Nhất Phẩm Giang Sơn
Chương 15: Sống ở Đại Tống
- Giờ Mẹo đã tới, nắng sớm mờ nhạt, ban ngày trời trong, bờ sông có bụi mù. Sớm muộn gì trời cũng lạnh, cần chuẩn bị áo ấm...
Trần Khác bị âm thanh này đánh thức, hắn xoa xoa đôi mắt lim dim ngái ngủ. Thực sự không thể tin vào tai của mình, đây là thứ gì, không ngờ là dự báo thời tiết! Xã hội cũ vạn ác này, cũng thật quá nhân tính hóa rồi.
Trần Hi Lượng đã thức dậy, múc nước từ bên ngoài đem vào, gọi mấy đứa con xuống giường rửa mặt súc miệng, sau đó ra ngoài ăn sáng...
Cái gọi là quot;Dân dĩ thực vi thiênquot;, trời vừa sáng, người đã phát sầu vì cái bụng rồi.
Người triều Tống cực biết hưởng thụ, cư dân thành trấn rất ít khi nổi lửa. Nhất là với bữa sáng, trên cơ bản đều do quán điểm tâm lân cận cung ứng, cháo điểm tâm, món vặt chay mặn, tùy người giàu có hay tằn tiện. Ngoài điểm tâm, họ còn phục vụ nước trà và canh nhị trần (canh nấu từ nguyên liệu bán hạ, trần bì, phục linh, cam thảo, có tác dụng loại ẩm tiêu đàm). Nếu khách còn lười hơn nữa, đến cả canh rửa mặt… cũng chính là nước rửa mặt, đều có thể mang đến cho khách. Đại khái đây chính là “Lung tụ kiêu dân” (kiêu dân đút tay vào tay áo) sớm nhất rồi.
Tuy khẳng định không lời bằng tự mình động thủ, nhưng người thời Tống rất ít khi tính toán sổ sách kinh tế này. Dù là thư sinh nghèo dẫn theo gia đình như Trần Hi Lượng, cũng xem chuyện này là lẽ dĩ nhiên.
Đương nhiên, nhà bọn họ mới đến lần đầu, vẫn chưa đặt cơm ở quán cơm, vì vậy chỉ có thể ra ngoài ăn.
Nghe thấy sáng sớm phải ra ngoài ăn, Ngũ Lang, Lục Lang đều nhảy nhót hân hoan, duy chỉ có Tam Lang Trần Khác nói:
- Vậy tốn tiền lắm…
- Thật hiểu chuyện, có điều sống không phải đi ra từ cái miệng.
Trần Hi Lượng xoa xoa đầu hắn, cười nói:
- Mấy ngày rồi không dùng một bữa đàng hoàng nào, mau đi thôi.
Sau khi rửa mặt chải đầu sơ qua, năm cha con ra ngoài. Lúc này, huyện thành xem như yên tĩnh. Tiếng cán nghiền, giã đập của quán bánh chiên, quán bánh hồ vang lên từ canh năm cũng khiến các huynh đệ càng thêm đói.
Trên đường đã xuất hiện những người bán rong mưu sinh, tiểu nhị của quán cơm đưa thức ăn, đẩy xe, gánh hàng qua lại không ngớt trong các con hẻm. Trần Hi Lượng tìm một tiểu nhị ca gánh thức ăn, hỏi rõ phương hướng mặt tiền quán ăn của y rồi dẫn các con đi theo, tìm đến quán điểm tâm treo bảng hiệu viết chữ “Thực” to tướng của người gánh hàng kia.
Quán điểm tâm này nằm gần bên dưới nhà sàn trên đường lớn. Những nhà sàn trên đường lớn này đều là cửa tiệm ở phía trước sân ở phía sau, rất nhiều người đến để buôn bán và ở trọ, thậm chí trực tiếp chính là nghiệp chủ, lợi dụng ưu thế vị trí để làm ăn buôn bán.
