Mùa Trăng Của Người Thợ Săn

Chương 10: Một khám phá chấn động


Chương trước Chương tiếp

Năm học mới bắt đầu, Daisy tổ chức một cuộc họp mặt đầu năm và tất cả giáo viên có mặt trong phòng làm việc của bà,

“Chúng ta sẽ làm hết sức mình để quên đi sự kiện trong năm học cũ. Các học sinh trong trường sẽ được đặt dưới một sự giám sát chặt chẽ hơn khi chúng đi ra ngoài… kể cả khi tập cưỡi ngựa. Cũng may là đương sự trong vụ này lại là Fiona Verringer và nó bỏ trốn từ nhà nó chứ không phải từ trường. Nếu đó là một trong những học sinh còn lại, hẳn sẽ có những vụ rắc rối to với cha mẹ học sinh. Tuy vậy, chúng ta phải nâng cao cảnh giác để ngăn ngừa những trường hợp tương tự. Tôi nhận được tin từ ngài Jason cho biết ông ấy hiện không rõ Fiona và chồng nó đang ở đâu, mặc dù ông ấy đã đi khắp lục địa tìm nó. Phải, chúng ta hy vọng cho một năm học yên bình hơn. Chúng ta không muốn có những chuyện bàn tán trong đám học sinh. Sự cố vừa rồi không được phép nhắc đến. Bọn con gái có khuynh hướng ngưỡng mộ những đứa làm những chuyện ngu ngốc. Một vụ bỏ trốn nữa sẽ là thảm họa đối với nhà trường, như thế… vấn đề kết thúc ở đây.

Sẽ là một ý tốt nếu để cho chúng bắt đầu với một số hoạt động giải trí cho ngày lễ giáng sinh. Có vẻ như hơi sớm nhưng nó sẽ làm cho bọn trẻ có cái mà quan tâm. Có thể là một vài cảnh trong kịch Shakespeare… một vài trích đoạn mà chúng ta có thể biễu diễn trong trường. Hoạt động này gây hưng phấn, tạo cho trẻ có chuyện để mà suy nghĩ, bận tâm.

Cô Grant, tôi để Charlotte Mackay quay về ở chung phòng Eugenie Verringer. Trước đây chúng sống với nhau và bao giờ cũng là bạn thân với nhau. Tôi nghĩ điều này có thể giúp Eugenie. Con bé chắc nhớ chị nó lắm. Nó đã nghỉ ở chỗ nhà Mackay gần Berwick. Tôi không muốn Eugenie quá rầu rĩ về chị nó. Tốt nhất là hãy để nó ở với Mackay hơn là để nó ở điền trang, nơi đấy mọi thứ đều nhắc nhở là chị nó không còn ở đấy nữa. Eugenie không có được cái tính điềm tĩnh để bắt đầu lại từ đầu và những đứa như nó có thể gặp khó khăn ở nhiều phương diện.

Có một học sinh mới, đó là Margaret Keyes. Một cô bé có vẻ rất dễ thương. Nó có thể thay thế chỗ của Charlotte ở cùng với Patricia Cartwright.”

Bà hiệu trưởng tiếp tục thảo luận các vấn đề khác của năm học mới và cuối cùng chúng tôi đi về phòng riêng, “ổn định” mọi chuyện như bà đã nói.

Đêm ấy tôi cũng làm một vòng. Tất cả học trò đã yên ổn trên giường và hình như cũng khá nghiêm túc kể cả Charlotte và Eugenie, mặc dù con bé Charlotte đưa mắt nhìn tôi một cách đắc thắng như muốn nhắc nhở tôi rằng đêm đầu tiên ở đây lại là một chiến thắng ngược của chúng.

Vài ngày trôi qua không có chuyện gì xảy ra cho đến một đêm tôi bị đánh thức bởi một bóng người đứng bên cạnh giường và một giọng nói vang lên khẩn thiết “Miss Grant! Miss Grant!”

Tôi giật mình. Đó là Charlotte.

“Charlotte, có chuyện gì vậy?” Tôi thảng thốt kêu lên.

“Eugenie, bạn ấy bị ốm.”

Tôi vội vã mặc áo choàng ra ngoài áo ngủ, mang dép và theo con bé đến phòng chúng. Eugenie nằm trên giường, trắng bệch, mồ hôi rịn ra trên trán chảy thành từng dòng. Sờ lên trán nó, tôi cảm thấy dính dính.

““Em chạy đến chỗ Miss Hetherington ngay.”

Charlotte có vẻ hoảng hốt, nhanh chóng vâng lời. Chẳng mấy chốc Daisy hớt hải chạy đến, mái tóc bạch kim đẹp đẽ của cô tết thành hai bím cột hai dải ruy băng xanh nhạt, nhưng trông cô vẫn đường bệ, uy nghi hơn bao giờ hết.

“Eugenie ốm?” Cô cúi xuống bên Eugenie.

“Cô có nghĩ chúng ta cần gọi bác sĩ không?”

Bà lắc đầu. “Chưa phải lúc này. Có thể là bị đau bụng. Chúng ta không nên để những đứa kia biết. Chúng sẽ mất tinh thần. Có một tí thuốc đau bụng trong phòng tôi. Charlotte, con vui lòng đến lấy được không. Thuốc đặt trên mặt tủ phía bên tay phải.”

Charlotte lập tức đi ngay.

“Có thể nó ăn một món gì đó không hợp với tiêu hóa của nó. Chuyện đấy cũng thường xảy ra. Tối nay bọn trẻ ăn gì?”

“Món cá. Sau đó chúng ăn bánh quy và uống sữa trước khi đi ngủ.”

“Có thể là do cá. Cứ chờ nửa tiếng nữa xem sao, nếu không đỡ chúng ta sẽ mời bác sĩ.”

Charlotte trở lại ngay, thuốc đau bụng trong tay. “Đấy, sẽ đỡ thôi.” Eugenie mở mắt ra nhìn.

“Con cảm thấy có khá hơn không?” Daisy hỏi với một giọng mạnh mẽ yêu cầu một sự khẳng định.

“Có, thưa Miss Hetherington.”

“Con mệt lắm phải không?”

“Vâng thưa Miss Hetherington… Mệt lả và buồn nôn.”

“Vậy con cứ nằm yên. Miss Grant và ta sẽ ở lại đây cho đến khi con khỏe lại và chúng ta biết con sẽ bình phục ngay thôi.”

“Cảm ơn cô giáo,” Eugenie yếu ớt đáp

“Charlotte, con lên giường ngủ đi. Có thể để ý đến bạn nhưng chúng ta sẽ ở lại đây một lúc. Chỉ là một vụ rối loạn tiêu hóa sau khi ăn một món không hợp thôi. Có thể dạ dày nó không hợp với cá.”

Bà xử lí mới gọn gàng làm sao, Daisy tuyệt vời của chúng tôi. Không có một vị tướng nào có thể tự tin trước đoàn quân của mình hơn Daisy. Người ta biết được rằng dưới sự điều hành của bà mọi việc sẽ đi theo đúng hướng.

Tuy vậy… ở đây vẫn có một vụ bỏ trốn. Nhưng mà bà không biết gì cho đến khi mọi chuyện đâu vào đấy.

Eugenie nhắm mắt lại. Nó thở nhẹ nhàng hơn và nom có vẻ đỡ hơn.

“Tôi nghĩ là nó đã ngủ.” Daisy nói, “Trông con bé bình thường hơn.” Bà sờ tay lên trán Eugenie. “Không sốt,” Bà thì thầm. Sau năm phút im lặng, bà đứng dậy và nói: “Tôi nghĩ có thể về giường ngủ được rồi. Charlotte, nếu Eugenie cần bất cứ thứ gì con cứ đánh thức Miss Grant dậy nhé. Nếu cần thiết cứ lại chỗ tôi.”

“Vâng, thưa Miss Hetherington.”

“Chúc ngủ ngon Charlotte. Chúng ta mong con để mắt đến Eugenie.”

“Vâng, thưa Miss Hetherington. Chúc ngủ ngon.”

Đứng bên ngoài phòng tôi, Daisy nói. “Sáng mai con bé sẽ khỏi thôi. Đúng như tôi nghĩ chỉ là do ăn uống. Charlotte làm mọi việc rất tốt. Cháu biết đấy, tôi nghĩ trẻ sẽ mau tiến bộ nếu chúng có việc gì đó để làm. Nếu nó cảm thấy mình có ích… Cháu nghĩ sao?”

“Cháu chắc đúng là như vậy ạ.”

“Chúng ta phải quan tâm đến cả hai đứa. Tôi không nghĩ còn có chuyện gì rắc rối nữa đâu.”

Tôi lên giường và vì quá mệt, tôi ngủ thiếp đi.

Sáng hôm sau, Eugenie đã khỏe lại – gần như lại là chính nó, nhưng tôi nghĩ nó cần nghỉ ngơi. Con bé không muốn thế. Nó thật sự xấu hổ về chuyện này.

“Em khỏe rồi, thưa cô Grant. Em không biết có chuyện gì nhưng em thấy hơi tức cười.”

“Tôi nghĩ chiều nay em nên nghỉ.”

“Không cần đâu ạ.”

“Có đấy, Eugenie. Loại đau bụng này làm em mất sức mà em không biết đấy. Nhất định em phải nghỉ chiều nay. Em có thể đọc sách hoặc Charlotte sẽ ở nhà với em.”

Nó đồng ý với vẻ mặt gần như là mếch lòng.

Vào khoảng 3 giờ, tôi đi về phòng mình và nhớ ra rằng Eugenie đang nghỉ trong phòng, tôi nghĩ cũng cần kiểm tra Eugenie có tuân lệnh tôi không.

Cửa phòng đóng nhưng tôi nghe có tiếng cười khúc khích từ bên trong. Tôi đoán Charlotte đang ở trong đó. Có phần do dự nhưng rồi tôi quyết định gõ cửa. Trong phòng chợt im bặt và tôi mở cửa bước vào.

Eugenie nằm trên chiếc giường nó, Charlotte duỗi dài tay chân trên chiếc giường còn lại. Elsa ngồi trên ghế.

“Ồ!”

“Cô bảo em nghỉ mà?” Eugenie nói.

“Chúng tôi đến đây để làm cô ấy vui,” Elsa nói, nhăn nhở cười với tôi.

“Có vẻ như chị đã làm được điều đó. Em thấy thế nào Eugenie?”

“Em khỏe rồi ạ.”

“Tốt. Em có thể ngồi dậy đi lại nếu em muốn.”

“Cảm ơn cô.”

Tôi ra ngoài và đóng cửa lại, tiếng cười trong trẻo lại rộ lên trong phòng.

Tôi suy nghĩ về Elsa. Chị ta chắc chắn không cư xử như một người giúp việc, và tôi tự hỏi, như trong những lần trước, không biết tôi có nên nhắc nhở chị ta không nên đàn đúm với học sinh như thể chị ta là một người bằng vai phải lứa với chúng chứ không phải là một người phục vụ. Nhưng Elsa bao giờ cũng khôn khéo nhắc nhở tôi bằng một cái nhìn về thời xa xưa ở Schaffenbrucken, khi cô ta cũng đối xử với tôi và các bạn cũng theo cái cách đàn đúm như với Eugenie và Charlotte bây giờ. Vị trí hiện tại của tôi thật bất tiện, khó có thể nghiêm khắc với một người quen biết mình từ lúc mình còn ngồi trên ghế nhà trường. Người ta cũng khó nhắc nhở người khác không làm cái điều mà chính mình trước đây đã từng làm. Có lẽ điều đáng ngạc nhiên nhất là Charlotte vốn được tất cả mọi người cho là hợm hĩnh, kiêu kì lại tỏ ra cá mè một lứa với một cô hầu phòng.

