Sâm cợt nhả. “Thật không phải, chẳng qua chuyện “cấp bách” quá thôi. Không thì tấm thiệp hỏng của Tần Chiêu Chiêu cứ để tặng mình đi, mình không ngại đâu.”

Vu Thiến không nhịn được cười. “Cậu mặt dày quá đấy, người ta chả định tặng cậu, tự dưng bị cậu làm hỏng một cái, giờ còn đòi phần nữa hả?”

“Cái này cũng không đáng bao nhiêu.”

Tần Chiêu Chiêu cúi người nhặt tấm thiệp rơi trên mặt đất. “Thôi bỏ đi, không sao đâu.”

Đúng là Tần Chiêu Chiêu không định tặng thiệp cho Lâm Sâm, lát nữa thử dùng tẩy xóa sạch vết bẩn xem sao. Có điều, dẫu cô đã cố hết sức, chà đi chà lại không biết bao nhiêu lần nhưng vết bẩn trên tấm thiệp vẫn không chịu đi. Chịu thua rồi, tấm thiệp này giờ chẳng dùng được nữa rồi.

Giờ tự học buổi tối, Tần Chiêu Chiêu nghe được một tin vô cùng tốt đẹp, Diệp Thanh nghe Lăng Minh Mẫn kể năm nay Kiều Mục sẽ về đây ăn Tết.

Biết tin, Tần Chiêu Chiêu vừa mừng vừa lo. Kiều Mục đã trở lại, vậy là cô sẽ có cơ hội được gặp cậu. Niềm vui ban đầu trôi qua, cô mới nhớ ra mình không biết nhà cậu ở đâu. Ngày đó nghe người ở Trường Cơ nói gia đình cậu chuyển tới khu Tân Thành ở phía bắc thành phố, đến lúc vào học trường thực nghiệm cô cũng chỉ biết thêm nhà cậu ở gần chợ cửa bắc khu Tân Thành mà thôi. Chợ cửa bắc rộng mênh mông, bốn phương tám hướng, biết cậu ở đâu?

Cũng may, cô không biết nhưng trong lớp vẫn có người biết. Diệp Thanh đã từng đến nhà Kiều Mục với Lăng Minh Mẫn nên không xa lạ mấy. Lần này Kiều Mục trở về, cô cũng muốn tới nhà cậu chúc Tết. Trong lớp có mấy bạn nữ trước kia học lớp 10.2, nay thấy Diệp Thanh định tới nhà Kiều Mục thì cũng muốn đi thăm người bạn cũ đã xa cách một năm. Tần Chiêu Chiêu cũng nhanh chóng tham gia cùng nhóm.

Giờ tự học buổi tối ngồi viết thiệ, Tần Chiêu Chiêu cũng vô thức chọn tấm thiệp đẹp nhất tặng cho Diệp Thanh. Cô có ý tặng thiệp cho tất cả các bạn lớp 10.2 đang học cùng, có duyên mới được học cùng nhau hai lớp như vậy, cũng không khác “người nhà” bao nhiêu. Có như vậy cô mới thấy việc mình đến nhà Kiều Mục chúc Tết là một chuyện đường đường chính chính, đơn giản chỉ vì nhớ tới tình nghĩa bạn học cũ mà thôi. Thuận nước dong thuyền, chiếc thiệp bẩn vốn định bỏ đi giờ được sửa sang tặng cho Lâm Sâm.

Lâm Sâm nhận được thiệp, quả nhiên hôm sau cũng đáp lễ rất đàng hoàng. Tấm thiệp ướp hương thơm nức rất đặc biệt: mở ra sẽ thấy hình ảnh lập thể cùng tiếng nhạc du dương. Suốt thời trung học, đây chính là tấm thiệp đẹp nhất mà cô được nhận. Hình đẹp, hương thơm, chỉ tiếc chữ Lâm Sâm không được đẹp như thế, tấm thiệp không thể hoàn hảo.

