Năm Tháng Tĩnh Lặng, Kiếp Này Bình Yên

Chương 17: Namtso thiêng liêng, thuần khiết


Chương trước Chương tiếp

Từ biệt hồ Thanh Hải thanh tịnh, tôi đi tìm một hồ đẹp khác trên cao nguyên. Ánh dương thật là linh diệu, chỉ cần cưỡi một làn gió mát bay bổng là có thể xuyên qua tầng mây vạn dặm, bay khắp tuyết chiều ngàn non. Đến với Namtso thiêng liêng và thuần khiết. Hồ nước này là ký ức trong vắt mà năm tháng đã để lại cho Thiên Sơn.

Namtso nằm giữa huyện Bàng Ngạch và huyện Đương Hùng, phía bắc Lhasa (Lạp Tát), đích xác ở phía bắc ngọn núi chính của cao nguyên Thanh Tạng – núi Niệm Thanh Đường Cổ La, cách Lhasa 240 kilômét, là hồ thiên nhiên cao nhất thế giới so với mực nước biển. Hồ Namtso thần kỳ xiết bao, mới đây vẫn còn đang thưởng ngoạn phong cảnh hiện thực, chỉ một sát na, đã chìm vào trong giấc mộng xanh thẳm của hồ. Nhấn chìm sinh mệnh trong đó, cảm nhận được màu xanh thẫm thanh tịnh, màu xanh sa-phia cao quý, màu xanh ngắt buồn bã của nước hồ. Người ta e dè chỉ cần vô ý xông vào, là sẽ khuấy động giấc mộng u tĩnh của hồ Namtso, mà không hay biết rằng, giấc mộng ấy đã sớm nâng niu chúng ta.

Những ngọn núi tuyết trắng nhấp nhô nối tiếp như mộng như ảo, trong mỗi một khoảnh khắc sinh động, chúng đều biến thành những phong cảnh khác nhau. Dùng ánh mắt để nắm bắt vẻ đẹp muôn vàn hình thái, trong tích tắc chớp mắt, phong cảnh đã có thể tràn ngập tâm hồn ta, khiến những người đến nơi này đều không muốn bỏ lỡ bất cứ điều nhỏ nhặt gì. Từng chiếc lều vải giăng giăng dưới bầu trời xanh bao la, những làn khói xanh vẩn vơ bay lên từ đỉnh lều đều kể với chúng ta rằng mảnh đất thanh tịnh này thực ra đang dấy lên và tỏa ra thứ khói lửa giản dị nhất của chốn nhân gian.

Vào mùa đông, tầng băng dày nặng nề kết lại chắc chắn bên bờ hồ, nhưng nước hồ vẫn chảy dào dạt như trước. Thiên hồ[11] thần thánh, trong sạch tựa như đang nhắc nhở, ở nơi này đã cất giữ biết bao câu chuyện thần thoại ly kỳ mà tươi đẹp. Ngọn gió thổi lướt qua, bị những truyền thuyết mà nước hồ lưu lại làm cho run rẩy, lặng lẽ kể câu chuyện bãi biển nương dâu của chúng. Mà hết thảy những gì những câu chuyện này gửi gắm, đều là chủ đề tốt lành, bình an và hạnh phúc.

[11] Trong tiếng Tạng, Namtso có nghĩa là hồ thần, hồ thiên đường (thiên hồ) hoặc là hồ thiêng.

Nhờ vẻ đẹp tao nhã của truyền thuyết, sự thiêng liêng của nước trời đã khiến cho hồ Namtso có sinh mệnh, có tình cảm. Mỗi dịp đến năm con Dê, chư Phật, Bồ Tát, thần hộ pháp đều tụ hội ở hồ Namtso, lập đàn pháp hội Đại Hưng. Lúc này, đi quanh hồ đọc kinh một lần, còn hơn cúng bái hàng ngàn hàng vạn lần lúc bình thường. Các tín đồ hành hương không quản gian khổ, từ những miền đất khác nhau, trèo đèo lội suối vượt thác vượt đèo đến đây, chỉ vì muốn mượn nước từ bi của hồ thiêng để rửa trôi những bệnh tật và khổ nạn, cầu được viên mãn phúc huệ. Lá cờ phướn ngũ sắc phấp phới trong gió khắc ghi sự hiện hữu chân thật của khoảnh khắc này. Gò Mã Ni bên hồ Namtso như thể lĩnh pháp chỉ của Phật tổ, dùng linh hồn để bảo vệ sự thiêng liêng này. Tín ngưỡng của các tín đồ cũng giống như những tảng đá bên hồ, đều rót vào hồ thiêng, làm cảm động chính bản thân, cũng làm cảm động người khác.

