Mối Thù Tơ Lụa

Chương 3: Cuộc phiêu lưu ở thành florence


Chương trước Chương tiếp

Tin về cuộc đính ước của chúng tôi được mọi người trong gia đình tiếp cận bằng những cách khác nhau. Phu nhân là người đầu tiên bị sốc. Tôi biết chính xác điều gì đang diễn ra trong đầu phu nhân, bà bao giờ cũng chỉ quan tâm đến ảnh hưởng của một sự kiện nào đó đối với mình. Phản ứng đầu tiên của bà là cậu quý tử phải nhìn cao hơn chứ. Đối với bà, thật khó mà hiểu được tại sao sự lựa chọn của cậu con trai lại rơi vào tôi, một thứ người ăn kẻ ở bậc cao trong nhà. Thực ra, Madame Cleremont có một vị trí thật đặc biệt trong nhà và Madame đã có những yêu cầu nhất định cho việc làm công trong nhà nhưng dù sao thì Madame cũng chỉ là một kẻ giúp việc. Phu nhân lấy làm phiền muộn ghê ghớm. Có quá nhiều chuyện rắc rối truớc mắt bà khi ngài Francis về nơi chín suối và đổ hết gánh nặng lên đôi vai mảnh dẻ của bà. Phu nhân thực sự kiệt sức trong khi phải đối phó với những vấn đề như thế. Người ta phải có suy xét chứ. Thế rồi bà cũng đổi ý dần dần. Tôi sẽ là con dâu bà. Bà chắc tôi sẽ lấy làm mãn nguyện khi được đưa lên một địa vị cao quý như thế. Vậy thì bà có thể đòi hỏi nhiều hơn ở phía tôi và tôi cũng có ích cho bà. Ít nhất thì đây cũng là một điều an ủi – Philip chỉ là con thứ. Julia tức tối. Thật là một sự xúc phạm không thể nuốt trôi khi nghĩ Julia đã phải mất bao công sức mà vẫn chưa nhận được lời cầu hôn nào, thế mà tôi không cần ai giúp đỡ lại được cầu hôn vào đúng ngày sinh nhật 17 tuổi. Ai cũng nói, ở vào địa vị tôi đây là một điều kỳ diệu chỉ có thể xảy ra trong một giấc mơ ngọt ngào nhất. Thế là điều tốt đẹp nhất đã đến với tôi và tôi đã qua mặt Julia một cách ngoạn mục.

Những người đầy tớ khác trong nhà thì choáng váng. Họ không thể hình dung được chuyện một người có địa vị thấp kém trong nhà thoắt một cái lại nhảy lên một địa vị quan trọng ghê ghớm: là vợ của cậu chủ. Một chuyện cũng giống như việc một cô gia sư lại cưới ông chủ - câu chuyện tình lãng mạn như thế đôi khi cũng xảy ra.

“Có chuyện gì không ổn đây”, bà Dillon nói, “Nó chống lại quy luật tự nhiên.”

Tất nhiên là Cassie vui sướng đón nhận cái tin này.

Khi Julia về Nhà Tơ lụa nghỉ cuối tuần, cô đi cùng bá tước phu nhân Ballander. Bà phu nhân này kéo tôi ra một góc, biểu lộ niềm vui sướng một cách thực lòng. “Làm tốt lắm”, bà nói với một sự tán thưởng thật tình đến nỗi người khác có thể nghĩ mục đích duy nhất của cuộc đời một người con gái là kiếm cho được một tấm chồng. “Tôi đã nói ngay từ đầu là tôi muốn, nếu có thể, được dẫn dắt cô mà.”

Julia tỏ vẻ lạnh lùng với tôi trong suốt thời gian ở lại nhà đến nỗi tôi cảm thấy vui sướng là cuối cùng cô và bà bá tước cũng đi khỏi.

Rồi đến Charles. Thái độ của hắn kể từ ngày Drake Aldringham làm nhục hắn trước sau vẫn là một sự hờ hững có chủ ý. Cứ như thể hắn không nhận ra sự tồn tại của tôi. Hắn chỉ mỉm một nụ cười khi nghe nói về cuộc đính hôn của chúng tôi như thể đó là một trò đùa.

Philip háo hức, say mê về đám cưới của chúng tôi cũng như anh say mê lụa Sallon. Không có cái gì nửa vời trong con người của Philip, sự say mê trong anh được phát huy đến cao độ và khi có một dự án nào đó, anh tập trung toàn bộ nhiệt tình và tâm hồn vào để hoàn thành. Tôi thích điều đó ở anh. Trong thực tế, có rất nhiều cái ở anh làm tôi ngưỡng mộ. Tôi tin là tôi yêu anh mặc dù tôi không biết rõ lắm. Tôi thích được ở bên anh, thích nói chuyện với anh và điều mà tôi thích nhất là cái cách mà anh nâng niu tôi – như thể tôi là một cái gì rất đỗi quý báu và anh sẽ dành cả đời mình để chăm sóc tôi.

Đám cưới dự định tiến hành vào tháng Tư. Chúng tôi có năm tháng để chuẩn bị.

“Chuyện chờ đợi như thế này hoàn toàn vô nghĩa”, anh nói.

Ngoại có một cuộc thảo luận rất lâu với anh. Bà nói rất nhiều về “sự dàn xếp”, tôi phát hoảng lên khi nhận ra ý bà muốn gì.

“Bà cho rằng Philip phải dành cho cháu một khoản tiền nào đó ư?” Tôi hỏi một cách nghi hoặc.

