Ngoảnh Lại Hóa Tro Tàn
Chương 11: Tỏ tường như gương
Gia đình vợ cả của ông là Hoa kiều từ Malaysia trở về, bố vợ thời trẻ từng nhận trách nhiệm quản lý cả một nhà máy cỡ lớn ở Pinang, cổ đông lớn của nhà máy này là một gia tộc người Hoa rất có danh vọng trong thành phố. Nhờ vào mỗi quan hệ và sự tiến cử của bố vợ, bốn năm trước, Lục Ninh Hải, lúc ấy chỉ mới chân ướt chân ráo bước vào giới luật sư, trở thành người đại diện về pháp lý của gia tộc đó ở đại lục, toàn quyền xử lý những vấn đề liên quan đến luật pháp của họ thuộc phạm vi trong nước. Dĩ nhiên, công việc này bao gồm cả nhiệm vụ giải quyết các “việc vặt” mà thân chủ không muốn đích thân xuất đầu lộ diện.
Hằng trăm năm trước, phong trào di dân về Nam Dương đã khiến không ít các đại gia tộc giàu có người Hoa ra nước ngoài định cư, trong đó đa phần xuất phát từ đảo Qua Âm. Gia đình mà Lục Ninh Hải đang phụng sự là một đại diện nổi bật trong đó. Ngày nay, đám con cháu nhà họ Phó tại Malaysia tuy không thể so sánh với cha ông thời điểm cực thịnh đầy quyền lực trước đây, nhưng duy trì được tổ nghiệp qua bốn đời, đã là vô cùng hiếm có. Năm xưa nhà họ Phó lên đường quá vội vã, từ đó về sau chỉ chú tâm kinh doanh ở Nam Dương, kết thông gia với vọng tộc địa phương, gầy dựng nền móng vững chắc tại Malaysia. Huống hồ trong nhà hiện nay vẫn còn người tài, chưa đến mức nhân lực cạn kiệt, cho nên tiếp tục duy trì và bảo tồn được sự giàu có của mình. Một gia tộc như vậy, trừ khi gặp phải biến cố trọng đại, hoặc xuất hiện tên phá gia chi tử ngoại hạng, nếu không chẳng thể lụn bại trong một sớm một chiều.
Các thành viên quan trọng trong đại gia đình họ Phó chủ yếu sinh sống tại hải ngoại, tài sản trong nước không còn lại nhiều, những việc Lục Ninh Hải được giao xử lý thường có liên quan đến thủ tục hoàn trả tài sản bị tịch thu từ chế độ cũ, thi thoảng họ để cho ông thay mặt người trong gia tộc thu xếp công việc. Mấy năm gần đây đảo Qua Âm dần trở thành một điểm du lịch hấp dẫn, từ thành phố ra đảo chỉ cần xuyên qua một cái vịnh, nhưng lần nào lên đảo Lục Ninh Hải cũng vội vội vàng vàng. Kể từ khi cùng bạn mở văn phòng luật sư riêng, công việc của ông luôn bù đầu, chẳng còn tâm trí đâu thưởng ngoạn phong cảnh. Hơn nữa những ngôi nhà, biệt thự cổ được coi là thắng cảnh đặc trưng của đảo, dưới con mắt của ông chẳng qua là một đống gia tài đổ nát đang trong giai đoạn tranh giành quyền sở hữu, thủ tục hành chính liên quân vô cùng rối rắm. Vậy mà hôm nay không biết do bất chợt nhớ tói người vợ đã chết, hay bởi đảo Qua Âm một ngày mùa đông bỗng trở nên xưa cũ trầm mặc lạ kỳ: những căn biệt thự cổ dãi dầu trăm năm nắng gió ẩn hiện dưới bóng lá xanh xám; tiếng chuông xe đạp thỉnh thoảng vang lên từ các xóm ngõ những tràng leng keng, leng keng; bài thánh ca từ giáo đường phiêu dạt giữa từng không… Khách ngoại lai tình cờ đi ngang cứ ngỡ mình lạc bước vào bức tranh cổ xưa nào đó. Lục Ninh Hải không nén được lòng rảo chậm bước chân.
Hôm nay Lục Ninh Hải lên đảo vì có công việc cần giải quyết. Cậu chủ trẻ tuổi thân thế phức tạp và lão gác vườn nhất mực trung thành đã đợi ông từ lâu. Còn nhớ, hai mươi hai năm trước cũng một ngày mùa đông thế này, ông mang theo một sứ mệnh quan trọng tương đương đến Phó gia viện. Đón ông lúc ấy cũng có hai người, có điều người gác vườn năm xưa lưng đã còng thêm nhiều, đứng bên lão đây là một gương mặt khác hẳn.
