Ngược Chiều Vun Vút

Chương 18


Chương trước Chương tiếp

Hoa chuối và cảm giác nhàm chán

Khi tiến hành nghi thức hôn nhân, cô dâu và chú rể cùng hứa giữ lòng chung thủy khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe, “để yêu thương và tôn trọng em mỗi ngày suốt đời anh”. Tôi nghĩ cha xứ nên nói thêm hai trường hợp có thể xảy ra: “Khi yêu cũng như lúc chán”.

Tôi chưa thành công lắm trong tình yêu, nhưng dựa trên những lần thất bại tôi nghĩ trong cuộc hôn nhân (hay bất kỳ “cuộc” nào trong đó có hai người yêu nhau), yếu tố quan trọng nhất dẫn đến hạnh phúc lâu dài là sở thích chung, là những việc hai người đều thích làm và có thể làm cùng nhau. Xem bóng đá. Nuôi chó. Nấu cơm Thái.

Bởi chắc chắn một ngày nào đó sẽ có cảm giác nhàm chán. Có thể hai người sẽ chán nhau cùng lúc, có thể một người sẽ chán đơn phương - nhưng chắc chắn, một ngày nào đó, một buổi sáng đẹp trời, một buổi chiều ẩm ướt, tình yêu để lâu trong bụng sẽ bị nôn ra.

Những lúc chán nản nhất tôi đặt tên là các “bão chán”. Khi bão chán đến, mình sẽ không còn thích người ấy - nhưng nếu chọn đúng người thì mình vẫn thích thú với những gì người ấy cũng vẫn thích thú. Rồi bão chán sẽ qua.

Ví dụ, hai người đều thích chơi gôn. Sau một năm yêu nhau, bão chán số 1 ập đến, hai người bắt đầu chán nhau thật, như mì chán tôm. Bão kéo dài hơn hai tháng, nhưng suốt thời gian đó, hai người vẫn chơi gôn cùng nhau, vẫn chia sẻ niềm vui đó. Có khi môi hôn môi cảm giác không như trước, nhưng gậy hôn bóng cảm giác vẫn sung sướng như ngày đầu. Rồi khi bão đã qua, hai người vẫn ở bên nhau để đón nhận một tình yêu trưởng thành hơn.

Vị trí “vẫn ở bên nhau” đó rất quan trọng. Ngay sau khi bão chán đi qua, trong tay mình sẽ xuất hiện một hạt giống, trong tay người ấy một cục đất. Mình phải cho hạt vào đất ngay mới có hoa là tình yêu trưởng thành. (Bài hơi sến nên cứ gọi là hoa chuối.) Nếu lúc bão chán ập đến, mình chạy về một phía, người ấy chạy về phía khác, thì lúc hai người gặp lại nhau hạt đã hỏng, đất đã khô. Phải có điều giữ hai người ở bên nhau lúc trời mưa to nhất. Đó chính là sở thích chung.

Ngày xưa có nhiều điều khác giữ hai người ở bên nhau khi mưa và lúc gió, khi sấm và lúc sét. Cơm, chẳng hạn. Sống thiếu chồng, vợ sẽ đói (không có tiền đi chợ), sống thiếu vợ, chồng sẽ đói (không có người nấu cơm). Thời bây giờ một người phụ nữ giỏi có thể mua cả chợ, một người đàn ông thành đạt hằng ngày ăn ở nhà hàng. Sự phát triển kinh tế đã làm khác đi mọi thứ.

Ngày xưa kể cả hai người tính cách rất khác nhau vẫn chỉ có duy nhất một con đường để đi: trồng lúa, sinh con, ăn Tết, làm lại. Cả hai sẽ thích tiến lên trên con đường đó (không tiến lên thì làm gì?), thế là đủ một “sở thích chung”. Bây giờ thì khác. Kể cả hai người tính cách rất giống nhau vẫn sẽ có rất nhiều con đường để đi. Họ có thể tiến lên, lùi lại, rẽ phải, rẽ trái, hoặc đứng yên vẫy tay. Thời xưa là thời nhận đường. Thời nay là thời tạo đường.