Mặt tiền cửa tiệm không lớn, chỉ có năm chiếc bàn, song nhìn thấy hộp thức ăn được gọi đưa ra tựa như nước chảy, liền biết được người ta buôn bán bên ngoài là chính, đương nhiên cũng hoan nghênh thực khách đến cửa. Trông thấy có khách đến, tiểu nhị tươi cười niềm nở chào hỏi:
- Khách quan lần đầu đến dùng điểm tâm, bổn gia có nhiều món ăn lắm, canh cũng đa dạng nữa!
- Làm phiền tiểu nhị ca rồi.
Trần Hi Lượng dẫn bốn đứa con tiến vào bên trong, ngồi quây quần quanh một bộ bàn ghế bằng gỗ bách. Ở thời đại này, người chưởng quản quầy gọi là đại ca, người quản tiểu nhị gọi là nhị ca…
- Khách quan có vẻ lạ mặt, hình như là lần đầu đến đây.
Tiểu nhị kia bưng cháo miễn phí đến, khách khí chào hỏi.
- Hôm qua mới dọn đến đây.
- Chúc mừng đã dọn đến chỗ tốt.
Tiểu nhị chắp tay cười, vừa nói vừa chỉ một dãy thẻ bài bằng trúc sau quầy:
- Bổn tiệm am hiểu về làm bánh nhất, có điều năm loại sau đã vơi hết từ sáng sớm. Khách quan xem muốn dùng món nào?
Cha con Trần gia thuận theo hướng chỉ của y, liền nhìn thấy trên mỗi thẻ bài viết nhiều loại bánh khác nhau, mỗi loại đều niêm yết giá rõ ràng. Nào là bánh nướng, bánh canh, bánh hấp, bánh vòng, bánh tô, vừa đủ bảy, tám loại. Cũng có món không phải là bánh, tỷ như màn thầu, há cảo, vằn thắn…
Trần Khác điều động ký ức của Tam Lang mới bỗng nhiên tỉnh ngộ. Thì ra ở thời Tống, bánh không chỉ là những thực phẩm hình tròn phải trải qua gia công nấu nướng mà thành. Phàm là thực phẩm làm từ bột mì đều gọi là bánh, ở thời này gọi là “bánh nướng”. Bánh canh chính là canh nấu từ những miếng bột mỏng. Bánh hấp nguyên là bánh chưng, vì tránh phạm húy đương kim quan gia mới đổi tên là “bánh hấp”, kì thực chính là màn thầu chưng trong lồng hấp. Về phần màn thầu thời này, thực ra là bánh bao có nhân…
Trần Hi Lượng gọi năm chén bánh canh, một lồng màn thầu. Ông ta sợ không đủ nên kêu thêm năm chiếc bánh hấp, ai ngờ gần như trong nháy mắt đã không còn gì sót lại... Bọn nhỏ đói cực kỳ, cũng tham cực kỳ, đó gọi là gió cuốn mây tan, không lưu mảnh giáp! Giống như Trần Khác, đến thế giới này chưa từng ăn qua món nào đàng hoàng, hiện tại cảm thấy mình có thể ăn cả một đầu trâu. Ngũ Lang còn đói khát hơn hắn, mấy ngày rồi Nhị Lang không được ăn đàng hoàng, đến cả tiểu Lục Lang cũng ra sức nhét vào miệng, tựa như đột nhiên sẽ không được ăn nữa.
- Ăn chậm thôi, đừng để mắc nghẹn, gọi thêm là được rồi.
Trần Hi Lượng đau lòng đến đầu mũi cay cay, khẩn trương kêu thêm thức ăn. Sau cùng lại có thêm năm lồng màn thầu, ba chén bánh canh, mười chiếc bánh hấp mới lấp đầy bao tử của bọn nhỏ.
- Nhận được chiếu cố, năm mươi hai đồng. Khách quan lần đầu đến đây, chưởng quầy nói chỉ tính năm mươi đồng thôi.
Tiểu nhị tươi cười niềm nở báo giá tiền.
- Đa tạ đa tạ.
Trần Hi Lượng vừa đưa tiền vừa đau lòng, nửa tháng tiền thuê nhà đã đi tong… Chẳng trách có câu “Tiểu tử mới lớn, ăn chết lão tử”, hiện tại bốn tiểu tử mới lớn này chẳng phải muốn ăn chết đến hai lão tử đó sao?