“Điều này vẫn được thực hiện bên Pháp. Ở đấy, người ta đối mặt với sự thật. Vào ngày cưới, Philip sẽ dành ra một khoản tiền mang tên cháu và đó là của cháu … trong trường hợp có chuyện gì xảy ra với cậu ấy.”

“Xảy ra cho anh ấy?”

“Cháu của ta, người ta không bao giờ biết trước những chuyện gì xảy ra với mình. Người ta không thể không cẩn trọng. Gỉa sử có một vụ tai nạn… vậy thì goá phụ tội nghiệp biết làm gì nào? Hay là cô ta bị rơi vào sự thương hại của gia đình chồng?”

“Tất cả những chuyện này nghe ghê sợ quá.”

“Cháu cần phải có những suy nghĩ thực tế về những chuyện như thế này. Không có liên quan gì đến cháu. Chỉ là một sự dàn xếp giữa các luật sư, Philip và bà… bởi vì bà không phải là người giám hộ cho cháu sao?”

“Ôi Ngoại ơi, cháu ước gì bà đừng làm thế. Cháu không muốn Philip phải mất tiền cho cháu.”

“Chỉ là một thoả thuận… không hơn. Nó có nghĩa là một khi cháu lấy cậu ấy cháu sẽ an toàn… được bảo đảm…”

“Nhưng cháu không cưới anh ấy vì những chuyện ấy.”

“Cháu thì không… nhưng có những người phải chăm nom cho quyền lợi của cháu. Chúng ta cần phải thực tế và đấy là vấn đề của người giám hộ cho cháu, không phải vấn đề của cháu, Lenore”

Khi tôi ngồi một mình với Philip, tôi mang vấn đề này ra nói với anh.

“Bà ngoại em là một phụ nữ kinh doanh tinh khôn. Bà biết điều mình muốn. Mà bà thì muốn những điều tốt đẹp nhất cho em… cũng giống như anh, hai bà cháu anh có cùng một suy nghĩ.”

“Nhưng tất cả cái việc thoả thuận này có một vẻ vụ lợi làm sao ấy.”

“Có vẻ thế thật, nhưng đó là điều cần phải làm. Đừng nghĩ ngợi gì nhiều. Bà ngoại em sẽ có điều bà muốn cho em. Anh nghĩ Italia sẽ là nơi chúng ta hưởng tuần trăng mật. Khi ở Florence anh cũng thường nghĩ đến em. Anh tự nhủ với lòng mình thế này: Mình phải cho Lenore xem thành phố tuyệt vời này, đó chính là điều anh sắp làm. Vậy hãy đồng ý đến Florence với anh nhé.”

“Ôi Philip, anh quá tốt đối với em”, tôi cảm động nói.

“Đó là điều anh dự định làm… Bao giờ cũng vẫn vậy, mà em cũng rất tốt đối với anh. Cuộc hôn nhân của chúng ta sẽ là một cuộc hôn nhân hoàn hảo.”

“Em hy vọng sẽ không làm anh thất vọng.”

“Nói bậy, cứ làm như em có thể làm được chuyện đó ấy. Quyết định đến Florence nhé. Đó là một thành phố tuyệt đẹp. Quê hương của các họa sỹ lừng danh trên thế giới. Em sẽ cảm thấy điều đó khi em nện gót trên các đường phố ở đấy. Chúng ta sẽ đi xem hát opera. Đó sẽ là một sự kiện tuyệt vời. Em sẽ mặc chiếc áo tuyệt đẹp may bằng lụa Sallon. Bà ngoại em sẽ tự tay may. Một chiếc áo đặc biệt để đi nghe hát.”

Tôi cười khanh khách: “Còn anh sẽ mặc chiếc áo khoác màu đen và đội một cái mũ opera… một bên cụp xuống, một bên vểnh lên và nom anh hết sức ấn tượng.”

“Và chúng ta sẽ đi dạo trên đường phố với những bộ quần áo đẹp của chúng ta. Hai ta sẽ có một căn phòng có một ban công… có lẽ là nhìn ra quảng trường và cùng nhau ta sẽ nghĩ đến những người dân thành Florence vĩ đại đã cho cái thành phố độc đáo này và dâng cho đời cái nghệ thuật hoàn mỹ nhất của nó.”

“Ôi, trên đời sẽ không còn gì tuyệt hơn”, Tôi nói.

Các tuần lễ nối tiếp nhau qua đi. Tôi sống trong cảm giác bồng bềnh hạnh phúc của một người có cánh cứ bay lên bay lên với những làn mây hồng rực rỡ. Bà ngoại đúng, muôn ngàn lân đúng. Điều tốt đẹp nhất trên đời đã xảy ra với tôi. Giờ này Philip thường ở London. Anh cần dành ra ba tuần lễ để đi hưởng tuần trăng mặt ở Florence. Anh không thể đi lâu hơn. Sau đó chúng tôi sẽ quay lại Nhà Tơ Lụa một thời gian ngắn rồi lại lên ở London. Nhà ở quảng trường Grantham được hai anh em anh sử dụng. Philip nghĩ rằng sau này chúng tôi sẽ tậu một tổ ấm riêng. Tôi cũng nghĩ thế. Cái ý nghĩ rằng Charles ở chung một mái nhà với tôi làm tôi mất hết cả hứng thú. Tôi không tin hắn, không bao giờ tin hắn , không bao giờ tin hắn nữa; và mặc dù dường như hắn muốn quên đi sự cố ở hầm mộ, tôi lại không làm thế được.

