Ngược Về Thời Minh
Chương 234: Hoàng đế ham chơi
Lưu Cẩn thấy nàng ta cố tỏ ra từng trải cũng chỉ dám cười thầm trong bụng, ngoài mặt thì rất mực cung kính hết mực tâu:
- Nương nương! Người là mẫu nghi thiên hạ, là tấm gương sáng của Lục cung, nếu các công chúa đều không giữ nghi lễ như vậy mà Nương nương lại không quản đến, sau này Hậu cung e cũng không dễ quản được nữa rồi.
Ôi! La Tường cũng là kẻ không hiểu chuyện, hiện hắn đang quản lý phủ Nội vụ mà làm việc lại vẫn lỗ mãng như cũ. Sao lại nói chuyện này với Nương nương cơ chứ? Khiến cho Nương nương dù có muốn làm bộ không biết mà buông tha cho bọn họ cũng không được nữa rồi.
Ngày đó Hạ hoàng hậu đã chứng kiến Dương Lăng đường hoàng mời hai vị công chúa đi du ngoạn mà lại chẳng buồn thỉnh ý của cô nàng. Đường đường là chủ Hậu cung, Hạ Hoàng hậu đã nổi giận trong lòng, nhưng khi chạy về cung kể lể với Thái hoàng thái hậu một hồi, Thái hoàng thái hậu lại đưa ví dụ Vạn quý phi phế Hoàng hậu ra mà khuyên bảo.
Tuy trong lòng căm phẫn, nhưng Hạ hoàng hậu nhớ đến việc Vạn quý phi xuất thân cung nữ, lại chẳng có chỗ dựa nào mà vẫn lật đổ được Hoàng hậu, nếu không phải bà ta tuổi tác quá lớn, khi đó Thái hậu kiên quyết không cho làm chủ Trung cung (trỏ nơi ở của Hoàng hậu), chỉ e bà ta đã được ngồi lên ghế Hoàng hậu rồi.
(Vạn quý phi sinh năm 1428 mất năm 1487, phi tử của Minh Hiến Tông, lớn hơn vua 19 tuổi.)
Hiện giờ Hoàng thượng bị con hồ ly tinh họ Đường mê hoặc đến thần hồn điên đảo, ả lại có một người biểu huynh đang nắm đại quyền. Tụ họp Tam cung lại gọi y vào trách mắng một phen thì cũng chẳng có gì là khó, nhưng thật sự động tới một thần tử Ngoại đình thì đâu phải là chuyện dễ dàng, do đó lòng báo thù của cô nàng cũng đã nhạt đi.
Nhưng lúc này nghe Lưu Cẩn nhắc đến, khuôn mặt cô nàng lập tức đỏ bừng, không nhịn được cất tiếng trách mắng:
- Có lúc nào bản cung phải giả bộ câm điếc kia chứ? Tuy nói là có chỉ ý của Hoàng thượng, nhưng không ngờ Dương Lăng lại dám chẳng để bản cung vào trong mắt, không thông báo cho bản cung và phủ Nội vụ mà đã dám đưa công chúa xuất cung, thực là hỗn láo, vốn phải phạt nặng mới được. Còn về hai vị công chúa…
Hạ hoàng hậu hơi khựng lại, do dự một chút. Hai vị công chúa là em ruột của đương kim Hoàng đế, là con đẻ của Thái hậu đương triều, nếu thật sự mình xử phạt nghiêm khắc, há chẳng phải bản thân mình sẽ đắc tội hết cả trong lẫn ngoài ư?
Lưu Cẩn thấy vậy thì bèn cười giả dối, thưa:
- Thực ra trong lòng lão nô hiểu hết. Nếu Nương nương không trừng phạt, sau này các vị công chúa, quý phi khác đều sẽ không chịu nghe theo hiệu lệnh, tự có chủ trương riêng, như thế Hậu cung này còn có luật lệ gì nữa chứ? Nhưng nếu trừng phạt nghiêm khắc, vậy lại sợ ảnh hưởng đến hòa khí trong cung. Nương nương thực đã phải khổ tâm quá!
Lão bước đến gần thêm một bước, thưa tiếp:
- Lão nô có một cách nhất cử lưỡng tiện, không biết Nương nương có muốn nghe không?
Đang cảm thấy khó xử, nghe vậy thì Hạ hoàng hậu cả mừng:
- Lưu công công mau mau nói đi!
