Ngược Về Thời Minh
Chương 43: Cẩm Y Bách hộ
Trên dải đất bằng phía trước trạm Kê Minh xuất hiện một cảnh tượng chiến tranh chưa từng có: vây chặt xung quanh bọn tướng tá của hai bên địch, ta có ít nhất khoảng trăm tên thân quân, còn lại đều quấn lẫn vào nhau. Trong đó, xông lên phía trước cả chính là quân Minh, phía sau là quân Thát, phía sau nữa lại là quân Minh, cuối cùng là quân Thát. Mọi người cùng chạy đến nỗi nón xiên giáp lệch, kèn lệnh, chiến kỳ đều bị vứt sạch. Tất cả là một khối "thịt ba rọi" đang "lăn" về phía trước.
Đám quân Thát chạy ở đằng đầu chẳng có lòng dạ nào mà rượt đuổi. Nhưng khi bọn chúng vừa ngoái đầu nhìn lại, thì thấy cuồn cuộn mênh mông quân Minh đang chạy thục mạng áp sát sau lưng. Nếu dừng chân, thì cho dù không bị giết cũng sẽ bị quân Minh giẫm chết, thế là bọn chúng đành phải cắm đầu cắm cổ chạy về phía trước. Theo sau quân Minh chính là hai cánh quân Thát ở trên chóp núi lúc đầu, vì nhìn thấy đằng trước quân Minh có người của mình, lại không nghe thấy thủ lĩnh ra lệnh thu binh, thế là bọn chúng cũng liền "bèo trôi theo nước" mà "chảy" về phía trước. Do vậy hai bên vừa chạy vừa đánh, trong khi thực lực binh sỹ cũng tương đương, nên nhất thời không phân thắng bại.
Từ lúc Dương Lăng rời khỏi huyện nha chạy đi báo tin, Mẫn huyện lệnh không yên lòng bèn kêu người khiêng đến thành đầu chờ. Khi nhìn thấy đám quân như một cơn hồng thuỷ từ xa xa ập đánh tới, Mẫn huyện lệnh sợ bắn người, liền vội vã ra lệnh cho sỹ tốt thủ thành dàn đại pháo, chuẩn bị nghênh địch.
Đến khi loạn quân chạy tán loạn đến dưới thành, thấy cảnh tượng kinh ngạc ngàn năm có một này, nhất thời Mẫn tri huyện nhìn mà miệng mồm há hốc, hai hàng lông mày dựng đứng cả lên. Lão thật không rõ tình hình bên dưới thế nào, là quân Minh đã tạo phản hay là quân Thát đã quy hàng. Đến khi thấy loạn quân dưới thành vẫn "ngươi một đao, ta một thương" chém giết nhau không ngừng, lão mới đoán ra mấy phần căn nguyên.
Nếu mở cổng thành lúc này, loạn quân Thát Đát thế nào cũng sẽ thừa lúc hỗn loạn mà xông vào thành. Để đội quân hơn một vạn người này biến trạm Kê Minh thành chiến trường, toà cổ thành này chắc chắn sẽ bị phá huỷ. Do vậy, Mẫn Văn Kiến quyết định dứt khoát, lập tức ra lệnh cho quân đội sở thuộc của Giang Bân nghiêm thủ thành trì, không mở thành cho bất kỳ ai.
Dưới thành binh sỹ quân Minh kêu gào "mở thành", Hoàng huyện thừa dìu Mẫn tri huyện đứng trên thành đầu, hướng xuống thành la lớn:
- Giết giặc là trách nhiệm của các ngươi, giữ đất là chức trách của bổn huyện. Quân Thát còn chưa lui thì cổng thành còn chưa mở!
Đôi khi, nỗi sợ hãi cực độ cũng có thể khiến người ta sinh ra dũng khí giết người. Trong lúc binh sỹ quân Minh còn chưa hết kinh hoảng thì lại bị chặn mất đường lui, quay đầu lại nhìn, vốn dĩ bọn Thát tên nào cũng cao to, kéo đến kéo đi như một cơn gió, nhưng hôm nay bọn chúng cũng giống như bọn họ, chạy đến nhễ nhại mồ hôi, trông cực kỳ thảm hại, tức thì bọn họ dũng khí dâng trào, không cần tướng, tá hạ lệnh liền bắt đầu "bắt cặp" chém giết luôn.