Sóng biếc xao động chậm rãi kể một câu chuyện tình lãng mạn. Chuyện kể rằng, Namtso là con gái của Đế Thích Thiên, là vợ của Niệm Thanh Đường Cổ La. Họ sống bên nhau tại Thiên Sơn, từng có một khoảng thời gian sống chết có nhau giữa nhân gian. Non và nước giao hòa, nước và non trùng điệp, tựa như đôi đá vợ chồng đứng sừng sững bên hồ đó, đôi bên nặng tình với nhau. Có lẽ, họ không nhớ nổi rốt cuộc đã ở bên nhau bao lâu, cùng nhau ngắm bao lần mặt trời mọc rồi lại lặn, biết bao người đến rồi lại đi. Không thể non hẹn biển, nhưng lại có thiên đường địa cửu. Bên hồ còn có một tảng đá hình hai bàn tay chắp vào nhau, là để cầu phúc cho vạn vật, cầu phúc cho người dân đời đời sống bên hồ Namtso, cũng như cầu phúc cho mỗi khác qua đường đến với Namtso.

Mặt hồ dưới ánh hoàng hôn, lúc này sóng biếc xanh lam đã nhạt nhòa, ánh sáng vàng lấp lánh phản chiếu, như ánh sáng từ bi, ánh sáng cát tường phát ra từ giữa khoảng mày mi của Phật tổ, vô tư chiếu rọi khắp non sông trời bể. Những người tắm trong thứ ánh sáng đó đang tận hưởng sự bình đẳng và nhân hậu mà tự nhiên ban cho.

Namtso tựa như một chiếc bình ngọc rơi xuống Tuyết Sơn xa xôi, khí chất lóng lánh mà nó tỏa ra làm khuấy động nội tam, khiến con người ta không kiềm được ham muốn cất giữ sự thiêng liêng, thuần khiết này cho riêng mình. Xưa có một ni cô đến lấy nước đã cúi xuống, dùng chiếc vò trong tay múc đầy linh tính của nước hồ, chứa hết sự thanh tĩnh của sinh mệnh, và đón nhận thời gian của ý Thiền. Đây là một quá trình hướng Thiện, giống như thuyết nhân quả của Phật gia. Lão ni lấy nước xong, lưng đeo vò nước, mỗi bước lại ngoái đầu nhìn lại, ánh mắt ẩn chứa Thiền cơ đó bộc lộ sự xót thương đối với chúng sinh, lại vừa chứa đựng sự ung dung ta và vật cùng quên lãng lẫn nhau. Cái để lại cho chúng ta, chỉ là một bóng dáng đã rời xa, một vệt ánh sáng bồ đề.

Vậy thì, trước lúc từ biệt hồ Namtso, bạn hãy múc đầy một bình nước hồ đi! Tương lai, cho dù là để uống hay là giấu kín, đều biết rằng, hồ nước tuyệt đẹp này chảy giữa trái tim, có thể tưới tắm cho linh hồn, thanh lọc nhân sinh.

Cửu Trại Câu thần kỳ

Hãy đi đến Cửu Trại Câu theo cách này: đi từ chốn hồng trần sâu nhất, đến giữa hồ nước xanh thẳm, diễn lại một câu chuyện thần thoại tươi đẹp. Bước lên bậc thang của thời gian, ánh mắt sẽ đậu xuống hồ Thiên Nga. Mặt hồ trong vắt như gương sáng, mỗi người đều có thể soi thấy bản thân chân thực trong đáy tim mình. Ở nơi đây, chúng ta quên đi nhân gian đầy khói lửa cùng hết thảy tôn quý lẫn vinh hoa của hồng trần. Chúng ta giống như những chú chim, ấm áp quần tụ bên nhau khi dừng bay, và mỉm cười tạm biệt khi khởi hành một chuyến đi xa.

