Nam Thiên Nhất Tuyệt Kiếm

Chương 27: Đường về đất mẹ xa xôi quá - Thương nhớ lòng riêng tận cuối mây


Chương trước Chương tiếp

Sáng hôm sau, giang hồ hào khách lần lượt từ tạ lên đường. Nguyên Huân khiêm nhường tiễn đưa từng người. Ai ai cũng muốn được cùng chàng kết giao. Nguyên Huân được mọi người yêu kính bởi chính phẩm cách của mình. Và từ đó tên tuổi Nguyên Huân vang khắp võ lâm Trung Nguyên; mọi người kể về chàng, nói về chàng do lòng yêu mến nể vì chứ không phải vì úy kỵ, người thì gọi chàng là Thiên hạ đệ nhất nhân, Nam thiên đệ nhất kiếm, nhưng với chàng, chàng chỉ là một phần thân thể của Tổ quốc Đại Việt.

Khi mọi người phần lớn đã ra về, chỉ còn lại một số quan khách đặc biệt ở lại do lời mời của Phạm hữu sứ, để bàn bạc về sự ổn định, và hàn gắn vết thương của võ lâm Trung Nguyên do Dương Tiêu gây ra. Và chàng, là người được yêu mến mời chào một cách trân trọng.

Sau khi mọi việc đã được bàn bạc, Viên Nhẫn đại sư, cùng mười tám vị Kim Cương La Hán, trước khi lên đường về Thiếu Lâm tự, đôi ba lần, hẹn mời chàng ghé thăm núi Thiếu Thất. Phương trượng nói :

- Thiếu hiệp, phong cách và tấm lòng rộng dung của thiếu hiệp khiến cho bần tăng hết lòng kính mến. Thiếu Lâm Thiền môn mong có ngày mở rộng cửa để đón tiếp thiếu hiệp!

Dư chân nhân, Chưởng môn Võ Đang buồn bã bảo chàng :

- Hiền điệt, việc Bảo Thư xuống tóc quy y, riêng ta đó là đại phúc, nhưng vợ chồng Lục đệ ta chắc sẽ buồn lắm. Ta mong có ngày con trở lại Võ Đang sơn. Ta cũng đã già lắm rồi, chẳng còn bao lâu nữa, ta mong mỏi ngày con trở lại!

Bọn Võ Đang thất kiếm vây lấy chàng, bịn rịn không rời. Nguyên Huân hứa với họ ngày nào, khi đất nước chàng thoát khỏi ách đô hộ, chàng sẽ trở về núi Võ Đang thăm viếng. Tiêu lão anh hùng bảo chàng :

- Nguyên Huân, mọi việc đã xong, ngươi có về Mộc Châu không?

- Nghĩa phụ, con mong ngày đêm được trở về quê hương...

Tiêu Đại Hùng cười nói :

- Ta cứ nghĩ ngươi không còn nhớ đến Uyển Thanh nữa chứ. Chỉ sợ có vị cô nương nào buộc tóc vào cổ chân ngươi rồi! Lần này, còn lâu lắm ta mới gặp lại ngươi và Nhạc phụ ngươi đấy!

Nguyên Huân chộp lấy bàn tay ông :

- Nghĩa phụ còn phải đi đâu? Xin hãy trở về cùng con!

Vẻ mặt Tiêu Đại Hùng bỗng dưng có đám mây che phủ, ông buồn bã nói :

- Việc khôi phục lại Tổ quốc cũ của ta, nay không còn một chút hy vọng. Hai trăm năm đã trôi qua, lòng người mấy ai côn nhớ đến cố quốc! Chuyến này, ta theo Điền tứ thúc của ngươi sang Phù Tang một chuyến, không biết ngày nào trở lại.

Điền Hoành Thứ Lang nói :

- Trần hiền điệt, ta với Nhị ca mới từ Đại Việt về cùng với Đại ca ta và Nghĩa phụ con. Đất nước ngươi đang chuyển mình, đang cần đến tấm thân vũ dũng của ngươi. Ta đã cùng Đại ca, Nhị ca, tế mộ Tam ca và Thất, Bát đệ. Ta rất vui mừng có ngày hôm nay! Lần này ta mời cả Đại ca ta về quê hương ta một chuyến, chúng ta già cả rồi, chỉ mong sao con cháu nên người hữu dụng. Trong đời còn lại, chắc gì gặp lại con lần nữa, đó là lẽ thường tình!

Hoạt Phật đại sư cười nói :

- Chúng ta đã trót sinh ra trong gió bụi, thì phân ly cũng là chuyện bình thường, Tứ đệ lưu luyến làm chi; nay Tam đệ có người nối dõi anh hừng như thế, chúng ta cũng được thơm lây!

Thiên Hư đạo trưởng giọng cảm khái :

- Lục đệ, Tam đệ và Thất, Bát đệ an thần ở phương Nam. Tiểu đệ, Đại ca và Tứ, Ngũ đệ phiêu hết nơi phương Bắc; Bát đại danh gia chúng ta một thời oanh liệt. Từ nay nhìn Nam Tào, Bắc Đẩu là thấy nhau. Huân nhi, có phải thế không?

Tiêu Đại Hùng nói :

- Huân nhi, ta quên chưa nói lại cho ngươi biết, một năm sau ngày ngươi ra đi, ngôi nhà cũ đã không còn ở được, Nhạc phụ và Uyển Thanh ngươi phải đến Gia Hưng tá túc với Xa Khả Tham “Xích Y nghĩa quân thủ lĩnh”. Uyển Thanh tham gia chiến đấu trong hàng ngũ nghĩa quân, lập được nhiều chiến công, nhưng... Thôi, dài dòng làm chi...! Khi ta và Hoạt Phật đại ca rời Đại Việt, thì Đoàn nhạc phụ ngươi có nói với ta sẽ trở về nơi căn nhà cũ bên Vân Mộng hồ. Nếu có về, cho ta, cho chúng ta gửi lời chào y. Nay y và vợ con sẽ sum họp một nhà, ta cũng tiếc là không có mặt. Thôi bọn ta đi đây!

