Người Phiên Dịch
Chương 55
Tôi tưởng rằng Kiều Phi sẽ cùng các đồng nghiệp trong cơ quan tới thăm tôi, nhưng cô ấy đã không tới.
Tâm trạng tôi rối bời.
Vụ cháy lần này khiến tôi rơi vào rất nhiều tâm trạng. Từ trước tới giờ, tôi giành giật theo đuổi cái gì? Số mệnh con người giống như quỹ đạo của các ngôi sao, không được phép đi chệch. Tôi và Kiều Phi đã có duyên gặp nhau nhưng cuộc gặp gỡ ấy lại khiến tôi rất lâu, rất lâu mà vẫn chưa tìm thấy phương hướng. Còn Tiểu Hoa, cô ấy đã kéo tôi trở về quỹ đạo trước kia.
Từ nay tôi có thể tiếp tục sống, yên ổ, thanh thản cho tới chết.
Tôi trở mình, bỗng một ý nghĩ thoáng qua trong đầu. Tôi miên man suy nghĩ, rồi tự khẳng định: Chắc chắn cô ấy không biết tôi bị thương, nếu không đã tới thăm rồi. Trước đây khi tôi bị cảm lạnh, cô ấy đã rất lo lắng. Nếu như biết được tình trạng hiện tại của tôi, thì bất luận là như thế nào cô ấy cũng sẽ đến.
Cho nên, chắc chắn là cô ấy chưa biết.
Tôi sẽ trả đũa, tôi sẽ giả bộ không để ý, cô ấy hỏi tôi, tôi sẽ trả lời không sao.
Hiện giờ tôi đã khá hơn, có lẽ cũng sắp được về nhà rồi.
Khi bác sỹ đang cố định tay cho tôi thì bố tôi đến.
Tôi không nói gì với bố, còn bố cứ chờ ở bên cạnh. Bôi thuốc, thay băng phải mất tới hai tiếng đồng hồ, thế nhưng ông vẫn ở đó.
Khi bác sĩ truyền dịch xong, tôi ngồi xe của bố tới Bộ. Lúc xuống xe, bố tôi dặn: “Mấy ngày này con đừng làm gì, về nhà sớm nghỉ ngơi, vết thương mới mau lành”.
Tôi trả lời: “Vâng, thưa bố”.
Tôi tới phòng làm việc, không ngoài dự đoán, tôi nhận đượx sự xhao2 đón nhiệt liệt của mọi người, họ hỏi han tôi rất lâu. Tôi muốn bàn giao một số việc với đồng nghiệp nhưng trưởng phòng nói: “Đừng sốt ruột Gia Dương à, cậu cứ nghỉ ngơi cho khỏe đã”.
“Về cơ bản đã quyết định xong rồi, đây là danh sách những nhân viên ở lại Cục ta, cậu xem đi nhé. Nhóm phiên dịch mới vẫn do cậu dẫn dắt”.
Tôi cầm tờ danh sách trên đó không có tên của Kiều Phi.
Tôi nhìn trưởng phòng thắc mắc: “Thế trưởng phòng không giữ cô gái đó lại à?”
“Cậu nói cô nào cơ?”
“Là cái cô biết thủ ngữ ấy, anh đã nói một người kiêm hai nhiệm vụ cơ mà”.
“Cậu nói về Kiều Phi phải không?”.
“Em còn tưởng anh không nhớ cô ấy nữa cơ. Đúng rồi, cô ấy được phân đi đâu vậy?”
“Tôi không nhớ cô ấy ư? Toàn Cục ai cũng đều biết cô ấy đấy”. Trưởng phòng đáp.
“Cô gái này xin đến Đại sứ quán ở Kenya”.
Tôi sững người.
“Chỗ ấy sao lại để cho các cô gái đi? Nơi đó vừa nội chiến lại vừa dịch bệnh, thế đã phê chuẩn chưa ạ?”
“Chỗ ấy đang thiếu người, không ai đi. Kiều Phi rất kiên trì, cô ấy còn xin với cấp trên nữa, cấp trên đã phê chuẩn rồi. Hiện tại cô gái này đã trở thành tấm gương của cả Bộ đấy. Chắc chỉ mấy ngày nữa cô ấy đi rồi, hiện cô ấy đang được nghỉ để thu xếp hành lí”.
