Ngoảnh Lại Hóa Tro Tàn
Chương 19: Một gương mặt khác
Phương Đăng tiễn vị khách cuối cùng khỏi cửa, quay vào nói với cô nhân viên đang đứng trước quầy thanh toán kiểm kê hàng: “Hôm nay chị về sớm một chút đi, năm nào đến tầm này cũng bắt chị ở lại trực, ai không biết lại tưởng tôi ngặt nghèo.”
“Dù có về sớm cũng chẳng biết làm gì.” Người phụ nữ cắm cúi xem sổ sách cất tiếng.
“Còn cháu gái chị đâu, không phải trông ư?”
“Trường nội trú có tổ chức đi chơi công viên nhân Tết Tây, mấy đứa trẻ con thích đến chỗ náo nhiệt hơn.”
“Mà chị đừng nên để bản thân quá cô quạnh.” Phương Đăng thở dài não nuột, tiện tay đón lấy vật trong tay người kia, “Đóng cửa rồi! Ngày mai cửa hàng nghỉ Tết một hôm, muốn làm gì thì làm cho thỏa thích. Tuổi thanh xuân dù không đáng tiền, thì cũng nên phung phí vào những việc có ý nghĩa một chút.”
Cô gái tuổi tác xấp xỉ Phương Đăng bèn cười, vào trong thay quần áo, tỏ vẻ thế nào cũng được. Nhớ lại sáu năm trước, cửa hàng mới mở chưa bao lâu, có một cô gái trẻ măng, nói năng dịu dàng, vừa khéo may vá vừa xinh xẻo đến ứng tuyển. Đúng vào lúc tiệm cần người, Phương Đăng liền hỏi cô cần thù lao thế nào mới chịu ở lại giúp. Cô gái kia chẳng đưa ra một cái giá nào, cứ lặng im một lúc rồi thốt nhiên nói: “Tôi từng đi tù, giờ chỉ muốn sống an phận, chị cần tôi là quý rồi, chỉ cần đủ dùng nhu cầu thiết yếu thôi, bao nhiêu tiền cũng được.”
Phương Đăng nghe nói khá là kinh ngạc. Cô khó mà nghĩ rằng một người phụ nữ trẻ trung, dịu dàng hướng nội, yếu mềm đến độ gió thổi bay mất thế kia lại từng là một tội phạm. Nói như vậy, chắc trước đây cô ấy đã bị không ít nơi từ chối. Cũng phải, người làm ăn chân chính, ai chẳng muốn quân nhà mình là người đàng hoàng trong sạch?
Vậy mà chỉ sau chốc lát do dự, cô đã nhận cô gái ấy. Có lẽ rằng mới hỏi sơ qua chuyện quá khứ, cô nhìn ra ngay trong ánh mắt người kia có một thứ gì thân thuộc. Phương Đăng cũng trải qua một tuổi thanh xuân khác với đa số mọi người, nên đối với thuở thiếu thời tàn khốc và cuồng điên của người kia, đối với việc định đoạt trắng đen, sai đúng, cô có cách nghĩ của riêng mình. Thêm nữa, cô rất tin vào mắt nhìn người của bản thân.
Cứ thế, cô gái tên Tạ Cát Niên kia ở lại cửa hàng vải nội thất của Phương Đăng chớp mắt đã sáu năm. Đôi khi Phương Đăng cảm thấy Cát Niên mới là bà chủ chứ không phải mình, cô ta tật tâm tật lực vì cửa tiệm hơn cả mình. Ban đầu khai trương cửa hàng này, chỉ vì Phương Đăng muốn tìm một nơi ký thác, nếu không nhờ Cát Niên dốc lòng dốc sức, chắc gì tiệm đã kinh doanh khấm khá như ngày hôm nay. Mỗi dịp lễ tết, các nhân viên khác đều nghĩ cả, chỉ có Cát Niên và cô bám trụ lại cửa hàng.
Đóng cửa hàng về tới nhà, đã gần chín giờ tối. Nơi ở hiện tại của Phương Đăng cũng có một cái gác xép nho nhỏ, mặc dù không hoàn toàn giống với nơi ở trước kia trên đảo. Một trong những lý do quan trọng khiến cô chọn căn nhà này, là vì cánh cửa sổ nhìn ra biển. Đứng trước đó, cô sẽ nhìn thấy đảo Qua Âm ở phía xa. Đặc biệt vào ban đêm, hồ như cô có thể tự tưởng tượng mà chỉ ra, đâu là bến tàu, đâu là giáo đường, đâu là cô nhi viện, đâu là nhà họ Phó… Ánh sáng từ ba công trình trước có lẽ đều là thực, duy nhà họ Phó chỉ là tưởng tượng. Đèn ở nơi ấy đã nhiều năm rồi không được ai thắp lên.
