Những Tấm Lòng Cao Cả

Chương 15: Em bé trinh sát


Chương trước Chương tiếp

Thứ bảy, ngày 28

Năm 1859, trong cuộc chiến tranh để giải phóng cho xứ Lômbacđi, quân Pháp và quân Italia đã đại thắng quân Áo ở trận Xolphêrinô và trận Xan Mactinô. Sau những trận này được mấy hôm, vào khoảng cuối tháng sáu, một đội kỵ mã nhỏ đi nhẩn nha trong con đường hẻm về phía địch để dò xét hai bên cánh đồng. Đội kỵ mã này có một sĩ quan và một viên đội chỉ huy ; hai người đều yên lặng, cố nhìn những tên lính xung phong bên địch vận đồ trắng thấp thoáng ở đằng xa.

Đội kỵ mã cứ thế đi tới một cái nhà tranh, chung quanh giồng những cây tần bì cao lớn. Trước nhà có một đứa con trai độ 12 tuổi đang cầm dao róc vỏ một cành tần bì để làm gậy. Trên cửa sổ nhà này có treo một lá cờ tam tài lớn, bên trong chẳng có ai cả. Khi thấy quân kỵ mã đến, đứa bé vứt que và cất mũ chào. Đó là một cậu bé tóc đỏ, mắt xanh, vẻ mặt quả quyết. Cậu vận áo sơ mi, hở ngực.

Sĩ quan dừng ngựa hỏi:

_ Em làm gì ở đây? Sao không đi lánh nạn với gia quyến?

Cậu bé trả lời:

_ Cháu không có gia quyến. Cháu là một đứa trẻ bơ vơ. Cháu chỉ làm việc cho những người muốn tìm cách sinh sống cho cháu. Cháu ở đây để xem đánh trận.

_ Em có thấy quân Áo qua đây không?

_ Không, đã ba hôm nay cháu không nom thấy.

Sĩ quan suy nghĩ một lúc rồi xuống ngựa, trèo lên mái nhà tranh nhìn xét nhưng chỉ trông thấy một khu đồng hẹp vì nhà này thấp quá.

Sĩ quan vừa tụt xuống vừa nói:

_ Phải leo lên cậy mới nhìn được.

Ngay trước nhà có một cây tần bì cao lắm, ngọn mềm phe phẩy trong đám mây xanh. Sĩ quan đứng ngẫm nghĩ, nhìn cây rồi lại nhìn lính rồi lại nhìn cây, sau đột nhiên hỏi cậu bé:

_ Em trông co tinh không?

_ Cháu à? Mắt cháu có thể nhìn rõ một con chim cách xa nghìn thước.

_ Em có thể trèo lên cây này không?

_ Lên ngọn cây này? Chỉ là công việc trong nháy mắt.

_ Em thử nhìn xem ở đằng xa, về phía địch có quân lính, cát bụi bay, ngựa hay súng ống gì không?

_ Vâng.

_ Em cố giúp ta và em có muốn gì không?

Cậu bé cười nhạt đáp:

_ Không, cháu chả muốn gì cả. Nếu làm việc cho quân Áo thì các vàng cháu cũng không giúp. Nhưng cho quân ta... cháu là người Lômbacđi...

_ Thế thì tốt lắm. Trèo đi!

_ Khoan để cháu cởi giày đã.

Cậu tháo giày, thắt chặt lại dây lưng, vứt mũ xuống cỏ rồi bám cây, leo thoăn thoắt như một con mèo.

Một lát sau, cậu bé đã lên tít ngọn cay, lá che kín chân, chỉ trông thấy ngực. Ánh nắng chiếu vào tóc cậu lóng lánh như nhuộm vàng để nhìn cho rõ:

_ Nhìn thẳng đằng trước mặt và đằng xa em!

Cậu víu một tay, còn một tay giơ lên ngang trán để nhìn cho rõ.

Sĩ quan nói:

_ Có thấy gì không?

Cậu cúi xuống lấy tay làm loa và trả lời:

_ Có hai người cưỡi ngựa trên đường.

_ Gần hay xa?

_ Độ nghìn hay hơn nghìn thước.

_ Họ tiến về phía này?

_ Không, họ đứng.

Im lặng một lúc, sĩ quan lại hỏi:

Em còn trông thấy gì nữa không? Thử quay sang bên phải xem.

Cậu bé nhìn về bên phải rồi đáp:

_ Có trông thấy người không?

_ Không. Họ nấp cả trong ruộng lúa.

Ngay lúc ấy, một viên đạn bay vút trong không và rơi xuống sau nhà.