Tôi gật đầu: “Vậy em cũng đi đây, trưởng phòng à, anh cứ làm việc của mình đi nhé”. Tôi vội rời khỏi văn phòng, trưởng phòng gọi với theo: “Gia Dương à, cậu đừng vội làm việc, phải chú ý nghỉ ngơi đấy...”.
Tôi liền gọi điện cho Kiều Phi, cô ấy bắt máy rất nhanh: “Gia Dương à?”
“Là anh đây. Em đang ở đâu thế?”.
“Ở nhà”
“Em đừng đi đâu cả, nửa tiếng nữa anh sẽ tới”.
“Em sắp ra ngoài rồi, anh có việc gì không?”
“Anh sẽ nói cho em biết”. Tôi nói to vào điện thoại, “Đừng có đi đâu đấy”.
Tôi vẫn chưa kịp gõ cửa, thì Kiều Phi đã mở. Nhìn thấy cánh tay tôi đang giơ lên, cô ấy thờ ơ nói: “Anh đã xuất viện rồi”.
Từ trước tới giờ tôi chưa từng có những lời nói cũng như hành động gì ác ý cả, có điều tôi không thể chịu được những biểu hiện bây giờ của cô ấy.
Cô ấy nhìn tôi, tránh sang một bên để tôi vào, cửa vẫn mở to.
Chỉ có một mình cô ấy ở nhà, tôi ngồi trên ghế sô pha, bỗng nhiên lại cảm thấy chẳng biết phải nói gì nữa.
Một lát sau, Kiều Phi rót nước cho tôi. Tôi ngẩng đầu lên hỏi: “Em có biết Kenya là nơi như thế nào không?”
Cô ấy ngồi xuống không nói gì, quay mặt ra ngoài cửa.
“Anh đang nói chuyện với em mà”.
Cô ấy liền quay lại rồi cười: “Sao vậy? Có đáng không? Dù gì cũng phải có người đi thôi mà”.
“Sao em lại thích tự làm khổ mình như vậy? Nơi đó những người có trình độ tiếng Pháp bình thường thôi cũng có thể đi được, vậy công lao bao nhiêu năm khổ luyện của em đổ xuống sông xuống biển sao?”
“Anh không cảm thấy mình quá nhiều chuyện sao? Anh định lấy tư cách gì để khuyên em?” Cô ấy vẫn cười, nhưng lại đang phản bác lại tôi rất sắc sảo, “Anh nghe em nói đây Trình Gia Dương, cho dù với tư cách gì đi chăng nữa thì anh cũng nói hơi nhiều đấy. Anh không cảm thấy như vậyà?”.
Chúng tôi chưa từng cãi nhau, nhưng lời nói của Kiều Phi khiến tôi nổi cơn thịnh nộ. Tôi đứng bật dậy, run người vì tức giận: “Em chẳng biết tốt xấu gì nữa rồi Kiều Phi ạ. Em hỏi anh định lấy tư cách gì để nói chuyện với em ư? Anh sao? Tư cách gì ư?”.
Tôi giận tới mức không nói đuôc gì nữa. “Đúng vậy, em hỏi rất đúng. Anh là gì của em chứ? Anh quan tâm tới những chuyện của em như vậy để làm gì? Có điều Kiều Phi à, em cũng không hề nghĩ tới bố mẹ mình phải không? Họ nuôi dưỡng em bao nhiêu năm như vậy, cũng không dễ dàng gì mới được làm phiên dịch cao cấp thì em lại đày đọa bản thân tới Kenya. Đã tới đó thì hai năm cũng không được về, em làm như vậy thử hỏi có lỗi với ai?”.
Cô ấy không nói gì, quay đầu đi, tay run bần bật. Sau đó cô ấy châm một điếu thuốc, tôi liền nói: “Cho anh một điếu”.
Cô ấy nhìn tôi, sau đó đưa một điếu thuốc vào miệng tôi rồi châm lửa.
Cả hai chúng tôi cùng trấn tĩnh lại một chút.
Tôi rít một hơi dài, rồi nói với cô: “Anh không tới đây để thương lượng với em. Anh tới là để thông báo cho em biết, đồng chí Kiều Phi ạ, đồng chí không thể đi Kenya được”. Tôi nói từng tiếng một, rất rõ ràng, “Em không muốn làm phiên dịch nữa phải không?
Thế thì tốt quá rồi, danh sách phòng Phiên dịch cao cấp cũng đang khó chọn. Nói chung em không cần làm ở đó, anh sẽ tìm một chỗ khác cho em”.