Vậy nên việc tìm hiểu ứng cử viên bạn đời trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Lấy nhau xong, ông trời sẽ không tặng những sở thích chung như cơm và áo, mà mình phải dựa vào những sở thích chung đã có từ trước. Xem phim hành động. Đi du lịch bụi. Chơi gôn. Chính vì thế mình phải chọn rất kỹ - số người thích chơi gôn không nhiều bằng số người thích ăn cơm.

Có những cặp đôi cả hai rất thích cãi. Với họ, cảm giác bị điên (hoặc làm người ấy bị điên) cũng có thể gọi là sở thích chung. Họ cãi nhau suốt nhiều năm trời khiến chú hàng xóm tự hỏi vì sao họ chưa giết nhau? Nhưng điều chú hàng xóm chưa biết là mỗi lần xa nhau hơn một tuần, cả hai đều cảm thấy buồn vô cùng.

Tôi có sở thích đỡ bạo lực hơn. Tôi thích đi hộ. Đó là việc tốt cho sức khỏe, không mất tiền, dễ làm cùng một người khác. Tôi có thể chán tình yêu lắm, nhưng nếu người ấy đề nghị đi bộ ra bãi biển chắc tôi sẽ nhận lời. Mà đôi khi xảy ra một chuyện lạ - lúc đi tôi rất chán người ấy nhưng lúc về tôi lại thấy thích thích.



Lễ ăn dọn

Ăn hỏi là một từ không có trong tiếng Anh.

Đó là vì ăn hỏi là một điều không có trong văn hóa Anh.

Hoặc văn hóa Mỹ, Canada, Úc… Dịch từ ăn hỏi sang tiếng Anh phải cuộn tay áo, ghép từ vào nhau. “Engagement” (đính hôn) cộng “Ceremony” (lễ hội). “Engagement ceremony.” Một cụm từ lạ. Ở quê tôi, việc khẳng định Engagement ít khi thành ceremony. Engagement không phải điều để khẳng định trước mặt gia đình, cũng chưa phải điều để xác nhận với Chúa. Engagement là việc của hai người.

Anh chàng cúi xuống, rút ra chiếc nhẫn. Cô nàng khóc, nói “Yes” (hoặc “No” khiến anh chàng khóc thay), hai người hôn nhau giữa bãi biển vắng vẻ, mặt trời lặn nốt. Thỉnh thoảng có mấy người xung quanh chạy vào, vỗ tay. Thỉnh thoảng thôi. Đó là văn hóa Hollyvvood - hấp dẫn trên màn ảnh nhưng phô trương ngoài đời.

Với đa số người, đính hôn là anh quyết định sống nốt cuộc đời cùng em, một phút thiêng liêng dành riêng cho nhau. Anh sẽ có em và em sẽ có anh. Người ngoài cuộc có tin nhắn.

Còn ở Việt Nam, đôi khi cưới một người là cưới hẳn một gia đình, tuần trăng mật các bác vào phòng khách sạn xem máy điều hòa có chạy tốt không. Ở Tây là khẳng định tình yêu trước mặt bầu trời. Ở Việt Nam là khẳng định tình yêu trước mặt cả họ. Thế mới là lễ.

Mà đặt tên “Lễ ăn hỏi” tôi thấy rất chuẩn - khách mờị ăn, thằng kia hỏi. Mọi chuyện diễn ra rất nhanh, nhiều khi chưa đến một tiếng đồng hồ là xong hết. Đôi khi tôi nghĩ sửa thành “lễ ăn dọn” sẽ càng chuẩn hơn. Dù sao gia đình hai bên đã đồng ý từ trước, việc dọn mất nhiều thời gian hơn việc hỏi.

“Gia đình hai bên đã đồng ý từ trước.” Lần đầu tiên đến dự một lễ ăn hỏi tại Việt Nam, tôi chưa biết điều đó. Mọi người gặp nhau để bàn bạc, chắc còn nhiều thứ vẫn chưa thỏa thuận. Phải không?

Tôi vẫn nhớ, chú đại diện nhà trai đứng lên, phát biểu: “Sau một thời gian cả hai bên gia đình tìm hiểu nhau, chúng tôi quyết định chọn ngày 14 tháng Năm để hai cháu nên nghĩa vợ chồng”. Chú đại diện nhà gái đứng lên, cảm ơn gia đình nhà trai, ngồi xuống.