Hôm Nguyên Huân lên đường xuôi Nam, toàn bộ chức sắc và giáo chúng Minh giáo đưa tiễn đến ngoài hai mươi dặm, tất cả đều tỏ ra quyến luyến. Trường Cung Hoa luôn sánh bước bên chàng, tình bạn cao quý của đôi bằng hữu anh hùng theo thời gian, ngày càng sâu đậm.

Phạm Dao lúc chia tay với Nguyên Huân, ông nói :

- Minh giáo đã quyết định chọn lăng Hoa Cương làm Tổng đàn để nhớ mãi những giờ phút nguy nan. Có được ngày hôm nay, ân đức của thiếu hiệp đối với bản giáo thật là quá trọng. Mong một ngày nào, thiếu hiệp ghé thăm, Minh giáo chúng tôi nặng lòng chờ đợi!

Nguyên Huân vòng tay tạ từ nói :

- Xin Hữu sứ đừng nói như thế! Tấm thân của vãn bối còn có ngày hữu dụng chính là nhờ Hữu sứ và Giáo chủ đã ban cho, dẫu có nát thân cũng chưa báo đáp được muôn một!

Chàng nói xong, cung mình vái chào tất cả rồi tung người lên mình ngựa. Chạy được một quãng xa, quay nhìn lại, thấy giáo chúng của Minh giáo vẫn đứng im nhìn theo cho đến khi cây rừng che khuất...

Từ lăng Hoa Cương, Nguyên Huân trở về Tuyệt Tình đàm. Nghĩa mẫu thấy chàng trở về, bà mừng rơi lệ :

- Mấy đêm rồi mẹ nằm mơ thấy con. Mẹ cứ nghĩ chuyến này con ra đi, phải lâu lắm mẹ mới gặp lại được con!

Nguyên Huân mang tất cả những sự việc chàng trải qua kể lại. Dương Qui Loan ôm lấy cánh tay chàng, thần thái rạng rỡ :

- Thế là từ nay trong giới võ lâm Trung Nguyên con vang danh, mà còn...

Nguyên Huân gạt đi, nói :

- Mẹ, có phải con muốn vung kiếm lập danh đâu, con chỉ vì bổn phận, vì nghĩa vụ, vì trọng trách, con không nghĩ gì khác? Nghĩa vụ lớn hơn còn chờ con ở quê nhà. Mẹ ạ, không biết Nội tổ, khi biết con tha chết cho Dương Tiêu, người có trách mắng không?

- Mẹ nghĩ là không đâu! Cái sống, cái chết, đối với một người đã dấn thân vào chốn giang hồ nào có đáng kể. Nay y thân tàn ma dại, võ công chẳng còn, người đời khinh thường xa lánh, như thế chết còn hơn sống, một kiếp sống thừa đầy tủi nhục. Con xem, đối với một nhân vật quyền khuynh thiên hạ như y, thì có hình phạt nào đau đớn hơn nữa! Con đã rửa được mối thù cho hai họ Dương, Trần một cách xứng đáng, mà vẫn được tiếng là nhân hậu, rộng lượng, làm sao mà Lão nhân gia lại trách cứ con được!

Quả đúng như lời Nghĩa mẫu, Dương lão gia nói :

- Ngươi quả xứng đáng với lòng kỳ vọng của ta. Con đã hài tội y một cách minh bạch, phế hủy võ công, tha chết cho y như một con chó ghẻ. Hương hồn con ta từ nay đã được rửa hờn, và ta, ta cũng thấy cuộc sống của ta cũng là quá đủ!

Nói xong, ông cất tiếng cười, tiếng cười dường xô dạt mái ngói, xao xác chim muông, vút tận trời cao, cao mãi, rồi bỗng dưng dừng lại đột ngột: Dương Qui Loan hốt hoảng nhận ra ông đã viên tịch. Dương lão nhân đã sống dài hơn hai lần người khác. Ông chết trong tiếng cười thanh thỏa, hào sảng và bình yên, như một người trở về quê thật của mình. Lão nhân được an táng trong một thạch động nằm ẩn sâu dưới đáy Tuyệt Tình đàm, nơi ngày xưa, Thần Điêu Hiệp Lữ Dương Qua đã đến đây tự trầm, nhưng đã tìm lại được người mà ông suốt đời yêu dấu, trong lòng thạch động thần tiên này. Từ đó, những người trong họ Dương lìa trần được an táng nơi đây, với tất cả kỷ vật trong suốt đời họ. Nơi này, vì thế được xem như một thánh địa.

Hai mươi ngày sau cái chết của Dương Long Điêu lão nhân, Dương Qui Loan thấy nghĩa tử của bà có vẽ bồn chồn, đứng ngồi không yên, bà gọi Nguyên Huân đến, nói cùng chàng :

- Con ạ! Mẹ biết con còn nhiều nghĩa vụ với đất nước con, mẹ biết lòng con xốn xang, trăn trở lắm, mẹ thấy con không cần chờ đủ thất tuần của Thái gia nữa con ạ. Chúng ta là những người của võ lâm, không nên câu nệ tiểu tiết. Mẹ chỉ mong, khi thành toàn nghĩa vụ, con sớm trở về thăm mẹ. Mẹ không có quyền giữ con lâu hơn một ngày, khi đất nước con còn đang điêu linh, tổ quốc Đại Việt của con còn trong vòng xiềng xích!

Suốt đêm hôm ấy, hai mẹ con ngồi dưới gốc mai già, bà dặn dò từng chút; Nguyên Huân nhìn Nghĩa mẫu tràn ngập thương yêu, chàng hứa với bà, một ngày đất tổ phương Nam sạch bóng quân Minh, chàng sẽ quay trở lại...