Tuy vậy, tôi cũng không có nhiều thời gian suy nghĩ về sự cố đó. Tôi nhận thư của Markham. Anh hỏi tôi mọi chuyện có gì mới không sau khi quay lại trường. “Chúng ta có với nhau một tuần lễ không thể nào quên. Anh cảm thấy chúng ta đã biết nhau bao năm rồi. Tại sao Lydia lại không bao giờ mời em đến chỗ bọn anh vào những kỳ nghỉ nhỉ? Nếu thế có lẽ chúng ta đã biết về nhau sớm hơn. Anh thực lòng rất muốn được gặp em. Đến trường thăm em có phải là một điều cấm kị không? Anh cho rằng nó sẽ không bị coi là một việc làm chướng mắt. Có cái gì như một kì nghỉ giữa khóa không? Em có về nhà không? Có lẽ như thế phải đi một chặng đường dài trong một thời gian ngắn ngủi. Có lẽ chặng đường sẽ gần hơn nếu đến London. Anh rất muốn giới thiệu em với Charles. Có lẽ em và Teresa có thể đến thăm bọn anh. Em cứ suy nghĩ về điều này đi nhé.”

Tôi suy nghĩ về đề nghị của anh và cảm thấy nó rất hấp dẫn. Tôi không cho Teresa biết, không muốn Teresa nuôi hy vọng vào chuyện này trong khi bản thân tôi cũng chưa chắc là mình sẽ đi.

Tôi vẫn còn ngấm ngầm day dứt mãi về chuyện xảy ra với Jason Verringer trong Hang ổ của Quỷ ở điền trang Colby. Nó còn ám ảnh tôi nhiều hơn dạo trước nữa. Tôi không thể không suy nghĩ về anh và đầu óc tôi cứ quanh quẩn nghĩ đến chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi không có hành động tuyệt vọng dùng tay đấm vỡ cửa kính. Dù trong trường hợp nào thì đấy cũng là một hành động bộc phát trong khi bị đẩy đến bước đường cùng. Tôi không có khả năng thoát khỏi anh nếu anh cố tình bắt tôi. Và nếu tôi cố gắng thoát ra đằng cửa sổ liệu tôi có can đảm nhảy xuống đất không? Có phải là tôi thà chết còn hơn khuất phục anh? Thật là ngu ngốc. Tuy vậy, hành động này đã khiến anh cảm động. Anh thật sự bị sốc khi nhìn thấy máu trên tay tôi.

“Không nghĩ đến anh ta nữa,” tôi ra lệnh cho mình. Quên anh ta đi. Đó là một sự cố không vui mà tôi đã vượt qua bình an vô sự. Kể cả vết sẹo trên tay tôi cũng đã lành hẳn. Nhưng khi về lại Colby, giữa những tàn tích của quá khứ xa xưa cùng với những truyền thuyết ghê rợn, những ám ảnh đáng sợ lại quay về và tôi bị nhấn chìm trong linh cảm hãi hùng về một tai họa sắp xảy ra.

Một khi đã ở đây những chuyện kì quặc lại xảy ra. Jason dường như chưa bao giờ đi xa. Chuyện gì đã xảy ra với vợ anh? Marcia Martindale ở đâu? Bây giờ lại còn có câu hỏi anh đang ở nơi nào. Anh là người của những bí mật đen tối. Người ta gần như có thể tin rằng quỷ sứ là một trong những ông tổ xa xưa của anh.

Ở Epping, mọi việc khác xa với ở đây – ánh mặt trời rực rỡ, mùi cỏ mới cắt, sự giản đơn của tất thảy mọi chuyện, cách sống cũng như con người. Cái gì cũng tinh khiết, trong lành và minh bạch. Thanh bình… chính nó là điều Epping tạo cho tôi và sự thanh bình lúc này mới có sức quyến rũ làm sao. Tôi chỉ muốn được tắm mình trong không khí thanh bình nơi ấy nhưng… Gần như ngược lại với ý muốn của mình, tôi lại bị hút ngược về những cái tháp tăm tối ở điền trang Colby và đống đổ nát ở tu viện.

Cuối cùng, điều khiến tôi đi đến chỗ nhận lời mời của John lại là do một lá thư khác. Thư của Monique Delorme gửi đến chỗ cô Patty và cô lại gửi đến trường cho tôi. Một lá thư viết bằng tiếng Pháp.

“Cordelia yêu thương.

Mình không còn là Mademoiselle Delorme nữa mà là Madame de la Creseuse. Phải, mình đã làm đám cưới với Henri. Cuộc sống thật tuyệt vời. Bọn mình sẽ đến London. Một người bạn của Henri có một ngôi nhà ở đây và cho phép bọn mình sử dụng trong vòng 2 tuần. Thế là vợ chồng mình sẽ đến thủ đô nước bạn vào tuần thứ ba tháng tới. Thật là tuyệt vời nếu lại được gặp bạn. Viết thư cho mình nhé. Mình sẽ cho bạn biết địa chỉ.

Rất nóng lòng muốn nhận tin bạn. Đến với bọn mình nhé.

Bao giờ cũng là người bạn trung thành và thương yêu của cậu.” Monique.

Tôi báo với Daisy là tôi nhận được lời mời của một người bạn mà chúng tôi đã đến ở trong mùa hè vừa qua.

“Nhà của họ ở London nhưng chúng cháu đã đến ở nhà nghỉ của họ một tuần ở Epping. Cháu muốn đi vào kì nghỉ giữa khóa. Tất cả chỉ có năm ngày kể cả chủ nhật. Cháu nghĩ có thể tranh thủ được.”

Daisy tỏ vẻ nghĩ ngợi. “Một số học sinh sẽ về nhà. Tất nhiên là không có giờ học gì cả. Tôi không nghĩ là có cô giáo nào khác cũng muốn đi nghỉ. Thôi được, tôi nghĩ cháu có thể đi được.”

“Teresa cũng được mời ạ.”

“Ồ thế thì thật tốt cho nó.”

“Vậy thì cháu có thể lên kế hoạch được rồi chứ ạ?”

“Được, tôi nghĩ thế. Cháu cứ chuẩn bị đi.”

John viết thư cho biết anh rất sung sướng. Teresa thì còn phải nói, nó gần như phát cuồng lên. Tôi cũng viết thư cho Monique theo địa chỉ đính kèm, nói rằng tôi sẽ đến thăm vợ chồng bạn ấy lúc hai người ở London.

John đã có mặt tại nhà ga Paddington và mấy phút sau, chúng tôi đã ngồi lên xe của anh trở về nhà anh ở Kensington. Đó là một ngôi nhà cao tầng vuông vức có hai con sư tử đá nom thật dữ tợn canh ngoài cửa, một bậc tam cấp bằng đá cẩm thạch trắng dẫn đến một cánh cửa bằng gỗ sồi nặng nề sáng bóng và những mảnh đồng thiếp vào cửa sáng lên như vàng ròng. Khi anh mở cửa bằng chìa khóa của mình thì một chàng thanh niên cao lớn từ trên lầu đi xuống.

“Đấy là Charles,” John giới thiệu. “Cậu ấy nóng lòng muốn gặp em. Cậu ấy đã nghe tất cả những chuyện chung quanh việc mọi người đến trang trại.”

Cũng một khuôn mặt cởi mở và cái nhìn thân thiện. Tôi thích Charles ngay lập tức. Một người hầu gái hiện ra.

“Ồ, phải Sarah. Khách muốn lên phòng nghỉ ngay, Teresa, em ở cạnh phòng Cordelia.”

Chúng tôi đi lên một chiếc cầu thang gỗ chạm trổ tinh vi có màu đỏ ấm áp. Người hầu gái mở cửa và tôi đi vào một phòng ngủ sáng sủa, không giống những căn phòng ở điền trang rèm che trướng rủ nặng nề. Căn phòng này chỉ có rèm đăng ten với những cái nơ bằng xa tanh màu tím hoa cà nhẹ nhàng. Đồ đạc trong phòng thanh lịch duyên dáng gợi nhớ đến nước Pháp thế kỉ 18. Mọi thứ đều duyên dáng. Tôi đi ra cửa sổ nhìn xuống khu vườn nhỏ có lối đi rải sỏi, trong đó có đặt những chậu cây cảnh chắc là sẽ nở bung bao sắc màu vào mùa xuân và mùa hè. Các loài hoa cúc vẫn nở vàng rực tương phản với bức tường gạch xám.

Teresa bước vào. Khuôn mặt nó sáng bừng lên. Nó cũng có một căn phòng nhỏ rất dễ thương có cửa thông sang phòng tôi. Tôi bước sang nhìn quanh. Rõ ràng căn phòng này đã từng là phòng thay đồ.

“Tuyệt chưa,” nó phấn khởi kêu lên.

Con bé thật sung sướng. Nó không chỉ thoát khỏi trường một thời gian mà còn bởi vì chúng tôi ở đây với John. Nó là một cô gái có những tình cảm sâu sắc, nghiêm túc khi có một đối tượng để tôn thờ. Nó đã kinh yêu tôi trong lúc tuyệt vọng và từ mối liên hệ của chúng tôi nó quay sang những người mà nó yêu thương nhất. Tôi, cô Patty, Violet và bây giờ có thêm John. Nó ngụp lặn trong biển yêu thương một kẻ từ chỗ không có ai để quan tâm nay lại có quá nhiều.

Tôi sợ rằng nó có hơi thái quá. Tôi không bao giờ quên cái cảnh nó ném chiếc bông tai của Marcia xuống ao. Nó còn quá trẻ và không kiểm soát được mọi cảm xúc của mình lại không có kinh nghiệm. Nó xếp mọi người vào hai loại, hoặc quá tốt hoặc quá xấu. Chỉ có hoặc là thiên thần hoặc là ác quỷ… không có gì trung dung ở giữa. Nó sẽ còn phải học hỏi thêm nhưng trong những ngày sắp tới khi được sống với những người nó yêu thương, ngưỡng mộ và sẽ hạnh phúc lắm lắm.

Bữa tối hôm ấy thật vui vẻ. Phòng ăn rất duyên dáng với những ô cửa sổ dài trông ra đường. Trong lúc ngồi ăn chúng tôi nghe tiếng vó ngựa gõ lộp cộp trên lề đường của những cỗ xe luớt qua và thỉnh thoảng có tiếng rao bán báo đêm khuya của một chú bé nhà nghèo.

Chúng tôi nói chuyện về tuần nghỉ hè ở trang trại, về trường học, về London và những gì chúng tôi sẽ dự định làm trong những ngày nghỉ sắp tới.

“Có biết bao điều anh muốn cho các em xem.” John hào hứng nói. “Bây giờ thì phải xem nên làm cái gì trước.”

“Em có hẹn với một người bạn cũ. Cô ấy mời em đến chơi. Em sẽ đến chỗ cô ấy vào ngày kia.”

“Được, nếu vậy ta hãy sắp đặt cho ngày mai. Teresa, em có ý gì không? Sở thú thế nào?”

“Em thích các loài vật lắm.” Teresa reo lên

“Vậy thì được. Ngày mai buổi sáng đi Sở thú. Em có thích cưỡi ngựa đến trường đua không. Teresa?”

Con bé có vẻ kém nhiệt tình đi một chút. Nó vẫn còn chưa hoàn toàn hồi phục sau cú ngã mặc dù tôi đã thuyết phục được nó lại trèo lên lưng ngựa. “Dạ có”, nó đáp một cách ngần ngừ.

Thế là mọi chuyện đã được dàn xếp. Chúng tôi có một buổi sáng thật tuyệt vời. Không chỉ có mình Teresa yêu loài vật. Chúng tôi thích thú xem người ta cho hải cẩu ăn; chúng tôi mê mẩn ngắm sư tử và hổ báo; tất cả cười vang khi xem khỉ làm trò. Chúng tôi uống nước chanh ở các lối đi và tôi cứ bềnh bồng với ý nghĩ tôi mới hạnh phúc làm sao. Tôi không muốn cuộc dạo chơi kết thúc chút nào.

Bữa tối thì cực vui khi tất cả mọi người – bây giờ tất cả chúng tôi đã quen nhau – cùng tranh nhau nói một lúc. Chúng tôi ngồi ở phòng khách tao nhã lịch sự, giống với phòng ăn chỉ khác một điều nó nằm mặt sau ngôi nhà với những cửa sổ kiểu Pháp trông ra vườn hoa nhỏ.

