Nếu Đời Anh Vắng Em

Chương 5: Những tình nhân trên cầu Pont- Neuf


Chương trước Chương tiếp

Lẽ ra tôi nên có hai trái tim, trái tim thứ nhất vô cảm, trái tim thứ hai luôn yêu đương, nếu được vậy tôi sẽ dâng tặng trái tim này cho người khiến nó đập và sống hạnh phúc với trái tim còn lại.

Amin MAALOUF

Kè Saint-Bernard, 3strong0

- Khẩn trương lên, các cậu, chúng ta phải tới ngay cầu Pont-Neuf!

Đại úy Karine Agneli bước vào phòng giải lao ở trụ sở chính Đội tuần tra đường sông Paris.

- Diaz và Capella, các cậu đi với tôi. Có một gã đàn ông vừa mới nhảy xuống nước.

Hai viên trung úy theo sát gót "nữ chỉ huy" và chỉ vài giây sau, cả ba nhân viên cảnh sát đã ngồi trên chiếc Chim cốc, một trong những chiếc thuyền máy thường được dùng để tuần tra đường sông Paris.

Chiếc thuyền lướt êm như đi trên những lớp dầu lấp lánh ánh vàng do những ngọn đèn đường dội xuống.

- Tôi ngán tới cổ cái lũ tự vẫn này rồi! Diaz làu bàu. Người thứ tư trong tuần này rồi đấy.

- Phải, sao chúng không nhảy xuống đường tàu cho nhanh! Capella phụ họa.

- Đừng nói huyên thuyên nữa, mấy ông mãnh! Karine nạt.

Mùa nào cũng vậy, những cây cầu ở Paris luôn thu hút những kẻ tuyệt vọng, khiến đội tuần tra luôn phải hành động, mỗi năm họ cứu được cả trăm mạng người. Song vào mùa hè, khi trên kè sông luôn đông đặc người thì số lần hành động của họ tăng theo cấp số nhân. Nào là những vụ cá cược ngu ngốc khi tiệc tàn, rồi những fan cuồng nhiệt của "Bãi tắm Paris", ngày càng có nhiều người sẵn sàng mạo hiểm cắm đầu xuống lòng sông. Thế nhưng, cho dù đã có những lời hứa hẹn của một vị cựu thị trưởng, người ta vẫn chưa thể tắm dưới lòng sông Seine. Với mật độ giao thông đường sông như hiện tại, nguy cơ người tắm sông là bị cuốn vào chân vịt là hoàn toàn có thật. chưa kể tới nguy cơ bị nhiễm trùng xoắn móc câu, một loại vi khuẩn có trong nước thải của lũ chuột cống. Loại này cực kỳ nguy hiểm, có thể khiến bạn bị tê liệt, thậm chí mất mạng như chơi.

Chiếc thuyền vẫn tiếp tục chạy - kè Orléans, bến Saint-Michel, kè Orfèvres... - rồi chậm dần khi tới gần cầu Pont-Neuf.

- Có nhìn thấy gì không? Capella hỏi.

- Khỉ thật, cái gã ngu xuẩn đấy đâu nhỉ? Diaz tiếp lời.

Hai mắt dán chặt vào ống nhòm, Karine Agneli cố giữ bình tĩnh. Lúc này hai chàng trai đang cáu kỉnh. Mới tuần trước thôi, ở ngang kè Tournelle, một chiếc tàu du lịch của Công ty Bateaux-Mouches đã va chạm với một chiếc thuyền máy được khách du lịch thuê. Bị mắc vào trụ cầu, chiếc tàu du lịch chìm trong tư thế thẳng đứng. Đội tuần tra đã tới khẩn cấp song vẫn không kịp cứu một em bé, một cậu nhóc ba tuổi đã chết đuối. Không ai trong đội tuần tra đường sông phạm phải sơ suất gì. Thế nhưng cái chết của đứa bé đã trở thành nỗi ám ảnh đối với cả đội.

- Gã kia rồi! Karine đột nhiên kêu lên và chỉ về phía quảng trường Vert-Galant.

Chiếc thuyền chầm chậm sáp lại gần bờ.