Mờ sáng hôm sau, chàng lên đường theo ngã Nam đạo. Xuyên qua khỏi thác nước, Nguyên Huân trở về chốn cũ. Chiếc khăn chàng bỏ quên trên một nhánh cây vẫn còn đấy, nhưng theo thời gian mưa nắng đã mục nát. Bốn năm đã trôi qua, kể từ ngày chàng tình cờ bắt gặp thanh trủy thủ của nhà họ Dương bên bờ thác. Bốn năm trôi qua như một giấc mộng. Bao nhiêu điều đã xảy ra, bao nhiêu gian lao, hiểm nguy. Và chàng, bằng tấm lòng và ý chí, chàng đã vượt qua và đạt được trọn vẹn những ước mơ, mong mỏi.

Giờ đây, trên con đường ngược về đất tổ, lòng chàng nôn nao như đang đi đến chỗ hẹn với người yêu... Nguyên Huân mỉm cười khi so sánh điều ấy, vì rằng Tổ quốc chàng đang chờ chàng, và... và... cả Hoài Nam cũng đang chờ chàng...

Nguyên Huân ngậm ngùi nhớ đến Bảo Thư, những hình ảnh cũ sống dậy trong lòng. Mớ tóc mây của Bảo Thư, chàng đã đưa lại cho nàng trước lúc giã từ :

- Thư tỷ, đây là mái tóc của chị, chị hãy giữ lấy, dẫu sao cũng là một phần đời chị đã đi qua; dẫu đắng cay, dẫu hạnh phúc, cũng là một khoảng đời chị đã sống, như một tiền kiếp!

Hoài Nam sẽ buồn biết mấy, vì chàng biết Hoài Nam rất yêu quý Bảo Thư, nhưng mỗi người một cảnh đời, một kiếp nghiệp, làm thế nào khác được.

Nguyên Huân tìm đến nhà lão tiều phu, ông lão nhận ra chàng ngay, vồn vã lão nói:

- Ái chà, sao công tử đi lâu quá vậy? Con ngựa vẫn còn khỏe mạnh lắm!

Nói xong lão chạy ra nhà sau dắt ngựa lên, con Hoa Tâm nhận ra chàng, nó hí lên tỏ vẽ mừng rỡ. Bốn năm gặp lại lão tiều đã già đi nhiều. Cuộc đời như dòng nước, chảy càng lúc càng xiết. Nhìn căn nhà lụp xụp, hoang lạnh, chàng ân cần hỏi ông :

- Gia đình đi đâu hết cả rồi?

Lão tiều buồn bã trả lời :

- Năm ngoái, trời làm hạn hán, đói kém, lại thêm giặc giã, trộm cướp, dân tình đói khổ, gia đình lão phải ly tán mỗi người mỗi ngả kiếm sống qua ngày, tiện nội không kham nổi đã qua đời!

- Sao lão trượng không bán con ngựa này để độ nhật?

Lão tiều trợn mắt :

- Công tử nói gì vậy! Công tử giao cho lão chăn giữ, có phải của lão đâu mà lão dám tùy tiện!

Nguyên Huân xúc động vì tấm lòng chân chính của lão tiều già nghèo khổ, chàng nói :

- Đây là một con ngựa, bề ngoài rất bình thường, nhưng nó thuộc loại ngựa kỳ, ngựa ký, Bạch Long Câu đấy. Lão trượng chăm sóc được đến nay, vãn bối cảm ơn lắm!

Nói xong chàng lấy ra một thỏi vàng, chừng trên mười lượng, và một viên ngọc, đưa bằng hai tay chàng nói :

- Tấm lòng của lão trượng thật đáng quý, giữa lúc lòng người điên đảo, băng hoại, lão trượng vẫn giữ được sự ngay thẳng, trong sạch. Có nhân tất có quả. Vãn bối gọi là cũng có chút lòng, không dám nói là trả công, mà là kính biếu lão trượng chút đỉnh. Viên ngọc này cũng khoảng trăm lượng vàng ròng, xin lão trượng nhận lấy, quần tụ gia đình lại!

Lấy thêm trong bọc ba viên ngọc nữa, chàng đưa cho lão tiều, nói :

- Ứớc vọng của văn bối thì lớn, mà cánh tay thì quá ngắn, xin lão trượng nhận thêm ba viên này, chẳng là bao, nhưng vãn bối xin lão trượng, vì nỗi khốn khổ của dân chúng trong sơn thôn này, tùy nghi trợ giúp cho họ, để gia đình được đoàn tụ, một ngày nào đó vãn bối sẽ trở lại thăm viếng lão trượng!

Lão tiều họ Hạng run run đỡ lấy món quà tặng, cảm động nói :

- Công tử, xin công tử cho chúng tôi được biết thần danh, để đời đời ghi nhớ!

Nguyên Huân cười bảo :

- Xin đừng bận tâm điều ấy, vãn bối người họ Trần ở phương Nam, nơi ấy cũng thống khổ lắm. Lão trượng ở lại bình an, vãn bối xin kiếu từ!

Nói xong chàng lên ngựa, phóng nước đại, đi thẳng...

Nguyên Huân đến Nam kinh vào những ngày đông giá. Chàng đã xa rời đất tổ bước qua năm thứ bảy. Mùa đông này, cũng là một mùa đông của bảy năm trước, ngày chàng ra đi. Hình ảnh Uyển Thanh tiễn chàng lên đường, đôi mắt nàng buồn vời vợi, ướt lệ trông theo, như mới hôm qua đây, vậy mà đã bảy năm, chàng đã trưởng thành sau bảy năm gian khổ, bảy năm đăng đẳng với bao nhiêu tang thương biến cải, vậy mà:

Ôi khung trời cũ, hồn tôi cũ,

Để thấy như là mới sớm nay...

Nguyên Huân tìm tới Bảo gia trang, chàng rất mừng khi gia nhân cho biết Thúc mẫu và Hoài Nam đã đến đây hơn mười ngày trước.

Nghe gia nhân báo tin chàng đến, Hoài Nam không kịp trang điểm, chạy ùa ra, sự mừng rỡ tột cùng là những giọt nước mắt. Chạy băng qua hoa viên, áo nàng vướng vào một nhánh cây lảo đảo suýt ngã. Nhanh như một cơn gió, Nguyên Huân đã đỡ nàng trong tay. Hoài Nam thì thầm :

- Huân ca, tiểu muội lo lắng ngày đêm...

