Ngược Về Thời Minh
Chương 377-1: Vận trù (1)
Trước cửa là một tảng đá xanh to lớn, phẳng lì. Bên dưới đó có cống thoát nước, thông thẳng ra đến con kênh cách cổng trước của phủ Uy Quốc Công không xa. Có một cây cầu bắc qua con kênh đó, nối liền hai tòa phủ đệ với nhau. Với một tòa am đường mà nói thì sử dụng hán bạch ngọc để làm kiến trúc cơ bản; sử dụng một tấm bia cửa cao đến hàng trượng thì chỉ e là có phần quá phô trương. Nhưng Ngụy Bân Ngụy Công công đã nói qua rồi, đây đều là những nguyên vật liệu gỡ ra từ Huyền Minh Cung để mang tới đây, cũng đâu thể đập nát ra làm thành từng món nhỏ được, hao tiền hao sức của nhân dân từ đâu mà thành đây?
Ngụy Công công, một trong bát hổ của năm nào, giờ đây lại biết lo cho dân cho nước như vậy thì Dương Lăng còn gì để nói cơ chứ? Chỉ đành mặc kệ ông ta muốn làm gì thì làm. Trước cửa Hoàng am là một con sư tử đá cao to vô cùng, cũng là được mang từ Huyền Minh Cung tới đặt ở đây. Nếu như cưỡi trên lưng ngựa mà nhìn thì còn không thể nhìn thấy cái bờm của nó đâu, vì cái bệ để đặt nó quả thật quá cao lớn.
Tòa Hoàng am này vẫn chưa thi công xong, vẫn còn nhìn thấy đám thợ làm công đang ra ra vào vào vận chuyển đồ đạc. Dưới gốc cây bạch quả nghìn năm tuổi mới được đem từ nơi khác về trồng ở bên cạnh cửa có ba người đang ngồi ở đó, bên cạnh có đặt một chiếc bàn, trên bàn có ấm trà và bát để uống. Ba người đó đều mặc áo vải xanh bình thường, ngồi trên chiếc ghế nhỏ vừa uống trà vừa nói chuyện. Nhìn bộ dạng của họ thì chắc có lẽ là đám đốc công.
Những người thợ làm ở đây đều phụ trách những phần công việc khác nhau. Người thì phụ trách lầu đình, người thì phụ trách điện vũ, người thì phụ trách giả sơn, người thì phụ trách chăm sóc hoa cỏ, mỗi người một phần công việc khác nhau. Vì vậy nên đám thợ không biết ba người đó cũng không có gì là lạ. Nhưng khi đi ngang qua mặt bọn họ thì ai nấy đều cố gắng tỏ ra vẻ đang làm hết sức.
Ba người đó, một lão nhân tóc bạc và để râu, gương mặt nhân từ thân thiện; một công tử trẻ tuổi, mũi cao miệng rộng, đôi mắt sáng tựa như sao; còn có một người trắng trẻo nõn nà, gương mặt tuy không cười mà như cũng đang có ý tươi vui, tuy đã ngoài năm mươi tuổi nhưng dưới cằm không có đến một sợi râu, xem dáng vẻ tựa như một và lão nhân từ.
Một người đàn ông rách rưới nghèo đói đi quanh quẩn ở đó một hồi, sau cùng mới lấy hết dũng khí tiến lại gần chỗ ba người đó, cười nói:
- Ba vị lão gia, ở đây... có còn tuyển thêm thợ không?
Gã nhìn thấy người đàn ông không có râu trông dáng vẻ hiền lành nhất nên khi nói chỉ hướng về phía người đó. Không ngờ rằng lão nhân xem ra vô cùng thân thiện và không có râu đó tức thì sa sầm mặt, đanh giọng nói:
- Ừm! Ở đây sắp hoàn thiện rồi, không còn cần thêm thợ nữa.
- Ồ ồ, cảm ơn lão gia!
Đôi vai của người đàn ông đó trùng xuống, đáp lại một cách thất vọng.
Gã đang tính quay người bước đi thì chàng công tử trẻ tuổi đột nhiên cười nói:
- Nhị ca, huynh là người Sơn Đông?
Người Sơn Đông khi gặp mặt nhau, nếu là người đàn ông không quen thì sẽ không như những tỉnh khác gọi là đại ca, bọn họ sẽ gọi là nhị ca. Nghe nói đó là vì ở Sơn Đông có hai đại nhân vật nổi tiếng khắp vùng, một văn một võ, hai người đó đều xếp thứ hai trong gia đình. Hai đại nhân vật đó đương nhiên là Khổng phu tử và Võ Tòng.
Gã đàn ông nghèo đói đó thấy chàng công tử gọi mình là nhị ca thì bất giác thấy vui mừng và kinh ngạc lắm, lại cứ ngỡ là đồng hương Sơn Đông bèn vội vàng cười đáp lại:
- Vâng, tôi là người Sơn Đông.
