Mê Thần Ký
Chương 12
Phủ khăn trải bàn xong, khám xong cho vài bệnh nhân lẻ tẻ, thu được hai lượng bạc phí khám, chàng bèn tới quán trà kế bên mua một chén trà đặc, đổ vào ấm tử sa mình yêu thích, cầm ấm trà nong nóng trong tay, đôi mắt khép hờ, thong dong thoải mái tắm nắng.
Chàng thích lười biếng ngồi ở đầu phố, nghe tiếng bước chân tới tới lui lui của người người qua lại.
Nhấp nửa ngụm trà, từ từ mở mắt ra, đôi mày lập tức nhíu lại.
Chàng lại nhìn thấy cô gái đó.
Cô gái tỏ ra rất lo lắng, cẩn thận dè dặt chào một câu: “Chào buổi sáng”.
“Hôm qua… rất xin lỗi. Huynh… huynh vẫn còn giận muội à?”, nàng cúi đầu, bộ dạng đáng thương hỏi.
“Cô có việc gì?”, chàng giả vờ không nhận ra người này, thờ ơ hỏi.
“Thật ra muội muốn nói… muốn nói, huynh không cần phải ở trong cái chỗ… cái chỗ khách điếm tồi tàn ấy. Muội định mời huynh tới chỗ tốt hơn một chút”, thấy mặt chàng hầm hầm, nàng càng lắp bắp.
“Không cần đâu, nơi tôi ở rất thoải mái”, chàng cự tuyệt không chút khách khí.
Dụ Long khách điếm nơi chàng ở cách con phố này không xa, trên cửa lớn còn treo hai tấm chiêu bài, lời rằng: “Cơm rượu rẻ rề, ninh xào đủ cả”.
“Huynh quá khách khí rồi. Thật ra… đấy là dự định của muội hôm qua. Lẽ nào huynh không nhận ra, hiện giờ trên người muội chẳng còn thứ gì sao?”, nàng mi sầu mày khổ nhìn chàng.
Lúc này chàng mới ngước mắt, phát hiện nàng vẫn mặc bộ áo xám hôm qua, khuyên tai, trâm vòng trên người đều không thấy đâu nữa rồi, đành phải hỏi: “Sao rồi? Bị người ta cướp hả?”.
“Muội có việc ra ngoài một chuyến, lúc về phòng thì chẳng còn gì rồi. Nếu không phải bộ y phục này dính toàn bùn, chỉ sợ ngay cả nó cũng chẳng giữ được”, nàng bộ dạng túng quẫn, tựa như đi vào đường cùng: “Rõ ràng muội đã khoá cửa, sao đồ lại mất hết được? Tìm lão bản khách điếm nói lý, bọn họ chối đây đẩy, nói là tại muội không cẩn thận”.
Cuối cùng cũng hiểu ra nguyên do nàng tới, chàng hỏi: “Cô muốn mượn tiền tôi?”.
“Không, không, không”, nàng nói: “Là thế này, vừa rồi muội đi một mình trên phố, thấy một tay bán gạo, muội muốn mua cái hũ đựng gạo bằng đồng của hắn, rồi… rồi lại bán đi, như thế muội có thể kiếm được tiền”.
Lý do của nàng nghe rất hoang đường, Tử Hân cũng chẳng buồn tìm hiểu, liền hỏi: “Muốn mượn bao nhiêu?”.
“Muội bảo hắn là một lượng bạc, hắn không bán, nói là đồ tổ tiên truyền ại, nhất định đòi mười lăm lượng mới chịu bán.”
Chàng móc bao tiền tung vào tay nàng: “Cầm hết đi là được, nếu vận khí đỏ trong đấy có thể có mười lăm lượng”.
Nàng xấu hổ, mặt mày đỏ lựng, kinh ngạc nhìn chàng: “Trên người mình có bao nhiêu tiền, huynh trước giờ chưa từng kiểm qua?”.
“Chưa từng.”
Nàng nặng nề bước đi. Một lúc sau, quả nhiên vui vẻ hớn hở bê về một cái hũ đồng vừa to vừa đen, nói: “Đồ tạm thời để ở chỗ huynh. Muội đi mua y phục để tắm rửa, sau đó đi tìm người mua. Có lẽ tầm trưa là có thể trả bạc lại cho huynh, chúng ta sẽ gặp mặt ở đâu?”.
“Dụ Long khách điếm.”
“Lát nữa gặp lại! Đúng rồi, muội tên là Tô Phong Nghi. Không gặp không về nhé!”
Chàng gật đầu một cái lấy lệ, bản thân chẳng hề có chút ấn tượng nào với cái tên này.
…
Sau đó, suốt cả ngày, chàng không gặp lại cô gái đó nữa.
Trên giang hồ bọn lừa đảo vốn rất nhiều, nam có nữ có, chính chàng cũng đã bị lừa mấy lần.
Dần dần, chàng bắt đầu cảnh giác với những người lạ chủ động tìm tới bắt chuyện với mình.