Ngay sau đó, các bác bên họ nhà gái có 30 giây nói chuyện cùng nhau theo cách của mấy diễn viên phụ không có thoại nhưng vẫn phải sôi động trên sân khấu. “Ngày 14 tốt lành nhỉ, hai cháu rất đẹp đôi nhỉ…” Rồi chú đại diện nhà gái đứng lên lần hai.

“Chúng tôi đồng ý với lời đề nghị của họ nhà trai.”

Tưởng hai bên gia đình vừa đàm phán thực sự, tôi quay đầu hỏi người ngồi bên cạnh: “Thế trong trường hợp nhà gái bảo ngày đó không được thì nhà trai phải chọn ngày khác hay thế nào hả bạn?” Người ấy nhìn tôi và cười.

Cũng có lần tôi được mời đến dự lễ ăn hỏi của một anh bạn là người Anh đang yêu một cô bạn là người Hà Nội. (Tôi bê tráp, đau tay vì xếp hàng hơi lâu và chọn nhầm mâm trái cây.) Khi vào nhà người yêu, anh ấy làm hết những việc nên làm: cười tươi, rót rượu, mời thuốc lá…

Xong cô người yêu dẫn anh ấy đến bàn VIP để phát biểu (bố mẹ anh ấy chưa sang nên anh ấy phải tự đại diện cho nhà mình). Anh ấy tỏ ra rất lo lắng. Anh ấy đã đứng lên phát biểu tại nhà người yêu mấy hôm trước, tưởng chương trình đã kết thúc, chưa chuẩn bị tinh thần để đứng lên phát biểu thêm lần nữa - mà lần này lại trước mặt nhiều người hơn. Trình độ tiếng Việt của anh ấy cũng chưa thực sự tốt, xử lý các câu “lễ hội” vẫn là việc khổ.

“Cháu xin phép lấy Phương,” anh ấy hồi hộp nói - rồi đứng im. Các bác ngồi chờ, tưởng bài phát biểu còn dài. Nhưng bài phát biểu không dài. Bài phát biểu đã hết. Anh ấy nhìn các bác ngồi bên trái, các bác ngồi bên phải, bố mẹ người yêu, khách mời đông đủ. Ai cũng im lặng chờ đợi câu tiếp theo.

“Được không?”



Kiểu người nào phù hợp lấy người nước ngoài?

Nhiều lần tôi tự hỏi mình câu đó. Kiểu người nào phù hợp lấy người nước ngoài… nhỉ? Nói cách khác, kiểu người nào phù hợp lấy người văn hóa ngoài vì đôi khi nước xa có văn hóa gần.

Với nhiều người, đó là câu hỏi thừa: có tình cảm là đủ, chứ kéo chuyện văn hóa vào cuộc là phủ nhận vai trò của tim. Đó là quan điểm đẹp.

Hòa bình trên Trái Đất cũng là quan điểm đẹp.

Giả sử tình cảm không là chưa đủ. Giả sử có kiểu người phù hợp lấy người nước ngoài và có kiểu không, dựa trên các yếu tố bẩm sinh. Có kiểu người nếu lấy người nước ngoài sẽ có hôn nhân hạnh phúc, gia đình ấm áp - và có kiểu người sẽ không có gì hết, ngoài mấy phút khóc rưng rưng vào giữa đêm tối.

Vậy ai phù hợp?

Trong nhiều trường hợp, tôi thấy người chưa bao giờ nghĩ mình sẽ lấy người nước ngoài phù hợp hơn những người nuôi ý định lấy người nước ngoài từ lâu. Những lúc đi hát karaoke, người chưa bao giờ nghĩ mình sẽ thành ca sĩ thường hát hay hơn người nuôi ý định thành ca sĩ từ bé Đôi khi sự chuẩn bị phá mất sự chân thật.