Tôi định về, mới nói với cô ấy mấy câu nhưng tôi có cảm giác còn đau hơn cả khi phẫu thuật: “Bây giờ em không cần phải đi làm đâu, em hãy chờ để đến báo cáo ở phòng mới đi”.
Lúc tôi nói anh đi đây, vết thương trên vai tôi nhói đau.
“Gia Dương, anh làm như thế này là vì cái gì?” Cô ấy nói phía sau, “Em không đồng ý, em sẽ không thay đổi nguyện vọng”.
“Nhân viên phải phục tùng cấp trên”. Tôi quay lại nói với cô. “Mà còn chuyện này nữa Kiều Phi ạ, em biết anh lâu như vậy rồi, em đã thấy anh không làm được việc gì chưa?”
Cô ấy không nói gì, cứ ngồi đó nhìn tôi.
Vốn dĩ tôi đứng cũng chưa vững lắm, nhưng nhìn dáng vẻ của cô lúc này, khuôn mặt nhỏ nhắn, cặp mắt mèo ương bướng, lại khiến tinh thần tôi dao động.
“Em học hút thuốc từ ai đấy?” Tôi hỏi.
“Một người bạn nước ngoài, em đã hút thuốc từ rất lâu rồi”.
“Có biết hút thuốc rất có hại cho sức khỏe không?”
“Thế anh có biết không?”
“Anh thì cảm thấy không sao”. Tôi nói thật.
“Em cũng vậy”. Cô ấy đáp lại.
Đúng là chúng tôi không thể cứu vãn được nữa rồi, tôi chẳng có cách nào để thuyết phục nổi cô ấy.
Tôi đóng sầm cửa rồi bỏ đi.
Kiều Phi.
Gia Dương hồi phục thật tốt, anh khỏe như vâm, chạy tới mắng tôi.
Sau khi anh bỏ đi, tôi càng nghĩ càng thấy tức giận. Thường ngày tôi rất biết cách áp đảo người khác, thế mà cứ gặp anh tôi lại chẳng nói được gì.
Tôi vùi đầu ngủ.
Buổi tối, tôi bị đánh thức bởi tiếng chuông điện thoại, là số máy của Ba Ba. Cô ấy vừa bay về từ Paris, muốn mời tôi và Tiểu Đơn đi uống rượu.
Tôi vốn đang mệt, hơn nữa lại lười đi liền nói với cô ấy: “Để lần sau đi, tớ mệt quá”.
“Sao cậu chẳng nhiệt tình gì thế? Mau đi đi, khó khăn lắm Tiểu Đơn mới không phải tăng ca, hơn nữa cũng lâu rồi chúng mình chưa gặp nhau mà”.
“Thôi được rồi”.
Tôi đứng dậy, rửa mặt qua loa rồi đi.
Tới hẹn, tôi nhìn thấy hai cô bạn mình trang điểm rất rạng rỡ, xinh đẹp đã ngồi ở đó.
Vừa nhìn thấy tôi, Ba Ba liền nói: “Này cậu ngồi xa xa tớ một tí đi, ai không biết lại tưởng tớ mang người giúp việc tới”.
“Cậu thật độc ác”.
Tôi ngồi xuống rồi rót rượu. Trong lòng cảm thấy hơi buồn, tâm trạng tôi vốn đã không tốt, thế mà lũ bạn độc ác này lại còn nói móc tôi nữa.
“Cậu giận à?” Ba Ba quay sang ôm tôi an ủi, “Mình chỉ đùa thôi mà. Cậu xem mình còn mang quà về cho cậu đây này”.
Nói rồi cô ấy đưa một lọ nước hoa cho tôi.
“Thế này mới được chứ”. Tôi nhận lấy.
“Sao cậu lại buồn thế?” Tiểu Đơn hỏi.
“Đâu có”.
“Thôi mà, mặt cậu bơ phờ lắm, lại không mặc áo con nữa chứ” Tiểu Đơn nói.
Tôi giật mình, theo bản năng vội đưa tay che ngực. Bọn họ cười phá lên, tôi bị họ lừa rồi.
Lúc con người ta không vui, tư duy của họ cũng hỗn loạn.
Trước đâu thường là tôi hay trêu đùa họ, thế mà bây giờ lại bị mắc lừa liên tiếp.
Đúng lúc này, có người đi ngang qua, anh ta khẽ gọi: “Kiều Phi!”
Tôi ngẩng đầu lên nhìn, thì ra là Trình Gia Minh. Anh ấy đi cùng hai người bạn nữa.
