Những Đứa Con Của Nửa Đêm

Chương 4: Dưới tấm thảm


Chương trước Chương tiếp

Thế là kết thúc dịch bệnh lạc quan. Sáng ra một bà lao công vào văn phòng của Hội nghị Hồi giáo Tự do và phát hiện ra con Chim ngân nga, câm lặng, trên sàn nhà, xung quanh là vết chân chó và những mẩu vụn của bọn sát nhân. Bà ta rú lên, nhưng sau đó, khi nhà chức trách đã đến và đi, bà bị bắt quét dọn căn phòng.

Sau khi quét đi vô số lông chó, đập chết vô khối bọ chét và hót từ thảm ra những mảnh vụn của một con mắt thủy tinh vỡ nát, bà khiếu nại với viên quản lý lao công của trường Đại học rằng: nếu những chuyện kiểu này còn xảy ra, bà đáng được lên lương chút đỉnh. Bà có lẽ là nạn nhân sau chót của virus lạc quan, và trong trường hợp của bà căn bệnh không kéo dài, vì viên quản lý, một tay rất rắn, đã đá đít bà luôn.

Đám sát thủ không bao giờ được nhận dạng, kẻ chủ mưu không bao giờ bị chỉ đích danh. Ông tôi được Thiếu tá Zulfikar, A.D.C. của Chuẩn tướng Dodson, mời đến hiện trường viết giấy chứng tử cho bạn mình. Thiếu tá Zulfikar hứa sẽ đến gặp Bác sĩ Aziz để gút lại một số tình tiết, ông tôi xì mũi và ra về. Ngoài quảng trường, những ngôi lều xẹp xuống như hy vọng xì hơi, Hội nghị sẽ không bao giờ được tổ chức nữa.

Quận chúa xứ Cooch Naheen ngã bệnh. Sau một đời coi nhẹ bệnh tật bà đã để chúng chế ngự mình, và nằm bất động nhiều năm, quan sát bản thân biến dần sang màu ga giường. Trong khi đó, tại ngôi nhà cũ trên đường Cornwallis, những ngày ấy đầy ắp các bà mẹ triển vọng và ông bố tiềm năng. Đấy nhé, Padma: cô sắp được biết đến nơi rồi.

Sử dụng cái mũi (vì, mặc dù đã mất đi thứ năng lực từng giúp nó, chỉ mới đây thôi, làm nên lịch sử, nó đã có những năng khiếu khác để bù đắp lại) - hướng nó vào nội tâm, tôi đánh hơi thấy không khí trong ngôi nhà của ông tôi những ngày sau cái chết của niềm hy vọng ngân nga của Ấn Độ, xuyên qua năm tháng phảng phất tìm đến mũi tôi là một hỗn hợp mùi kỳ dị, tràn ngập nỗi bất an, hơi những điều giấu giếm trộn lẫn với hương ái tình đương đâm chồi nảy lộc và mùi hôi gắt của sự tò mò và sức mạnh ở bà tôi...

Trong khi liên đoàn Hồi giáo mừng rỡ, tất nhiên là ngấm ngầm, trước sự gục ngã của đối thủ, chúng ta có thể tìm thấy ông tôi (mũi tôi lần ra ông) mỗi sáng đều ngồi trên thứ ông gọi là “thùng sấm sét”, nước mắt ứa ra. Nhưng đấy không phải nước mắt đau buồn, đơn giản là Aadam Aziz đã trả cái giá của sự Ấn Độ hóa, và bị chứng táo bón hành hạ khổ sở. Ánh mắt hãi hùng, ông ngước nhìn cái dụng cụ thụt ruột treo trên tường nhà vệ sinh.

Vì sao tôi lại xâm phạm sự riêng tư của ông tôi? Vì sao, trong khi tôi có thể thuật lại, sau cái chết của Mian Abdullah, Aadam đã vùi mình vào công việc ra sao, đã nhận về mình việc chăm sóc bệnh nhân ở những khu ổ chuột gần đường sắt - giải cứu họ khỏi những gã lang băm chuyên tiêm nước hạt tiêu cho họ và nghĩ rằng nhện nướng chữa được bệnh mù thế nào - trong khi vẫn tiếp tục hoàn thành chức phận của một bác sĩ trường đại học.

Trong khi tôi có thể kể tường tận về tình yêu vĩ đại bắt đầu nảy nở giữa ông và cô con gái thứ hai, Mumtaz, người mà nước da đen đã chen vào giữa cô và tình yêu thương của mẹ, nhưng cái thiên tư hiền hậu, chu đáo và mong manh đã giành được sự yêu dấu của người cha với những giằng xé nội tâm vốn thiết tha cần đến đức dịu dàng không thắc mắc của cô.

Tại sao, trong lúc tôi có thể chọn việc kể về cơn ngứa nay-đã-thành-thường-trực trong mũi ông, tôi lại đắm mình vào hố phân? Vì đây là nơi Aadam Aziz có mặt, buổi chiều sau khi ông vừa ký một tờ chứng tử, khi đột nhiên một giọng nói - mềm, hèn nhát, lúng túng, giọng của một gã thi sĩ không vần - thốt lên với ông từ sâu trong cái tủ giặt to, cũ trong góc buồng, gây cho ông một cú sốc mãnh liệt đến mức nó tỏ ra có tác dụng nhuận tràng, và cái dụng cụ thụt ruột khỏi cần phải gỡ từ trên giá xuống nữa.

Rashid cậu trai chạy xe kéo đã cho Nadir Khan vào căn phòng chứa hộp-sấm-sét qua lối đi của người quét dọn, và gã đã trốn vào tủ giặt. Trong khi cái cơ vòng còn kinh ngạc của ông dãn ra, tai ông nghe thấy một lời cầu xin nơi nương náu, một lời cầu xin bị bóp nghẹt bởi vải lanh, đồ lót bẩn, áo cũ, và sự lúng túng của người nói. Và, Aadam Aziz đã quyết tâm che giấu Nadir Khan như thế.

Giờ là mùi một cuộc cãi cọ, vì Mẹ Bề trên Naseem đang nghĩ đến ba cô con gái, Alia hai mốt tuổi, Mumtaz da đen, lên mười chín và Emerald xinh tươi, phù động, chưa tròn mười lăm nhưng trong mắt đã có một ánh nhìn già dặn hơn tất cả những gì có ở hai cô chị. Trong thị trấn, giữa những người phụt-ống-nhổ và kéo xe, giữa những người đẩy xe áp phích cũng như sinh viên đại học, ba chị em được gọi là “Teen Batti”, ba tia sáng lung linh... làm sao Mẹ Bề trên có thể cho phép một gã đàn ông lạ sống chung nhà với vẻ đoan trang của Alia, nước da đen, tươi sáng của Mumtaz, và đôi mắt của Emerald?...