- Để tôi xuóng, cô gái trẻ vừa nói vừa cài khóa bộ đồ lặn và chụp mặt nạ vào.

Hai người đàn ông chưa kịp lên tiếng phản đối thì cô đã lao xuống nước. Thân mình sải dàn, hai chân mềm dẻo và hai cánh tay như đang bay: chỉ cần vài giây thôi là cô đã kịp tới cứu hộ cho người đàn ông đang cố bơi về phía bờ.

Khi tới gần, cô nhận ra anh ta đang bám chặt vào một bức tranh giống như bám vào một tấm ván.

° ° °

- Các anh là một lũ nghiệp dư! Các anh không chuyên nghiệp gì cả!

Ngón trỏ đầy đe dọa của bà Bộ trưởng Bộ Nội vụ lần lượt chỉ về phía giám đốc bảo tàng, đội trưởng đội bảo vệ, giám đốc cảnh sát tư pháp cũng như giám đốc OCBC. Chỉ sau chưa đầy nửa tiếng, một cuộc họp bất thường đã được tổ chức ngay trong khuôn viên của bảo tàng Orsay.

- Không thể nào xảy ra chuyện như thế được! Bộ trưởng nhấn mạnh.

Là người xuất thân từ vùng ngoại ô và là dân nhập cư đầu tiên leo tới chức vụ này, sự quan tâm thái quá của giới truyền thông dành cho bà đã biến bà thành một biểu tượng của nền Cộng hòa. Thông minh và đầy tham vọng, bà tượng trưng cho cả sự cởi mở với cánh tả lẫn sự đa dạng. Bà nổi tiếng về cách nói chuyện thẳng thắn cũng như lòng trung thành tuyệt đối dành cho Tổng thống, người đã có đôi lần gọi bà là "Condoleeza Rice của nước Pháp".

- Các anh là lũ vô dụng, thế đấy!

Trong chiếc jupe và áo vest màu xám hiệu Paul Smith cùng áo sơ mi trắng hiệu agnès b., đã năm phút rồi, bà không ngừng đi đi lại lại trong gian Van Gogh, trút cơn giận xuống những người mà bà cho rằng phải gánh trách nhiệm về vụ trộm mới xảy ra. Mái tóc đen nhánh thả rơi những lọn tóc thẳng mượt ôm lấy đôi mắt được viền chì đen, lạnh lẽo và sắc bén như pha lê. Bên cạnh bà, vị Bộ trưởng Bộ Văn hóa không dám góp lời nào.

- Cứ như các anh thích thú lắm khi trở thành trò đùa cho tên trộm đó vậy! bà hét lên và chỉ vào tấm danh thiếp mà Archibald McLean đã đính lên tường thay cho bức chân dung tự họa của Van Gogh.

Suốt dọc hành lang trưng bày các tác phẩm trường phái ấn tượng tràn ngập cảnh sát, dãy hành lang đã biến thành một phòng điều tra tạm thời. Người ta đã cho nâng tất cả các cửa thép lên và những chiếc đèn chiếu sáng lóa thay cho thứ ánh sáng nhẹ nhàng màu xanh lơ mà vẫn được bật lên vào buổi đêm. Trong gian Renoir, thanh tra của đội cảnh sát quận 3 đang thẩm vấn các nhân viên bảo vệ. Trong gian Monet, một số thanh tra khác đang xem trên màn hình kiểm soát những đoạn phim ghi lại được nhờ hệ thống camera giám sát, trong khi một đội cảnh sát giám định tư pháp đang trổ tài Chuyên gia trong gian Van Gogh.

- Phải tìm lại bức tranh đó ngay, bà Bộ trưởng dứt khoát. Sự nghiệp của các anh phụ thuộc vào đó.

° ° °

Một chiếc DB5 tuyệt mỹ màu bạc chạy trên đường Georges-Pompidou. Chiếc xe như bước ra từ quá khứ, những năm 1960, thời hoàng kim của hãng Aston Martin. Ngồi sau tay lái, Archibald cảm thấy đang ở một thế giới riêng biệt, tàn tích của một thời đã qua: thời đại của sự sang trọng thực thụ kiểu Anh, lịch lãm mà không phô trương, thể thao nhưng không thô kệch, tinh tế nhưng vẫn rất nam tính. Chiếc xe giống như con người hắn.