Lưu Cẩn khom lưng tâu:
- Dạ. Lão nô thấy thế này: nếu không trừng phạt các vị công chúa thì ắt là không được, nhưng nếu làm quá nghiêm thì cũng không hay. Chi bằng Hoàng hậu kêu phủ Nội vụ cắt bớt chi tiêu trong cung của hai vị công chúa, lấy đó làm trừng phạt, rồi Hoàng hậu Nương nương lại truyền ý chí cẩm bọn họ ra ngoài trong vòng mười ngày, như thế cũng đủ để răn đe người khác rồi. Còn về Dương Lăng…
Lão đưa mắt liếc nhìn Hạ hoàng hậu, nhỏ giọng:
- Chuyện này có liên quan đến công chúa, không phải chỉ là quốc sự nữa, tổng quản phủ Nội vụ La Tường có trách nhiệm tố cáo. Nhưng La Tường địa vị thấp kém, nếu không có một vị đại thần đắc lực nào đó đồng thời dâng lời, Hoàng thượng quyết không chịu trừng phạt Dương Lăng đâu, như thế sau này y há lại chẳng càng ngang ngược hơn? Nếu có Hạ đại nhân đồng thời dâng sớ, Hoàng thượng cũng không thể không nể mặt. Dù thế nào thì cũng phải dạy dỗ y một phen. Y là một thần tử, há lại dám vì chuyện này mà căm hận Nương nương hay sao? Nếu Nương nương lo lắng…
Hạ hoàng hậu phất mạnh tay áo, đôi mày dựng ngược, trách mắng:
- Lo lắng cái gì? Mau! Truyền ý chỉ của bản cung, lệnh cho phủ Nội vụ cắt bớt chi tiêu trong cung của Vĩnh Phúc, Vĩnh Thuần! Lệnh cho nữ quan của ti Thượng cung giám sát, không cho hai vị công chúa ra khỏi cung trong mười ngày!
- Lão nô xin vâng theo ý chỉ của Hoàng hậu Nương nương!
Lưu Cẩn vội quỳ rạp xuống bái lạy.
Thấy người đứng đầu Nội đình cung kính như thế, sự tự tin của Hạ hoàng hậu cũng tìm lại được mấy phần. Cô nàng hừ lạnh một tiếng, dẫn theo sáu người cung nữ chậm rãi đi về phía Hậu cung. Lưu Cẩn bò dậy khỏi mặt đất, vẻ nịnh nọt tan biến hoàn toàn, bên khóe miệng là một nụ cười lạnh lùng âm hiểm.
***
Một ngày trước khi sứ giả Nhật Bản tiến kinh, đại giáo đường ở phía tây kinh thành của người Tây Dương đã được khánh thành.
Đó là một tòa kiến trúc hùng vĩ được xây bằng gạch đỏ, nóc có hình tròn, bốn góc vuông vức, trên đỉnh giáo đường là một cây thánh giá lớn màu trắng sữa. Mấy nhà truyền giáo như Nhã Các Tư, Hỏa Giả Á Tam đều mặc áo giáo sĩ mới tinh, đứng cạnh bồn nước hình cánh hoa trước giáo đường mà nước mắt chảy dài.
Vạn dặm đường biển, mười năm bôn ba, phải làm ăn mày suốt mấy năm đến mức gần chết đói, rốt cuộc bây giờ bọn họ đã có đại giáo đường của mình, xây dựng được nơi truyền bá giáo nghĩa của Thượng Đế đầu tiên ở Đại Minh. Tất cả những sự vất vả và mạo hiểm đều đã được hồi báo, Dương Lăng thật đúng là sứ giả của hạnh phúc mà Thượng Đế mang tới cho bọn họ.
Điều khiến bọn họ cảm thấy hưng phấn nhất là không ngờ Dương Lăng còn mời được đương kim Hoàng đế tới dự. Hoàng đế của đế quốc hùng mạnh nhất thiên hạ đến tham gia điển lễ khánh thành của đại giáo đường và lễ Mi-sa long trọng đầu tiên, nếu không phải đường sá xa xôi thì làm gì đến lượt bọn họ nghênh tiếp, đó phải là vinh dự đặc biệt của Giáo hoàng và các hồng y giáo chủ. Có thể tưởng tượng tin tức Hoàng đế đến thăm hôm nay mà truyền đi khắp nơi, việc truyền giáo của bọn họ ắt sẽ trở nên thuận lợi hơn rất nhiều.
Khó trách các vị truyền giáo nhà ta lại nước mắt lưng tròng mà miệng thì cười toe toét không ngừng như thế. Cẩm Y Vệ đã vây kín xung quanh đại giáo đường, dân chúng bình thường chỉ có thể đứng nhìn từ xa. Chính Đức tò mò quan sát chăm chú tòa kiến trúc có phong cách đặc biệt này, cho tới khi Cốc Đại Dùng gọi liền mấy tiếng “Hoàng thượng” hắn mới tỉnh táo trở lại.