“Ông mất trí rồi: cái chết ấy đã tổn hại đến não ông.”

Nhưng Aziz, kiên quyết: “Cậu ta sẽ ở lại.”

Dưới hầm... vì che giấu luôn là một yếu tố kiến trúc thiết yếu được tính đến tại Ấn Độ, nên ngôi nhà của Aziz có rất nhiểu phòng ngầm, chỉ có thể ra vào bằng cửa lật trên sàn nhà, được trải thảm bên trên... Nadir Khan nghe thấy tiếng ầm ầm trầm đục của cuộc cãi cọ và sợ cho số phận của mình. Lạy Chúa (tôi ngửi ra suy nghĩ của gã thi sĩ có bàn tay ướt nhẹp), thế giới này điên rồi... chúng ta có còn là người ở xứ này không? Hay là súc vật? Nếu mình phải đi, chừng nào mấy lưỡi dao kia sẽ tìm đến mình?... Và trong óc gã lướt qua hình ảnh những cái quạt lông công và vầng trăng non nhìn qua cửa kính biến thành một lưỡi dao đỏ lòm phập xuống

... Trên tầng, Mẹ Bề trên nói, “Nhà thì toàn con gái trẻ chưa chồng, cái-gì-không-biết; đây là cách ông tôn trọng con gái mình à?” Và giờ là mùi hương của sự mất bình tĩnh; cơn thịnh nộ có sức tàn phá khủng khiếp của Aadam Aziz bộc phát, và thay vì chỉ ra rằng Nadir Khan sẽ ở dưới hầm, được quét xuống dưới thảm, nơi anh ta khó lòng phương hại được con bà[1]; thay vì đưa ra lời bảo chứng thích hợp cho ý thức của gã thi sĩ không vần kia về nết đứng đắn, cái ý thức tiến bộ đến mức trong mơ gã cũng không thể có hành động thiếu đứng đắn mà không đỏ mặt trong giấc ngủ; thay vì những nẻo đường của lý lẽ ấy, ông tôi gầm lên.

“Câm đi, mụ đàn bà! Cậu ta cần ta che chở: cậu ta sẽ ở lại.”

Thế là bừng lên một mùi hương không khoan nhượng, một đám mây quyết tâm dày đặc vây phủ bà tôi, bà nói, “Được lắm. Ông dám bảo tôi, cáigìkhôngbiết, câm đi. Đã thế thì từ nay, không một chữ nào, cái-gì-không-biết, sẽ ra khỏi môi tôi.”

Và Aziz, rên rỉ, “Ôi, mẹ kiếp, đồ đàn bà, xin miễn cho mấy lời thề điên rồ của mụ!”

[1] Quét xuống dưới thảm (sweep under the carpet) là một thành ngữ, có nghĩa là tránh nói đến một vấn đề gì đó, với hy vọng lâu ngày người ta sẽ quên nó đi. Ở đây câu này vừa mang nghĩa bóng vừa có nghĩa đen, vì Nadir bi giấu xuống dưới tấm thảm.

Nhưng môi Mẹ Bề trên đã được khâu chặt, và im lặng buông xuống. Mùi của im lặng, như một quả trứng ngỗng ung, lấp đầy mũi tôi; lấn át tất cả, nó ngự trị mặt đất... Trong khi Nadir Khan ẩn mình dưới thế giới ngầm mờ tối, bà chủ nhà của gã cũng ẩn mình, sau bức tường triệt âm của sự vô thanh. Đầu tiên ông tôi thăm dò bức tường, thử tìm kẽ hở, không thấy gì.

Cuối cùng ông bỏ cuộc, và chờ đợi những câu nói của bà hé lộ những hình ảnh về nội tâm bà, như đã một lần ông khao khát từng mảnh nhỏ cơ thể bà mà ông được thấy qua tấm ga khoét lỗ, và im lặng tràn ngập ngôi nhà. Từ tường sang tường, từ sàn lên trần, đến nỗi ruồi hình như cũng thôi vè vè, muỗi cũng cố nín không vo ve khi đốt, im lặng làm lắng đi tiếng xì xào của bầy ngỗng ngoài sân. Đầu tiên bọn trẻ nói thầm, thế rồi nín lặng: khi ở ruộng ngô, Rashid cậu trai chạy xe kéo đã hét “tiếng hét căm thù” trong lặng lẽ, và giữ lời thề im lặng của riêng cậu mà cậu đã thề trên mái tóc mẹ mình.

Giữa đầm lầy câm lặng này, một tối nọ, xuất hiện một người đàn ông thấp lùn, đầu bẹt như cái mũ đội trên đó; chân cong như cây sậy trước gió; mũi gần như chạm vào cái cằm vểnh ngược, và giọng nói, do vậy, mảnh và sắc - phải thế nó mới chui lọt cái khe hẹp giữa cơ quan hô hấp và xương hàm... một người đàn ông mà chứng cận thị buộc anh ta phải bước đời mình từng bước một, điều giúp anh ta được cái tiếng là kỹ lưỡng nhưng chậm chạp, và chiếm được cảm tình của thượng cấp nhờ tạo cho họ cảm giác được phục vụ chu đáo mà không bị đe dọa; một người đàn ông mặc bộ quân phục hồ cứng, ép phẳng lì, sặc mùi Blanco[2] và sự chính trực, khắp người dậy lên, bất chấp ngoại hình của một nhân vật trong vở rối, mùi hương không lẫn đi đâu được của thành công: Thiếu tá Zulfikar, một người đàn ông có tương lai, đến để, như đã hứa, gút lại vài đầu mối.

Vụ ám sát Abdullah và sự mất tích đáng ngờ của Nadir Khan đang choán hết tâm trí anh ta, và vì biết việc Aadam Aziz nhiễm virus lạc quan, anh ta nhầm tưởng sự im lặng của ngôi nhà với sự trầm mặc xót thương, và không lưu lại lâu. (Dưới tầng hầm, Nadir ngồi thu lu với gián.) Ngồi lặng lẽ trong phòng khách cùng năm đứa trẻ, chiếc mũ và cây can đặt cạnh, trên cái đài hiệu Telefunken, chân dung to bằng người thật của các cô cậu nhà Aziz trên tường nhìn anh chàng đăm đăm, Thiếu tá Zulfikar đem lòng yêu.