Bà ngoại bận rộn một cách vui vẻ trong việc may áo xống cho tôi. Áo cưới của tôi may bằng hàng satin trắng và ren Honiton. Nó chẳng có gì giống với đám cưới đơn giản mà chúng tôi dự tính. Nhưng Ngoại cứ khăng khăng làm theo ý mình. Rồi lại đến quần áo đi du lịch của tôi. Ngoại đã nghe câu chuyện của chúng tôi về tuần trăng mật và việc chúng tôi dự định đến nhà hát opera ở Italy. Bà may cho tôi một chiếc áo dạ hội bằng lụa Sallon màu xanh da trời và một chiếc áo khoác nhung đen cho Philip hài hòa với nó. Khi Philip từ London về nhà, tôi muốn khoe với anh.Philip đến với một vật gì giấu dưới cánh tay. Khi tôi đứng bên anh trong chiếc váy lụa xanh, anh bèn mở chiếc hộp đựng áo khoác đen ra, mặc lên người. Thế rồi anh đội lên đầu chiếc mũ cùng bộ với nó.

Chúng tôi cất tiếng cười vang, khoát tay nhau đi đi lại lại trong phòng làm việc của bà Ngoại, cùng hòa tiếng hát bài La Traviata. Cassie sung sướng vỗ tay, Ngoại ngồi ngắm, khuôn mặt ngời ngời hạnh phúc nom đến cảm động. Tôi đoán Ngoại đang nghĩ số phận của tôi khác của mẹ tôi biết chừng nào.

Đó sẽ là một đám cưới giản dị, cả hai chúng tôi đều muốn thế. Chỉ có rất ít khách mời và ngay sau buổi lễ, chúng tôi sẽ lên đường hưởng tuần trăng mật.

Phu nhân Sallonger tỏ vẻ cam chịu dù bà vẫn đôi chút bực bội. “Những ba tuần. Lâu quá là lâu. Chúng ta phải kết thúc truyện Người thiếu phụ áo trắng trước khi con đi.”

“Miss Logan sẽ đọc cho phu nhân”, tôi nhắc bà.

“Giọng cô ta khàn khàn… mà lại không biết đặt vào truyện những xúc cảm cần thiết.”

“Thế còn Cassie…?”

“Không, Cassie thậm chí còn tệ hơn. Nó không biết đọc diễn cảm, nghe sẽ không biết là nhân vật nữ đang nói hay là một tên điểu cáng. Ôi trời ơi, ta không hiểu cớ làm sao người ta lại phải đi hưởng tuần trăng mật với chả trăng đường. Thật bất tiện vô cùng.”

“Con lấy làm hãnh diện là phu nhân lại thấy thiếu con đến thế.”

“Bây giờ ta cảm thấy mình yếu ớt quá chừng… Và với sự ra đi của ngài Francis… Chả còn ai quan tâm đến ta nữa.”

“Tất cả chúng con đều quan tâm đến phu nhân như trước đây chúng con vẫn thế”, tôi phản đối. Bây giờ tôi có một vị thế khác… không còn thuần túy là đứa cháu gái của một người làm công cho gia đình họ nữa mà là con dâu tương lai. Điều này trao cho tôi một tư thế mới và tôi có ý định đứng ở vị thế mới.

Thế là các tuần nối nhau qua đầy niềm vui cho đến ngày cưới của tôi.

Đó là một ngày tháng Tư tươi sáng.

Và đây, tôi đứng bên Philip, cả hai chúng tôi ngời lên trong ánh nắng mặt trời rực rỡ rọi qua kính cửa sổ, chiếu sáng một tấm biển đá cho biết họ Sallonger đã mua tòa nhà này và đổi nó thành Nhà Tơ lụa. Philip nâng tay tôi lên, đeo nhẫn vào ngón tay tôi, cả hai thề sẽ sống vui vẻ bên nhau cho đến khi cái chết chia lìa đôi lứa.

Chúng tôi đi dọc theo hành lang trong giai điệu rộn ràng của khúc ca mừng đám cưới của Mendelssohn, và tôi thoáng thấy khuôn mặt bừng sáng vì hạnh phúc của Ngoại.

Sau đó chúng tôi quay lại Nhà Tơ lụa và ở đây có một bữa tiệc nhẹ đãi đằng khách khứa. Vợ chồng tôi cúi đầu đáp lễ đón nhận lời chúc mừng hạnh phúc cho đến khi đầu bạc răng long, thế là đã đến lúc chuẩn bị lên đường. Ngoại đứng bên tôi trong phòng riêng của tôi, giúp tôi cởi áo cưới để mặt bộ đồ mà Ngoại cho là lý tưởng để đi du lịch.

Khi đã chuẩn bị xong, tôi ngẩng đầu lên nhìn khuôn mặt bừng lên niềm vui và lòng tự hào của Ngoại.

“Nom cháu thật đẹp, và đây là giây phút hạnh phúc nhất trong đời bà.”

Sau đó Philip và tôi lên đường đi Florence.

Đó là những ngày thần tiên và sẽ sống mãi trong ký ức của tôi. Hạnh phúc tràn ngập cả không gian. Bây giờ thì tôi không còn mảy may nghi ngờ bất cứ điều gì Ngoại đã nói lúc bà thúc giục tôi nhận lời lấy Philip. Bây giờ khi chúng tôi đã là những người tình đắm say thật sự, tôi khám phá ra một niềm hạnh phúc mới mẻ chỉ bộc lộ khi tôi đã làm vợ. Sự gần gũi đối với một người khác giới, sự thân mật xác thịt giữa đôi lứa yêu nhau có một cái gì thật kích thích, thật háo hức, thật tuyệt vời. Tôi chưa bao giờ cô đơn, lúc nào cũng có Ngoại bên cạnh, bà là trung tâm trong cuộc sống của tôi. Bây giờ lại có Philip, với anh, tôi có một vị trí thật đặc biệt. Anh quá tuyệt đối với tôi, lúc nào cũng nóng lòng làm cho tôi sung sướng. Tôi chính là ưu tiên số một của anh. Điều này vừa làm cho tôi cảm thấy mình bé bỏng lại vừa sung sướng vì được yêu nhiều như thế. Ngoại đã thấy trước điều đó nên mới nóng lòng muốn tôi lấy anh.

