Những Tháng Năm Hổ Phách
Chương 22
Vĩnh Tân là con trai cả của bác Tư ở quê, lớn hơn cô một tuổi, học hành rất khá. Khai giảng năm nay anh ta sẽ vào lớp mười hai, vốn nên dành thời gian rảnh rỗi để ôn luyện học hành thì anh ta lại chạy xuống thành phố kiếm việc làm thêm. Anh ta tính thế vì phải kiếm tiền đóng học phí, trong nhà còn một em trai và một em gái nữa, thu nhập của ba mẹ không đủ cho cả ba đứa đi học. Xuống thành phố, anh ta xin được việc rửa xe ở một tiệm nhỏ, lương tháng hai trăm đồng, được bao ăn ở, ngày làm từ tám giờ sáng tới mười giờ đêm, không có ngày nghỉ.
Vĩnh Tân vào thành phố kiếm việc, bác Tư đặc biệt nhờ người chuyển lời cho Tần mẹ, mong bà có thể chiếu cố tới đứa cháu họ này, dù sao cả nhà cũng chỉ có bà là người thành phố. Tần mẹ đi làm không thể dứt ra được, đành bảo con gái qua xem tình hình anh họ thế nào, sẵn tiện đưa cho anh hai chục đồng. Tuy cả nhà chỉ có mình bà ở thành phố nhưng bà cũng chẳng dư dả bao nhiêu.
Tiệm rửa xe nằm trong một trạm xăng. Lúc Tần Chiêu Chiêu đến, Vĩnh Tân đang cầm vòi nước xả sạch bọt trên một chiếc ô tô. Bãi rửa xe ngoài trời, nắng hè chang chang, nóng nực không chịu nổi nên trên người anh chỉ có độc một cái quần cộc. Da dẻ anh trắng bệch, nứt nẻ, rõ ràng là đã “thân mật” với nước quá lâu.
Tần Chiêu Chiêu đi qua gọi một tiếng “anh họ”, Vĩnh Tân vừa thấy cô liền xấu hổ, nhanh chóng vặn vòi nước, mặc áo vào. Trẻ con nông thôn khi lên thành phố sẽ đặc biệt ngại ngùng, câu nệ, cơ hồ anh ta không bao giờ chủ động trò chuyện, được hỏi câu nào đáp câu ấy, mà lúc nào cũng chỉ có hai chữ.
Hỏi anh ở đây có tốt không? – “Rất tốt”;
Hỏi anh ở đây ăn uống có được không? – “Rất tốt”;
Hỏi anh làm việc có vất vả không? – “Rất tốt”;
Mọi chuyện đều rất tốt.
Thực ra chỗ ngủ của anh ta chỉ là một tấm giường xếp đặt ngay trong tiệm rửa xe, tồi tàn đến không thể tồi tàn hơn, rõ ràng không liên quan gì tới hai chữ “rất tốt”, tuy không biết bữa cơm anh ta được cho ăn gì nhưng chắc chắn có cá thịt, hỏi công việc có nặng nhọc, vất vả hay không, dẫu anh ta không nói nhưng cứ trông làn da bị nước ăn nhợt nhạt là biết.
Bọn họ còn chưa kịp nói mấy câu đã bị ông chủ hét to: “Nói chuyện vừa thôi, nhanh nhẹn lên xem nào!”
Tần Chiêu Chiêu không thể không cáo từ, trước khi đi còn đưa hai mươi đồng cho Vĩnh Tân. Ban đầu anh ta còn đỏ mặt ngượng nghịu không chịu nhận nhưng cô cứ khăng khăng: “Đây là của mẹ em cho anh, đằng nào cũng là người nhà, anh ngại cái gì?”
Ra khỏi trạm xăng, Tần Chiêu Chiêu không nhịn được, quay lại nhìn thử đã thấy Vĩnh Tân cởi áo tiếp tục cầm vòi rửa xe, tấm lưng ngăm đen quay về phía cô. Vầng dương trắng lòa phút chốc bừng lên sáng chói, tựa như rải xuống vô số gai nhọn đâm nhức mắt cô.
