Mùi Hương
Chương 48
Hôm sau, những tang vật được trưng bầy công khai tại quảng trường trước toà thị chính, thật là rùng rợn khi nhìn thấy hai mươi lăm bộ áo quần với hai mươi lăm mái tóc móc thành hàng trên cột trước mặt nhà thờ như những bù nhìn đuổi chim, chỉ lúc ấy dư luận dân chúng mới thay đổi.
Từng đoàn hàng trăm người đi ngang cuộc trưng bày khủng khiếp. Thân nhân của những cô gái nhận ra áo quần của họ, khóc chết ngất. Những người khác muốn được nhìn thấy hung thủ, phần do hiếu kỳ, phần để được thuyết phục hoàn toàn. Người ta lớn tiếng đòi thấy gã, cái quảng trường nhỏ đầy ních người náo động đầy đe doạ khiến viên chánh án quyết định cho đem Grenouille từ phòng giam lên một cửa sổ lầu trên của toà thị chính để trình diện gã trước dân chúng.
Khi Grenouille tới sát cửa sổ thì những tiếng la hét im bặt. Bỗng dưng hoàn toàn im ắng như vào một buổi trưa hè nóng nực và mọi người ở ngoài đồng hay chui vào một xó mát trong nhà. Không nghe một tiếng bước chân, một tiếng hắng giọng, một hơi thở. Đám người trố mắt, há miệng nhìn, mấy phút liền. Không ai có thể ngờ được cái gã nhỏ thó, lom khom, luống cuống nơi cái cửa sổ kia, cái đồ tầm thường kia, cái đống hèn mọn kia, cái con số không kia lại là hung thủ của hơn hai mươi vụ giết những. Gã chẳng có vẻ gì giống một tên sát nhân cả. Tuy không có ai có thể nói được con quỷ sát nhân lẽ ra phải như thế nào nhưng mọi người đều nhất trí rằng không thể như thế kia! Kẻ giết người không giống như thiên hạ tưởng, do đó lẽ ra ai cũng sẽ nghĩ rằng sự trình diên gã ít có sức thuyết phục, vậy mà, nghịch lý làm sao, nội cái chuyện con người này xuất hiện bằng xương bằng thịt trước cửa sổ và dữ kiện chỉ có gã chứ không còn ai khác được trình diện là kẻ giết người cũng đủ thuyết phục rồi. Họ đều nghĩ không đúng! Nhưng ngay lúc ấy họ biết rằng hẳn phải đúng.
Nói cho đúng thì chỉ sau khi lính gác lôi cái con người nhỏ thó kia khỏi cửa sổ, nghĩa là chỉ sau khi gã không còn đó, không còn trông thấy nữa mà chỉ còn như ký ức trong một tích tắc, hay có thể nói chỉ còn như một khái niệm – cái khái niệm về một tên sát nhân ghê tởm trong đầu óc thiên hạ, chỉ lúc ấy sự sửng sốt mới biến đi, nhường chỗ cho một phản ứng thích đáng: miệng họ ngậm lại, cả nghìn con mắt hồi sinh. Rồi một tiếng kêu đồng loạt, phẫn nộ đòi báo thù duy nhất vang như sấm “Giao gã ngay!” Họ rục rịch chực xông vào toà thị chính, muốn được tự tay bóp cổ gã, xé xác gã, băm vằm gã. Lính gác phải hết sức mới chặn được cổng, đẩy lui đám đông. Grenouille được đưa ngay xuống phòng giam. Viên chánh án tiến lại cửa sổ, hứa sẽ xử nhanh chóng và nghiêm khắc để làm gương.Nhưng cũng phải mất mấy giờ sau đám đông mới giải tán, mấy ngày sau thành phố mới tạm yên.
Quả nhiên vụ xử Grenouille tiến hành hết sức nhậm lẹ, không những vì tang vật rành rành mà còn vì bị can thú nhận không né tránh tội trạng những vụ giết người quy cho gã trong những lần hỏi cung.
Chỉ khi hỏi về lý do thì gã không trả lời được thoả đáng.
Gã cứ lập đi lập lại rằng gã cần những cô gái ấy nên phải đập chết họ. Khi hỏi gã cần họ để làm gì và thế nào là cần thì gã im lặng. Cho nên người ta cho tra tấn gã, treo gã ngược đầu luôn mấy tiếng, đổ vào miệng bảy pinte nước, kẹp chân mà chẳng ăn thua gì. Gã như thể vô cảm giác trước những nhục hình, chẳng kêu lấy một tiếng và mỗi khi bị hỏi đều không trả lời gì khác hơn “Tôi cần họ”. Quan toà cho rằng gã bị tâm thần. Họ ngừng tra tấn và quyết định xử cho xong, không thẩm vấn nữa.