Anh không chỉ là người tình tuyệt vời: đắm say, nhiệt tình và nhẫn nại, anh còn là một người thầy với những hiểu biết sâu sắc về nhiều lĩnh vực. Tôi vẫn biết rằng anh dành cả tâm hồn mình cho công việc dệt lụa của gia đình – và nhờ đó tôi biết được rằng khi anh tập trung cho một điều gì thì một chi tiết nhỏ nhất cũng trở nên quan trọng đối với anh. Rồi tôi biết, tình yêu của anh dành cho âm nhạc cũng rất lớn, tôi bao giờ cũng bị hấp dẫn bởi tình yêu âm nhạc của anh và khi ở bên anh tôi học hỏi được ở anh nhiều điều về âm nhạc, nhờ đó có khả năng thẩm âm hơn.

Tôi cũng đem lòng yêu hội họa nữa. Anh có những kiến thức sâu rộng về bộ môn nghệ thuật này, đặc biệt là những họa sỹ thành Florence, trong có có một số người như Cimabue và Masaccio tôi chưa từng nghe tên. Anh quan tâm đến quá khứ và có thể kể về lịch sử Florence một cách sinh động tới mức tôi gần như có thể thấy những gì đã qua đang diễn ra trước mắt mình.

Vào tháng Tư, không có nhiều du khách viếng thăm Florence. Tôi cho rằng nhiều năm sau, nơi đây sẽ đông nghẹt du khách khi nó là một trong những điểm tham quan ở châu Âu. Lúc này chỉ có ít người nghỉ ở khách sạn điều đó có nghĩa là chúng tôi nhận được sự quan tâm đầy đủ của những người phục vụ, một điều sẽ không dễ có khi khách sạn đầy người.

Phòng nghỉ ở đây rộng và cao; phòng ngủ của chúng tôi được trang trí theo kiểu ghép mảnh giữa màu xanh và tím hoa cà. Cửa số kiểu Pháp mở ra một ban công mà từ đó chúng tôi có thể đứng nhìn đường phố phía dưới. Đây là một khách sạn đồ sộ, tôi nghĩ trước đây nó đã từng là một lâu đài bởi vì nó vẫn có giữ lại được phần nào vẻ nguy nga bề thế của nó. Tên khách sạn là Reggia. Có một cái gì ở đây tác động đến tôi mạnh hơn là vẻ kỳ lạ của nó. Tôi nghĩ tôi sẽ cảm thấy điều đó mạnh mẽ hơn nếu tôi ở lại đây một mình. Nhưng bởi vì bao giờ cũng có Philip bên cạnh nên tôi thực sự hân thưởng vẻ đơn côi và xa lạ của chốn này mà không nảy sinh một cảm giác lạ kỳ rằng ở một nơi như thế này người ta dễ chịu tác động của những cảm xúc mãnh liệt bởi vì ở đây có sự kết hợp lạ kỳ giữa vẻ bí hiểm với một sự quyến rũ đến mê hoặc.

Đó là những ngày vàng rực rỡ. Tất cả mọi cái dường như đều đầy hứng thú và niềm vui . Philip có một cách nhìn nhận sự việc sao cho nó xảy ra đúng như thế. Thế mà tôi đã nghĩ là anh chẳng có một mối quan tâm nào khác ngoài công việc – và ở một mức độ nhất định, chồng tôi là như vậy. Chúng tôi thường tay trong tay lang thang trên các đường phố ngắm nhìn người ta trưng bày hàng tơ lụa trong các cửa hiệu. Anh không thể cưỡng lại được ý muốn đứng lại ngắm nghía và đôi khi đi vào trong cửa hiệu hỏi giá cả, trực tiếp cầm miếng vải trong tay ước lượng nó, xoa lên mặt vải một cách say sưa với những ngón tay nhạy cảm. Tôi thường cười nhạo anh về điều đó, nói đùa rằng người bán hàng chắc sẽ bực anh lắm vì anh chẳng mua gì.

“Nếu vậy thì có khác gì chở củi về rừng?” anh cười hiền khô.

Tôi thích những cửa hàng nho nhỏ ở Ponte Vecchio. Chúng tôi ngắm nghía những món đồ nữ trang rẻ tiền, đôi khi cũng mua một hòn đá hoặc một cái vòng đeo tay hoặc một hộp có cẩn đá quý. Tất cả những điều này hết sức thú vị.

Có một người Italia chịu trách nhiệm chăm sóc chúng tôi. Tôi không biết anh ta làm nhiệm vụ gì khi khách sạn đông người nhưng khi có ít khách, anh ta cứ luẩn quẩn quanh chúng tôi và trở thành một người đầu sai.

Anh ta mang bữa điểm tâm lên từng phòng. Anh ta sẽ đứng lùi lại một chút gần bức rèm cửa và nhìn chúng tôi với nụ cười mến khách. Nếu vợ chồng tôi để quần áo trên giường, anh ta sẽ mắc nó lên bởi vì anh ta rất quan tâm đến quần áo của chúng tôi, đặc biệt là của Philip. Anh nói được một chút tiếng Anh pha giọng Ý và rõ ràng là anh thích thực tập thứ tiếng Anh trọ trẹ đó với chúng tôi. Sự có mặt của anh chỉ làm tăng thêm niềm vui trong những ngày đẹp đẽ và càng ngày chúng tôi càng khuyến khích anh nói nhiều hơn.