Tất cả mọi kiếm tìm, đều là để đến được một nơi trong sạch của cuộc sống. Những mặt hồ tụ tan ẩn kín sau chốn rừng xanh sâu thẳm, tựa như những ngôi sao ban sớm sáng bừng giữa dải Ngân Hà. Mà những hồ nước này hoặc long lanh, hoặc kỳ ảo, hoặc trầm tĩnh, hoặc mỹ lệ, chính là những ngôi sao rơi lạc trên Cửu Trại Câu. Bố cục ấy phảng phất như tuân thủ theo tinh tướng[12] và cũng đóng khung trong tâm can con người. Những hồ nước ấy gìn giữ lãnh địa của riêng mình, rõ ràng và minh bạch, không để cho bất cứ người nào bước vào mà bị mất phương hướng.

[12] Tinh tướng: Số tử vi.

Cho dù là Hùng Miêu Hải (hồ Gấu Trúc) ở giữa biển cát xanh lục, hay Ngưu Tê Hải (hồ Ngưu Tê) đa sắc thần kỳ, hoặc sông Khổng Tước hoa lệ chảy qua sạn đạo[13], đều là những kỳ quan thần kỳ mà năm tháng ban tặng cho Cửu Trại Câu. Những ngôi sao sâu thẳm mênh mang này, không hề ẩn chứa bí mật, mà là phong cảnh của tạo hóa thiên nhiên.

[13] Sạn đạo: Là đường xây bằng cầu treo hoặc ván gỗ xếp hai bên sườn núi đá, dùng để đi qua các khu vực núi non hiểm trở.

Chúng ta đem linh hồn giao cho hồ nước của Cửu Trại Câu, không cần lời hẹn thề như non xanh, cũng không cần sự chứng giám của mây trắng. Thực ra, sinh mệnh vốn là một câu đố, mà chúng ta lại không nhất thiết phải dò đoán lời giải cuối cùng ngay từ khởi đầu của chuyến đi. Chỉ cần thuận theo những vết hằn của năm tháng, lấp đầy quá trình dài lâu, để hoàn thành sứ mệnh mà cuộc sống đã giao cho. Vậy thì, cho dù nhỏ nhoi như một cây cỏ, một con kiến, một hạt bụi trần, đều có thể hiểu thấu chủ đề của cuộc đời.

Phải có cõi lòng bao la như thế nào mới có thể chứa hết được quần thể hồ bày bố như bàn cờ của Cửu Trại Câu. Nếu nói những hồ đặt tên bằng tên động vật là những vì sao rải rác trong sông Ngân Hà, thì những hồ đặt tên bằng tên thực vật lại chính là những bức tranh sắc màu sặc sỡ. Chúng dùng tâm tình đượm sắc tô điểm cho ký ức của tháng năm. Chúng nạm vào nước hồ những câu chuyện hoa nở hoa tàn, những gặp gỡ bèo tụ bèo tan nơi trần thế.

Dưới ánh nắng vàng ruộm, hồ Hoa Hỏa (hồ Đốm Lửa) lấp lánh sóng bạc, những ngọn sóng xô đẩy xao động thời gian, lá phong rực màu rụng lả tả trên mặt hồ, thắp sáng ngọn đèn mùa thu. Nơi đây như một mộng cảnh lung linh, lại có thể bất chợt nghe thấy tiếng thở khe khẽ của bên trong tĩnh lặng. Những thân lau sậy đung đưa trong gió, tựa như những cụ già đã trải qua biết bao sương gió, khiến cho những dòng sông nước chảy trong vắt quanh co cũng đượm biết mấy mùi vị thâm trầm của thế gian. Núi xanh biêng biếc, một vùng trúc xanh mơn mởn, soi bóng xuống hồ, tạo thành hồ trúc tĩnh lặng tự nhiên. Lúc bấy giờ, chỉ muốn chặt trúc làm sáo, dùng âm điệu du dương thổi nên một khúc tâm tình trống trải như sơn cốc, và cũng thổi nên âm điệu trong vắt trăm chuyển ngàn hồi.

