Người Phiên Dịch
Chương 8
Trời nhá nhem tối, tôi rời khỏi khách sạn rồi bắt xe buýt về thành phố, trở về trường. Lưng vẫn còn đau, tôi co chân lại rồi tì cằm lên đầu gối. Xe cộ đi lại men theo đường biển, tôi có thể nhìn thấy đường chân trời mờ mờ. Gió biển thổi vào mang theo những hạt cát nhỏ, trong lòng tôi không ngừng gọi tên một người, Trình Gia Dương, Trình Gia Dương.
Trình Gia Dương
Lúc Phi mặc xong quần áo chuẩn bị đi, tôi đã làm một việc hết sức ngu xuẩn. Thực ra tôi không hề có ý gì cả, tôi chỉ biết cô ấy đang rất cần tiền, nên đã rút ba nghìn tệ từ trong ví ra đưa cho cô.
Cô nhìn xấp tiền, rồi nhìn tôi. “Em đã nhận được tiền rồi”.
Tôi nói: “Không phải, cái này, anh…”. Kỳ thực tôi không biết nên nói gì vào lúc này nữa.
“Chừng này là cho lần quan hệ sau có phải không?”
Tôi gật đầu, gật rồi lại lắc đầu.
“Thôi mà, mua một tặng một.”
“Em đừng nói như vậy.” Tôi nói, tôi biết cô ấy sẽ không bao giờ nhận chỗ tiền này. Thế nhưng có một việc tôi rất muốn cho cô ấy biết. “Được ở cùng em, anh rất vui.”
“Em cũng vậy.” Nói rồi cô mở cửa.
“Nếu có chuyện gì khó khăn hãy tới tìm anh nhé.”
“Tạm biệt.”
“Tạm biệt.”
Sau khi cô ấy đi rồi. Tôi quay người lại nhìn, căn phòng lớn đến vậy đã bị chúng tôi quậy phá bừa bãi, chăn gối vứt lung tung, áo choàng tắm rơi cẩu thả trên sàn, đã thế lại còn thấm đẫm rượu vang ban nãy đổ ra nữa chứ. Những quả xoài, dâu tây đẹp đẽ óng mượt bị đè bẹp, chất lỏng cứ chảy xuống từng giọt, từng giọt, thấm vào chiếc khăn trải bàn màu xanh da trời.
Trước mắt tôi lúc này hiện lên đôi mắt mèo của Phi, hiện lên vẻ rung động mãnh liệt của cô khi ngồi trên người tôi. Chúng tôi vừa mới đạt đến ngưỡng quên bản thân.
Thế mà lúc này, tôi vừa quay người lại, đã bắt đầu nhớ nhung.
Đường chân trời mờ nhạt ngoài cửa sổ, gió biển thổi tới mang theo những hạt cát nhỏ, trong lòng tôi không ngừng gọi tên một người, Phi, Phi.
Ngày hôm sau đi làm, tôi tập trung toàn bộ tinh thần để làm việc, sau khi dịch xong bản “Công hàm về dân tị nạn” của Liên Hợp Quốc, tôi đem tới văn phòng Chủ nhiệm nhờ ông soát lại. Nào ngờ tôi lại bị giao cho một nhiệm vụ mới, ba ngày nữa sẽ cùng lãnh đạo Tổng công ty Dầu mỏ tới Canada một tuần. Mục đích của chuyến thăm là nghiên cứu thảo luận khả năng hợp tác về vấn đề khai thác dầu mỏ trên biển của hai nước. Lúc tôi ôm về một đống tài liệu liên quan thì gặp chị Mã người làm công tác hậu cần cho văn phòng.
“Gia Dương à, hôm nay sắc mặt cậu tốt lắm đấy.”
“Thế hả chị? Chắc do tối qua em ngủ ngon.”
Người phụ nữ đã ngoài bốn mươi tuổi này vô cùng mẫn cảm và tinh tường trước những dấu hiệu (dù rất nhỏ bé, nhưng không dễ giấu) trong chuyện đời tư của người khác. Chị nhìn tôi cười rất bí ẩn. Tôi nhìn chị rồi cũng cười mà không hiểu tại sao nữa. Cuộc sống của tôi từ trước tới giờ luôn gò bó, giữ kẽ, giờ đây lại chứa đựng một bí mật khiến tôi cảm thấy hài lòng.