Người này cao cỡ… Philip, mái tóc nâu đậm và đôi mắt to màu đen giàu tình cảm.

Anh ta nhanh chóng phát hiện ra là chúng tôi đang trong tuần trăng mật.

“Làm sao anh biết được?”. Tôi hỏi.

Anh bồi nhún vai, ngước mắt lên trần nhà sơn phết cầu kỳ

“Thật là khó nói lắm a”. Anh ta thêm chữ “a” vào hầu hết các từ và nói bằng một giọng nghe như hát, chẳng giống tiếng Anh chút nào.

“Verra nisa”, anh nói, câu đó có nghĩa là “rất dễ thương”. Và từ đó, nó trở thành một trò vui giữa chúng tôi. Anh bồi xem chúng tôi như là người được anh che chở. Khi chúng tôi dùng cơm trong nhà hàng, anh sẽ đến gần, đứng cạnh người bồi bàn xem chúng tôi ăn uống. Nếu chúng tôi không thích một món nào đó, anh sẽ lắc lắc đầu và hỏi với giọng đầy lo âu: “Không dễ thương a?” làm cho hai chúng tôi phải phì cười.

Anh ta rất đỏm dáng và thuộc loại đàn ông thích trau chuốt vẻ ngoài. Tôi thường bắt gặp anh ta ngắm vuốt trước gương với một vẻ hoàn toàn mãn nguyện. Tên anh ta là Lorenzo. Philip đặt thêm cho anh ta một cái tên ghép là Lorenzo Hiển hách.

Ngày ngày trôi qua, anh ta càng lúc càng quyến luyến chúng tôi hơn. Philip cũng nắm được một số từ tiếng Ý và cùng với thứ tiếng Anh cà lăm của Lorenzo, chúng tôi học hỏi thêm được nhiều điều. Chúng tôi khuyến khích anh ta trò chuyện. Mọi thứ đều có vẻ ngộ nghĩnh hết sức và chúng tôi cười luôn miệng. Đó là những tiếng cười thoải mái vì nó bắt rễ từ niềm vui sống hơn là những chuyện bông phèng. Tôi nghĩ cả hai chúng tôi đều hết sức sung sướng là đã được sống trên đời.

Lorenzo hiểu được điều đó và dường như anh ta cũng muốn tham dự vào niềm vui của chúng tôi.

Anh ta muốn chúng tôi biết anh là chàng trai khá như thế nào, được bao nhiêu người đàn bà yêu quý. Thực ra, trong khi kể cho chúng tôi nghe, anh ta cảm thấy phiền lòng là trong một số trường hợp anh ta đã phải chạy trốn những người hâm mộ.Đôi tay của Lorenzo rất biểu cảm và anh ta làm những động tác như xua đi đám ruồi muỗi vo ve. Bao giờ anh ta cũng chọn một chỗ ngồi gần cái gương trong khi nói chuyện với chúng tôi để chốc chốc lại có thể liếc nhìn bóng mình trong gương, hoặc có thể sửa sang lại những lọn tóc quăn dợn sóng một cách tự hào. Mặc cho cái thói phù phiếm lồ lộ ấy vẫn có một cái gì rất đáng mến trong tính cách của Lorenzo và không ai trong chúng tôi cưỡng lại được ý muốn trò chuyện với anh.

Như tôi đã kể Lorenzo rất thích quần áo của Philip. Một lần chúng tôi trở về phòng bắt gặp anh ta đang đội thử cái mũ của Philip.

“Dễ thương a”, anh nói không hề ngượng ngùng vì bị chúng tôi bắt được quả tang.

Chúng tôi cố không lộ ra vẻ ngạc nhiên, mà thực ra thì chúng tôi không hề ngạc nhiên về những việc Lorenzo đã làm.

“Chiếc mũ hợp với anh lắm”, tôi nói.

“Trong chiếc mũ này… Lorenzo này… Trông quyến rũ nhiều a?...”

“Tôi chắc là thế. Anh sẽ không có khả năng rũ sạch các cô. Lại phải làm một cuộc chiến thôi.”

Một cách cung kính, anh ta bỏ mũ xuống, nghịch nghịch trong tay với một niềm vui thích của trẻ con rồi miễn cưỡng bỏ lại vào hộp.

Lorenzo thường hỏi chúng tôi đi chơi đâu và lại hỏi lần nữa khi chúng tôi trở về. Thực vậy, anh là một trong những nguồn vui của chúng tôi. Cả hai đều cười không ngớt về hình ảnh anh ta đứng chải chuốt trước gương với cái mũ của Philip.

“Đã bao giờ anh gặp một người phù phiếm như vậy chưa?” Tôi hỏi.

Philip đáp rằng có lẽ anh ta không phù phiếm hơn nhiều người khác chỉ có điều Lorenzo không giấu diếm điều đó thôi.

“Anh ta nhìn mình như một người tình vĩ đại”, anh tiếp tục. “Mà tại sao lại không phải như vậy chứ? Điều đó làm anh ta hạnh phúc. Chả có gì phải nghi ngờ về điều này.”

Chắc chắn là không.

Đôi khi chúng tôi ngồi ở những quán ăn ngoài trời, uống cà phê hoặc nhấm nháp rượu khai vị. Chúng tôi nói chuyện sẽ đi thăm thú chỗ nào và định đi đâu vào ngày hôm sau và chúng tôi không bao giờ thử không nói về kỳ công mới nhất của Lorenzo.