Anh ta cận thị, nhưng anh ta không mù, và trong ánh mắt thành thục đến không tưởng của cô thiếu nữ Emerald, tia sáng lung linh nhất trong “ba tia sáng lung linh”, anh thấy cô hiểu thấu tương lai mình, và, bởi vậy, tha thứ cho ngoại hình của anh, và trước khi ra về, anh quyết định sẽ cưới cô sau một thời gian thích hợp. (“Đấy à?” Padma đoán. “Con bé lẳng lơ ấy là mẹ anh à?” Nhưng vẫn còn các bà mẹ triển vọng, và các ông bố tương lai khác, thoang thoảng ra vào giữa chốn im lặng ấy.)

[2] Tên một thứ thuốc tẩy trắng chuyên dụng của quân đội Anh.

Trong thời gian lầy lội không lời đó, đời sống tình cảm của Alia nghiêm nghị, cô chị cả, cũng bắt đầu phát triển; và Mẹ Bề trên, bị giam trong nhà kho và nhà bếp, môi bị khâu kín, không thể - vì bà đã trót thề - bày tỏ sự nghi ngờ về gã lái buôn reccine và vải giả da trẻ tuổi hay đến chơi với con bà. (Aadam Aziz luôn bảo lưu quan điểm các con gái ông được phép có bạn trai.) Ahmed Sinai

- “À ha!” Padma reo lên đắc thắng vì nhận ra - gặp Alia ở trường Đại học, và tỏ ra đủ thông minh với cô gái đầu óc, sách vở, với khuôn mặt mà trên đó cái mũi di truyền của ông tôi đã hình thành một vẻ thông thái siêu trọng; nhưng Naseem Aziz không yên tâm về anh chàng, bởi vì anh ta ly dị khi mới hai mươi. (“Ai mà chẳng một lần sai lầm,” Aadam bảo vợ, và tí nữa gây nên một trận cãi vã, vì bà thoáng cảm thấy có gì đó hơi quá riêng tư trong giọng điệu của ông.

Nhưng rồi Aadam thêm, “Cứ để vụ ly dị của cậu ta nhạt đi độ một hai năm đã; rồi chúng ta sẽ cho ngôi nhà này được thấy đám cưới đầu tiên, với một căn rạp thật lớn trong vườn, rồi ca sĩ và bánh kẹo các thứ.” Điều này, bất chấp tất cả, là một ý tưởng hấp dẫn với Naseem.) Lúc này, thả bộ giữa những khu vườn quây tường của sự im lặng, Ahmed Sinai và Alia giao tiếp không cần lời nói; nhưng mặc dù tất cả đều chờ đợi lời cầu hôn, sự im lặng hình như đã lây sang cả anh, và câu hỏi ấy vẫn không hề được hỏi. Thời gian này trên gương mặt Alia xuất hiện sự nặng nề, một vẻ bi quan xậm xị mà cô sẽ chẳng bao giờ rũ bỏ được hoàn toàn, (“Ơ kìa,” Padma trách tôi, “ai lại nói về người mẹ đáng kính của mình như thế.”)

Một điều nữa: Alia đã thừa kế xu hướng tăng cân ở mẹ. Cô rồi sẽ phình to dần lên theo năm tháng.

Còn Mumtaz, người từ bụng mẹ chui ra đen như nửa đêm thì sao? Mumtaz chưa bao giờ thông minh; cũng không xinh đẹp như Emerald; nhưng cô rất tốt, tận tụy, và cô độc. Cô dành thời gian bên cha nhiều hơn cả trong ba chị em, bảo vệ ông trước tâm trạng cáu kỉnh lúc này đang tăng cường vì cơn ngứa không dứt ở mũi; cô nhận về mình trách nhiệm chăm lo cho các nhu cầu của Nadir Khan, ngày ngày chui xuống thế giới ngầm của gã, mang theo thức ăn, chổi, và còn đổ cả “hộp sấm sét” cho gã, để đến người dọn vệ sinh cũng không thế đoán ra sự có mặt của gã. Mỗi khi cô chui xuống, gã cụp mắt lại; và không một lời, trong căn nhà câm ấy, được thốt ra giữa họ.

Mấy ông già phụt ống nhổ nói gì về Naseem Aziz? “Mụ ấy rình trộm giấc mơ của con gái, chỉ để biết chúng đang tính chuyện gì.”

Phải, chẳng có lời giải thích nào khác, ai cũng biết quái sự vẫn xảy ra ở nước ta, cứ nhặt đại một tờ báo là thấy những mẩu tin lá cải hằng ngày về chuyện lạ ở làng này hay làng kia - Mẹ Bề trên bắt đầu mơ giấc mơ của các con gái. (Padma chấp nhận điều này mà không chớp mắt; nhưng cái người ta nuốt ngon lành như một viên laddoo thì Padma lại bác bỏ dễ dàng không kém. Mỗi thính giả đều có những đức tin kỳ quặc của riêng mình.)

Đấy, thế thì: ngủ trên giường mình về đêm, Mẹ Bề trên ghé thăm giấc mơ của Emerald, và phát hiện ở đây một giấc mơ khác - mộng tưởng riêng tư của Thiếu tá Zulfikar, là được sở hữu một biệt thự tiện nghi có bồn tắm cạnh giường. Đó là tham vọng tột đỉnh của viên Thiếu tá; và từ đó Mẹ Bề trên khám phá ra, không chỉ chuyện con gái bà đã bí mật gặp gỡ Zulfy của cô, ở nơi họ có thể tâm tình, mà cả chuyện tham vọng của Emerald còn lớn hơn của người yêu.

Và (sao lại không?) trong giấc mơ của Aadam Aziz bà thấy ông sầu thảm leo lên một ngọn núi ở Kashmir, với một lỗ hổng to bằng nắm tay ở bụng, và đoán rằng ông không còn yêu bà nữa, và thấy trước cả cái chết của ông; nên nhiều năm sau, khi nghe tin, bà chỉ nói, “Ồ, ta biết mà, rốt cuộc thì cũng.”

... Giờ thì chẳng bao lâu nữa, Mẹ Bề trên nghĩ, con Emerald nhà ta sẽ cho tay Thiếu tá của nó biết về vị khách dưới hầm; và ta sẽ có thể nói chuyện trở lại. Nhưng rồi một đêm bà lẻn vào giấc mơ của Mumtaz, con bé đen đúa mà bà chưa bao giờ yêu được vì nước da dân chài Nam Ấn của nó, và nhận ra là rắc rối chưa dừng lại ở đây; vì Mumtaz Aziz - giống như kẻ si mê cô dưới thảm - cũng đang yêu.