Lời nàng nói đơn sơ mộc mạc, nhưng Nguyên Huân như thấy cả một trời hạnh phúc, chàng buộc miệng :

- Nam muội, ta cũng thế!

Chợt nhìn thấy chiếc áo lụa mỏng bị rách, một đường xẻ từ từ cánh tay lên vai, để lộ làn da trắng nõn, bất giác Nguyên Huân chợt thấy lòng xúc động, niềm xúc động kỳ lạ, như choáng ngợp, như ngây ngất, trái tim chàng đập rộn rã... nhưng cùng lúc, chàng mơ hồ cảm thấy một điều gì như tội lỗi. Bỗng dưng thấy Nguyên Huân im lặng và đôi mắt chàng long lanh nhìn vào cánh tay nàng, Hoài Nam quay nhìn về chợt hiểu, nàng khẽ kêu lên một tiếng - như con thú hiền lành bị một vết thương êm ái - mặt nàng đỏ hồng, màu đỏ lan đến cả vành tai, nàng cuống quít lấy tay kéo kín vạt tay áo rách lại, thốt lên ngượng ngùng :

- Huân ca!

Cởi vội chiếc áo khinh cừu phủ lên vai Hoài Nam, Nguyên Huân dịu dàng nói :

- Trời lạnh thế này, sao Nam muội không mặc áo ấm, lần sau thế nữa, ta không bằng lòng đâu!

Hoài Nam không cảm thấy cái lạnh của buổi mạnh đông, hơi ấm của thân thể Nguyên Huân còn đọng lại trên chiếc áo ngự hàn cho nàng cảm giác ngây ngất, gò má nàng nóng ran, và Hoài Nam chợt hiểu: nàng đã yêu, ôi tình yêu như mật ngọt. “Kỳ diệu thay khi nghĩ đến chàng, biển bỗng hẹp, trời xanh kia bỗng thấp, đất trời có hay không, chỉ còn lại chàng đầy ắp trong hồn ta, chỉ còn lại mình chàng, như ánh sáng, như bóng đêm, như mưa bay, như tuyết phủ...” Hoài Nam thoảng thốt cất tiếng gọi thầm, và trong thoáng chốc, Hoài Nam chợt thấy mình khôn lớn. ơi, nỗi buồn nào dịu dàng len lén đi vào tâm hồn nàng thơ ngây, tình yêu nào làm rực rỡ trái vườn xuân nàng chín đỏ, Hoài Nam mơ hồ nghe tiếng Nguyên Huân êm dịu bên tai, và tiếng nàng cũng mơ màng thốt khẽ :

- Dạ!

Tiếng “dạ” ngọt ngào, nhu mì biết bao. Nguyên Huân như thấy khung trời bỗng hồng lên, không gian chất ngất hương bay. Chàng mỉm cười nhái lại :

- Dạ...

Hoài Nam cúi đầu, mái tóc xoa che nửa mặt hoa, bất giác Nguyên Huân khẽ nắm lấy tay nàng, khẽ gọi :

- Hoài Nam!

- Dạ!

- Em đó ư!

Không! Không phải em đâu, chàng đó...

Hai bàn tay nàng nằm gọn trong tay Nguyên Huân. Hai người im lặng nhìn nhau, cho đến khi thấp thoáng có bóng người xuất hiện sau bụi trúc ngà. Lý Phi Yến bước nhanh đến, Nguyên Huân chạy lại đón bà :

- Thúc mẫu, Thúc mẫu có khỏe không?

Đoàn phu nhân rạng rỡ :

- Nguyên Huân, con đã đến rồi ư! Ta hết sức lo lắng cho con, con có gặp Bảo Thư không?

- Con có gặp!

- Sao nó không về cùng con?

- Dạ... Thư tỷ...

Phu nhân giọng hốt hoảng :

- Huân nhi, ta hỏi, Bảo Thư làm sao rồi?

- Thư tỷ vẫn mạnh khỏe, gửi lời chào Thúc mẫu và Nam muội!

- Nhưng sao nó không về đây cùng với con?

- Thư tỷ đã thí phát quy y và theo Tâm Hư sư thái về Nga Mi sơn rồi!

- Con nói sao? Nguyên Huân, Bảo Thư đã quy y?

- Vâng, thưa Thúc mẫu, Thư tỷ đã tìm thấy niềm an lạc!

Phu nhân thở dài :

- Con có hiểu vì đâu không?!

- Con chỉ biết Thư tỷ có nỗi đau buồn riêng, nhưng chị ấy không bao giờ thổ lộ; nên con cũng không rõ Thư tỷ đau buồn điều gì!

- Ôi! Sao vô tình quá vậy!

Phu nhân buột miệng nói. Nguyên Huân ngơ ngác :

- Thúc mẫu nói sao cơ?

- Không, ta chẳng nói gì cả! Thôi, vào đây con, kể cho ta nghe mọi chuyện!

Sau khi nghe Nguyên Huân thuật lại mọi việc, phu nhân lại thở dài, bà nói :

- Con cư xử như thế là phải lắm, oán thù nên cởi chứ không nên buộc. Y là người gây oán khắp võ lâm thiên hạ, nhưng y cũng có điều tốt, đó là tấm lòng đối với gia đình, con cháu!

- Tiêu Đại Hùng bá phụ, Hoạt Phật đại sư, Thiên Hư đạo trưởng và Tứ thúc Điền Hoành Thứ Lang gửi lời kính thăm Thúc mẫu, Thúc mẫu có còn nhớ họ không?