Có lẽ, nàng không tìm được khách mua, không kiếm được tiền cho nên xấu hổ không dám gặp chàng… Tuy nhiên, xem ra nàng không giống người dễ mà xấu hổ.
Hay là, nàng vốn không định trả lại tiền, cái hũ đồng vừa đen vừa nặng nọ xem như dùng mười lăm lượng bạc bán đứt cho chàng rồi. Chàng cần thận đánh giá cái hũ đồng, cảm thấy hình thù có chút cổ quái, có chút quen mắt, lại tựa như thiếu cái gì đó, nói tóm lại là hình như đã từng thấy qua nó ở đâu.
Tiền không có thì có thể kiếm lại, bớt đi một nữ nhân phiền phức, chàng cảm thấy nhẹ người bội phần.
Cứ như thế qua một đêm, lại qua thêm một ngày, chàng vẫn hành y ở chỗ cũ, ăn cơm ở chỗ cũ, ngủ ở chỗ cũ, Tô Phong Nghi trước sau vẫn không lộ diện.
Dần dần, không biết vì sao, chàng đột nhiên cảm thấy có chút bất an.
Cô gái này rõ ràng gan không nhỏ. Một mình đào hôn trốn ra ngoài, cho dù đầu óc không ngu dốt, lại biết chút võ công nhưng xét cho cùng vẫn rất không an toàn. Trên giang hồ lòng người hiểm ác, việc đáng sợ đến mấy đều có thể xảy ra.
Nghĩ tới đây, chàng cảm thấy bản thân chí ít cũng nên tới khách điếm nàng ở hỏi thăm một chút, xem người này có còn ở đấy không? Lại nghĩ, bản thân tới đó thế này, nếu quả thật gặp cô ta, hoá ra lại thành đòi nợ. Nếu trong tay nàng không có tiền, há không phải rất khó xử sao?
Giờ chàng mới phát hiện cho người khác vay tiền quả thật là một việc rất phiền phức, rõ rành rành là người ta nợ mình, lộn xộn một hồi, cuối cùng lại thành mình nợ người ta. Nếu đã như thế, chẳng bằng lúc đầu đem mười lăm lượng bạc ấy tặng luôn nàng cho xong.
Nghĩ tới nghĩ lui một hồi, chàng vẫn lên ngựa tới Thanh Nguyên khách điếm, lúc ấy trời đã tối.
Sàn Thanh Nguyên khách điếm được lát gạch vuông khắc hình hoa hải đường, bài trí trong khách sảnh mang đậm phong vị cổ. Thảm lông sắc đỏ sậm trải khắp từ bậc thang tới dọc các hành lang và lối đi. Ở thềm cửa chính một tiểu nhị trung tuổi đang đứng, người này mặt dài răng đều, nụ cười chất phác, thấy chàng đi ngựa đến liền rời thềm ra nghênh đón, khách khí cúi mình, nồng nhiệt chào mời: “Khách quan vất vả rồi! Chỗ chúng tôi có phòng hạng sang…”.
“Tôi có thể hỏi thăm một người chăng?”, Tử Hân ngắt lời tiểu nhị.
“A, xin hỏi khách quan muốn hỏi thăm vị nào?”
“Nơi đây có phải có một vị Tô cô nương, sáng hôm trước tới trọ không?”
“Xin đợi một chút”, tiểu nhị lấy sổ, lật lật vài trang, rồi “A” một tiếng, nói: “Đúng là có người này. Cô ấy trả tiền phòng hai ngày, tối qua chưa về, tới hôm nay cũng không thấy bóng dáng. Hẳn là đã lẳng lặng đi rồi. Chúng tôi quét dọn phòng cô ấy một lượt để cho khách khác ở rồi”.
Khách điếm có quy củ của khách điếm. Tối vào thuê, sáng ngày hôm sau ăn xong bữa sáng lên đường, tính một ngày tiền thuê; nếu tới chiều mới đi, thì đã tính tiền phòng hai ngày rồi. Khách điếm lớn, khách trọ đông đúc phức tạp, thường đều phải thu tiền đặt phòng.
“Cô ấy có đem hành lý của mình theo không?”
“Không. Ài, công tử có chỗ không biết. Cái việc khách ở đây trốn thanh toán tiền, không từ mà biệt là chuyện hay xảy ra, huống chi trong phòng của cô ấy trừ một bộ y phục và một túi hành lý rách, còn lại chẳng có gì. Lúc vừa mới tới lại còn kêu mình bị mất đồ, định bắt đền chúng tôi nữa chứ”, trên mặt tiểu nhị lộ ra vẻ khinh bỉ.
Chàng hơi chột dạ, cảm thấy có chút không ổn, lại hỏi: “Liệu có ai khác từng đến tìm cô ấy chăng?”.
Tiểu nhị nghĩ một chút rồi đáp: “Trưa hôm qua, người của Thanh Hoan các có tới tìm cô ấy, cũng giống như công tử đây, đứng ở thềm này hỏi số phòng”, sau đó tiểu nhị nói cho Tử Hân, Thanh Hoan các là tiệm đồ cổ có tiếng nhất ở đất này, lão bản Tôn Chi Hằng là nhân vật bắc đẩu của giới đồ cổ.