Không có bằng chứng. Sự xâm nhập giấc mơ - hay hiểu biết của người mẹ, hay trực giác của đàn bà, gọi nó là gì tùy quý vị - là một điều sẽ không có giá trị gì trước tòa, và Mẹ Bề trên biết rằng kết tội con gái làm trò trên bộc trong dâu dưới mái nhà cha mình là một chuyện rất nghiêm trọng. Thêm vào đó, có gì sắt đá đã len vào Mẹ Bề trên; bà quyết định không làm gì hết, tiếp tục im lặng, để Aadam Aziz khám phá ra tư tưởng tân tiến của lão đã làm con cái hư hỏng đến mức nào - mặc cho lão tự phát hiện ra, sau một đời lão bắt bà im lặng với những quan niệm truyền thống đứng đắn của bà.

“Một người đàn bà cay nghiệt,” Padma nói, và tôi tán thành.

“Sao?” Padma hỏi. “Có thật không?”

Phải: theo một nghĩa nào đó: thật.

“Có chuyện trên bộc trong dâu thật à? Dưới hầm? Không có cả người giám hộ?[3]”

[3] Nguyên văn: chaperone, một phụ nữ lớn tuổi chịu trách nhiệm tháp tùng các thiếu nữ chưa chồng.

Hãy xét đến tình tiết - giảm nhẹ, nếu quả là có những tình tiết ấy. Những điều dường như hợp lệ trong lòng đất, sẽ thành lố bịch hay thậm chí sai trái giữa thanh thiên bạch nhật.

“Gã bệu đó làm chuyện ấy với cô gái đen khốn khổ? Thật à?”

Gã ở dưới đó cũng lâu rồi - đủ lâu để bất đầu nói chuyện với lũ gián bay vè vè và sợ một ngày kia người ta sẽ đuổi gã đi và mơ thấy những lưỡi dao cong và bầy chó tru lên và ước giá như giá như con Chim ngân nga còn sống để khuyên gã phải làm gì, để phát hiện ra rằng không thể viết thơ trong lòng đất; rồi cô ấy xuất hiện mang theo đồ ăn và không nề hà đổ bô cho gã và gã cụp mắt xuống nhưng gã thấy một mắt cá chân như thể phát ra ánh sáng của lòng nhân ái, đen như màu của đêm trong lòng đất...

“Ai ngờ gã lại làm được chuyện đó.” Padma tỏ vẻ ngưỡng mộ. “Cái gã già béo vô dụng ấy!”

Và rốt cuộc trong ngôi nhà ấy, nơi mọi người, kể cả kẻ tị nạn dưới hầm lẩn trốn những kẻ thù vô diện, thấy lưỡi mình khô rang dính sát vào vòm họng; nơi hai cậu con trai phải ra tận ruộng ngô với cậu trai kéo xe để giỡn cợt về gái điếm và đọ xem của ai dài hơn và lén lút thì thầm về ước mơ thành đạo diễn (giấc mơ của Hanif, đã làm kinh hãi bà mẹ chuyên xâm nhập giấc mơ của cậu, người tin rằng điện ảnh là sự mở rộng của kinh doanh nhà thổ); nơi cuộc đời đã bị biến thành dị dạng vì bị lịch sử đột nhập, rốt cuộc giữa cái tối tăm của thế giới ngầm gã không nhịn nổi nữa, gã thấy mắt mình từ từ ngước lên, qua một đôi dép xinh xắn đến cái quần thụng rồi đến chiếc kurta rộng rồi lên trên tấm dupatta, tấm vải của sự khiêm nhường, đến khi bốn mắt gặp nhau, thế rồi

“Thế rồi? Ơ kìa, baba, thế rồi sao?”

E thẹn, cô mỉm cười với gã.

“Hả?”

Và từ đó, thế giới ngầm xuất hiện những nụ cười, và có gì đó đã bắt đầu.

“Dào, thì đã sao? Anh định nói là chỉ có thế thôi?”

Chỉ thế thôi: cho đến tận ngày Nadir Khan xin gặp ông tôi - lời gã gần như không ai nghe rõ trong màn sương của im lặng - và hỏi cưới con gái ông.

“Khổ thân cô gái,” Padma kết luận, “gái Kashmir vốn trắng như núi tuyết, riêng cô lại hóa ra đen. Chà, chà, có lẽ nước da làm cô khó kiếm được đám nào tử tế, chắc thế; mà gã Nadir ấy đâu có ngốc. Giờ thì họ sẽ phải cho gã ở lại, cho gă ăn, cho gã một mái nhà, còn gã chỉ việc chui nhủi như một con giun béo mẫm dưới lòng đất. Ừ, có lẽ gã chả ngốc tẹo nào.”

Ông tôi cố sức thuyết phục Nadir Khan rằng gã không gặp nguy hiểm nữa; đám sát thủ chết rồi, Mian Abdullah mới là mục tiêu thật sự của chúng; nhưng Nadir Khan vẫn mơ thấy những lưỡi dao biết hát, và van nài. “Chưa đâu, Bác sĩ Sahib; xin ngài, một thời gian nữa.”

Vậy là một đêm cuối hè 1943 - một lần nữa trời lại hạn hán - ông tôi, giọng ông nghe thật xa xăm và ma quái trong ngôi nhà nơi chẳng có mấy lời được nói ra ấy, tập hợp các con trong phòng khách nơi treo chân dung chúng. Khi bước vào chúng mới thấy vắng mặt mẹ, bà đã quyết định tiếp tục giam mình trong phòng với tấm mạng nhện im lặng của mình; nhưng lại có một luật sư và (dù miễn cưỡng, Aziz đã chiều theo ý nguyện của Mumtaz) một giáo sĩ, đều do Quận chúa xứ Cooch Naheen đau ốm cử đến, và đều “cực kỳ kín đáo”.

Và Mumtaz cũng có mặt trong váy áo cô dâu, bên cạnh cô trên chiếc ghế đặt trước cái đài là thân hình quá khổ, tóc xuôi, ngượng ngập của Nadir Khan. Và thế là đám cưới đầu tiên ở ngôi nhà là một đám cưới không lều bạt, không ca sĩ, không bánh kẹo và với số khách khứa tối thiểu; và sau khi nghi lễ đã kết thúc và Nadir Khan đã vén mạng che mặt cô dâu - gây cho Aziz một cú sốc đột ngột, làm ông trẻ lại trong giây lát, và trở về lại Kashmir, ngồi trên bục trong khi mọi ngưởi rắc tiền lên lòng ông - ông bắt các con thề không tiết lộ sự hiện diện dưới hầm của ông anh rể mới. Emerald, đầy miễn cưỡng, là người hứa cuối cùng.