Những ngày thần tiên trong xứ sở thần tiên. Khi nghĩ đến Florence, tôi nhớ đến độ cao của tháp Fiesole, đến những ngôi nhà quây quần quanh những ngọn đồi thoai thoải bao quanh những vườn nho xanh tốt, những vườn hoa hay những ngôi nhà xinh xinh, những tòa kiến trúc theo kiểu Florence khổ hạnh với vẻ đồ sộ gần như dữ tợn trên các đường phố. Đặc biệt tôi nhớ nhà thờ chính Duomo và nhà thờ của San Lorenzo với những tảng đá hoa cương hùng vĩ và kiểu trang trí cẩn những viên đá màu thiên thanh, hồng ngọc và mã não. Tôi phát hiện ra bức tượng Lorenzo de Medici – Lorenzo Hiển hách.

Tôi thề là nó trông giống Lorenzo của chúng tôi. Thế là cả hai cố khám phá ra những nét giống nhau nữa rồi tự hỏi không biết Lorenzo của chúng tôi có đến đây ngắm nghía cái người nổi tiếng có cái tên trùng với mình không.

Có quá nhiều cái để chiêm ngưỡng – một sự phong phú tràn ra mọi phía. Nếu bạn sống ở đây một năm, bạn sẽ dần quen với nó, với tất cả các tòa lâu đài cổ kính: il Bargello từng là một nhà tù, rồi Palazzo Vecchio, Uffizi và Palazzo Pitti. Chúng tôi thích nấn ná ở Piazza della Signoria với một bộ sưu tập các bức tượng và các tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp của Loggia dei Lanzi.

Thời tiết ấm áp chứ không oi ả. Bầu trời có một màu xanh vĩnh cửu cộng thêm một nét đẹp nữa cho những tòa nhà sừng sững của thành Florence.

Trong lúc đứng chiêm ngưỡng những tác phẩm điêu khắc ở Piazza della Signoria, tôi để ý đến một người đứng gần chúng tôi. Ông ta bắt gặp ánh mắt của tôi bèn mỉm cười.

“Thật là một bộ sưu tập tuyệt vời”, ông ta nói tiếng Anh với một giọng Ý rất nặng.

“Đẹp lắm”, tôi đáp.

“Ông có thể tìm thấy ở đâu ngoài Italia những thứ như thế này không?” Philip hỏi.

“Tôi dám nói là không có ở đâu ngoài Italy”, người đàn ông đáp. “Ông bà đang đi du lịch?”

“Phải.”

“Chuyến du lịch đầu tiên của ông bà?”

“Với tôi thì không nhưng với vợ tôi thì đây là lần đầu.”

“Ông biết tiếng Anh. Sao ông biết chúng tôi từ đâu đến?” Tôi hỏi.

Người lạ mỉm cười. “Người ta có cách để biết được chứ. Cho tôi biết ông bà đến từ vùng nào của nước Anh? Tôi đã có lần sang Anh.”

“Chúng tôi ở vùng Epping”, Philip đáp. “Thế ông đã đến đó bao giờ chưa?”

“Ồ có. Một vùng rất đẹp… lại gần thành phố lớn, có phải không?”

“Tôi thấy là ông biết khá rõ.”

“Ông bà ở đây bao lâu?”

“Thêm một tuần nữa sau khi tuần này chấm dứt.”

Người đàn ông nhấc mũ cúi chào. “Chắc ông bà sẽ tận hưởng những ngày còn lại với bao vui thú.”

Khi người đàn ông đó đi khuất, tôi nói: “Ông ấy thật lịch sự.”

“Ông ta thích chúng ta bởi vì ta ngưỡng mộ những công trình kiến trúc trên quê hương ông”

“Anh nghĩ chỉ có thế thôi à? Ông ta có vẻ quá quan tâm đến chúng ta, hỏi chúng ta từ đâu đến, bao giờ rời khỏi đây nữa.”

“Đó chỉ là một cuộc trao đổi xã giao vô thưởng vô phạt mà thôi.”

Anh khoác tay tôi và chúng tôi thong thả đi tìm một nhà hàng có sân trời để có thể vừa ngồi trò chuyện vừa ngắm những hoạt động của phố phường trong lúc ăn.

Chúng tôi đi xem hát. Tôi mặc chiếc váy lụa Sallon màu da trời, Philip khoác áo nhung đen, đội chiếc mũ mà Lorenzo biểu lộ một sự đánh giá rất cao.

Lorenzo bước vào phòng chúng tôi kiểm tra một lượt trước khi chúng tôi đi. Anh ta vỗ hai tay vào nhau, ngây người ra ngắm chúng tôi với vẻ ngưỡng mộ, tôi biết anh ta đang hình dung bản thân mình trong chiếc áo tuyệt đẹp của Philip và đội chiếc mũ đáng ao ước kia. Anh ta tiếp tục vỗ tay, miệng tán tụng: “Thật tuyệt a! Thật tuyệt a!”

Đó là một đêm không thể nào quên, đêm cuối cùng của chuỗi ngày đẹp như một giấc mơ, chính vì vậy mà khi nhìn lại, tôi không thể tin được tai họa lại kề sát một bên như thế.

Vở opera có tên Rigolett; các giọng ca đạt đến trình độ siêu việt, khán giả vỗ tay hết mình. Tôi hoàn toàn bị giọng ca tuyệt vời của nhân vật ngài công tước và tên hề sầu muộn của ông mê hoặc. Tôi đắm mình trong bài đơn ca của nàng Gilda và bản tứ tấu trong đó ngài công tước đa tình ưa tán tỉnh phụ nữ, chủ tâm quyến rũ người con gái trong trắng ở quán trọ hòa với âm điệu sầu thảm của Gilda bị bỏ rơi và cuộc phục thù của Rigoletto. Tôi định bụng ghi nhớ tất cả để về kể lại cho Ngoại tôi nghe.