Hắn tăng ga nhẹ, vượt qua kè Rapée, qua cầu Bercy và ra đường vành đai. Là chiếc xe thuộc phiên bản hạn chế, chiếc DB5 cổ chạy khá ngon lành. Vốn coi ô tô là những tác phẩm nghệ thuật, Archibald chỉ lái những phiên bản độc nhất. Mà chiếc xe này lại có một lịch sử rất đặc biệt vì nó đã từng "diễn" trong những tập phim đầu tiên về James Bond như Quả cầu sấm sét và Ngón Tay Vàng. Được sản xuất vào thời mà phim ảnh vẫn còn chưa bị ô nhiễm bởi các hiệu ứng kỹ thuật số, chiếc siêu xe vẫn còn nguyên những chi tiết được lắp thêm phục vụ cho bộ phim, dù đã trải qua nhiều bàn tay sưu tập: một khẩu tiểu liên giấu trong đèn xi nhan, biển số quay tự động, hệ thống phun khói, kính chắn gió bọc thép, cơ chế đổ dầu và đinh ra đường,lưỡi sắt có thể thu lại được có tác dụng rạch nát lốp của những kẻ truy đuổi quá dồn dập...

Cách đây hai năm, trong một cuộc bán đấu giá rầm rộ và được báo chí đưa tin ầm ĩ, chiếc xe đã được bán với giá hơn hai triệu đô la cho một doanh nhân bí ẩn người Scotland.

° ° °

- Martin Beaumont! Karine Agneli thốt lên khi vẫn còn ở dưới nước.

Diaz và Capella, hai nhân viên cảnh sát của đội tuần tra đường sông ở lại trên khoang, kéo Martin lên thuyền rồi đưa cho anh một chiếc chăn.

- Anh làm cái trò gì dưới sông Seine vào lúc giữa đêm thế này, lại còn lấy một bức tranh làm ván tập bơi nữa? cô gái hỏi và túm lấy tay một trong hai viên trung úy để leo lên.

Răng đánh lập cập, viên cảnh sát trẻ cuộn mình trong chăn. Anh nheo mắt nhìn về phía phát ra giọng nói quen thuộc đang nói chuyện với mình.

Mái tóc màu sáng cắt ngắn, những chấm tàn nhang mờ mờ, dáng người khỏe khoắn, nhanh nhẹn: Karine Agneli vẫn không thay đổi gì. Vẫn là một cô gái xinh đẹp, nhiệt tình và lạc quan. Đối nghịch hoàn toàn với anh. Họ đã làm việc cùng nhau ở Stups hai năm. Cô là đồng sự của anh trong nhiều nhiệm vụ. Hồi đó, công việc trinh sát là cả cuộc sống của họ. Chẳng hề có sự ngăn cách nào giữa công việc và trái tim họ. Đó là một thời kỳ đầy hào hứng nhưng cũng rất khủng khiếp. Công việc trinh sát khiến bạn phải bộc lộ những nét tính cách mà bạn muốn giấu đi và buộc bạn phải phiêu lưu tới những miền đất khó ai có thể trở về lành lặn được. Để khỏi chìm nghỉm, họ đã yêu nhau. Đúng hơn là bấu víu với nhau. Một mối tình nhất thời đúng lúc, song chưa bao giờ tìm được sự cân bằng.

Trong một khoảnh khắc, những kỷ niệm đáng trân trọng lại dậy lên như bị khuấy động. Chuyện tình của họ đã nếm trải những gì đẹp đẽ nhất và cả những điều kinh khủng nhất. Giống như một chất kích thích.

Dưới ánh sáng đèn đường, Karine ngắm nhìn Martin. Nước nhỏ tong tong từng giọt từ tóc anh xuống bộ râu ba ngày chưa cạo. Cô thấy anh gầy đi và mệt mỏi, cho dù khuôn mặt anh vẫn còn giữ được vẻ gì đó trẻ thơ.