Chúng tôi trò chuyện cho đến khi mắt díp lại vì buồn ngủ và tất cả miễn cưỡng đi về phòng mình bởi vì như thế lại chấm dứt một ngày vui vẻ khác.

Sáng hôm sau, John phải đến ngân hàng làm việc và trên đường đi làm, anh đưa tôi đến địa chỉ mà Monique đã cho tôi.

Đó là một ngôi nhà trang nhã lịch sự nằm trên đường Albemarle dẫn đến Piccadilly. Chúng tôi đi qua công viên Hyde một nơi tôi nghĩ thật duyên dáng, rồi quay về khu Piccadilly nơi những người thanh lịch nhàn nhã tản bộ, ngựa xe dập dìu qua lại trên những đại lộ chính, tạo thành một cảnh tượng thật đẹp.

John đưa tôi vào nhà. Một cô hầu gái trẻ trung cũng duyên dáng như ngôi nhà thưa rằng Madame đang chờ tôi. Cô gái dẫn tôi vào một phòng khách và Monique đang ngồi đấy, xinh đẹp hơn bao giờ hết trong bộ đồ buổi sáng cầu kì màu lục bảo.

Tôi giới thiệu John, Monique đon đả mời anh ngồi lại uống trà hoặc cà phê với chúng tôi, nhưng anh nói có việc phải làm và sẽ quay lại đón tôi trong hai tiếng nữa.

“Sao vội thế?” Monique hỏi bằng thứ tiếng Anh duyên dáng của cô.

“Mình phải đi vào lúc ấy, bọn mình đã thu xếp đi thuyền dạo chơi trên sông vào chiều nay.” John từ giã để hai chúng tôi lại với nhau.

“Thật là một chàng trai anh tuấn.” Monique nói.

“Henri cũng phải ra ngoài vì công việc. Anh ấy hi vọng được gặp cậu lúc quay trở lại. Mình đã kể cho anh ấy nghe nhiều về cậu.”

“Hôn nhân rất thích hợp với cậu, Monique ạ!”

“Ồ… Henri… anh ấy tuyệt vời lắm.”

“Thế hóa ra mọi chuyện đều tốt đẹp… Cậu chả thường nói đó là cuộc hôn nhân xếp đặt sao. Cậu còn nhớ không?”

“Ồ phải. Nó đã được quyết định từ khi chúng mình còn nằm trong nôi cơ. Giấy tờ… các luật sư… thỏa thuận… tranh cãi.”

“Và tất cả đều hanh thông suôn sẻ.”

“Còn anh chàng Markham này… của cậy đấy à?”

“Không. Anh ấy chỉ là bạn. Mình phải cho cậu biết anh ấy là anh của Lydia.”

“Ồ phải rồi… Lydia Markham. Bạn ấy đâu rồi?”

“Thế ra cậu không biết… Lydia đã qua đời.”

“Không mà.”

“Trong một tai nạn lúc trượt tuyết.”

“Lydia… trượt tuyết. Mình ngạc nhiên quá. Thật bàng hoàng cả người. Vậy là mình không hề biết.”

“Phải, chính mình cũng không biết nếu mình không viết thư cho Lydia. Anh ấy đọc thư mình rồi tìm đến chỗ mình. Lúc ấy mình đang ở với bà cô.”

“Cô bạn, phải. Bạn thường nói về người cô quý hóa mà. Cô ấy sao rồi? Cô tên gì nhỉ?”

“Cô Patty.”

“Đúng, cô Patty quý hóa.”

Người hầu gái mang cà phê vào. Khi cô ta quay ra, Monique rót cà phê cho tôi.

“Mình không thể không nghĩ về Lydia… Chết bi thảm như thế. Thật khó mà tin được.”

“Phải, thật là một cú sốc kinh khủng. Mình hết sức ngạc nhiên khi anh Markham cho biết bạn ấy đã lấy chồng.”

“Điều nay thì mình có biết, Lydia viết thư báo cáo cho mình. Cô ấy muốn điên lên vì hạnh phúc.”

“Vậy mà Lydia lại không viết thư cho mình.”

Monique im lặng, tôi nhìn vào tận mặt cô bạn. Đôi môi xinh đẹp hơi mím lại. Tôi nhớ đó là một thói quen cũ. Có nghĩa là cô biết một điều gì đó mà không muốn nói ra.

“Mình tự hỏi tại sao Lydia không viết cho mình. Khi Lydia viết thư cho cậu, mình cũng viết thư cho Lydia. Nhưng mình chỉ nhận được hồi âm của cậu và Frieda mà chẳng có một lời nào từ Lydia.”

“Bạn ấy không viết cho cậu bởi vì…”

“Bởi vì cái gì?”

“Ồ, mình cho rằng bây giờ điều này không còn ý nghĩa nữa. Lydia nghĩ cậu có thể phiền lòng.”

“Phiền lòng? Tại sao mình lại phải thế.”

“Về người mà bạn ấy lấy làm chồng, bạn thấy đấy.”

“Tại sao mình lại phải tức tối chứ?”

“À, bởi vì chúng mình đã nghĩ rằng cậu mới là người…”

Mặt tôi thộn ra ngơ ngác.

“Mình không chắc điều này bây giờ còn có ý nghĩa gì không. Có thể chính cậu lại là người bị tai nạn lúc trượt tuyết. Nhưng mình không cho là cậu lại bị một kết cục như thế. Cậu vốn trượt tuyết rất giỏi mà.”

“Mình chẳng hiểu cậu nói gì hết, Monique ạ.”

“Hãy nhớ lại chuyện cũ. Cậu còn nhớ Elsa không?”

“Có và thật buồn cười là bây giờ chị ta lại làm hầu phòng ở chính cái trường mà mình đang dạy.”

“Elsa… ở trường cậu? Thật lạ lùng. Đó là cái mà nguời ta gọi là sự ngẫu nhiên, chính thế!”

“Chị ta nói đã chán ngấy Schaffenbrucken và chạy sang Anh. Đã từng có một công việc khác nhưng không thích rồi lại dạt đến chỗ mình.’

“Thật kì cục. Nhưng đời là thế.”

“Cậu đang nói cho mình nghe về Lydia cơ mà.”

“Mình đang định hỏi cậu còn nhớ chuyện Elsa bảo chúng mình rằng nếu bọn mình đi vào rừng vào mùa trăng của người thợ săn thì chúng ta sẽ gặp người chồng tương lai không?”

“Có, tất cả bọn mình mới ngốc làm sao. Chúng mình tin vào câu chuyện hoang đường đó.”

“Vậy mà có một sự thật trong đó. Cậu có nhớ chàng thanh niên mà bọn mình gọi là người lạ mặt không?”

“Có, có. Mình rất nhớ.”

“Bọn mình đã nghĩ là anh ta thích cậu. Có vẻ rõ như thế lắm. Đó là lý do Lydia không muốn cậu biết bạn ấy làm đám cưới. Bạn ấy nghĩ cậu sẽ không vui khi biết rằng anh chàng kia không thích cậu mà thích Lydia.”

Căn phòng chao đảo chung quanh tôi. Không thể nào tin vào tai tôi được nữa.

Một lúc sau tôi trấn tĩnh lại, rồi mở miệng nói: “Tên anh ta là Edward Compton.”

“Không, không phải thế. Tên là… để mình nhớ coi. Mark Chessingham hay Chessington gì đó.”

“Không thể thế được.”

“Đúng thế mà. Bạn ấy không thể hạnh phúc hơn được. Khẳng định với mình rằng câu chuyện về cánh rừng và người chồng tương lai là đúng. Elsa đã nói đúng. Lydia không báo cho cậu biết vì sợ cậu có thể tự ái. Mà này, cậu làm sao thế?”

“Không có gì. Mọi chuyện có vẻ kỳ cục quá…”

“Cậu có sao không Cordelia? Cậu có nghĩ rằng anh ta…”

“Mình đã gần quên anh ta rồi. Mình tự nhủ anh ta không tồn tại.”

“Có, anh ta vẫn đang hiện hữu. Anh ta trở thành chồng của Lydia. Ôi, Lydia đáng thương! Anh ta rất đẹp trai phải không? Mình chỉ gặp anh ta có một lần nhưng nom anh ta thật… quyến rũ. Cậu uống thêm một ít cà phê nữa nhé?

Monique tiếp tục nói nhưng tôi không còn nghe câu chuyện của cô nữa. Tôi chỉ có một ý nghĩ: Thế là anh ta bỏ đi và cưới Lydia. Nhưng sao anh ta lại mạo nhận cái tên của một người đã chết cách đây hơn 20 năm?

Tôi không nghĩ Monique cảm thấy cuộc viếng thăm của tôi thú vị như cô tưởng lúc ban đầu. John đến đón tôi như đã hẹn và tôi cảm thấy được giải thoát khi từ biệt Monique và chồng cô vừa quay về nhà đúng lúc chúng tôi đứng lên ra về.

Trong khi ngồi xe đi về Kingston, tôi nói, “Em vừa khám phá ra một bí mật đáng lo ngại.”

Đoạn tôi kể cho John nghe về người đàn ông trong rừng, sau đó tôi gặp anh ta trên boong tàu và ở Grantley như thế nào. Anh ta biến mất một cách bất thình lình ra sao, rồi sau đó là câu chuyện tôi tìm đến ngôi làng ở Suffolk nơi anh ta nói nhà mình ở đấy. Đến nơi tôi mới biết tòa nhà anh ta nói là của mình đã bốc cháy và cái tên anh ta nói với tôi thì nằm trên mộ chí của người chết cách đây hơn 20 năm. Người ấy, theo Monique lại là chồng của Lydia.

John nghe tôi một cách chăm chú. Anh nói đây là một câu chuyện li kì và anh không hiểu ý nghĩa có nó như thế nào.

“Anh sẽ bảo cho em biết việc chúng ta nên làm. Chúng ta sẽ đi Suffolk nơi em tìm thấy ngôi mộ để coi chúng ta có tìm ra được điều gì không.”

Thế là vào lúc 8 giờ 30 sáng hôm sau, John và tôi đón một chuyến tàu đi Bury St Edmunds. Charles đưa Teresa đi chơi trên sông từ Westminster Stairs đến Hampton Court, thế là họ có thể làm theo đúng kế hoạch.

Thật là một niềm an ủi lớn khi có thể kể cho John nghe về chuyện rắc rối này bởi vì tôi cảm thấy rằng nó không chỉ liên quan đến tôi mà còn cả em gái anh.

Anh bảo tôi mô tả diện mạo người đàn ông. Điều này không dễ dàng vì sự mô tả như vậy có thể phù hợp với nhiều người. Anh ta là người bình thường ở mọi phương diện. Mái tóc đen dợn sóng, mắt xanh biếc, những đường nét đẹp như tạc… nhiều thứ nữa, thật khó giải thích điểm đặc biệt là ở chỗ nào.

Tôi tự nói với lòng rằng chắc là Lydia đã nhầm. Chắc cô ấy tưởng tượng người yêu của mình là người lạ mặt lãng mạn mà cô đã gặp trong rừng vào mùa trăng của người thợ săn.

“Anh không tin là cô ấy lại có thể mơ mộng thế. Lydia là một người thiết thực, không phải là một kẻ mơ mộng hão huyền.”

“Đúng thế. Chúng ta bắt đầu tìm kiếm cái gì bây giờ?”

“Tên hắn là Edward Compton hay Mark Chessingham?”

“Tại sao hắn lại đưa ra hai cái tên?”

“Anh không biết. Đó là điều chúng ta phải tìm ra. Hắn nói nhà ở Croston vùng Suffolk và mạo nhận là Edward Compton. Em đến đây và thấy tên trên bia mộ. Chắc phải có một mối liên hệ nào đó.”

“Tuy vậy, hắn vẫn là Mark Chessingham.”

“Thật lạ lùng. Vấn đề là chúng ta sẽ tiến hành điều tra như thế nào.”