Vừa vào văn phòng, đặt tài liệu xuống thì tôi nhận được một cú điện thoại.
Người gọi điện là bạn học thời cấp ba của tôi - Ngô Tiểu Bình. Anh chàng này tốt nghiệp cấp ba xong, không tiếp tục học nữa, tự mình mở một công ty du lịch nho nhỏ. Dường như cậu ta kinh doanh rất giỏi, theo như cậu ta nói thì cũng kiếm được kha khá.
Thực ra chúng tôi không hay liên lạc với nhau, anh chàng này rối rít gọi điện cho tôi ba, bốn lần, ngai ngái mùi không có việc không tới nhà đây.
“Đại phiên dịch à, mình tìm cậu cả buổi chiều ngày hôm qua đấy.”
“Không dễ dàng gì mới được nghỉ phép nên mình tắt máy.”
“Cậu có bận lắm không?”
“Cũng bình thường thôi. Hai ngày nữa mình phải đi công tác. Có chuyện gì à?”
“Ôi!” Vừa nghe tôi nói phải đi công tác, giọng cậu ta liền tỏ ra lo lắng, “Thế này thì phải làm sao đây? Thực sự mình đang có chuyện rất gấp. Mình khó khăn lắm mới giành được đoàn du khách lớn của Pháp tới thăm quan Trung Quốc trong nửa tháng, cậu có thể tìm giúp mình một phiên dịch tiếng Pháp cứng cứng một chút được không?”
Rất tự nhiên, tôi nghĩ ngay tới Kiều Phi.
“Thế cậu định trả thù lao thế nào?”
“Một ngày năm trăm tệ, khách còn cho tiền bo nữa. Tính sơ sơ cả chuyến thế nào mà chẳng kiếm được một, hai hay ba vạn gì đó. Bao ăn bao ở.”
“Thế đoàn khách Pháp của cậu khi nào tới nơi?”
“Sau mười lăm ngày nữa, anh bạn à, cậu phải tìm nhanh nhanh cho mình đấy nhé.”
“Mình sẽ cố gắng trả lời cậu sớm.” Tôi đáp lại.
Ngày hôm qua, khi chúng tôi nằm trên giường nghỉ ngơi, tôi đã hỏi cô ấy nghỉ hè muốn làm gì không, cô ấy nói muốn tìm một công việc, có thể kiếm được một chút tiền.
Dẫn đoàn du lịch là một công việc làm thêm khá tốt, tuy có hơi vất vả nhưng đối với sinh viên như Kiều Phi đang học tập tại trường thì đây là một cơ hội rèn luyện rất tốt.
Tuy nhiên vấn đề là, hôm qua, khi cô ấy rời khỏi phòng, chúng tôi đã giao hẹn với nhau sẽ xóa bỏ mọi việc xảy ra trong ngày khỏi ký ức. Bước ra khỏi căn phòng đó, liệu cô ấy còn muốn gặp lại tôi nữa không?
Tôi lại chuyển ý nghĩ sang hướng khác, dù không tính tới những vấn vương trong buổi chiều hôm qua dù gì chúng tôi cũng là bạn cùng trường, lại từng làm việc với nhau, cho nên nếu tôi có giới thiệu việc làm thêm cho cô ấy thì cũng là chuyện rất bình thường .
Nghĩ như vậy, khiến tôi thanh thản hơn nhiều, đột nhiên tôi nhớ ra mình không có số điện thoại của cô. May mà lúc này vẫn chưa nghỉ hè, tôi tìm số điện thoại kí túc xá nữ khoa Pháp. Khi điện thoại kết nối, tim tôi bỗng đập loạn xạ.
Không hiểu có người đàn ông nào sốt sắng như tôi không?
Không có ai nghe máy.
Cả buổi sáng, trước khi ăn cơm tôi đã gọi điện ba lần nhưng vẫn không có ai nhấc máy. Tôi nghĩ thầm thật vô lý, cho dù cô ấy không có trong phòng thì cũng phải có bạn cùng phòng chứ. Mình có nên đi tìm cô ấy không? Ý nghĩ đó chợt thoáng qua trong đầu tôi, tôi biết nếu lúc này gặp lại, chúng tôi sẽ rất gượng gạo, tất nhiên sẽ chẳng có chuyện gì khác xảy ra cả.