Trong lúc nghỉ giải lao, tôi nhìn lên một trong những lỗ hút trên tầng trên, trông thấy người đàn ông đã bắt chuyện với chúng tôi ở Piazza. Ông ta bắt gặp ánh mắt tôi và có vẻ nhận ra tôi bởi vì ông ta cúi đầu khẽ chào. “Này anh, nhìn kìa, đó là người đàn ông ấy.” Philip vẫn có vẻ mơ hồ. “Anh có nhớ là mình đã gặp ông ta ở Piazza không?”

Philip gật đầu lơ đãng.

Ra đến ngoài phố, tôi lại thấy ông ta lần nữa. Ông ta đứng lại như có ý đợi một người nào đó. Một lần nữa, chúng tôi lại gật đầu chào nhau.

“Có lẽ ông ta đang đợi người đánh xe”, tôi đoán.

Vợ chồng tôi quyết định đi bộ về khách sạn.

Một buổi tối đầy say mê quyến rũ, tôi muốn giữ lại cái đêm ấy. Chúng tôi đứng sát bên nhau trên ban công ngắm phố phường trong màn đêm thoảng hương hoa táo.

“Khi không có người đi lại, đường phố nom có vẻ bị đe dọa thế nào ấy”, tôi nói. “Người ta bắt đầu tự hỏi có phải là những kẻ hung bạo có mặt đâu đây khi thành phố bắt đầu nghỉ ngơi không?”

“Điều này có thể đúng với bất cứ chỗ nào”, Philip đáp một cách thực tế.

“Nhưng em nghĩ có một cái gì đó đặc biệt ở đây…”

“Em giàu trí tưởng tượng quá đấy, em yêu” Philip nói và đưa tôi vào trong phòng.

Ngày hôm sau, chúng tôi đi bộ cả ngày và sau bữa tối chúng tôi đã thấm mệt. Lorenzo lại chỗ chúng tôi đang ngồi ăn, trong căn phòng gần như vắng vẻ.

“Anh chị không đi xem ca kịch tối nay a?”

“Không. Chúng tôi đi xem tối qua rồi.”

“Tuyệt lắm, Lorenzo ạ.” Tôi nói thêm

“Dễ thương a? Rigoletto phải không?”

“Đúng thế. Các giọng ca thật mê li.”

“Vậy tối nay anh chị không đi đâu a?”

“Không,” Philip nói. “Tối nay chúng tôi sẽ đi nghỉ sớm. Cần phải viết mấy lá thư. Chúng tôi khá mệt nên sẽ đi ngủ sớm hơn thường lệ.”

“Thế thì tốt a!...”

Trở về phòng, chúng tôi ngồi viết thư. Lá thư tôi viết khá dài trong đó tôi kể cho Ngoại nghe về những danh lam thắng cảnh ở Florence và buổi đi xem ca kịch ở nhà hát tối hôm trước. Philip nhận được tin tức từ nhà máy và đang đắm mình trong việc trả lời.

Sau đó hai vợ chồng tôi ngồi một lát ngoài ban công rồi vào giường ngủ.

Sáng hôm sau bữa điểm tâm mang đến trễ không phải do Lorenzo mà là một người bồi khác mang đến.

“Có chuyện gì với Lorenzo vậy?” Tôi hỏi.

Tiếng Anh của người này chỉ là vài tiếng bập bẹ. “Đi… rồi.”

“Mà đi đâu?”

Anh ta đặt khay thức ăn xuống, vẻ mặt ngây độn, giơ hai tay lên tỏ vẻ không biết phải làm gì.

Khi người bồi đi khỏi, chúng tôi nói chuyện về Lorenzo. Chuyện gì đã xảy ra? Không thể có chuyện anh ta đi luôn.

“Anh nghĩ lẽ ra anh ta phải nói cho chúng mình biết anh ta nghỉ việc một ngày chứ.”

“Kể cũng lạ thật. Nhưng Lorenzo là như thế. Em dám nói là chúng mình sẽ nghe tin anh ta sớm thôi.”

Chúng tôi xuống đến dưới nhà nhưng không ai biết anh ta đi đâu, rõ ràng là họ cũng ngạc nhiên như chúng tôi về vụ anh ta mất tích.

“Chắc là anh ta đang say sưa với chị nào đấy thôi.” Philip đùa

Chúng tôi ra ngoài và dạo chơi lang thang trong thành phố. Trên đường đi qua lâu đài Medici và với một Lorenzo trong đầu, chúng tôi nói chuyện về một Lorenzo khác, hậu duệ của một gia đình đầy tiếng xấu, nắm quyền lực tối cao ở Lorenzo vào thế kỷ thứ 15.

“Lorenzo il Magnifico”, Philip tỏ vẻ trầm tư, “hẳn là một người vĩ đại nên mới lừng danh thế giới như thế. Phải, ông ta là một người hiển hách. Đã cống hiến một phần lớn gia tài của mình để khuyến khích nghệ thuật hội họa và văn chương. Biến Florence thành trung tâm nghệ thuật lớn. Em biết không, ông ấy đổ rất nhiều tiền vào thư viện do ông ấy lập nên; quy tụ bên mình những nhà điêu khắc và họa sĩ lớn nhất mà thế giới từng biết đến. Thật là một việc làm vĩ đại bậc nhất. Anh tin là ông ấy có rất nhiều quyền lực và điều này không phải là tốt với tất cả mọi người, vậy mà lúc qua đời ở Florence, ông ấy đã đánh mất ít nhiều quyền năng của mình. Con của những con người vĩ đại thường không sánh được với cha mình và sau đó thành Florence đã trải qua những giai đoạn khó khăn”.