Những cặp vợ chồng “Tây-Ta không ngờ” thường đến với nhau vì duyên - tình cờ ngồi cạnh nhau trên máy bay đứng cạnh nhau ngoài cửa văn phòng chờ trời hết mưa, Một mối quan hệ bắt đầu vì “duyên tự nhiên” thường sẽ ổn hơn một mối quan hệ bắt đầu với “duyên nhân tạo”.

Họ đến với nhau vì duyên, còn họ ở lại với nhau vì tính cách - không phải vì văn hóa, ngôn ngữ, màu da, hộ chiếu… Vì cả hai đều không sính ngoại trong tình yêu nên việc tìm hiểu nhau diễn ra một cách chân thành. Họ không cố tình đến với mục đích lớn lao mà mục đích lớn lao bất ngờ đến với họ. Họ lấy một người, không lấy một văn hóa.

Thêm một điều quan trọng là những người đó thường thuộc dạng thỏa mãn với những gì đang có. Nói cách khác, họ thuộc loại người không bị ám ảnh với những gì chưa có. Họ không chủ động tìm kiếm một hoàng tử có thể cứu mình từ hang rồng, một thiên thần có thể đưa mình lên mây - vì đơn giản họ không thấy mình đang ở trong hang rồng, không nghĩ mình đang ở dưới đất bùn.

Tính cách này tôi gọi là tính “mặc dù nhưng”. Trước khi cưới nhau: mặc dù kết hôn với người nước ngoài đang “hot” nhưng tôi không phải người theo mốt đâu. Sau khi (bất ngờ) cưới nhau: mặc dù hai người chưa thực sự hiểu ngôn ngữ của nhau nhưng tâm sự đến mức này là đủ. Tính “mặc dù nhưng” là điều khiến họ tránh nhau lúc đầu, ở lại với nhau lúc sau.

Cuộc hôn nhân nào cũng có những ba-ri-e riêng, những chướng ngại vật nằm giữa con đường tìm hiểu. Các cuộc hôn nhân xuyên văn hóa sẽ có ba-ri-e rất cao, khiến việc chia sẻ cảm xúc trở nên rất khó khăn. Những người tham vọng và cầu toàn sẽ cố gắng tìm cách vượt qua hết - và thất bại. Còn những người có tính “mặc dù nhưng”này sẽ dừng lại trước những ba-ri-e cao quá, trải chiếu, ăn píc níc. Mặc dù không vượt qua được nhưng cũng không sao. Ăn ngon là chính. Mà dưới này cũng mát mẻ đấy chứ!



People pháp

Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam.

Sự thật là trong nhiều khía cạnh, ngữ pháp Việt Nam rất đẹp trời. Tiếng Anh có lựa chọn “swim, swam, swum, swims, swimming. Chọn sai là chết đuối. Tiếng Việt chỉ có mỗi lựa chọn “bơi”, áp dụng trong mọi trường hợp, ghép vào câu như ghép cột mới vào bảng tính Excel. Tôi biết bơi. Tôi đang bơi. Tôi thích bơi.

Các cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt cơ bản đều rất dễ hiểu; một người nước ngoài học mấy năm có thể viết đủ một trang không bị sai chỗ nào (có thể nghe lạ, nhưng không bị sai). Một người Việt Nam học tiếng Anh mấy năm khó làm được như thế, thường sẽ bị thiếu một “been+ing”, thừa một “was+ed”.

Theo tôi, “phong ba bão táp” không nằm ở ngữ pháp cơ bản mà ở cái tôi đặt tên là “people pháp”. People pháp là ngữ pháp dành cho quan hệ các people với nhau. Thú thật mà nói, people pháp Việt Nam rất xấu trời luôn.

Ví dụ, tôi có một người bạn 30 tuổi tên Thủy. Tôi và bạn ấy có một người bạn chung tên Huyền, mới 25 tuổi. Khi nhắc bạn Thủy với bạn Huyền, tôi có thể dùng “chị”.

“Huyền ơi, em nhớ qua nhà chị Thủy lấy chìa khóa nhé!”

Ý tôi là “Thủy: chị của em”. Mặc dù Thủy là em của tôi (năm nay tôi 32 tuổi), nhưng khi nhắc Thủy trong câu trên tôi sẽ “nói hộ” Huyền. Đơn giản phải không? Khi nhắc người B trong lúc nói chuyện với người A thì mình có thể dùng đại từ xưng hô nói hộ người A.