“Ở đấy có một vài ngôi nhà. Có lẽ chúng ta nên hỏi họ.”

“Để coi xem thế nào.”

Chúng tôi xuống tàu, theo đường cái tới Croston. Kí ức xưa cũ lại ùa về. Chúng tôi đi ra nghĩa trang trước, tôi chỉ cho John ngôi mộ có khắc tên Edward Compton.

“Làm gì tiếp theo bây giờ?”

“Anh nhìn thấy một ngôi nhà khá lớn. Nếu chúng ta cho họ biết đang tìm một người, họ có thể sẽ giúp chúng ta.”

Hai chúng tôi đi vào ngôi nhà rõ ràng là quan trọng nhất làng. Một người đầy tớ ra chào và John hỏi liệu anh có thể gặp ông chủ hoặc bà chủ không. Có thể nói nhờ tác phong doanh nghiệp của anh và một tư cách đáng trọng mà chúng tôi được phép diện kiến chủ nhà. Bà Carstairs là một phụ nữ đứng tuổi toát ra từ một vẻ no đủ, rõ ràng cảm thấy có đôi chút hiếu kì với những người khác lạ. Bà lịch thiệp mời chúng tôi ngồi xuống và lắng nghe câu chuyện của chúng tôi. Rõ ràng bà chịu ấn tượng sâu sắc về tác phong người thủ đô của John. Anh đưa cho bà một tấm cạc trong đó có in tên nhà băng của anh.

“Chúng tôi đang điều tra về một người đàn ông mà chúng tôi nghĩ có thể đã từng sống ở đây. Đáng tiếc là chúng tôi không biết rõ tên. Có thể là Mark Chessingham.”

Anh dừng lại một lát. Bà chủ không hề tỏ ra là bà có nghe thấy cái tên ấy, “Hoặc là Edward Compton.”

“Ồ, đó là cái gia đình làm chủ điền trang kia. Bây giờ thì chẳng còn nhà cửa gì sất. Nó đã bị ngọn lửa thiêu hủy. Người ta vẫn nói về chuyện xây dựng lại đấy, nhưng cũng chỉ là nói trạng thôi. Gia đình Compton sống ở đấy. Thật là một bi kịch. Tôi nghĩ tất cả các thành viên trong gia đình đã bị thiêu cháy. Ngày nay chẳng còn ai trong họ Compton nữa.”

“Trời đất,” John nói, “dấu vết dường như đã kết thúc ở đây. Có thể có một nhánh phụ trong dòng họ này…?”

“Tôi chưa bao giờ nghe nói tới. Tôi không nghĩ có thể giúp ngài. Dường như ông đang nói về một người đã chết từ lâu rồi.”

“Bà đã giúp chúng tôi được nhiều lắm. Tôi biết đấy là một việc làm khó khăn.”

“Ông phải sống ở đây hàng thế kỷ mới được mọi người dễ dàng nhận ra. Chúng tôi vẫn bị coi là người ngoại quốc, mặc dù ở đây đã hơn 15 năm. Ồ, đợi một chút. Ở đây có bà cụ Clint. Bà cụ này cái gì cũng biết. Bà sống cả đời ở đây và chắc cũng trên 90 tuổi rồi. Bà ấy có nhớ về vụ cháy. Nếu hai người muốn biết bất cứ điều gì về những người trong vùng thì bà ấy sẽ là người nói cho hai người biết.”

“Bà thật tử tế đã có lòng giúp chúng tôi. Vậy tôi có thể tìm bà cụ ấy ở đâu?”

“Tôi sẽ cho hai người lại đằng ấy. Nhà của bà cụ ở đối diện với Green. Bà cụ cứ ở suốt trong nhà, không còn làm gì được nhiều. Cô con gái thỉnh thoảng cũng tới đỡ đần được vài việc.”

“Cảm ơn bà thật nhiều.”

“Tôi tiếc là không giúp được gì hơn.”

Bà chủ nhà tiễn chúng tôi ra cửa, chỉ cho chúng tôi ngôi nhà cần tìm.

“Cứ gõ cửa bà cụ sẽ mời vào. Thích có khách lắm. Nhưng vấn đề là khi cụ ấy bắt đầu nói thì không biết khi nào thì nên dừng. Tôi hy vọng hai người có nhiều giờ rảnh.”

“Cả một ngày.”

Chúng tôi đi theo lời chỉ dẫn.

“Cũng không đến nỗi xôi hỏng bỏng không”, John nói.

Tất cả đúng như bà Carstairs đã nói. Chúng tôi gõ cửa và được mời vào.

Cụ bà Clint đang nằm trên giường, một cụ già trông hãy còn minh mẫn đội một cái mũ trắng, từ đó lòa xòa những sợi tóc bạc màu xám. Bà mặc một chiếc áo len dài tay chùm kín những ngón tay sắc nom như cái vuốt.

“Tôi lại nghĩ đó là con gái tôi mang nước xúp đến cho tôi chứ. Các người là ai?”

“Xin lỗi vì đã quấy rầy cụ,” John nói. “Nhưng bà chủ ở căn nhà to to kia nói rằng cụ có thể giúp chúng cháu.”

“Lại là bà Cartairs từ London xuống phải không. Họ đâu phải người vùng này. Hai người muốn gì ở tôi. Hãy lấy ghế mời cô nương này, còn anh hãy ngồi lên cái ghế gỗ kia. Chú ý, chân nó hơi yếu đấy. Ông già Bob không còn quanh quẩn ở đây để sửa chữa đồ đạc nữa. Tôi không biết… người thời nay là như vậy đấy. Chỉ sống theo cái đồng hồ mà thôi. Ông ta sửa ghế và mài dao kéo. Anh có thể tin cậy ông ta một thời. Nào, các bạn trẻ tìm kiếm gì vậy?”

“Mark Chessingham hoặc Edward Compton.”

“Mark Chessingham thì không biết, còn Edward Compton thì nghĩa trang là nơi hai người cần đến.

“Có thể chúng cháu đã nhầm tên tuổi” John nói. “Người chúng cháu đang tìm cao dong dỏng và thanh nhã. Nói giọng hơi lơ lớ… Có thể là người Đức. Rất nhẹ… hầu như không nhận ra.”

“Đúng thế” tôi nói một cách hào hứng. “Em nhớ là như vậy. Thế là anh cũng nhận ra đặc điểm đó.”

Bà cụ Clint gãi đầu qua cái mũ chùm.

“Hai chục năm hoặc hơn về trước, cả khu nhà bốc cháy. Trẻ con… đó là một đại học đối với cả vùng… Nhưng không có mấy người còn nhớ… chỉ có những người già chúng tôi.” Bà cụ dừng lại. “Một giọng nói hơi lơ lớ đã từng sống ở đây ư?... Tôi chỉ nghe một lần giọng của người Đức. Con trai tôi, Jimmy là một người có cái tai nghe rất tốt. Nó làm nghề xây dựng và thường theo ông chủ ra nước ngoài trong những công trình lớn. Khi quay lại đây nó bảo nhà Dowling có cái giọng của người Đức. Người mẹ chính là người Đức đấy. Dowling không chuyên chú làm ăn. Đã từng làm việc cho họ Compton một thời gian. Chỉ ăn nhậu suốt ngày… thế là xuống dốc. Không có việc làm ổn định từ khi tòa nhà lớn kia bốc cháy.”

“Ai là người có giọng pha Đức ạ?” John hỏi.

“Bà mẹ. Bà ta không nói được tiếng Anh bao nhiêu. Chịu không hiểu bà ta nói gì. Jimmy của tôi còn hiểu được, nhưng những đứa con sinh ra ở đây, lớn lên ở đây… thì có khác đấy.”

“Tên họ là gì, thưa cụ?”

“Dowling.”

“Chúng cháu có thể gặp họ không ạ?”

“Nếu cô cậu biết họ đi đâu.” Bà cụ cất tiếng cười giọng khào khào.”Điều không làm được là cậu không biết họ ở đâu. Đi hết rồi… tất cả bọn họ. Có người nói họ kéo nhau về Đức. Một đứa con trai và một đứa con gái… tất cả đều đẹp là lạ. Ông bố về chầu Diêm Vương. Rồi sau đó tới bà mẹ.

Ông ta một đêm kia uống say bí tỉ rồi té ngã xuống cầu thang. Cũng sống lay lắt được thêm vài tháng nữa. Rồi tịch. Nhiều năm rồi. Hai chị em còn lại bao giờ cũng quấn quýt bên nhau. Chúng là cái mà cô cậu có thể gọi là anh em như thể tay chân.”

“Cụ giúp chúng cháu nhiều lắm, cụ Clint ạ.”

“Vậy sao? Thế thì tôi mừng lắm.”

“Cảm ơn cụ rất nhiều, còn bây giờ thì chúng cháu phải đi tiếp. Chúc cụ một ngày tốt lành.”

“Một buổi sáng rất được việc,” John nói khi chúng tôi ra khỏi nhà.

“Vậy anh nghĩ chúng ta phát hiện được điều sao?”

“Chỉ một điều, nhà Dowling có nửa dòng máu Đức và mặc dù chồng Lydia chưa bao giờ nói về thân thế của mình, trong suy đoán của anh có thể đó là con người này.”

Thời gian ở London hết sức thú vị và tôi thích ở bên John cũng như trước đây; chúng tôi đã phát hiện được đôi điều ở Suffolk, thậm chí chúng tôi cũng không chắc liệu nó có mối liên hệ nào không, bí ẩn vẫn bị phong kín như từ trước tới giờ; nhưng ít nhất tôi cũng biết rằng người lạ mặt của tôi đã chuyển đối tượng từ tôi sang Lydia và tôi thường tự hỏi tại sao anh ta lại đến với tôi trước rồi đưa ra một cái tên giả, và tạo sao lại chọn đúng cái tên của một người đã chết nhiều năm rồi.

Thật là đau đầu và phần nào đáng sợ khi nghĩ đến chuyện anh ta đến thẳng chỗ Lydia, tuyệt tích giang hồ, trong khi tôi quan tâm như thế mà cũng chẳng thèm cho biết mình sẽ đi đâu.

Chắc chắn đó là một điều bí mật và tôi cứ có cảm giác lợn cợn rằng anh ta không phải là người mà là một linh hồn của cõi âm hay đúng hơn là hồn ma của cậu bé – hoặc của người đàn ông – mà cuộc sống ngắn ngủi đã bị cắt đứt một cách đột ngột, và giờ đây đang nằm trong nghĩa trang nhà thờ ở Croston. Thật là một ý nghĩ hoang đường nhưng chẳng phải toàn bộ chuyện này không hoang đường sao?

Daisy đón tôi trở về và không phải không có hàm ý trách móc là tôi đã bỏ đi. Sau cùng đây là một kì nghỉ giữa khóa và nếu có ai đi nghỉ thì người ấy hoàn toàn có quyền.

“Eugenie lại bị một vụ rối loạn tiêu hóa nữa trong khi cháu không có ở đây. Charlotte đã đến tìm tôi.”

“Thật đáng sợ. Cháu hy vọng con bé bị ốm vì một món ăn nào đó.”

“Cũng giống như trước, bủn rủn tay chân và còn choáng nặng hơn lần trước. Tôi phải cho mời bác sĩ đến khám.”

“Ông ấy nói sao?”

“Cũng giống như tôi nghĩ. Con bé ăn phải một cái gì đó không hợp với nó.”

“Như vậy đây là lần thứ hai.”

“Có thể nó có một tổn thương nào đó trong lục phủ ngũ tạng. Có thể có một cái gì đó mà cơ thể nó không tiếp nhận, chuyển hóa được.”

“Lại là với món cá?”

“Không phải. Thật kì cục. Hôm đó chỉ có món hầm. Tất cả mọi người không ai việc gì cả. Tôi cũng ăn. Một món rất lành và bổ.”

“Cô có nghĩ con bé đang trong tâm trạng khủng hoảng không? Điều đó cũng có thể tác động.”

“Đó là điều mà tôi đã nói với bác sĩ. Chắc nó rất nhớ chị.”