Sau đó, Aadam Aziz bảo các con trai giúp ông mang đủ thứ đồ đạc xuống qua cánh cửa lật ở phòng khách: nào rèm nào nệm nào đèn và một chiếc giường lớn tiện nghi. Và cuối cùng Nadir cùng Mumtaz bước xuống căn hầm; cánh cửa lật khép lại, thảm trải ra và Nadir Khan, người yêu vợ một cách nhẹ nhàng nhất trong đám đàn ông, đưa cô xuống thế giới ngầm của gã.

Mumtaz Aziz bắt đầu sống một cuộc đời hai mặt. Ban ngày cô là một thiếu nữ chưa chồng, sống trinh bạch cùng song thân, học hành tàm tạm ở trường đại học, nuôi dưỡng cái thiên tính ân cần, cao thượng và nhẫn nại sẽ trở thành phẩm chất đặc trưng suốt đời cô, cho tới tận cái ngày cô bị những chiếc tủ giặt biết nói của quá khứ công kích, rồi bị nghiền bẹp gí như một tấm bánh tráng. Nhưng về đêm, chui xuống qua một ô cửa lật, cô bước vào căn phòng tân hôn biệt lập, thắp đèn mà vị hôn phu bí mật của cô vẫn gọi là Taj Mahal. Vì Taj Bibi là cái tên từng được dùng để gọi một Mumtaz khác - Mumtaz Mahal, vợ của Hoàng đế Shah Jehan, có nghĩa là “chúa tể thiên hạ.” Khi nàng mất, ông xây cho nàng một lăng tẩm được biến thành bất tử trên bưu thiếp và hộp sô cô la, với những hành lang lộ thiên sực mùi nước đái và những bức tường phủ đầy graffiti, và có tiếng vọng vẫn được hướng dẫn viên hét thử cho du khách nghe dù đã có biển viết bằng ba thứ tiếng xin mọi người im lặng.

Như Shah Jehan và Mumtaz của ông, Nadir và vị hôn thê da sậm của gã nằm kề bên nhau, và đồ vật khảm thanh kim thạch là đồng hành của họ vì nữ Quận chúa liệt giường sắp chết xứ Cooch Naheen đã gửi tặng họ làm quà cưới cái ống nhổ bằng bạc điêu khắc rất tinh xảo, khảm thanh kim thạch và dát đá quý. Trong cái biệt viện tiện nghi, thắp đèn ấy, đôi vợ chồng chơi trò chơi của mấy ông già.

Mumtaz gói trầu cho Nadir, nhưng lại không thích cái vị ấy. Cô nhổ nước nibu pani[4]. Tia của gã đỏ, của cô xanh. Đây là thời gian hạnh phúc nhất đời cô. Về sau, cô nói, khi đợt im lặng dài kia chấm dứt.

“Lẽ ra sau này chúng con sẽ có con, có điều chuyện không ổn, vậy thôi.” Mumtaz Aziz suốt đời yêu trẻ con.

[4] Nước chanh.

Trong khi đó, Mẹ Bề trên trải qua những ngày tháng lờ đờ trong gọng kìm của sự im lặng đã trở nên tuyệt đối đến mức cả những người hầu cũng nhận chỉ thị qua ngôn ngữ ký hiệu, và một lần lão đầu bếp Daoud vì mải nhìn bà, cố hiểu những cử chỉ loạn xạ đến phát buồn ngủ của bà, và do đó không nhìn vể nồi nước thịt sôi sục sắp sửa đổ xuống chân lão và nướng chín nó như một quả trứng năm ngón. Lão há miệng hét nhưng chẳng có tiếng gì thoát ra, và từ đó lão đinh ninh mụ già có phép phù thủy, và sợ hãi đến nỗi không dám nghỉ việc ở chỗ mụ. Lão ở lại đến khi chết, đi cà nhắc quanh sân và bị lũ ngỗng đuổi đánh.

Những năm ấy không hề dễ dàng. Hạn hán dẫn đến chế độ khẩu phần, và với những ngày không thịt và những ngày không gạo kéo dài triền miên, thật khó khăn khi phải nuôi thêm một miệng ăn đang lẩn trốn. Mẹ Bề trên buộc phải tiêu lạm vào cái kho của bà, nó khiến cơn giận của bà đặc lại như nước xốt trên bếp lửa. Râu bắt đầu mọc ra từ những nốt ruồi trên mặt bà. Mumtaz lo lắng nhận ra mẹ cô mỗi tháng một phình to hơn. Những lời không nói ra được trong bà đang thổi bà phồng lên... Mumtaz có cảm giác da mẹ mình bắt đầu căng ra như chực vỡ.

Và Bác sĩ Aziz luôn vắng nhà ban ngày, lẩn tránh sự im lặng chết chóc, nên Mumtaz, người luôn ở dưới đất về đêm, hồi đó rất ít được gặp người cha cô yêu thương. Còn Emerald đã giữ lời, không hề tiết lộ bí mật của gia đình cho viên Thiếu tá, nhưng ngược lại, cũng không cho nhà biết về mối quan hệ của cô với anh ta, mà theo cô là công bằng. Và ở ruộng ngô Mustapha với Hanif và Rashid cậu trai xe kéo bắt đầu nhiễm sự đờ đẫn của thời kỳ ấy. Và rốt cuộc ngôi nhà trên đường Cornwallis trôi dạt đến tận ngày mồng 9 tháng Tám năm 1945, khi mọi thứ thay đổi.

Lịch sử gia đình, dĩ nhiên, có những quy định cụ thể về chế độ dinh dưỡng. Người ta chỉ được nuốt và tiêu hóa phần nào được phép, những khẩu phần halal[5] của quá khứ, đã vắt kiệt sắc đỏ, kiệt máu. Tiếc thay, như vậy khiến câu chuyện mất đi ít nhiều hương vị; do đó tôi sắp trở thành thành viên đầu tiên và duy nhất trong gia đình mạo phạm luật halal. Không cho giọt máu nào thoát khỏi thân thể câu chuyện, tôi đi đến cái phần không thể nói ra, và, không chút e dè, tiếp tục.

[5] Những loại thịt được phép ăn và được giết mổ theo đúng quy cách của luật đạo Hồi.