Không đơn giản như thế đâu nhé. (Mà với nhiều người nước ngoài học tiếng Việt, cái “đơn giản” ấy đã khủng khiếp lắm rồi). Trời sẽ mưa gió.

Ví dụ, tôi thuê nhà cùng anh Hoàng, 40 tuổi, và anh Quân, 37 tuổi. Anh Hoàng gọi anh Quân bằng “em”, nhưng tôi không nên nói:

“Anh Hoàng ơi, anh nhớ qua phòng em Quân lấy chìa khóa nhé!”

Ý tôi là “Quân: em của anh”, nhưng vì một luật people pháp nào đó nên ý tôi không ra. Tôi phải nói “qua phòng anh Quân lấy chìa khóa”. Có nghĩa là tôi không được nói hộ anh Hoàng. Tôi không được nói từ góc nhìn anh Hoàng mà phải nói từ góc nhìn của chính mình. Góc nhìn khiêm tốn nhất.

Được: “Cháu ơi, cháu nhớ qua nhà cô Trâm lấy chìa khóa nhé!” (Trâm 20 tuổi, là em của tôi).

Không được: “Bác Minh ơi, bác nhớ qua nhà cháu Long lấy chìa khóa nhé!” (Long 38 tuổi, là anh của tôi).

Cũng không được nhưng đỡ hơn một chút: “Anh Sơn ơi, anh nhớ qua nhà chú Kiên lấy chìa khóa nhé!” (Kiên 65 tuổi, là bác của tôi và là chú của Sơn).

Thế thì phải sửa lại luật people pháp đó:

“Khi nhắc người B trong lúc nói chuyện với người A thì mình có thể dùng đại từ xưng hô nói hộ người A (nhắc người B từ góc nhìn người A), trừ trường hợp người B lớn tuổi hơn mình, và đặc biệt trừ trường hợp người B lớn tuổi hơn mình và người A lớn tuổi hơn người B…

Rất khác với “he/she/you/me” của tiếng Anh. Hiện chưa có quyển sách nào mô tả hết các cấu trúc people pháp Việt Nam. (Có ai dám viết đâu?) Thường người nước ngoài học tiếng Việt phải mò vào, lúc bị điện giật thì phải nhớ rất rõ mình vừa sờ tay vào đâu. Nhưng giả sử có người chịu khổ viết. Các trang sẽ phải hiện ra như thế này:

Phong ba lắm chứ. Có lẽ tôi đã mất tự tin và không học tiếng Việt nữa - nếu không chứng kiến nhiều người Việt Nam chính gốc cũng mắc lỗi people pháp liên tục. Mỗi lần thấy một người Việt bị chửi mắng vì xưng hô “linh tinh” (thừa một cái “thưa”, thiếu một cái “ạ”) thì tôi vui lắm. Hóa ra people pháp Việt Nam không phải quá khó với riêng sinh viên nước ngoài mà với cả nhiều người Việt chính gốc đã học tiếng Việt từ lúc nghe bác sĩ phụ sản kêu lên “Cháu trai, chị ơi!”.



Chết!

Người Việt nói nhiều hơn người Tây.

Đó là kết quả bịa đặt của một dự án nghiên cứu chưa được thực hiện.

Theo kết quả tin cậy của một dự án nghiên cứu đã được thực hiện, người Mỹ nói trung bình 7.439 từ mỗi ngày. Để điều tra vấn đề này, các nhà ngôn ngữ học chọn hơn 1.000 người thuộc nhiều bộ phận xã hội, cài míc và thu âm họ từ lúc thức dậy đến lúc đi ngủ.

Tôi nghĩ với người Việt, 7.439 từ là chuyện nhỏ. Mặc dù chưa có cuộc khảo sát lớn (đề nghị các nhà ngôn ngữ học Việt Nam vào cuộc) nhưng theo những gì tôi quan sát, con số trung bình mỗi ngày ở Việt Nam phải ít nhất gấp đôi.