Từ khi biết tin Kiều Mục sẽ về quê nghỉ đông, Tần Chiêu Chiêu bắt đầu sốt sắng chờ mong Tết đến giống ngày còn nhỏ, chỉ là lý do giờ đã khác. Trước kia cô trông ngóng Tết chỉ vì dịp ấy mới được mặc quần áo mới, được ăn ngon. Đối với một đứa trẻ lớn lên cùng những tháng năm nghèo đói của đất nước, Tết là quãng thời gian hạnh phúc, sung sướng nhất trong năm; bình thường thiếu ăn thiếu mặc, chỉ đến Tết mới được sung túc, đủ đầy, được ăn no, mặc đẹp. Ngày ấy, vừa sang tháng Chạp là nhà nhà rục rịch chuẩn bị, các mẹ các thím khéo tay bắt đầu cắt vải may đồ, nhào bột làm bánh; nơi nơi rạo rực không khí đón chào năm mới. Trẻ con cũng hân hoan, háo hức mỗi dịp xuân về.

Tháng ngày trôi đi. Sau thập niên 90, cuộc sống của người dân được cải thiện rõ rệt nhưng phân hóa giàu nghèo cũng dần mạnh mẽ hơn. Cuộc sống tốt đẹp, người dân đủ ăn đủ mặc không cần phải quần quật cả năm chờ tới ngày Tết mới dám cho phép bản thân tự xa xỉ một chút. Giờ đây chuyện được ăn món ngon, mặc đồ đẹp đã không còn quá xa vời, có thể thỏa mãn bất cứ lúc nào. Cuộc sống như vậy có cái hay, cũng có cái dở. Lúc nào cũng có thể thỏa mãn mong muốn thì sẽ không còn mong muốn thêm nữa, không mong cầu thì đâu cần chờ đợi. Cuộc sống thiếu đi những đợi chờ cháy bỏng, làm sao người ta có thể có được niềm hạnh phúc ngất ngây khi ước nguyện trọn vẹn, khi ngóng trông được bù đắp? Khi con người bắt đầu quen với việc tận hưởng đời sống vật chất phong phú, họ cũng dần quên đi những niềm vui bé nhỏ, giản đơn và mộc mạc.

Năm này trôi đi nhạt nhòa như năm trước, năm trước nữa. Đến giờ, Trường Cơ đã không còn những bà mẹ bận bịu chuẩn bị may áo mới cho con làm đồ ăn vặt ngày Tết nữa rồi. Quần áo có thể đi mua đồ may sẵn, các mẹ các dì sẽ không phải đạp máy khâu nữa, giả như có muốn làm thì người thân cũng sẽ ngại kiểu dáng quê mùa, không dám mặc. Trẻ con bây giờ cũng không thèm các loại bánh bỏng gạo, bánh bột chiên vừng vì chúng không ngon, không đẹp bằng bim bim, bánh gạo ngày nay. Từng là đồ ăn ưa thích của vô số trẻ con tỉnh lẻ, tới giờ bánh bỏng gạo, bánh bột chiên vừng đã dần biến mất khỏi thời đại mới, biến mất trong quên lãng của những con người hiện đại.

Có một năm, Tần Chiêu Chiêu đột nhiên nhớ lại những ký ức tươi đẹp thuở ấu thơ, ngày ấy cô chỉ hận tại sao không phải ngày nào cũng là Tết để được ăn bánh bột chiên vừng, vậy là quấn theo mẹ đòi làm bánh ăn thử. Có điều, chẳng rõ tại sao giờ đây cô không còn cảm nhận được hương vị ngon lành như năm xưa. Cô từng nghĩ, có phải vì mình đã lớn nên không còn thèm ăn như trước kia?

Dần dần, chuyện ăn Tết cũng không còn là điều Tần Chiêu Chiêu sốt ruột mong đợi, ngóng chờ. Ngoại trừ tiền mừng tuổi, Tết không còn gì có thể khuấy động cảm xúc và niềm chờ mong của cô nữa.

Tuy thế, Tết vẫn là dịp vô cùng trọng đại với gia đình bác Chu, bác Lý hàng xóm. Con cái nhà bác Chu, bác Lý quanh năm ở xa, chỉ đến Tết âm lịch mới có dịp về thăm nhà. Cả năm cha mẹ già thui thủi một mình, chỉ đến ngày này cả nhà mới được đầm ấm quây quần, con cái tụ họp, sao có thể không coi trọng?