- Ồ, ta nhớ lắm chứ! Cách đây hai mươi lăm năm, ngày ta với cha Uyển Thanh, Hoài Nam nên giai ngẫu, các vị ấy đều có mặt. Hoạt Phật đại sư ca, Điền Hoành tứ ca ở phía nhà gái, Tiêu thứ gia, Thiên Hư nhị ca bên phía nhà trai. Năm ấy cũng là năm con ra đời Nguyên Huân ạ! Thoáng đó mà đã hai mươi lăm năm, cuộc đời trùng trùng bất hạnh, mà hạnh phúc nào thấy đâu? Bây giờ đây, ngày trở lại quê xưa, tóc đã bạc, chân một thời đã mỏi...

Bà ngồi im, cả một trời quá khứ dồn về, bà thầm thì với nỗi niềm riêng cùng quá khứ của bà:

Chàng vẫn biệt, phải không, đời vốn chát!

Cõi trăm năm gom lại được bao ngày

Mà mái tóc nhuốm sương chừng đã bạc

Hạnh phúc đời chưa hái đã xa bay...

Ôi, những bài thơ bà viết thầm, bà gọi thầm trong suốt bao năm, giờ trở về trong trí tưởng như những vết dao đâm nát trái tim bà. Tiếng nức nở nhẹ của Hoài Nam đưa bà ra khỏi cõi muộn phiền, bà bước đến bên nàng, vuố tóc con gái, dịu dàng hỏi :

- Sao con khóc, Hoài Nam của mẹ?

- Con thương cảm, con tội nghiệp Bảo Thư. Mẹ ạ, sao đời buồn đến vậy?!

- Không phải thế đâu con ạ, ngay trong niềm vui đã ẩn chứa nỗi phiền muộn, bất an... Và con hãy hiểu, trong sự đau khổ tột cùng, ta vẫn có thể tìm thấy được nguồn an lạc, con phải mừng cho Bảo Thư mới phải. Nàng đã tìm được bản thể mình, mà bản thể đích thực, con ạ, không phải là niềm vui là nỗi buồn, mà chính là sự “không dưng” đó con!

Hoài Nam vẫn phiền muộn, nàng nghĩ “Bảo Thư ạ, chị chẳng thể tìm được niềm an lạc cho tâm hồn bởi sự trốn chạy. Chị chỉ có thể ẩn trốn được cái thân, nhưng làm sao xóa đi được hình ảnh của ngoại vật vẫn hiển hiện trong tâm tư chị? Sợi tóc kia nào có tội tình gì? Tại sao sự đớn đau lại bắt nguồn từ một điều cao đẹp! Chị yêu chàng, vâng, em hiểu lắm, chỉ mình em hiểu chị, bởi chính em cũng đã yêu chàng. Và bởi chính chị yêu chàng, nên em cũng yêu chị. Tình yêu, em chẳng hiểu nó là mấy, nhưng nó không là của riêng, em chắc chắn vậy. Khi em yêu chàng, em thấy em thuộc về chàng, chứ chàng không thuộc về em. Em đã xóa em đi, hà cớ sao em phải phiền muộn? Em hiện hữu bởi chàng, chàng vui em vui, chàng khổ sầu, làm sao em vui sướng. Chị biết không, chàng thuộc về người khác, chị ruột của em đấy! Hai người đã lớn lên bên nhau, tâm tình sâu đậm, và lại đã hứa hôn với nhau từ nhỏ, thế mà em nào thấy đớn đau. Em chỉ thấy em là dòng suối mát, là tia nắng ấm cho chàng. Em chỉ mong có thế, Bảo Thư, sao chị hãy không như em...!”

Có bước chân ngoài hành lang và tiếng cười ha hả của trang chủ Bảo Vĩnh Khang :

- Trần thiếu hiệp, thiếu hiệp định tránh mặt lão già hủ lậu này đó sao!

Nguyên Huân chạy vội ra khỏi tiểu sảnh, vui mừng vòng tay chào:

- Vãn bối vừa mới tới, xin kính chào Bảo chủ!

Bảo trang chủ, tuổi chừng sáu mươi, râu năm chòm còn đen nhánh, tia nhìn như điện, thân thể cao lớn, da hồng hào không một vết nhăn.

- Chia tay đã bốn năm rồi, thiếu hiệp trông phong sương hơn độ nào. Lão phu được nghe bằng hữu nhắc đến thiếu hiệp, ngày đêm mong tái kiến!

Nói xong ông cầm tay kéo Nguyên Huân đi :

- Lên trên này đã. Bạch Khởi Phùng mới từ lăng Hoa Cương về, ghé thăm lão phu ngày hôm kia. Tiếc thật, lão phu bỏ mất cơ hội ngàn năm một thuở. Lần này, thiếu hiệp không thể đi ngay được, bằng hữu võ lâm ớ Nam Trường Giang nhất quyết chẳng để thiếu hiệp rời chân ngay đâu. Lão phu mới đi săn cùng đám bằng hữu, nghe gia nhân báo, lão phu quay về ngay, khách khứa chật ở trên Đại sảnh. Hôm nay, quyết cùng thiếu hiệp tửu đấu một phen, không thể nào khác được!

Nói xong một tràng dài, Bảo Vĩnh Khang cất tiếng cười hào sảng. Trên mười người, tuổi chừng bơn mươi trở lên, nghe tiếng cười của Bảo chủ, ùa ra khỏi phòng khách lớn. Bảo chủ la lớn :

- Anh em, ta tóm được rồi đây này, đó, con Phượng thần đang ở trước mặt các bạn đó!

Nguyên Huân cung kính vòng tay chào mọi người. Một lão nhân chừng đã trên bảy mươi, bước lại, cầm lấy tay Nguyên Huân :

- Lão phu họ Tiết, khi xưa có được quen biết với Trần tam gia; ôi chao, thiếu hiệp giống Tam đại gia như đúc. Phúc đức thay!

Nghe Tiết Thượng Quan nói, Nguyên Huân vội vã khom người, vòng tay thi lễ :

- Vãn bối không được biết Lão tiền bối quen biết với Gia phụ khi xưa, nên không tìm đến viếng thăm, xin tiền bối lượng thứ!

- Thiếu hiệp đừng khách khí như thế! Đúng là lớp sóng sau đè lớp sóng trước, đại phúc, đại phúc!

