Người Truyền Ký Ức
Chương 10
Việc không cần tuân theo luật chống khiếm nhã khiến cậu giật mình. Dù vậy, cậu đã đọc lại và nhận ra nó không bắt cậu phải bất lịch sự; nó chỉ đơn thuần cho phép cậu làm điều đó. Cậu khá tin tưởng rằng mình sẽ không bao giờ dùng đến điều đó. Cậu đã quá quen với phép nhã nhặn trong cộng đồng đến nỗi ý tưởng hỏi người khác một câu hỏi riêng tư, đẩy họ đến tình huống khó xử, khiến cậu bực mình.
Không được phép kể về giấc mơ, cậu nghĩ điều đó không thành vấn đề. Cậu rất hiếm khi mơ nên dù sao việc kể về nó cũng không dễ dàng lắm với cậu, và cậu rất vui vì được miễn làm điều đó. Dù vậy, trong một chốc, cậu đã tự hỏi, làm thế nào để giải quyết nó vào bữa ban sáng. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu cậu có mơ – liệu có nên chỉ việc nói với gia đình rằng cậu không mơ như cậu vẫn thường làm không? Như thế là nói dối. Tuy nhiên, điều luật cuối cùng có nói… chà, cậu chưa thật sẵn sàng nghĩ về điều luật cuối cùng.
Việc hạn chế sử dụng dược phẩm khiến cậu bức xúc. Mọi cư dân, kể cả trẻ em – thông qua bố mẹ chúng, đều có thể dễ dàng có được dược phẩm. Lần bị kẹp tay vào cánh cửa, cậu đã nhanh chóng hổn hển nói vào loa, thông báo cho Mẹ biết, bà vội vàng yêu cầu thuốc giảm đau và thuốc ngay lập tức được chuyển tới nhà. Gần như ngay tức khắc, cơn đau dữ dội trên tay cậu chỉ còn hơi nhưng nhức, cảm giác duy nhất cậu còn nhớ được về chuyện này.
Khi đọc lại điều luật số 6, cậu nhận ra rằng ngón tay bị kẹp thuộc loại “không tập huấn”. Vậy là dù chuyện đó có lập lại, cậu vẫn có thể dùng được dược phẩm, nhưng cậu tin chắc nó sẽ không xảy ra nữa, từ sau lần đó cậu rất cẩn thận mỗi khi lại gần những cánh cửa nặng.
Loại thuốc cậu đang dùng hiện nay, vào mỗi sáng, cũng không liên quan gì đến tập huấn. Vậy là cậu sẽ tiếp tục uống thuốc.
Nhưng cậu rất lo lắng khi nhớ lại lời Trưởng lão nói về sự đau đớn trong quá trình tập huấn. Bà gọi nó là “không thể diễn tả được”.
Jonas nuốt nước bọt, cố hình dung ra sự đau đớn đó sẽ như thế nào, khi hoàn toàn không có dược phẩm. Nhưng nó nằm ngoài nhận thức của cậu.
Cậu không hề có phản ứng gì với điều luật số 7. Chưa bao giờ cậu nghĩ rằng có lý do gì để đăng kí xin được phóng thích cả.
Cuối cùng, cậu lấy hết dũng khí để đọc lại điều luật cuối cùng. Từ khi còn rất nhỏ, từ khi mới được học ngôn ngữ, cậu đã được rèn luyện không bao giờ nói dối. Đó là một phần không thể thiếu trong việc luyện cách nói chính xác. Có một lần, khi mới là một cậu Bốn, cậu đã nói ngay trước bữa ban trưa ở trường, “Cháu sắp chết đói rồi đây.”
Lập tức cậu bị lôi ra một chỗ và được dạy riêng một bài học ngắn về sự chính xác ngôn từ. Không phải là cậu sắp chết đói, điều đó được chỉ ra. Cậu đang đói. Không ai trong cộng đồng chết đói cả, chưa từng và sẽ không bao giờ chết đói. Nói “chết đói” có nghĩa là nói dối. Hẳn nhiên là một lời nói dối không chủ ý. Nhưng lý do cần có sự chính xác ngôn từ là để đảm bảo rằng những lời nói dối không chủ ý không bao giờ phát ra. Họ hỏi cậu có hiểu điều đó không, và cậu gật đầu.
Theo những gì cậu nhớ, Jonas chưa từng muốn nói dối bao giờ. Asher không nói dối. Lily không nói dối. Bố mẹ cậu cũng vậy. Không ai nói dối cả. Trừ khi…
Lúc này Jonas nghĩ đến một điều trước đây cậu chưa từng để ý. Ý nghĩ mới này thật đáng sợ. Nếu những người khác – người lớn – khi trở thành Mười hai, cũng nhận được trong bảng chỉ dẫn dòng khủng khiếp này thì sao?