Tử Hân hỏi rõ địa chỉ mới biết Tôn Chi Hằng vốn xuất thân là cử nhân, phú thương lớn nhất dọc dải này, nhà nuôi một đám môn khách, có một toà trang viên rộng mười dặm vương dựa vào chân núi ở phía đông thành, cách nơi này rất xa.
Tử Hân lập tức thúc ngựa lên đường, đi mất nửa canh giờ mới tới nơi. Thấy cửa lớn trang viên khép hờ, hai bên đều treo đèn lồng da dê rất lớn, chiếu lên cánh cửa khảm đồng sáng lấp lánh. Ở dưới có hai gia đinh đứng canh, người ra người vào không ngớt. Xuống ngựa đi tới, đang định thưa rõ ý muốn, không ngờ có một người từ bên trong vội vàng chạy ra hỏi: “Các đại phu rốt cuộc tới được mấy người? Ba người vừa mới vào đều không được việc gì hết!”.
Một gia đinh cung kính hồi đáp: “Hồi bẩm tổng quản, người đến có Vu đại phu của Dưỡng Sinh đường, An đại phu của Linh Chi quán, còn có Nhạc đại phu của Đồng Lâm các… Bọn họ ở gần nhất. Những người khác vẫn chưa thấy tới. Đại thiếu gia vừa rồi đã lại liên tục sai người đi mời, chắc là tới ngay thôi. Phương tổng quản, lão gia đã khoẻ hơn chưa?”.
Phương tổng quản vừa giẫm chân, vừa rút khăn tay lau mồ hôi: “Khoẻ hơn rồi mà ta còn thế này à? Bên trong sớm đã loạn lên rồi! Ba vị đại phu bắt mạch xong đều nói không chữa được, e rằng phải chuẩn bị hậu sự. Thiếu gia ở trong đại sảnh nổi giận, thét đuổi hết các đại phu đi rồi. Các vị phu nhân đang ở bên giường khóc lóc”.
Hai người đang trò chuyện, chợt thoáng liếc thấy Tử Hân, chàng tuy trên người ăn vận áo bào xám giản dị nhưng dung mạo đường hoàng, thần thái bình đạm, không giống phường tầm thường, nơi mi mày còn có nét thanh tao tuấn nghị hiếm thấy. Phương tổng quản không dám chậm trễ, bèn hỏi: “Dám hỏi vị công tử này, tới đây có việc gì chăng?”.
Tử Hân nói: “Tôi là Diêu đại phu…”.
Phương tổng quản cho rằng chàng cũng được thiếu gia mời tới, vội nói: “Diêu đại phu tới vừa đúng lúc! Cứu người là trên hết, mời qua bên này”, thế rồi nhanh chân dẫn lối, không kịp hàn huyên, hai người xuyên qua hết hành lang rồi lại phòng ốc, nhanh chóng tới một gian phòng ấm áp, sớm đã thấy trong màn trướng có tiếng khóc lóc. Nữ quyến thấy có nam khách tới, lũ lượt tránh đi. Nằm trên chiếc giường lớn bằng gỗ lim là một vị lão ông tuổi bảy mươi có dư, mồm miệng méo xệch qua một bên, nửa người run bần bật, nước dãi không ngừng chảy ra, ướt đẫm một mảng trên gối. Tử Hân liếc mắt là biết đây là khí dương ở gan bạo trướng, dẫn tới can phong, tâm hoả lại thịnh, phong hỏng hỗ trợ nhau khiến sinh ra chứng phong đàm. Không nói nhiều lời, chàng trước tiên đỡ lấy ông lão, rút năm cây ngân châm, châm vào các huyệt Bách Hội, Phong Trì, Địa Thương, Giáp Xa, Á Môn, vê nhẹ một lúc rồi lại sai người xoa bóp vung vẫy cho tay chân ông lão hoạt động, qua một lúc, thân thể ông lão liền ngừng co giật, yên ổn trở lại. Tử Hân lui ra phòng ngoài, cầm bút kê một đơn thuốc, viết được một nửa, bỗng thấy một nam nhân mặt mày âm trầm mình vận áo quý bước vội tới, cúi đầu vái một vái, hỏi: “Tiên sinh cao minh, ân cứu mạng cao sâu, nát thây khó báo! Xin thứ cho gia nhân ngu độn, chưa được thỉnh giáo cao danh quý tính của tiên sinh, hành nghề ở phương nào?”.
Tử Hân cười nhạt: “Tôi họ Diêu, tên chỉ có một chữ Nhân. Là lang trung phiêu bạt, bốn bể làm nhà. Hôm nay gặp mặt, xem như có duyên. Bệnh của lão gia tuy tạm thời không sao nữa, đáng tiếc tuổi tác đã cao, chỉ sợ việc khôi phục là rất khó khăn. Mỗi ngày cần có người xoa bóp tứ chi, thuốc này một ngày uống ba lần, kiên trì đều đặn, sau ba tháng có thể thấy chuyển biến. Tại hạ còn có việc của mình, chính đang định cáo từ”.