Phương Đăng đặt chìa khóa xuống bước lên gác xép, chỉ mới tới lưng chừng cầu thang đã nhìn thấy phía trên tỏa ra ánh đèn. Cây chuối tây trước cửa sổ ướt đẫm, như vừa được ai tưới tắm. Cô đưa ngón tay ra đón một giọt nước lăn xuống từ phiến lá, ngoảnh ra sau, Phó Kính Thù đã đứng ở cửa nhà vệ sinh tự lúc nào, tay cầm chiếc bình tưới cây.
“Em ấy à, bẩm sinh đã không có gen trồng hoa. Anh cứ tưởng cây chuối tây này được chăm sóc tốt lắm.” Hắn đứng bên Phương Đăng, lại tưới thêm một chút nước vào mấy tán lá, rồi dùng tay hái xuống hai phiến lá hơi cuốn lại, “Em xem này, mấy cái vân màu vàng đứt quãng trên lá là triệu chứng bị bệnh, nếu không hái đi ngay, cả cái cây sẽ chết khô.”
Một cách vô cùng tự nhiên, hắn cúi xuống nhỏ nhẹ bên tai cô, như thể sáng nay hai người vừa tạm biệt ở cửa, kết thúc một ngày làm việc, lại cùng nhau chăm sóc cây cảnh trong nhà.
Phương Đăng nói: “Anh không nhớ cái cây này do anh trồng ư. Nó có ốm đau quặt quẹo một tí, anh mới không quên.”
Cô chẳng rõ chậu hoa liệu có nhung nhớ chủ nhân. Mai là mùng một Tết Tây, đã tròn một năm họ không gặp mặt. Khi vừa rời đi, Phó Thất chỉ có thể hứa với cô mỗi năm trở về cùng cô đón Giao thừa một lần. Cả hai người đều không thể quên cái đêm tống cựu nghênh tân tăm tối vô biên của mười ba năm trước, họ bạt mạng trốn thoát khỏi cái nhà xác bỏ hoang đã giam giữ hắn suốt một ngày một đêm, tìm về chốn phố xá ồn ào, vội vã và tham lam hít hà chút ấm áp vào tim. Cái Tết ấy, có người mất, có người như sống lại lần thứ hai. Cũng chính cái Tết ấy, chúng nhận ra mình chỉ có thể dựa vào người kia mà tiếp tục tồn tại.
Năm nào cũng thế, ít nhất trong thời gian này, họ ở bên nhau. Đó là điều mà sau rất nhiều năm, hắn vẫn làm vì cô.
Khi vừa tới Malaysia, mọi chuyện với Phó Kính Thù không mấy thuận lợi. Dù trên danh nghĩa là về với bề trên của Phòng Ba, nhưng bà Trịnh rõ ràng không phải một người bà đôn hậu. Bà nhận “đứa cháu” này, là quyết định của lý trí, còn trên thực tế hai người đã làm “người dưng” suốt mười bảy năm, đột nhiên phải đối xử như người thân trong gia đình đâu có dễ dàng.
Phó Kính Thù cũng hiểu rõ điểm này, tất cả những gì hắn có thể làm được, là hoàn thành mọi việc một cách trọn vẹn nhất, hắn không ngừng rèn luyện để bản thân thêm phần ưu tú, nỗ lực chứng tỏ mình với bà Trịnh, tìm mọi cách khiến bà vui. Song, hắn làm quá tốt, lại khiến bà Trịnh buồn lòng. Bà sẽ nhớ về đứa con trai đã chết Phó Duy Tín, nghĩ đến việc người kế thừa con mình lại là một “đứa cháu” chẳng có quan hệ huyết thống thân thiết. Dĩ nhiên, bà còn nghĩ đến cái “đứa cháu” kia là hậu nhân của đức lang quân và Tiểu Xuân cô nương. Tỷ dụ hành vi của hắn nhất thời không khiến bà vừa lòng, thì chuyện ấy chẳng đáng bàn, dẫu gì từ nhỏ hắn không được bà dạy dỗ, đã thế lại còn trộn lẫn nòi giống tầm thường, bà chẳng bận tâm làm gì.