Nếu họ đều được dạy rằng: Có thể nói dối, thì sao?
Đầu óc cậu quay cuồng như chong chóng. Giờ đây, khi đã có quyền đặt những câu hỏi vô cùng khiếm nhã – và hứa hẹn được trả lời – cậu có quyền, về lý thuyết (dù điều này gần như không thể tưởng tượng được) hỏi một ai đó, một người lớn nào đó, bố cậu chẳng hạn: “Bố có nói dối không?”
Nhưng cậu sẽ không có cách nào biết được câu trả lời mình nhận được là thật hay không.
“Tớ vào chỗ này, Jonas ạ,” Fiona nói với cậu khi chúng tới cửa trước của Nhà Dưỡng lão sau khi đỗ xe vào bãi.
“Không hiểu sao tớ lại thấy căng thẳng,” cô thú nhận. “Tớ đã đến đây rất thường xuyên mà.” Cô lật tập tài liệu trên tay.
“Chà, bây giờ mọi thứ khác rồi,” Jonas nhắc.
“Kể cả biển tên trên xe chúng ta nữa,” Fiona cười lớn. Trong đêm, biển tên của mỗi cô cậu Mười hai mới đều được Đội Bảo dưỡng tháo ra và thay thế bằng mẫu biển cho biết đây là những “công dân thực tập”.
“Tớ không muốn bị muộn giờ đâu,” cô nói vội rồi leo lên những bậc thang. “Nếu học xong cùng một giờ, tớ sẽ đi về với cậu.”
Jonas gật đầu, vẫy tay chào cô, rồi đi vòng qua tòa nhà đến cửa Nhà Chái. Một khu nhà phụ ở đằng sau. Chắc chắn cậu cũng không muốn đến muộn trong ngày đầu tiên của đợt tập huấn.
Nhà Chái trông rất bình thường, cửa sổ của nó chẳng có gì nổi bật. Cậu định cầm vào cái móc cửa nặng nề, rồi nhận ra chiếc chuông trên tường. Vậy là cậu ấn chuông thay vì gõ cửa.
“Vâng?” Giọng nói phát qua một chiếc loa nhỏ phía trên cái chuông.
“Cháu là, ừm, Jonas. Cháu là người mới – ý cháu là…”
“Mời vào,” một tiếng cách vang lên cho biết cửa đã được mở khóa.
Tiền sảnh rất nhỏ, và chỉ có độc một chiếc bàn, bên nó là một Nhân viên Lễ tân nữ đang ngồi làm việc với thứ giấy tờ gì đó. Cô nhìn lên khi Jonas bước vào; và rồi cô đứng dậy, khiến cậu rất ngạc nhiên. Đứng lên chào thì chỉ là chuyện nhỏ; nhưng trước giờ chưa từng có ai tự động đứng dậy khi Jonas xuất hiện cả.
“Chào mừng ngài, Người Tiếp nhận Ký ức,” cô kính cẩn nói.
“Ôi đừng,” cậu trả lời ngượng nghịu. “Gọi cháu là Jonas thôi.”
Cô mỉm cười, nhấn một cái nút, và cậu nghe thấy tiếng cách khi chiếc cửa bên trái cô được mở khóa. “Cậu có thể vào luôn phía trong,” cô nói.
Rồi dường như cô đã nhận ra được vẻ lúng túng của cậu và hiểu được nguyên nhân. Chưa từng có cánh cửa nào trong cộng đồng bị khóa cả. Ít ra cũng không có cái nào trong số Jonas đã biết.
“Khóa cửa chỉ để đảm bảo sự tách biệt cho Người Tiếp nhận, vì anh ta cần tập trung,” cô giải thích. “Chúng ta sẽ gặp rắc rối nếu người dân đi lạc vào, để tìm kiếm Sở Sửa chữa Xe đạp hay cái gì đó.”
Jonas phá lên cười, cảm thấy bớt căng thẳng. Người phụ nữ có vẻ thân thiện, và quả là – thực ra nó đã trở thành chuyện cười trong khắp cộng đồng – Sở Sửa chữa Xe đạp, một văn phòng nhỏ không quan trọng, quá thường xuyên chuyển chỗ đến mức chẳng ai biết nó ở đâu.
“Không có gì nguy hiểm ở đây đâu,” cô nói.