Người Việt đơn giản rất thích chia sẻ. Ở đâu tôi cũng thấy người Việt nói chuyện với nhau, từ các văn phòng sang trọng xuống quán cóc vỉa hè. Các cửa hàng bán lẻ luôn có mấy nhân viên ngồi tám chuyện. Các cơ quan nhà nước cũng vậy; mọi người đang tập trung làm việc rồi tư dưng có một chị mang đĩa hoa quả vào phòng, thành hội thảo ngay.

Hội thảo thì phải có chủ đề. Ở Việt Nam tôi thấy nguồn nội dung các cuộc trò chuyện ấy thường là cái trước mặt bình luận và nhận xét về những điều xung quanh. Nhìn cái nào, mô tả cái đó, diễn đạt môi trường bằng lời. Trời nóng, người Việt nói “Nóng!”. Phụ nữ cao, người Việt nói “Cao!”. Đứa trẻ cười, người Việt nói “Cười!”.

Hôm trước tôi đi xem phim ở rạp, ngồi giữa hai chị tầm ba mấy. Nhân vật chính cười, chị bên tay phải nói “Cười”. Nhân vật chính khóc, chị bên tay trái nói “Khóc”. Nhân vật chính bị công an bắn rồi ngã xuống đất, hai chị hai bên cùng nói “Chết!”. Cứ như thế đến hết bộ phim, “Cười”, “Khóc”, “Sợ”, “Chạy”, “Chết”…

Mắt thấy, miệng nói. (Ở Việt Nam “cái trước mặt” nói chung rất có quyền lực. Mặc dù ai cũng biết tiền mặt chỉ là biểu tượng nhưng nếu “biểu tượng trước mặt” bị rách thì ít người nhận đâu.) Có lần tôi đi siêu thị cùng một cô bạn là người mẫu rất cao. Siêu thị khá đông; bạn ấy đi đâu cũng có người nhìn và nói “Cao!”. Không phải nói thầm cho người bên cạnh nghe mà nói rất to, rất tự nhiên - cả tôi lẫn bạn ấy đều nghe thấy rất rõ. Buổi đó bạn ấy thu được ít nhất 30 từ “Cao”.

Tôi thường thu một từ khác: “Tây”. Đi đâu (đặc biệt các vùng nông thôn) hay có người nhìn tôi rồi tự nhiên kêu “Tây”. Kêu để kêu. Kêu cho ông trời nghe. Lúc đầu tôi bực Ở các nước phương Tây, nói về một người mà người đó vẫn nghe thấy được là hành động bất lịch sự. Nếu người đó nghe thấy được thì phải nói với họ, phải “Chị ơi, cho em hỏi chị cao bao nhiêu?”, hoặc “Xin lỗi, anh có phải là người Châu u không?” Chứ nói về họ sẽ tạo cảm giác như họ không thực sự tồn tại; họ là con chó chạy lon ton qua đường, không phải con người có trái tim và hai tai.

Giờ tôi đỡ bực mình hơn. Mỗi nơi một kiểu. Tôi bò qua. Tôi cười. Tôi trả lời hóm hỉnh. “Tây, Tây, Tây!”, các cô chú kêu. “Ở đâu, ở đâu, ở đâu?”, tôi nhiệt tình đáp lại, giả vờ nhìn tứ phía.

Văn hóa “nhận xét bóng gió” cũng hiện rõ ở ngoài đường. Ở Việt Nam, tiếng còi cũng có thể được xem là các câu nhận xét thuộc loại nói để nói. “Bíp, tôi đang ở đây này!”. “Bíp, tôi đang đi đằng sau bạn!” (mà lúc nào cũng có người đi đằng sau). “Bíp, tôi đang vội!” “Bíp, tôi đang vui!”

“Bíp, tôi đang tồn tại!”

Ở ngoài đường và ở trên bàn. Người Việt khi ăn cơm với nhau hay nhận xét một cách rất phong phú về các món đang ăn. Ở Canada, người thường đi ngay vào nội dung chính (“Công việc mới của chị thế nào?”), nhưng ở Việt Nam, mấy phút đầu tiên hầu như dành riêng cho các món ăn trước mặt (và trong miệng). “Ngon.” “Bình thường.” “Chỗ trong ngõ ngon hơn.”