Bà Trịnh vốn trọng thể diện, có những thứ bà không tự nhiên mà nói thẳng ra, cho dù trong lòng không vui, bên ngoài cũng cứ như không. Có điều những người khác trong nhà mắt ai cũng sáng quắc. Trong biệt thự lớn của họ Phó tại Kuala Lumpur, ngoại trừ bà Trịnh và gia đình con gái con rể, còn có hai cậu em họ ngoại của bà cùng bảy tám người làm. Đói với một kẻ mới đến, họ đối xử nồng nhạt thân sơ ra sao, y hệt như mấy bộ phim mọi người thường xem.
“Cô” của Phó Kính Thù, Phó Duy Mẫn, là một người trực tính, trong lòng nghĩ gì viết cả lên mặt, ngay từ đầu cô ta đã không mấy tán thành mẹ mình đón một đứa trẻ cầu bất cầu bơ về nhà, cho nên cô ta không mấy thích Phó Kính Thù, điều này ai cũng biết, dù sao hãy còn quang minh chính đại. Chồng cô ta lại cao minh hơn nhiều, ngoài mặt cười nói, nhưng đâm sau lưng người ta lúc nào không hay, sơ ý với người đàn ông này là nguy hiểm đến tính mạng.
Hai “ông trẻ”, một người thời thanh niên làm ăn thất bát, bất đắc dĩ cả nhà già trẻ phải đến ăn chực chị gái, làm gì cũng phải để ý sắc mặt bà Trịnh, do đó chẳng tốt mà cũng chẳng hại Phó Kính Thù; một ông ế vợ, cả ngày vui chơi bài bạc, là một lão già ẩm ương, ai cho lão tiền thì người ấy là thánh, còn hạng trẻ ranh chẳng thể làm lợi gì dĩ nhiên lão chẳng coi vào đâu. Các người làm quá nửa là dân bản địa, ngoài mặt tuy không dám tỏ thái độ, nhưng sau lưng tám chuyện trên giời dưới biển, chẳng có ai thật lòng coi hắn là chủ.
Phó Kính Thù thâm nhập vào môi trường ấy, mới cảm nhận sâu sắc vì sao cha mình hoàn thành được giấc mộng nhận tổ quy tông lại càng âu sầu kém vui, cuối cùng ra đi trong buồn thảm. Nếu coi việc bị bỏ rơi ở nhà tổ giống như một mình phải đi giữa nơi hoang vu vắng lặng, thì trở về bên “người thân”, lại giống như lạc vào vùng đất lạ, mỗi giờ mỗi phút đều có người nhắc nhở, mày là kẻ lạc loài, mày không thuộc về nơi đây.
Nhưng rốt cuộc, Phó Kính Thù không phải là Phó Duy Nhẫn. Hắn đối đãi với bà Trịnh nhất mực tận tâm, ngoài ra trước ánh mắt lạnh nhạt của những người khác, hắn chỉ cười bỏ qua, từ đầu chí cuối chưa từng giận hay phản khác, biết tiến thoái, quan trọng hơn là không cho họ có cơ hội nắm được điểm yếu của mình. Lâu dần, những người kia không chiếm được phần hơn, cũng chẳng có cách nào, đành buông xuôi mọi sự, đến đâu thì đến. Dù không thể thân thiết như người một nhà, nhưng ít nhiều trong không ấm mà ngoài phải êm.
Bà Trịnh không còn mạnh khỏe như xưa, nhưng lòng vẫn sáng hơn ai hết. Bà ngấm ngầm quan sát nhất cử nhất động của hắn, dù vẫn cảm thấy hắn không mấy chân thành, nhưng không hề phủ nhận quyết định của mình là sáng suốt. Thích hay không thích “đứa cháu” này là một chuyện, nhưng đích thị đây là đứa trẻ thông minh, thậm chí còn giống ông nội nó hơn là giống cha mẹ.
Sống tại Malaysia hai năm, Phó Kính Thù nghe lời bà Trịnh đi Anh, vào học tại trường mà Phó Duy Tín đã từng học. Hai mươi ba tuổi, cầm trong tay tấm bằng theo đúng nguyện vọng bà Trịnh, hắn không về Malaysia ngay mà đến Hồng Kông, làm việc thêm hai năm. Tận khi đã hai nhăm tuổi hắn mới được triệu về bên cạnh bà Trịnh, chính thức tiếp cận với công việc làm ăn của gia tộc.