“Mặc dù bao giờ nó cũng thân thiết với Charlotte hơn là với Fiona.”

“Phải, một giọt máy đào hơn một ao nước lã. Tôi nghĩ có thể nó cảm thấy không yên lòng. Thật tiếc là Fiona không đưa chồng nó về giới thiệu với họ hàng và bình thường hóa mọi chuyện. Tôi nghĩ như vậy có lẽ tốt hơn cho tất cả.”

“Cháu chắc mọi việc sẽ diễn ra như vậy và có thể nó sẽ về đúng lúc.”

“Chúng ta phải để mắt đến Eugenie và tìm hiểu xem có chuyện gì làm cho con bé lo lắng.”

“Vâng, chúng ta sẽ làm thế.”

Khi tôi cưỡi ngựa đi dạo buổi chiều hôm đó, tôi gặp Jason Verringer. Rõ ràng anh đang đứng đón đầu tôi.

Tôi nói: “Chào ông!” và phóng đi nhưng anh đã ở bên cạnh tôi.

“Đi chậm lại nào, anh muốn nói chuyện với em.”

“Còn tôi thì không muốn nói chuyện với ông,” tôi nói, quay đầu đi chỗ khác.

Anh phóng ngựa lên trước, chặn đầu con ngựa của tôi lại, buộc tôi đi chậm lại.

“Tôi cảm thấy thế là đủ lắm rồi,” anh giận dữ. “Lâu lắm rồi tôi chưa được gặp em.”

Tôi cảm thấy một luồng điện đầy kích thích dâng lên tràn ngập trong phổi và nhận ra lần đầu tiên rằng tôi rất khoái những cuộc đấu tay đôi với anh. Jason có thể khuất phục tôi bằng sức mạnh thể chất nhưng không bao giờ khuất phục tôi bằng sức mạnh tinh thần. Tôi là một đối thủ đáng ghờm của anh và tôi không thể không say sưa với việc làm cho điều này trở nên rõ như hai với hai là bốn.

“Có phải ông chờ tôi đến chơi? Để lại danh thiếp của tôi với lời cảm ơn sâu sắc?”

“Em Cordelia thân yêu của anh, thật tuyệt vời khi lại được gặp em. Anh thật buồn… chán chết đi được…”

“Tôi bao giờ cũng tin là ông có khuynh hướng than thân trách phận. Tôi phải quay về trường bây giờ đây.”

“Em vừa mới đi ra mà.”

“Chỉ là mấy phút giải lao thôi.”

“Anh nghe nói em có tin vui và những người bạn thú vị. Gia đình Markham. Anh biết tiếng người này. Làm chủ ngân hàng. Một gia đình đáng kính.”

“Ông biết nhiều quá nhỉ?”

“Anh cần biết mọi việc em đang làm.”

“Ông chỉ phí thời gian thôi, điều này chẳng có quan hệ gì với ông cả.”

“Thôi đi. Em biết rõ điều này là tối quan trọng đối với anh. Ta hãy đi vào rừng, buộc ngựa lại và chúng ta có thể nói chuyện thoải mái.”

“Chắc ông cho tôi là một con bé ngờ nghệch nên mới nghĩ là tôi lại tự để mình rơi vào một tính thế dễ bị tổn hại khi có ông bên cạnh.”

“Em không bao giờ quên chuyện đó ư?”

“Không đời nào.”

“Nếu em không có máu phiêu lưu thì có thể có một bước ngoặt đấy. Anh sẽ chứng minh cho em thấy em đang để mất cái gì.”

“Ông đã chứng minh rõ ràng rồi đấy. Đó là lí do tại sao tôi yêu cầu ông không cố gặp tôi khi tôi chỉ có một mình. Tôi biết rằng vì ngôi trường này, có một mối quan hệ xã giao với ông là cần thiết và không thể tránh khỏi. Nhưng tôi không muốn gì hơn thế.”

“Tất nhiên là em có một kì hè tuyệt vời phải không?”

“Đúng thế.”

“Anh nghe Eugenie nói.”

“Chắc là do Teresa kể lại.”

“Anh biết rằng cái thằng cha chủ ngân hàng ấy có tất cả những đức tính quý hóa. Anh nghe nói hắn ta là mẫu mực của đàn ông thời nay.”

“Đó là quan điểm của Teresa. Nó có khuynh hướng tán tụng những người mà nó thích.”

“Đó là thói quen của tuổi trẻ.”

“Cordelia, dừng lại đi. Chúng ta cần nói chuyện. Gỉa vờ là em hờ hững với anh không có tác dụng gì đâu. Em nghĩ là anh không biết gì về cảm xúc của em sao? Nếu em đừng có tự ép buộc mình như thế mà cứ thuận theo tự nhiên, em sẽ đến với anh ngay lập tức. Đó là điều em muốn. Nhưng em lại sống quá khuôn mẫu… quá mô phạm. Chúng ta không ở trong lớp học. Chúng ta là hai sinh vật đang còn sống… là một người đàn ông và một người đàn bà, và điều tự nhiên nhất trên đời này là việc hai ta ở bên nhau.”

“Ông chẳng hiểu gì về tôi hết.”

“Có đấy. Em muốn anh… cái thằng Jason này. Anh là người đàn ông của em thế mà em chỉ nhăm nhăm chống lại điều đó. Tại sao? Bởi vì tính quy phạm ở ngay trong em, thúc đẩy em không dính dáng gì đến một người đàn ông có thể đã ra tay giúp một người đàn bà về nơi chín suối, hạ độc thủ một người đàn bà khác bởi vì hắn cảm thấy người này ngáng đường hắn. Em nghe tất cả những lời đồn ấy… Em kết tội anh nhưng đồng thời em lại muốn có anh. Anh có thể chứng minh em muốn anh cũng nhiều… hoặc gần bằng… anh muốn em.”

Tôi bàng hoàng sợ hãi khi nghe anh nói như thế. Tại sao tôi lại đứng đây với anh? Cớ sao anh lại kích động tôi như anh đã làm? Có một sự thật trong lời lẽ của anh phải không?

“Em tin là anh đã giết vợ… bằng một liều thuốc giảm đau quá liều… Quá dễ mà. Rồi lại đến một người khác… bóp cổ… đập vào đầu… chôn xác trong rừng… không, ném xác xuống ao cá. Như vậy khôn ngoan hơn. Điều này một trong những ông tổ của anh đã làm. Mặc cho những lời đồn đại, những vụ xì – căng – đan và việc em thiếu lòng tin, em vẫn muốn anh. Còn có thể có nhận xét nào mạnh mẽ hơn thế không? Em chạy trốn anh nhưng em không giấu được sự thật. Em đã thèm muốn anh lúc ở Hang ổ của Quỷ. Em đã khát khao anh. Em muốn anh cưỡng bức em. Rồi em có thể quen dần với lương tâm. Nhưng bà Quy Phạm già nua vẫn ở trong em ra lệnh “Trốn đi.” “Đập vỡ cửa kính.” “Nhảy ra ngoài.” Bất cứ thứ gì bà già Quy Phạm già nua này nói đều phải được thỏa mãn. Em nghĩ điều đó sẽ chặn anh được ư?

“Đúng, tôi nghĩ thế.” Tôi nói và không nhịn được cười, anh cũng bật cười theo tôi.

“Ôi Cordelia, em đang đẩy ra ngoài cái mà em cần nhất. Nếu em từ chối anh, em sẽ tiếc suốt đời. Đấy, chàng hiệp sĩ với chiếc áo giáp sáng ngời… Hiệp sĩ Galahad, biểu tượng cho sự trinh trắng, ông chủ nhà băng khốn khổ bao giờ cũng cộng những con số một cách chính xác và chưa có một mảnh tình vắt vai, không hề phạm lỗi và không hề có một tì vết nào… Em nghĩ anh ta là kiểu người dành cho em ư?”

“Tôi lại bật cười khanh khách. “Ông thật là lố bịch. Tôi chắc anh ấy sẽ vui lắm khi nghe người ta miêu tả về mình như thế. Chắc chắn là chẳng có gì đáng khinh khi cộng các con số một cách chính xác và tôi hình dung là ông cũng phải làm chính cái việc ấy trong khi điều hành công việc ở điền trang. Ông có vẻ nóng lòng muốn cho tôi đi lấy chồng quá. Tôi có thể cho ông biết là anh ấy chưa hề ngỏ lời, mà tôi lấy làm ngạc nhiên sao ông lại đi nghe câu chuyện hươu vượn của mấy đứa con gái.”

“Lời cầu hôn rồi sẽ tới. Mấy tay chủ ngân hàng này bao giờ cũng biết chính xác cần phải đợi bao lâu và làm cách nào có được câu trả lời ưng thuận.”

“Thật là những người đáng ngưỡng mộ,” tôi đáp.

“Ôi giời, anh mệt cái thái độ mô phạm của em đối với cuộc sống lắm rồi. Em sợ phải sống… sợ tai tiếng.”

“Còn ông thì không. Ông thấy đấy, chúng ta khác nhau biết bao. Chúng ta không bao giờ hợp với nhau.”

“Không giống như em và ông chủ nhà băng của em. Chính xác, mực thước, việc nhà bao giờ cũng đâu vào đấy, làm tình mỗi đêm. Thứ tư có đúng bốn đứa con theo một thứ tự chính xác. Em đang cười à? Bên anh, lúc nào em cũng cười. Em hạnh phúc khi bên anh phải không?”

“Tôi nói.” Rồi thúc ngựa chạy như bay về trường.

Về một phương diện nào đó, điều anh nói là đúng. Nếu tôi không hoàn toàn hạnh phúc với anh thì cũng không có ai khác làm cho tôi sung sướng như anh. Không, tôi không hạnh phúc khi bên anh nhưng mặt khác tôi cũng chẳng có được hạnh phúc khi xa anh. Tốt nhất là không nên gặp anh một mình một lần nào nữa. Tôi sẽ phải đuổi anh ra khỏi đầu óc. Tôi phải nhớ lại những ngày bình yên ở trang trại Forest Hill. Tôi chạy thẳng về phòng thay đồ cho kịp giờ lên lớp.

Elsa đang đứng ngoài cầu thang, tay cầm một cái khăn lau.

“Chào Miss Grant,” chị ta nói với nụ cười cầu tài quen thuộc.

“Chào Elsa.”

Tôi đang định đi ngang qua thì chị ta nói. “Miss Grant, Eugenie Verringer vẫn khỏe chứ?”

“Eugenie ư? Tại sao lại không khỏe?”

“Cô tiểu thư ấy ốm, phải không? Mà tới những hai lần. Sao tôi lo lo là.”

“Không có gì đâu. Chỉ là dị ứng với thức ăn thôi.”

“Ôi, tôi vui quá. Tôi quý các cô nữ sinh này lắm… giống như hồi ở Schaffenbrucken. Hồi ấy có cô, một cô người Pháp, một cô người Đức và một cô người Anh nữa.”

“Lydia. Đó là Lydia Markham. Chị sẽ thấy buồn khi nghe tin bạn ấy bị chết trong một tai nạn lúc trượt tuyết.”

Elsa bám lấy cánh cửa phòng tôi và có vẻ bấn loạn thật sự. “Không phải Lydia đó…”

“Phải. Tôi cũng chỉ vừa phát hiện ra. Anh của bạn ấy đến chỗ tôi và kể lại tất cả. Bạn ấy đã lập gia đình.”

“Cô ấy còn trẻ thế kia mà.”

“Cũng đủ tuối lấy chồng. Với lại Elsa, chị còn nhớ câu chuyện lúc chúng tôi đi vào rừng không? Chị nói với chúng tôi về vầng trăng của người thợ săn thợ siếc gì đó.”

“Chỉ là mấy chuyện ba láp mua vui cho các cô gái thôi mà.”

“Vậy mà chị lại đúng đấy. Chúng tôi gặp một thanh niên, sau đó người này làm quen với Lydia và cưới bạn ấy.”

“Sao cô không nói!”

“Thật lạ lùng phải không?”