Mẫn huyện lệnh điều động toàn bộ hơn bốn trăm quan binh lưu thủ ở ba cổng thành khác đều đến bờ tường thành nam, dùng cung tiễn hiệp trợ quân Minh dưới thành. Nhiều mũi tên bất ngờ được bắn đi, tuy rằng địch ta hỗn loạn đã giảm thiểu lực sát thương, nhưng sức uy hiếp về tâm lý lại cực lớn.
Bá Nhan Mãnh Khả tự mình dẫn đại quân chặn đường quân Minh ở cuối đầu Hồ Lô cốc, lấy khoẻ ứng mệt (dĩ dật đãi lao). Sỹ tốt Thát Đát lại như sói như hổ, nghênh chiến với quân Minh đang quýnh quáng, dĩ nhiên quân Minh lập tức tan rã, Hạ đô ty Hạ Sĩ Kiệt tử trận. Bá Nhan Mãnh Khả liên tục đuổi theo, nhưng không ngờ trận chiến lại biến thành như thế này.
Lúc này số lượng nhân mã của hắn vốn đã hơi chiếm thượng phong so với quân Minh, về năng lực cận chiến thì lại càng bỏ xa quân Minh, nhưng muốn giết chết hết một nghìn binh lính quân Minh thì bản thân cũng tổn thất hết tám trăm. Vì vậy, nếu như thật sự muốn quét sạch những binh sỹ quân Minh đã đỏ mắt liều mạng này, hắn cũng không chắc sẽ còn người nào có thể bình yên trở về hay không.
Ngoài ra hắn vẫn chưa quên tham tướng doanh mã Trác Lộc Thạch đang chỉ huy một đội quân đang tiến tới gần. Mặc khác, đại quân của Quảng tham tướng Uất huyện tuy bị một cánh nhân mã khác của mình dẫn dụ, nhưng hơn hai nghìn quân tinh nhuệ của Du kích tướng quân Dương Gia Long cũng đang thẳng tiến về phía Hoài Lai, nếu không thể tốc chiến tốc thắng thì sẽ bị quân Minh bao vây ngược lại. Thế là, Bá Nhan Mãnh Khả đã đưa quân đánh lén được một trận, hết cách đành phải thu thập loạn binh, bắt đầu thoái lui.
May mắn cho quân Thát là lúc này quân Minh tự ai nấy đánh, nên không cách nào tổ chức phản kích một cách hiệu quả. Vì vậy, hỗn chiến kéo dài đến nửa đêm, Bá Nhan Mãnh Khả đã có thể thu thập loạn quân rút lui, cướp lấy ngựa rong bên ngoài Hồ Lô cốc rồi trốn xa.
Lúc này Mẫn tri huyện mới mở cổng thành cho tàn quân vào thành. Quân Minh bấy giờ như chim sợ cành cong, hối hả rút vào thành, không có lấy cả dũng khí để thu dọn chiến trường. Trận chiến này quân Minh tổn thất hai nghìn binh sĩ, ngoài ra ba trăm cỗ chiến xa, tám trăm thớt chiến mã đều bị vất lại ở Hồ Lô cốc.
Hà tham tướng thủ ở trạm Kê Minh thêm ba ngày, rồi phụng lệnh Tổng binh Tuyên phủ thu binh quay về thành, còn nhân mã quân đội sở thuộc của Tất đô ty thì lưu thủ tại Kê Minh. Lúc này, Hà tham tướng biết rằng con đường làm quan của mình đã mịt mờ rồi, đành ngoan ngoãn chờ nghe hạch tội.
Sau khi về thành, Dương Lăng đã viết lại một ít tri thức về tăng cường tố chất binh lính và vận dụng hoả khí đưa cho Hà tham tướng. Y thấy rằng, hiện nay loại quân đội "trọng tướng không trọng binh, hai quân giao chiến đều dựa vào dũng tướng, tướng dũng thì binh cũng như hùng sư (sư tử đực), mất tướng thì trăm vạn sỹ binh cũng biến thành cát vụn" này thật sự là quá có vấn đề. Tuy nhiên ngay khi y vừa mới rời đi, thì những điều y đã khổ tâm tư lự viết ra liền bị Hà tham tướng cười khẩy ném xuống bàn:
- Một kẻ thư sinh thì biết quái gì về quân sự chứ?