Đặc sứ tới bái yết thiên triều của nước Triều Tiên là Phác Ân Hi lạnh lùng đứng nhìn, bất giác lắc đầu nhè nhẹ, giữa đôi mày thoáng hiện nét ưu lo.
Thiên tử Đại Minh băng hà, tân đế kế vị, không lâu sau đó Lục bộ Thượng thư trong triều bị gạt bỏ một nửa, rồi ngay kế đó các vị đại học sĩ rường cột của Đại Minh cũng bị bãi miễn mất hai người. Những tin đồn về sự ngu độn của tân đế và sự nhiễu động của triều đình Đại Minh đã truyền đến tận Triều Tiên.
Quốc vương Triều Tiên hay tin thì hết mực lo lắng. Xưa nay Triều Tiên vốn là thuộc quốc của Đại Minh, quốc kế dân sinh phụ thuộc vào Đại Minh rất nhiều. Hơn nữa Nữ Chân, Nhật Bản ở cạnh bọn họ liên tục phát động những cuộc chiến tranh quy mô nhỏ, toàn là nhờ Đại Minh đứng ra điều đình. Nếu Đại Minh nội loại, Triều Tiên ắt sẽ gặp nguy, do đó quốc vương mới lập tức phái sứ thần đến Đại Minh xem xét tình hình.
Khi Phác Ân Hi tới kinh thành thì Chính Đức đang ở Đại Đồng. Phác đại sứ không có việc gì làm, thường đi thăm thú khắp nơi, mỗi ngày nghe thấy các lời đồn trong dân gian, sự thất vọng đối với vị Hoàng đế Đại Minh này lại càng tăng thêm. Nhưng chiến tích đánh bại Thát Đát, bắt tay với Ngột Lương Cáp mà Chính Đức nhắc đến sau khi về kinh đã khiến hắn thay đổi suy nghĩ. Trải qua một thời gian dò la hắn đã nhạy bén ý thức được giá trị bên trong.
Các bộ lạc Đóa Nhan Tam Vệ và Nữ Chân vắt ngang thảo nguyên, không phải do Đại Minh dùng thì sẽ do Thát Đát dùng. Nay hai bên thông thương với nhau, lại dùng lợi ích kiềm chế, ắt có thể khiến bọn họ trở thành đồng minh của Đại Minh.
Thát Đát đại bại, Bá Nhan khả hãn vừa thống nhất thảo nguyên, thế lực nhất định sẽ bị dao động, tình hình nội bộ cũng trở nên khó lường. Trong tình huống một bên mạnh lên một bên yếu đi, Đại Minh sẽ có khả năng biến phòng ngự thành tấn công. Nếu vì thế mà sự phân phối thế lực của cả thảo nguyên và Liêu Đông phát sinh biến hóa, chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Triều Tiên. Việc này đã khiến hắn nảy lòng hứng thú, chẳng lẽ vị hoàng đế Chính Đức luôn ham mê tửu sắc này lại muốn làm một bậc kiêu hùng như Sở Trang Vương hay sao?
Thế nhưng những hành vi hoang đường của Chính Đức trong Báo Phòng thời gian sau đó đã lại một lần nữa phá vỡ ảo tưởng của hắn. Quả thực hắn rất khó tin được cái gã mừng vui để lộ ra ngoài mặt, luôn nói cười tùy tiện chẳng có sự tôn nghiêm của bậc đế vương này lại có thể là một bậc minh quân lỗi lạc.
Sứ giả Đại Việt Nguyễn Đại Hựu bên cạnh thấy y trầm tư dừng bước, bèn kéo tay áo bảo:
- Hoàng đế đã đi rồi, mau đi theo!
Phác Ân Hi tới lúc ấy mới tỉnh táo trở lại, vội vàng cất bước đi theo vào trong giáo đường.
(Biên tập bỏ qua 3 đoạn nói xấu triều đình Việt Nam thời đó (đang có quốc hiệu là Đại Việt), mà cũng không ăn nhằm gì đến cốt truyện)
Chính Đức đang đi phía trước. Hắn đang nghe Hỏa Giả Á Tam giới thiệu, vừa tò mò hỏi mấy câu dùng để chào hỏi khi gặp mặt của nước đối phương vừa cười đùa định bước vào trong giáo đường. Nhã Các Tư đột nhiên nhúng hai ngón tay vào chiếc chậu nước sạch ở cửa rồi búng mấy giọt nước về phía Chính Đức.