“Rồi sau đó cô ấy lại chết như thế. Cô nói trong lúc trượt tuyết à? Tôi không hề có ý nghĩ là cô ấy lại làm cái chuyện đ1o.”

“Chắc là người chồng đã tác động đến bạn ấy.”

“Ôi Miss Grant, thật là một cú sốc đối với tôi. Tất nhiên lâu lắm rồi tôi không gặp cô ấy… Cứ tưởng tượng cô lại gặp anh của Lydia. Chắc cô phải chết sững cả người ấy chứ.”

“Đúng là một cú sốc kinh khủng. Tôi gặp Monique… chị còn nhớ bạn ấy không? Chính Monique kể cho tôi nghe về Lydia, còn Lydia chẳng liên lạc gì với tôi cả.”

“Ôi trời, mọi chuyện xảy ra một cách buồn cười quá… Cô chẳng biết gì về những chuyện ấy. Nhưng tôi muốn hỏi cô về Eugenie. Nghe nói bác sĩ có đến khám. Ông ấy nói sao?”

“Không có gì nghiêm trọng. Có vẻ như nó lại bị một phản ứng đối với đồ ăn.”

“Thế thì tôi mừng lắm. Cô bé làm cho tôi ngạc nhiên. Chắc là cũng yếu đi rất nhiều.”

“Phải, nhưng Eugenie còn trẻ. Chắc là có một cái gì đó xảy ra làm nó chấn động. Chúng tôi sẽ tìm ra và ngăn chặn các cuộc tấn công đó. Điều này đôi khi cũng xảy ra.”

“Chắc là thế. Tôi cũng mừng là không có gì nghiêm trọng. Tôi bắt đầu băn khoăn… Bây giờ lại nghe tin dữ thế này về Lydia nữa.”

“Phải,” tôi nói và đi ngay vào phòng mình.

Tháng Mười một đến, lạnh lẽo, âm u và buồn thảm. Cô Patty viết thư cho biết anh em nhà Markham mời chúng tôi mừng lễ Giáng sinh với họ. Cô nghĩ đó là một ý hay “Cũng giống như một kiểu Giáng sinh Dingley Dell, cháu yêu của cô ạ. Cháu hình dung được không? Tất nhiên Teresa cũng được mời.”

Tôi nghĩ mãi. Có thể đó là một niềm vui thật sự. Khi tôi bảo cho Teresa biết nó nhảy cẫng lên trong niềm vui tuyệt đỉnh.

“Vậy hãy đến đấy đi cô. Đến đấy ngay thôi.”

Tôi vẫn còn bị chấn động sau cuộc đụng độ vừa rồi với Jason và tôi nghĩ đến không khí an bình ở trang trại Essex. Thế là trong lúc bốc đồng, tôi viết cho cô Patty nói rằng chúng tôi nhận lời mời.

Tôi cảm thấy càng lúc càng bị cuốn đến gần John Markham hơn. Jason nói đúng – anh không hề làm gì một cách nóng vội, hấp tấp. Cuộc đời của anh trôi theo một lịch trình định sẵn, giữ một nhịp sống cân bằng, và sau những sự kiện vừa qua, một lời cầu hôn xem ra có vẻ được đưa ra trong lần gặp tới.

Ở trường, chúng tôi bận túi bụi. Đó là cái mà Eileen gọi là cơn sốt Giáng sinh. Tất cả cứ là nháo nhào lên về việc ai có trách nhiệm trong hai trích đoạn của hai vở kịch: Romeo và Juliet và Người lái buôn thành Venice. Eileen nói chị ước gì Miss Hetherington tỏ ra có chút lòng thương cảm thay vì bắt chúng tôi tập dượt cả hai vở thì rút lại chỉ còn một thôi.

“Người lái buôn đơn giản hơn chứ. Tôi lấy làm ngạc nhiên là Daisy thân yêu của chúng ta lại nghĩ cái cảnh Juliet uống cạn một hơi thuốc người ta đưa cho rồi rơi vào trạng thái hôn mê lại thích hợp với những cô gái dễ bị gây ấn tượng.” Eileen sôi nổi nói.

Có vẻ như những buổi diễn tập nối tiếp nhau không nghỉ và nơi đây giống một nhà hát hơn là nhà trường.

“Mục này làm vui lòng các bậc phụ mẫu và chúng ta biểu diễn trước khi nghỉ lễ một ngày.” Daisy nói. “Tuy vậy, chúng ta còn có một buổi diễn tập sớm hớn hai tuần để chắc chắn mọi việc đâu vào đấy cho ngày lễ dành cho Cha Mẹ.”

Eugenie lại bị một vụ rối loạn tiêu hóa nữa vào lúc nửa đêm. Chúng tôi cũng không để ý đến nhiều. Bây giờ chúng tôi đã quen với những vụ đau bụng của nó. Lại có một món gì đó không hợp với hệ thống tiêu hóa của con bé thôi.

“Chúng ta phải tìm hiểu xem nó là cái gì,” Daisy nói “Có vẻ như con bé đang thương này bị yếu dạ dày… Chẳng có gì nghiêm trọng. Khi chúng ta tìm ra nguyên nhân chúng ta có thể ngăn chặn lại.”

Lần này xem ra không có vẻ nghiêm trọng lắm vì sau đó hai ngày nó đóng vai Juliet một cách đầy cảm hứng.

Không khí Noel tràn ngập trong thị trấn. Cửa sổ các gian hàng mở rộng cho thấy hàng hóa bày la liệt, mời gọi những người đi sắm quà sớm cho dịp Giáng sinh. Bà Baddicombe dành cho cả một kệ đặc biệt trưng đầy những tấm thiệp. Có những dải len trắng xốp xốp treo từ trên trần rủ xuống tạo ấn tượng tuyết rơi.

Khi tôi đón vào bà đon đả “Cô thích gian hàng của tôi không? Có không khí tết hả? Mọi việc ở trường thế nào? Chuẩn bị nghỉ rồi hả? Có cả một tháng vui chơi, thích nhỉ.”

Tôi nói tất cả đều tốt và mong bà có một Giáng sinh vui vẻ.

“Chúng tôi cũng bận ngập đầu, cũng chỉ muốn có thêm nữa, thêm nữa. Tiểu thư Verringer ra sao rồi? Nghe nói tình hình rất xấu. Cái cô hầu phòng đến đây bảo con bé đáng thương rất yếu, cô ta không ngạc nhiên nếu nó bị hại vì cái gì đó.”

“Nói vớ vẩn. Nó chỉ bị yếu dạ dày, thế thôi.”

“Dạ dày yếu có thể là dấu hiệu của một cái gì đó nghiêm trọng hơn… theo lời của cô hầu phòng chỗ cô.”

“Ai vậy?”

“Cái cô người ngoại quốc. Ồ, cũng không hẳn là người ngoại quốc nhưng có cái gì khang khác ấy. Elsa… phải không?”

“À, tôi biết rồi. Cô ta nói chuyện về tiểu thư Verringer à?”

“Đúng. Nếu cô hỏi ý kiến tôi thì tôi cho là con bé mất tinh thần về việc chị nó trốn đi như thế. Chẳng có ai biết được tin tức gì về nó, phải không?”

“Tối dám nói là nó sẽ dẫn chồng mới cưới về ra mắt mọi người.”

“Chỉ là hy vọng con nhỏ đó có…”

“Bà Baddicombe, bà không nên…”

“Cô biết đàn ông là thế nào rồi mà. Ồ, có lẽ cô không biết. Nhưng rồi cô sẽ biết thôi.” Mắt bà già hấp háy. “Chẳng lâu đâu, tôi dám chắc.”

Tôi cảm thấy tất cả những ác cảm lâu nay đối với mụ già lắm điều này đang dâng cao. Tôi không muốn bà ta bịa đặt thêm về bệnh tình của Eugenie, vì thế tôi ngập ngừng nói: “Tiểu thư Verringer rất khỏe, chúng tôi không thấy có gì phải lo lắng về sức khỏe của nó hết.”

“Ồ, không có ai vui sướng hơn tôi khi biết điều đó! Nếu cô hỏi tôi về cô gái hôm nọ… tên là gì nhỉ… Elsa ư? Tôi cho rằng cô ta hơi nhiều chuyện đấy.”

Tôi không thể không mỉm cười, bà Baddicome tiếp tục: “Cô ta trông cũng không đến nỗi nào. Tôi nghĩ cô ta có ai đó… một người tình giấu mặt… ở nước ngoài, chắc thế.”

“Bà muốn nói gì về chuyện… một người giấu mặt?”

“Tôi cho rằng cô ta làm việc ở đây là để dành tiền đi lấy chồng. Bao giờ cũng gửi thư cho một người… đàn ông. Tôi đã liếc nhìn tên người ấy lúc cô ta dán tem. Một người đàn ông nào đó… tôi không thật quen với cái tên này. Phải, không dễ gì che giấu điều này. Có lần tôi nói vui “Lại một bức thư tình hả?” cô ta chỉ cười không nói gì. Khi cô nghĩ đến chuyện cô ấy đến đây và nói chuyện… Nhưng người ta có thể gần gũi với nhau mà vẫn sẵn sàng nói chuyện với người khác. Tôi biết rõ có một người nào đó. Cô ta bao giờ cũng viết cho y. Có vẻ người này hay đi du lịch lắm, lúc thì ở nước này khi lại ở nước khác. Tôi đã nhìn vào giá tem. Lúc ở Pháp… lúc ở Đức… ở Áo… rồi Thụy Điển… nhiều nước lắm. Lần cuối cùng là ở Áo.”

“Có lẽ cô ta có nhiều người yêu ở tất cả những nơi này.”

“Không, chỉ là một người… như chỗ tôi biết. Thỉnh thoảng cô ta dán tem mà không đặt lên quầy. Thế là tôi chịu chết, không biết được.”

“Cô ta tai quái quá nhỉ.”

“Phải, đời là thế, phải không? Cô sắp được về nhà rồi. Mừng cho cô.”

Tôi mua tem rồi đi ra.

Bao giờ tôi cũng thấy có một cái gì nham hiểm trong cái thái độ tò mò bất bình thường của bà già này. Cái ý nghĩ kiểm tra tem người ta mua, không chỉ tò mò về chuyện ai là người nhận thư mà còn đưa chuyện với bất cứ ai đến cửa hàng xem ra ghê sợ quá.

Cuối tháng Mười một bắt đầu có tuyết rơi.

“Người ta ba hoa ở một phần trên thế giới rằng cứ mười bảy năm một lần mới nhìn thấy tuyết rơi,” Eileen nói. “Thế mà hai năm nay đều có tuyết, Chắc chúng ta lại bước vào một kỉ băng hà mới.”

Bọn học sinh rất khoái tuyết. Chúng rất vui khi bị cắt đứt với thế giới bên ngoài vài ngày. Từ cửa sổ nhìn ra, tu viện hoang phế trông giống một cái gì đến từ thế giới khác – một vẻ đẹp mong manh và siêu thoát.

“Ước gì gió ngừng thổi,” tôi nói. “Khi gió thổi từ phương Bắc đến, nó tạo lên những tiếng rên xiết kì quái nghe như tiếng những linh hồn đang quằn quại trong đau khổ.”

“Có thể đó là tất cả những tu sĩ sống dậy chống lại ông già Henry, người đã phá hủy tu viện của họ.” Eileen nói thêm

“Chẳng có lí do gì khiến họ không than phiền về chúng ta,” tôi cười, nói.

“Họ kêu ca về những bất công trên thế giới này. Em cũng biết đấy, tất cả chúng ta đều có lúc cảm thấy như vậy.”

“Ồ chị Eileen, em thấy chị hài lòng về cuộc sống mà.”

“Chị sẽ sung sướng khi được nghỉ lễ. Chỉ cần tưởng tượng về niềm vui đó. Không cần phải tạo ra những Constables tài năng từ những kẻ không có khả năng kẻ một đường thẳng. Ở đây chỉ có một đứa có chút ít tài năng là con bé Eugenie, mặc dù Teresa cũng có tiến bộ chút ít. Không còn ai yêu hội họa nữa. Clare Simpson có vẻ giống một tay bán thịt heo hơn là một luật sư trẻ sáng láng. Thật sai lầm khi đúc nó thành một Portia.”