Chàng quay sang số hào khách của Bảo trang chủ, khiêm tốn thưa :

- Vãn bối là kẻ hậu sinh, được các vị thúc bá yêu mến thế này, thật là đắc tội!

Nói xong, chàng thấp mình cúi chào một lần nữa. Mọi người đứng quanh, quan sát chàng một cách kín đáo, một người trong bọn lên tiếng :

- Nếu việc xảy ra ở Kình Dương đại hội, không do Bạch đại hiệp kể lại, thì lão phu nhất định không tin được!

Một người khác tiếp lời :

- Thương Linh đại gia nói sai rồi, hổ phụ sinh hổ tử. Ngày trước Tiểu đệ có quen biết với Mạc thất gia, võ công của Mạc Thiên Bằng ngày đó cũng rất mực cao thâm, ai ngờ, cả Tam gia, Thất gia, Bát gia đều uổng mạng dưới tay Dương lão tà; ngày nay quả là trời còn có mắt! Trần thiếu hiệp, mong thiếu hiệp đừng chê bọn anh em chúng tôi là già cả hủ lậu, anh em trong hai đạo Hà Nam và Giang Tây mong mỏi được cùng thiếu hiệp đàm đạo một phen!

Nguyên Huân nói :

- Vãn bối là hàng con cháu, xin các vị thúc bá, nếu yêu thương xem vào hàng con cháu cũng đã vinh dự lắm rồi, chứ đâu dám ngang hàng vô lễ như thế!

Một người mặt đen, râu quai nón tua tủa, tiếng nói như chuông đồng :

- Hoắc Chính Trung nói lên tấm lòng của bằng hữu anh em chứ không có ý gì khách khí... Hứa Viễn Chí này cũng như anh em giang hồ đồng đạo, sở dĩ yêu quý thiếu hiệp vì phong cách và đức độ của thiếu hiệp đó thôi, chứ tài giỏi mà vô đạo chỉ khiến cho thiên hạ “Kính nhi viễn chi” mà thôi!

Từ ngày hôm đó, võ lâm hai đạo hắc, bạch suốt một dải Nam Trường Giang tấp nập tới lui không ngớt. Nguyên Huân tỏ lòng ái ngại. Bảo Vĩnh Khang cười ha hả nói :

- Trần huynh đệ, sao lại áy náy như thế? Trần huynh đệ coi lão phu là người thế nào? Cũng nhờ thiếu hiệp yêu mến mà dừng chân, lão phu mới có dịp kết giao bằng hữu trong thiên hạ, nếu không, cứ như lão hủ này, có mời, vị tất đã có ai bước chân đến Bảo gia trang làm chi, thiếu hiệp đừng nói thế!

Mãi nửa tháng sau, Nguyên Huân mới xin phép cáo từ được Bảo trang chủ nói :

- Nếu không phải vì quý quốc còn trong cơn binh lửa, lão phu chưa để thiếu hiệp lên đường ngay được, chỉ xin một điều: Cuộc xâm lược Đại Việt không phải do cái dị tộc mà phát sinh, mà chỉ do lòng tham vô đáy của bọn vua chúa, xui khiến sinh linh trăm họ vào cơn binh lửa tàn khốc, vì vậy khi thiếu hiệp vì đất nước mà ra tay, kẻ nào đáng giết thì giết, xin buông tha cho bọn quân lính vô tội, chúng cũng là những nạn nhân của những mưu toan bạo ngược mà thôi!

Nguyên Huân đáp :

- Điều này vãn bối đã hiểu, tình người không phân biệt chủng tộc, màu da, tiếng nói, phong tục. Cái đạo làm người là yêu mến mọi người, chữ Nhân kia lớn biết bao! Xin Lão trang chủ chớ bận tâm áy náy. Đau thương, máu lửa, càng giảm đi được chừng nào, thì vận nước càng hưng thịnh, cái Nhân càng sáng tỏ...

- Không ngờ thiếu hiệp có tấm lòng Nhân đạo đại độ như thế, lão phu xin bái phục!

- Vãn bối là hàng con, cháu, xin Bảo chủ đừng nói vậy!

Ngay sáng ngày hôm sau, Bảo Vĩnh Khang tặng Đoàn phu nhân một cặp ngựa, cùng cỗ xe lớn và một người mã phu. Trang chủ nói :

- Xin phu nhân và Trần thiếu hiệp đừng từ chối. Từ đây về Đại Việt, đường xa ngàn dặm, chỉ là phương tiện đỡ chân cho phu nhân và tiểu thư, và lão phu cũng tỏ được chút tình đối với người bạn già họ Đoàn năm xưa!

Đoàn phu nhân, Nguyên Huân và Hoài Nam bái tạ Bảo trang chủ lên đường, theo đường Hà Nam, Quý Châu, Vân Nam mà đi.

Trời mùa đông lạnh cóng, sang đến Quý Châu, Vân Nam, đường gập ghềnh khó đi, nên phải ngày đi, đêm nghỉ. Suốt trên đoạn đường từ Hà Nam đến Quý Châu, trên nóc xe, phất phới một lá cờ trắng thêu chữ “Bảo” màu đỏ tía, bọn cường đạo, sơn tặc thấy lá cờ này đều lánh xa, không dám phiền nhiễu.

Xe qua khỏi thủ phủ Vân Nam, đã bước vào khu vực núi rừng trùng điệp của Thập Vạn Đại Sơn. Đường núi quanh co, khúc khuỷu ít người qua lại. Trước đây, những đoàn quân đi xâm lược Đại Việt, chia làm hai ngã, một theo ngã Quế Lâm, Quảng Tây tràn vào vùng Lạng Sơn, một ngã khác xuyên qua Thập Vạn Đại Sơn, chọc mũi dùi vào vùng Mộc Châu mà tiến. Thương khách và thường dân ít ai dám qua lại sơn đạo này. Dân Hán tộc thưa thớt, ngoài Miêu tộc, còn một số các thị tộc thiểu số khác cư ngụ; bọn cường đạo thường lấy khu vực này làm căn cứ sơn trại. Phần lớn, giáo chúng Tiêu Dao độc giáo hoành hành...