Ăn cơm xong, ông ta kêu Nhị Lang đưa ba đệ đệ về trước:
- Cha đi đến huyện nha lo xong chuyện khế ước, mấy huynh đệ con dọn dẹp nhà một chút, không được nghịch ngợm.
Cha con tách ra ở trước cửa tiệm, Trần Hi Lượng đi hội hợp với Khâu Lão nhân, Trần Thầm thì dẫn các đệ đệ trở về.
Trên đường về, mặt trời đã lên cao, đường xá trở nên náo nhiệt hơn. Cửa hiệu đã tháo dỡ cửa xếp, treo bảng hiệu lên, bày ra thương phẩm của nhà họ… Giấy vàng, giấy bạc trong tiệm giấy được ánh bình mình rọi qua sáng loáng; hiệu khăn vấn đầu thì trải những chiếc mũ đủ màu sắc lên chiếc bàn dài dọn ra trên đường; hiệu vải lụa xếp từng xấp vải hoa mới lên quầy hàng; hiệu gốm sứ dọn ra từng bình gốm sứ to nhỏ; lò rèn bắt đầu leng keng; hiệu thuốc lại tỏa ra hương vị mà Tam Lang quen thuộc…
Ngoại trừ những cửa hiệu buôn bán muôn hình vạn trạng, còn có những người bán dạo gánh hàng, đẩy xe thái bình (một loại xe cổ của Trung Quốc có lều, hình chữ nhật, hai bên có bốn bánh xe bằng gỗ), rao hàng dọc theo đường phố. Có người bán dây buộc mâm và nồi đất, có người bán dầu, giầy cỏ, làm rắn bán thuốc, chà gương, bán giấy, bán hương, buôn muối, chế tác hoa thông thảo (dùng để làm đồ trang trí trong nhà), bán canh máu heo và dê, bán phấn hoa, bán gừng, bán quà bánh nướng,...
Hơi thở cuộc sống sinh động mà mãnh liệt ập vào mặt khiến Tam Lang hoàn toàn ngây dại. Đến thế giới này được vài ngày, nhưng hắn luôn có cảm giác xa cách mạnh mẽ. Mãi đến khoảnh khắc này, nhìn thấy cảnh sinh hoạt tràn trề sức sống, hắn phát hiện mình cũng đang hòa vào đó. Cuối cùng hắn cũng cảm thấy mình đang sống, sống ở triều Đại Tống.
…..
Hắn vốn muốn đi dạo cho thỏa, nhưng đành cam chịu vì ở nhà vẫn còn một đống việc phải làm. Mấy huynh đệ chỉ có thể rời khỏi đường lớn, trở về tiểu viện của họ.
Vừa trở về, mấy huynh đệ ngẩn ra nhìn căn phòng bừa bộn này. Từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, chẳng có chỗ nào là không cần dọn, quả thực không biết bắt đầu từ đâu?
- Nhân công đắt không?
Cha không ở đây, Trần Khác không ra vẻ trẻ con nữa. Nếu phụ huynh đã thiếu đi kinh nghiệm sống, tự mình phải khởi động gia đình này. Tuổi tác là trở ngại lớn nhất, nhưng cũng may Trần Thầm đã quen với sự khác thường của hắn.
- Nhân công nào?
Sau một lúc Trần Thầm mới phản ứng lại:
- Năm trước sửa lại nhà tổ, đại bá mời thợ xây đến, nói là một ngày tốn đến một trăm đồng.
- Ây…
Trần Khác thở dài nói:
- Một tháng tiền thuê nhà à.
- Chà…
Trần Thầm không kìm được trợn trắng mắt:
- Là đệ chém giá quá độc ác rồi.
- Chúng ta múc nước lau nhà trước đi, cầu trời gần đây đừng mưa.
Trần Khác vỗ vỗ mông đứng dậy, xách thùng đến giếng trời múc nước.