Phó Duy Nhẫn của hai mươi hai năm trước, hao gầy, xanh xao, ánh mắt tràn đầy vẻ bất an và mong đợi đến cuồng điên. Lục Ninh Hải mang đến cho anh ta di chúc của cha mình, anh ta tiếp nhận nó bằng tất cả mãn nguyện, bằng nhiều biểu cảm phức tạp khó thốt nên lời. Rất nhanh, Lục Ninh Hải giúp anh hoàn tất mọi thủ tục, trực tiếp đưa anh rời khỏi. Sau này Lục Ninh Hải không bao giờ gặp lại người đàn ông gầy gò đó nữa, vậy mà hình ảnh anh ta trong ký ức vẫn tươi nguyên như mới hôm qua. Thật không ngờ chớp mắt bao năm trôi đi, lần tiếp theo đặt chân lên đảo, lại là mang tin báo tử của Phó Duy Nhẫn cho con trai ông ta. Sự hệt nhau kinh người của vòng tròn định mệnh khiến một luật sư trung niên đầu trải nghiệm như ông cũng không kìm được tiếng than cho thế sự vô thường.
Theo trình tự pháp lý, Lục Ninh Hải cẩn thận trình ra giấy báo tử của Phó Duy Nhẫn, đồng thời thông báo rằng tro cốt của Phó Duy Nhẫn đã được an táng tại Malaysia. Ông còn mang về di vật khi còn sống của Phó Duy Nhẫn, chỉ là một vài đồ đạc tùy thân quan trọng. Vì ra đi quá đột ngột, Phó Duy Nhẫn không kịp để lại di chúc, Phòng Ba chưa chia nhà, nên tài sản mang tên ông tương đối có hạn, ngoại trừ một ít tiền mặt và tiền tiết kiệm, còn có một khoản quỹ ký gửi, dưới sự sắp xếp của bà Trịnh, quyền thừa hưởng lợi nhuận được chuyển sang cho con ông ta. Cũng tức là trước sinh nhật lần thứ hai mươi của đứa con, mỗi tháng cậu ta được nhận một món lợi tức, số tiền này không đủ để sắm sửa xa hoa, nhưng vừa vặn sống qua ngày. Đủ hai mươi tuổi, cậu có toàn quyền sử dụng phần quỹ ký gửi này. Từ nay về sau họ Phó không còn trách nhiệm bỏ ra bất cứ khoản tiền sinh hoạt phí nào cho con của Phó Duy Nhẫn, tất cả tài sản lử Malaysia cậu cũng không có quyền thừa kế.
Suốt buổi bàn giao, cậu con trai trẻ tuổi của Phó Duy Nhẫn có vẻ khá kiềm chế. Cậu đọc cẩn thận từng trang văn bản pháp lý, gặp phải thuật ngữ khó hiểu thì lễ phép đặt câu hỏi với Lục Ninh Hải. Cậu ta không hề đưa ra ý kiến về bất cứ điều khoản nào, cũng không quá quan tâm đến các tình tiết phân chia tài sản. Cuối cùng, cậu bình đạm ký tên mình vào giấy. Trong khi đọc và ký tên, cậu thậm chí còn không bỏ sót cử chỉ do dự tức thời của Lục Ninh Hải khi nhấc chén trà đưa lên miệng. Khách đến, lão quản vườn lập tức mang trà nóng hổi vừa pha lên mời, nhưng thời tiết quá băng giá, nước chốc lát đã nguội lạnh. Dạ dày Lục Ninh Hải không được khỏe, trà nguội khiến cơ thể ông biểu tình, nhưng vì phép lịch sự, chén đã đưa lên môi đành phải nhấp một ngụm.