Cảm thấy mình bị quan sát, Martin trả lời:

- Em có biết trông em sexy kinh khủng trong bộ đồ lặn không?

Thay cho câu trả lời, cô ném vào mặt anh cái khăn mặt, anh dùng nó nhẹ nhàng thấm nước trên bức chân dung tự họa của Van Gogh.

Karine đẹp như một nàng tiên cá và có vẻ hạnh phúc. Cũng như anh, cô đã rời khỏi Stups để chuyển sang một công việc đỡ hủy hoại bản thân hơn. Trong mắt mọi người, công việc của đội trưởng sông giống công tác cứu hộ hơn là cảnh sát thực thụ, điều này khiến họ càng được coi trọng hơn.

- Bức tranh này là bản gốc à? cô vừa hỏi vừa ngồi xuống bên cạnh anh.

Chạy với tốc độ như tàu du lịch, chiếc thuyền vừa đi qua đảo Saint-Louis và chuẩn bị cập bến Saint-Bernard. Martin mỉm cười:

- Archibald McLean, cái tên này có gợi cho em điều gì không?

- Tên trộm ư? Tất nhiên rồi.

- Anh đã nhắm được hắn rồi, Martin gầm lên.

- Chính hắn đã quăng anh xuống sông hả?

- Có thể nói như vậy.

- Thật lạ, vì...

Karine lúng túng.

- Vì sao?

- Cái người đã gọi điện tới đội báo có người rơi xuống sông: hắn xưng tên là Archibald.

° ° °

Đường nét thuần khiết và tinh tế của chiếc Aston Martin xé màn đêm lao đi. Trong xe, Archibald tận hưởng mùi gỗ quý và thảm len thuần tịnh. Bên cạnh hắn, trên chiếc ghế hành khách bọc da bóng, đặt chiếc túi màu Không Lực Hoàng Gia mà hắn đã giữ từ thời còn tại ngũ.

Lúc nãy, trên cầu Pont-Neuf, đứng trước viên cảnh sát trẻ, hắn như cảm thấy một luồng hoóc môn kích thích chạy trong máu. Một cảm xúc bất ngờ mà hắn khó lòng lý giải. Đằng sau vẻ liều lĩnh bất cần, gã thanh niên ấy có điều gì đó khiến hắn chạnh lòng. Nhất là ánh mắt của anh ta khi hắn nhớ lại: ánh mắt của một đứa trẻ buồn bã và cô đơn vẫn còn rất nhiều điều phải học.

Khi ra tới đường A6 - đường cao tốc Mặt Trời lừng danh-, Archibald tăng hết tốc lực mô tơ sáu xi lanh, kịch cỡ 280 mã lực. Hắn yêu tốc độ, hắn muốn cảm thấy mình đang sống.

° ° °

Karine và Martin nhảy cùng một nhịp lên bờ cảng Saint-Bernard.

- Em phải lái xe đưa anh tới bảo tàng Orsay, anh nói.

- Thay đồ trước đi, anh ướt sũng rồi. Capella sẽ cho anh mượn quần áo trong lúc em đi lấy xe.

Martin đi theo viên trung úy vào trong phòng trực nằm sát bờ sông. Khi bước ra, anh cảm thấy mình bị đóng hộp một cách kỳ quặc trong bộ đồng phục mang phong cách "1980" mà viên cảnh sát đưa cho anh, nó trông giống một bộ đồ hóa trang hơn là trang phục hành động: áo sơ mi thể thao màu xanh thẫm, quần xanh nước biển chất liệu polyester, áo khoác gió cỡ XXL.

Một chiếc xe bán tải Land Rover có gắn thanh chống va đập mà mâm tời dừng lại ngang chỗ anh.

- Anh lênđi, Karine đề nghị và mở cánh cửa bên ghế khách. Trông anh đẹp trai như...

- Thôi tha cho anh mấy câu đùa cợt ấy, được không em.

Chiếc xe 4x4 khởi động trong tiếng bánh xe rít lên.