Điều duy nhất gây nên trì hoãn là sự tranh chấp về mặt pháp lý với biện lý của Draguignan có thẩm quyền cho cả La Napoule và với toà án tôi cao vùng Aix, hai nơi này đều muốn giành xử vụ án. Nhưng quan toà thành Grasse đâu có chịu. Chính họ đã bắt hung thủ, đa số vụ án mạng xảy ra trong phạm vi thẩm quyền của họ, nếu giao tên sát nhâncho một toà án khác thì họ sẽ phải chịu hứng cơn thịnh nộ của dân chúng. Máu của hắn phải chảy ở Grasse này.
Ngày 15 tháng Tư năm 1766 bản án được phán quyết và tuyên đọc cho bị cáo nghe trong phòng giam như sau: “Trong vòng bốn mươi tám tiếng, tay thợ làm nước hoa Jean-Baptiste Grenouille sẽ bị điệu ra quảng trường trước cổng thành, tại đây bị trói vào một thập tự bằng gỗ, ngửa mặt lên trời, sẽ bị đánh ngay khi còn sống mười hai lần bằng gậy sắt cho nát những khớp xương tay, chân, hông, vai, sau đó phơi trên thập tự cho đến chết”. Viên đao phủ bị nghiêm cấm không được ban ân huệ cuối cùng như bình thường là dùng dây thắt cổ phạm nhân sau khi các xương vừa nói đã bị đánh nát, dù cho gã phải chịu đau khổ nhiều ngày trước khi chết. Xác sẽ đem vùi nơi chôn xác thú vật vào ban đêm và không được ghi dấu.
Grenouille bình thản tiếp nhận bản án. Viên thừa phát lại hỏi gã điều mong muốn cuối cùng, “Không cần gì cả”, Grenouille đáp, gã có đủ những thứ cần thiết rồi.
Một linh mục bước vào phòng giam dể cho gã xưng tội nhưng trở ra mười lăm phút uổng công. Kẻ bị kết án ngó ông lom lom, ngớ ra không hiểu khi nói đến Chúa, như thể gã mới vừa nghe đến lần đầu, rồi duỗi dài người trên bục, chìm ngay vào giấc ngủ say. Nói nữa cũng vô ích.
Trong hai ngày tiếp đó người ta lũ lượt đến để được thấy thật gần tên sát nhân nổi tiếng. Người gác ngục cho họ ghé mắt qua cái khe trên cửa phòng giam với giá sáu xu một lần nhìn. Một thợ chạm đồng muốn chạm phác chân dung gã phải trả hai quan. Nhưng mà đối tượng làm họ thất vọng. Kẻ tử tù nằm ngủ miết trên bục, chân tay bị xích. Gã quay mặt vào tường, không phản ứng dù gõ cửa hay kêu. Người vào xem bị nghiêm cấm không được vào phòng giam, nên người gác ngục không dám làm càn dù nhiều đề nghị rất hấp dẫn. Người ta sợ rằng gã có thể bị thân nhân của một trong những nạn nhân giết chưa phải lúc. Cũng vì thế mà không được dúi đồ ăn cho gã. Dám có thuốc độc lắm chứ. Suốt thời gian bị giam, Grenouille được cho ăn thức ăn của đám người làm trong toà giám mục, sau khi viên quản ngục đã nếm trước. Tuy nhiên hai ngày gần đây gã không ăn gì cả. Gã chỉ nằm ngủ. Thỉnh thoảng nghe tiếng xích nghiến, khi người gác ngục chạy vội tới nhìn qua khe thì thấy gã uống một hớp nước từ chai rồi lại ngủ tiếp. Có vẻ như gã chán đời quá rồi, không muốn sống tỉnh táo những giờ cuối cùng nữa.
Trong khi đó quảng trường trước cổng thành được chuẩn bị cho vụ hành quyết. Thợ mộc dựng một giàn hành quyết, vuông vức mỗi chiều ba mét, cao hai mét, có bao lơn và cầu thang vững chắc, người ta chưa từng thấy một giàn hành quyết nào đô sộ như thế ở Grasse. Rồi khán đài gỗ cho quan khách và một vòng rào cản để giữ đám dân đen ở một khoảng cách nhất định. Cửa sổ các nhà hai bên Porte du Cours và trong trại lính canh đã cho thuê với giá cắt cổ từ lâu. Ngay cả ở cái nhà thương nằm hơi chếch, tay phụ tá viên đao phủ cũng đã thuê lại phòng của bệnh nhân rồi cho những kẻ hiếu kỳ thuê tiếp, kiếm lời không ít. Người bán nước chanh pha sẵng hàng thùng nước cam thảo để dự trữ, người thợ chạm đồng cho in hàng trăm bản phác hoạ tên sát nhân mà ông ta đã phác trong nhà giam và gấp gáp thêm thắt qua tưởng tượng. Hàng tá những bán hàng rong đổ vào thành phố, thợ bánh mì nướng bánh lưu niệm.