“Này, nó còn hai cô em gái sắp sửa đưa vào trường đấy.” Tôi nhắc. “Chị đừng quên là các bậc phụ mẫu đến đây để chiêm ngưỡng những màn trình diễn hoàn hảo.”

“Ai biết được, có thể là việc làm trẻ rối trí như thế là đủ lắm rôi. Tôi cũng cần phải nói rõ là Charlotte là một Romeo rất khá. Con bé là một nghệ sĩ giỏi đấy. Tôi không nghĩ Eugenie đóng tốt vai Juliet nhưng con bé tội nghiệp vừa mất chị. Tôi tự hỏi không biết ngài Henry Irving sẽ chọn diễn viên nam nào theo lí lẽ của Daisy.”

“Ôi chị Eileen, chỉ là một vở diễn nghiệp dư trong trường ấy mà.”

Eileen khoác lên mặt một vẻ tuyệt vọng đầy hài hước. “Trời ơi, làm sao tôi có thể tạo ra một kiệt tác khi em, người trợ thủ của tôi trong nhiệm vụ bất khả thi này lại coi nó chỉ là một vở diễn của một trường tư!”

Mọi việc cứ thế trôi qua. Nhưng giây phút ở trong sưởi ấm bao giờ cũng là một liều thuốc giải và Eileen bao giờ cũng rất vui nhộn. Không có ai không nóng lòng trông chờ đến ngày nghỉ lễ.

Tháng Mười Hai bắt đầu. Trời vẫn còn lạnh thấm thía mặc dù chúng tôi đã có thể ra ngoài khuôn viên nhà trường.

Miss Hetherington cho phép dùng xe trượt tuyết trượt xuống những cái dốc ngắn và bọn con gái thích mê tơi những chuyến đi như vậy. Người làm vườn đóng thêm một số xe trượt tuyết nữa thế là có thêm nhiều học sinh nữa được hưởng cái thú vui này cùng một lúc.

Một đêm tôi bị đánh thức dậy. Lần này là Eugenie.

“Miss Grant, Miss Grant.” Nó lay người tôi. “Cô dậy mau. Charlotte. Bạn ấy bệnh… cũng giống như em.”

Tôi cuống cuồng mặc thêm áo, xỏ giày chạy sang phòng hai đứa.

Charlotte bị nặng hơn Eugenie. Nó quằn quại trong đau đớn, mệt xỉu đi, da mặt trắng bệch như chiếc drap giường nó đang nằm.

Tôi ra lệnh: “Chạy mau đến chỗ Miss Hetherington.”

Daisy đến ngay và lần này tôi thấy cả bà cũng đâm hoảng. Chuyện này đặt ra nột vấn đề khác. Có thể là Eugenie yếu bụng nhưng khi một đứa khác cũng bị tương tự thì lại là một vấn đề nghiêm trọng.

“Goi ngay bác sĩ đến. Đi xuống chồng ngựa xem xem có thể tìm được Tom Rolt không. Bảo ông ta đi ngay tức thì. Trước hết cháu hãy mặc thêm áo ấm vào đã. Chúng tôi không muốn cháu lại bị viêm phổi.”

Tôi vội vã mang ủng và choàng thêm áo ấm chạy như bay xuống cầu thang, tiếng chân tôi đạp lên tuyết vang lên lạo xạo, gió thổi làm tóc tôi quấn hết vào mặc. Tôi tìm thấy Tom đang ngủ trong chuồng ngựa.

Bác ta càu nhàu khi bị dựng dậy vào lúc nửa đêm. Lại phải mất một lúc chuẩn bị xe. Bác nói rằng như thế bác có thể chở ông bác sĩ đến ngay.

Bác đã làm thế nhưng phải mất một tiếng rưỡi sau khi Eugenie đánh thức tôi, bác mới đưa bác sĩ tới và vào lúc đó Charlotte đã đỡ hơn một chút. Cơn đau dường như đã bớt, nó nằm ngay đơ trên giường mặt trắng toát như tờ giấy.

Ông bác sĩ có phần cáu kỉnh vì bị lôi ra khỏi giường êm nệm ấm vào một đêm rét thấu xương như thế này vì một cái mà ông cho chỉ là một cơn đau bụng thông thường. Đầu tiên ông tưởng bệnh nhân lại là Eugenie nên rất ngạc nhiên khi thấy Charlotte mới là người cần đến ông.

“Cũng một triệu chứng như thế,” ông nói. “Chắc chắn là ở đây có một cái gì đó làm cho bọn con gái có hiện tượng ngộ độc thức ăn.”

“Tôi có thể đoan chắc với ông, bác sĩ ạ,” Daisy nói với một vẻ bị xúc phạm ghê ghớm. “Rằng ở trường này không có bất cứ cái gì hại đến học sinh.”

“Chúng đã ăn phải một cái gì đò. Bà xem đấy Miss Hetherington. Triệu chứng hoàn toàn giống nhau. Có một cái gì đã đầu độc chúng và lẽ tự nhiên cơ thể chúng phản ứng lại.”

“Đầu độc chúng! Tôi chưa bao giờ nghe thấy chuyện gì hoang đường đến thế. Mọi thứ chúng tôi ăn ở đây đều trong điều kiện vệ sinh tốt nhất. Chúng tôi tự trồng lấy thức ăn. Không tin, ông có thể hỏi mấy người làm vườn xem.”

“Ở đây có nhiều chuyện đáng quan tâm, thưa bà. Có những thứ độc hại với người này mà lại vô sự với người khác. Có vẻ như cơ thể của hai cô bé này từ chối tiếp nhận một cái gì đó mà chúng ăn phải.”

“Charlotte còn bị nặng hơn là Eugenie nữa.”

“Có thể sức đề kháng của nó kém hơn. Cô gái này rất yếu. Tôi có thể nói nó phải tĩnh dưỡng ít nhất là một tuần.”

“Trời ơi, thật là thảm họa. Chúng tôi lại phải kiếm một Romeo khác hay sao.”

Tôi không thể không mỉm cười, mặc dù đang rối ruột về bệnh tình của Charlotte. Chúa biết là con bé thường chống đối tôi nhưng bây giờ nó hết sức đáng thương. Chẳng còn mấy dấu vết về một cô gái ngạo mạn thường ngày.

“Cần phải quan tâm đến chế độ ăn uống trong quá trình cô gái này bình phục. Chỉ ăn đồ ăn dễ tiêu. Cá nấu, bánh, sữa…”

“Tất nhiên rồi. Ông muốn nói nó phải nằm trên giường?”

“Phải, cho đến khi nó đủ sức ra khỏi giường. Vụ này sẽ làm nó yếu đi rất nhiều. Cái chính là phải hết sức cẩn thận với những gì bà cho nó ăn. Chắc chắn là có một cái gì đó không hợp với các cô gái này.”

“Thật là lạ,” tôi lên tiếng, “nó lại xảy ra với hai đứa ở trong cùng một phòng.”

Ông bác sĩ nhìn quanh phòng như để tìm ra một kẻ thù độc ác nào đó trong bốn bức tường này.

“Một sự trùng hơp vẫn thường xảy ra.” Ông nói, nhìn Eugenie đang ngồi trên mép giường của nó, chứng kiến tất cả với vẻ mặt khiếp đảm. “Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi tuyệt đối. Nó sẽ ngủ suốt đêm nay vì tôi đã cho nó uống thuốc an thần, tôi muốn nó ngủ suốt ngày mai. Tốt hơn là nên bố trí cho nó một phòng riêng.”

Miss Hetherington tỏ vẻ bối rối. “Lúc này tất cả các phòng đều kín…”

Tôi nói: “Có thể chuyển giường của Eugenie sang phòng tôi.”

“Ý kiến hay lắm cô Grant. Chúng ta sẽ làm ngay vào ngày mai. Eugenie, vào đêm tới con sẽ ngủ cùng phòng với cô Grant. Sáng mai hãy mang sang đấy tất cả những gì con cần.” Bà quay sang tôi. “Chỉ một vài đêm thôi. Rồi mọi việc sẽ trở lại bình thường.”

“Tốt,” Bác sĩ nói. “Bây giờ bệnh nhân đã ngủ. Nó sẽ khá hơn vào sáng mai… Nhưng từ nay trở đi phải hết sức cẩn thận với các món ăn.”

“Chúng ta không cần phải lo lắng. Miss Grant chịu trách nhiệm trông coi khu vực này, cô ấy sẽ đảm bảo mọi việc theo ý ông”

“Thưa vâng tôi sẽ làm thế, thưa Miss Hetherington.”

“Xin lỗi là tôi phải phiền đến ông, bác sĩ ạ.”

“Ồ, không có gì.”

“Tôi nghĩ bác sĩ nên làm một ly Brandy trước khi Tom Rolt đưa ông về nhà.”

“Cảm ơn, thế thì tốt quá.”

Hai người đi ra để tôi lại một mình với hai cô học trò.

“Cô sẽ cố chợp mắt một chút đây, Eugenie.”

“Em sợ quá, cô Grant ơi. Trông bạn ấy thật yếu đuối. Em đã tưởng bạn ấy sắp chết. Trông em có thế không ạ?”

“Cũng vậy… Mà đấy, em đã bình phục rồi. Bây giờ thì ngủ đi, sáng mai người ta sẽ khênh giường của em sang chỗ cô.”

“Vâng, thưa cô Grant.”

Nó có vẻ nhỏ nhẻ, dịu dàng không giống một Eugenie mà tôi đã biết. Trong một giây bồng bột, tôi ôm lấy nó hôn lên má như tôi làm với một đứa trẻ. Vừa làm xong tôi đã thấy ân hận. Nhưng thật kỳ quặc, Eugenie có vẻ hài lòng. Nó mỉm cười dịu dàng nói: “Chúc cô Grant ngủ ngon.”

Buổi sáng, Charlotte vẫn còn yếu và mệt lả. Daisy gọi hai người dưới chuồng ngựa lên chuyển giường Eugenie sang phòng tôi, và điều này được thực hiện một cách lặng lẽ và chóng vánh. Ông bác sĩ lại đến, tôi có thể thấy ông ta tỏ vẻ quan tâm hơn đêm trước. Tôi đồ rằng ông cảm thấy bứt rứt vì bị coi là đánh giá sự khó ở của Charlotte là chuyện vặt.

“Đây là một ca ngộ độc thức ăn nghiêm trọng.” Ông tuyên bố.

Daisy giương mắt nhìn, khiếp đảm. Bà yêu thương học sinh mặc dù với bản tính của nó, Charlotte không bao giờ là học trò của bà, nhưng mối quan tâm thực sự của bà là ngôi trường. Đã có một vụ bỏ trốn theo trai. Bây giờ lại suýt có một người bỏ mạng vì ngộ độc! Sẽ là một án tử hình đối với trường Academy.

Trong suốt ngày hôm sau, Charlotte rất yếu, còn Eugenie thì lo âu ra mặt. Tôi lấy làm ngạc nhiên là nó cũng có những biểu hiện tình cảm sấu sắc dù là với đứa bạn thân nhất bởi vì nó không bao giờ khiến tôi nghĩ đó là một đứa con gái có khả năng yêu thương ai thực sự.

Biến cố xảy ra với bạn khiến nó trở nên dễ bị tổn thương, ngoan hiền hơn và thật kì cục dường như nó dựa vào tôi để tìm sự an ủi. Khi chúng tôi đã lên giường nằm – giường của nó kê dưới hình thánh giá tạc hình Chúa Jesus chịu nạn, còn giường tôi ở đầu đối diện. Nó nằm im thao thức và tôi cảm thấy nó khát khao được nói chuyện.

“Cô Grant ơi,” đêm đầu tiên nó nói. “Cô có định lấy chú của em không?”

Tôi hoàn toàn ngạc nhiên, “Eugenie, em moi đâu ra cái ý nghĩ đó vậy?”