Sự kiện gì xảy ra vào tháng Tám năm 1945? Quận chúa xứ Cooch Naheen chết, nhưng đó không phải là cái tôi định kể, dù lúc từ giã cõi đời bà đã trắng bợt như ga giường đến nỗi khó mà nhìn ra bà trong bộ đồ ngủ, đã hoàn thành phận sự của mình là lưu lại cho câu chuyện của tôi cái ống nhổ bằng bạc, bà tế nhị rút lui nhanh chóng... cũng năm 1945, mùa mưa vẫn về.

Trong rừng già Miến Điện, Orde Wingate và lữ đoàn Chindit của mình, cũng như đạo quân về phe Nhật của Subhas Chandra Bose, đều bị dầm trong mùa mưa vừa trở lại. Những người biểu tình Satyagraha[6] ở Jullundur, nằm bất bạo động trên đường xe lửa, đều ướt sũng. Những vết nứt trên mặt đất khô hạn đã lâu bắt đầu khép miệng; khăn mặt được chèn vào cửa ra vào và cửa sổ của tòa nhà trên đường Cornwallis, và phải vắt và thay liên tục. Muỗi sinh sôi từ những vũng nước trên khắp các lề đường. Và căn hầm - lăng Taj Mahal của Mumtaz - trở nên ẩm thấp, đến nỗi cuối cùng cô đổ bệnh.

Những ngày đầu cô giấu không cho ai biết, nhưng khi mắt cô vằn đỏ và cô bắt đầu run lên vì sốt, Nadir, sợ cô viêm phổi, van nài cô gặp cha để ông khám bệnh. Cô nằm liệt nhiều tuần sau đấy trên chiếc giường thời con gái, và Aadam Aziz túc trực bên giường con, đắp khăn lạnh lên trán khi cô lên cơn sốt. Ngày mồng 6 tháng Tám bệnh phát. Sáng mồng 9, Mumtaz đã đỡ hơn và ăn được một ít thức ăn đặc.

[6] Triết lý đấu tranh chính trị phi bạo lực của Mahatma Gandhi.

Và giờ ông tôi đi lấy chiếc cặp da cũ có chữ HEIDELBERG đóng bằng sắt nung lên mặt da ở đáy cặp, vì ông đã quyết định rằng, do cô rất suy kiệt, tốt hơn ông nên khám sức khỏe toàn diện cho cô. Khi ông mở cặp, cô bắt đầu khóc.

(Và giờ chúng ta đã tới đây. Padma: đến rồi đây.)

Mười phút sau, quãng thời gian dài im lặng chấm dứt vinh viễn khi ông tôi gầm lên, xộc ra từ phòng người bệnh. Ông rống lên gọi vợ, các con gái, các con trai. Phổi ông rất khỏe và âm thanh này đến tai Nadir Khan ở dưới hầm. Không khó khăn gì để gã đoán ra được nguyên nhân sự náo loạn ấy.

Cả gia đình tập hợp quanh chiếc đài trong phòng khách, dưới những bức ảnh không có tuổi. Aziz bế Mumtaz vào phòng và đặt cô lên chiếc ghế dài. Mặt ông rất đáng sợ. Quý vị hình dung được mũi ông cảm thấy thế nào chứ? Bởi ông đang ôm trong lòng một quả bom sắp phải ném xuống: đó là, hai năm sau ngày cưới, con gái ông vẫn là trinh nữ.

Đã ba năm từ ngày Mẹ Bề trên cấm khẩu. “Con gái, có đúng không?” Im lặng, vật vờ trong những góc nhà như một tấm mạng nhện rách, cuối cùng cũng bị thổi bay; nhưng Mumtaz chỉ gật đầu: Vâng. Đúng.

Rồi cô lên tiếng. Cô bảo cô yêu chồng và chuyện kia sau này rồi sẽ ổn. Anh là người tốt và chừng nào việc có con trở nên khả thi anh nhất định sẽ làm được chuyện ấy. Cô bảo hôn nhân không nên phụ thuộc vào chuyện ấy, cô nghĩ vậy, cho nên cô mới không muốn nhắc tới nó, và cha cô thật không phải khi lớn tiếng nói cho cả nhà biết như thế. Lẽ ra cô còn nói nhiều hơn; nhưng Mẹ Bề trên đã bùng nổ.

Ba năm lời lẽ trong bà tuôn trào (nhưng cơ thể bà, phải khẩn cấp căng ra để chứa chúng, không hề co lại). Ông tôi đứng chết trân bên chiếc Telefunken khi bão tố trút xuống đầu. Đây là ý ai? Ai bày ra cái kế hoạch rồ dại, cái-gì-không-biết, cho quân hèn hạ không làm nổi đàn ông ấy đến ở cái nhà này? Cho gã ở đây, cái-gì-không-biết, tự do như chim, cái ăn cái ở ba năm giời, ông quan tâm gì đến những ngày không thịt, ông thì biết đâu gạo châu củi quế?

Ai là kẻ nhu nhược, cái-gì-không-biết, phải, kẻ nhu nhược đầu bạc đã cho phép cái đám cưới trái luân thường này? Ai đã dắt con gái mình vào, cái-gì-không-biết, giường quân vô lại ấy? Đầu ai rặt những thứ ngu đần khốn nạn chẳng ma nào hiểu nổi, cái-gì-không-biết, não ai mềm nhũn ra vì những tư tưởng ngoại quốc hoang đường đến nỗi đẩy con mình vào một đám cưới bất bình thường đến thế? Ai cả đời đã xúc phạm Chúa, cái-gì-không-biết, và đây là báo ứng lên đầu ai? Ai đã gieo tai ương vào chính nhà mình... bà nhiếc móc ông tôi đúng một giờ mười chín phút, và khi bà chấm dứt thì mây cũng kiệt nước và ngôi nhà đầy những vũng nước nhỏ. Và, trước khi bà kết thúc, cô út Emerald đã làm một điều hết sức kỳ lạ.

Hai tay Emerald giơ lên ngang mặt, gập lại thành nắm đấm, riêng ngón trỏ thò ra. Ngón trỏ thọc vào lỗ tai và dường như nhấc bổng Emerald khỏi ghế cho đến khi cô bỏ chạy, tay vẫn nút trên tai, chạy – HẾT TỐC LỰC! - mà không có tấm dupatta, ra ngoài phố, qua những vũng nước, qua cái gác xe kéo, qua hàng trầu nơi mấy ông già mới vừa thận trọng ló mình ra giữa bầu không khí trong lành sau cơn mưa, và tốc độ của cô làm kinh ngạc lũ nhóc đang vào vị trí, đang chờ bắt đầu trò né qua né lại giữa những tia nước trầu, vì tất cả đều rất xa lạ với việc thấy một thiếu nữ, nhất lại là một trong ba Teen Batti, hoảng hốt chạy một mình qua những con phố sũng mưa với ngón tay nút tai và không có dupatta trên vai.