Khi nhúng tay vào công việc, Phó Kính Thù mới hiểu sâu sắc tình hình hiện nay của nhà họ Phó. Từ khi dọn đến Malaysia, nhà họ Phó luôn là một trong những đại gia tiếng tăm nhất, nhưng suy cho cùng tất cả đều chỉ là núp dưới hào quang của quá khứ. Họ Phó định cư đã lâu, nền móng vững vàng, danh tiếng hiển hách, nhưng tính về tài sản khó mà so sánh được với các hào phú mới nổi. Hiện nay sản nghiệp chủ yếu của nhà họ Phó tập trung ở lĩnh vực nhà ở và bất động sản, ngoài ra còn có vài xưởng gia công lớn cùng vườn thực vật dưới danh nghĩa của “Tập đoàn Phú Niên”, cổ phần rải rác tại mấy công ty lớn ở Malaysia. Để liệt vào hàng tỷ phú thì chưa đến, chỉ là một gia tộc đã từng có quá khứ vinh hiển mà thôi.
Từ khi chồng mất, bà Trịnh luôn một mình gánh vác mọi việc, giờ đây tuổi tác đã cao, bên cạnh không có ai thực sự là trợ thủ đắc lực, người già sức lực có hạn, phương pháp đầu tư cũng dần trở nên bảo thủ. Việc duy trì cơ nghiệp đã khó, nói gì đến mở mang. Trước đây bà có em trai cả và con rể giúp sức, Phó Kính Thù thành niên rồi, thi thoảng bà cũng nghe một vài ý kiến của hắn, nhưng chỉ lấy làm tham khảo. Đến khi Phó Kính Thù chính thức quay về, tình trạng kinh doanh buồn bã này mới xuất hiện những chuyển biến rõ rệt.
Vừa tiếp quản công việc không lâu, Phó Kính Thù đã có vài động thái lớn, mạnh dạn để đạt chủ trương của mình. Hai vợ chồng người cô cùng ông trẻ rõ ràng tỏ ra nghi ngờ, nhất cử nhất động của hắn đều vô cùng áp lực. Bà Trịnh mặc cho bọn họ tranh chấp, sau khi cuộc chiến giằng dai không dứt xảy ra được một thời gian, bà mới nói: “Để người trẻ thử sức đi, thất bại coi như mua lấy một bài học.” Kỳ thực trong lòng Phó Kính Thù biết rõ, nếu lúc ấy hắn thực sự thất bại, tuyệt đối sẽ không đơn giản chỉ là “mua lấy một bài học”, mà đó là nhà họ Phó sẽ không bao giờ có chỗ cho hắn nữa.
Thật may, hiện thực chứng minh những quyết định ban đầu của Phó Kính Thù đã mang lại cho nhà họ Phó lợi ích không nhỏ. Về sau hắn lại thuyết phục bà Trịnh thay đổi cách thức đầu tư, cùng hợp tác với một tài phiệt khác thu mua thành công tập đoàn dược phẩm E.G nổi tiếng ở Los Angeles, ngay sau đó hắn đưa thị trường nội địa Trung Quốc vào tầm ngắm, chi nhánh đầu tiên của E.G tại đây hoạt động vô cùng hiệu quả. Sau khi vững chân ở thị trường nội địa, Phó Kính Thù dần mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực nhà đất và tài chính. Chỉ trong vài năm hắn đã vực dậy con rồng già nua “Phú Niên”.
Chính vì Phó Kính Thù vượt qua những phép thử một cách quá xuất sắc, mà gần hai ba năm nay bà Trịnh mới bắt đầu yên tâm trọng dụng hắn, bớt thận trọng khi xem xét việc chuyển giao quyền lực. Bà đem phần lớn công việc cho hắn quản lý, chỉ khi gặp trở ngại mới lựa thế giúp đỡ. Những nhân vật cấp cao trong các xí nghiệp dưới quyền nhà họ Phó đã dần dần công nhận vị quản lý trẻ tuổi đầy tham vọng này, hai ông trẻ của hắn cũng mau chóng thức thời chuyển phe, cô và chú dù vẫn hay giở chiêu trò, nhưng cũng chẳng mảy may tác dụng. Thực tế mấy năm nay, hắn đã trở thành chủ nhân nhà họ Phó, thời niên thiếu âu sầu bất đắc chí đã trôi đi không còn vết tích, giờ đây cuộc sống của hắn là những chuỗi ngày được bao trùm bởi vinh quang bất tận.