Ba anh em chị Tiểu Đan đều xuống phía Nam xin việc, ở nhà, bác Chu gái vẫn thường thở than, lo lắng khôn nguôi chuyện con cái ở xa đi lại, ăn uống. Mẹ cô thường an ủi: “Thằng Phong, thằng Cương với Tiểu Đan nhà chị đều chín chắn, vững vàng, sẽ tự biết chăm sóc bản thân thôi. Hơn nữa, giờ Tiểu Phong còn được lên chức quản đốc, lương tháng hai ngàn rưỡi, gấp bao nhiêu lần thời còn vất vả ở Trường Cơ chúng ta. Nhà máy không còn, kỳ thực cũng mở ra không ít lối đi tốt cho đám trẻ.”

“Nói thì nói vậy thôi, chứ cô tính mấy đứa nhỏ xa làng xa nước một mình tha hương kiếm ăn thế kia, bố mẹ nào an tâm cho được? Aiz! Nếu cứ ở Trường Cơ mà vẫn có thể kiếm ra hai ngàn rưỡi thì tốt biết bao. Như giờ, dẫu ra ngoài làm ăn kiếm được không ít tiền nhưng cả nhà mỗi người một phương. Lắm khi tôi cũng ngồi nghĩ cứ như trước kia còn hơ. Ngày Mao Chủ tịch còn, nhà nước chủ trương giai cấp công nhân làm chủ, thời ấy có nghèo có khổ thật nhưng cả nhà được sum vầy. Đặng Tiểu Bình vừa lên nắm quyền, thực hiện cải cách toàn diện kinh tế Trung Quốc, làm cho xưởng tan đường xưởng, nhà tan đường nhà. Giờ nhà tôi chia tứ xứ, thằng Phong ở tận Trung Sơn, thằng Cương lưu lạc Châu Hải[1], Tiểu Đan xuống Quảng Châu; cả năm mấy anh em mới gặp nhau được một lần, có còn giống cái nhà nữa không? Tất cả cũng tại cải cách với mở cửa!”

[1] Trung Sơn, Châu Hải: các thành phố cấp thị thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

“Hầy! Cái bà Chu này, cải cách cũng có cái tốt của cải cách chứ! Bà xem, giờ đi mua đồ có cần tem phiếu như ngày xưa nữa đâu. Ngày trước muốn sắm được cái ti vi cũng phải khổ sở chạy vạy nhờ cậy khắp nơi, rồi còn phải tự mình vác về nhà, Giờ chỉ cần ra tiệm đưa tiền mặt là có người mang đồ về tận cửa, phục vụ chu đáo. Thế không phải tốt sao?”

Bác Chu gái là người nghiện ti vi, trong khu tập thể này, nhà bác mua ti vi đầu tiên. Lúc đó là năm 1981, không biết nhà bác vất vả nhờ cậy ở đâu mà mua được một chiếc ti vi đen trắng 20 inch, hàng xóm được phen nhốn nháo. Tối hôm sau, bao nhiêu người chen chúc ở nhà bác Chu xem ti vi. Nhà bác cũng nhỏ, không chứa được bao nhiêu người, cuối cùng đành chuyển ti vi ra ngoài bật cho mọi người xem chung như phim chiếu bóng ngoài trời. Ngày ấy Tần Chiêu Chiêu còn chưa ra đời, chẳng qua cô hay bám đuôi chị Tiểu Đan đi chơi nên thường được nghe chị khoe đầy kiêu hãnh: “Ngày ấy có mỗi nhà chị có ti vi, buổi tối bao nhiêu người xách ghế to ghế nhỏ tới nhà chị xem nhờ.”

Những điểm tiến bộ này đương nhiên bác Chu không thể phủ nhận được. “Cái này… Ờ thì nếu chỉ có chỗ tốt này mà không có mấy cái bất lợi kia thì tốt quá rồi!”