Ngày nay, ở thành thị không thiếu gì các cô tiểu thư hiện đại, thời trang, không quấn dupatta; nhưng hồi ấy mấy ông cụ buồn bã chắt lưỡi, vì một phụ nữ không có dupatta là một phụ nữ không có danh giá, và không rõ vì sao Emerald Bibi lại quyết định để danh giá ở nhà? Mấy ông già thấy khó hiểu, nhưng Emerald hiểu. Cô nhìn thấy, rõ ràng, trong trẻo, trong bầu không khí sau mưa, rằng căn nguyên những rắc rối của gia đình cô chính là gã phệ hèn nhát (phải, Padma) trốn trong lòng đất kia. Nếu trừ bỏ được gã mọi người sẽ lại hạnh phúc như xưa... Emerald chạy không dừng bước đến khu Doanh trại. Nơi quân đội đồn trú; nơi Thiếu tá Zulfikar ở đó! Phá bỏ lời thề, dì tôi chạy đến văn phòng anh ta.

Zulfikar là một cái tên nổi tiếng với tín đồ đạo Hồi. Đó là tên thanh gươm hai mũi của Ali, cháu trai của Nhà Tiên tri Muhammad. Đó là thứ vũ khí thế giới chưa từng thấy bao giờ.

Ồ, phải: còn một chuyện nữa cũng xảy ra trên thế giới vào hôm đó. Một thứ vũ khí thế giới chưa từng thấy bao giờ đang được ném xuống người dân da vàng ở Nhật Bản. Nhưng tại Agra, Emerald sử dụng vũ khí bí mật của riêng cô. Nó có đôi chân vòng kiềng, lùn, đầu bẹt; mũi gần chạm cằm; nó ao ước một ngôi nhà lớn hiện đại có bồn tắm lắp ngay cạnh giường.

Chưa bao giờ Thiếu tá Zulfikar tuyệt đối tin chắc liệu Nadir Khan có đứng sau vụ ám sát con Chim ngân nga hay không; nhưng anh ta nôn nao chờ cơ hội làm sáng tỏ việc này. Khi Emerald kể cho anh ta về lăng Taj Mahal dưới lòng đất, anh ta phấn khích đến mức quên cả giận dữ, liền bổ đến đường Cornwallis đem theo một tiểu đội mười lăm người. Họ xông vào phòng khách, dẫn đầu là Emerald. Dì tôi: sự phản bội mang gương mặt tuyệt mỹ, không dupatta, mặc quần thụng hồng. Aziz chết lặng nhìn toán lính cuộn tấm thảm phòng khách rồi nâng cánh cửa sập lên trong khi bà tôi ra sức vỗ về Mumtaz.

“Đàn bà thỉ phải lấy đàn ông,” bà bảo, “chứ không lấy chuột, cái-gì-không-biết! Con không phải xấu hổ khi bỏ, cái-gì-không-biết, con sâu ấy.” Nhưng con gái bà vẫn khóc.

Không hề có Nadir dưới thế giới ngầm! Được tiếng gầm đầu tiên của Aziz đánh động, bị chôn vùi bởi nỗi bấn loạn tràn ngập lòng gã dễ dàng hơn trận mưa mùa gió chướng, gã biến mất. Cánh cửa lật của một trong mấy nhà vệ sinh bị bật tung - phải, đúng nơi gã từng gọi Bác sĩ Aziz từ chỗ ẩn náu trong tủ giặt, sao lại không. Chiếc “hộp sẫm sét” bằng gỗ - một “ngai vàng” - nằm chỏng chơ, cái bô tráng men trống không lăn lóc trên tấm thảm xơ dừa. Nhà vệ sinh có cửa thông ra con ngõ cạnh ruộng ngô, cửa mở toang. Nó vốn được khóa ở ngoài, nhưng chỉ bằng khóa Ấn Độ, nên rất dễ phá... và trong gian biệt viện dưới ánh đèn mờ của Taj Mahal, là cái ống nhổ sáng bóng và một lời nhắn, gửỉ Mumtaz, do chồng cô ký, ba từ, sáu âm tiết, ba dấu chấm than:

Talaaq! Talaaq! Talaaq!

Tiếng Anh thiếu đi cái âm hưởng sét đánh của tiếng Urdu, và dù sao quý vị cũng biết nó nghĩa là gì. Tôi ly dị em. Tôi ly dị em. Tôi ly dị em.

Nadir Khan đã làm chuyện nên làm.

Ôi cơn thịnh nộ kinh hồn của Thiếu tá Zulfy khi biết con chim đã bay khỏi tổ! Trước mắt anh ta chỉ có một màu: đỏ. Ôi cơn giận có thể sánh ngang với trận lôi đình của ông tôi, dù chỉ hé lộ qua những cử chỉ nhỏ nhặt! Thiếu tá Zulfy, đầu tiên, lồng lộn đi ra đi vào trong niềm tuyệt vọng; sau cùng trấn tĩnh lại; và lao ra qua nhà tắm, qua ngai vàng, dọc ruộng ngô, qua cánh cổng bức tường vành đai. Chẳng thấy tăm hơi gì của gã thi sĩ không vần béo bệu, tóc dài vừa đào tẩu. Nhìn bên trái: không có gì. Bên phải: cũng không.

Chàng Zulfy điên dại cân nhắc, rồi cắm đầu chạy qua dãy xích lô. Mấy ông già đang chơi phụt-ống-nhổ và cái ống nhổ đang để giữa đường. Lũ nhóc, né qua né lại giữa những tia nước trầu. Thiếu tá Zulfy chạy, cắm-đầu-cắm-cổ. Qua giữa mấy ông già và cái đích, song anh ta lại thiếu cái lanh lẹ của lũ nhóc. Một khoảnh khắc thật đen đủi: một tia nước đỏ bay thấp và mạnh bắn ngay chóc vào háng anh chàng. Một vệt ố như bàn tay túm lấy đũng cái quần nhà binh, siết chặt, chặn anh ta lại. Thiếu tá Zulfy khựng lại trong cơn cuồng nộ.