Mặc dù giao thông trên đường đi khá thuận lợi, song các phố quanh bảo tàng đều đã bị chặn. Trên quảng trường Henry-de-Montherlant, những chiếc Scenic và 307 của cảnh sát đậu lẫn lộn với xe quan chức và xe phóng viên.

- Anh đi đi, ra nhập vai người hùng đi! Karine bông đùa và dừng lại ngay sân trước bảo tàng.

Martin cảm ơn cô. Anh chuẩn bị xuống xe thì cô chặn anh lại:

- Anh vẫn còn đeo cái đồng hồ đó, cô nói và chỉ vào chiếc Speedmaster mạ bạc mà cô đã tặng anh cách đây năm năm.

- Em cũng đeo nhẫn, anh đáp lời.

Bàn tay phải của cô gái gõ nhịp nhẹ lên vô lăng và hạ vòng xoắn đang vào nhau hình bộ tam lấp lánh trong ánh bình minh: ba vòng ấy mang ba màu hồng, ghi, vàng.

Đó là những món quà họ tặng cho nhau, quá đắt so với đồng lương cảnh sát còm cõi. Hồi đó, toàn bộ tiền thưởng khi hoàn thành nhiệm vụ - thậm chí còn hơn cả thế - đều đổ vào đó. Một cử chỉ mà cả hai đều không ân hận.

Trong một vài giây, ý nghĩ rằng chuyện tình của họ có thể chưa chấm dứt lại bùng lên. Cuộc sống mới tái hợp họ lại với nhau nhờ những hoàn cảnh thật đặc biệt. Có thể đây là một tín hiệu. Cũng có thể không...

Rồi giây phút nghi ngờ cũng qua đi. Martin mở cửa xe và ôm bức tranh ra. Trước khi băng qua phố, anh nhìn lại lần cuối chiếc Land Rover. Karine đã hạ kính xuống và mỉm cười nói với theo anh:

- Coi chừng cặp mông đẹp của anh đấy, Martin, và học bơi đi. Không phải lúc nào em cũng túc trực để vớt anh lên được đâu!

° ° °

- Các anh đúng là một lũ hậu đậu!

Khi Martin bước đến gần gian Van Gogh, anh nhận ra giọng nói the thé của bà Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Anh dừng sững lại trước ngưỡng cửa, nơi có thể nghe được cả tiếng ruồi bay khi tiếng xỉ vả ngừng lại.

- Một đám người huyên thuyên, vô dụng...

Martin nhận ra dáng người thân quen của sếp, trung tá Loiseaux, cùng bộ mặt nhăn nhó của giám đốc cảnh sát tư pháp, anh đã gặp ông này hồi còn làm việc ở Orfèvres. Bên phải họ là Charles Rivière, giám đốc bảo tàng Orsay.

- ... một mớ bất tài vô dụng!

Cả ba người đàn ông vẻ mặt tiu nghỉu và không ai dám đương đầu với bà Bộ trưởng. Để lên được đến địa vị này, họ đều phải học nói những câu nịnh nọt hoa mỹ và cũng đã học được cách chôn chặt những lời sỉ nhục mà không hề nhíu mày.

- Thôi! Các anh hãy nhúc nhích đi và tìm ngay về cho tôi cái của nợ...

- Cái bức tranh của nợ ấy đang ở đây, thưa bà, Martin vừa nói vừa tiến về phía bà.

Ngay lập tức, mọi ánh mắt đổ dồn về phía anh.

Đứng giữa phòng, anh giơ bức chân dung tự họa lên ngang đầu đúng như Archibald đã làm trên cầu.

Sững sờ, bà Bộ trưởng nhìn anh chằm chằm, lông mày nhíu lại.

- Cậu là ai? Cuối cùng bà ta cũng hỏi.

- Đại úy Martin Beaumont, thuộc OCBC.

Chưa dứt lời thì Charles Rivière đã vội vàng bước tới giật bức tranh ra khỏi tay anh.