“Nhưng,” cô nói thêm, liếc nhìn chiếc đồng hồ treo tường, “ông ấy không thích phải chờ đợi đâu.”
Jonas vội đi qua cửa và thấy mình đang ở trong một khu sinh hoạt được trang bị tiện nghi. Nó không khác nhiều so với nhà ở của chính tổ gia đình cậu. Đồ nội thất đã được tiêu chuẩn hóa khắp cộng đồng: thiết thực, vững chắc, và chức năng của từng món phải được định rõ. Giường là để ngủ. Bàn để ăn. Bàn giấy để học.
Tất cả những thứ đó đều có trong căn phòng rộng rãi này, dù từng thứ đều có chút khác biệt với đồ đạc trong nhà Jonas. Vải bọc trên ghế nệm và tràng kỷ dày hơn một chút và sang hơn; chân bàn thì không thẳng như ở nhà, mà thon và còn được chạm khắc một chút ở đế. Chiếc giường, nằm trong một góc thụt vào ở xa phía cuối phòng, phủ một tấm vải lộng lẫy, toàn bộ bề mặt của nó có thêu những họa tiết phức tạp.
Nhưng sự khác biệt dễ thấy nhất là những cuốn sách. Ở nhà cậu có những tập sách tham khảo cần thiết là mỗi hộ gia đình đều có: một cuốn từ điển, một tập danh bạ công đồng, mô tả chi tiết mọi văn phòng, nhà máy, cao ốc và hội đồng. Và đương nhiên là cả Sách luật nữa.
Những cuốn sách trong nhà ở của mình là những cuốn duy nhất cậu từng thấy. Cậu không hề biết có tồn tại những cuốn sách khác.
Nhưng những bức tường của căn phòng này thì xếp đầy những tủ sách đầy ắp, cao đến tận trần nhà. Phải có đến hàng trăm, có khi hàng nghìn cuốn sách, tiêu đề đắp nổi sáng loáng.
Jonas nhìn chằm chằm những cuốn sách. Cậu không thể tưởng tượng trong hàng ngàn trang giấy ấy có những gì. Chẳng lẽ vẫn còn luật lệ ngoài những luật quản lý cộng đồng? Hay là có nhiều mô tả hơn về những văn phòng, nhà máy và hội đồng?
Cậu chỉ có một giây để nhìn quanh vì cậu nhận ra có một người ngồi trên chiếc ghế cạnh bàn đang nhìn cậu. Cậu vội vàng tiến tới, đứng trước ông, khẽ cúi chào và nói, “Cháu là Jonas.”
“Ta biết. Chào mừng cậu, Người Tiếp nhận Ký ức.”
Jonas nhận ra, ông chính là vị Bô lão trông có vẻ tách biệt với những người khác tại Nghi lễ, dù ông mặc cùng loại trang phục đặc biệt mà chỉ có Bô lão mới được mặc.
Jonas e dè nhìn vào đôi mắt màu nhạt giống hệt như mắt cậu
“Thưa ngài, cháu rất xin lỗi vì sự thiếu hiểu biết của mình…”
Cậu chờ đợi, nhưng ông không đáp lại bằng câu “chấp nhận” đúng mẫu.
Sau một lúc, Jonas nói tiếp, “Nhưng cháu đã nghĩ – ý cháu là cháu nghĩ,” cậu sửa lại, tự nhắc nhở rằng nếu tính chính xác của ngôn ngữ có bao giờ quan trọng, thì chính là lúc này, “ngài mới là Người Tiếp nhận Ký ức. Cháu chỉ, ừm, cháu mới chỉ được giao nhiệm vụ, ý cháu là được lựa chọn, ngày hôm qua.
Cháu vẫn chưa là gì cả.”
Người đàn ông không nói gì, chỉ nhìn cậu trầm tư. Đó là cái nhìn lẫn cả sự thích thú, tò mò, lo âu và có lẽ một chút thông cảm nữa.
Cuối cùng ông cũng lên tiếng: “Bắt đầu từ ngày hôm nay, từ giây phút này, ít ra là với ta, cậu là Người Tiếp nhận.”
“Ta đã là Người Tiếp nhận trong một thời gian dài. Một thời gian rất dài, rất dài. Cậu có thể thấy điều đó phải không?”
Jonas gật đầu. Mặt ông đã nhăn nheo, và đôi mắt ông, dù thấu suốt và tinh anh hiếm thấy, lại có vẻ mệt mỏi. Vùng thịt xung quanh đôi mắt sạm lại thành những quầng tối.
“Cháu thấy rằng ngài đã rất già,” Jonas kính cẩn đáp lại một cách kính trọng. Người Già luôn có được sự kính trọng cao nhất.