Tôi liền nói: “Hi! Bác sĩ Trình, thật là trùng hợp”. Tôi nhấp một ngụm rượu.
“Các bạn có phiền không nếu chúng ta ngồi chung?” Trình Gia Minh hỏi, rồi bắt tay Ba Ba và Tiểu Đơn.
Tôi đáp lại: “Được mà, cứ tự nhiên”.
Họ liên tục bắt tay nhau, tôi thầm nghĩ cách rời khỏi đây.
Bọn họ lại gọi thêm rượu, mọi người bắt đầu lần lượt kể chuyện.
Thực ra tôi không muốn gặp Trình Gia Minh ở đây, trông tôi lúc này giống như chủ nợ đang cầm giấy ghi nợ trong tay nhưng lại không đòi.
Hôm tôi gọi điện cho anh ấy hỏi thăm tình hình của Trình Gia Dương, tôi còn chưa kịp hỏi anh ấy đã cho tôi biết rồi. Anh ấy biết quá khứ giữa tôi và Gia Dương.
Những người bạn đi cùng Trình Gia Minh bảo tôi: “Tới lượt em rồi kìa, em kể chuyện đi”.
“Nhất thời em không thể nhớ ra chuyện gì”.
“Nếu thế em sẽ bị phạt rượu”.
“Vậy em sẽ kể một câu chuyện. Mọi người thử nghĩ xem để cho con voi vào tủ lạnh thì cần phải trải qua những công đoạn nào?”
Tôi vừa nói xong liền phát hiện năm người còn lại đang thần mặt ra nhìn tôi.
Một anh bạn của Trình Gia Minh nói: “Em vẫn phải uống rượu thôi”.
Mọi người đều bật cười, Ba Ba lên tiếng: “Để em kể cho, em đã chuẩn bị rồi”
.
Cô ấy vẫn chưa kể xong, tôi đã uống cạn cốc rượu trước mặt.
Mọi người đều sững sờ.
“Mọi người, em sẽ uống thêm hai cốc nữa rồi có việc phải đi, rất xin lỗi ạ”.
Tôi muốn tự rót rượu, nhưng Trình Gia Minh ngồi trước mặt đã ngăn lại: “Trùng hợp thật đấy, anh cũng có việc phải đi. Để anh đưa em về.
Chết rồi, đúng là chữa lợn lành thành lợn què, tôi làm như vậy chẳng qua là để tránh người này.
“Anh cứ ngồi với mọi người đi, bác sĩ Trình à. Chẳng phải anh vừa mới tới sao?”
Anh đứng dậy, mặc áo gió, túm lấy tay tôi nói: “Đi thôi”.
Thế là tôi bị Trình Gia Minh kéo ra khỏi quán bar.
Trình Gia Minh nói: “Cố tỏ ra kiên cường. Em làm như vậy chỉ càng khiến bản thân mình đau khổ thêm mà thôi”.
Tôi nhìn anh ta: “Các anh tưởng cái gì mình cũng biết ư? Có phải các anh cảm thấy mình có tiền, có thế lực nên có thể tùy tiện sai khiến người khác? Lại còn lớn tiếng lên lớp người khác, đó là vì tốt cho em, lại còn dạy tôi đạo lý để mình không phải chịu khổ.
Tôi nói cho anh hay, từ trước tới giờ tôi luôn vất vả như vậy, tôi sống thế quen rồi. Không có xe, tôi đi tàu điện ngầm, tàu điện ngầm ngừng phục vụ tôi tự đi bộ về. Trước nay tôi chưa từng lợi dụng ai, tôi cũng không cần người khác cứu giúp. Đừng có cười khi nói chuyện với tôi. Tôi cũng không nhận tấm lòng của anh đâu. Tạm biệt”.
Tôi bước đi thẳng.
Tôi đi chuyến tàu điện ngầm cuối cùng về nhà, người đi tàu rất đông. Tôi có cảm giác chật chội, bức bối.
Nhưng cũng có sao đâu, bởi tôi can tâm tình nguyện mà. Đây là cuộc sống mà tôi phải sống.
Bốn giờ năm mươi, tôi nhận được điện thoại từ phòng Phiên dịch cao cấp, họ thông báo cho tôi ngày mai tới phòng tư liệu báo cáo trình diện.