Trái lại, vị Lưu công công kia lại lặng lẽ nhặt lấy bức thư cất vào trong ngực áo. Bây giờ bất cứ thứ gì có thể gây chút bất lợi cho Hà tham tướng đều là "chứng cứ" để lão "chạy tội", đùn đẩy trách nhiệm cho người khác. Vị Lưu công công này ít học nhưng không ngờ lại có thể viết ra được một bản sớ chương "trình độ cao" đưa khoái mã phi báo về kinh sư: quân ta tổn thất thê thảm, một vị đại quan tứ phẩm tử trận, tất cả đều vì Hà tham tướng ngang ngược độc hành, tham công mạo tiến, mắc mưu giặc Thát.
Ngày thứ bảy sau khi cuộc chiến chấm dứt, Dương lão thái gia bận lòng về nhà cửa ở quê, cho nên thế cục vừa ổn định liền không nhẫn nại được nữa, đòi dẫn tộc nhân trở về Dương gia bình. Thấy vậy, Dương Lăng thở phào nhẹ nhõm. Qua bảy ngày này, y mới biết dấu ấn gia tộc in sâu trên thân thể một người ở thời đại này như thế nào. Nếu trong gia tộc có một người tài hoa xuất chúng, bất luận quan hệ họ hàng xa hay gần, kẻ đó đều phải gánh vác trách nhiệm trọng đại cho cả gia tộc. Vì thế, cả nhà họ Dương nhân khẩu khoảng sáu, bảy mươi người (trong đó có vài người chỉ là họ hàng cùng chi gần cả trăm năm trước), vào thành ăn, ở toàn bộ chi phí đều đến đòi y một cách rất là "hợp tình hợp lý", hệt như đó chính là nghĩa vụ mà y phải hoàn thành.
Hơn nữa những người khác, bất kể là Ấu Nương hay là hương thân đồng liêu, họ cũng đều coi chuyện đấy là lẽ đương nhiên. Tuy nhiên, đối với Dương Lăng thì điều này thật sự hơi khó hiểu. Do vậy, sau khi vất vả tiễn đưa những người này xong, Dương Lăng liền nhẹ nhõm trở về sở Dịch. Một tên tiểu lại chạy đến trước mặt bẩm báo:
- Đại nhân, có một vị tiên sinh muốn gặp ngài, chờ trong phòng khách đã lâu.
Đưa cương ngựa cho một tên dịch tốt, vội chạy đến phòng tiếp khách be bé của sở Dịch thừa, Dương Lăng thấy một lão già mặc áo bào xanh đang ngồi vắt chân trên chiếc ghế dựa chậm rãi nhấp trà. Dương Lăng biết trà của sở Dịch được chia thành bốn cấp, nếu không phải là những quan viên mà mình tự thân khoản đãi, bọn tiểu lại sẽ không dâng loại trà ngon thượng đẳng lên. Khi thấy loại trà tứ đẳng thấp kém ấy mà lão vẫn thưởng thức ngon lành đến vậy, y bèn thầm đánh giá: xem ra lão ta cũng chẳng phải là nhân vật trọng đại gì. Nghĩ vậy, y lấy làm yên tâm, bèn ung dung cười nói:
- Vị tiên sinh đây, tại hạ chính là Dịch thừa của bổn huyện, không biết có điều chi chỉ giáo?
Lão già mặc áo bào xanh một tay bưng trà, một tay nhịp khẽ lên bàn ra điều hài lòng. Nhìn dung mạo của lão thấy tuổi trạc ngũ tuần, vẻ mặt quắc thước, cặp mắt phượng đang khép hờ. Nghe tiếng Dương Lăng, lão hơi mở mắt, nhìn từ trên xuống dưới mấy lượt, rồi cười ha hả nói:
- Dương lão đệ đã về rồi à? Còn nhận ra ta không?
Lão vừa nói, vừa nhẹ tay đặt chén trà lên bàn. Dương Lăng liếc thấy trên tay lão đeo một chiếc nhẫn ngọc lục trong suốt. Thời đó vẫn chưa có sản phẩm hợp chất nhân tạo, màu sắc chiếc nhẫn lại êm dịu như vậy nhất định giá trị của nó không nhỏ. Dương Lăng chột dạ, càng cảm thấy thêm phần hiếu kỳ đối với thân phận của người này. Y bèn nhìn kỹ lại, thấy lão thật cũng có hơi quen quen, song nhất thời y lại không nhớ nổi đã gặp lão ở đâu rồi.