Cậu thanh niên thấy thế liền đích thân pha lại trà mới. Lục Ninh Hải mở nắp ấm ra, thấy màu trà vàng sậm, hương trà Cống Mi cùng hơi nóng phả vào mặt, khiến ông vừa ngạc nhiên vừa thích thú. Quê ông là quê trà, nhưng người bản địa thường thích trà Thiết Quan Âm và Bạch Hào hơn, không hiểu cậu con trai còn ít tuổi này làm thế nào biết được sở thích của ông. Mặc dù làm việc cho nhà họ Phó nhiều năm nay, nhưng nói trắng ra, ông chỉ nghe lời một mình bà Trịnh, ít khi có liên hệ với người sống ở nhà tổ. Hay cậu ta nghe được đôi chỗ khẩu âm địa phương còn sót lại trong giọng nói ông mà đoán ước điều kia? Nếu đúng là như vậy, óc quan sát kia thực tỏ tường như gương.
Việc chính bàn xong, ấm trà mới uống hết một nửa. Lục Ninh Hải không vội vàng rời khỏi như mọi khi, mà vừa thưởng thức trà, vừa hàn huyên đôi câu chuyện với cậu thanh niên. Con trai của Phó Duy Nhẫn vẻ ngoài không mấy giống cha mình, có lẽ cậu ấy giống mẹ nhiều hơn. Lục Ninh Hải am hiểu tình hình nhà họ Phó, dĩ nhiên từng nghe nói những đồn đại về mẹ cậu, bèn cẩn thận tránh đề cập đến.
Chỉ mới tiếp xúc, Lục Ninh Hải đã cảm thấy đứa trẻ này dù tính cách lẫn bề ngoài không giống người cha Phó Duy Nhẫn nhưng lại rất có khí chất người nhà họ Phó trong cảm thức ông: tư duy nhanh nhẹn nhưng không vội vàng hấp tấp, nói chuyện có ý mà chẳng hề sỗ sàng, tâm tư thận trọng nhưng nói và làm đều dứt khoát. Người sáng mắt đều nhìn ra từ nhỏ cậu đã bị bỏ lại ở căn nhà hoang, lớn lên lẻ loi một mình, khó tránh chịu nhiều oan ức. Lục Ninh Hải có thể xem như sứ giả phía Malaysia gửi đến, vậy mà cậu chưa bao giờ nhắc nửa chữ về khó khăn vất vả của mình, chỉ bàn về thư pháp và hội họa, biết chiều theo sở thích người khác, biết lúc nào nên nói nên dừng. Cậu ta cư xử không chê vào đâu được, lại không hề tạo cảm giác xu nịnh. Hai người nói chuyện rất vui vẻ. Trước khi Lục Ninh Hải ra về, bởi trước đó có bàn về việc đất này làm ra được loại mực rất tốt, người trẻ tuổi bèn sai già Thôi mang ra một cái nghiên mực cổ, cười nói mình không giỏi thư pháp, thứ này tuy không tốt, nhưng cũng coi như tìm được một chủ nhân xứng đáng.
Lục Ninh Hải biết Phòng Ba nhà họ Phó đã di dân, đã mang hết đồ đạc đáng giá theo, căn nhà tổ về sau phải chịu không biết bao nhiêu trận vơ vét loạn lạc, con lạc đà gầy sắp chết tuy vẫn to hơn con ngựa, nhưng những món đồ quý giá đã còn không nhiều. Với mắt nhìn của cậu thanh niên kia, thứ dám mang ra biếu nhất định không thể là loại “không thật tốt”. Thái độ chủ nhà quá thiết tha, giả như ông có cố cự tuyệt, trong lòng thực sự cũng rất thích, từ chối thì bất kính, đành đồng ý nhận vậy. Từ biệt xong, Lục Ninh Hải ngoái đầu nhìn căn nhà hoang phế chẳng còn ra dáng ra hình, lại cúi xuống giở xem trong đống giấy tờ, phần ký tên có ghi ba chữ: Phó Kính Thù.
Xem thái độ của bà Trịnh, có lẽ không định can dự sâu vào cuộc sống sau này của cậu thiếu niên kia nữa. Lục Ninh Hải không biết mình còn gặp lại Phó Kính Thù, thế hệ thứ tư của nhà họ Phó nữa hay không. Là người ngoài cuộc, ông chỉ nhận ra một điều rất thú vị: Phó Kính Thù là con trai riêng của Phó Truyền Thanh, không hề có quan hệ huyết thống với bà Trịnh, nhưng trong số tất cả con cháu nhà họ Phó mà ông từng tiếp xúc, Phó Kính Thù và bà Trịnh ở mức độ nào đó có nhiều nét tương đồng nhất.