Rốt cuộc hai chính sách “Giai cấp công nhân làm chủ” của Mao Trạch Đông và “Cải cách kinh tế toàn diện” của Đặng Tiểu Bình đâu hơn đâu kém? Câu chuyện phiếm của hai người đàn bà tất nhiên không thể rút ra kết luận rõ ràng, chẳng qua rảnh rỗi thì nói mà thôi. Bác Chu gái toàn tâm toàn ý bận bịu chuẩn bị tết nhất, chủ yếu là chuẩn bị đồ ăn. Bọn nhỏ cả năm cả tháng sống xa nhà, mỗi lần về quê ăn Tết giống như kẻ lãng tử thèm khát hương vị quê hương. Đồ thằng Phong thích, món khoái khẩu của thằng Cương, cả những thứ Tiểu Đan thích nữa… bác đều gắng mua đủ. Bác chỉ mong nhất ngày Tết tám phương mười hướng người người nghỉ ngơi, con cái xa cách đã lâu được đoàn tụ, cùng ăn cho no, cho chán mà thôi.

Tần Chiêu Chiêu ngày ngóng đêm trông tới Tết, kỳ thi cuối kỳ cũng dần đến, bỗng xảy ra một chuyện xôn xao khắp trường. Nhân vật chính là Lăng Minh Mẫn, nguyên nhân là do một nam sinh trường trung học nghề để mắt đến cô.

Học sinh trường trung học nghề vốn không phải học sinh ngoan hiền, tiền đồ tương lai không có gì tươi sáng. Chính họ cũng hiểu chuyện này nên đa số không thiết tha chuyện học hành, những người thật sự chăm chỉ học tập chẳng có bao nhiêu. Trốn học, đánh nhau xảy ra như cơm bữa, nhiều người giống du côn ngoài đường hơn là học sinh trong trường. Không may cho Lăng Minh Mẫn, nam sinh thích cô đúng là một tên du côn. Hai hôm trước, cậu ta tới trường trung học thực nghiệm tìm người, tình cờ gặp Lăng Minh Mẫn, cảm thấy thiếu nữ này thật đẹp. Liền mấy ngày sau, cứ tan học là cậu ta kéo mấy nam sinh khác đứng phục ở cổng trường, vừa thấy Lăng Minh Mẫn là réo gọi ông ổng, còn huýt sáo ầm ĩ, thậm chí mặt dày bám riết bắt chuyện với cô.

Loại con trai vo ve đuổi không đi, đập không chết như ruồi bọ này thật sự rất đáng ghét, Lăng Minh Mẫn cảm thấy họ phiền phức nhưng không cách nào đuổi đi được, buồn bực vô hạn. Nam sinh trong lớp cô thấy cảnh ấy bèn tự tổ chức hội bảo vệ hoa khôi, chiều hôm qua, một nhóm con trai quyết định hộ tống cô về tận nhà. Kết quả, cả nhóm vừa ra khỏi trường được mấy bước đã đụng độ đám nam sinh trường trung học nghề, hai bên khắc khẩu xô xát, cuối cùng xông vào ẩu đả.

Trận ẩu đả quá lớn khiến công an gần đó phải ra mặt. Đám nam sinh kia đã “trải bao máu lửa” nên lão luyện, vừa thấy mặt công an là co cẳng chuồn thẳng; nhóm nam sinh trường trung học thực nghiệm bị công an bắt về đồn điều tra. Vì trận đánh nhau này mà cả nhóm bị nhà trường phạt nặng, Lăng Minh Mẫn bỗng trở thành “hồng nhan họa thủy”, là chủ đề để mọi người bàn ra tán vào.

Tần Chiêu Chiêu nghe hết chuyện, phản ứng đầu tiên là cảm thấy thật may! May mà Kiều Mục không còn ở trường trung học thực nghiệm nữa, nếu không, ngày ngày đi đi về về cùng Lăng Minh Mẫn, nhất định cậu cũng bị lôi kéo vào cuộc ẩu đả này. Cho dù cậu không đánh ai, cũng không thể đảm bảo những nam sinh kia không ngứa mắt khi thấy cậu thân thiết với Lăng Minh Mẫn mà quay sang đánh cậu. May mà cậu không ở đây, may mà cậu đã chuyển đi rồi… Cô cứ lẩm nhẩm mãi như thế, cảm thấy thật may mắn cho cậu.



Bình luận
Sắp xếp
    Loading...