Tôi không thể không nghĩ đến Florence của chúng tôi.

“Em hy vọng không có gì rắc rối khi anh ta trở về. Em cho là người ta sẽ không hài lòng với việc anh ta làm… bỏ đi như thế không nói một tiếng là sẽ đi đâu.”

Chúng tôi mua hàng ở Ponte Vecchio rồi tản bộ đến Arno, nơi mà theo Philip, nhà thơ vĩ đại Dante có cuộc tình đầu tiên với nàng Beatrice.

Tôi thật vui sướng là cuối cùng chúng tôi cũng về lại Reggia bởi vì tôi không thể xua Lorenzo ra khỏi tâm trí.

Có một chuyện kinh khủng đang đợi chúng tôi.

Vừa bước chân vào khách sạn, chúng tôi đã biết ngay là có chuyện. Một trong số người bồi và hai cô phục vụ vội vã đi về phía chúng tôi. Thật khó mà hiểu được họ nói gì khi cả ba cùng tranh nhau nói bằng tiếng Ý và thi thoảng có chen vài từ tiếng Anh.

Chúng tôi không tin là đã hiểu đúng ý họ. Lorenzo mà chết ư?

Có vẻ như anh bị tấn công ngay sau khi rời khách sạn vào tối hôm trước. Xác anh bỏ lại ở một trong những con hẻm nhỏ sau khách sạn và đến tận sáng hôm sau mới được một người trên đường đi làm phát hiện ra.

Ông quản lý khách sạn bươn bả chạy đến.

“Tốt quá, ông ba đã quay về”, ông ta nói. “Cảnh sát muốn trao đổi… Tôi phải báo với họ là ông bà ở đây. Họ muốn hỏi chuyện…”

Chúng tôi đứng chết trân, tự hỏi cớ làm sao họ lại muốn gặp chúng tôi, nhưng cả hai đều sững sờ nhớ lại tiếng cười hồ hởi của Lorence vừa mới đây đã hóa thành người thiên cổ nên không nghĩ nhiều về chuyện đó nữa. Hai viên cảnh sát đến tìm chúng tôi, một người nói tiếng Anh rất khá. Ông nói họ không nhận ra Lorenzo ngay bởi vì anh mặc một chiếc áo khoác có mác của một nhà may ở London. Mới đầu họ nghĩ nạn nhân của cuộc tấn công là một du khách ở Florence. Nhưng chẳng bao lâu người ta xác định nạn nhân là ai. Họ cho rằng động cơ của cuộc tấn công là cướp của, nhưng khó có thể xác định là cái gì đã bị mất.

Chúng tôi vô cùng bối rối. Đoạn tôi nhớ là Lorenzo rất thích cái mũ đi coi hát của Philip. Tôi nói tôi muốn về phòng riêng. Qủa vậy, chiếc hộp đựng mũ trống không, cả áo khoác cũng không có trong tủ áo. Tôi vội vã xuống nhà báo cho họ biết.

Kết quả là chúng tôi được mời đi để nhận diện cái áo khoác đẫm máu. Không có gì phải nghi ngờ, đó chính là áo của Philip. Vào lúc ấy, họ cũng tìm thấy cái mũ. Vừa trông thấy nó, tôi đã đoán được chuyện gì đã xảy ra.

Chúng tôi rất sững sờ và điều này đã tác động nhiều đến vợ chồng tôi. Cả hai đã rất vui với sự có mặt của Lorenzo và thích thú trò chuyện với anh. Tôi nhớ lại rằng buổi tối định mệnh ấy anh đã hỏi xem chúng tôi có đi đâu không và khi biết chúng tôi sẽ ở lại khách sạn, anh đã lén lấy áo và mũ của Philip để rồi bị nhầm là một khách du lịch giàu có và tìm đến cái chết.

Thật là bi thảm, chúng tôi cảm thấy mình có liên quan mật thiết đến chuyện này vì rằng anh đã bị chết trong chiếc áo của Philip. Tôi cứ day dứt về anh bồi này mãi, đi đi lại lại trong phòng vơ vẩn nghĩ về anh – một thanh niên tuấn tú có sức quyến rũ đối với cả hai phái.

Tính phù phiếm đã giết anh, nhưng đó là một sự phù phiếm vô hại, đáng yêu.

Lorenzo đáng thương – tràn đầy sức sống và hội đủ điều kiện để vui hưởng cuộc đời, vậy mà chỉ vì một hành động thiếu suy nghĩ… đã chấm dứt tất cả.

Và tuần trăng mật của chúng tôi cũng kết thúc. Chúng tôi chẳng còn tìm thấy niềm vui ở thành Florence tráng lệ nữa. Nơi này đã để lộ một khía cạnh mới. Các đường phố với những công trình kiến trúc tuyệt đẹp ghi dấu ấn của một quá khứ vàng son oanh liệt cũng có bóng dáng của tội ác.

Mỗi lần đi ra ngoài tôi lại như nhìn thấy Lorenzo… đang bước đi, mãn nguyện với đời và với bản thân mình, rồi bất thình lình một con dao oan nghiệt ở đâu phóng tới cắm phập vào lưng anh.

“Anh nghĩ có lẽ tốt nhất là chúng ta nên về nhà.”


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...