Ánh mắt dừng lại trên những trại ấp giữa sơn cốc, dừng lại trong những nhà xay bột bên dòng nước, những kinh đồng[14] chuyển động, những lá phướn phất phơ, khiến bạn quên mất những ngày tháng tiên cảnh nhân gian. Nuôi dưỡng tuổi xuân trong nước, đợi đến khi rời đi, lại vớt lên, tuổi xuân ấy vẫn biếc xanh như khi ta mới đến.

[14] Còn gọi là chuyển kinh đồng, chuyển kinh luân, là pháp khí của tín đồ Phật giáo.

Lựa chọn trôi chảy như nước, cũng như thời gian đã đi qua thì sẽ không quay đầu lại. Thể nghiệm và lĩnh ngộ nhân sinh trong nước, còn sinh mệnh đã được nước thanh lọc, trở nên trong sạch. Những thác nước như những chiếc rèm ngọc buông lơi của Cửu Trại Câu cuộn tung sóng trào trong dòng chảy nhân sinh, biến ảo thành những gió mây hào sảng khẳng khái của tự nhiên.

Cho dù là thác nước từ trên trời đổ xuống Nặc Nhật Lãng, hay là dải lụa trắng như châu như ngọc Trân Châu Than, đều tự chìm đắm trong cách tuôn trào của mình, dường như chúng phải chìm đắm trong cách tuôn trào của mình, và dường như chúng phải dốc hết nhiệt tình vốn có để chinh phục năm tháng thời gian. Tư thế vút bay của những thác nước ấy, tựa như lãng tử áo trắng múa kiếm, hoa kiếm lay động, có thể chém vụn hết thảy hoa lệ của thế gian; lại tựa như nhã khách gẩy đàn, dây đàn rung lên, có thể xuyên thấu ngàn vạn mê lầm của thế sự.

Bạn hãy mượn hồ nước Kính Hải để trấn tĩnh lại mọi tâm tình xáo động. Hồ nước này hội tụ tất cả vẻ đẹp vô cùng vô tận của Cửu Trại Câu. Nó dung nạp tất cả núi tuyết, rừng xanh, trời biếc, mây trắng, chim bay, cá lượn vào trong, và lưu giữ hết thảy tốt tươi khô héo của tự nhiên, chìm nổi vinh nhục của nhân thế nơi này. Há chẳng phải nuóc hồ này mềm dịu và trong vắt, cũng có thể chảy xuyên lòng ngực của chúng ta, soi chiếu tâm linh của ta, và đủ cho chúng ta uống thỏa thuê hết cả một đời này hay sao?

Rất nhiều phong cảnh đẹp lại luôn ở bờ bên kia. Khi ấy, bạn đứng giữa khung cảnh này, nắm bắt được sự chân thực linh diệu mà huyền bí. Nước hồ của Cửu Trại Câu trong vắt như thế, không phải mưa cũng chẳng phải sương; nước hồ của Cửu Trại Câu cũng mông lung như thế, lúc xa xôi lúc lại thật gần. Khi vạn vật tụ hội, chúng ta vẫn chọn lựa tiếp tục bước đi như trước. Non nước khi đó đã trải qua một cuộc kiếm tìm trong cuộc đời, hàm chứa ý nghĩa sâu xa của việc xuân cấy thu gặt[15].

[15] Xuân cấy thu gặt: Thành ngữ, nghĩa chỉ việc làm bây giờ sẽ cho báo đáp, kết quả sau này.

Đường đến cũng là nẻo về. Trong hồ, một khóm rong rêu đung đưa dưới nước, nó đang kể chuyện trong ánh nắng ấm áp, và nó không dễ dàng nói lời ly biệt với bất cứ khách qua đường nào.


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...