Nam nhân nọ thở dài một tiếng, nói: “Gia phụ thuở trẻ hay tranh cường hiếu thắng, khi về già lại thanh nhã rộng lượng, mấy chục năm nay chưa từng cãi nhau với ai, không ngờ cuối đời lại có cái nạn này. Trời đêm khuya khoắt, phố chợ lại xa, xin tiên sinh thư thư, đợi kẻ hèn này chuẩn bị cơm rượu để tỏ lòng cảm kích”.
Tử Hân xua tay lia lịa, nhân cơ hội hỏi thăm: “Có một vị cô nương họ Tô, là người quen của tại hạ. Nghe nói hôm qua có người mời tới đây, suốt đêm chưa quay về. Không biết công tử có hay cô ấy hiện ở đâu không?”.
Nam nhân kia mặt hơi biến sắc, nhìn chàng từ trên xuống dưới đánh giá lại một lượt, trầm ngâm hồi lâu mới nói: “Tô cô nương đúng là đang bị giam trong chuồng ngựa nhà tôi, tôi vốn định giải lên quan xử lý. Nếu đã là người quen của tiên sinh, vậy xin tiên sinh đưa cô ta đi, liều liệu quản giáo, tránh tác oai tác quái”.
Tử Hân còn muốn hỏi kỹ, nam nhân kia lại đeo bộ mặt từ chối giải thích, bèn thầm nghĩ hẳn Tô Phong Nghi đã làm chuyện gì đó lỗ mãng, chỉ đành cảm ơn một tiếng, nói trời đã tối, muốn cáo từ rời đi. Nam nhân kia cố sức níu giữ, thấy chàng đã quyết ý mới khách khí biếu một khoản tiền khám hậu hĩnh rồi tiễn chàng ra cửa, lại sai người đưa Tô Phong Nghi ra.
Thoáng cái đã thấy Tô Phong Nghi đi ra, tay vẫn đang bị trói quặt sau lưng. Tử Hân thấy môi nàng rách, trên mặt chỗ tím chỗ thâm, trước trán có chỗ sưng to tướng, đầu tóc tán loạn, y phục xộc xệch, đi lại loạng choạng, tựa như phải chịu đày đoạ không nhỏ. Trong lòng xót thương, thấy nam nhân kia chưa rời đi, không nhịn được hỏi: “Thương tích của Tô cô nương…”.
Nam nhân kia cười lạnh: “Tôi sai người giam cô ta lại, cô ta không phục náo loạn lên với đám gia đinh. Con nha đầu này cũng thật hung dữ, lại dám lấy một địch mười, cũng không chịu nghĩ xem đây là nơi nào!”.
Còn chưa dứt lời, “bình” một tiếng, Tử Hân một quyền thụi thẳng vào sống mũi gã, đánh cho gã nổ đom đóm mắt, máu mũi ròng ròng. Bị bất ngờ, nam nhân ngẩng mặt sắp ngã, Tử Hân vẫn không ngừng tay, quăng trượng qua một bên, nhảy lên người gã nện xuống như mưa, nam nhân nọ oai oái kêu la không thôi. Hai gia đinh bên cạnh sớm đã bổ nhào tới như ác hổ. Tô Phong Nghi đã cướp đường tới kéo Tử Hân, nhanh chóng tháo thừng trói tay, hô lớn một tiếng: “A Nhân! Lên ngựa!”, hai người cùng nhảy lên ngựa, ngựa hý dài một tiếng phóng đi.
Mắt thấy đám gia đinh chong đèn đuổi theo, hai người cuống cuồng không nhìn đường mà chỉ cắm đầu chạy, phi một mạch men theo đường núi mé đông thành. Đi đến chỗ đường hẹp, tiếng người ầm ĩ phía sau đã dần biến mất. Tử Hân buông lỏng cương ngựa, giờ mới cảm giác thấy Tô Phong Nghi đang ôm chặt lấy lưng mình cứ như một con sóc trên cây vậy. Tiếng tim nàng đập truyền qua lưng chàng vọng tới.
“Không sao rồi”, chàng vươn eo, muốn giãy khỏi vòng tay nàng, không ngờ nàng còn siết chặt hơn, thì thầm sau lưng: “Huynh… sao huynh lại xuất hiện ở đó?”.
Chẳng buồn giải thích, chàng tuỳ tiện đáp một câu: “Ngẫu nhiên thôi”.
Qua một lúc, nàng mới buông tay: “Đa tạ huynh tới cứu muội”.
“Không cần khách khí”, giọng chàng lạnh lùng trở lại: “Bệnh của ông lão đó chắc không phải do cô chọc tức thành ra như thế chứ?”.
“Sao huynh biết?”
“Rốt cuộc cô nói cái gì mà khiến một người đang sống khoẻ tức tới nỗi phát bệnh, miệng sủi bọt, toàn thân co giật như thế?”