Công việc của Vĩnh Tân thực chất không có gì tốt đẹp, vậy mà anh vẫn luôn miệng: “Tốt, rất tốt.” Con nhà nghèo hình như đều sớm trưởng thành, nếu không sao có câu: “Con nhà nghèo sớm đảm đang việc nhà.”
Rời tiệm rửa xe, Tần Chiêu Chiêu chầm chậm đi về nhà, vừa đi vừa để ý các thông báo tuyển dụng dán trên các ô kính của những cửa hàng dọc hai bên đường. Cô nghĩ, thật ra mình cũng có thể kiếm chút đỉnh bù vào học phí để không phải nhất nhất xin tiền ba mẹ.
Đàm Hiểu Yến không tìm việc cùng Tần Chiêu Chiêu, cô nói: “Mình còn cần đi tìm việc làm thêm ở đâu nữa, phụ cho mẹ mình là đủ rồi.”
Nghỉ hè, học sinh không đến trường, quán ma lạt của mẹ cô không thể bày cạnh trường được nữa, chỉ còn nước mỗi tối đẩy xe lên quảng trường trung tâm thành phố bán. Mùa hè, ban đêm có nhiều người đi tản bộ hóng mát nên các quầy hàng bán đồ ăn nhẹ đêm khuya khá đông khách. Mỗi tối mẹ Hiểu Yến bán được rất nhiều ma lạt xuyến[1], vừa bán vừa dùng làm hàng, có hôm đông khách tới gần sáng mới dọn dẹp thu quán. Một mình bán hàng quá bận nên bà kêu luôn con gái ra phụ giúp.
[1] Ma lạt xuyến hay còn gọi “xuyến xuyến hương” là một món ăn cay nóng, gồm có các xiên thịt loại thịt gà, heo, nấm, rau và gia vị thả vào nước dùng có đinh hương, sa nhân, quế. Đây là món ăn rất phổ biến ở Trung Quốc, có thể coi là một dạng khác của lẩu.
Tối tối Đàm Hiểu Yến giúp mẹ bán quán, tới hết đêm mới dọn hàng; thức đêm nên thường nằm ngủ cả buổi sáng hôm sau, đến chiều lại chuẩn bị hàng cho buổi tối: hết nhặt lại rửa rồi thái nhỏ các loại rau cải, rong biển, củ cải, ngó sen, nấm rơm… rồi dùng que nhọn xâu lại thành xiên làm nguyên liện cho ma lạt xuyến. Toàn những việc lặt vặt nhưng rất phiền phức nên hai mẹ con thường mất cả buổi chiều mới xong, tối đến lại dọn hàng. Ngày ngày cứ thế trôi đi.
Nếu được chọn, đương nhiên Đàm Hiểu Yến không muốn ngày ngày làm cái việc nhặt nhặt rửa rửa, băm băm thái thái như vậy. Được cùng Tần Chiêu Chiêu đi kiếm việc làm thêm hẳn rất thú vị, có điều cô không có quyền lựa chọn, mẹ vất vả cả ngày như vậy cũng vì cái nhà này, vì cô, liệu cô có thể khoanh tay đứng nhìn hay sao?
©STENT: http://www.luv-ebook.com
“Chiêu Chiêu, mình cũng rất muốn đi làm thêm cùng cậu, nhưng hết cách rồi, giờ mình chỉ có thể giúp mẹ bán hàng thôi.”
Tần Chiêu Chiêu không có người bầu bạn, đành một mình chạy đông chạy tây kiếm việc. Tuy rất nhiều cửa hàng dán thông báo tuyển dụng nhưng hỏi đâu cũng thấy không muốn tuyển học sinh làm thêm. Cửa hàng nào cũng muốn tìm nhân viên làm việc lâu dài, làm một, hai tháng rồi bỏ lại phải tuyển nhân viên mới, phiền phức vô cùng.