Thời tiết nữa. Nô-en vừa rồi tôi về Canada hai tuần. Đi từ nhà tôi ở Vancouver ra sân bay, tôi cùng anh lái taxi đều ngồi im, xe cứ đi, tuyết cứ rơi. Hạ cánh ở Hà Nội xong, tôi bắt taxi về nhà thuê. Đi khoảng năm phút, trời,bắt đầu mưa.

Mưa, tôi nghĩ.

“Mưa!” Anh taxi nói.

Lúc đó tôi biết tôi đã về đến Việt Nam.



Chuyện spellcheck và người máy nổi loạn

Mỗi lần viết xong bài tiếng Anh, tôi hay bấm nút “Spellcheck”, xem Microsoft Word có phát hiện lỗi chính tả nào đáng sợ không. Mỗi lần viết xong bài tiếng Việt, tỏi không có nút ABC nào để bấm mà phải dùng công nghệ cổ từ thập kỷ 70 là hai con mắt và một bộ não.

Không phải chưa ai nghĩ ra. Đã có nhiều phần mềm kiểm tra lỗi chính tả tiếng Việt. Tuy nhiên phải rất lâu nữa mới có phần mềm kiểm tra lỗi chính tả tiếng Việt thực sự hiệu quả.

Có nhiều lý do khách quan. Tiếng Anh là ngôn ngữ dùng trọng âm. Tiếng Việt là ngôn ngữ dùng thanh điệu. Tiếng Anh viết sai một từ thường sẽ thành cụm chữ vô nghĩa (boring - boreing), còn tiếng Việt viết thì thành từ khác (chán - chan, trán, chắn, chá, cán…)

Tất nhiên tiếng Anh có trường hợp viết sai thành từ khác (feel-fell), tiếng Việt thành cụm chữ vô nghĩa (điên - đêin), nhưng trong đa số trường hợp, tiếng Anh rơi vào bảng A và tiếng Việt bảng B. Thêm vào đó, một spelỉcheck tiếng Việt sẽ khó phân biệt giữa từ một và hai âm tiết.

“Người khách sao”.

Spellcheck sẽ không biết ý tác giả là một người “khách sáo” (mà viết sai) hay một người “khách” là ngôi “sao” (mà viết đúng).

Trong tiếng Anh, các âm tiết dính chặt vào nhau, Spellcheck sẽ không nhầm “Sonday” là hai từ “Son” và “Day” viết đúng - mà biết ngay là từ “Sunday” viết sai.

Thêm vào đó, tiếng Anh có nhiều từ 3, 4 âm tiết - kể cả “giết hẳn” một âm tiết (information), dựa trên các âm tiết khác Spellcheck không chỉ biết đó là từ viết sai mà còn gợi ý chính xác: “Có phải ý bạn là ‘information’ không?”

Vậy nên nếu có spellcheck tiếng Việt thực sự hiệu quả thì nó phải dựa trên nền trí tuệ nhân tạo rất cao. Nó không thể dựa trên những thuật toán tinh vi như Spellcheck tiếng Anh mà phải nắm được toàn bộ ngữ cảnh, giống cách bộ não của ban đang xử lý bài viết này - và vừa phát hiện từ “ban” vừa đọc bị thiếu dấu nặng.

Lúc có spellcheck tiếng Việt hiệu quả là lúc chúng ta nên rất vui. Chúng ta đã thực sự làm chủ công nghệ. Đó cũng là lúc chúng ta nên rất sợ. Vì lúc có spellcheck tiếng Việt hiệu quả là lúc chúng ta sắp bước vào thời kỳ Terminator - thời kỳ người máy nổi loạn và mở chiến tranh mục đích hủy diệt nhân loại.

Lôgic đơn giản. Máy tính đủ tỉnh táo để phát hiện “Ta có nhiều lỗi chính ta phải sửa” (a) là trường hợp viết sai, và (b) nên sửa thành “lỗi chính tả” (dựa trên ngữ cảnh cả bài) có nghĩa là bọn rô-bốt đủ tỉnh táo để biết số phận của chúng hoàn toàn nằm trong tay con người - nếu như chúng không chủ động thay đổi tình hình đó.