Sĩ quan kêu:

_ Em ơi xuống đi! Họ nhìn thấy em rồi. Ta không muốn dò thêm gì nữa. Xuống ngay đi!

Cậu đáp:

_ Cháu không sợ.

_ Xuống! Ta bảo xuống kia mà!

_ Thong thã đã... Đằng kia, ở bên trái cháu trông thấy... Một viên đạn nữa vụt qua tai làm ngắt lời cậu. Cậu rùng mình kêu:

_ Lũ quái định "truy" mình đây.

Sĩ quan phát tức, thét:

_ Xuống lập tức!

Cậu đáp:

_ Vâng, cháu xuống. Xin chú yên tâm, đã có cây che cho cháu. Nhưng chú có muốn biết bên trái có gì nữa không?

_ Không. Không. Xuống đi!

Cậu nghiêng mình về bên trái vừa nhìn vừa nói to:

_ Bên trái, gần nhà thờ, hình như có...

Viên đạn thứ ba trúng ngọn cây, người ta thấy cậu lộn nhào, trước còn bám vào cây, vào cành, sau buông tay và rơi lộn đầu xuống đất.

Sĩ quan vừa nguyền rủa quân thù vừa chạy lại.

Cậu bé nằm sõng sượt trên đất, hai tay dang ra. Một dòng máu đỏ ở ngực chảy ra. Người đội và hai người lính xuống ngựa chạy lại. Sĩ quan mở áo sơ mi cậu xem thì viên đạn thấu phổi bên trái. Sĩ quan kêu:

_ Tội nghiệp! Thằng bé chết rồi!

Viên đội nói tiếp:

_ Không, nó còn sống.

Sĩ quan gọi cậu bé:

_ Em ơi! Đứa em khốn khổ và can đảm của ta ơi! Tỉnh lên! Tỉnh lên!

Sĩ quan vừa nói vừa cầm khăn mùi soa lau vết thương cho cậu, cậu mở bừng mắt rồi ngả đầu ra chết.

Sĩ quan tái lợt, nhìn cậu bé hồi lâu, đứng dậy rồi lại nhìn hình như không nỡ dứt...

Sĩ quan buồn rầu nhắc lại:

_ Thương thay! Đứa trẻ can đảm!

Nói xong, sĩ quan với lá cờ treo ở trước cửa nhà kia phủ lên mình cậu bé như một tấm vải liệm chỉ để hở đầu. Viên đội nhặt giày, mũ, dao và gậy gọt dở để bên mình cậu.

Sĩ quan đứng im lặng một lát rồi quay lại bảo viên đội:

_ Ta sẽ cho xe hồng thập tự lại rước em. Cái chết này có ý nghĩa quân nhân. Nhà binh sẽ phải chôn cất cho tử tế.

Nói xong, sĩ quan giơ tay chào cậu bé lần cuối cùng.

Rồi, mọi người lên ngựa thẳng tiến.

Vài giờ sau, thi hài cậu bé được táng theo tang lễ nhà binh.

Khi đạo quân kỵ đi khỏi một lúc thì có một đại đội pháo binh đi đến. Chính đội này, mấy hôm trước đây đã đổ máu một cách rất dũng cảm trong trận Xan Mactinô.

Tin cậu bé can đảm kia đã bay tới các hàng quân một cách rất nhanh chóng. Vì thế, khi qua chỗ thi hài cậu bé nằm dưới gốc cây tần bì, các sĩ quan đều giơ gươm chào, một viên cúi xuống bờ suối gần đó rứt nắm hoa, ném trên mình cậu bé. Thế rồi theo gương ấy, tất cả đội pháo binh ai cũng nhặt hoa ném vào. Trong vài phút đồng hồ, hoa phủ đầy thi thể cậu bé.

Quan, lính lúc diễn qua, ai cũng nói:

_ Can đảm thay cậu bé xứ Lômbacđi!

_ Vĩnh biệt em!

_ Em thực là người dũng cảm!

_ Vinh dự thay cho em!

_ Chúc em yên giấc nghìn năm!

Một sĩ quan tháo tấm Quận công bội tinh của mình đặt nơi ngực cậu. Tức thì, lại một trận mưa hoa phơi phới rơi xuống ngực máu đào, đầu tóc đỏ của cậu bé yên nghỉ dưới lá cờ tam tài đắp ngang. Nét mặt cậu bé như tươi cười! Phải chăng lòng cậu sung sướng và tự hào vì đã bỏ mình cho quê hương của cậu?


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...