Mấy năm nay không có phạm nhân nào phải đánh gẫy xương nên viên đao phủ Monsieur Papon, cho rèn một cây sắt nặng, vuông vức rồi vác vào lò mổ quật tới tấp trên xác thú vật. Ông chỉ được phép quật đúng mười hai lần vào mười hai khớp xương, phải nát mà không làm hại đến những bộ phận quý báu của cơ thể, chẳng hạn ngực hay đầu, đúng là một phận sự khó khăn, đòi hỏi một sự cực kỳ thông thạo.
Dân chúng chuẩn bị cho sự kiện này chẳng khác đón một ngày hội lớn. Nghỉ, không làm việc là chuyện đương nhiên rồi. Đàn bà ủi lễ phục cho thẳng thớm, đàn ông rũ áo khoác cho sạch bụi và cho đánh giầy ống thật bóng loáng. Ai có chức tước trong quân đội hay cơ quan công quyền, là trưởng phường hội, luật sư, công chứng viên, huynh trưởng giáo đoàn hay là gì quan trọng khác, thì đóng bộ đồng phục hay y phục chính thức với đủ mề đay, băng vải, dây chuyền và mang tóc giả rắc phấn trắng. Những người mộ đạo định sau khi xong xuôi sẽ họp lai cùng rước lễ, những kẻ khẩn cầu satan định sẽ làm lễ linh đình tạ ơn Ma vương, còn những nhà quý tộc có học thức sẽ đi họp về từ tính tại dinh cơ của các gia đình ở Cabris, Villeneuves và Fontmichels. Trong các nhà bếp, người ta nướng bánh, chiên thịt, lấy rượu vang từ dưới hầm, mua sẵn hoa ở chợ. Trong nhà thờ ban đồng ca đang tập dượt với người đánh đại phong cầm.
Tĩnh mịch phủ lên dinh cơ của ông Richis ở Rue Droite. Ông đã cấm chuẩn bị cho cái Ngày giải thoát – dân chúng gọi cái ngày hành quyết tên sát nhân như thế. Ông kinh tởm tất cả. Sự lo âu bùng lại bất chợt của thiên hạ làm ông gớm ghiếc, sự vui mừng náo nhiệt của họ làm ông kinh tởm. Ngay chính họ, cả lũ, làm ông kinh tởm. ông không dự buổi trình diện hung thủ và những nạn nhân của gã ở quảng trường trước nhà thờ, không dự phiên toà, cũng không ở trong cái dòng người hiếu kỳ đáng ghét lũ lượt trước phòng giam tên tội phạm. Để nhận dạng tóc vào áo quần con gái, ông đã yêu cầu phía toà án đến nhà riêng, ông điềm tĩnh khai ngắn gọn rồi yêu cầu họ để lại những thứ trên để ông lưu niệm và được họ đồng ý. Ông mang vào phòng của Laure, để cái áo ngủ bị rọc và áo lót trên giường, trải búi tóc đỏ trên mặt gối rồi nhìn cả ngày lẫn đêm, không rời khỏi phòng, như thể ông muốn chuộclại qua sự thức canh vô nghĩa này điều sơ suất ở La Napoule đêm hôm đó. Lòng ông chất đầy gớm ghiếc, gớm ghiếc thế giới, gớm ghiếc chính ông đã không thể khóc nổi.
Ông cũng gớm ghiếc cả tên sát nhân. Ông không muốn nhìn gã như người nữa mà chỉ như một nạn nhân bị tàn sát. Ông chỉ muốn nhìn gã ở buổi hành quyết, khi gã đã nằm trên thập tự giá và mười hai lần gậy sắt giáng nát xương gã, lúc ấy ông mới muốn nhìn thấy gã, nhìn thật gần, ông đã cho giữ chỗ ở một hàng đầu. Rồi sau khi dân chúng đã giải tán sau vài ba giờ, lúc ấy ông muốn bước xuống chỗ gã trên giàn hành quyết đẫm máu, ngồi xuống cạnh gã, thức canh suốt đêm, suốt ngày nếu cần thiết, ông sẽ nhìn vào mắt kẻ đã giết con gái ông, nhỏ vào mắt gã tất cả sự kinh tởm chất chứa trong người ông, hắt hết sự gớm ghiếc như a xít nóng bỏng vào gã trong cơn quằn quại hấp hối, cho đến khi con vật này chết một cách khốn khổ…
Rồi sau đó? Sau đó ông sẽ làm gì? Ông không biết. Có thể lại sống bình thường, có thể tục huyền, có thể sinh một đứa con trai, có thể không làm gì cả, có thể chết. Ông thấy sao cũng được. Suy nghĩ về câu hỏi này theo ông cũng vô nghĩa như suy nghĩ ông sẽ làm gì sau khi chết, chẳng làm gì, tất nhiên rồi. Chẳng làm gì cả, đấy là cái mà ông có thể biết lúc này.