Quyết định sẽ thành thật, Martin bắt đầu tường thuật đầy đủ mọi chuyện, anh kể lại đã phát hiện được quy tắc hành động của McLean như thế nào, phát hiện đó khiến anh tới theo dõi trước cổng bảo tàng, hy vọng sẽ tóm được tên tội phạm trong lúc hắn đang hành động. Viên cảnh sát trẻ không hề ngây thơ, anh không mong nhận được những lời tán tụng: anh đã không thành công trong việc bắt giữ Archibald, nhưng đây là lần đầu tiên tên trộm chịu thất bại.

Sau khi anh kết thúc bản tường trình, bầu không khí như ngưng lại. Bà Bộ trưởng nhìn ô Loiseaux, để lấy lại vị thế, ông này chẳng biết làm gì khác, đành cáu um lên:

- Chúng ta đã có thể bắt được McLean nếu cậu cảnh báo kịp thời, cậu Beaumont! Nhưng không, cậu lại thích hành động một mình cơ! Lúc nào cậu cũng xem thường đồng nghiệp!

- Nếu không nhờ tôi thì bức tranh đã biến mất rồi, Martin tự vệ.

- Đừng có nghĩ rằng như vậy là cậu thoát tội, đại úy ạ!

Bà Bộ trưởng giơ tay lên và ném cho ông Loiseaux một cái nhìn nảy lửa như để chấm dứt mọi lời trách móc. Tất cả những mâu thuẫn và tranh cãi nội bộ này không làm bà quan tâm. Ngược lại, bà đã nhìn thấy một cách để xoay chuyển tình thế theo hướng có lợi cho mình. Trước báo giới, cần phải biến anh chàng cảnh sát trẻ tuổi này thành một người hùng. Cảnh sát Pháp đã thu hồi bức tranh trong một khoảng thời gian kỷ lục. Cần phải nhấn mạnh tới chi tiết này, chứ không phải là tập trung vào sự lục đục nội bộ. Chẳng việc gì phải nói dối. Chỉ đơn giản là không nói toàn bộ sự thật thôi. Đơn giản là phải chính trị một chút. Hơn nữa, anh chàng Martin Beaumont có một gương mặt đẹp và giới báo chí sẽ chết mêchết mệt. Cuối cùng thì thất bại trong việc bắt giữ McLean sẽ biến thành một cơ hội tuyệt vời để tâng bốc ngành cảnh sát và tất nhiên là cả bản thân bà nữa. Nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, thậm chí bà còn có thể xuất hiện trên trang bìa của Paris Match trong trang phục quần jean và áo jacket, xung quanh là Van Gogh và vài anh chàng cảnh sát đẹp như thiên thần.

Ý tưởng hấp dãn này đột nhiên bị thổi tan tành mây khói khi viên giám đốc bảo tàng tuyên bố bằng giọng rụng rời:

- Xin lỗi anh Beaumont, song anh đã bị lừa một cú ngoạn mục.

- Vậy là sao? Martin lo lắng.

- Bức tranh này được bắt chước thật khéo, song nó là giả.

- Không thể nào. Tôi đã trông thấy hắn lôi nó từ trong túi ra và tôi không hề rời mắt khỏi hắn.

- Anh hãy tự mình xem đi: chữ ký đây.

- Chữ ký? Nhưng chữ ký nào...

Van Gogh chưa từng ký tên lên bất cứ bức tự họa nào.

Martin cúi xuống bức tranh đã được đặt nằm trên một bục phẳng. Vicent Van Gogh ký tên lên rất ít tác phẩm - chưa tới một phần bảy - và mỗi khi ký, chẳng hạn như bức Hoa hướng dương, ông luôn luôn ký bằng tên gọi của mình. Vậy mà trên bức tranh này, không phải là cái tên Vincent đang hiện lên với những chữ cái rành mạch, mà một từ khác đã được ký nhanh với nét chữ như giễu cợt:

Archibald

° ° °

Chiếc Aston Martin rời khỏi đường cao tốc và hướng về Fountanebleau rồi rẽ vào tỉnh lộ đi Barbizon. Archibald nhìn đồng hồ và không thể ngăn một nụ cười khi tưởng tượng nét mặt chàn trai trẻ lúc phát hiện pha lừa đảo. Rất thận trọng, hắn mở chiếc túi vải to đùng đặt bên cạnh, để lộ một góc bức chân dung tự họa - lần này là bức tranh thật - và tiếp tục cuộc đối thoại tưởng tượng với họa sĩ.