Người đàn ông mỉm cười. Ông chạm vào vùng thịt xệ cuống trên khuôn mặt mình với vẻ thích thú. “Thực ra ta không già như vẻ bên ngoài đâu,” ông nói với Jonas. “Công việc này đã khiến ta già cỗi. Ta biết trông ta như thể sắp được phóng thích đến nơi vậy. Nhưng thực chất ta còn khá nhiều thời gian.
“Tuy nhiên, ta rất vui vì cậu được lựa chọn. Họ đã mất một thời gian dài. Thất bại ở lần lựa chọn trước, cách đây mười năm rồi, còn sức lực của ta thì bắt đầu giảm sút. Ta cần toàn bộ sức mạnh còn lại để huấn luyện cậu. Chúng ta phải thực hiện một công việc khắc nghiệt và đầy gian khổ, cả hai chúng ta.”
“Ngồi xuống đi,” ông nói, ra hiệu cho cậu ngồi vào chiếc ghế cạnh đó. Jonas hạ người xuống chiếc ghế bọc đệm mềm mại.
Người đàn ông nhắm mắt lại và vẫn tiếp tục nói. “Khi còn là một đứa Mười hai, ta cũng được lựa chọn như cậu vậy. Ta đã rất hoảng hốt, và ta chắc cậu cũng vậy.” Ông mở mắt trong một lúc và nhìn sang Jonas. Cậu gật đầu.
Đôi mắt lại nhắm lại. “Ta đã tới chính căn phòng này để bắt đầu quá trình tập huấn. Đã lâu lắm rồi.
“Ta cũng thấy Người Tiếp nhận tiền nhiệm già cỗi y như cậu thấy ta vậy. Ông ấy cũng mệt mỏi như ta hôm nay.”
Ông đột ngột nhổm về phía trước, mở mắt và nói, “Cậu có thể đặt câu hỏi. Ta có rất ít kinh nghiệm trong việc diễn tả quá trình này. Việc nói về nó là không được phép.”
“Cháu biết, thưa ngài. Cháu đã đọc chỉ dẫn rồi ạ,” Jonas nói.
“Vậy ta sẽ bỏ qua việc phải cố gắng hết sức giải thích rõ mọi thứ.” Ông cười nho nhỏ. “Công việc của ta quan trọng và vô cùng vinh dự. Nhưng điều đó không có nghĩa là ta hoàn hảo, và trước đây, khi cố đào tạo một người kế tục, ta đã thất bại. Hãy hỏi bất cứ câu hỏi nào có thể giúp ích cho cậu.”
Trong đầu Jonas có rất nhiều câu hỏi. Cả nghìn câu. Cả vạn câu. Số câu hỏi nhiều như những cuốn sách xếp trên tường. Nhưng cậu không hỏi câu nào cả, chưa phải lúc.
Người đàn ông thở dài, dường như đang sắp xếp lại những ý nghĩ trong đầu. Rồi ông lại bắt đầu. “Đơn giản mà nói,” ông nói, “dù việc này chẳng đơn giản chút nào, thì công việc của ta là truyền lại cho cậu tất cả những ký ức mà ta nắm giữ. Những ký ức về quá khứ.”
“Thưa ngài,” Jonas ngập ngừng, “cháu rất hứng thú nếu được nghe câu chuyện về cuộc đời ngài, và lắng nghe những ký ức của ngài.”
“Cháu xin lỗi vì đã chen ngang,” cậu vội nói thêm.
Người đàn ông sốt ruột xua tay, “Trong phòng này thì không phải lỗi phải gì hết. Chúng ta không có thời gian đâu.”
“Ừm,” Jonas nói tiếp, cảm thấy không thoải mái khi nhận ra hình như mình lại đang ngắt lời ông, “Cháu thật sự rất hứng thú, cháu không phủ nhận điều đó. Nhưng cháu không hiểu chính xác vì sao nó lại quan trọng đến vậy. Cháu có thể làm công việc người lớn nào đó trong cộng đồng, và vào giờ giải lao cháu có thể đến nghe những câu chuyện thời thơ ấu của ngài. Cháu muốn vậy hơn. Thật ra,” cậu nói thêm, “cháu đã từng làm vậy, trong Nhà Dưỡng lão. Người Già rất thích kể về tuổi thơ của họ, và cháu luôn thấy chúng rất thú vị.”
Người đàn ông lắc đầu. “Không, không đâu,” ông nói “Ta đã không nói rõ. Thứ ta phải truyền cho cậu không phải là quá khứ hay tuổi thơ của ta.”