Mà thôi đây cũng không phải chuyện gấp lắm, mình nên đợi một thời gian nữa, chẳng phải đoàn khách Pháp của Tiểu Bình phải mười lăm ngày nữa mới tới kia mà.
Tối nay bố mẹ tôi về tới nhà. Chúng tôi cùng nhau ăn tối, bố hỏi tôi tình hình công việc thế nào? Tôi lần lượt trả lời hết còn thông báo là ba ngày nữa sẽ đi Canada. Bố không hỏi gì thêm nữa, mẹ cười nói: “Bố mẹ đã hỏi thủ trưởng của con rồi, ông ấy nói con làm việc rất tốt”.
Đây là thói quen cũ của họ, từ khi tôi mới học tiểu học, thư ký của bố tôi tới thăm giáo viên chủ nhiệm lớp tôi theo định kì, hỏi han về tình hình học tập của tôi. Rõ ràng là kéo dài tới tận bây giờ.
“Ngày mai cơ quan con có việc gì không?” Mẹ tôi hỏi.
“Con không có nhiệm vụ phiên dịch nào cả.”
“Mẹ và bố con mới về, bố mẹ rất nhớ con, hay là mai cả nhà ta cùng đi đánh golf đi?”
“Không có nhiệm vụ không có nghĩa là không có công việc, mẹ ạ.” Tôi đáp lại.
“Sao lại không có công việc? Con làm phiên dịch cho bố chẳng phải là công việc đó sao?” bố tôi nói, “Ngày mai bố hẹn một số người bạn Benin, con làm phiên dịch cho bố nhé”.
Tôi chẳng nói gì thêm. Bố tôi xuất thân là phiên dịch cao cấp tiếng Pháp, sau khi thăng chức thì có phiên dịch chuyên nghiệp tháp tùng.
Ngày hôm sau tôi gặp những ông bạn da đen của bố ở sân golf, mới gặp nhưng tôi đã nhận thấy họ thật khác biệt, họ mặc quần áo đi giày hàng hiệu, lại còn nói giọng Pháp không lẫn vào đâu, không hề có chút âm lưỡi của người Châu Phi. Một ông còn đeo chiếc nhẫn kim cương to như con bài mạt chược. Tôi với bố vừa đánh golf với họ vừa nghiên cứu thảo luận về việc khai thác mỏ than tại Benin. Trên thảm cỏ xanh biếc mỡ màng, chúng tôi đi rồi lại dừng để đánh bóng.
Tôi chẳng có tâm trạng làm việc, thái độ hờ hững, bố nhìn tôi vài lần không nỡ nổi cáu trước mặt người nước ngoài nên đành tự ứng phó một mình.
“Trước ngày hẹn công trình lần trước các ngài đã trả dự toán, tôi nghĩ có thế ép xuống hai triệu đô, tôi thử nghiệm xem tình hình thế nào thì tính sau.”, bố tôi nói.
“Hai triệu đô bản thân tôi đã từng cầm trong tay rồi, ngài đừng có đùa nữa.” Ông da đen kia đáp lại thái độ rất thản nhiên.
“Ngài cầm tới hai triệu đô, vậy vốn sau này sẽ thế nào?”
Tôi biết bố vốn làm ăn riêng. Những quan chức như ông không hiếm ở thành phố này, họ biết lợi dụng quyền lực và những mối quan hệ của mình để kiếm lợi riêng.
Nhưng lúc này nghe thấy con số lớn như vậy phát ra từ miệng họ, bỗng dưng tôi cảm thấy thật giả dối. Tôi nhớ tới một người tuy phải vất vả kiếm tiền nhưng dáng vẻ vẫn rất vui.
Tôi lại gọi điện tới phòng cho cô ấy nhưng vẫn không có ai nhấc máy.
Tôi nói với bố: “Bố à, con có chuyện phải đi đây”.
Bố tôi nhìn tôi, ánh mắt nghiêm nghị: “Con đi đâu? Làm gì?”.
Tôi đáp lại: “Chuyện riêng ạ”.
Tôi cũng chẳng đợi ông đồng ý nữa.