“Lúc đầu muội chỉ nói có sáu chữ…”, Tô Phong Nghi vòng vo thủ thỉ rồi kể lại câu chuyện.
Nàng nói, mình tìm được việc ở tiệm đồ cổ, giám định một cây cổ cầm cho người ta. Cây cổ cầm đó vốn đã có giấy giám định của Tôn Chi Hằng, nói là xuất xứ từ họ Lôi thời Đường. Nàng thì lại nói là đồ giả, người mua tin lời nàng, quay đầu bỏ đi. Tôn Chi Hằng nghe thấy tin ấy thì đại nộ, phái người tìm nàng tới đấu lý. Lúc tới Thanh Hoan các, lão tiên sinh đang ngồi trong sảnh chuyện phiếm với một đám môn khách, còn không đợi nàng mở miệng đã liên miên bất tuyệt dẫn này dẫn nọ giáo huấn nàng một chập. Ý tứ chính là, đứa nhóc con vắt mũi chưa sạch nhà ngươi, vừa mới vào nghề, tay chân vụng về, lời nói ra với bậc trưởng bối phải giữ sự kính trọng.
“Muội thật thà nghe ông ấy nói. Đợi ông ấy nói xong rồi mới nghiêm túc nói với ông ấy: ‘Lão tiên sinh, cháu sai rồi’.”
Tử Hân ngạc nhiên, cảm thấy buồn cười: “Ông ấy không đến nỗi nghe được câu này mà như bị trúng gió chứ?”.
Tô Phong Nghi lí nhí nhỏ giọng nói: “Đương nhiên không đến nỗi. Nhưng mà ông ấy chết cũng không nhận sai, còn bảo muội hồ ngôn loạn ngữ. Muội đành phải theo lý mà tranh luận, kể ra bảy lý do, phản bác hết từng câu, từng chữ của ông ấy. Trước mặt đám môn khách, mặt ông ấy thoắt cái méo đi, đầu tiên là ngồi đơ ra đó một lúc, sau đó đột nhiên ngã xuống co giật”, dứt lời, nàng còn bổ sung thêm: “Kỳ thực, muội nói đều là thật, lẽ nào muội không nên nói thật?”.
Tử Hân quay đầu lại, nhìn vào mắt nàng trong bóng tối, dưới ánh trăng mông lung, chỉ thấy đôi mắt đen láy, bèn nói: “Nói thật rất quan trọng, có điều, sức khoẻ của người già cũng rất quan trọng”.
“Thảo nào huynh với muội không cùng một nghề”, Tô Phong Nghi cười lạnh.
Còn có chuyện gì có thể tồi tệ hơn chuyện đó sao?
Tựa như sự an bài của số mệnh, chàng và cô gái xa lạ này lại một lần nữa đồng hành trong đêm tối.
Thật không rõ giữa bản thân với người này có cái quan hệ mặc định nào đó chăng, chàng đã bị một loại những chuyện ngẫu nhiên quấn chặt lấy.
Không đèn không đóm, trời tối om om, không gian yên ắng, vó ngựa đạp trên con đường nhỏ trong tiếng côn trùng rả rích, lá cây lạo xạo dưới vó ngựa.
Chàng nghe thấy tiếng thở khe khẽ của cô gái sau lưng. Bị giam trong chuồng ngựa một đêm, trên người nàng có mùi cỏ khô và mồ hôi ngựa. Ban nãy hai người gặp mặt, rõ ràng vì bộ dạng nhếch nhác của bản thân mà nàng thấy bất an. Khi chàng đến gần, liền không quản tay bị trói, dụi dụi tóc mai, cố gạt rơi mấy cọng cỏ khô vương trên tóc, đôi mắt uyển chuyển long lanh, lộ ra vẻ bẽn lẽn xấu hổ vừa mềm mại lại xinh đẹp.
Từ trong vẻ bẽn lẽn xấu hổ ấy của nàng, chàng bỗng cảm nhận nỗi nhớ nhà vốn biến đâu mất đã lâu. Đang trong cơn buồn phiền, lại nghe tiếng tay nàng loạt xoạt vòng qua lưng, ôm chặt lấy eo mình… Chàng lại nghe thấy tiếng tim nàng đập, vô số những câu chuyện về hồ ly loé lên trong đầu chàng.
Bỗng nhiên, chàng nhớ tới nguyên tắc của mình, nguyên tắc tuyệt đối không dây vào bất cứ mối quan hệ nào với người lạ, bèn gỡ tay nàng ra, nhảy xuống ngựa, nhặt cành củi khô trên đường, lấy đá đánh lửa, làm thành cây đuốc.
Lặng lẽ đi trên con đường tối tăm hồi lâu, chợt thấy có lửa sáng, Tô Phong Nghi bèn đưa mắt nhìn, rồi cười khẽ: “Giờ này lẳng lặng đi đêm còn an toàn hơn so với thắp lửa đi. Chắc huynh biết điển cố tê nhiên chúc chiếu[1] nhỉ? Chỉ sợ sơn thần, yêu quỷ trong rừng đang kinh động bởi ánh lửa này thôi”.