Rời khỏi Phó gia viện, công việc của Lục Ninh Hải vẫn chưa kết thúc. Nhiều năm nay, nhà họ Phó ở Malaysia luôn là một trong các mạnh thường quân lớn nhất của cô nhi viện Thánh Ân. Trên danh nghĩa người đại diện, mang tấm lòng và tiền quyên góp đến cô nhi viện cũng là mục đích chuyến đi này của Lục Ninh Hải.
Nghi lễ tiếp đón của cô nhi viện Thánh Ân nhiệt liệt hơn Phó gia viện rất nhiều. Viện trưởng và các bà sơ nhận được tin tức từ trước, cho đám trẻ xếp hàng chỉnh tề ở hai bên lối vào, sẵn sàng nghên đón. Dưới sự chỉ dẫn của viện trưởng, Lục Ninh Hải đi quả cả một trận địa trẻ con đang vỗ tay như sấm rền, cảm giác gượng gạo ban đầu mau chóng được thay thế bởi sự tự hào. Dù chỉ là người đại diện, không phải nhà hảo tâm, được đối xử như thế này có hơi “cáo mượn oai hùm”, nhưng nhìn từng gương mặt đỏ ửng lên vì lạnh, dáng người bé xíu xiu vây quanh mình, nghĩ đến cuộc sống của chúng sẽ vui vẻ hơn nhờ cuộc thăm viếng của mình, trong lòng Lục Ninh Hải thấy khoan khoái bất tận. Bài thánh ca vang lên, ông thấy mình dường như trở thành Thượng Đế. Ông trộm nghĩ, có lẽ đây là lý do khiến kẻ lắm tiền thường nhiệt tình làm việc thiện, chí ít cũng là một lý trong các lý do. Nhiều người bảo tiền không mua được hạnh phúc, chẳng qua những kẻ đó không biết mua ở đâu mà thôi.
Viện trưởng cô nhi viện là một bà sơ già, bà dùng lời lẽ tán dương hoa mỹ nhất hoan nghênh cuộc thăm viếng của ông. Lục Ninh Hải đặt tờ chi phiếu của nhà họ Phó vào bàn tay nhăn nheo cổ thụ của bà, lần đầu tiên nói lên ý muốn cá nhân của mình.
Cha mẹ Lục Ninh Hải đột ngột cùng qua đời khi ông trưởng thành không lâu, không có anh chị em, sau khi kết hôn hai vợ chồng ông tình cảm rất nồng nàn, nhưng năm năm trước vợ ông mất trong một tai nạn giao thông, chỉ để lại mụn con trai độc nhất. Sau khi tái hôn, ông và người vợ hiện tại lâm vào cảnh hiếm muộn, nhà neo người, nên Lục Ninh Hải rất ngưỡng mộ cảnh đoàn viên náo nhiệt của các gia đình của các gia đình đông đúc. Ông và cợ cố gắng mấy năm liền, nhưng mong muốn có con không được toại nguyện. Bác sỹ chuẩn đoán nguyên nhân phần nhiều do ông. Vài năm gần đây, Lục Ninh Hải tuổi tác dần cao, công việc bận rộn, càng lúc càng lực bất tòng tâm, mong ước có thêm đứa con sợ sẽ tan tành mây khói. Cách đây không lâu, ông nói với vợ, nếu thật sự không sinh được, chi bằng nhận nuôi một đứa, coi như hoàn thành nguyện vọng bấy lâu. Người vợ trẻ mới hơn ba mươi tuổi, ban đầu không chịu, sau vài lần được chồng khuyên nhủ, nghĩ đến việc mình chưa có con, giờ không cần chịu nỗi khổ mang thai chín tháng mười ngày mà vẫn có thêm đứa con, lại có thêm sợi dây ràng buộc ông chồng thành đạt, liền gật đầu đồng ý. Từ đó hai vợ chòng chính thức lên kế hoạch, ngoại trừ nhờ người đi thăm hỏi khắp nơi, cô nhi viện cũng là một trong những sự lựa chọn của Lục Ninh Hải. Mấy đứa trẻ mồ côi đa phần đáng thương, nếu có thể nhận nuôi một đứa, coi như làm được một việc thiện.
Viện trưởng nghe xong, lập tức gật đầu lia lịa, tỏ ý dốc sức giúp đỡ. Bà mang danh sách trẻ mồ côi trong viện ra, thể hiện rằng chỉ cần ông ưng ý, các điều kiện nhận nuôi phù hợp, thì ông có thể đến đón đứa trẻ về nhà bất cứ lúc nào.