Nói đoạn trong ánh mắt của gã lại gợi lên những tia hy vọng. Mong rằng chàng công tử này nể tình đồng hương mà sắp xếp cho gã một vị trí nào đó.
- Ồ... ở vùng nào Sơn Đông vậy?
- Liêu thành, Đông Xương phủ.
- Là Liêu thành sao, hà hà, mời ngồi, ngồi xuống cùng nói chuyện.
Gã đàn ông nghèo đó không dám ngồi xuống, cười nói:
- Không dám, tôi đứng hầu chuyện cùng công tử và các vị lão gia là được rồi.
Chàng công tử trẻ tuổi đó cũng không miễn cưỡng gã, mỉm cười và nói chuyện với gã một hồi lâu. Hóa ra tổ tiên của người này là người vùng Sơn Tây, thời Thái tổ mới di dân đến Sơn Đông.
Công tử đó cười nói:
- Ha ha, nếu như không có Hồ Đại Hải và đám nhạn bay về hướng Đông thì nhị ca huynh chắc là vẫn ở quê cũ Sơn Tây thôi phải không.
Gã đó nghe xong cũng vui vẻ cười đáp lại:
- Thì đúng là như vậy mà, nói vật thì chắc công tử ngài cũng cũng là đồng hương với tiểu nhân chăng?
Chàng công tử mặc áo xanh đó chỉ cười không nói gì.
Vậy ra năm xưa đã có biết bao nhiêu di dân Sơn Tây ngậm ngùi bỏ quê hương bản quán, bị ép buộc phải rời đi, chính vì vậy nên đem lòng thù hận triều đình. Rõ ràng là vì chiến loạn khiến cho người chết không kể xiết, nhưng bách tính di dân lại đi thêu dệt thành một câu chuyện khác. Nói rằng thuộc hạ dưới trướng Chu Nguyên Chương có một đại tướng tên là Hồ Đại Hải, năm xưa khi phải đi hành khất ở Hà Nam vì bộ dạng xấu xí nên chẳng có mấy người đồng ý bố thí cho y, ngược lại còn phải chịu không ít những lời lăng nhục. Hồ Đại Hải ở Hà Nam đã phải chịu không biết bao nhiêu là khổ nhục, vậy nên trong lòng ôm hận.
Sau này y đầu quân cho Chu Nguyên Chương, liên tiếp lập công, trở thành một đại tướng quân. Sau khi Chu Nguyên Chương đăng cơ thì bèn phong thưởng cho các tướng lĩnh. Hồ Đại Hải chỉ xin được cho phép y quay về Hà Nam để báo thù. Chu Nguyên Chương bèn hạ chỉ cho phép y về Hà Nam, trả thù mối thù xưa.
Khi Hồ Đại Hải đến Hà Nam thì nhìn thấy trên trời có một hàng nhạn chim nhạn bay ngang qua, trong đầu bèn nảy ra một ý nghĩ, y bắn một mũi tên vào đuôi chim nhạn để nó mang theo mũi tên mà bay đi, mũi tên đi tới đâu thì Hồ Đại Hải sẽ giết tới đó. Chim nhạn bay từ Hà Nam đến Sơn Đông, Hồ Đại Hải chém giết đốt phá dọc một dải Hà Nam đến Sơn Đông, khiến cho cả một vùng đó trở nên hoang tàn ngàn dặm, bách tính chẳng còn lấy một ai, triều đình mới buộc phải di dân đến Sơn Đông.
Bách tính muôn dân muốn mượn câu chuyện này để giải tỏa nỗi bất mãn trong lòng của họ đối với triều đình. Nhưng câu chuyện về những người di dân, Hồ Đại Hải và chim nhạn bay về hướng Đông đều là những chuyện đại kỵ. Tuy quan phủ không quá khắt khe với những câu chuyện truyền miệng như thế này, nhưng mọi người cũng chỉ dám truyền tai nhau chứ không có người nào dám công khai kể câu chuyện này ra. Hơn nữa câu chuyện này chỉ có những người bản địa Sơn Đông mới biết, vị công tử mặc áo xanh này ban nãy nói đùa với gã như vậy thì ắt hẳn cậu ta là đồng hương của gã rồi.
Gặp được đồng hương nơi đất khách quê người, cảm động nước mắt rưng rưng hai tròng. Gã đàn ông nghèo khó đó tức thì cũng trở nên thân thiện hơn, thái độ cũng trở nên tự nhiên hơn, gã thuận tay kéo một chiếc ghế nhỏ và ngồi xuống nói chuyện vui vẻ với chàng công tử đó.
Truyện hot hiện nay
Bình luận
Sắp xếp