Đợi đến khi trong và ngoài phòng đã được dọn dẹp đáng kể, Trần Hi Lượng cũng về đến nhà. Ông ta xách theo một sọt trúc, bên trong chất đầy gạo tẻ cùng rau xanh, còn có hai con cá nhỏ dài bằng bàn tay, dùng cành liễu xuyên qua treo ở bên sọt. Sau lưng còn có hai nam nhân mặc y phục gọn nhẹ, gánh theo hai sọt đựng nồi, chén, muôi, chậu, ghế dài và thớt, trong tay còn cầm dao làm bếp... Xem ra một bữa ăn sáng đã làm ông ta kinh hoảng rồi, quyết định nấu ăn ở nhà.
Mời nam nhân kia đem sọt vào khu bếp ở phía đông, Trần Hi Lượng liền thanh toán tiền hàng với y. Sau khi nam nhân kia nói lời cảm tạ liền cười nói:
- Quan nhân hẳn là vừa mới dọn đến đây, tôi cư ngụ ở con đường phía trước.
- Hóa ra là hàng xóm, mời vào trong ngồi.
Trần Hi Lượng xếp những băng ghế dài vào phòng chính ở khu nhà phía bắc, miễn cưỡng cũng có thể đón khách.
- Hôm nay không được, vẫn còn cửa hàng phải trông coi.
Nam nhân kia cười nói:
- Đợi quan nhân ổn định rồi, tôi hẹn sẽ cùng hàng xóm láng giềng đến chúc mừng.
- Hoan nghênh hoan nghênh.
Trần Hi Lượng chắp tay nói.
Sau khi tiễn nam nhân kia rời đi, Trần Hi Lượng liền vén tay áo, vào bếp nhóm lửa nấu cơm. Thư sinh từng đến kinh thành ứng thí, núi cao đường xa, không phải lúc nào cũng có thể tìm thấy nhà trọ. Ngoài những con cháu phú gia dẫn theo thư đồng và đầu bếp ra, thì những người khác đều phải tự tay nấu cơm.
Đương nhiên trình độ trù nghệ (tay nghề làm bếp) của Trần Hi Lượng, nói ra có phần sỉ nhục hai chữ “trù nghệ” này, cũng chỉ giới hạn trong việc nấu sống thành chín. Kết quả nấu cơm thành hồ, rau xào lại đắng, đến cả nấu canh, cũng tựa như nước rửa nồi…
Làm xong việc nhà suốt buổi sáng, bọn trẻ lại đói bụng rồi. Một bàn đầy đồ ăn, mặc kệ là ngon hay dở, gần như trong nháy mắt tất cả đều sạch trơn. Trông thấy bọn nhỏ ăn sạch sành sanh một thùng cơm đầy, Trần Hi Lượng lại lấy làm kinh hãi, đây vốn là cơm chuẩn bị cho hai bữa ăn mà…
Xem ra không quá hai ngày, lại phải mua thêm gạo rồi. Một Trần Hi Lượng chưa từng lo việc nhà, từng cơn đau đầu lại ập đến. Ông ta vốn dĩ chuẩn bị qua vài ngày nữa, lại ra ngoài đi đòi nợ… Loại công tác đòi nợ có độ khó cao này, thật sự nghĩ đến phải sợ hãi. Nhưng hôm nay giao tiền thuê nhà, mua những vật dụng hàng ngày kia đã khiến ông ta tốn một nửa khoản tiền tích góp. Hiện tại xem ra, vẫn nên làm sớm chứ không làm muộn, cứ bắt đầu từ ngày mai đi.
Sau khi bọn nhỏ thu dọn chén đũa, Trần Hi Lượng liền bảo chúng ngồi xuống, thành khẩn nói:
- Tuy trong nhà hiện tại tương đối khó khăn, nhưng thời gian không chờ đợi con người. Nghiệp học của các con mà dang dở, một đời cũng không thể bù đắp lại được.
Dứt lời, ông ta lấy ra ba quyển sách từ trong rương sách:
- Tam Lang, Ngũ Lang, Lục Lang, các con đã để phí một mùa xuân rồi, một giờ cũng không thể lãng phí nữa. Từ mai trở đi, các con nên dụng tâm đọc sách.
Ông ta lại chuyển sang nói với Nhị Lang:
- Hai ngày này vi phụ bận việc, Nhị Lang con tạm ở lại hai ngày, trước tiên thay cha trông các đệ đệ, không cho phép chúng lười biếng