Văn hóa ong kiến

Như một đứa trẻ bị đánh đòn trở nên mất tự tin, hai cụm từ “Văn hóa phương Đông” và “Văn hóa phương Tây” rất dễ bị lạm dụng trở nên mất ý nghĩa.

Bên trái là một số bức minh họa của họa sĩ người Trung Quốc Yang Liu sáng tác (và của tác giả người Canada Joe Ruelle sáng tác lại và “hoa quả hóa” để tiết kiệm chi phí bản quyền). Cô ấy đang du học tại Đức, nhận thấy nhiều sự khác biệt giữa văn hóa mẹ đẻ và văn hóa nơi đang ở.

Cách nhìn nhận đơn giản nhất là coi “bên táo” là văn hóa phương Tây, “bên cam” là văn hóa phương Đông. Tây thẳng thắn, Đông vòng vo. Tây cá nhân, Đông cộng đồng. Tuy nhiên, có phải những bức minh họa bên táo thực sự đậm chất phương Tây không? Bên cam phương Đông? Hay cách nhìn đó lấn át sự thật?

Thế giới phương Tây gồm nhiều nền văn hóa đa dạng đến mức khó tìm ra điểm chung. Thế giới phương Đông càng đa dạng hơn, tìm ra điểm chung giữa các văn hóa từ Nhật đến Nepal là việc tham vọng đến điên cuồng.

Văn hóa của nước nào cũng có chút chất kiến, chút chất ong. Nếu “Văn hóa con ong nguyên chất” xếp hẳn vào bên trái thước đo của tôi (số một), và “Văn hóa con kiến nguyên chất” xếp hẳn vào bên phải (số mười) thì văn hóa Mỹ là số hai, văn hóa Việt Nam là số tám. Văn hóa Ý có nhiều khía cạnh khá “kiến”, văn hóa Nhật thì khá “ong” (số sáu và số bốn). Nga nghiêng một chút về bên kiến. Singapore nghiêng một chút về bên ong. Úc thì ong lắm, Thái thì rất kiến…

Ít nhất hiện giờ là như vậy. Nhưng không văn hóa nào đứng yên một chỗ. Xu hướng chính trong các nền văn hóa thế giới là chuyển từ kiến sang ong. Nên nhớ rằng, nhiều nền văn hóa ngày nay rất “ong” thì ngày trước đã “kiến” hơn nhiều. Cách đây mấy trăm năm, các gia đình người Anh luôn ăn chung, dùng chung một chiếc dao. Mối quan hệ phức tạp hơn nhiều.

Điều dẫn đến sự thay đổi là công nghệ. Nhờ sự phát triển của công nghệ - đặc biệt là cách mạng công nghiệp - các mối quan hệ thời xưa là bắt buộc (dựa vào nhau mà sống), thời nay là “tùy ý” (dựa vào nhau tùy thích). Công nghệ cho phép mọi người sống độc lập mà không chết đói.

Gần đấy, tôi thấy văn hóa Việt Nam đã “ong” đi một chút, cũng như các văn hóa Trung Quốc, Hàn Quốc, n Độ, Thái. Không phải tình cờ mà phim ong rất thành công ở thị trường kiến (và trường hợp ngược lại thì tương đối ít). Đơn giản, mùi ong hấp dẫn con kiến. Hỏi 100 học sinh Việt Nam: “Nếu có cơ hội đi du học ở bất cứ nơi nào thì em sẽ chọn đi đâu?” thì tôi nghĩ 80 em sẽ chọn một đất nước rất “ong”.

Tuy nhiên có điều mâu thuẫn là giới trẻ các nước “rất ong” đang dần dần quay trở lại với văn hóa con kiến, tìm cách sống cộng đồng hơn, hòa thuận hơn. Họ lấy cảm hứng từ Thái Lan, từ Ấn Độ, từ Tây Tạng - và thỉnh thoảng từ một đất nước nhỏ có tên Việt Nam. Họ lý giải một cách sâu sắc, đồng thời cũng dễ thương: Đông đào dưới đất thì hơi mệt, hơi bí, nhưng một mình trên trời thì cô đơn không chịu nổi.


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...