Ôi, còn đen đủi hơn, vì một đấu thủ thứ hai, tưởng rằng anh lính điên dại sẽ chạy tiếp, phun ra một tia thứ hai. Bàn tay đỏ thứ hai siết chặt bàn tay thứ nhất và trọn vẹn một ngày đen đủi của Thiếu tá Zulfy... chậm rãi, quả quyết, anh ta bước tới cái ống nhổ mà đá nó đi, vào đám bụi. Anh ta nhảy lên nó - một! hai! nữa! - giẫm nó bẹp rúm, và nhất định không cho thấy nó làm đau chân anh. Rồi, với ít nhiều kiêu hãnh, anh ta tập tễnh bỏ đi, quay lại chiếc xe đậu trước nhà ông tôi. Mấy ông già nhặt lại cái đồ đựng vừa bị hành hạ tàn tệ ấy và bắt đầu gò nó lại hình dáng cũ.

“Em sắp lấy chồng,” Emerald bảo Mumtaz, “nếu chị không chịu khó vui vẻ lên một chút thì thật bất nhã. Mà chị cũng phải dặn dò em này nọ chứ.” Lúc này, dù mỉm cười với em gái, Mumtaz tự nhủ ở địa vị Emerald nói vậy thật quá hỗn xược; và, có lẽ chỉ vô tình, gia tăng áp lực lên cây bút chì cô dùng để vẽ hoa văn bằng phẩm henna lên lòng bàn chân em gái.

“Nào!” Emerald ré lên, “Không cần phải cáu thế! Em chỉ nghĩ ta nên cố gắng làm bạn của nhau.”

Quan hệ của mấy chị em đã có phần trở nên căng thẳng sau khi Nadir Khan mất tích; và Mumtaz không hề thích việc Thiếu tá Zulfikar (người đã quyết định không buộc tội ông tôi chứa chấp một đối tượng bị truy nã, và dàn xếp việc ấy với Chuẩn tướng Dodson) đến xin phép, và được phép, cưới Emerald.

“Như thế khác nào tống tiền,” cô nghĩ. “Gì thì gì, còn Alia thì sao? Con gái lớn không nên lấy chồng sau chót, và xem chị ấy kiên nhẫn với anh lái buôn cùa mình thế nào.” Nhưng cô không nói gì, chỉ nở nụ cười nhẫn nại, dành trọn đức chu đáo của cô cho việc chuẩn bị lẽ cưới, và bằng lòng chịu khó vui vẻ một chút; trong khi Alia tiếp tục chờ đợi Ahmed Sinai. (“Cô ấy sẽ chờ đến hết đời,” Padma đoán: chính xác.)

Tháng Một năm 1946. Lều rạp, bánh kẹo, khách khứa, hát hò, cô dâu ngất xỉu, chú rể đứng dơ như phỗng trước quá nhiều ánh mắt nhìn vào: một đám cưới linh đình... tại đây, anh lái buôn vải giả da, Ahmed Sinai, thấy mình hút vào câu chuyện với nàng Mumtaz vừa ly dị.

“Em yêu trẻ con? - trùng hợp quá, tôi cũng thế...”

“Em chưa có con à, cô gái tội nghiệp? À, thực tế là, vợ tôi không thể...”

“Ôi, không, khổ thân anh quá, tâm tính cô ấy chắc xấu lắm nhỉ!”

“…Ôi, như địa ngục... xin lỗi em. Cảm xúc mãnh liệt nó cuốn tôi đi.”

“- Có sao đâu, anh đừng nghĩ đến nữa. Chị ấy có ném bát đĩa các thứ không?”

“Có ném không ấy à? Một tháng liền chúng tôi phải ăn bằng giấy báo!”

“Không, trời ơi, anh bốc phét ghê quá!”

“Ôi, nào có ăn thua, có qua được mắt em đâu. Nhưng cô ấy có ném thật.”

“Khổ thân anh quá.”

“Không - em. Em mới khổ chứ.”

Và nghĩ: “Người đâu mà duyên thế, bên cạnh Alia lúc nào trông anh ấy cũng rất buồn chán...” Và, “Cô gái này, mình chả để ý bao giờ, nhưng trời ơi...” Và, “thấy rõ là anh ấy yêu trẻ con; mà như vậy mình có thể...” Và, “… Ừm, quan trọng gì cái nước da...” Dễ nhận thấy là, khi cần phải hát, Mumtaz tìm được nhiệt tình để hòa vào mọi khúc ca; trong khi Alia vẫn im lặng. Cô đã bị bầm tím còn nặng hơn cả cha mình hồi ở Jallianwala Bagh; nhưng quý vị không thấy dấu vết gì ở cô.

“Chà, em gái u sầu, cũng đã biết yêu đời rồi đấy nhỉ.”

Tháng Sáu năm ấy, Mumtaz tái giá. Chị cô - học theo mẹ mình - sẽ không nói chuyện với em gái cho đến ngày, ngay trước khi cả hai qua đời, nhìn thấy cơ hội báo thù. Aadam Aziz với Mẹ Bề trên cố gắng, nhưng bất thành, thuyết phục Alia rằng chuyện như thế vẫn xảy ra, thà biết sớm còn hơn muộn, rằng Mumtaz bị tổn thương sâu sắc và cần một người đàn ông giúp cô vượt qua... vả lại, Alia có đầu óc, cô sẽ ổn thôi.

“Nhưng, nhưng,” Alia nói, “có ai lấy sách làm vợ đâu.”

“Em đổi tên đi,” Ahmed Sinai bảo. “Đã đến lúc bắt đầu cuộc đời mới. Hãy vứt Mumtaz và Nadir Khan của cô ta ra cửa sổ, anh sẽ chọn cho em một cái tên mới. Amina. Amina Sinai: em thấy sao?”

“Anh nói sao cũng được, ông xã,” mẹ tôi đáp.

“Dào ôi,” Alia, đứa con khôn ngoan, viết trong nhật ký, “ai thèm dính vào ba cái trò cưới xin này? Không phải mình: không; không đời nào.”

Mian Abdullah là sự khởi đầu hụt của rất nhiều kẻ lạc quan; phụ tá của ông (cái tên không được nhắc đến tại nhà ông tôi) là ngoặt sai lầm của mẹ tôi. Nhưng đó là những năm hạn hán; rất nhiều mùa màng gieo trồng vào giai đoạn ấy rốt cuộc chẳng thu được gì.

“Chuyện gì xảy ra với gã bệu kia?” Padma bực bội hỏi, “Anh không định bảo là anh sẽ không kể đấy chứ?”


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...