Tần Chiêu Chiêu không cam tâm, trời nắng chang chang vẫn xuôi ngược trên đường, mất nửa ngày rốt cuộc trời không phụ lòng người, có một nhà hàng đồng ý nhận học sinh làm nhân viên. Lương thử việc là hai trăm đồng một tháng, ngày tám tiếng, đổi ca hai lần, mỗi tuần được nghỉ một ngày. Công việc này so ra tốt hơn công việc rửa xe của anh Vĩnh Tân nhiều.
Vị quản lý nhà hàng đã luống tuổi, mập mạp, vui vẻ, ôn tồn. Lúc trao đổi công việc, ông cười chân thành. “Cháu là học sinh chỉ làm một, hai tháng hè. Những chỗ khác thì thử việc cũng không xong nên chỉ có thể trả cho cháu hai trăm đồng thôi, nếu làm nhân viên chính thức, lương căn bản là ba trăm đồng. Cháu có đồng ý không?”
Tần Chiêu Chiêu đã thấy thỏa mãn rồi liền liều mạng gật đầu. “Vâng, được ạ!”
Lúc chuẩn bị thủ tục nhận việc thì nảy sinh một chút phiền phức, theo quy định, nhân viên mới sẽ phải đặt cọc hai trăm đồng để nhận đồng phục của quán, tới khi thôi việc, trả lại đồng phục sẽ được trả lại tiền đặt cọc. Nhưng trên người Tần Chiêu Chiêu chẳng có đồng nào, cũng không muốn về mượn tiền ba mẹ. Cô hơi hoảng hỏi vị quản lý không mang theo tiền có thể dùng thẻ học sinh làm tin hay không? Cô mang thẻ học sinh ra. “Cháu cam đoan lúc nghỉ việc sẽ trả lại quần áo, nếu không bác có thể tới trường tìm cháu.”
Quản lý nhận thẻ học sinh xem một lúc. “Ái chà, học sinh trường trung học thực nghiệm cơ à, xem ra cháu là học sinh ngoan rồi. Được rồi, coi như lần này ngoại lệ, ta giữ thẻ học sinh của cháu làm tin.”
Quản lý bảo người phụ trách nhân viên trong nhà hàng mang đồng phục tới cho Tần Chiêu Chiêu. Đồng phục này trông rất đẹp! Áo quần có phần giống trang phục thời Dân quốc những năm 30, 40 với áo ngắn vạt chéo cài khuy lệch cùng váy dài xếp nếp; váy dài một sắc đen nhánh phối hợp hài hòa với màu sắc, dáng áo vừa trang nhã vừa cổ điển. Kiểu trang phục này trước kia chỉ thấy trong phim, đến giờ một số nhà hàng, quán ăn cũng bắt đầu dùng làm đồng phục cho nhân viên.
Tần Chiêu Chiêu rất thích bộ đồng phục này, sau khi nhận mang về nhà liền mặc thử, đứng trước gương ngắm nghía, tự thấy mình như hóa thành thiếu nữ thời Dân quốc, vô cùng thích thú cảm giác mới mẻ chưa từng có này.
Ngắm trái ngắm phải, cô đột nhiên nhớ ra gì đó, bèn xô tung mái tóc được cột gọn gẽ sau gáy tết thành hai bím buông hai bên. Từ ngày vào cấp ba, cô không còn tết tóc hai bên nữa, tuy cá nhân cô thấy kiểu tóc này hợp với mình nhất nhưng một lần đi học, cô bị mấy nữ sinh ăn mặc thời thượng giễu cợt tóc tai giống thôn nữ nhà quê nên từ đó không tết tóc nữa.
Kiểu trang phục này đặc biệt hợp với tóc hai bên, trong gương hiện lên rõ ràng một thiếu nữ Dân quốc xinh xắn. Soi gương xong, Tần Chiêu Chiêu cũng cảm thấy bộ dạng hôm nay của mình không tồi, không cầm lòng được, lại nghĩ không biết nếu Kiều Mục thấy cô thế này có nhìn say đắm không? Mà không cần nhìn say đắm, chỉ cần liếc mắt qua cũng tốt rồi.