Tôi nhớ lại những lời Trình Gia Dương nói lúc trước: “Em không muốn làm phiên dịch nữa phải không? Thế thì tốt quá rồi, danh sách phòng Phiên dịch cao cấp cũng đang khó chọn. Nói chung em không cần làm ở đó, anh sẽ tìm một chỗ khác cho em”.
Hiệu suất làm việc cùa anh ấy quả thật rất cao, tôi đã bị đẩy tới phòng Tư liệu hay còn gọi là phòng nghỉ hưu, nghỉ hưu non, phòng sinh đẻ có kế hoạch.
Tôi cho vào nồi hai ống gạo, vừa vo gạo vừa nhìn vào gương rồi ra lệnh cho mình: “Cười, cười, cười đi”.
Tối hôm đó, tôi đã ăn rất nhiều.
Chị Đặng thắc mắc: “Sao hôm nay “sức chiến đấu” của em lại mạnh mẽ vậy?”
“Em hết ngày phép rồi, ngày mai phải đi làm, không đi nước ngoài nữa. Họ sắp xếp em vào phòng Tư liệu”.
“Chẳng phải tốt quá sao? Chị đã nói với em rồi mà, đột nhiên em lại muốn đi Châu Phi làm gì chứ?”
“Đúng vậy, em không đi Châu Phi nữa, nhưng em sẽ nghỉ hưu non”.
“Không vui à?”
“Vui không kể xiết ấy chứ!”
Chị đặt tay lên vai tôi: “Gần đây em gặp phải rất nhiều chuyện đúng không Phi Phi? Nếu muốn khóc em hãy khóc thật thoải mái. Đừng cố chịu đựng, sẽ rất khó chịu đấy”.
Tôi liền nói: “Chị mau ăn canh đi, kẻo lại nguội mất”.
Chị ấy lắc đầu, thở dài, uống một ngụm canh rồi nói: “Thật sự không tồi chút nào!”.
Miệng tôi lúng búng cơm nhưng tôi vẫn nói với chị: “Chị cứ nói như vậy khiến em cảm thấy mình thật sự có chút vấn đề”.
“Cái gì cơ?”
“Ngoài việc ngáp ra, từ trước tới giờ em chưa bao giờ khóc”.
Tôi đi làm, phòng Tư liệu ở mé phía tây tòa nhà của Bộ Ngoại giao. Trong phòng, ngoài tôi ra còn có một phiên dịch tiếng anh già lụ khụ phụ trách quản lí tư liệu đã rút khỏi vị trí phiên dịch nhiều năm nay và đang chờ về hưu .
Tôi rất vui bởi hàng ngày ngoài việc chỉnh lý các tin tức trên mạng cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng ra, hầu như tôi không còn việc gì nữa.
Còn có một người thường xuyên lui tới đây nữa, đó là kĩ sư trẻ Tiểu Triệu- người chuyên phụ trách sữa chữa, bảo dưỡng hệ thống mạng. Anh chàng này nói năng chẳng nể nang ai cả, lần đầu gặp tôi đã hỏi: “Này, sao em còn trẻ thế mà đã bị điều tới phòng này rồi?”
“Em rất vui mà”. Tôi đáp lại.
Có điều mọi công việc đều có cái hay của nó. Nhưng tư liệu tiếng Pháp ở đây rất đầy đủ, mới có , cũ có, tôi xem mãi không hết, mệt rồi lại có thể tùy ý lên mạng tiêu khiển.
Tôi cảm thấy rất thoải mái.
Một hôm, khi đọc báo cũ, tôi thấy tin vụ nổ tại ga Lyon ở Paris vào tháng Tư, trong đó có đoạn, hiến binh ZuZu Ferrandi đã hi sinh anh dũng để bảo vệ cho hành khách.
Lúc này, tôi đang nằm bò trên bàn kê dưới cửa sổ, ánh nắng cuối thu chiếu qua cửa kính phủ lên người tôi giống như vòng tay ấm áp. Tôi giơ tay lên, trên đó là dấu ấn ZuZu để lại.
“Anh có khỏe không?” tôi hỏi, “Chị gái anh nói, thượng đế gọi anh vì có việc cần anh làm, lúc này anh sống thế nào?”
“Bây giờ em rất khỏe, có công việc ổn định, nhưng đôi khi em cảm thấy rất cô đơn, nếu anh rảnh rỗi thì nhớ tới thăm em nhé”.Tôi nghe thấy tiếng ho, vội ngoảnh ra nhìn thì phát hiện trình Gia Dương đang đứng bên giá sách.