Chính vì thế, Phó Kính Thù ngày càng ít thời giờ dành cho bản thân. Trước đây ngoài mấy năm sang Anh, hắn luôn tranh thủ mọi thời gian rảnh rỗi về thăm Phương Đăng. Mấy năm nay quá bận không thể phân thân được nữa, nhưng bất luận thế nào, mỗi khi năm hết Tết đến, nhất định hắn phải về bên cô, năm nay cũng không ngoại lệ.
Trong lòng Phó Kính Thù, Phương Đăng mới là người thân thực sự, hắn luôn cảm thấy chỉ khi ở bên cô, hắn mới thực sự tự do và là chính mình. Còn một điều hắn không thể chối bỏ, là hắn nợ cô quá nhiều.
Không thể mang Phương Đăng theo, đó là chuyện khiến Phó Kính Thù nuối tiếc bao năm nay. Bà Trịnh vô cùng chán ghét những gì liên quan đến nhà ngoại của Phó Kính Thù, coi đó là vết nhơ trong thân phận hắn, là thứ dòng giống đê hèn trộn lẫn trong huyết thống cao quý của hắn. Mỗi lần hắn có sơ suất, hoặc làm chuyện gì khiến bà không vừa lòng, bà thường đổ hết tội lỗi lên điều này. Do đó, sau khi tốt nghiệp Phó Kính Thù có thể đón già Thôi về với mình, nhưng không cách nào nhắc đến Phương Đăng trước mặt bà Trịnh. Dĩ nhiên, Phương Đăng cũng chưa từng nói rằng muốn đi cùng hắn.
---------- BỔ SUNG THÊM ----------
Sau khi Lục Ninh Hải mất, thỏa thuận nhận nuôi giữa Phương Đăng và nhà họ Lục bị bỏ mặc, cô trở về cô nhi viện Thánh Ân sống hai năm. Nhờ Phó Thất năm lần bảy lượt dặn dò già Thôi chăm sóc, lại thêm A Chiếu bầu bạn, hai năm ấy cô sống không quá cực nhọc. Năm mười tám tuổi, cô thi đỗ trường Y trong thành phố, học y tá trong ba năm. Do ngôi trường này có liên kết giáo dục với ba nước trong khối ASEAN, nên trong kỳ thực tập cô thuận lợi được điều tới một bệnh viện lớn thuộc Penang, Malaysia. Sau nửa năm làm việc tại đây cô chính thức tốt nghiệp, trở thành một hộ lý tư nhân người Hoa nổi tiếng tại bản địa, công tác một mạch ba năm nữa.
Đó là ba năm mà Phương Đăng lẫn Phó Kính Thù đều tuyệt không bao giờ nhắc lại. Không rõ Phó Duy Mẫn nghe được tin đồn ở đâu, trong một bữa cơm, trước mặt cả nhà, cô ta cười nói: Hóa ra cái nết mặt dày là di truyền, có những người trong xương cốt đã ngấm cái máu hạ tiện, cô làm gái, cháu cũng học theo.
Phó Duy Mẫn không quen biết Phương Đăng, mấy lời bóng gió xỏ xiên này dĩ nhiên là chĩa vào một người khác đang ngồi trên bàn ăn. Lúc ấy Phó Kính Thù cúi đầu uống canh, không tỏ vẻ gì, nhưng suýt nữa bóp gẫy đôi đũa trong tay. Hắn tưởng chuyện gì cũng nhịn được, nhưng khi vấp phải chuyện này, xém chút hắn đã trở mặt ngay tại trận. Đó cũng là lý do hắn luôn cúi đầu ăn cơm, hắn sợ không nhịn được đến lúc bà Trịnh trăm tuổi mà tính món nợ này.
Cuối cùng Phó Kính Thù cũng nuốt trôi được cơn giận. Âm thầm nhẫn nhịn là thứ áo giáp vững chắc nhất giúp hắn tiếp tục sinh tồn và giữ chỗ đứng cho mình, dù chính tấm áo giáp ấy đây đó đầy mấu sắt cắm vào da thịt, mỗi lần cử động là máu thịt bê bết.
Ba năm sau, gia chủ của Phương Đăng thanh lý hợp đồng y tá riêng, còn người nối nghiệp non trẻ của nhà họ Phó, thông qua hợp tác mà thắng lớn trong vụ thu mua E.G, hai bên cùng thu lợi không ít, từ đó mối quan hệ hợp tác trở nên vững bền, bà Trịnh phải nhìn hắn bằng con mắt khác. Đây có thể nói là thời điểm Phó Kính Thù chính thức lên nắm quyền trong nhà họ Phó. Không lâu sau đó Phương Đăng trở về Trung Quốc, không bao giờ đặt chân đến Malaysia lần nữa.