Chính Đức ngẩn ra, mấy giọt nước đã bắn lên mặt hắn rồi, Nhã Các Tư lại đưa ngón tay ướt của mình ra khua qua khua lại trước mặt hắn như vẽ bùa. Lưu Cẩn cả kinh, lập tức quát lớn:
- Bắt thích khách!
Hai thị vệ đại nội vội vàng chạy tới, ấn ghì Nhã Các Tư xuống đất, tú xuân đao rời vỏ một nửa kề lên cổ ông ta. Nhã Các Tư hoảng sợ đến nỗi mặt mũi trắng bệch, miệng la bai bải không ngừng.
Dương Lăng thấy thế thì vội vàng bước tới ngăn cản:
- Chậm đã chậm đã, chớ có động thủ!
Y cười nói với Chính Đức đang ngẩn người kinh ngạc:
- Hoàng thượng! Đây là một nghi thức trong tôn giáo của người Tây Dương, gọi là “vẩy nước thánh”, nó sẽ gột rửa thân thể và trái tim của người tiến vào giáo đường, đồng thời xin Thiên Chúa ban phúc cho người đó.
Nhã Các Tư tiên sinh đang chúc phúc Hoàng thượng, không hề có ý mạo phạm.
Chính Đức nghe vậy bèn cười lớn, nói:
- Trò này thú vị đấy! Chúc hay không chúc phúc tạm thời không nói, nhưng so với việc để người khác nhổ nước bọt vào mặt rồi đợi nó tự khô thì tốt hơn nhiều.
Chính Đức đẩy đao của thị vệ ra, đỡ Nhã Các Tư dậy, cười hì hì:
- Ngươi làm thế là lỗ mãng quá rồi, sao không nói trước một tiếng, giấu giếm làm cái gì chứ? Suýt chút nữa thì đã đánh mất cả cái đầu của mình rồi, ha ha ha…
Hắn xoay người lại nói với hai sứ giả Triều Tiên, Đại Việt:
- Trẫm hôm nay nghe nói miếu thờ của người Phất Lãng Cơ ở xa ngoài ngàn dặm khánh thành, thiết nghĩ nước các vị chắc cũng chưa từng nhìn thấy, do đó mới gọi các vị đến xem. Mấy vị thấy cái lễ chúc phúc này có thú vị, mới mẻ không nào?
Phác Ân Hi, Nguyễn Đại Hữu khom người đáp có. Chính Đức lại hào hứng bảo với Nhã Các Tư:
- Muốn ban phúc thì cần phải mặc chiếc áo màu đen thế này sao? Nào, cởi ra cho trẫm mặc! Các ngươi hãy xếp hàng tiến vào, trẫm sẽ ban phúc cho từng người các ngươi.
Mọi người đều dở khóc dở cười, hai vị sứ thần ngoại quốc lại càng thầm lắc đầu không ngớt. Các nhà truyền giáo như Nhã Các Tư thì lại không câu nệ nhiều như các nho sĩ hay hòa thượng Trung Nguyên. Tuy Hoàng đế cũng không có tư cách khoác áo giáo sĩ để ban phúc, nhưng bọn họ vì muốn có chỗ đứng ở Đại Minh, ngay đến bản đồ thế giới cũng dám sửa để Trung Quốc trở thành trung tâm của thế giới, thì việc Hoàng đế làm cha cố một phen thì có đáng là gì?
Nhã Các Tư có thân hình cao gầy. Ông ta gỡ chiếc thánh giá bằng bạc xuống, cởi chiếc áo dài màu đen ra, mặc áo rồi đeo thánh giá lên cho Hoàng đế. Cha cố Chính Đức trong bộ áo dài chấm đất chính thức bước lên vũ đài.
Nhã Các Tư chỉ dùng hai ngón tay để nhúng nước ban phúc, còn nước thánh của Chính Đức thì lại là dùng cả bàn tay. Thế rồi tất cả các thần tử, hai vị sứ thần ngoại quốc, ngay đến Dương Lăng và mấy nhà truyền giáo cũng không thoát, tất cả đều bị Chính Đức rửa mặt cho một phen rồi mới cả người ướt sũng bước vào đại giáo đường.
Thực ra giáo đường này tuy lớn nhưng cũng khá giản lậu, không có tượng điêu khắc đá, các bức bích họa và trang sức bằng vàng xán lạn như những giáo đường ở phương Tây. Chính Đức tràn đầy hưng phấn xem xong mọi thứ, bèn bước lên đài giảng đạo tuyên bố với mọi người:
- Cha cố Nhã… Các Tư? Cha cố Hỏa Giả Á Tam? Ừm ừm… Các vị từ vạn dặm xa xôi đến Đại Minh, trẫm rất vui mừng! Trong tương lai không xa trẫm sẽ lại chế tạo bảo thuyền có thể vượt qua vạn dặm đường biển, đến lúc đó các vị sẽ có thể ngồi thuyền trở về cố hương rồi, sau đó hãy đưa những người có lòng muốn tới Đại Minh ta tới đây, trẫm rất hoan nghênh!