[1] Hoặc Tê chiếu ngưu chử: Truyền rằng đốt sừng tê có thể khiến nước trong suốt, hiển lộ chân tướng. Ẩn dụ cho việc nhìn thấy mọi sự.
Nói rồi nghiêng đầu qua nhìn chăm chăm vào Tử Hân.
Chàng đưa mắt nhìn xung quanh, thấy rừng cây đung đưa, không gió mà động, mọi hang hốc trong rừng đều phát ra tiếng vọng quái dị, không khỏi cảm thấy lành lạnh, phảng phất như đi vào lòng nước, ma tộc xuất hiện.
Đúng vào lúc ấy, chợt thấy giữa đường có một con rắn lớn nằm cuộn tròn, đang định vung roi cảnh giới thì con ngựa tinh mắt đã nhẹ nhàng nhảy qua mình rắn. Con rắn đánh “phốc” một tiếng, hoảng sợ lao vào lùm cỏ.
Kế đó chợt nghe có tiếng gió rít truyền tới, hai người bất giác thụp đầu xuống, bên tai nghe “vút” một tiếng, mũi trường tiễn cán hồng lông đen đầu bịt sắt đã ghim vào thanh đuốc, kình lực cực mạnh, có thể xuyên qua cả cành cây khô đó!
“Có người!”
Tử Hân mắt nhanh tay lẹ, quăng cây đuốc đi rồi túm lấy Tô Phong Nghi lôi xuống ngựa, nấp sau cái cây lớn. Con ngựa cũng nhanh nhẹn thông minh, lặng lẽ nằm xuống lùm cỏ rậm ven đường.
Không gian khôi phục vẻ yên tĩnh.
Sau khoảng yên ắng ngắn ngủi, không xa có tiếng vó ngựa phóng nhanh truyền lại. Trên con đường nhỏ có người chạy trong bóng tối, roi ngựa quất mau nghe vun vút. Trên ngọn cây cũng khẽ động, có kẻ phi thân đuổi theo, tên bắn đi như mưa, lao đi như con thoi, từng mũi, từng mũi như sao xẹt găm xuống đất, ngập tới lông đuôi. Khắc ấy, sắc trời hơi rạng, ánh trăng mông lung ảm đạm chiếu xuống, con ngựa kia hý thảm, điên cuồng dựng vó rồi đổ ập xuống mất mạng. Người trên lưng ngựa tung người vọt đi mười trượng, mũi chân điểm nhẹ, thân mình xuyên qua cành cây, không sai không lệch trốn vào đúng trên cái cây Tử Hân và Tô Phong Nghi đang núp.
Mấy mũi trường tiễn kia chẳng chậm trễ đuổi theo không dứt, chỉ nghe “vút vút” mấy chục tiếng, đã ghim từ trên xuống dưới thành hàng ngay ngắn. Tử Hân thầm nghĩ cho dù có là nỏ cứng cũng không có kình lực nhường ấy, ắt phải do người có nội công thâm hậu, lực tay hơn người bắn đi mới có thể tới mức này.
Cung gỗ, tên trúc bịt đầu sắt, còn dây cung tết bằng cành mây.
Trên giang hồ chỉ có hai người nổi tiếng bởi thứ này, chính là huynh đệ Lộ Thiên Hồng, Lộ Thiên Vũ được người đời xưng là “Lộ thị song cung”.
Hai người này thường ngày như hình với bóng, đều là sát thủ thành danh đã lâu trong võ lâm, uy tín rất lớn, tiếp nhận thuê mướn của cả hắc bạch lưỡng đạo. Phàm là người bị họ truy bắt, quá nửa đều chưa kịp thấy bóng dáng của họ đã bị loạn tiễn ghim cho thành nhím.
Nguyên tắc của bọn họ chỉ có tám chữ: “Chỉ có giá tiền, không có thái độ”.
Làm chuyện tốt hay chuyện tệ hại, hoàn toàn do lập trường của người thuê quyết định. Rất có khả năng hai huynh đệ này nửa năm đầu sẽ đi ám sát khắp nơi, phóng hỏa hạ độc, không gì không làm, rước lấy vô số tai vạ, nợ không biết bao nhiêu mạng người; nhưng nửa năm sau sẽ lại vượt qua hiểm nguy, đột nhập vòng vây, giải cứu con tin, thản nhiên nhận cái dập đầu tạ ân, cúi mình bái tạ của người bị hại.
Chỉ cần một tờ hợp đồng được ký xong, trong thời gian quy định của hợp đồng, bọn họ tuyệt đối hết lòng với người thuê, có ai ra giá cao hơn cũng không thể lay động bọn họ.
Bất luận loại nhiệm vụ nào, bọn họ đều hoàn thành trót lọt, không hề phân tâm, thể hiện một tinh thần nghiêm túc chuyên nghiệp hiếm thấy.
Cho nên nếu ai đó bỗng một ngày trở thành mục tiêu của huynh đệ họ Lộ thì cho dù kẻ ấy có trốn tới tận chân trời góc bể cũng khó thoát khỏi cái chết.