- Thế nào Vincent, trò đùa của chúng ta không tệ chút nào, phải không?

Ánh sáng từ những ngọn đèn đường làm ánh lên cái nhìn đầy dằn vặt của họa sĩ. Archibald có một mối liên hệ rất phức tạp với những kiệt tác mà hắn đánh cắp. Chưa bao giờ hắn cảm thấy thực sự là chủ nhân của một tác phẩm. Nói đúng ra thì không phải các bức tranh thuộc về hắn mà chính hắn, hắn mới thuộc về các bức tranh. Cho dù rất khó có thể thừa nhận điều đó song hắn biết rõ rằng ăn trộm gần như đã trở thành một thứ chất gây nghiện đối với hắn. Cứ đến đúng kỳ hắn lại thấy thèm. Cả thân xác và não bộ của hắn đều khát khao một phi vụ mới, một cuộc phiêu lưu mới, một nguy hiểm mới.

Trên đài, một kênh nhạc cổ điển đang phát bản thu âm Các bến tàu Goldberg do Glenn Gould trình bày. Tên trộm cố tình chạy chậm lại để không đến nơi quá sớm và làm tan vỡ khoảnh khắc thần kỳ mà hắn đang tận hưởng. Một cuộc dạo chơi dưới ánh trăng cùng Van Gogh và Bach: liệu còn có thể tìm được bạn đồng hành nào tuyệt hơn thế?

Như để cảm giác thích thú được trọn vẹn, hắn lôi từ trong túi áo khoác ra một bình nhỏ ánh bạc đựng một loại whisky của Scotland đã bốn mươi năm tuổi.

- Chúc sức khỏe, Vincent! hắn vừa nói vừa nhấp một ngụm nước màu đồng.

Rượu đốt cháy thực quản hắn bằng cảm giác dễ chịu. Cổ họng hắn bừng lên sự pha trộn của những hương vị: hạnh nhân nướng, sô cô la đen, hạt đậu khấu...

Rồi hắn tập trung vào lái xe, rời khỏi tỉnh lộ khi tới rừng Bois-Dormant và bắt vào con đường làng nhỏ. Chạy được vài cây số, hắn tới một trang trại có tường bao kín xung quanh, nằm ở ranh giới giữa rừng Fontainebleau và rừng Malesherbes. Nhấn một nút điều khiển từ xa, Archibald mở cánh cửa điện tử, cho xe tiến vào lối đi vắt ngang khu vườn, tới một khu biệt thự bằng đá tuyệt đẹp có từ thế kỷ 19, dây thường xuân bám chằng chịt và được bao quanh bởi những cây hạt dẻ trăm tuổi. Tất cả cửa sổ đều đóng kín, song nơi này không hề bị bỏ hoang: hàng rào được cắt tỉa gọn ghẽ và thảm cỏ cũng vừa được xén.

Hắn đậu chiếc Aston Martin vào dãy chuồng ngựa cũ được cải tạo lại thành một nhà kho rộng mênh mông, bên trong có đủ cả xe mô tô địa hình, một chiếc Jeep quân đội cũ, một chiếc xe lội nước thời tiền chiến, và cả một chiếc Bugatti cổ đã bị bóc toàn bộ khung. Nhưng phần lớn diện tích bị chiếm bởi chiếc trực thăng Colibri đời mới nhất, màu nâu đỏ và đen. Archibald kiểm tra máy móc, xem lại lượng xăng rồi đưa nó ra khỏi nhà kho bằng một xe kéo dẫn đường. Leo lên khoang lái, hắn đội mũ bảo hiểm vào, khởi động máy rồi từ từ tăng ga. Hắn đã đậu trực thăng ngược hướng gió nên bây giờ chỉ việc kéo cần là có thể cho nó cất cánh.

- Mở mắt to ra, Vincent! Chắc chắn ông sẽ mê mẩn cảnh vật khi nhìn từ trên cao xuống.



Bình luận
Sắp xếp
    Loading...