Lục Ninh Hải lật qua vài trang liền gấp lại. Đối với ông, trẻ con là phải hoạt bát, chạy nhảy hiếu động, chứ không phải gương mặt khô cứng như khúc gỗ dưới mỗi cái tên trong cuốn danh sách kia. Ông đề nghị được đi dạo quanh viện. Được làm người một nhà, phải nhờ vào duyên phận, hãy để duyên phận dẫn đường cho ông đến với đứa con mình đang tìm kiếm.
Bà viện trưởng vui vẻ đồng ý, vừa hay đến giờ cơm trưa. Theo truyền thống lâu đời, vào ngày giáng sinh hàng năm, cô nhi viện sẽ làm cơm Thánh phân phát cho đám trẻ, con chiên và các nhà hảo tâm. Kinh phí của viện có hạn, nên thực đơn năm nào cũng như nhau, chỉ có cá rán và đậu phụ. Vậy mà đối với đám trẻ, đó đã là cao lương mỹ vị rồi. Gần như tất cả bọn trẻ đều túm tụm quanh điểm phát cơm Thánh trong sân, đợi lấy phần của mình. Đây là một cơ hội lý tưởng cho Lục Ninh Hải.
“Thông thường, chúng tôi luôn khuyên người hảo tâm nhận nuôi đứa trẻ càng nhỏ càng tốt, chúng chưa mấy hiểu chuyện, khá phụ thuộc vào bố mẹ nuôi. Ví dụ như đứa kia… năm nay nó mới hơn năm tuổi”, Viện trưởng trỏ tay về phía một cậu bé cách đó không xa.
Lục Ninh Hải lắc đầu.
“Mấy tháng trước có người đem đến một bé gái mới hơn một tuổi, có điều… môi nó hơi có tật”.Viện trưởng vừa nói vừa thăm dò nét mặt Lục Ninh Hải.
Lục Ninh Hải đích thực muốn một đứa con gái, một thiên thần nhỏ xinh xắn đáng yêu, đó là ước mơ đã lâu của ông. Nhưng cô bé viện trưởng nhắc đến lại bị hở môi, ông bất giác do dự.
“Mới một tuổi thì nhỏ quá, công việc tôi rất bận, vợ không có kinh nghiệm chăm trẻ, sợ không thích hợp lắm.”
Viện trưởng chẳng lẽ không hiểu lời từ chối khéo ấy. Đúng lúc bà định tiếp tục tiến của, đột nhiên cách đó không xa xảy ra một trận ẩu đả ngay giữa đám đông bọn trẻ đến nhận cơm Thánh. Chỉ nghe một đứa bé trai cao giọng gào lên: “… Mày đến đây làm gì?”
Rất nhanh, có hai đứa trẻ lách ra khỏi đám đông, đứa trước đứa sau ba chân bốn cẳng chạy, phía sau lại thêm một cậu nhóc trắng trẻo cao ngồng đuổi đến, thét lên be be: “Nó đất, lén vào đây ăn vụng uống trộm, đừng cho nó chạy.”
Theo sau thằng nhóc cao kều là mấy đứa trẻ lớn, quát tháo ầm ĩ đuổi theo hai đứa kia.
“Lũ khỉ con.” Viện trưởng không tìm được bực mình, quay sang cười giải thích với Lục Ninh Hải, “chuyện này là…”
Lời nói chưa dứt, cậu nhóc cao kều đã gọi thêm mấy đứa đồng bọn chạy ra cửa lớn cô nhi viện, định bao vây đón đầu. Chạy trên là một đứa con gái, thấy cửa lớn bị vây kín, nó như con sóc nhanh nhẹn quay mình chạy ngược về phía đầu kia khoản sân, không quên lôi thằng nhóc nhỏ bé phía sau theo. Bởi chạy quá vội, lại phải ứng phó với đám truy quân binh chân dài lừng lững, con bé lách bên này lại lượn bên kia, suýt tí nữa đâm sầm vào Lục Ninh Hải.
Lục Ninh Hải phải nghiêng mình tránh, mới không bị tông thẳng vào người.
“Quỷ sứ, đúng là quỷ sứ!” Viện trưởng giậm chân nhiếc.