Rồi hắn lại nói với hai vị sứ thần ngoại quốc:
- Hai vị sứ giả sau khi trở về có thể báo với quốc vương của mình: nước Nhật Bản đã phái sứ giả đến triều kiến, không lâu sau Đại Minh sẽ bỏ lệnh cấm biển; hơn nữa ngoài mấy loại hàng hóa mà triều đình hạn chế bán ra và mua vào, sẽ không có bất kỳ hạn chế gì khác, để cho dân gian tự do buôn bán qua lại.
Các vị có thể dặn dò quốc vương của mình sớm chuẩn bị sẵn, hãy chế tạo nhiều thuyền lớn một chút. Đại Minh ta không bài trừ di địch, người tới đều không cự tuyệt, người đi cũng không đuổi theo. Trăm sông cuối cùng đều đổ về biển rộng, Đại Minh ta cũng học theo cái lẽ này, phàm là quốc gia, khu vực, bộ tộc nào chịu triều cống, bất luận trước đây có hiềm khích hay không, ta đều tiếp nạp hết.
Phác Ân Hi nghe xong không khỏi chấn động. Hắn không ngờ lần này đến đây lại nghe được một sự thay đổi quốc sách lớn lao như thế. Triều Tiên và Đại Minh cách nhau rất gần, nếu Đại Minh bỏ lệnh cấm biển, lại cho phép dân chúng tự do thông thương, việc này sẽ có ảnh hưởng tới Triều Tiên lớn lao như thế nào chứ?
Để phù hợp với sự thay đổi này, nhất định nước Triều Tiên cũng phải thiết lập nha môn tương ứng, mau chóng tổ chức những đội buôn tương ứng, mau chóng giành lấy thị trường Đại Minh, sớm được chút nào thì cơ hội sẽ nhiều thêm chút ấy. Việc này nhất định phải lập tức thông báo với quốc vương.
Nguyễn Đại Hựu vốn đang suy nghĩ vu vơ cũng ý thức được tầm quan trọng của lời tuyên bố này, trong đầu lập tức xuất hiện suy nghĩ như Phác Ân Hi. Chính Đức lại kể đến những việc như nhập cây trồng của Tây Dương về, cải thiện sản lượng nông nghiệp, liên minh với Đóa Nhan Tam Vệ, mượn đất của bọn họ để nuôi chiến mã. Tuy hắn không nhắc đến chuyện phân hóa nội bộ Thát Đát nhằm sau đó tiến quân lên phía bắc, nhưng hùng tâm tráng chí trong lời nói của hắn đã thể hiện rõ ràng.
Thân là những nước phiên thuộc đời đời của Đại Minh, Phác Ân Hi và Nguyễn Đại Hựu đều chẳng hề lo Đại Minh hùng mạnh. Quốc gia của bọn họ đều nhỏ bé, chủ quốc càng hùng mạnh lợi ích mà bọn họ nhận được sẽ càng nhiều, do đó cả hai đều cảm thấy rất vui vẻ.
***
Chính Đức cùng quần thần nghe Nhã Các Tư giảng đạo mà cứ như vịt nghe sấm. Sau đó hắn bèn đi dạo khắp trong ngoài đại giáo đường một lượt, lại sai người thông báo cho bộ Lễ hằng tháng cần cung cấp một lượng củi gạo nhất định cho các vị cha cố, cuối cùng mới khởi giá rời đi.
Hoàng đế vừa khởi giá, hai vị sứ thần phiên quốc Phác Ân Hi và Nguyễn Đại Hựu cũng lập tức xin cáo từ, vội vã trở về chỗ ở do Hồng Lô Tự thu xếp cho bọn họ.
Phác Ân Hi trải một tờ giấy trắng ra, cất bút viết rằng: “Trung Tông đại vương: Thần phụng mệnh đến Đại Minh tìm hiểu tình hình, nay thấy Hoàng đế Đại Minh quyết không phải hạng hôn quân. Chỉ là tính hắn hiếu động tựa như đứa trẻ ương bướng, nhưng trong lòng lại có hoài bảo nắm cả thiên hạ, chí hướng không thể nói là không cao…”
Truyện hot hiện nay
Bình luận
Sắp xếp