Lão già áo bào xanh thấy Dương Lăng có phần lúng túng, không kìm được bèn bật cười ha hả, đứng dậy nói:
- Lần trước ta và ngươi đã gặp nhau, cũng là ở trong sở Dịch thừa này, khi đó ta là khách, ngươi cũng là khách. Nhưng mà không ngờ chưa đến một tháng, ngươi đã làm chủ nhân rồi.
Dương Lăng "a" lên một tiếng, vui vẻ chắp tay nói:
- Ta nhớ ra rồi, ông là... Ông là bằng hữu của Mã dịch thừa Mã đại nhân, đại dược thương (buôn dược) của Xuyên, Thiểm, Ngô Kiệt, Ngô lão tiên sinh.
Ngô Kiệt, cũng chính là nhà buôn dược lớn đã giúp Mã dịch thừa khuyên nhủ nhà họ Vương rút kiện khi xưa, nghe xong cũng phá ra cười to, liền đó chỉnh lại nét mặt, nghiêm túc nói:
- Ta không phải là bằng hữu của Mã dịch thừa, mà chính là thượng cấp của y. Dương dịch thừa, hôm nay... Ta cũng là thượng cấp của ngươi.
Dương Lăng mặt mày rúng động nhìn lão già thoắt cười tươi roi rói, thoắt thâm trầm lạnh nhạt này, trong lòng chợt loé linh quang, không khỏi la thất thanh:
- Lão tiên sinh là... là Cẩm Y...
Ngô Kiệt nét mặt dãn ra, mỉm cười, chậm rãi nói:
- Hiện giờ ngươi không phải cũng vậy sao? Dương đại nhân, Dương bách hộ!
Dương Lăng sững sờ. Bách hộ? Bách hộ là một chức quan chánh lục phẩm đó trời, và còn là quan chức thuộc vệ sở nữa. Từ lúc nào mình đã tòng quân, lại còn được lên Bách hộ vậy?
Thấy mặt y tràn đầy vẻ kinh ngạc, Ngô Kiệt cười lớn khoát tay nói:
- Không cần phải ngạc nhiên. Ngươi vừa được nhậm chức Dịch thừa tạm thời, thì bộ Lại đã phát công văn, phỏng chừng không lâu sau thì ngươi sẽ có thể tiếp nhận lệnh bổ nhiệm thôi. Dịch thừa Đại Minh chúng ta tuy thuộc quản hạt của bộ Hộ, nhưng ai ai cũng biết rằng, tất cả dịch thừa đều là người của Cẩm Y Vệ chúng ta. Bổn Thiên hộ đã phái người điều tra về ngươi rồi. Ngươi là tú tài năm Hoằng Trị thứ mười lăm, gia thế trong sạch, là hậu duệ của danh tướng Bắc Tống nhà họ Dương. Bây giờ, ta phụng chỉ dụ của Bắc Trấn phủ ty (2) Trấn phủ Trương đại nhân triệu ngươi gia nhập Cẩm Y Vệ, phụ trách truy bắt và thám thính tình báo khu vực Hoài Lai, trao chức Bách hộ, mọi việc ngươi sẽ trực tiếp chịu sự điều khiển của bổn Thiên hộ.
Nói đoạn, Ngô Kiệt rút từ trong ống tay áo ra một cuộn giấy, một thẻ bài giắt lưng, mỉm cười đưa cho Dương Lăng rồi nói tiếp:
- Dương bách hộ! Mã dịch thừa vất vả nửa đời, cũng chưa được phong Bách hộ. Ngươi tuy mới sơ nhiệm Dịch thừa, nhưng đã vì Đại Minh ta lập được đại công, thế nên giành được sự tưởng thưởng này. Ha ha, Bách hộ của Cẩm Y Vệ ta so với Thiên hộ trong quân hãy còn cao hơn ba phần, ngươi chớ có mà phụ sự ân thưởng của Trấn phủ Trương đại nhân đấy nhé!
Mù mờ nhận lấy thẻ bài và chỉ dụ, Dương Lăng lắp bắp:
- Đại nhân, tại hạ... ti chức thật sự không hiểu, ti chức đã từng lập được đại công gì?