Hôm sau, Tần Chiêu Chiêu chính thức đi làm, cô được phân làm ca tối từ hai giờ chiều tới mười giờ đêm. Chải tóc, thay đồ xong vừa kịp giờ chuyển ca, toàn bột nhân viên hai phần ba là nữ, phần còn lại là nam xếp thành một hàng dài trong phòng ăn chờ chủ quản tới phân công công việc.
Là nhân viên mới, Tần Chiêu Chiêu được chủ quán giới thiệu một lượt với toàn thể nhân viên: “Đây là nhân viên mới, cô bé này là học sinh trường trung học thực nghiệm tới làm thêm hè. Mọi người hãy chiếu cố cô bé một chút nhé!”
Các đồng nghiệp nhiệt liệt vỗ tay, nhân viên nam thậm chí còn huýt sáo vang. Tần Chiêu Chiêu được mọi người hoan nghênh như vậy, cảm thấy trong lòng ấm áp, hai má phơn phớt hồng, không biết nên nói gì mới phải, chỉ biết cúi thật sâu cảm ơn.
Theo lệ, nhân viên mới sẽ bắt đầu thử việc ở phòng trung gian[2], quản lý phòng trung gian là A Tú đưa cô đi một lượt tham quan cả phòng. Phòng trung gian có liên hệ chặt chẽ với nhà bếp, một người mặc trang phục đầu bếp trắng muốt đi qua, liếc mắt thấy Tần Chiêu Chiêu. “Hảo mỹ nhân a!”
[2] Nằm giữa nhà bếp và phòng ăn, là nơi kiểm tra lại lần cuối các món ăn từ bếp trước khi mang lên cho khách đồng thời cũng là nơi tạm thời chứa bát đĩa sau khi dọn bàn.
Nhà hàng chuyên kinh doanh các món ăn Quảng Đông nên đầu bếp đều là người Quảng Đông. Vị đầu bếp dùng tiếng Quảng Đông, Tần Chiêu Chiêu nghe không hiểu, ngơ ngác tròn mắt. A Tú cười cười phiên dịch lại cho cô: “Ông ấy khen em xinh lắm!”
Xinh xắn? Người ta đang nói về cô đó ư? Cô không nghe nhầm đấy chứ? Tần Chiêu Chiêu cơ hồ không tin nổi vào tai mình, xưa giờ cô vẫn tưởng mình vô duyên với hai chữ này. Vậy mà hiện giờ đúng là có người nói cô xinh xắn – Hảo mỹ nhân a! Thật không vậy, có phải ông ta đang giỡn mình hay không?
Tần Chiêu Chiêu không có nổi chút tự tin này, thật ra cô không biết xưa giờ mình nhận định không hề sai. Cô tết tóc hai bên làm tôn lên gương mặt thật sự rất xinh, mà kiểu tóc này cũng hài hòa tuyệt vời với áo lụa xanh vạt chéo và váy xếp đen, lại thêm vẻ ngại ngùng sợ sệt của cô bé lần đầu bước ra đời thật khiến mọi người yêu quý.
Tuổi nhỏ, tâm tư đơn thuần, chất phác lại thêm vẻ ngoài khiến người thấy người thương nên khi làm việc ở nhà hàng, Tần Chiêu Chiêu luôn được cưng chiều. Nhân viên nhà hàng đều còn rất trẻ, tuổi chỉ mười chín, hai mươi, ngay cả ch砱uản nhà hàng cũng mới có hai tư, người trẻ thường suy nghĩ đơn thuần, mọi người đều săn sóc Tần Chiêu Chiêu như bạn bè. Đồng nghiệp thường gọi cô là “em gái tóc dài”, ai cũng coi cô như em gái cưng trong nhà.
Tần Chiêu Chiêu quả thật rất may mắn, lần đầu tiên bước chân vào đời đã gặp được những người đồng nghiệp tốt như vậy. Bất kể quản lý, chủ quản hay các nhân viên khác đều quan tâm, chiếu cố đến cô. Mọi người thân mật giúp đỡ khiến cô bắt kịp công việc trong nhà hàng rất nhanh, nửa tháng sau đã chính thức trở thành bồi bàn.
Truyện hot hiện nay
Bình luận
Sắp xếp