Con bé quay lại liếc nhìn hai ông bà già một cái, trong ánh mắt đầy vẻ thờ ơ, châm chọc. Cậu bé lùn hơn một chút chạy sau lưng nghe viện trưởng mắng liền hoảng hồn, cái túi giấy ôm trong tay rớt xuống đất, mấy con cá rán vàng ươm vãi ra từ mép túi. Con bé kia thấy thế lập tức quay lại, định cúi xuống nhặt, nhưng thằng bé da trắng cao kều, đã dẫn quân nhào tới.
Đúng lúc đó, Lục Ninh Hải mỉm cười cản thằng nhóc lại, ông không dùng nhiều sức, nhưng đủ cho đứa con gái kia một cơ hội thoát thân. Con bé mau lẹ ào đến bức tường bao quanh sân cô nhi viện, dùng thân cây hoa quế mọc đầu tường làm điểm tựa , thoắt cái đã leo lên trên, quay ra mọc toe toét cười nhạo mấy đứa đuổi đến.
“Đồ trộm ranh ! Sao nó dám vào đây xin ăn cơ chứ ?” thằng nhóc bị Lục Ninh Hải giữ lại không cam tâm gạt tay ông ra, lớn tiếng nói: “Ông ngăn cháu làm gì ? Cháu đang bắt trộm kia kìa.”
Thằng nhỏ đồng bọn của đứa con gái thấy bạn mình thuận lợi thoát thân, chẳng thèm chạy nữa, đứng dưới chân tường oang oang cự lời thằng cao kều, “Mày cũng có phải người trong viện tao đâu, trộm, trộm cả thôi !” Nó vận sức xì mũi một cái, giễu ra vẻ mặt kỳ quái.
“Tao mà như nó ? Cả nhà tao là giáo đồ, quyên tiền cho cô nhi viện. Còn nó là cái thá gì ?” Thằng cao kều ngoạc quai hàm, lại quay sang nhìn sơ viện trưởng, như tìm sự đồng tình.
Viện trưởng lắc đầu im lặng.
“Nói đâu xa, đàn ông con trai đuổi bắt một đứa con gái thì còn ra gì.” Lục Ninh Hải cười nói.
Thằng bé rõ ràng không phục, nhưng hiềm nỗi người đàn ông này tuổi tác tương đương bố mẹ mình, sơ viện trưởng thì đứng ngay đó, nó không dám làm liều, đành hậm hực đi khỏi. Mấy đứa nhóc ban nãy chạy theo thằng cầm đầu la lối om sòm cũng bỏ chạy tán loạn.
Lục Ninh Hải nói với viện trưởng: “Tôi tưởng cơm Thánh hôm nay dành cho tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ con ?”
“Thông thường thức ăn của chúng tôi chỉ dành cho trẻ con trong viện và giáo đồ.” Sơ viện trưởng lộ vẻ khó xử, dừng lại một chút rồi nói, “Đứa trẻ vừa nói chuyện cũng họ Phó, là con cháu của…”
“Tôi lại muốn biết tên đứa nhỏ chạy trốn ban nãy hơn ?” Viện trưởng nhắc đến, Lục Ninh Hải liền hiểu ngay đứa con trai cầm đầu đám đuổi bắt ban nãy quá nửa là dòng dõi Phòng Lớn nhà họ Phó, nhưng ông chẳng quan tâm.
“À, đúa bé đó cũng đáng thương, nó tên Tô Quang Chiếu, năm nay mười hai tuổi.” Viện trưởng thấy Lục Ninh Hải có vẻ thích thú, vội vẫy tay gọi cậu nhóc đứng dưới chân tường, “A Chiếu, mau lại đây.”
Mười hai tuổi, Lục Ninh Hải tỏ ý kinh ngạc. Ông tưởng đứa bé còn thò lò mũi xanh kia chỉ tám chín tuổi là cùng. Trẻ sống trong cô nhi viện Thánh Ân đa phần họ tô, nghe nói là để tưởng nhớ đến Đức Cha sáng lập ra cô nhi viện.
Tô Quang Chiếu nghe gọi, có chút lúng túng.
“Mau ra đây, ngốc thế.” Viện trưởng sốt ruột, sợ A Chiếu bỏ mất cơ duyên hiếm có, vội giục.
Lục Ninh Hải lễ phép cắt ngang lòng nhiệt thành của viện trưởng, nói: “Sơ ơi, ý tôi hỏi cô bé vừa trèo tường chạy ra kia.”
“Nó à…” Viện trưởng không giấu được kinh ngạc, “Nhưng nó không phải trẻ trong viện chúng tôi.”
Truyện hot hiện nay
Bình luận
Sắp xếp