Về sau, Phó Kính Thù có hỏi Phương Đăng muốn gì, hắn nói từ nay về sau cô muốn cuộc sống như thế nào, hắn đều đủ khả năng đáp ứng. Phương Đăng chỉ mong hắn trồng tặng cô một chậu chuối tây, chậu hoa ngày xưa sau khi hắn đi đã chết khô rồi.
Cô đặt chậu chuối tây mới lên bậu cửa sổ căn nhà mới, mở một cửa hàng bán vải nội thất, bắt đầu những tháng ngày bình yên mà cô chưa từng được trải nghiệm trước đây. So với trong quá khứ, cuộc sống bây giờ của cô trơn mịn như sợi tơ, cứ thế tuột qua kẽ tay một cách chóng vánh, thoáng cái đã sáu năm.
Trong nhà Phương Đăng có treo một bức họa, đó là món quà năm mười tám tuổi Phó Kính Thù tặng cho bà Trịnh nhân dịp sinh nhật. Trong tranh vốn dĩ vẽ Quan âm Phật bà, tay cầm tịnh bình dương liễu, ánh mắt từ bi vô ngần. Hắn không giỏi vẽ tranh Trung Quốc, cố gắng miệt mài đến độ bàn tay lúc nào cũng nhoe nhoét phẩm vẽ xanh đỏ. Nghe tiếng một vị rất am hiểu về tranh Quan âm của Nhậm Bác Niên nhà Thanh, hễ rảnh rỗi là Phó Kính Thù đến tận nhà xin được chỉ dạy. Để mô phỏng cho giống nhất, Phó Kính Thù bỏ ra rất nhiều công sức, vào ngày đại thọ của bà nội, hắn đem biếu tác phẩm của mình, bà Trịnh chỉ mở ra xem một cái, rồi lạnh lùng bỏ qua một bên.
Ngày hôm sau, Phó Kính Thù phát hiện bức tranh mô phỏng của mình bị treo lên tường nhà, ngay cạnh bản gốc của Nhậm Bác Niên. Bà Trịnh đi qua nhìn thấy, trên mặt cũng không giấu được vẻ ngạc nhiên. Vợ chồng Phó Duy Mẫn và hai ông trẻ nhìn nhau cười thầm, Phó Kính Thù mới biết họ cố tình chơi khăm mình. Bà Trịnh dừng chân, ngắm nghía kỹ càng cả hai bức trong giây lát, rồi dửng dưng rằng: “Hình giống thần không giống.”
Phó Duy Mẫn đứng bên cạnh bật cười lớn, “Vẽ hổ hóa chó rồi.”
Đến đứa ở đang lau bàn gần đó cũng che miệng cười, ánh mắt tràn ngập ý chế giễu.
Phó Kính Thù không cười, càng không giận. Hắn lặng lẽ lấy bức tranh xuống, tự mình cuộn lại ngay ngắn. Tất niên năm ấy, hắn mang tranh vẽ về nước. Khi Phương Đăng hỏi người thân bên kia đối xử với hắn có tốt không, hắn chỉ cười không đáp, mang bút vẽ ra sửa lên sửa xuống, Phật bà Quan âm liền có thêm một gương mặt, mắt xanh môi đỏ, bàn tay nắm lấy con dao dính máu.
Hắn nói với Phương Đăng, đây chính là Bà La Sát trong Chư kinh, mặt mày hung tợn, dáng vẻ yêu dị, chuyên ăn thịt uống máu.
Nói đoạn Phó Kính Thù giơ tranh lên định xé nát, may có Phương Đăng cản lại kịp thời. Từ đó, Bà La Sát ngự mãi trong căn phòng này cho đến bây giờ. Khi không có hắn, cô thường ngắm bức tranh nửa thần nửa quỷ đó một mình đến xuất thần. Phải chăng trái tim mỗi người đều tồn tại hai diện mạo như vậy? Cô và Phó Thất cùng trải qua biết bao năm tháng, những lúc hắn vẻ vang đắc ý cô hiếm khi được trông thấy, nhưng những cảm xúc khó để lộ cho người khác biết hắn đều phô bày trước mặt cô. Phương Đăng cảm thấy, mình chính là một diện mạo khác tồn tại trong trái tim Phó Thất.
Truyện hot hiện nay
Bình luận
Sắp xếp