“À, em biết chú Jason muốn thế. Chú ấy bao giờ cũng cố gặp mặt cô… mặc dù lúc này thì không nhiều lắm. Em cũng chẳng phiền gì nếu cô muốn lấy chú ấy. Cô cũng là một loại như kiểu bà cô bà dì gì đấy, đúng không? Cũng có thể là cô không thích. Chú ấy cũng chẳng có gì đáng yêu. Teresa nói cô sẽ cưới cái ông John nào đấy. Nó nói ông ta đáng mến lắm…”

“À,” tôi nói cố làm ra vẻ dửng dưng, “các em hình như muốn định đoạt số phận của tôi thì phải.”

“Cô Grant ơi, Charlotte có chết không?”

“Tất nhiên là không. Nó sẽ khỏe lại trong vài ngày tới.”

“Gỉa sử nó chết. Nó sẽ muốn thú tội… về lá thư.”

“Thư nào?”

“Thư về bà Martindale.”

“Em gửi thư đó? Em… và Charlotte?”

“Dạ. Tụi em tức cô vì đã chia rẽ hai đứa em lúc cô mới đến đây. Charlotte nói chúng em phải phục thù. Chúng em đã phải mất bao nhiêu thời gian, nó nói thế. Đó là điều chúng em đã làm, bởi vì có vẻ như mọi việc không đến nỗi quá tệ.”

“Đó là một việc làm độc ác.”

“Em biết, vì vậy mà em phải thú tội… trong trường hợp Charlotte có chết thì nó không đè nặng lên lương tâm bạn ấy. Charlotte không muốn thế.”

“Trước hết hãy thôi ngay không nói chuyện Charlotte chết nữa. Vài ngày nữa các em sẽ lại cười đùa với nhau. Còn về việc lá thư. Đó là một việc làm ngu xuẩn và tàn nhẫn, chỉ có những kẻ đê tiện mới viết thư nặc danh. Lời cáo buộc các em không đúng. Chú em nói bà Martindale đi London. Nếu bà ấy muốn đi thì đó là việc của bà ấy không khiến ai quan tâm. Đừng bao giờ làm một việc như thế nữa, nghe chưa?”

“Nhưng cô tha thứ cho chúng em chứ?”

“Được, nhưng nên nhớ… đó là một việc làm đê tiện, bẩn thỉu và độc ác.”

“Vâng, em sẽ bảo với Charlotte khi nó khỏe lại.”

“Đúng thế, hãy bảo với nó rằng tôi nghĩ cả hai đứa đều ngốc nghếch, thiếu chín chắn… Và thế là chấm dứt đề tài này.”

“Ôi, em thật cảm ơn cô, cô Grant.”

Sau vụ đó, nó có vẻ quyến luyến tôi hơn và tôi cũng đâm thích nó. Con bé đã bớt lo lắng về lá thư và biểu lộ những xúc cảm tốt đẹp hơn. Tôi cũng đã quên mất chuyện lá thư đã làm tôi bấn loạn thế nào và nó thực sự đã thay đổi tình cảm của tôi dành cho Jason; nhưng thật là nhẹ cả người khi biết ít nhất thì vấn đề đáng tởm đó cũng được giải quyết.

Ngày hôm sau, Charlotte đã khá hơn nhưng vẫn còn rất mệt, nó còn không đủ sức để nhận ra là Eugenie không còn ở trong phòng nó.

Đêm thứ hai Eugenie ngủ trong phòng tôi cũng là lúc tôi khám phá ra một điều gây chấn động, giúp tôi mở mắt nhận ra tôi đang ở giữa một âm mưu độc ác và nham hiểm rợn người.

Eugenie nằm trên giường nó, sẵn sàng cho cáo dường như đã trở thành một thói quen chuyện trò trước giờ đi ngủ - một dấu hiệu đặc biệt trong mối quan hệ mới giữa thầy trò.

“Charlotte vẫn còn khỏe vào cái ngày trước khi nó bị bệnh. Nó cười nói trêu đùa luôn miệng. Nó bảo nó sẽ nhào lộn với chiếc xe trượt tuyết ở mấy bờ dốc và để xem chúng em có thể trượt băng trên mặt ao không.”

“Cô không tin là Miss Hetherington sẽ cho phép các em làm thế.”

“Chúng em cũng không chắc lắm.”

“Mà các em cũng đừng có làm chuyện ngốc nghếch, cố gắng làm một việc như thế mà không xin phép.”

“Ồ không, cô Grant, chúng em không làm thế đâu.”

“Em có nhận ra điều đó rất nguy hiểm không?”

“Em nghĩ chính vì thế mà Charlotte rất khoái. Nó cười như pháo ran và có vẻ cao hứng lắm. Nó ăn tới hai chén súp rồi kêu là quá mặn và khát nước thế là sau đó nó uống cả ly sữa của em sau khi đã uống hết sữa của nó. Em không uống vì thế mà không việc gì.”

Tôi đang mãi nghĩ đến chuyện bọn con gái muốn trượt băng trên ao cá, nghe đến đây bèn ngồi bật dậy.

“Em nói cái gì? Nó uống sữa của em?”

“Vâng, nó khát quá, món súp quá mặn mà.”

Toàn thân tôi ớn lạnh, Charlotte uống ly sữa dành cho Eugenie và nó bị bệnh nặng như Eugenie đã mấy lần bị thế… Gỉa sử Eugenie uống ly sữa đó?

“Cô ngủ rồi ư?”

“Chưa… chưa,” tôi trả lời một cách yếu ớt.

Tôi đang nghĩ đến những ly sữa dành cho học sinh uống trước khi ngủ. Sữa và hai chiếc bánh quy lạt.. bữa ăn lót dạ cuối cùng trong phòng ngủ. Tôi mường tượng cảnh các cô phục vụ đi quanh phòng và những hộp bánh bích quy.

Tôi nghe mình hỏi: “Thế là… Charlotte uống ly sữa của em?”

“Vâng. Điều đó chứng tỏ nó rất khỏe vì nó uống cả ly của nó lẫn của em.”

“Ai đưa sữa đến chỗ em? Có nhớ ai không?”

“Không… Đó là một trong những người phục vụ. Em không để ý bởi vì Charlotte đang say sưa với ý tưởng trượt băng trên mặt ao.”

“Cô muốn em cố nhớ xem.”

“Không phải bao giờ cô cũng để ý đến họ đúng không? Trông họ rất giống nhau trong những chiếc váy đen và mũ trắng.”

Tôi nghĩ: Mình có nằm mơ không? Eugenie bị rối loạn tiêu háo đến 3 lần… và khi Charlotte uống sữa dành cho Eugenie thì liền bị ốm. Tôi ước gì Eugenie đừng huyên thuyên nữa mà tập trung vào đúng vấn đề.

“Chị ta vui lắm, lại thông minh nữa. Tất cả hóa ra rất đúng, mặc dù thoạt tiên bọn em chỉ nghĩ đó là một trò đùa.”

“Cái gì?” Tôi hờ hững hỏi.

“Ồ, chị ta biết nhiều truyền thuyết cổ lắm.” Lúc ấy tôi nhận ra nó đang nói về Elsa. “Cô có tin vào truyện cổ không, cô Grant? Chị ta nói nếu chúng em đi vào rừng vào mùa trăng tròn, một trong mấy đứa bọn em sẽ gặp người chồng tương lai… Và điều đó xảy ra với Fiona.”

“Cái gì?” Tôi kêu lên thất thanh, ngồi phắt dậy.

“Có chuyện gì vậy, cô Grant?”

“Mình phải cẩn thận,” tôi thầm nghĩ. Mọi việc bắt đầu trở nên đáng sợ.

“Kể cho cô nghe chuyện đó đi.”

“Đó là ngày tháng Năm. Một đêm đặc biệt theo niềm tin cổ xưa. Tôn giáo cổ của người Xen-tơ gì đó. Elsa bảo bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra vào một ngày nhất định nào đó, và nếu chúng em đợi đến hôm rằm đi vào rừng, ban ngày cũng được vì chỉ lúc ấy chúng em mới được ra ngoài, thì chúng em sẽ gặp một người đàn ông. Chúng em đã cười đấy chứ, đâu có tin, thế nhưng chúng em vẫn vào rừng định bụng rằng sẽ trở về bảo với Elsa rằng có gặp một người đàn ông. Nhưng khi chúng em vào trong rừng… quả có một chàng trai ở đó…”

Miệng tôi khô lại và tôi thấy khó mà thốt nên lời. Cuối cùng tôi cũng nói được thành tiếng: “Thế là các em gặp người ấy và Fiona chạy trốn với anh ta?”

“Vâng. Mới lãng mạn làm sao.”

“Eugenie, tên người đàn ông các em gặp trong rừng là gì?”

“Carl ạ.”

“Carl gì?”

“Em không nghe thấy họ. Chỉ biết Fiona gọi là Carl thôi.”

“Em và Charlotte đã giúp Fiona chạy trốn?”

“Vâng ạ. Vào cái đêm chúng em ở điền trang.”

“Và các em đã lấy trộm áo choàng để anh ta có thể đến đêm hội diễn?”

“Vâng. Thật hết sức li kì. Anh ấy phải gặp Fiona để thông báo kế hoạch hai người bỏ trốn như thế nào. Họ sẽ đến London trước. Chúng em nghĩ đó là điều phi thường nhất.”

“Eugenie,” tôi nói giọng nhẹ nhàng. “Miss Eccles nói em vẽ khá lắm phải không?”

“Cô ấy nói thế ạ? Em thích vẽ lắm. Đó là môn học em khoái nhất. Ước gì em có thể vẽ suốt đời.”

“Em có thể vẽ cho cô một tấm ảnh về chồng Fiona không?

“Ồ… em sẽ cố. Em sẽ vẽ vào sáng ngày mai.”

“Cô muốn em vẽ ngay bây giờ.”

“Không, cô Grant. Vẽ lúc em đang nằm trên giường ư?”

“Phải. Vẽ ngay bây giờ. Cô cần xem ngay lúc này.”

Tôi nhảy xuống giường tìm một tờ giấy và một chiếc bút chì. Eugenie ngồi dậy lấy một cuốn sách làm bàn, bắt đầu vẽ từng nét, nhăn mày, nhíu mặt tập trung vào tác phẩm của mình.

“Anh ấy rất điển trai. Khó mà thể hiện hết được. Vẽ thế này chỉ hơi giống anh ấy. Phải anh ấy đẹp hết ý. Tóc đen rất đẹp, hơi xoăn một chút… như thế này này. Khuôn mặt… ồ rất khác biệt so với những người khác… Có một cái gì trong ánh mắt… Ôi em không có khả năng thể hiện đâu.”

“Cứ vẽ đi. Sắp được rồi đấy.”

Và đây, khuôn mặt đang nhìn tôi rất giống khuôn mặt người không quen biết chúng tôi gặp trong rừng. Tôi cầm lấy bức vẽ từ tay Eugenie, cẩn thận cho vào trong ngăn kéo. Tôi còn chưa rõ mình sẽ làm gì.

Tôi vừa phát hiện ra một điều cho đến giờ vẫn làm tôi ớn lạnh vì hãi hùng.

Tôi không thể nghĩ được nó có ý nghĩa gì.

“Thật buồn cười, sao cô lại thích xem vào lúc này chứ?”

“Thôi muộn rồi, cô nghĩ chúng ta nên đi ngủ đi.”

Nó nằm xuống giường nhắm mắt lại. “Chúc cô ngủ ngon.”

“Chúc em ngon giấc, Eugenie.”

Tôi nói đi nói lại với mình, chồng Fiona cũng là chồng Lydia. Bạn tôi chết lúc trượt tuyết còn hắn đang dạy Fiona trượt tuyết. Bây giờ tôi chắc chắn là có kẻ đang cố đầu độc Eugenie và kẻ đó là Elsa, người lậm quá sâu vào âm mưu ma quỷ này.

Tôi phải hành động thật nhanh. Nhưng bằng cách nào?


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...