Lúc ở lăng Hoa Cương, Trường Cung Hoa đã tặng cho Nguyên Huân tám viên Huyết Hoa đạn chứa hoàng dược phấn để đề phòng độc khí của lam sơn và độc vật. Bởi vậy, vừa vào khu vực rừng núi, để bảo vệ sức khỏe cho Thúc mẫu và Hoài Nam, Nguyên Huân đã rắc đầy trong xe loại phấn hoa nay, gặp khí độc của loài hoa cỏ lạ, phấn hoa nở bung thành những đài hoa như hoa cải vàng, tỏa mùi thơm nhẹ. Một hôm, Hàn Thiết Trụ, người mã phu bắt đầu cảnh giác, nói với chàng :

- Thiếu hiệp, chúng ta sắp sửa ngang qua khu vực của Tổng đàn Tiêu Dao giáo phái, võ công của chúng đối với thiếu hiệp thì thật không đáng kể, nhưng tài đánh độc của chúng là rất đáng ngại, xin thiếu hiệp đề phòng!

Nguyên Huân đưa cho người mã phu viên Huyết hoa, bảo :

- Hàn hảo hán cứ việc giữ lấy viên này, khi chúng xuất hiện, hãy cứ bóp vỡ Huyết hoa, tức khắc có chỗ diệu dụng!

Quả nhiên, qua ngày thứ ba, một nhóm người ăn mặc hết sức kỳ dị, dẫn đầu là một thiếu nữ mặt hoa da phấn, mắt long lanh tình tứ, trang phục hở hang, sặc sỡ, đứng chặn đường xe, quát hỏi :

- Chiếc xe kia đi đâu! Dừng lại cho bản cô nương xét hỏi!

Hàn Thiết Trụ dừng xe lại cách một quảng. Bọn người ùa đến toan bao vây, họ Hàn không dám để chúng đến gần, quát :

- Các vị là ai, sao lại chặn đường xe thế?

Người thiếu nữ, trên người quấn chéo tấm vải hoa sặc sỡ từ vai trái qua nách phải, để lộ một bả vai và khoảng ngực trắng hồng, cổ tay, cổ chân trang sức những vòng vàng lấp lánh, nói :

- Ngươi bất tất phải biết chúng ta là ai! Có điều muốn sống, toàn bộ người trên xe xuống hết. Hành trang, vật dụng, cỗ xe và cặp ngựa thuộc quyền của bản giáo từ lúc này...

- À, thì ra các vị là bọn Độc giáo, ta biết ngay...

- Tên mã phu kia, ngươi biết cái gì! Chúng ta đây là Tiêu Dao thần giáo, ngươi lại dám gọi là Độc giáo, số ngươi đã đến ngày tận, đừng oán trách gì!

Từ tay thiếu nữ, một vệt sáng bay ra, lưỡi Liễu Điệp phi đao nhắm ngực của người mã phu như ánh chớp. Tay cầm cương của Hàn Thiết Trụ vẫn không cất lên, chỉ có bàn tay xoay ngang, chiếc roi ngựa phóng ra, chỉ nghe một tiếng “keng”, lưỡi phi đao bị đánh văng trở lại, nhằm vào một tên giáo chúng, cắm phập bả vai, y ngã ập xuống, miệng méo xệch, da mặt thoắt đen như chàm, y chết tức khắc. Lưỡi phi đao có tẩm độc cực mạnh.

Bọn giáo chúng đồng la lên một tiếng và xông ùa lên.

Thiết Trụ tỏa rộng đường roi, ngọn roi xé gió đánh cản, nhưng nhằm vào mặt thiếu nữ điểm tới, y thị lách mình tránh, đường roi như một con rắn có mắt, uốn vòng ra sau lưng, điểm vào huyệt Đại Trùy, thiếu nữ phải ngã người sát đất mới thoát hiểm, đầu roi dạt theo hướng trái, đánh trúng ngay vào Thái Dương huyệt của một tên khác, y vỡ toác màng tang, ngã ra chết tốt. Đường roi không dừng lại, giật nhẹ, tấn công như chớp vào tên trùng bên phải thiếu nữ Miêu tộc, tên này nhanh nhẹn vung tròn mũi kiếm đánh bật, nhưng ngọn roi đã quấn lấy cổ tay y giật mạnh, quăng tung tên giáo chúng lên không rơi người xuống triền núi...

Một bóng người từ dưới triền dốc đang phóng lên, nhận ngay tên giáo chúng bị hắt văng xuống, lập tức y phóng người lên cao, chụp lấy dây lưng của gã, nhẹ nhàng xoay người đặt chân xuống đất. Nhìn thấy Hàn Thiết Trụ với con roi trong tay cũng vừa điểm tới trước mặt, y cười gằn một tiếng :

- Hừ, được lắm!

Buông tên giáo chúng ra, tay phải xử dụng Cầm Nã thủ chụp lấy đầu roi, đầu roi uốn qua một bên đánh vào huyệt Đàn Trung của gã, hắn né người và như chớp bắt được thân roi, chỉ nghe “bực” một tiếng, chiếc roi ngựa đã bị y giật đứt.

Nguyên Huân từ lúc đầu đến giờ vẫn ngồi im trong xe, thấy vậy, mở cánh cửa có lắp kính phía trước bước ra, cùng lúc người mới đến phi thân lướt đến tấn công Hàn Thiết Trụ, thân pháp y rất đẹp mắt, Nguyên Huân nhận ra đó là Phong Vân thân pháp của Tinh Môn phái của Đại Lý. Người này khoảng tứ tuần, mặt mày chính khí, không hiểu vì sao lại cùng bọn Tiêu Dao toa rập. Nguyên Huân vội xử dụng Tiên Thiên công, xoay cổ tay thành một vòng tròn, kình khí ôn nhu như cơn lốc tụ, phát, hóa giải kình lực người này, đồng thời xoáy đẩy y lên cao, và từ từ hạ hắn xuống một cách êm ái, ngay bên phải thành xe.