Ngô Kiệt cười nói:
- Có công mà không kiêu ngạo, quả nhiên rất tốt, có điều đã là công của ngươi thì ngươi cũng không cần phải khiêm nhường. Tiểu vương tử Thát Đát bố trí mai phục ở Hồ Lô cốc muốn một mẻ tóm gọn quân ta, nhưng may nhờ mật thám Cẩm Y Vệ nhận được tin tức này, Dương dịch thừa lại phi ngựa báo tin mới khiến quân đội Đại Minh tránh được họa thua trắng. Đây còn không phải là một đại công sao?
Dương Lăng thất thanh:
- Cái gì? Nào có chuyện đó, Thiên hộ đại nhân đã hiểu lầm rồi. Khi tại hạ nhận được tin tức đuổi đến thì đã chậm trễ, nếu không phải nhờ Tất đô ty dẫn quân liều chết mở một đường máu thì quân ta đã...
Nói đến đây, y bất giác lạnh người, lập tức không dám nói tiếp những lời phía sau nữa.
Lúc này, ánh mắt của vị Ngô thiên hộ diện mạo quắc thước, phong thái nhẹ nhàng đã trở nên âm u lạnh lẽo, trên người toát ra vẻ lạnh lùng mà chỉ những kẻ có thể tuỳ ý quyết định sinh tử kẻ khác mới có thể có. Lão thoáng cười nhạt, rất lâu sau mới buông ra từng chữ:
- Tiểu vương tử Thát Đát bố trí mai phục ở Hồ Lô cốc, muốn một mẻ tóm gọn quân ta. Hà tham tướng tham công mạo tiến, nhưng may nhờ Cẩm y vệ Dương dịch thừa phi ngựa báo tin, nên quân Đại Minh không bị tiêu diệt, có đúng hay không?
Dương Lăng lạnh người, bất giác đáp:
- Việc này... Ti chức... Đúng ạ!
Ngô Kiệt nhẹ gật đầu, đột nhiên lại mở miệng cười, nói:
- Ngươi vốn là một kẻ đọc sách, thân lại ở xa chốn triều đình nên không biết chuyện trong triều, không hiểu một số chuyện vốn cũng không thể trách ngươi được. Nhưng giờ ngươi đã là người của Cẩm Y Vệ, cho nên... Những chuyện trước đây không hiểu, bây giờ nhất định ngươi phải hiểu!
Dương Lăng không cầm lòng được hỏi:
- Ý đại nhân là...
Ngô Kiệt đưa ngón tay đeo ban chỉ (3) bằng ngọc xoa xoa cằm, thong thả:
- Triều đình cần một chút thể diện, quân đội lại cần một con dê thế tội, Cẩm Y Vệ thì cần phần công lao này, ngươi hiểu chứ?
(1) Thời Minh, chế độ quân đội vệ sở cũng lập ra Bách hộ sở. Bách hộ là quan chỉ huy (trưởng quan) của Bách hộ sở, thống lĩnh 112 quân, gồm 2 tổng kỳ, mỗi tổng kỳ gồm 5 tiểu kỳ; mỗi tiểu kỳ 10 lính. Bách hộ sở trực thuộc Thiên hộ sở. Có lẽ con số 112 bao gồm 2 vị chỉ huy tổng kỳ lẫn 10 vị chỉ huy tiểu kỳ (Rất cám ơn Bác luulang)
(2) Nhà Nguyên, Minh đều cho chư vệ bố trí Trấn phủ ty, thiết lập cấp quan Trấn phủ. Cẩm y vệ sở thuộc của nhà Minh có Nam Bắc Trấn phủ ty.
Nam Bắc Trấn phủ ty là cơ cấu phụ trách thám thính và truy bắt hình sự của Cẩm y vệ, trong đó "Nam Trấn phủ ty" phụ trách quân kỷ, pháp kỷ của bản vệ. "Bắc Trấn phủ ty" ghi chép các án kiện mà Hoàng đế đã khâm định, có ngục riêng (Chiếu ngục), có thể tự do bắt bớ, tra hỏi, hành quyết mà không cần phải qua tổ chức tư pháp.
(3) Một loại nhẫn to đeo trên ngón tay cái, có từ đầu nhà Thanh, đến cuối nhà Thanh mới được biết đến rộng rãi. Đầu đời Thanh, ban chỉ được làm bằng xương, dùng để bảo vệ ngón tay cái khi bắn cung. Sau này, ban chỉ được làm bằng vàng, bạc, ngọc thạch và dùng để trang sức cho giới quý tộc Mãn thanh, hoặc là tặng phẩm của vua ban cho bề tôi có công. (Nguồn: baike)