Quả nhiên, người trên cây bị tên đuổi vây dày đặc tới mức không còn chỗ để đi nữa, bèn cao giọng nói: “Huynh đệ họ Quách, đi ngang qua đây, kinh động núi này, vô ý quấy nhiễu hai vị, có chỗ nào đắc tội, tại hạ xin chịu lỗi. Có câu ‘Xe qua đường hỏng, ngựa đi cỏ nát’, nếu hai vị muốn thu tiền mãi lộ, Quách mỗ nhất định kính cẩn dâng lên, xin cứ nói ra đừng ngại”.
Người họ Quách này nói một câu sáo ngữ lối “Điểm xuân” thường dùng trong các tiêu cục, có vẻ như người đã quen đi lại trong giang hồ nhưng hiển nhiên chưa hề đoán ra thân phận của huynh đệ họ Lộ, vẫn cho rằng bản thân gặp phải sơn tặc.
Chỉ nghe thấy trên ngọn cây phía xa có giọng người âm trầm nói: “Có người đã mua cái mạng của người, giá tiền đưa ra thỏa đáng, bọn ta bèn nhận thôi”.
Tử Hân núp bên dưới đang chăm chú nghe, Tô Phong Nghi bỗng cầm ngón tay chàng, ấn nhẹ lên thân cây rồi lại đưa tới mũi chàng.
Đầu ngón tay có thứ dinh dính, lại có mùi tanh nồng của máu. Tử Hân giật mình, nhận ra người trên cây đã bị trọng thương, máu men thân cây chảy xuống, nhỏ lên người Tô Phong Nghi. Lập tức có chút bội phục, vừa rồi người này cất giọng sang sảng, ngang với tiếng trống, khiến cho lỗ tai lùng bùng muốn điếc, cỏ cây cũng rung rinh, không những không lộ ra nửa điểm bản thân đã bị thương mà ngược lại còn ẩn chứa ý uy hiếp.
Lộ thị huynh đệ quả nhiên ngừng lại một chút, tên cũng dừng bắn, người trên cây đúng khi ấy ngã xuống, mắt thấy mình sắp chạm đất nhưng không làm sao chống đỡ nổi, “bịch” một tiếng rơi xuống, vừa vặn rơi ngay trước mặt hai người. Tử Hân đưa tay tới sờ thử, người nọ mất máu quá nhiều, đã hôn mê.
Chính vào lúc ấy, phi tiễn lại phóng đến như mưa, Tử Hân vội vàng đẩy Tô Phong Nghi vào bụi cỏ, rung voi cuộn một cái, kéo người kia ra đằng sau thân cây, đợi cho huynh đệ họ Lộ tới gần thì lại bất chợt vung roi quét một nhát, hất một mũi tên vào không trung, chỉ nghe có người “ai da” kêu lên một tiếng, rõ ràng là rất đau đớn, một người khác kinh hãi kêu: “Lão nhị! Con mồi cứng, lại có trợ thủ, lui trước cái đã!”.
Tiếng chưa dứt, người đã đi xa, cách mấy chục trượng bên ngoài vẫn nghe được tiếng Lộ Thiên Vũ kêu rên.
Sợ có trá nguỵ, hai người vẫn ẩn trong đám cây một lúc, thấy không còn động tĩnh gì mới thò đầu ra thăm dò, kiểm tra thương thế của người họ Quách kia.
Tô Phong Nghị nói: “A Nhân, người này vẫn chưa chết!”.
Tử Hân nhíu mày, hỏi: “Cô gọi tôi là gì?”.
“A Nhân… Không phải huynh tên là Diêu Nhân sao?”
“Vậy thì gọi tôi là Diêu Nhân.”
“A, vậy được.”
Chàng quay lại, đốt đuốc lên xem, người kia thân hình khôi vĩ, mày cao mi rậm, để râu quai nón, tướng mạo thập phần uy vũ. Cách người này không xa còn có một cây thiết kiếm lưỡi rộng, hộ thủ có hình hùng sư há miệng, trên hộ thủ còn cuộn thêm một lớp vải đỏ rất dày. Trên vai người này có hai lỗ máu đen ngòm, hẳn là mũi tên đã xuyên qua người, chỉ sợ còn bị ghim luôn đâu đó trên cây. Giữ lấy mạng mới là quan trọng, hẳn người này đã rút hết tên ra. Thời khắc như thế, đáng nhẽ phải ngồi yên bất động, bôi thuốc cầm máu, hắn lại còn gom một hơi chân khí sau cùng, lớn tiếng doạ địch, tất nhiên là chịu không nổi, hôn mê đi mất. Tử Hân vội vàng cầm máu, rồi xoa nắn khắp người hắn, vất vả hồi lâu cũng không thấy hắn tỉnh lại, đành bảo Tô Phong Nghi dắt ngựa trong rừng ra, đặt người này lên yên.