Hắn kinh dị nhìn chàng, hỏi :

- Tôn giá là ai mà biết võ công của Đoàn hoàng gia Đại Lý nước chúng tôi?

Nguyên Huân không trả lời vào câu hỏi, chàng điềm tĩnh :

- Các hạ là người chính khí, đệ tử của Tinh Môn phái, là một danh môn chính phái, lẽ nào đi theo bọn cướp đường?!

Người này có ý thẹn, đáp :

- Tại hạ không chủ ý làm việc này, nhân tiện ngang qua đây thấy người ngộ nạn nên ra tay giải cứu; chưa biết phải trái đã bị tấn công, nên không phân biệt trắng đen là thế. Tôn giá đoán biết được sư môn, chắc hẳn chẳng là người xa lạ. Tại hạ vốn người họ Chu, tên Cẩm Đoàn, cũng vì có chút ẩn tình, nên mới giao hảo cùng giáo phái Tiêu Dao, chẳng qua cũng là vạn bất đắc dĩ!

Nguyên Huân mỉm cười nói :

- Mỗi người trong chúng ta đều có nỗi khổ tâm riêng, nếu không tiện, xin đừng nói!

- Đa tạ tôn giá đã cảm thông cho. Đã gần hai trăm năm nay, trải qua sáu, bảy đời, chúng tôi ôm mối quốc thù, nên hành vi không phải do mình mà nên...

Nguyên Huân chợt hiểu :

- Tại hạ vốn họ Trần của Đạo Việt, với Đoàn hoàng gia, năm xưa và đến tận bây giờ, vẫn có mối giao tình rất trọng... Các hạ ôm mối cô trung với đất tổ, chắc chẳng phải là người xa lạ?

Chu Cẩm Đoàn lùi lại một bước, giật mình hỏi :

- Tôn giá có phải là Trần Nguyên Huân, vang danh trong thiên hạ là Đệ nhất kỳ nhân đó chăng?

Nguyên Huân lắc đầu, chàng nhún nhường nói :

- Không dám nhận lời khen ngợi ấy, tại hạ chính là Trần Nguyên Huân!

Chu Cẩm Đoàn bước nhanh lại chỗ thiếu nữ, dùng tiếng Miêu tộc nói với cả bọn, không biết họ Chu nói gì, chỉ thấy thiếu nữ và đồng bọn đứng ngơ ngẩn, miệng há hốc, mắt trợn tròn, mặt chúng tái đi vì sợ hãi, đoạn chắp tay xá Nguyên Huân rồi kéo rốc đi. Người thiếu nữ còn quay nhìn chàng, ánh mắt vừa nề trọng, vừa mê đắm.

Chu Cẩm Đoàn quay trở lại, cung kính hỏi :

- Tại hạ có mắt như mù, không thấy núi cao trước mặt. Trần thiếu hiệp chắc có quen biết cùng Tiêu nghĩa sĩ và Đoàn lục gia của Đại Lý chúng tôi?

- Không phải quen biết, vì Tiêu lão anh hùng chính là Nghĩa phụ của tại hạ, Người vì tuyệt vọng trong mưu đồ phúc quốc, nên đã chán nản bỏ sang Phù Tang cùng với Đại bá phụ, Nhị bá phụ, và Tứ thúc phụ của tại hạ. Hiện tại, có Đoàn thúc mẫu và Đoàn tiểu muội trên xe!

Chu Cẩm Đoàn nhìn Nguyên Huân kinh ngạc, hiểu ý, chàng nói :

- Chuyện này uẩn khúc dài dòng, xin các hạ đừng hỏi!

Chu Cẩm Đoàn hiểu ý Nguyên Huân, bước lại bên xe, làm lễ ra mắt :

- Tại hạ họ Chu, đời đời làm tôi các Hoàng đế nước Đại Lý, xin làm lễ tham kiến Nương nương và Công nương!

Đoàn phu nhân đã nghe rõ chuyện giữa hai người, bà vẫn ngồi trong xe, ôn tồn nói :

- Lão phụ không dám nhận đại lễ của tôn giá. Dám xin hỏi, tôn giá có phải dòng dõi họ Chu trong Ngư, Tiều, Canh, Độc của Đại hoàng đế nước Đại Lý năm xưa đó chăng?

Chu Cẩm Đoàn bùi ngùi thưa :

- Khải bẩm Nương nương, thuộc hạ chính là con cháu đời thứ sáu của Ngư, Tiều, Canh, Độc năm xưa, tạ ơn Nương nương đã không quên!

- Lão phụ ngày xưa có được nghe phu quân thường nhắc đến, nên vẫn còn nhớ...

Chu Cẩm Đoàn không cầm được nước mắt, ngắt lời bà :

- Nương nương, Đoàn hoàng gia đang bị độc công phát tác, tính mạng ngàn cân treo, tiểu nhân phải lặn lội tìm đến Tổng đàn Tiêu Dao giáo để hy vọng xin được thuốc giải, nào ngờ nửa đường nghe tin Bành giáo chủ của phái Tiêu Dao đã chết, đành trở về tay không. Đến đây, đất trời xui khiến gặp được Nương nương, xin Nương nương và Công nương khẩn cấp trở về, may ra còn gặp mặt Hoàng gia!

Nói xong quỳ xuống lạy. Nguyên Huân khom người đỡ họ Chu, chàng hốt hoảng hỏi :

- Chu anh hùng, Thúc phụ tại hạ ra sao?

- Bị nhiễm độc tính, đồng thời độc công phát tác, không biết hiện giờ thế nào!

Nguyên Huân nghe tiếng Đoàn phu nhân khóc ở trong xe, vội nói :

- Chu anh hùng, ta mau mau trở về, khẩn cấp lắm rồi...

Cả hai tung mình lên xe, cỗ xe phóng như bay, bất kể vực sâu núi cao - nhắm hướng Đại Việt, bất kể đêm ngày...



Bình luận
Sắp xếp
    Loading...