Ông dựa về đằng sau, ngả đầu vào lưng ghế đệm. “Đó là ký ức của toàn thế giới,” ông nói trong tiếng thở dài. “Trước khi có cậu, trước ta, trước Người Tiếp nhận tiền nhiệm, và cả những thế hệ trước ông ấy nữa.”
Jonas cau mày, “Toàn thế giới?” Cậu hỏi. “Cháu không hiểu. Ý ngài là không chỉ chúng ta? Không chỉ cộng đồng này? Ý ngài là cả Nơi Khác sao?” Trong tâm trí, cậu cố gắng hiểu khái niệm đó. “Cháu rất tiếc, thưa ngài. Cháu thực sự không hiểu. Có lẽ cháu không đủ thông minh. Cháu không hiểu ý ngài khi ngài nói ‘cả thế giới’ hay ‘những thế hệ trước ông ấy’. Cháu đã nghĩ là chỉ có chúng ta. Chỉ hiện tại thôi.”
“Còn có hơn thế rất nhiều. Đó là tất cả những thứ bên kia giới hạn – tất cả những thứ ở Nơi khác và tất cả những thứ từ ngày xửa ngày xưa. Ta đã tiếp nhận tất cả những thứ đó, khi ta được lựa chọn. Và hoàn toàn đơn độc trong căn phòng này, ta sống đi sống lại những trải nghiệm đó. Đó là cách trở nên thông thái. Và là cách chúng ta định hình tương lai.”
Ông nghỉ một lát, hít thật sâu. “Ta bị chúng đè nặng lên mình,” ông nói.
Đột nhiên, Jonas cảm thấy lo lắng cho người đàn ông này khủng khiếp.
“Nó cứ như là…” Ông dừng lại, dường như đang lục trong trí óc những từ thích hợp để diễn tả. “Nó giống như đi xe trượt tuyết xuống dốc trong đợt tuyết dày,” cuối cùng ông cũng nói. “Lúc đầu thật là phấn khích: tốc độ, không khí trong lành và lạnh buốt, nhưng sau đó tuyết sẽ tích tụ lại, đông cứng vào thanh trượt, và ta sẽ đi chậm lại, ta phải cố hết sức để đi tiếp và...”
Chợt ông lắc mạnh đầu, và nhìn sang Jonas. “Điều đó không có nghĩa gì với cậu đúng không?” Ông hỏi.
Jonas lúng túng: “Cháu không hiểu điều đó, thưa ngài.”
“Hẳn nhiên là cậu không hiểu rồi. Cậu không biết tuyết là gì đúng không?”
Jonas lắc đầu.
“Xe trượt tuyết thì sao? Thanh trượt?”
“Không thưa ngài,” Jonas nói.
“Xuống dốc? Từ này không có nghĩa gì với cậu ư?”
“Không, thưa ngài.”
“Thôi được, đó sẽ là điểm khởi đầu. Ta cứ băn khoăn mãi không biết nên bắt đầu thế nào. Ra phía giường đi, và nằm úp mặt xuống. Trước hết hãy cởi áo trùm của cậu đã.”
Jonas làm theo, trong lòng thoáng chút lo lắng. Dưới bộ ngực trần, cậu cảm thấy những nếp gấp mềm mại của thứ vải lộng lẫy phủ giường. Cậu quan sát người kia đứng dậy và đầu tiên là tiến về bức tường có loa. Cái loa đó cùng loại với những cái loa có trong mọi nhà ở, nhưng nó có một điểm khác biệt. Nó có một công tắc, và người đàn ông đã khéo léo ấn tách một cái ở đầu ghi chữ TẮT.
Jonas suýt nữa thì hét lên, có quyền lực để tắt loa đi, quả là một điều đáng kinh ngạc! Rồi người kia di chuyển mau lẹ lạ thường tới góc phòng đặt giường. Ông ngồi trên chiếc ghế cạnh Jonas, lúc này đang bất động, chờ đợi chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo.
“Nhắm mắt vào. Thả lỏng đi. Sẽ không đau đâu.”
Jonas nhớ lại rằng mình được phép, và thậm chí được khuyến khích đặc câu hỏi. “Ngài định làm gì, thưa ngài?” Cậu hỏi, hy vọng giọng mình không để lộ sự căng thẳng.
“Ta chuẩn bị truyền ký ức về tuyết,” ông già nói, và đặt hai tay lên tấm lưng trần của Jonas.
Top Truyện Hot Nhất
Truyện hot hiện nay
Bình luận
Sắp xếp