“Nhất định phải cứu hắn sao?”, thấy người nọ nằm yên bất động trên lưng ngựa như một bao gạch, chút nữa thì đè gãy lưng ngựa, Tô Phong Nghi hỏi: “Đêm khuya gió lớn xuất hiện ở chỗ này, lại còn bị sát thủ đuổi giết, muội thấy hắn quá nửa không phải người tốt”.
“Hắn còn chưa chết, tóm lại không thể quẳng hắn ở đó không cứu.”
“Hắn có liên quan gì tới chúng ta đâu? Lẽ nào hai kẻ trên cây nọ thật sự đã đi xa? Huynh không sợ chuốc lấy vạ vào thân, bị người ta bắn cho thành nhím à?... Để cái kẻ dở sống dở chết này chiếm mất ngựa, đến lúc đó có chuyện thì chẳng ai chạy thoát được.”
“Cô nói không sai”, Tử Hân lạnh nhạt nói: “Hắn chẳng có liên quan gì tới tôi, cô với tôi cũng không có quan hệ gì”.
Nói rồi chàng một tay dắt ngựa, không thèm để ý tới nàng cứ thế đi thẳng.
Nàng đứng lặng trong bóng tối một lúc, lệ đã trào đến mi mắt lại cố ép trở lại, rồi lủi thủi khập khiễng bám theo.
Tử Hân nhẹ nhàng chống trượng, đi song song với nàng mấy chục trượng, hai người đều khập khiễng một chân, bất tri bất giác liền đi theo một tiết tấu y hệt nhau. Tử Hân lập tức cảm thấy bực bội, dừng phắt lại, hỏi: “Chân của cô thật sự bị thương nặng thế sao?”.
“Không nặng, chỉ là đau một chút”, nàng nhìn Tử Hân.
“Ngồi xuống, tôi xem vết thương cho cô”, chàng lạnh lùng nói.
“Huynh dập lửa đi trước đã”, nhận ra tâm tình chàng hiện không tốt, nàng cảnh giác tìm một gốc cây ngồi xuống rồi tuỳ tiện đặt chân phải lên gối chàng.
Tử Hân quăng bó đuốc đi, cởi giày thêu, tháo tất lụa, khẽ xoa nắn bàn chân mịn màng.
“Ái!”, Tô Phong Nghi kêu lên một tiếng.
Gót chân nàng quả nhiên sưng vù lên, chắc là bởi lúc trước gây lộn với người ta. Tạm thời không tìm đâu ra thuốc tiêu sưng, Tử Hân bèn giúp nàng đi lại giày, nói: “Nếu cô đã không đi nổi, chẳng bằng tôi cõng cô là được”.
Chàng thà chìa lưng cõng nàng còn hơn phải nhìn cái dáng đi cà nhắc của nàng.
“Không cần, muội vịn vào huynh đi cũng được”, nói rồi giữ lấy tay chàng, vươn người dựa sát vào chàng.
Tai Tử Hân đỏ bừng lên, thân mình cứng ngắc lại, cực kỳ không thoải mái, lúng túng nói: “Thật ra cô cũng có thể ngồi lên ngựa…”.
“Muội không thèm ngồi cùng chỗ với nam nhân thối lai lịch bất minh ấy!”, nàng tức tối lớn tiếng kêu: “Xí! Xí! Xí!”.
Còn có thể như thế nào đây? Chàng đành dìu nàng tiếp tục đi.
Len qua kẽ lá, mấy vì sao như những viên đá quý nạm trên nền trời đen thẫm lung linh toả sáng.
Gió đêm ùa tới, sương đọng nặng kẽ lá, một đám sương mù mỏng manh từ từ phiêu động trong rừng.
Tất thảy đều yên ắng, yên ắng đến độ khiến người ta nghẹt thở, yên ắng tới mức khiến lòng người sợ hãi.
Đi được một lúc, Tử Hân phát hiện người đi bên cạnh không hề cà nhắc, cô ta đã khôi phục lại bước chân bình thường.
“Vừa rồi chân của cô còn có vẻ rất đau, sao nhanh thế đã khỏi rồi?”, chàng không nhịn được hỏi.
“Bị huynh doạ cho, đương nhiên phải khỏi thôi”, nàng đau buốt tim nhưng không đi khập khiễng nữa.
“Tôi doạ cô lúc nào?”, chàng cười khổ.
Nàng không trả lời, chợt đổi sang một chủ đề khác: “Phía trước có ánh đèn, chắc chúng ta sắp tới đường lớn rồi”.
Kỳ thực ánh đèn đó xa tựa sao trên trời, bọn họ đi trọn hai canh giờ mới ra được khỏi rừng.
Dọc đường, chân của nàng đau muốn chết, cho tới khi chân đã tê dại đi thì đúng là không đau nữa.
Khi về tới Dụ Long khách điếm thì trời đã rạng sáng, lúc lên lầu, nàng không sao nhấc nổi chân nữa, Tử Hân đành phải nửa lôi nửa đẩy mới đưa được nàng tới phòng ngủ của mình, nàng đổ xuống giường, đầu chưa chạm gối đã ngủ thiếp đi.